Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2020

Một Vụ Bắt Cóc


Reeng! Reeng!

Khôi và Việt đang ngồi châu đầu suy tính nước cờ bên mảnh giấy kẻ ô vuông đều ngửng cả lên:

- Có chuông điện thoại!

Tiếng chuông réo nghe giật giọng, cấp bách. Khôi đứng vội lên bảo bạn:

- Việt ngồi đây nhé, để tớ sang xem có chuyện gì, vì ba Khôi đi vắng.

Khôi chạy sang phòng làm việc của cha không đầy năm phút đã quay trở lại, răng cắn trên môi.

Việt nhìn bạn hỏi:

- Gì thế Khôi?

- Có chuyện khẩn cấp Việt ạ. Giáo sư Minh Đăng kêu cứu.

- Giáo sư Minh Đăng?

- Ừ, chính giáo sư gọi cho ba Khôi, bảo có một bọn lạ mặt vừa đột nhập vào nhà định bắt cóc ông ta...

Việt cười:

- Cụ Minh Đăng, Giáo sư môn Sử Địa trường Đại học mà bị bắt cóc! Ai bắt cóc cụ làm gì? Chắc lại có tướng sinh viên lớn đầu nào muốn "đùa dai" đấy thôi!

Khôi kéo Việt dậy:

- Không phải chuyện đùa đâu! Chúng mình phải hành động gấp mới được.

- ?!

- Vì Khôi nghe ba nói hình như Giáo sư Minh Đăng có khám phá ra một ngôi cổ mộ của người Hời...

- Ba Khôi có quen Giáo sư Minh Đăng à?

- Không. Nhưng ba Khôi là thám tử nên ông để ý nghe ngóng tới hết mọi việc... Biết đâu bọn kia chẳng muốn bắt cóc Giáo sư để tìm đào ngôi cổ mộ ấy, mà họ biết có chôn giấu nhiều vàng bạc châu báu?

- Ừ, có thể lắm! Nhưng ba Khôi đi vắng, chúng mình biết tính sao bây giờ?

- Hồi nãy, đến chơi với Khôi, Việt đi bằng gì?

- Xe gắn máy.

- Được rồi! Chúng ta phóng thẳng lại nhà Giáo sư...

- Ông ấy ở đâu?

- Ờ nhỉ! Ban nãy Khôi chưa kịp hỏi thì điện thoại đã cúp ngang...

Khôi chạy sang bàn giấy của cha tìm cuốn "Điện Thoại niên giám" lật tìm và reo lên:

- Đây rồi! Nhà Giáo sư ở bên Thị Nghè, biệt thự Tĩnh Tâm... Mau lên Việt!

Đôi bạn chạy ra xe rồ máy.

Bị bạn lôi kéo, Việt vẫn còn hoài nghi, nhưng thấy cuộc mạo hiểm có vẻ hồi hộp, nên hỏi:

- Khôi tính thế nào?

- Cứ đến nơi đã rồi sẽ liệu. Chúng mình giả làm phóng viên nhà báo...

- Chúng mình mà là phóng viên nhà báo? Không được đâu cậu ơi! Hai thằng chỉ có thể là học sinh trung học được thôi...

- Đúng thế. Nhưng là Học sinh chúng ta cũng có thể là phóng viên cho một tờ báo Thiếu nhi chứ?

- Ừ, nhưng đến với mục đích gì?

- À, với... mục đích... xin giáo sư cho xem những di tích sử liệu mà giáo sư sưu tầm được...

- Thế nhỡ...

Khôi cắt ngang:

- Thôi, đừng hỏi nữa. Chúng ta đến nơi rồi.

Đôi bạn nhảy xuống xe.

Biệt thự Tĩnh Tâm vắng lặng, giữa một vườn cây u tịch.

Khôi đưa mắt nhìn bao quát. Anh lẩm bẩm:

- Không thấy bóng ai cả. Nhưng chắc chắn giáo sư có nhà vì chiếc xe hơi của ông ta còn đậu trong nhà xe.

Việt đưa ra một nhận xét:

- Cửa nhà xe mở rộng, có lẽ giáo sư sửa soạn đi đâu đó.

- Khôi tiếp:

- ... Thì gặp bọn kia nên quay trở vào. Hoặc chính bọn họ mở sẵn để đưa giáo sư đi bằng xe của ông ta.

Việt thì thầm:

- Chúng mình vô chứ Khôi? Cần bấm chuông gọi không?

Khôi lắc đầu:

- Cổng biệt thự không đóng, chúng mình cứ việc vào rồi gõ cửa chính thì hơn.

- Nhỡ có chó?

Ý kiến của Việt làm Khôi cũng hơi trợn. Nhưng đã đến đây không lẽ đứng ngoài nhìn. Suy nghĩ, Khôi hỏi bạn:

- Xe cậu có cái khóa dây phải không?

Việt vỗ lên yên xe đáp:

- Có. Mắc dưới này.

Cầm chiếc khóa dây, Khôi mỉm cười bảo bạn:

- Cứ yên trí Việt ạ! Nếu có chó đã có cái này. Vả lại, Khôi chắc nó đã bị xích lại rồi.

Việt vững tâm theo bạn. Anh thấy Khôi tiến thẳng đến nhà để xe của giáo sư Minh Đăng, nhẹ nhàng đóng lại một cánh cửa và ra dấu cho Việt đẩy xe gắn máy tới, để dựa vào đó. Việt lặng lẽ làm theo lời bạn, và không khỏi ngạc nhiên thấy Khôi móc chiếc khóa dây khóa liền chiếc xe vào gióng cửa.

- Sao lại khóa xe của mình ngay trước mũi xe của giáo sư thế?

Khôi thản nhiên đáp:

- Ồ, không sao đâu. Nếu giáo sư tiếp mình, tức là ông chưa cần đi. Điều cần nhất là ông còn trong nhà.

Cả hai quay lại phía cửa chính của ngôi biệt thự. Bước lên thềm gạch hoa, đứng sau Khôi đang giơ tay gõ cửa, Việt thấy hồi hộp như một cậu học sinh sắp bước vào phòng giám khảo. Tim Việt đập mạnh, rộn rã trong lồng ngực.

Có tiếng động ở bên trong, như một chiếc ngăn kéo bị đóng vội... Rồi tiếng bước chân tiến ra cửa. Một bóng đàn ông nhô ra đứng sững trước mặt hai người. Việt bối rối, lặng nhìn. Người đàn ông đã đứng tuổi, phục sức tề chỉnh rõ ra vẻ một nhà trí thức mô phạm. Đặc điểm nổi nhất trong người ông ta là vừng trán hói, và cặp mắt kiếng long lanh dưới hàng mi rậm. Cặp mắt kiếng ấy chiếu thẳng vào đôi bạn như dò xét.

Khôi ấp úng nói:

- Thưa... chúng cháu muốn gặp giáo sư Minh Đăng...

Người đàn ông hỏi:

- Các cậu là... học sinh?

- Thưa... vâng!

- Mà các cậu đã biết giáo sư Minh Đăng bao giờ chưa?

- Dạ chưa.

- Vậy các cậu muốn gặp giáo sư có việc gì?

- Thưa, chúng cháu là phóng viên của tờ THIẾU NHI, đến xin... phỏng vấn...

Người đàn ông nhếch một nụ cười:

- À, thế thì tôi là giáo sư Minh Đăng đây. Nhưng các cậu có thể để đến bữa khác hãy lại được không?

Khôi lễ phép nhấn mạnh:

- Thưa giáo sư, chúng cháu cần được lĩnh ý giáo sư để có bài cho số báo tới.

Lưỡng lự một lát, người đàn ông mở cửa nhường lối cho Khôi và Việt:

- Nếu vậy, mời hai cậu vào. Song tôi báo trước là hôm nay tôi rất bận, chỉ có thể dành cho các cậu chừng năm mười phút là cùng...

- Dạ...

Trước khi chỉ ghế cho Khôi, Việt, ngồi chơi ở phòng khách, người đàn ông mở cánh cửa ngách thông ra cầu thang, gọi lên lầu:

- Chú Năm, dưới này tôi có khách.

Quay lại, người đàn ông ra dấu cho đôi bạn trẻ theo ông tới chỗ bàn làm việc kê ngay gần đó.

Theo sau người đàn ông, Việt thầm nghĩ: "Người đàn ông này có vẻ thông thạo đường lối trong nhà. Chắc hẳn ông ta là giáo sư Minh Đăng rồi!"

Anh muốn nói ngay ý nghĩ ấy với bạn, và ghé vào tai Khôi:

- Chúng mình "lỡ tầu" rồi!

Khôi lừ mắt nhìn bạn, thì thầm:

- Yên!... Cậu cứ để mặc tớ. Xem sao đã!

Người đàn ông kéo ghế ngồi sau bàn giấy dáng điệu rất tự nhiên. Chờ cho Khôi, Việt yên vị trước mặt mình ông ta nghiêm nghị bảo:

- Nào, hai cậu cho tôi biết có điều gì cần hỏi?

Khôi nói:

- Thưa giáo sư, trước hết chúng cháu xin giáo sư vui lòng cho chúng cháu một tấm hình và được phép giới thiệu chân dung của giáo sư với các độc giả Thiếu Nhi...

Cặp mắt sâu, ẩn dưới đôi lông mày rậm của người đàn ông, chớp chớp sau làn kính trắng.

- À... Điều này... rất tiếc là tôi không có bức ảnh nào. Tôi sống cô độc, bận rộn với các công việc tìm tòi và giảng dậy ở Đại học nên ít khi có dịp chụp hình...

- Thưa giáo sư, nếu vậy, xin giáo sư cho chúng cháu đôi hàng lưu bút và chữ ký của giáo sư cũng được.

Nói đoạn, Khôi đứng lên móc cuốn sổ tay trong túi, mở sẵn hai trang trắng đặt lên bàn.

Việt theo dõi cử chỉ của bạn. Anh để ý cuốn sổ tay của Khôi, được đặt chồng lên những trang bản thảo đang viết dở ngay trước mặt người đàn ông. Những giòng chữ ghi trên bản thảo được viết bằng mực đen với những nét chân phương đều đặn. Một chiếc bút máy đã mở sẵn nắp đặt nằm ngang bên cạnh. Hình như những trang bản thảo ấy đang được viết thì phải bỏ dở vì có người vào.

Người đàn ông gật đầu:

- Tôi sẵn lòng! Điều yêu cầu nầy của các cậu không có gì khó khăn cả.

Ông ta rút chiếc bút máy trên túi áo xuống đề vài chữ vào cuốn sổ của Khôi và ký tên. Dưới ngòi bút, trên trang giấy trắng, những nét chữ gai góc màu xanh nổi lên rõ rệt.

Khôi liếc nhìn rất nhanh, lấy lại cuốn sổ cho vào túi:

- Xin cám ơn giáo sư...

Người đàn ông bắt đầu tỏ vẻ sốt ruột. Ông ta gõ nhẹ ngón tay trên mặt bàn:

- Nào, còn gì nữa không?

- Thưa... chúng cháu ước ao được giáo sư cho xem những cổ vật liên quan tới sử liệu mà giáo sư đã sưu tầm được.

Người đàn ông đứng lên, dẫn Khôi, Việt sang phòng bên cạnh.

- Đây là phòng chứa tài liệu của tôi... Và cũng là chỗ tôi thường ngồi nghỉ ngơi, tập trung tư tưởng...

Đứng trước căn phòng rộng rãi, sáng sủa, bày la liệt những tượng ảnh, Việt thốt lên:

- Chà đẹp quá. Chẳng khác gì một phòng triển lãm.

Khôi dường như cũng quên cả mục đích tới đây, trầm trồ khen ngợi:

- Đẹp thật!

Người đàn ông ung dung mỉm cười:

- Tất cả công trình sưu tập của tôi trong mấy chục năm nay. Nếu các cậu đi một vòng các cậu sẽ thấy nhiều cổ vật qua các triều đại của nước ta... Chẳng hạn như đây là một chiếc trống đồng thường dùng để thúc quân ra trận... Đây là mấy mẫu tiền kẽm lưu hành từ xưa... Còn đây là tượng của một vị vua Chàm với chiếc lọ sành đào được trong một ngôi cổ mộ...

Việt như bị lôi cuốn, hấp dẫn, vì lời giảng giải của ông ta. Nhưng chợt Khôi chỉ lên mấy bức cổ họa treo trên tường hỏi:

- Thưa giáo sư, hình như những bức họa này vẽ lại chiến thắng của ta với quân Tầu?

- Phải!

- Thưa giáo sư, bức này là?...

- Ờ... Bức này tả lại cảnh Hưng Đạo Vương đại thắng quân nhà Thanh tại sông Bạch Đằng...

- Thưa, còn bức này?

- À... đây là cảnh vua Quang Trung cả phá quân Nguyên tại trận Đống Đa.

- Việt láu táu nói:

- Dạ, trong trận này có một tướng Tầu tự tử chết phải không ạ?

- Ờ... Phải! Đó là tướng Tôn Sĩ Nghị...

Đột nhiên Khôi nhìn thẳng vào mặt người đàn ông hỏi:

- Thưa giáo sư chúng cháu có thể lên thăm trên lầu được không?

Người đàn ông cau mày đáp:

- Trên lầu là phòng ngủ riêng của tôi. Vả lại...

Ông ta giơ chiếc đồng hồ tay:

- Thì giờ tôi dành cho các cậu đã khá lâu rồi. Các cậu còn cần hỏi điều gì nữa không?

Khôi bình tĩnh đáp:

- Thưa có. Chúng tôi muốn biết giáo sư Minh Đăng hiện giờ ở đâu, vì ông không phải là giáo sư Minh Đăng!

Người đàn ông quắc mắt nhìn Khôi, rồi bất ngờ xô mạnh Khôi ngã xuống đất toan chạy ra cửa. Nhưng Khôi đã vùng trở dậy, và với một phản ứng nhanh nhẹn của tuổi thiếu niên anh nhoài người túm được chân của hắn. Hắn vùng vằng hét lên lầu:

- Chú Năm, đưa hắn ra xe ngay đi!

Khôi cũng thúc dục bạn:

- Việt, chạy ra gọi ngay điện thoại cho quận cảnh sát!

- Số mấy?

- Gọi về cho ba Khôi cũng được. Số 538.

Việt nhảy bổ ra chỗ bàn giấy, quay số... trong lúc Khôi cũng lao người ra chạy tới cửa cầu thang.

Trên cầu thang Việt thấy rõ giáo sư Minh Đăng, tay bị trói, miệng bị bịt một mảnh vải, phía sau có một người đàn ông lực lưỡng đang áp giải. Thoáng thấy Khôi dưới chân cầu thang người ấy vượt qua mặt giáo sư hùng hổ đi xuống. Chính trong giây phút ấy giáo sư Minh Đăng đã lanh trí tự cứu thoát được hoàn cảnh. Thừa lúc người kia vừa qua mặt mình, giáo sư co chân đạp mạnh vào lưng hắn khiến hắn loạng choạng, ngã chúi từ trên cao xuống, nằm đau điếng trên nền gạch. Nhân lúc hắn chưa chạy được, Khôi nhanh như cắt đã tháo dây lưng trói nghiến hai tay hắn lại.

Việt chạy lên cầu thang gỡ trói cho giáo sư. Ông thều thào nói:

- Cám ơn các cậu... Hai cậu ở đâu tới cứu nguy được cho tôi?

- Thưa giáo sư chúng cháu có nghe giáo sư gọi điện thoại...

- À!

Chợt giáo sư Minh Đăng ngơ ngác nhìn quanh:

- Còn một tên nữa đâu? Tên chủ mưu?

Khôi nói:

- Thưa giáo sư, hắn ở trong phòng tài liệu, nhưng không chắc có còn trong đó nữa...

Việt bàn:

- Chúng ta thử tìm xem hắn đâu?

Cả ba, mỗi người thủ một vật nặng: Giáo sư vớ được chiếc dù, Việt xách một bình hoa bằng đồng, còn Khôi vác luôn chiếc ghế đẩu, nối đuôi nhau xục vào phòng tài liệu.

Quả nhiên người đàn ông giả làm giáo sư không còn đó nữa.

Hắn đã xuống nhà xe, leo lên xe hơi của giáo sư, mở máy... Nhưng hắn bỗng lầu bầu nhảy xuống, vì chợt thấy cửa nhà xe bị án ngữ mất một nửa. Hắn loay hoay không sao mở ra được, vì chiếc xe gắn máy của Việt đã khóa liền vào chốt cửa.

Trên phòng tài liệu, giáo sư Minh Đăng nghe tiếng rú của động cơ, hấp tấp nói:

- Hắn vào nhà xe rồi! Hắn đương mở máy cho xe chạy. Hắn định tẩu thoát bằng xe của tôi.

Khôi nở rộng một nụ cười:

- Thưa giáo sư, hắn không thoát bằng xe được đâu, vì cửa nhà xe đã đóng lại rồi.

Việt tiếp:

- Và cũng không thể thoát được bằng cách nào khác, cháu đã liên lạc bằng điện thoại với thám tử Trần Tâm. Chắc thế nào bác Trần Tâm cũng đưa cảnh sát tới bây giờ.

Quả nhiên, Việt vừa nói rứt lời, thì chiếc xe hơi của cảnh sát đã xịch đổ ngoài cổng.

Nhìn qua cửa sổ trông ra vườn, Khôi mừng rỡ reo lên:

- Ba cháu kia rồi. Ba cháu dẫn cảnh sát tới!

Giáo sư Minh Đăng thở dài bỏ chiếc dù xuống, và khoan khoái trở ra phòng khách.

Lát sau một cuộc sơ vấn được diễn ra tại phòng khách của biệt thự Tĩnh Tâm.

Tên chủ mưu bắt cóc giáo sư Minh Đăng thú nhận đã đột nhập vào  biệt thự, mưu toan bắt cóc giáo sư đưa ra ngoài bằng chính xe của ông ta. Hắn sẽ đóng vai vị giáo sư khả kính ngồi trên xe để không ai có thể ngờ vực được. Mục đích cuộc bắt cóc này là để tìm đào ngôi cổ mộ, mà hắn biết rõ có chôn giấu nhiều vàng bạc châu báu trước khi giáo sư thông báo cho Viện Bác Cổ được biết.

Mọi công việc đã được chuẩn bị sẵn sàng. Không ngờ... hắn thở dài chỉ vào Khôi, Việt:

- Tôi không dè hai cậu học sinh này có đủ thông minh và can đảm phá hỏng mất mưu toan của tôi!

Thám tử Trần Tâm hân hoan vỗ vai Khôi và vui vẻ bảo Việt:

- Sáng nay có việc vắng nhà, khi trở về bác có bắt gặp mảnh giấy của Khôi để lại trên bàn vắn tắt cho biết hai anh em đến biệt thự Tĩnh Tâm, giải cứu cho giáo sư Minh Đăng. Bác còn đang phân vân thì nghe điện thoại cháu gọi, nên bác vội tới quận cảnh sát và cùng các ông ấy đến đây ngay.

Giáo sư Minh Đăng đứng lên nắm lấy tay Khôi và Việt ân cần nói:

- Cám ơn hai cậu. Nhờ hai cậu lanh trí nên bọn gian đã bị bắt. Công việc khảo cứu của tôi lại có thể tiếp tục tiến hành. Từ nay hai cậu cứ coi tôi như một bạn già. Nếu có điều gì cần đến tôi, các cậu đừng quản ngại. Ngôi biệt thự này, sẵn sàng mở rộng cửa đón tiếp hai cậu.

Quay lại thám tử Trần Tâm, giáo sư tiếp:

- Ông nên vui mừng đã có một người con linh lợi, can đảm. Thật đúng là cha nào con nấy. Trong lúc nguy cấp tôi đã nghĩ đến ông và cũng may gọi kịp điện thoại...

Và hướng về các nhân viên cảnh sát, lúc ấy đang dẫn hai người đàn ông lạ mặt ra xe, giáo sư vui vẻ nói:

- Xin cám ơn tất cả các bạn!

*

Trên đường về nhà, Khôi Việt vui vẻ nói chuyện cùng nhau. Việt nói:

- Khôi này, lúc mới gặp hắn tớ đã tưởng chúng mình bị lỡ tầu đấy. Hắn đóng vai chủ nhà y như thật ấy!

Khôi đáp:

- Phải, nhưng trước khi hành động và đóng giả vai giáo sư, hắn cũng phải dò xét kỹ lưỡng nhà cửa và cách sống của giáo sư cẩn thận lắm rồi mới ra tay chứ. Bởi vậy nên tớ mới thử tìm và lòi ra được bằng chứng tố cáo hắn chỉ là một giáo sư giả mạo. Việt thấy có điểm nào không?

Việt gật đầu, giơ hai ngón tay lên:

- Tớ thấy hai điểm đủ để tố cáo hắn. Điểm thứ nhất: Nét chữ và màu mực khác nhau, của hai chiếc bút máy, giữa trang bản thảo và giòng lưu bút. Điểm thứ hai, là điểm sai lầm về lịch sử: Hưng Đạo Vương đại thắng quân Nguyên tại Bạch Đằng Giang, không phải quân Thanh, và vua Quang Trung cả phá quân Thanh, không phải quân Nguyên. Ngoài ra, tướng Tầu tự tử chết trong trận này là Sầm Nghi Đống. Tôn Sĩ Nghị chạy thoát về Tầu. Có đúng  thế không nào?

Khôi cười gật đầu:

- Đúng rồi!

Và đôi bạn cười vang. Tiếng cười thích thú hòa với tiếng động cơ nổ rền của chiếc xe gắn máy đang phóng nhanh trên đường về.


TRƯỜNG SƠN    

(Trích từ tập truyện nhi đồng Tuổi Hoa số 2, phát hành tháng 6 -1962)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>