Thúy vừa đi học về đến cổng, thằng Lãm đã hớn hở chạy ra.
- Chị Thúy ơi! Em đã xài được tờ bạc rách ấy!
Rồi nó nhảy cỡn lên:
- Sướng quá, mà chị thua em đấy nhé!
Thúy không vui, xoa đầu em:
- Lãm mua gì thế? Vô phúc cho kẻ nào lấy phải tờ giấy bạc ấy.
Lãm ngạc nhiên:
- Chị nói sao? Vô phúc cho con bé bán bánh mì đấy à? Nó trông hiền lành quá chị ạ.
Nói rồi, Lãm chạy vào tủ lấy ra một gói kẹo đưa cho Thúy.
- Kẹo đâu thế này? Tiền đâu em mua nhiều thế?
Lãm kiêu hãnh nhìn chị, rồi líu lo như con chi, nó kể:
- Buổi sáng chị đi tập thể dục, em ở nhà thấy một con bé bán bánh mì đi qua. Thấy nó thật thà em liền gọi vào mua ngay 5 ổ!...
Thúy nóng nảy:
- Rồi tiền đâu em trả?
- Thì tờ bạc rách chị cho Lãm chiều qua chứ đâu nữa!
- Trời ơi! Tờ bạc rách ấy mà con bé cũng lấy sao?
Thằng Lãm nheo một mắt cười hềnh hệch:
- Thế mới tài chứ! Chị Thúy có phục Lãm không nào?
- Ừ phục! Phục Lãm rồi đấy, kể tiếp chị nghe đi!
Như để tỏ cho chị thấy cái tài của mình, Lãm chạy lại kệ sách xé một tờ giấy đem đến trước mặt Thúy:
- Chị xem đây! Em xếp tờ bạc như thế này thì dù có rách đến đâu nó cũng không biết.
Vừa nói Lãm xếp tờ giấy lại làm tư rồi khoái chí nói tiếp:
- Mà cũng may chị ạ. Con bé không mở tờ bạc ra, chứ nó mở thì... Vì lúc ấy bên kia đường có tiếng người gọi nên nó nhét vội tờ bạc vào bị rồi cắm đầu chạy qua bán kẻo sợ đứa khác bán trước.
Thùy ngao ngán:
- Thế tại sao lại có kẹo cho chị?
- Thì em chỉ mua năm ổ bánh thôi, còn 10 đồng con bé thối lại em đi mua kẹo.
Nói rồi Lãm bỏ gói kẹo vào tay chị năn nỉ:
- Chị ăn đi chứ. Em để dành cho chị đấy mà.
Nhưng bỗng nhìn lên Lãm thấy hai giọt nước mắt từ từ lăn trên má Thúy, nó hốt hoảng:
- Ô kìa, chị khóc đấy à? Chị giận Lãm phải không?
Thúy lau vội nước mắt chạy vào phòng, Lãm ngơ ngác chạy theo bị Thúy gắt:
- Ra ngoài kia chơi, không tao đánh cho bây giờ! Mày chả ngoan tí nào cả!
Rồi đóng cửa phòng lại, Thúy nằm xuống giường mặc ho nước mắt thấm ướt cả gối.
*
Thúy không ngờ tờ bạc rách ấy Lãm lại dùng được. Đó là tờ giấy bạc 20 đồng rách mất một góc và dán chằng chịt. Thúy lượm được ngoài đường (chắc của người ta vất đi vì không dùng được nữa). Rồi một hôm vui miệng, Thúy hứa với Lãm sẽ cho 20 đồng, nếu nó học thuộc bản cửu chương sau bìa vở. Lãm học thuộc thật và dĩ nhiên Thúy cho nó tờ bạc rách ấy. Nhưng nàng không bao giờ ngờ rằng Lãm có thể dùng tờ bạc ấy để mua quà bánh. Thúy cứ tưởng em nàng còn dại lắm.
Thế mà không, Lãm đã biết gấp tờ bạc làm tư, thu góc bị rách vào trong để con bé bán bánh mì khỏi trông thấy. Lãm tự đắc là nó tài! Rồi biết đâu tài của nó không phát triển?
Nghĩ đến đó nước mắt của Thúy lại ràn rụa. Vô tình nàng đã tập cho em lừa gạt người ta, lừa gạt một đứa bé bán bánh mì khổ sở. Hai mươi đồng bạc đối với gia đình nàng thì không nghĩa lý gì thật, nhưng với người ta lại khác. Biết đâu con bé khốn nạn ấy lại không bị trận đòn tàn nhẫn. Biết đâu cả nhà nó phải nhịn đói vì cầm tờ bạc rách đi nài từng lon gạo không ai bán cho? Miên man suy nghĩ rồi Thúy ngủ thiếp đi.
*
Trên đường dẫn đến hí viện Phi Anh, chị em Thúy vừa đi vừa trò chuyện. Bỗng từ xa một em bé độ 12 tuổi, ăn mặc rách rưới, mặt mũi lem luốc, đi tới trước mặt Thúy, ngả tay ra van xin:
- Cô thương em với. Cho em kiếm ít đồng!
Thấy em bé hiền lành dễ mến, Thúy kéo nó vào một bên đường hỏi:
- Cha mẹ em đâu?
Mếu máo em bé kể:
- "Mẹ em chết sớm. Ba em lấy dì ghẻ. Dì em ác nghiệt đánh đập em luôn và bắt em đi bán bánh mì mỗi buổi sáng... Sáng nay vì đi bán sớm quá, em không trông rõ một tờ bạc rách..."
Không đợi em bé kể hết, Thúy ôm lấy nó, giọng cảm động:
- Thôi chị hiểu rồi. Chắc là tờ 20 đồng rách hẳn một góc và dán chằng chịt?...
Đứa bé ngơ ngác không hiểu ất giáp gì. Nó lấy trong bị ra tờ bạc nhàu nát. Trông thấy, thằng Lãm hoảng hốt la lên:
- Chị Thúy, chính tờ bạc của chúng ta!
Vâng, đúng là tờ bạc rách của chị em Thúy đấy. Con bé này sau khi bán hết bánh mì, soát lại tiền để đưa cho dì ghẻ, nó tái mặt khi thấy tờ bạc 20 đồng rách tơi tả. Nhưng sự đã rồi, nó cũng phải đưa cho dì ghẻ chứ biết làm sao! Tội nghiệp! Nó không biết xếp tờ bạc lại như thằng Lãm đã đưa cho nó khi sáng. Nó lại mở ra để tờ bạc lọt vào cặp mắt của bà dì. Tức thì một cái tát như trời giáng vào mặt nó:
- Trời ơi! Mày hại bà rồi! Buôn bán cái ngữ này thì chết theo cái con mẹ mày cho rảnh mắt tao! Mày đui hay sao mà lấy tờ bạc này? Thôi, cút khỏi nhà bà ngay...
Rồi bà la làng, la xóm, bà đánh thùm thụp vào lưng nó. Con bé ôm mặt đi thất thểu từ đầu đường xó chợ kiếm từng đồng góp lại cho đủ số 20 đồng.
- Thôi, em đừng khóc nữa, cho chị đổi tờ bạc này nhé.
Thúy mở ví lấy cả số tiền mẹ cho đi xem chiếu bóng chiều nay đưa cho em bé:
- Em cầm lấy! 20 đồng này thì đưa về trả lại cho dì em, còn 30 đồng này em cất lấy mà tiêu.
Con bé mở to đôi mắt ngạc nhiên, rụt rè không dám nhận:
- Em đâu có dám xin cô nhiều như thế này!...
Thúy nhét 50 đồng bạc vào bị nó:
- Cất đi. Chị giúp em mà!
Con bé cám ơn rối rít rồi ba chân bốn cẳng ù chạy. Phút chốc, nó đã mất hút vào giữa thành phố!
*
- Về thôi chị Thúy!
Thúy bàng hoàng như vừa tỉnh một giấc mơ nắm lấy tay em:
- Ừ, về thôi, Lãm!
Trên đường về, hai chị em cùng yên lặng. Bỗng Lãm xiết mạnh tay chị:
- Chị Thúy! Chị tha lỗi cho em. Em đã làm chị buồn và con bé kia bị đánh đập khổ sở!
Chỉ đợi thế, Thúy sung sướng vuốt tóc em:
- Lãm hãy hứa với chị từ đây không làm thế nữa nhé!
- Lãm xin hứa!
Bây giờ hai chị em đã trở lại nói chuyện vui vẻ. Riêng Thúy, nàng cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái như vừa trút được một gánh nặng.
Tuy buổi chiếu bóng hôm nay không xem, nhưng nàng sung sướng vì đã cho em xem một cuốn phim rất sống động, thực tế và giáo dục hơn trên màn ảnh nhiều.
XUÂN LAN
(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Tuổi Hoa "Con Búp Bê Đẹp Nhất")
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.