Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2021

Thuở Còn Ở Châu Đốc

 

Lên ba, tôi đã phải từ giã gia đình và Sài Gòn thân yêu để xuống Châu Đốc ở với gia đình bác trai. Đến tám tuổi, tôi mới quay trở về cố xứ. Rõ ràng, đời học sinh tiểu học của bất cứ ai cũng chỉ kéo dài vỏn vẹn có năm năm, nhưng đối với riêng tôi, lại bị chia tới hai giai đoạn: giai đoạn đầu ở Châu Đốc, giai đoạn cuối ở Sài Gòn.

Tôi và chị Tâm, chị họ của tôi, phải học mẫu giáo tới hai năm, năm lên ba và bốn tuổi. Giờ đây tôi đoán già đoán non là lúc đó bác gái cho tụi tôi học "dư" một năm như vậy để đỡ phải lo chăm sóc tụi tôi. Lúc đó đi học từ mẫu giáo lên tới bậc đại học chẳng tốn đồng xu cắc bạc nào, dại gì không tận hưởng. Khi tụi tôi còn ở mẫu giáo thì bác gái có nhiệm vụ dắt bộ tụi tôi tới trường, vì trường mẫu giáo gần nhà hơn, còn lên đến tiểu học thì bổn phận đó lại được chuyển sang cho bác trai.

Sự khác biệt lớn nhứt giữa bậc mẫu giáo và bậc tiểu học, theo tôi, chính là sự chuyển đổi từ sử dụng viết chì sang viết mực. (Cũng giống như khác biệt lớn nhứt giữa bậc tiểu học và bậc trung học là sự chuyển đổi sử dụng từ mực tím sang mực xanh, hay là từ xài ngòi viết gắn vào cán viết, khi viết phải chấm ngòi vào bình mực, sang xài viết máy đã được bơm sẵn mực trong viết). Còn đang ngồi trên ghế nhà trường, viết nguyên tử hay viết Bic hình như đều bị cấm sử dụng, chắc vì quá nhanh gọn tiện lợi nên học sinh dễ đâm ra viết ẩu, viết tháu, viết cẩu thả nên không thể rèn nét chữ đẹp được.

Theo tôi được biết, có cả thảy ba loại ngòi viết khác nhau: ngòi viết lá tre, ngòi viết bầu, và một loại ngòi nữa hình thoi trông y hệt ngòi viết máy, tuy lớn hơn. Ngòi lá tre nét chữ rất to nên có lẽ tôi không thích lắm. Có ngồi nhớ lại mới thấy đúng là viết chì dễ xài hơn hẳn ngòi viết: không cần chấm mực, không bị dơ tay dơ đồng phục hay lem luốc ra tập vở, không cần tới giấy chậm hay giấy thấm, không phải xách bình mực tới trường và về nhà....

Viết tới đoạn trên đề cập tới mực tím, tôi sực nhớ tới ngôi trường nam sinh tiểu học Tàu, tọa lạc sau Ty Thông Tin gần nhà bác tôi. Chiều chiều sau khi học bài và làm bài tập ở nhà xong, tôi được phép đi chơi loanh quanh trong xóm. Trong những lần tha thẩn đó, có lần tôi bắt gặp một giàn mồng tơi đang trổ trái tím leo trên hàng rào kẽm gai ngang hông trường. Hình như đây là mồng tơi mọc hoang, và chắc chỉ có tôi dòm ngó tới nó mà thôi, không như những nam sinh người Tàu kia thường hay tụ tập chơi bóng rổ trong sân trường giờ tan học. Buồn buồn tôi ngắt vài trái mồng tơi tím và bóp nhẹ cho màu tím loang ra ngón tay, thấy lòng buồn vô cớ gì đâu.

Nhưng tôi nào có nhớ tôi đã học được những gì khi lên lớp năm (tức lớp một ngày nay). Còn nhỏ quá mà. Nhưng tôi có nhớ cô có chọn vài bạn trong lớp, hình như là những bạn ngồi bàn đầu (như tôi) nhưng thêm một điểm nữa là ngồi đầu bàn, có lẽ để cho tiện. Chẳng biết đó là giờ gì, chỉ biết cô dạy chúng tôi bài hát Sơn Tinh, Thủy tinh rất dễ nhớ dễ thuộc và các bạn được chọn ấy sẽ múa phụ họa, bằng cách cầm những cây thước kẻ bằng gỗ giả làm thanh kiếm và đọ kiếm với nhau chát chát. Mới đây tôi có coi một video clip có nhan đề đại khái là... lớp không có con gái nhưng cô giáo lại bắt múa, thế là các bạn nam sinh phải mặc váy và lên sân khấu trình diễn, trông cũng dẻo ra phết. Lớp năm năm ấy của tôi thì lại trái ngược hẳn lại, lớp không có con trai (trường nữ tiểu học mà) nhưng cô lại bắt đấu kiếm. Thế nên dù đóng vai Thủy Tinh hay Sơn Tinh hoặc vua cha và công chúa Mỵ Nương thì cũng toàn là con gái rặt mà thôi.

Tôi đoán những học sinh cùng thế hệ với tôi đều có biết qua bài hát thiếu nhi này, nên người viết mạn phép trích vài đoạn của lời bài hát ấy xem có gợi nhớ được cho các bạn chút kỷ niệm ngày xanh nào không nhé:

Nhớ nhớ xưa kia, non nước an lạc thái bình, thái thái bình Có cô Mỵ Nương, tuổi xuân vừa lên đôi tám Xinh tươi như hoa, đẹp như tiên nga Non Bồng giáng sinh, non Bồng giáng sinh Đến một bữa kia, đâu đó ra mặt hai chàng, hai hai chàng. Tâu xin vua cha, cầu hôn cùng cô công chúa. Hai trai hiên ngang, liệt oanh như nhau. Vua Hùng khó phân, vua Hùng khó phân. Khó tính dữ đa, ta biết toan liệu thế nào, thế thế nào? Mai ai nhanh chân vầy duyên cùng cô công chúa.Mai ai nhanh chân, mai ai nhanh chân Thỏa lòng ước mơ, thỏa lòng ước mơ...

Vào một trường tiểu học ngày xưa, hoặc nhiều khi chưa vô tới đâu, mà chỉ cần đi ngang qua thôi, thì ai cũng có thể nghe thấy tiếng thước gỗ của thày cô gõ chan chát trên mặt bàn, mặt bảng làm nhịp; tiếng trẻ ê a đồng thanh đọc bài, nhất là các bài Ám Đọc, hay Học Thuộc Lòng. Đôi khi chỉ cần nghe các chị lớp trên đọc vài lần ở lớp bên cạnh là tôi cũng có thể thuộc luôn những bài Học Thuộc Lòng đó, như bài Giờ Quốc Sử chẳng hạn!

GIỜ QUỐC SỬ

Những buổi sáng vừng hồng le lói chiếu

Trên non sông, làng mạc, ruộng đồng quê,

Chúng tôi ngồi yên lặng, lắng tai nghe

Tiếng thầy giảng khắp trong giờ Quốc sử.

Thầy tôi bảo: “Các con nên nhớ rõ,

Nước chúng ta là một nước vinh quang.

Bao anh hùng thuở trước của giang san,

Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc.

Các con nên đêm ngày chăm chỉ học,

Để sau này mong nối chí tiền nhân.

Ta tin rằng, sau một cuộc xoay vần,

Dân tộc Việt vẫn là dân hùng kiệt.

Ta tin tưởng không bao giờ tiêu diệt,

Giống anh hùng trên sông núi Việt Nam.

Bên những trang lịch sử bốn ngàn năm,

Đầy chiến thắng, vinh quang và hạnh phúc”

Chẳng biết trong nội quy của trường có cấm đoán nữ sinh tiểu học chạy nhảy (quá trớn) trong giờ chơi hay không, chỉ biết rằng có lần tôi và chị Tâm cùng vài đứa bạn cùng lớp bị một giáo viên hay chính bà hiệu trưởng bắt phạt đứng khoanh tay ngay trong phòng giám hiệu vì đã rượt đuổi nhau trong sân trường! Kỷ niệm không vui này gợi tôi nhớ tới những lời cô Dung, giáo sư Việt Văn của tôi dạy bảo chúng tôi năm lớp chín, Con gái là phải bước những bước nhung nghe không! Bước nhung!

Đôi khi tôi muốn về thăm lại những hương lộ thanh bình ở Châu Đốc, thuở tôi còn là một học sinh tiểu học. Tôi nhớ những lần một mình lang thang ra bên hông ngôi trường tiểu học gần nhà, có mồng tơi leo kín rào, và trong cái tĩnh lặng của buổi chiều tàn, thỉnh thoảng bị phá tan bởi tiếng trái bóng rổ nện thình thịch xuống mặt sân, tiếng xí xô xì xào của những chú học trò Tàu nọ, tuy chơi thể thao nhưng vẫn mặc đồng phục tề chỉnh: quần shorts xanh dương, áo sơ mi trắng, và vớ kéo lên cao gần đầu gối, tôi sẽ hái vài trái mồng tơi kỷ niệm dễ thương đó, để tìm lại màu tím học trò thuở ấu thơ, lắng nghe cái buồn man mác len vào lòng, và sống lại những tháng năm êm đềm kia, thuở còn là học sinh tiểu học, thuở còn ở Châu Đốc...

Nhớ Thu nào qua mấy mùa hoa Mơ bóng dáng năm xưa xa mờ. Chiều chiều tìm trong tia nắng phai. Gửi về nơi chân mây cuối trời bao buồn vui giữa mùa hoa tím... (Nhớ mùa hoa tím, Mạnh Phát)

 

Trần Thị Phương Lan     
(Bút nhóm Hoa Nắng)    
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>