Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

CHƯƠNG VI_BÓNG TÀU MA


CHƯƠNG VI

LIỀU LĨNH


An gọi mọi người về dùng cơm trưa.

Giáo sư Lê Mạnh ngồi chung với bọn trẻ ; thầy tỏ vẻ thán phục tài nấu nướng thành thạo của cô bé An, thức ăn tuy không nhiều nhưng mới trông qua đã nuốt nước miếng.

Giáo sư Mạnh nhìn hơi nóng bốc lên nghi ngút:

- Thịnh soạn quá vậy nè? Để coi, trứng gà tráng với... à... thịt nạc băm nhỏ, mộc nhĩ, rau xà lách với cà chua. Trời ơi, nhìn món gì chua là hết chịu nổi. Ăn đi các em.

An nhìn thầy Mạnh, e thẹn cười:

- Không phải em nấu hết đâu thầy, bà Ân giúp em nấu đó.

Côn cúi gầm mặt, vẻ hậm hực. Ông Mạnh hỏi:

- Côn, em đau hả? Không ngẩng mặt lên ăn cho đàng hoàng coi nào!

Côn đáp nhát gừng:

- Khỏe, thầy!

Thầy Mạnh đoán rằng bọn trẻ đã cãi nhau, chắc cũng loanh quanh vụ bí mật nhà ga.

Con Tô Tô thong thả gặm mấy khúc xương một cách ngon lành.

Thầy Mạnh nhồi ống điếu:

- Dọn lẹ đi, khoảng mười lăm phút nữa, thầy chở các em lên ga quận.

An đáp nhanh:

- Thật hả thầy? Côn và em rửa chén mau lắm.

- Cho sạch nghe chưa?

Côn ngẩng lên:

- Không, Côn không rửa gì hết á!

Bọn con trai hối hận nhìn nhau. Cô bé giận dai quá, cũng chỉ tại Quân lỡ lời và nhất là do tính chú ý của Côn.

Côn đứng dậy nắm dây con Tô Tô:

- Thầy cho phép em đi dạo với con Tô Tô.

Thầy Mạnh đáp:

- Được, em không lên quận hả? Không thích thì thôi, liệu giờ mà về nghe chưa?

Côn dắt con Tô Tô đi xa dần ; bọn trẻ leo lên chiếc xe cổ lỗ sĩ của ông Mạnh chờ đợi, ông Mạnh ngồi vào và rồ máy.

Phan mở cửa leo xuống:

- Khoan đã, em tháo chiếc rờ moọc đã. Chúng ta đâu cần chở gì nhiều phải không thầy?

- Ừ nhỉ, em tháo dùm thầy cái!

Chiếc xe chậm chạp lăn bánh về quận...

Giáo sư Mạnh vào thư viện quận, hẹn bọn trẻ gặp lại ông khoảng bốn giờ chiểu.

An hỏi:

- Đi đâu, anh Phan?

Phan đáp vắn tắt:

- Cứ đi theo anh rồi biết! Đi không? Hay ở lại đọc sách với thầy Mạnh thì ở.

Phan thi hành dự tính ; đến nhà ga, chúng tìm một nhân viên hỏi thăm hy vọng thu thập được một vài dữ kiện về đường hầm gần quán Cây Dương.

Minh hỏi một phu khuân vác:

- Anh, cho em hỏi thăm một chút nhé. Chúng em cắm trại dưới Đại Lãnh, chúng em thấy một nhà ga có vẻ hoang phế. Anh biết không?

Người thanh niên trả lời:

- Anh không biết. Các em hỏi ông Cầm kia kìa, ông ta làm ở đây khá lâu, ông biết rành rọt lắm. Đó, ông Cầm ngồi kia kìa!

- Cám ơn anh.

Bọn trẻ dắt nhau về phía một ông già, dưới chân là một ngọn đèn với lá cờ đỏ, có lẽ ông ta đang chờ một chuyến tàu sắp đến.

Minh lễ phép thưa:

- Thưa ông, xin phép ông cho cháu hỏi. Cháu muốn biết về đường hầm gần Đại Lãnh.

- À, gần trạm Cây Dương đó hả? Nội và cha tôi đã xây nó đó các cháu!

Rồi ông Cầm hăng say tả đường hầm với những kỷ niệm thời lái xe lửa ; bọn trẻ nóng lòng chờ ông ta kết thúc vì chúng cho rằng đó là những chi tiết thừa thãi.

Minh sốt ruột:

- Vâng, chúng cháu muốn biết về đường hầm gần quán Cây Dương. Chúng cháu thấy hình như trạm xe lửa gần đó bỏ hoang từ lâu rồi thì phải?

Ông Cầm dở chiếc mũ lưỡi trai, vuốt mồ hôi:

- Phải đó, con đường qua đó hết dùng rồi, từ lâu lắm chính phủ đã xây một ga mới và một đường sắt mới chạy vòng bên ngoài đồi, thẳng tới hầm đèo Cả. Đâu còn xe cộ gì qua đó nữa!

Bọn trẻ nhìn nhau kinh ngạc. Xe lửa không còn chạy trên quãng đường ấy. Thế mà chúng đã tận mắt trông thấy bóng một chiếc xe lửa ra vào ga và hầm Cây Dương.

Ông Cầm đứng dậy vào bàn giấy lấy tấm bản đồ thiết lộ trong vùng.

Ông trải tấm bản đồ trên đùi:

- Đây này, nhà ga đây, quán chỗ này chứ gì! Đường hầm đã trở nên vô dụng bỏ hoang sau một tai nạn... một đoạn nóc bị sụt...

Bọn trẻ chăm chú lắng nghe từng chi tiết. Phan suy nghĩ không ngừng, đúc kết những lời của ông Cầm : Hơn hai chục năm nay, hầm sụt, xây đường mới, thế mà...

Thật là thú vị biết bao! Hai dữ kiện hoàn toàn trái ngược nhau, đâu là sự thực?

Phan biếu ông Cầm một gói thuốc lá và ông cũng tặng lại tấm bản đồ cũ.

Phan mừng rỡ:

- Cám ơn ông, chúng cháu xin kiếu ông!

Chúng rời nhà ga, trở lại thư viện bàn chuyện. Ông Mạnh ngồi trong góc phòng, không chú ý bọn trẻ vừa về đến.

Minh nói:

- Vẫn hoàn toàn bí ẩn, sụp hầm, thế mà vẫn có xe lửa chạy, mâu thuẫn ghê chưa?

Phan lo nghĩ có vẻ lung lắm:

- Nhưng chính mình chứng kiến tận mắt kia mà!

An đưa ý kiến:

- Như vậy đúng là xe lửa ma rồi còn gì?

- Anh chưa chắc điều gì cả.

Minh phát biểu:

- Anh Phan, em tính như thế này. Đợi đêm xuống, chúng ta sẽ đợi chiếc xe lửa ma tại cửa hầm, sau đó một trong hai chúng ta sẽ chạy đón ở cửa hầm kia, khoảng hơn hai mươi phút, xem có gì lạ không.

Phan đánh yêu em:

- Em hay quá, phải rồi, tối nay thi hành liền.

- Nếu Quân đến, ba đứa cùng đi ; nếu không hai cũng đủ. Kệ con Côn, không cho nó theo.

An chấp thuận ngủ tại lều, nó nghĩ rằng ngủ khỏe hơn vô công dồi nghề như bọn con trai.

Khi mọi người trở về trại, Côn đi dạo với con Tô Tô chưa về. Mãi rất lâu sau, Côn mới về ; cả hai đều có vẻ mệt nhọc uể oải.

Đêm xuống, sao rợp đầy trời, lấp lánh như ánh mắt của những nàng tiên thượng giới.

Phan và Minh vào lều, chúng dự tính khởi sự vào khoảng nửa đêm.

Độ mười một giờ, một bóng đêm thấp thoáng trước cửa lều ; Quân đến chăng? Hai đứa con trai im thin thít, ai vậy?

Chúng chợt nhận ra mái tóc của cô em họ : Côn làm gì vậy? Hai đứa con trai chả đề ý đến mưu mô của cô em gái ; Côn có vẻ rất thận trọng, có lẽ nó tưởng hai anh đã ngủ say.

Phan giả bộ như không biết, cất giọng ngáy cho cô em an tâm. Vài phút sau, Côn lui bước ; Phan lần dò bước ra, hai tay quờ quạng phía trước chợt chạm phải một sợi dây căng lưng chừng chân cửa lều.

Nó quay lại Minh:

- Con Côn này gớm thật, nó dám căng dây trước cửa lều. Kiểu này là... phải rồi, sợi dây này buộc vào chân nó đây. Nếu chốc nữa mình vô ý vướng phải, nó sẽ tỉnh dậy và mò theo tụi mình đây mà.

Minh cười vui:

- Anh thấy chưa, con Côn nó khôn lắm. Hèn gì lúc về thấy nó vui vui, tưởng nó quên vụ hồi sáng rồi chứ?

Mười hai giờ đêm...

Phan, Minh nhón gót rời khỏi lều theo ngả hông, trong khi Côn vẫn ngủ say cạnh An. Tội nghiệp cho con bé!

Hai đứa đến nhà ga hoang vắng, một ánh sáng lờ mờ chập chờn trong phòng lão Tâm.

Phan chờ sẵn ở cửa hầm phía nhà ga.

Tiếng máy xình xịch vang lên, toa đầu máy xuất hiện tiến vào ga.

Phan vội vã ra lệnh:

- Minh, lẹ lên, chờ đây nghe chưa. Anh chạy nhanh về phía đằng kia.

Nó vắt giò lên cổ, chạy một mạch sang đường hầm bên kia đường chực sẵn.

Nó thầm nghĩ:

- Nếu chiếc xe lửa dừng lại trong ga hai mươi phút, mình sẽ đến kịp trước khi nó trở ra.

Phanh chui vào đường hầm xem nó có bị bít kín hay không. Hoàn toàn không, con đường hầm vẫn thông suốt từ phía kia đến phía này.

Nó nhìn đồng hồ, đã hơn hai mươi phút. Phan cảm thấy run sợ, chiếc xe lửa dừng lại ở nhà ga lâu hơn chăng? Hay nó vừa vượt cạnh Phan mà Phan không hay biết?

Thời giờ trôi qua, có tiếng xình xịch vọng lại, cậu bé hít hơi chờ đợi, nó cảm thấy bình tĩnh đôi chút. Nhưng rồi im lặng lại phủ xuống. Đã hơn nửa tiếng rồi...

Phan quyết định:

- Đợi hơn mươi phút nữa, không thấy thì trở về. Không lẽ ngồi đợi suốt đêm hay sao?

Phan bước nhanh, sốt ruột gặp lại em đang đứng ngóng ở phía cửa hầm gần nhà ga.

Minh ngồi bệt chỗ cũ, bấm đèn ra hiệu:

- Em tưởng anh ngủ gật ở đằng đó rồi chớ. Cũng như hôm qua, chiếc xe lửa chỉ dừng trong ga hai mươi phút, nó trở ra từ lâu rồi.

Phan sửng sốt:

- Sao? Nó trở ra rồi à? Em tin chắc không? Anh không thấy nó chui ra phía kia, anh chỉ nghe tiếng máy từ phía này vọng tới rồi... im luôn.

Hai đứa trẻ lặng thinh, chúng ngẩn người không biết giải thích thế nào?

Cuối cùng, Phan nói:

- Anh nghĩ chỉ còn một cách duy nhất: thám hiểm đường hầm. Đợi đến mai hẵng hay, anh buồn ngủ quá rồi.

- Phải đó, biết đâu có đường... đi xuống... âm phủ, phải không anh Phan? Tàu ma mà!  

Hai đứa ôm nhau cười nắc nẻ. Chúng im lặng bước bên nhau trở về lều, nhưng chúng quên mất sợi dây căng trước lều, chúng đạp lên, sợi dây giựt mạnh.

Chúng vội vã nằm xuống, ngáy đều đều, giấc ngủ ập đến thật mau.

Trong khi ấy, sợi dây căng thẳng đánh thức Côn dậy. Côn bổ nhanh ra khỏi lều, hoàn toàn im lặng ; Phan, Minh vẫn ngủ say. Côn nhìn quanh thắc mắc, cô bé có biết đâu rằng hai ông anh đã trốn đi tự lúc nào.

Sáng hôm sau, Côn nổi giận lôi đình khi nghe Phan thuật lại những gì khám phá đêm trước.

Bọn trẻ không nín cười nổi, Côn căm tức muốn trào máu lên tận cổ.

Cô bé quăng bỏ miếng bánh mì vừa lúc Quân lò dò đến thăm.

Phan chào:

- Quân, tới chơi hả? Ngồi đây.

Quân đáp:

- Không, vài phút thôi, xui quá! Tôi phải lên nhà bà cô ở hai tuần. Chắc đến hôm về, các bạn cũng trở lại tỉnh rồi.

Minh ngạc nhiên:

- Ai bắt vậy? Bộ nhà Quân có chuyện xích mích hả?

- Không biết nữa, má tôi rầu rĩ suốt ngày, bà không nói thêm gì hết. Theo ý tôi, hình như là do ông cha ghẻ.

- Hay là Quân đến đây sống với tụi này ít bữa cho vui, ông bà không cấm cản đâu.

Minh đồng ý:

- Phải đó, đến ở với anh em tôi, đâu làm bận rộn cha mẹ Quân?

Quân reo mừng:

- Được, để tôi nói nhỏ với má tôi, còn ba tôi thì kệ ông.

Bọn trẻ cũng thuật lại cho Quân nghe cuộc rình rập tối trước.

Sau khi Quân về, Côn lại khoác lấy vẻ mặt hầm hầm như lúc sớm.

Cô bé dõng dạc lên án cái cô bé gọi là sự phản bội của tụi con trai và cô bé từ chối nghe chuyện của tụi phản bội.

- Ối, phịa ra để tỏ vẻ mình can đảm lắm đấy mà. Ai thèm nghe làm gì cho nhức tai.

Côn dắt con Tô Tô hậm hực bỏ đi.

An đứng dậy định gọi, Phan ngăn lại:

- Để cho nó đi! 

Minh nói:

- Sáng nay, chúng ta sẽ vô thăm đường hầm, cho Côn theo cũng được. Còn An, sợ thì ở nhà.

- Ờ, em gọi Côn đi.

Minh bắt hai tay làm loa, nhưng vô ích, Côn đã đi quá xa.

Lát sau, Quân trở lại, trên vai vác một bọc quần áo:

- Tôi thuyết phục mãi má tôi mới chấp thuận, nói thiệt với các bạn, má tôi không chịu, tôi cũng tới. Tôi mừng quá! Ngủ ngoài trời, tôi cũng vui.

- Bậy nà, có chỗ tốt, ngủ chung với tôi và Minh.

Thình lình, Quân ngẩng lên, một vẻ sợ hãi hiện trên sắc mặt cậu bé.

Phan hỏi:

- Gì vậy?

Tiếng còi xe bóp inh ỏi.

- Ba tôi tới tìm. Ông biết hết rồi Phan à!

An đề nghị:

- Trốn mau!

Bọn trẻ phân tán, núp sau các bụi cây. Ông Ân tiến thẳng về phía lều ông Mạnh. Nghe tiếng gọi ơi ới, giáo sư Mạnh bực mình ló đầu nhìn ra ngoài.

Ông Ân hỏi:

- Thằng Quân đâu?

Giáo sư Mạnh đáp:

- Tôi biết đâu?

- Dẫn nó ra cho tôi, ai cho nó ở đây với bọn trẻ?

Giáo sư Mạnh cau có:

- Ông cẩn thận lời nói! Bọn trẻ rất đàng hoàng và dễ thương.

Ông Ân dịu giọng:

- Xin lỗi, tôi chưa được biết ông, ông là cha hay bạn của bọn trẻ? Nhờ ông nói lại rằng bọn trẻ liệu hồn, liều lĩnh chết uổng mạng. Hiểu chưa?

Giáo sư Mạnh ngờ vực:

- Ông nói gì? Chết uổng mạng?

- Phải, bọn trẻ đã lần mò đến nhà ga. Tôi không muốn con tôi theo chúng liều lĩnh như thế, mẹ nó cũng không bằng lòng.

- Vâng.

- Ông trả nó cho tôi! Quanh nhà ga hoang ấy có ma, tôi không muốn con tôi mất tích, chỉ rước họa vào thân mà chẳng được tích sự gì. Nếu ông thấy nó, ông làm ơn dẫn nó về quán Cây Dương giùm tôi. 

Ông Ân gật đầu chào rồi bỏ ra về. Đợi bóng xe mất dạng, giáo sư Mạnh cất tiếng gọi:

- Quân, ra đi, ông về rồi!

Bốn đứa trẻ bu quanh giáo sư Mạnh.

- Tôi nói em nghe. Tôi biết em muốn xa ông cha ghẻ ít bữa nên tôi không muốn bắt em về đâu, đừng lo.

- Cám ơn thầy, thầy tốt bụng quá!

Phan vỗ vai bạn:

- Yên tâm rồi há! An, sửa soạn cơm trưa ; ăn xong chúng ta sẽ thám hiểm đường hầm.

- Hay lắm! Tội nghiệp Côn, nó lại không được đi chung!

__________________________________________________________________ 
 Xem tiếp CHƯƠNG VII


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>