Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2018

Chuyện Mùa Thi


Loan lấy tà áo phủi phủi chiếc ghế, bụi bay bay lấm hết áo trắng. Ngồi chưa nóng mông, mồ hôi đã rịn ướt áo. Bốn cây quạt trong phòng được mở vù vù vẫn không ngăn cản được sức nóng. Trưa hè đã nóng, lại được giọng bà giáo già lè nhè giảng bài. Ôi! Não nề làm sao!

Loan chống tay vào cằm, cô bé chẳng buồn nghe giảng bài, mặc dù nhiều lần cô bé bắt mình phải nghe nghe để kiếm lấy mảnh bằng. Song cô bé chỉ nghe được vài lời, tâm trí vội lo ra, lời cô giảng bỏ lướt ngang tai. Loan hậm hực, giữa trưa hè nóng thế này mà phải gò bó trong căn phòng nóng còn hơn hỏa ngục. Giữa lúc mọi người rong chơi thỏa thích, Loan phải ép mình vào ngồi học, học những gì đâu làm cô bé nhức cả óc. Ấy, vậy mà vẫn phải học, năm nay cô bé thi tú tài khóa chót đi. Cô bé nao nao nghĩ đến lúc thi đậu (Chưa chắc đậu, nhưng... tưởng tượng trước), mọi người sẽ chẳng ai kêu Loan là con bé này, nọ nữa. Người ta sẽ trịnh trọng kêu ba tiếng: "Cô Tú Loan". Gớm, cô bé chóng lớn thiệt, năm ngoái còn là con bé nhõng nhẽo, năm nay đã thành cô Tú rồi. Nhưng muốn được gọi là cô Tú, Loan đã, đang và sẽ đau khổ thiệt nhiều để học: học vỡ đầu nát óc, học mờ mắt ù tai mới mong kết quả khả quan. Mùa hè đến lâu rồi, mùa chia tay tới lâu rồi mà cô bé chưa rời ghế nhà trường, chả được đi nghỉ mát như những năm trước. Biết vậy, năm rồi Loan đừng lên lớp thì hơn, ở lại học lè phè, cuối năm tha hồ nghỉ có phải sướng không? Ý đâu được, bộ công lao bao ngày đổ xuống ao sao? Trót lên đây thì ráng học chớ! Ối! Mảnh bằng tú một bây chừ chẳng còn giá trị gì hết, sang năm bỏ thi, cứ tà tà học, cuối niên khóa vẫn lên 12 như ai. Nhiều lần nghĩ thế, cô bé toan nghỉ học. Nhưng cô bé lại nghĩ: đã lên tới đây chả lẽ bỏ cuộc hèn nhát thế ư? Thi trượt còn hơn không dám thi. Rồi bao nhiêu vấn đề nổi lên trong đầu cô bé, hành hạ cô bé còn hơn hành hạ tù nhân. Cô bé thường gọi tuổi mình là tuổi lao tù: bao nhiêu đau khổ dồn dập, từ học thi, tình cảm, lời ăn tiếng nói, phục sức cho đến giao thiệp với đời khổ ơi là khổ! Có sướng chăng là các cô, các cậu học lớp 10. Sang năm tha hồ phè phỡn chẳng thi cử gì hết. Còn tội nghiệp các cô các cậu lỡ thương nhau rồi, làm sao học được khi hình bóng người yêu hiện ra trong óc suốt ngày. Loan còn nhỏ xíu à, cô bé chưa yêu với biết ai cả. "Yêu là khổ" Phật Thích Ca dạy thế mà.

Học cũng khổ thấu trời, khổ hơn cả công việc lao lực khó khăn. Ngồi "gạo bài" muốn bể đầu còn bị muỗi đói "thăm hỏi" sức khỏe. Ngủ không dám ngủ, đi chơi không dám đi cứ ngồi cô độc với những dòng chữ với những con số, ký hiệu toán học đảo lộn trong đầu. Trước kia Loan nhức đầu hay buồn ngủ còn mở cửa ra quán bà Tám làm một ly nước cho tỉnh. Bây giờ, nhức đầu, buồn ngủ ráng mà chịu. Cô bé không dám mở cửa. Nếu cha mẹ cực khổ nuôi con cái học hành, thì con cái cũng khổ vì học, và sau này vẫn khổ: phần thờ cha mẹ phần nuôi con. Như thế, cha mẹ nuôi con học hành nghĩa là chia sớt cho con cái nỗi khổ. Người nuôi lẫn kẻ thụ hưởng đều khổ! Tiếp nối nhau thành một sợi dây khổ, chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Có lẽ cũng bởi thế, mà trên bốn bức tường lớp Loan, mấy tướng mãnh đã ghi đầy lên. Nào là: "Học là khổ", "Học là khốn nạn", "Học là tự sát", "Chết rồi có mang sự học sang bên kia thế giới được không?", "Cuộc đời còn gì thú vị nếu cứ cắm cúi vào học", "Học riết đi rồi... chết". Lại có những câu dí dỏm hơn: "Thày dạy học, ta cứ học ; Thày dạy yêu, ta cứ yêu. Thày nghỉ dạy, ta nghỉ học! Thày lấy vợ, ta lấy vợ" hoặc "Má ơi! Con nhớ người yêu quá, không học được. Má cưới vợ cho con đi, con mới yên tâm học Con sợ nó đá con Má ơi!". Có chàng nổi hứng chép cả thơ với thẩn lên đó. Ôi thôi! Bốn bức tường trắng lem luốc đầy vết bẩn. Ban giám đốc khiển trách lớp Loan hoài. Nhất là có những người khách đến thăm trường, hoặc phổ biến báo chí, lạc quyên... Lúc trở ra ai cũng khen lớp Loan "đẹp". Chẳng những "đẹp" mà lại "hiền ngoan". Ở trường Loan, cứ 4 lớp có một giám thị, riêng lớp Loan đặc biệt được thày tổng giám thị "săn sóc" vì quá "ngoan hiền".

- Chị Loan, chị làm ơn nhắc lại bài tôi vừa giảng.

Tiếng gọi của bà giáo làm Loan giật nẩy. Nãy giờ cô bé có nghe gì đâu. Cuống quá, cô bé bấm lia lịa hai nhỏ bạn ngồi cạnh. Có tiếng nhắc khe khẽ, cô bé lắng nghe nhưng chưa dám nói. Nói lộn tụi con trai chọc chết.

- Chị có hiểu tiếng Việt không à?

- Dạ...

Bà giáo đưa tay sửa lại gọng kiếng, hỏi tiếp:

- Năm nay chị có thi không à? Tôi tủi lắm, buồn lắm mỗi lần gặp lại những học trò cũ của tôi đã thi rớt. Tôi vào đây không phải giảng cho bàn ghế cho quạt trần nghe, mà để cho các anh các chị nghe, chị làm tôi nản quá.

Thấy cô bé đỏ mặt gục đầu xuống bà giáo nói đùa một câu, tính bà vẫn thế, khiển trách học trò xong là đùa một câu chữa thẹn:

- Nè, nhớ chàng nào thì về nhà hãy nhớ, có mơ liệu tan học hãy mơ nghe con. Thi trượt nhục nhã lắm con ơi! Thời buổi này ngoài tiền bạc ra chỉ có mảnh bằng là nhất thôi. Nghèo thì ráng học nghe con, thi rớt kép nó chê à.

Cả lớp cười như vỡ chợ, Loan có yêu ai đâu mà nhớ, bà giáo này vô duyên ghê đi. Chợt có tiếng nói thiệt hồ đồ, nham nhở từ phía con trai:

- Nó nhớ em đó cô!

Loan quay lại, bĩu môi:

- Xí... ai thèm.

Bà giáo tuy già, nhưng mắt còn tinh, bà điểm ngay mặt tên vừa nói:

- Ừ, chị ấy nhớ anh đấy, chắc nãy giờ anh cũng nhớ chị ấy, đâu, anh nhắc lại bài tôi xem?

- Đó, có sai đâu, anh nhớ chị ấy quá rồi mà Loan được dịp hỉnh cái mũi hất cái đầu trả đũa.

- Đấy chị ấy chê anh rồi đó, chưa thi đã chê rồi, không biết thi xong thì sao đây, ngữ này tôi nghi quá.

Tiếng ồ ré ầm lên, sau những phút mệt mỏi nghe bài, ai cũng nói ra vài câu cho đỡ mệt mỏi. Có một tiếng rổn rảng vang lên:

- Tội nghiệp nó má ơi! Nhà nó nghèo má!

Tiếng cười rầm rầm. Bà giáo vẫy tay cho lớp im lặng, chậm rãi nói:

- Xin lỗi anh, con gái tôi năm nay là sinh viên y khoa sắp ra trường. Tiếc quá!

Cả lớp lại cười, trút đi bao bực dọc gần một tiếng qua. Bà giáo để lớp xả hơi ít phút rồi tiếp tục:

- Thôi cảm ơn chị Loan, mời chị ngồi. Lần nữa chị lo ra tôi để anh chị ngồi gần nhau cho hết nhé.

Loan bẽn lẽn ngồi xuống, lần này cô bé nhất quyết nghe giảng. Bao nhiêu tâm trí tập trung vào bài giảng hết. Cô bé hiểu bài dần dần, dễ thế mà lúc nãy không biết. Bà giáo nhìn Loan khẽ mỉm cười khiến cô bé sung sướng trong lòng. Không biết đi thi bài có dễ như thế này không há, cầu trời, họ nhằm bài này ra câu hỏi.

Loan mở bóp lấy khăn tay lau mồ hôi trên trán. Sao mà nóng thế hở trời? Mồ hôi thấm ướt luôn cả khăn tay. Loan cầu nguyện sớm đến ngày thi khỏi giam thân trong hỏa ngục này. Thi xong, chả cần biết đậu hay rớt, việc đầu tiên cô bé sẽ ra Nha Trang tắm biển, rửa sạch bao bực dọc mang trên mình trong những phút giây khó thở lúc học thi. Kế đến, cô bé sẽ lên Đàlạt dưỡng sức mắc học thi sút mất mấy ký đi rồi về quê thăm bà con cô bác Chắc mọi người sẽ ngạc nhiên thấy mới Loan năm nào đã là người nhớn. Chưa biết đậu hay rớt, người ta cứ gọi Loan là cô Tú trước, sau xét lại. À, Loan về quê nhất định sẽ thăm con trâu nhà nội mới được. Con trâu đen có cặp sừng cong vút, to như con voi ý. Năm ngoái về nghỉ hè, cô bé đã cùng bầy trẻ ở đây nô đùa. Cô bé ngồi trên lưng con trâu đen này oai như bà... Triệu í. Rồi chẳng hiểu vì sao, nó hất cô bé té xuống ruộng rồi chạy thẳng một mạch. Quần áo lấm hết, bùn bám đầy người, lại còn ê ê ở mông, cô bé vẫn thích ngồi trên lưng trâu. Cô bé sẽ còn đến thăm ruộng lúa của  nội nữa. Những bông lúa vàng nở ngập đồng mỗi lần gió thổi ngã rạp xuống như làn sóng. Nội thường bảo Loan: "Tao không cần học cao như cha con tụi bay, cứ chăm chỉ canh tác cũng dư sống, bay học giỏi chưa chắc rành việc đồng áng bằng thằng Tám". Thằng Tám là con dượng Năm, thằng bé nhỏ lắm, năm nay mới mười một. Tuy nhỏ thế, thằng bé rành việc cày cấy đáo để. Hè về, Loan đã năn nỉ thằng bé chỉ cho biết chút xíu việc đồng áng ; vừa chứng minh cho nội biết mình không thua dân quê, vừa mang về Sàigòn khoe với bạn bè. Năn nỉ gần chết, thằng bé mới chỉ cho Loan biết...

- Nè, chị Loan, chị lại làm ơn nhắc lại bài tôi vừa giảng.

Chết cha! Loan lo ra từ hồi nào có hiểu gì đâu. Cô bé cuống quá, khuôn mặt đỏ bừng đứng nghiêm chờ quan tòa tuyên án. Bà giáo già khẽ lắc đầu thở dài. Má ơi! Thương con đừng bắt tội con nghe má. Cô bé nói trong tim mình, tâm thần bấn loạn. Bà giáo đỏ mặt ngó chung quanh. Eo ui! Bà bắt mình ngồi cạnh chàng nào đây, hết thoát rồi...


THƯƠNG MAI     
(Bút nhóm Dạt Sóng) 


(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 30, ra ngày 25-7-1972)

Trong nắng

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>