Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

Thấp Thoáng

 


Tôi ngập ngừng nép vào một bên rào, dưới giàn bông giấy đỏ rực rỡ, nhìn qua cổng: mợ Hai đang cắm cúi xới đất trong chậu lan giữa vườn đầy yên lặng. Những cánh hoa lan mầu hồng pha tím thật tươi dưới ánh nắng mai. Lá cây trong vườn xanh ngắt. Nắng dịu dàng xuyên qua kẽ lá rọi bóng lung linh trên nền đất, trên đám cỏ xanh mướt. Thấp thoáng những cánh bướm đủ màu trên các chậu hoa trước sân nhà, vang vang ở một góc vườn tiếng chim ríu rít. Tất cả tạo nên một khung cảnh yên bình hạnh phúc. Tôi cảm thấy mình quá xa lạ với những hình ảnh êm đềm hiền hòa này. Nỗi lo sợ và ngại ngùng vây quanh tôi.

Tay tôi bỗng dưng chạm nhẹ vào chốt gài cổng. Mợ Hai ngẩng lên, ánh mắt thoáng bỡ ngỡ. Tự nhiên tôi bước nhanh ra trước cổng.

- Kìa Phúc! Con về đó hả?

Tôi nghe xúc động dâng cao trước tiếng gọi đầy vui mừng, đầy thương mến. Mợ Hai nhận ra tôi. Một người cháu bên chồng cả năm mới gặp một lần.

Tôi khẽ gọi:

- Mợ Hai!

Mợ Hai vội vã ra mở cổng. Nắm tay tôi kéo nhanh vào trong, mợ Hai âu yếm hỏi han:

- Trời ơi! Con đi đâu vậy Phúc? Ba đánh tin xuống cả nhà hết hồn. Cậu Hai đi tìm con khắp nơi mà không gặp. Ngoại lo buồn biết bao nhiêu con biết không?

Tôi cúi đầu lặng thinh. Mợ Hai lắc nhẹ tay tôi:

- Hả Phúc? Con đi đâu mấy tháng nay vậy? Mẹ chết mới một tuần là con bỏ đi mất biệt.

Tôi ngẩng lên cười chua chát:

- Mẹ chết rồi, ba đâu có thương con mà con ở. Con đi cho ba đỡ lo.

Mợ Hai dịu dàng vuốt tóc tôi:

- Đừng nói vậy, con! Ba thương chớ sao không thương. Mà còn ngoại, cậu mợ, mấy dì dưới này đây. Sao con lại bỏ đi hở Phúc? Ngoại lo lắng bỏ ăn bỏ ngủ. Ai cũng thương con, trông ngóng con hoài.

Tôi muốn bật khóc. tôi tưởng không bao giờ tôi còn được nghe những lời khuyên răn ngọt ngào, trìu mến từ khi mẹ tôi mất. Tôi tưởng mãi mãi tôi chỉ nghe những tiếng quát mắng, những lời nói mỉa mai, những câu chỉ trích nhỏ nhặt đến quen thuộc, nghe chai đá. Để cho tôi xứng đáng là con của một giáo sư gương mẫu.

Tôi nắm chặt tay mợ Hai để tình thương như dòng suối thấm mát cả tâm hồn. Có tiếng kêu to "Phúc!" Tôi quay lại. Chính chạy tới vỗ vai tôi thật mạnh. Tôi siết vai Chính, người anh họ đồng tuổi cũng là người bạn rất thân thiết tuy ít gặp gỡ. Phía sau Chính, thấp thoáng một bóng dáng thùy mỵ với làn tóc đen buông xõa trên vai, với đôi mắt mở rộng chan hòa thương mến. Bóng dáng ấy của Chuyên, người chị họ ngoại mà tôi thấy hiện hữu tất cả những nét đẹp của quê ngoại dấu yêu.

Chính nhìn tôi thân mật đùa:

- Đi "giang hồ" vui không Phúc?

Mợ Hai nhìn Chính không bằng lòng. Mợ hỏi tôi:

- Con về ngoại chưa?

Tôi nhìn xuống đất:

- Hồi nãy con định về ngoại trước, nhưng... con sợ cậu Sáu.

Mợ Hai nắm tay tôi:

- Để mợ dẫn con về. Không ai rầy la gì con đâu. Con về là mừng rồi.

Chính choàng tay lên vai tôi:

- Con đi với Phúc nha mẹ!

Chuyên vừa đến bên mợ Hai, nhìn tôi khẽ mỉm cười:

- Phúc mới về hả?

Nụ cười Chuyên xinh tươi và đằm thắm xiết bao. Tôi liên tưởng đến nụ cười của mẹ tôi. Một ý nghĩ bâng quơ len nhẹ vào trí tôi. Lặng lẽ... Vu vơ...

*

Chính kéo tôi ra vườn sau. Buổi trưa thật êm ả. Chuyên đang ngồi đọc sách dưới bóng cây đu đủ, trên một chiếc ghế mây. Thật thanh thản và tự nhiên. Dáng nàng nghiêng nghiêng, làn tóc đen nhánh, mềm mại xõa xuống trang sách mở rộng.

Chính hỏi to:

- Chị Chuyên làm thơ hở? Đưa em đọc thử xem.

Chuyên ngẩng lên. Lại đôi mắt ấy, đôi mắt mở to một cách hồn nhiên, dễ thương như rất đỗi ngạc nhiên. Nụ cười thoáng bẽn lẽn khi thấy tia nhìn chăm chú của tôi. Vén nhanh làn tóc ra sau, Chuyên nhìn Chính gắt nhẹ.

- Thì đọc đi! Không phải lúc nào cũng thơ thẩn đâu.

Chính cầm quyển sách lên lật xem. Tôi đọc thấy tựa đề: "Ai lên phố cát".

Chuyên nhìn tôi hỏi:

- Phúc định về đây ở luôn hở Phúc?

- Có lẽ vậy. Em cũng chưa biết sao nữa!

Tôi ngước mắt nhìn những trái đu đủ non xanh thật xanh, deo vòng quanh thân cây.

- Mà chắc là em ở đây luôn với ngoại.
 
- Vậy Phúc học ở dưới này?
 
- Không, em không học nữa.
 
- Sao vậy? - Chuyên hỏi, vẻ ngạc nhiên và lo lắng.
 
Tôi cười nhẹ:
 
- Em còn học để làm chi nữa! Mẹ em...
 
Chuyên đứng dậy, đến gần tôi:
 
- Sao Phúc nói gì lạ vậy? "Học để làm chi"

Ánh mắt Chuyên thoáng đăm chiêu:

- Phúc định nghỉ học à?... Năm nay Phúc thi tú tài phải không, học thi cho vui. Hay là Chuyên quay nhanh lại nhìn tôi, mái tóc xõa rộng che lấp một bờ vai mảnh khảnh qua Tết này Phúc lên nhà cậu Hai đi học với chị và Chính.

Chính buông quyển sách lên ghế, vỗ vai tôi:

- Phải rồi! Lên học thi chung với tôi vui lắm! Chị Chuyên luyện thi cho em và Phúc đó nha.

Chuyên cười vui vẻ: "Được rồi!"

Tôi hỏi:

- Chị Chuyên cũng phải học thi tú tài đôi mà?

- Thì chị vừa học vừa luyện thi cho Phúc và Chính.

- Chị Chuyên chì lắm Phúc ơi!

Chính vừa nói vừa nhìn Chuyên cười, ánh mắt có vẻ chế riễu nhưng đầy thương yêu. Tôi cũng cười vui vẻ, cảm thấy lòng khoan khoái, nhẹ nhàng như vừa uống một chén nước dừa ngọt mát.

Chuyên hỏi:

- Vậy là Phúc bằng lòng phải không?

Nhìn đăm đăm vào đôi mắt chờ đợi của Chuyên, tôi gật đầu:

- Để em hỏi ngoại!

Chính nói: "Nội bằng lòng liền, nội lo cho tương lai Phúc lắm mà".

Nắng vẫn vui đùa trên mắt đất. Có tiếng gió rì rào trong lá cây. Buổi trưa sao êm ả vô cùng.

Chính nhìn lên cây ổi:

- Mình hái ổi cho Phúc ăn, chị Chuyên!

Chuyên quay sang tôi:

- Phúc thích ăn mận hay ổi? Để chị hái cho Phúc chùm mận này đẹp lắm.

Chuyên thoăn thoắt leo lên cây mận. Chiếc áo bà ba trắng của nàng thấp thoáng giữa đám lá xanh tươi rậm rạp. Một thoáng, Chuyên nhanh nhẹn nhảy xuống, phủi nhẹ quần áo, rồi đưa cho tôi một chùm năm trái mận to tròn, mơn mởn hồng.

- Dễ thương hở Phúc?

Tôi vẫn mải nhìn đôi mắt to đen lóng lánh của Chuyên:

- Dễ thương lắm!

Chuyên nhìn tôi rồi quay đi thật nhanh, màu hồng thoáng hiện trên đôi má.

Chính đưa tay gỡ nhẹ mảnh lá khô trên tóc Chuyên, rồi chỉ cây ổi gần đó bảo tôi:

- Hôm bữa, chị Chuyên đang ngồi đọc thơ dưới gốc cây này. Tôi chỉ một trái ổi thật to trên cao. Chị Chuyên nhìn lên, tự nhiên hét to, quăng tập thơ chạy vào nhà, mặt tái xanh. Tôi đến gần xem. Thì ra có một con sâu thật lớn, xanh lè, đánh đu ở nhánh cây ngay trên đầu. Chắc nó cũng say mê đọc tập thơ của chị Chuyên...

Chuyên lườm Chính:

- Ngạo chị vậy hoài. Chị méc ngoại...

Có tiếng mợ Hai gọi. Chính cười to chạy vào.

Chuyên quay sang tôi:

- Chính nó chọc phá chị hoài!

Tôi cãi:

- Không, em thấy Chính có vẻ hãnh diện có người chị như...

Tôi không nói tiếp, nhìn Chuyên khẽ cười trong yên lặng.

Chuyên nhìn tôi thoáng ngạc nhiên, rồi cúi xuống, chân dẫm nhẹ lên chiếc lá khô, tiếng lá vỡ vụn thật ròn.

Một làn gió nhẹ thoảng qua. Lá cây xào xạc. Nắng đến khu vườn này càng nhiều. Nắng trưa ở đây không gay gắt, nắng dịu dàng và nghịch ngợm. Nắng trải mình trên con đường sỏi dẫn vào nhà. Nắng làm đỏ rực mái ngói đỏ. Nắng làm ửng vàng mấy quả xoài, quả bưởi, quả cam, làm hồng hồng quả mận. Nắng nhẩy nhót từ trên ngọn cây, trên lá, xuống mặt đất. Nắng vây quanh Chuyên với tôi.

Nhìn chiếc lá vàng lung lay trên một cành cây thấp chực buông mình xuống đất, nhìn những bóng nắng khoét tròn động đậy trên mặt đất, tôi khẽ nói vu vơ:

- Người ta bao giờ cũng ca tụng quê ngoại.

Chuyên nhoẻn cười, ánh mắt trong vắt:

- Vì người ta bao giờ cũng yêu mẹ.

Tôi thờ thẫn đứng lặng. Có một nỗi chua xót trong lòng.

- Chuyên!... Mà em không còn mẹ nữa.

- Nhưng tình yêu mẹ vẫn còn mãi mãi chứ Phúc!

"Yêu mẹ mãi mãi" "Yêu mẹ mãi mãi". Những âm vang này nghe êm ái và trìu mến xiết bao. Lòng tôi như lắng dịu.

Gió làm rơi xuống vài cái hoa ổi từ trên cao. Một cánh hoa rớt trên tóc Chuyên. Tôi ngắm mãi mầu hoa trắng tinh anh trên nền tóc đen.
 
 Chuyên ngước nhìn tôi, mắt long lanh.

Tôi khẽ hỏi:

- Chị định bảo gì em?

- Sao Phúc không muốn học nữa?

Tôi ngạc nhiên:

- Em bằng lòng...

- Không, hồi nãy Phúc nói "học nữa để mà chi?"

Tôi lẵng lẽ nhìn đám lá xanh lung lay trước mặt.

- Mẹ chết rồi, mọi việc đều vô nghĩa đối với em. Em cố gắng học hành chỉ vì muốn đưa mẹ ra khỏi cảnh khổ đau triền miên.

- Không, mẹ chết nhưng hình ảnh yêu thương của mẹ vẫn còn sống muôn đời bên em. Em hãy sống sung sướng trong tình thương mẹ. Dù sao em cũng đã sinh ra và sống trên đời nầy, em muốn chối bỏ cũng không được. Em lớn như thế nầy biết bao nhiêu công lao của mẹ. Hãy quên chán nản mà tiếp tục xây dựng công trình của mẹ, nha Phúc!

Giọng Chuyên thật nhỏ nhẹ, thật hiền hòa.

Tôi thì thầm qua tóc Chuyên:

- Từ đây em sẽ không còn chán nản.

Khu vườn như yên lặng trong nắng. Chỉ nghe tiếng bước chân thật nhẹ của Chuyên.

Tôi nói với Chuyên:

- Chị đi với em ra mộ mẹ một lát nha!

Chuyên khẽ gật đầu.

Tôi bước từng bước lặng lẽ bên Chuyên, trên con đường đất chạy song song với một nhánh sông nhỏ, có hàng dừa cong vút rạp mình trên mặt nước yên tĩnh. Nắng chiều rực rỡ soi óng ánh làn nước lều bều những bèo xanh. Con đường rẽ sang hướng khác. Ở khoảng đồng xưa kia, lưa thưa những nấm mộ đất lún phún cỏ, từng tấm bia xô lệch. Mẹ tôi nằm nơi đó, trong cái mả vôi trắng toát mới xây, chơ vơ giữa bãi cỏ khô...

Tôi đứng trước mộ bia mẹ. Trầm mặc... văng vẳng xa những âm thanh mơ hồ hoang vu của buổi chiều nơi thôn quê... Tóc Chuyên bay bay.

Tôi chợt thở nhẹ, nói trong hơi gió:

- Có lẽ mẹ chết là giải thoát.

Chuyên đưa tay vén nhẹ những sợi tóc vướng bên má, mắt nhìn xa xăm:

- Mẹ chị nói cô Năm là người con gái rất xinh đẹp mà cũng rất bạc hạnh của nội.

- Chuyên biết không, mẹ em đã sống bao nhiêu năm giữa sự thù ghét của họ. Họ ghen ghét mẹ, muốn hãm hại mẹ chỉ vì mẹ đã từng hiện diện trong cái quá khứ tăm tối của họ và mẹ là người đem đến hiện tại huy hoàng cho họ. Bây giờ họ muốn bôi xóa tất cả những gì dính dấp đến dĩ vãng. Em biết được như thế qua những lần cãi nhau giữa ba và mẹ. Họ chính là ông, bà, cô, chú, bác của em.

Giọng tôi trở nên gay gắt:

- Nhưng chính ba mới làm cho mẹ  đau đớn khổ sở nhất. Ba dằn vặt, ba trách móc, ba gay gắt khó chịu. Hình như trong ánh mắt ba nhìn mẹ có vẻ khinh khi. Phải, mẹ đã cho ba, gia đình ba hết tất cả, đâu còn gì nữa...

Cơn uất ức dâng lên, tôi chợt hỏi:

- Em hận ba được không Chuyên? Vì ba mà mẹ...

Chuyên đặt nhẹ tay lên vai tôi, khẽ kêu:

- Phúc!

Tôi thở dài quay đi.

Trên bầu trời xanh xanh, có mây bay nhè nhẹ. Hình ảnh mẹ tôi thoáng ẩn hiện. Mẹ tôi đẹp lắm, đẹp dịu dàng, đẹp trìu mến, như Chuyên vậy. Đôi mắt mẹ thăm thẳm buồn.

- Ngày xưa ba mẹ yêu nhau thật nhiều. Phải chi ba mẹ đừng sống chung với nhau thì tình vẫn còn mãi, Chuyên hở?

Hình ảnh mẹ hiện ra rõ rệt. Ánh mắt mẹ nhìn tôi âu yếm, nụ cười trìu mến và bao dung. Mẹ!

Có tiếng sáo diều thoáng vi vu trong gió. Nỗi xót xa chợt lắng xuống. Nhẹ nhàng, tôi nhìn lại. Chuyên vẫn đứng lặng trước mộ, dáng trầm tư.

Tôi khẽ gọi:

- Chuyên!

Chuyên quay lại, nụ cười đằm thắm:

- Gì hở Phúc?

Tôi bước đến gần, mắt nhìn Chuyên đăm đăm:

- Ngoại và cậu Sáu nói thật đúng. Chị giống mẹ em như đúc, từ khuôn mặt đến dáng điệu.

Chuyên nhìn xuống đất, chân chạm nhẹ vào những lá cây hoa mắc cỡ cho xếp lại, giọng nàng tựa gió thoảng:

- Ngoại chị còn lo sợ cuộc đời chị sẽ gian truân như cô Năm, nên ngoại đặt tên chị là Truân Chuyên để trái nghĩa lại.

- Huỳnh thị Truân Chuyên!

- Nội cũng tin tưởng như vậy.

- Em cũng tin vậy nữa. Vì em nhận thấy chị có điểm khác mẹ em.

Chuyên ngẩng lên, anh mắt thật tươi:

- Điểm khác nào hở Phúc?

- Khác ở đôi mắt và nụ cười. Đôi mắt mẹ lúc nào cũng âu sầu, buồn bã, mang đầy vẻ nhẫn nhục. Ánh mắt chị thì luôn luôn tươi sáng, có nhiều nét cương quyết. Nhất là bụ cười của chị, giống mẹ em lắm, nhưng trọn vẹn, tin yêu hơn nhiều. Có phải vậy không Chuyên?

Chuyên cắn môi, lắc đầu: "Chị không biết".

Tôi khẽ mỉm cười.

Tóc Chuyên lại bay bay trong gió.

Chính từ đằng xa đi lại.

- Đi ghe không Phúc?

Tôi nhìn Chuyên. Nàng lắc đầu:

- Chiều tối rồi, mẹ không cho đâu!

- Vậy thì mai đi. Em sẽ dẫn chị Chuyên và Phúc đi thám hiểm chỗ này lạ lắm. Em mới khám phá con đường.

Sao Chính thật vui vẻ vô tư. Tuy bằng tuổi tôi nhưng tôi cảm thấy tôi lớn hơn Chính rất nhiều.

Có lần Chuyên hỏi:

- Phúc chơi với Chính được hở? Chính nghịch ngợm như con nít. Còn Phúc sao thật trầm lặng.

Chính lại rủ:

- Ra bờ sông chơi, chị Chuyên! Cho Phúc ngắm cảnh "hoàng hôn trên sông".

Chúng tôi sánh vai nhau thong thả đi ra phía bờ sông. Gió chiều thổi lồng lộng mát mẻ.

*

Có tiếng chân bước nhẹ. Tôi quay lại, Chuyên đang đi đến bên một gốc dừa, vịn tay lên thân cây, lặng thinh nhìn xuống dòng sông. 

- Ngoại nói chuyện gì với chị Chuyên mà lâu vậy?

Chuyên không đáp, vẫn đứng lặng yên. Tôi đến sát bên nhìn Chuyên. Mắt Chuyên có vẻ thờ thẫn. Hình như Chuyên buồn. Nhưng tôi biết ngoại không bao giờ rầy là cô cháu nội cưng của ngoại.
 
Chuyên bỗng quay lại hỏi tôi thật bất ngờ:
 
- Em hay hút thuốc phải không Phúc?
 
Tôi giật mình. Sao Chuyên biết?
 
Thấy tôi cúi đầu im lặng, Chuyên nói, giọng thật buồn:
 
- Nội lo buồn về em lắm đó Phúc. Nội nói Phúc không nghe lời nội, Phúc cứ hút thuốc... Mà Phúc hút thuốc để chi vậy? Chuyên nhìn thẳng vào mắt tôi Có phải tại vì Phúc chán đời không? Tôi lúng túng ngó xuống Hở Phúc? Khói thuốc giúp cho Phúc quên sự chán nản hay làm cho Phúc càng thấy cuộc đời đáng chán?... Mà...
 
Chuyên quay nhìn chỗ khác vẻ giận dỗi Vậy mà Phúc nói sẽ không còn chán nản nữa.
 
Tôi ấp úng:
 
- Chị, không phải vậy... Tại lúc trước em hút quá nhiều nên bây giờ... em cảm thấy nghiện...
 
Chuyên mở to mắt, hãi hùng và kinh ngạc:
 
- Phúc nghiện thuốc? Trời ơi Phúc! Em còn nhỏ mà... Làm sao em sống vui tươi cho được hở Phúc? Hở Phúc?
 
Chuyên quay mình định chạy đi. Tôi hốt hoảng giữ vai Chuyên lại:
 
- Không, Chuyên! Em sẽ không hút thuốc nữa. Em sẽ không làm một điều gì mà Chuyên không bằng lòng.
 
Chuyên hơi bất ngờ, ngạc nhiên đầy trong mắt. Nàng bối rối gỡ nhẹ tay tôi. Nhìn thấy vài giọt lệ còn đọng trên má Chuyên tôi sợ hãi bỏ tay xuống. 
 
- Xin lỗi chị Chuyên!... Tại vì em sợ Chuyên sẽ...
 
Chuyên quay đi không nói gì cả.
 
Chị giận em phải không Chuyên? Nhưng Chuyên ơi, em không làm sao giải thích được những cảm giác đã khiến em hành động bất ngờ như vậy.
 
Tôi không quên cảm giác ấy, cảm giác bơ vơ, lạc lõng đến ghê sợ mà tôi đã trải qua một lần, khi mẹ tôi thều thào gọi tên tôi và ánh mắt đau thương lo lắng nhìn tôi từ từ tắt mất...
 
Chuyên vẫn đứng đó, trong một dáng điệu khả ái, mắt nhìn xa xa về phía bên kia sông.
 
Tôi đến bên, nhẹ nắm tay Chuyên:
 
- Chị Chuyên đừng giận em nữa, em...
 
Chuyên quay lại, vẩn ôn hòa hiền dịu:
 
- Không, chị không giận Phúc. Nhưng Phúc phải hứa không hút thuốc nữa.
 
Tôi nhìn sâu vào đôi mắt long lanh trong suốt:
 
- Em sẽ không bao giờ hút thuốc.
 
Chuyên mỉm cười. Đôi mắt Chuyên thật trong sáng, trong và sáng như hai vì sao. Tôi muốn mãi mãi được nhìn đôi mắt ấy. Tôi muốn mãi mãi được soi sáng tâm hồn.
 
Chuyên khẽ rít tay ra khỏi tay tôi:
 
- Thôi chị về nha Phúc!
 
Tôi giữ tay Chuyên lại:
 
- Phúc đưa chị về.
 
Chuyên lắc đầu:
 
- Không, Phúc phải vào nhà xin lỗi nội. Nội buồn Phúc nhiều lắm.
 
Chuyên bước nhanh ra khỏi vườn .
 
Tôi vẫn đứng lặng nhìn theo bóng dáng nhỏ nhắn của Chuyên thấp thoáng sau những lũy tre mọc rời rạc hai bên con đường đất, đến khuất dần.
 
Trời về chiều nhuốm một màu đỏ hồng. Ánh nắng xế làm rực rỡ màu mạ non của những thửa ruộng bát ngát bên kia. Xa xa, từng cuộn khói lam tỏa nhẹ trên những tàu lá chuối xanh mướt, lố nhố sau những nóc nhà tranh lụp xụp. Văng vẳng tiếng sáo của những mục đồng đang lùa trâu về chuồng.
 
Buổi chiều đến nhẹ nhàng và êm đềm. Tôi thương quê ngoại của tôi vô cùng. Cũng như tôi thương con sông nhỏ hiền lành chảy sau nhà ngoại.
 
Tiếng nói thanh thanh của Chuyên thoáng văng vẳng bên tai:
 
- Phúc có thấy quê mình đẹp không hở?
 
Hình ảnh Chuyên lại hiện ra trước mắt tôi. Tóc dài rủ trên vai. Mắt sáng hồn nhiên. Đôi môi hồng xinh xắn.
 
Tôi khẽ gọi: "Chuyên ơi!"
 
 
BÙI THỊ LONG TUYỀN       
 
Cho Phạm thị Thử       
Cho Dương thị Anh Đào      
Cho Dũng, Nguyễn Tiên Dũng đó!      
 
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 15, ra ngày 5-12-1971) 

 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>