CHƯƠNG V
“Chiến sĩ không bao giờ chết!
Anh Đỗ, anh đã ra đi vào cõi mịt mùng. Nơi đó là vùng
sống nguy khổ hay cõi chết bình an? Từ mùa xuân đó đến nay đã
hơn một năm, đời sống có phải chỉ là dành cho những người còn
lại?
Chim không còn hát những khúc hoan ca trên cành mận trước
nhà. Gió như muốn thoảng lời đưa hương nhớ. Dù người đi không
về, vẫn có tiếng thì thầm luôn nhắc nhở Minh:
Chiến sĩ không bao giờ chết – Không bao giờ chết”.
Thúy
Minh viết như thế vào quyển nhật ký của Đỗ rồi buồn bã gấp
lại. Giấy đã cũ nhưng còn thơm vương vấn. Minh đã không đốt di
vật dấu yêu này, cũng như vẫn giữ kỹ những bức thư của Đỗ.
Minh không sợ đọc chữ của người chết. Minh cũng muốn ngắm mãi
chữ ký của Đỗ trên đồng bạc mới mà Tết năm ngoái Đỗ đã mừng
tuổi Minh. Tết năm nay qua đi như một khoảng ngày bình thường,
Minh không chờ đón và Minh cũng không tiếc rẻ. Cuộc sống chợt
khô lại giống như khoảng thời gian Minh chưa gặp Đỗ. Chỉ khác
là ngày xưa còn có một chút vô tư mà bây giờ thì nặng đầy ưu
sầu. Minh tưởng như Minh chỉ còn là một chiếc bóng, lặng lẽ
học hành, lặng lẽ làm việc. Không quá vui mừng khi nghe mình
thi đậu Tú tài đôi. Không náo nức trước ngưỡng cửa đại học.
Không xôn xao sửa mình làm một sinh viên trịnh trọng như bao nhiêu
người. Minh đã vào trường Khoa Học. Minh lặng lẽ làm một sinh
viên chăm chỉ. Nhưng không ai hiểu rằng mỗi khi ngắm những hoa cỏ
trong vườn thực vật, Minh đã nghĩ đến Đỗ và tưởng tượng ngày
xưa đã nhiều lần Đỗ bước chân đến đây. Đỗ cũng từng mài giũa
mơ ước ở ngôi trường ấm cúng này, từng thực hiện công việc
lập “Lớp học huynh đệ” với các bạn anh. Vậy mà có ngày Đỗ
đã mất bóng ở sân trường, có ngày Đỗ đã thiếu mặt trong
những khung cảnh thân yêu – và đã vắng tiếng trên cõi đời ???…
Minh
sắp những kỷ vật vào một chỗ riêng trên bàn học, bàng hoàng
nhìn đó như nhìn thấy Đỗ hiện về. Năm nay Minh mười chín tuổi.
Tết đã qua và không có ai mừng tuổi cho cô bé. Như vậy có
phải chăng Minh đã lớn? Không phải vậy. Mà chỉ vì không còn Đỗ
nơi đây. Bác Liêu cũng đã qua đời. Tre già khóc thương măng non
rồi cũng cạn nước mắt. Nỗi nhớ thương phiền muộn rồi cũng
giết dần con người. Đến lúc chết bác Liêu cũng vẫn còn mang
sắc diện khắc khổ như lúc ngồi khắc mộ bia cho con. Người con
trai lớn về làm đám tang cho cha xong cũng vội vã ra đi, gửi
gắm nhà cho hàng xóm. Căn nhà của bác Liêu bây giờ đóng kín
cửa. Không còn có ai trú ngụ. Không còn nghe tiếng đục khua trên
đá. Mùa xuân đến làm cho cây mận bỗng tươi xanh và bắt đầu
thấy có trái. Cả lũ chim chuyền cũng trở lại sân cũ. Nhưng
hót cho ai nghe? Tiếng chim lạc lõng trong không gian buồn tênh.
Rồi xuân chán nản bỏ đi. Cũng không có ai biết mà tiếc rẻ.
*
Đời
sống bây giờ như là đang dành cho những người còn lại. Mùa
xuân qua, đến hạ – khoảng thời gian khô gọn đối với Thúy Minh.
Không có gì đáng ghi vào bút ký, vì sinh hoạt diễn ra bình
thường quá đến độ nhàm chán. Không có gì đáng gọi là niềm
vui. Minh có thêm một công việc mới, nhỏ nhoi và âm thầm: mỗi
ngày mở cửa nhà bác Liêu thắp nhang cho hai bác trên bàn thờ
và dọn dẹp căn nhà một chút. Có hôm Minh ngồi lặng trên ghế,
nhìn khói hương tỏa mờ và nhớ thật nhiều giọng nói thân quen
của bác. Có hôm nhìn cây đàn trong góc nhà, chiếc áo mưa treo
trên vách, đôi giép dưới gầm đi-văng mà tưởng như Đỗ vẫn hiện
diện trong khung cảnh yêu mến này. Có hôm Minh tự hỏi không biết
Đỗ còn sống hay đã rũ xương ở một nơi nào. Người chết không
có lấy một nấm mồ, không có một nén hương – buồn tủi biết
dường bao!... Và đến một hôm, Minh đã viết tên “Nguyễn Thi Đỗ”
vào một miếng giấy bìa cứng, đặt lên bàn thờ rồi gục đầu lên
đó khóc một mình…
Cuối
tháng ba, không khí yên lành bỗng lại sôi động lên. Có tin
Quảng Trị dậy lửa. Có tin biên giới bị ngoài Bắc xâm lấn.
Từng đoàn người dân tản cư vào Huế, rồi từ Huế vào Đà Nẵng.
Ở miền cao nguyên cũng sôi sục lửa đạn. Có tin ác chiến ở
miền Tam Biên, rồi Kontum bị tàn phá. Rồi trong Nam cũng bàng
hoàng với trận Bình Long, An Lộc. Những thành phố bị đổ nát.
Màu tang tóc phủ khắp nơi làm xúc động người thủ đô.
Minh
theo các đoàn thể sinh viên, học sinh đến những trại tạm cư để
san sẻ hạt gạo, manh áo. Minh cùng Liên Nga đi phát thuốc ở
các trại cứu trợ. Minh tham dự những buổi trưa nắng cháy, đứng
phát gạo, muối, mùng mền cho những người dân từ An Lộc chạy
về. Mồ hôi chảy xuống, Minh nếm và nghe mặn như nước mắt. Minh
cảm thấy như đời sống không phải chỉ riêng cho mình nữa, mà
Minh còn chia xẻ với những người dân hoạn nạn.
Minh rủ bạn hữu đi hiến máu. Minh theo các đoàn công tác của
sinh viên đi quyên tiền mọi giới dân chúng, trên đường phố, vào
các tiệm buôn, vào các trường học. Minh tham gia văn nghệ để gây
quỹ cứu trợ nạn nhân chiến cuộc…
Một hôm cậu Phương bảo Minh:
- Cậu rất thích những hành động biểu lộ nhiệt huyết của
tuổi trẻ. Cháu đã làm rất đúng. Điều đó làm an ủi những
người đã hy sinh… như cậu Đỗ.
- Dạ, cám ơn cậu.
- Cháu thích làm việc xã hội lắm phải không? Vậy cháu có
muốn làm một công việc hợp với khả năng của cháu không?
Minh ngạc nhiên:
- Thưa cậu, cháu chẳng có tài gì ngoài việc học hành và giúp đỡ cậu công việc ở nhà.
Cậu Phương cười:
- Cháu chẳng là một y tá giúp việc đắc lực cho cậu thì là
gì? Minh à, cậu đề nghị cháu đến giúp ở một bệnh viện. Nơi
đó, thương binh được đưa từ Quảng Trị về rất nhiều. Cháu có
thể tình nguyện đến giúp họ một tay. Cậu thấy công tác đó
rất thích hợp với cháu. Cháu nghĩ thế nào?
Minh đáp:
- Vâng, cháu sẽ đến.
Và tưởng tượng ra một khung cảnh mới, để cho mình góp bàn tay, Minh xúc động vô ngần.
*
“…Chiều quê còn nhớ người chăng?
Vì ai vào chốn tử sinh
Chiến trường, quên thân mình
Người về có nhớ thương binh?...”
Vì ai vào chốn tử sinh
Chiến trường, quên thân mình
Người về có nhớ thương binh?...”
Cả
phòng bệnh im lặng sau lời hát của Minh. Nửa phút trôi qua.
Rồi bỗng như sực tỉnh, có tiếng vỗ tay, hoặc đập xuống thành
giường nghe dòn. Vũ đặt cây đàn xuống, nhìn Minh lúc này đang
cúi đầu buồn bã.
Vũ hỏi khẽ:
Vũ hỏi khẽ:
- Chị Minh, sao hát xong chị lại buồn vậy?
Minh gượng cười:
- Đâu có… Tại…Vũ đàn buồn.
- Không phải rứa, mà cả phòng đều buồn, chị Minh ạ!
- Vậy là tại chị đã hát bài quá buồn hả Vũ?
- Không. Phải cám ơn chị chứ. Vũ thích nghe những bản nhạc như
rứa, chứ không thích thứ nhạc kích động hay mùi mẫn rẻ tiền.
Nhưng mà… Vũ chưa nghe ai hát bài “Thương binh” ray rứt, xót xa như chị.
- Chị hát dở òm hà.
Hai người cùng cười. Vũ nói:
- Chị Minh! Vũ hỏi câu ni, chị đừng giận Vũ tò mò hỉ. Chị có chuyện chi buồn phải không?
Minh cau mày, rồi cúi đầu giấu đôi mắt rưng rưng. Minh không trả
lời nổi. Cổ họng nghẹn lại. Vũ lại khơi động tâm tư Minh nữa
rồi. Ngay cả hình dáng của Vũ cũng đã làm Minh nhớ đến Đỗ vô
hạn. Một buổi sáng thứ bảy, bước vào phòng bệnh, Minh thấy
Vũ đang ngồi thẳng trên giường ngắm cánh tay băng bột treo ngang
ngực. Nơi đầu giường, Vũ đã xếp gọn bộ đồ trận rằn ri và
chiếc mũ màu xanh lá cây. Và Vũ đã nói chuyện với Minh bằng
giọng Huế. Tất cả những điều đó làm cho Minh sững sờ. Tại sao
lại không phải là Đỗ, để trở về trong bệnh viện, để làm
người thương binh, để cho Minh được băng bó, săn sóc?
Vũ
trạc bằng tuổi Minh thôi. Vũ có mẹ và em ở Hải Lăng, Quảng
Trị, không biết đã tản cư đi đâu, bình yên hay đã chết. Vũ vào
lính được hai năm. Vũ mới theo đoàn quân tái chiếm Quảng Trị,
và bị thương phải trở về. Thế thôi, đó là những điều mà Minh
biết về Vũ.
Thấy Minh không nói, Vũ hỏi:
- Chị Minh! Chị giận Vũ rồi phải không?
Minh ngước lên, lắc đầu:
- Không có. Vũ hỏi một câu đáng hỏi. Từ lâu rồi chị ít tâm sự với ai.
Vũ gõ nhẹ vào thùng đàn, nói:
- Rứa Vũ có đáng được nghe chị tâm sự không?
Giọng Minh như chùng xuống:
- “Tâm sự” của một người sẽ vô ích đối với một người khác. Nhưng nếu Vũ muốn…
- Vũ không có chị. Vũ chỉ có em gái. Em gái của Vũ quê mùa
như cục đất, Vũ chưa bao giờ biết hắn nghĩ chi. Còn “bồ bịch”
thì Vũ không có, vì Vũ thấy con gái đời ni toàn người “chi chi
mô”.
Minh bật cười:
- Rồi “răng” nữa?
- Ngay ngày đầu về đây, mới gặp chị Vũ đã mến, Vũ đã nghĩ
như thể chị là người chị của Vũ. Vì rứa Vũ thấy chị buồn
Vũ thắc mắc ghê.
Minh bùi ngùi, nói với Vũ như một lời kể lể:
- Cám ơn Vũ. Chuyện của chị cũng chẳng có gì đâu… Đã qua hết
rồi Vũ ạ. Có ai không buồn khi một… người quen, một… người
thân của mình ra trận, rồi… mất tích luôn không hở Vũ?
Vũ mở to mắt:
- Khi mô hở chị?
- Gần hai năm rồi Vũ ạ. Dù không muốn, vẫn phải xem như người đã chết.
Vũ yên lặng. Minh cắn chặt môi như người đang chịu đựng một
vết thương. Giây lát sau, Vũ hỏi, bằng một giọng rất thấp:
- Chị Minh, người nớ… có phải là người yêu của chị không?
Minh ngơ ngác. Vũ nói chữ “người yêu” nghe xa lạ thế nào! Và
Minh ngẩn ngơ khi nhận ra rằng chưa bao giờ Minh nghĩ đến hai
tiếng đó. Hai tiếng thật thông thường trong những cuốn phim,
trong những vở kịch, trong những bản nhạc, cũng như trong tiểu
thuyết, nhưng lại rất lạ đối với Minh. Minh đáp nghe xa vắng:
- Ừ… Vũ cứ nghĩ là như thế đi!
… Và chợt nhớ thật nhớ một hôm đi trên đường có hàng cây Điệp
ngợp bóng mát, Đỗ đã khôn khéo kể cho Minh nghe chuyện anh
lính tên Lâm học bài, đọc tên rừng U Minh thành chữ “Yêu Minh”,
Minh muốn khóc…
Minh
rời chỗ của Vũ, đến gặp người y tá trưởng để lấy mấy lọ
thuốc. Minh đi phát thuốc cho những thương binh trong phòng. Vũ
xòe bàn tay ra, cười:
- Chị cho Vũ xin một viên thuốc ngủ.
- Chi vậy?
- Chị Minh quên hôm ni là thứ bảy?
Minh ngơ ngác:
- Thứ bảy… có liên quan gì đến thuốc ngủ?
- Có chứ! – Vũ cười thật trong – Hôm ni thứ bảy, Vũ phải ra
phố, đi thăm mấy đứa bạn, rồi chui vô rạp xi-nê ngồi. Tối trở
lại bệnh viện, phải ngủ một giấc thật ngon.
- Vậy mà làm chị hết hồn.
Minh đặt lên lòng bàn tay Vũ một viên thuốc màu trắng. Vũ nắm bàn tay lại, mỉm cười:
- Cám ơn chị.
Minh đi lấy thêm thuốc bổ ở dưới lầu. Khi trở lại Minh thấy
Vũ đã thay bộ đồ lính. Vũ đang sửa mái tóc lại để đội chiếc
mũ màu xanh lá cây lên đầu.
- Vũ đi phố đó phải không?
- Dạ. À, chị Minh nì!
- Chi đó Vũ?
- Thứ bảy sau chị vẫn vô đây chứ?
- Vâng. Mỗi tuần, thứ bảy chị đều vào đây.
Vũ nói với giọng bâng khuâng:
- Vũ sắp lành vết thương rồi, không biết sẽ xuất viện ngày
nào. Có thể thứ bảy tuần sau chị đến sẽ không còn Vũ ở đây
nữa.
- Vũ xuất viện rồi sẽ ở đâu?
- Vũ ở nhà tụi bạn. Vũ có ai thân ở đây mô! Có thể Vũ sẽ về Huế, rồi ra Quảng Trị tìm mạ với em Vũ.
- Vậy… xem như hôm nay chị em mình từ giã nhau trước, phải không Vũ?
- Dạ.
- Chị chúc Vũ gặp nhiều may mắn, tìm gặp được mẹ và em. Chị
làm y tá tình nguyện, chẳng có gì tặng Vũ để làm kỷ niệm
cả.
Vũ cười:
- Chị đã tặng Vũ rất nhiều đó chứ. Không có chị băng bó, thuốc men cho Vũ, làm răng Vũ lành được?
Minh cười theo. Vũ nói:
- Còn Vũ thì có một món quà kỷ niệm nhỏ, Vũ muốn tặng chị mà sợ chị chê.
- Chị không chê đâu. Chị còn đóng hộp cất kỹ nữa đó!
Rồi Minh chờ đợi. Vũ lôi dưới gối ra một túi vải nhỏ có dây
rút trên miệng túi. Minh hơi mỉm cười. Vũ đoán biết ý nghĩ
của Minh nên nói luôn:
- Chị thấy cái túi vải ni có giống cái túi đựng trầu cau của mấy bà mệ đem theo ăn đi đường không?
- Giống thật, ai cho Vũ đấy?
- Của mạ Vũ may cho đó! Có dây rút đàng hoàng. Hồi Vũ đi Hạ
Lào có ghé ngang Hải Lăng, vô nhà thăm mạ Vũ. Bà mừng quá.
Nhưng Vũ chỉ có một tiếng đồng hồ để thăm nhà. Bà lật đật
lấy vải nâu may cho Vũ cái túi ni, rồi bỏ vô đó nào là dầu
khuynh diệp, dầu cù là, nào là kẹo cau, thuốc cảm với lại ...
một lá bùa để hộ mạng.
Minh cảm động vô ngần. Vũ thở dài:
- Lần nớ Vũ gặp mạ Vũ là lần chót, cho mãi đến nay chưa
thấy lại. Không biết bà ở mô hay là đã chết trên đường Mười
Ba…
Vũ mở dây, banh miệng túi vải, nói:
- Qua Hạ Lào, có một thứ được Vũ bỏ vô đây, một thứ duy nhất
được Vũ coi như kỷ niệm quý giá, giống như lọ dầu, như lá
bùa của mạ Vũ cho. Bây giờ Vũ muốn tặng nó cho chị…
Vũ lấy ra một mảnh gỗ đưa cho Minh, nói trịnh trọng:
- … vì Vũ quý chị như tình gia đình.
Minh nao lòng, nhìn mảnh gỗ trên tay , Vũ đã đẽo ra hình bình hành, trên đó Vũ khắc tên của Vũ.
Vũ hỏi:
- Chị Minh có chê không?
- Không đâu. Vũ cất mảnh gỗ này từ hồi đi Hạ Lào? Vũ có qua Hạ Lào?
- Dạ. Gỗ này cũng là gỗ Vũ lấy trong chuyến hành quân nớ.
Minh nhìn kỹ tên Vũ trên mặt gỗ. Khi cúi xuống gần thêm để
ngắm, bỗng Minh thoáng ngửi thấy một mùi thơm. Là mùi thơm như
hương trầm. Minh chợt nghe lạnh cả người. Minh hít mạnh mùi gỗ.
Vũ hỏi:
- Chị ngửi thấy mùi trầm không?
Minh nói mau:
- Có! Gỗ thơm mùi trầm. Loại cây gì đây hở Vũ?
- Vũ không biết. Đó là một thứ cây chi rất lạ mọc hoang ở một góc thung lũng Khe Sanh.
Minh thảng thốt nhắc lại:
- Khe Sanh?
- Dạ. Trước ngày sang Hạ Lào, Vũ đã đóng ở Khe Sanh. Tụi bạn
một bữa tê đốn cây nớ về làm củi chụm. Không phải gỗ trầm,
vì rằng khi đốt hắn lên khói đen thui. Nhưng để rứa ngửi thì
thơm. Vũ tiếc, nên đã dành một miếng đẽo làm kỷ niệm. Ông
Thiếu úy trong đại đội Vũ cứ nhạo Vũ hoài: ” Đem về bán lấy
tiền xài nghen Vũ! Gỗ trầm đó!”
Minh run rẩy nhìn mảnh gỗ thơm hương, rồi nhìn Vũ:
- Nói thế… Vũ có biết… Thiếu úy Đỗ… không?
- Dạ biết. Chính ông nói với Vũ rứa đó.
Và Vũ ngạc nhiên hỏi tiếp:
- Chị quen ông Đỗ?
- Có. Vũ có biết gì về anh ấy không? Anh ấy mất tích rồi.
Vũ linh cảm rằng giữa Đỗ và Minh hẳn có một mối liên hệ.
Minh đang nôn nao muốn biết thêm một điều gì về Đỗ. Vũ nhíu
mày ráng nhớ lại những sự việc xảy ra đã một năm rưởi. Khúc
phim khói lửa trở về trong trí nhớ của Vũ…
- Ở Khe Sanh, Vũ qua Hạ Lào và đóng quân trên một ngọn đồi
hiểm trở. Địch pháo kích ngày đêm. Một số anh em bị thương
được tải về bằng trực thăng. Vũ còn ở lại với tiểu đội của
Thiếu úy Đỗ, tiếp tục giữ đồi.
Minh mừng rỡ:
- Vũ có ở lại? Rồi sao nữa?
- Địch lại pháo, và tràn lên đồi. Trong đêm hung hãn vô cùng
nớ, Thiếu úy Đỗ bị thương nặng. Vũ không biết ông bị nơi mô
nữa, vì khắp người ông máu me đầy cả. Đêm tối làm Vũ như
người mất trí. Vũ không còn nhận định được chi.
Minh cắn răng nén tiếng khóc đang chực bật ra. Vũ kể tiếp,
mắt sáng lên như đang sống lại trong phút giây đỏ lửa:
- Trong khi đang tuyệt vọng vì bên kia quá đông, Vũ nghe tiếng
trực thăng đến. Vũ mừng hơn là thấy mạ của Vũ nữa. Vũ chạy
đến lay gọi Thiếu úy Đỗ. Ông nằm im lìm. Có vài anh em cũng
bị thương nằm la liệt dưới đất, đưa mắt nhìn Vũ như cầu xin.
Vũ muốn chết sững trước cảnh nớ. Mà ông Đỗ vẫn nằm im, lạnh
giá. Vũ không biết là ông còn sống hay đã chết. Mà địch vừa
bắn vừa pháo rát quá, trực thăng lại bắt đầu bay lên. Đôi mắt
khẩn thiết của anh bạn nằm gần Vũ nhất như bắt Vũ phải quyết
định. Vũ chỉ còn kịp kéo poncho đắp lên người Thiếu úy Đỗ
rồi xóc anh bạn chạy đến leo lên trực thăng.
Minh ôm mặt:
- Trời ơi! Anh Đỗ…
Vũ lau mồ hôi lấm tấm trên trán. Kể lại đoạn đời máu lửa kia
đối với Vũ là một cực hình. Trước mặt Vũ, Minh đang sụt sùi
khóc, không đè nén được nữa. Vũ nghẹn lời:
- Chị Minh, Vũ rất khổ sở phải kể chị nghe như rứa. Vũ không
có can đảm nói dối để kéo dài sự hy vọng nhớ nhung cho chị.
Thà là… ta cứ biết sự việc đã đến đoạn cuối của nó. Chị
Minh có giận Vũ không? Vũ cũng chỉ là con người, không phải
Phật , Thánh nên không có phép tiên cứu vớt cả nhân loại.
Minh nói trong tiếng khóc:
- Chính Chúa Phật cũng bỏ con người…
Vũ khổ sở nói:
- Chị Minh, Vũ xin chị đừng khóc nữa… Chị Minh ơi!
Nhưng Minh đang rũ người như một tàu lá úa. Vũ ngậm ngùi giở
chiếc mũ xanh đặt xuống giường, bỗng thấy giống như Vũ vẫn
làm khi chào vĩnh biệt những người bạn đã hy sinh. Vũ nhớ đến
đêm kinh hoàng đó, khi Vũ vác người bạn vừa leo lên trực thăng
thì cũng đúng lúc chiếc máy bay phải rời mặt đất. Đạn bay
vèo vèo tứ phía. Vũ còn thấy Đỗ nằm yên bên những ụ đất
cát, dưới tấm poncho. Đêm ấy, Vũ muốn nghĩ đến Chúa, đến Phật
để mà cầu nguyện cho người dưới đó, nhưng cảm thấy không có
sức mạnh nào giúp đỡ được con người. Đời sống hồ như đã mất
hết những nhân danh.
Vũ
bỗng hết muốn đi ra phố, hết muốn đến bạn bè, hết muốn tìm
vào rạp xi-nê. Vũ cảm thấy cuộc đời là một vở kịch hay nhất,
mà chiến tranh Việt Nam là một cuốn phim hào hùng, bi thảm
nhất trong lịch sử nhân loại. Vũ chợt muốn về nhà ngay. Vũ
muốn ra Hải Lăng ngay bây giờ, muốn thấy mẹ, thấy em đang lang
thang tìm lại nền nhà xưa trên gạch vụn. Vũ muốn thấy mẹ còn
nguyên da nguyên thịt, thấy em gái bằng mắt bằng nụ cười. Vũ
muốn trở về ngay.
*
Bảy
giờ sáng. Minh vo xong nồi nếp, bắc lên lò rồi quay vào phòng.
Mấy đứa nhỏ vẫn còn ngủ say. Nghỉ Tết rồi, chúng không bị
mợ Phương đánh thức sớm như những ngày thường. Chỉ có Minh
ngồi lặng yên trên ghế. Cũng không có bài để học, ngoài mấy
hình vẽ thực vật còn dở dang. Minh giở tập vẽ ra rồi nhìn đăm
đăm vào giấy. Cành Bã Đậu hôm nọ Liên Nga hái giùm cho Minh ép
nay đã khô lại. Nhìn thứ lá quen thuộc đó, Minh se thắt nhớ
đến hậu cứ tiểu đoàn của Đỗ. Mấy cây Bã Đậu nơi ấy giờ đây
chắc đã lên cao. Hơn hai năm rồi còn chi! Ngày tháng vụt qua như
một cái chớp mắt. Mới ngày nào Minh là một cô bé mười bảy
tuổi, nay sắp đón thêm một sinh nhật nữa, sinh nhật thứ hai
mươi. Tuổi hai mươi có lẽ là tuổi đẹp nhất của đời người. Đó
là tuổi vừa chín những mộng mơ, và là tuổi để bắt đầu thực
hiện hoài bão của tuổi trẻ.
Minh
gấp tập lại, không vẽ tiếp nữa. Minh muốn mình phải ngồi yên
trên ghế để chờ đợi. Không phải Minh đợi Tết. Tết sẽ đến như
năm qua. Lễ đưa Ông Táo cũng đã được cúng rồi. Mợ Phương hôm nay
nấu xôi chè để cúng “trong nhà trong cửa”. Rồi Tết sẽ đến.
Không có gì để chờ đợi, đón mừng. Mà là Minh đang đợi, đúng
tám giờ sáng nay, ở khắp nơi, mọi ngả đường, sẽ có tiếng
chuông chùa, chuông nhà thờ đổ vang đồng loạt. Minh chờ đợi một
thời điểm lịch sử sắp đến. Minh biết ở những góc phố, ở
những vùng thôn quê, trong bản làng rừng núi, mọi người cũng
đang mong đợi.Vì đúng tám giờ sáng nay, tiếng súng sẽ im.
Nghĩa là sắp có ngưng bắn. Vì ngày hôm qua, 27 tháng Một, 1973,
Hiệp định ngưng bắn đã được ký kết giữa hai miền Nam Bắc. Từ
bốn ngày trước Minh đón nhận tin ngưng bắn với trăm nghìn ý
nghĩ phức tạp – vui, buồn, hoài nghi, hy vọng… Nhưng mà đó là
sự thật. Hiệp định đã ký kết, và dù cho có tâm trạng gì đi
nữa, mỗi một người dân đều nghĩ đến hai chữ “Hòa Bình”.
Ở
nhà ngoài có tiếng radio cậu Phương vừa mở. Có tiếng mợ
Phương nói gì nghe không rõ. Dường như cậu mợ đang nói với nhau
về cha mẹ của Minh. Minh không còn biết cảm xúc đang hiện diện
lúc này trong Minh là gì nữa. Rồi nghe có tiếng của Liên Nga
chào cậu mợ trước nhà.
Minh đứng ngay dậy. Liên Nga đang đi vào. Nga nắm lấy tay Minh, hỏi:
- Minh, làm gì đó?
- Tao đang ngồi…
- Học hả?
Minh lắc đầu, rồi hỏi:
- Có việc gì mà mày qua sớm thế?
Liên Nga nắm chặt bàn tay Minh hơn nữa, đáp:
- Tao ngồi không yên, Minh ạ. Học không nổi, mà làm việc cũng không nổi, qua mày coi mày thế nào.
- Tao cũng vậy, tao đang chờ.
- Ừ, sao kỳ ghê Minh ơi. Mày có sốt ruột không?
- Sao lại không? Mày vào ngồi với tao đi.
Liên Nga đưa tay vuốt ve chiếc mùng của bọn nhỏ, thở ra:
- Tụi con nít khỏe quá Minh nhỉ! Được nghỉ là ngủ khò. Sáng
nay tao thức dậy thiệt sớm, tưởng là sẽ học được, không ngờ
trong lòng cứ nôn nao gì đâu. Té ra mày cũng như tao.
Hai đứa ngồi xuống ghế, nhìn ra cửa sổ. Qua những mái nhà
thấp, nóc nhà thờ vươn lên cao. Liên Nga liếc thấy đôi mắt Liên
Nga long lanh nhìn ra đầu gác chuông ấy.
Đột
nhiên trong khoảng không gian im lặng, có tiếng chuông nhà thờ
đổ liên hồi. Minh bấu lấy tay Liên Nga, nói run run:
- Mày nghe gì chưa, Liên Nga?
Nga đáp nhẹ như sợ làm vỡ tan âm thanh đó:
- Nghe rồi... Chuông nhà thờ đổ. Tám giờ rồi đó Minh.
Hai đứa im thin thít. Minh chợt reo lên:
- Nghe gì không? Cả chuông chùa nữa!
- Có còi tàu hụ nữa Minh à.
Minh ôm chặt cánh tay Liên Nga, nhắm mắt lại. Âm thanh vang đều
trong xóm nhỏ, như lời reo mừng của đường phố đón người đi xa
về, như tiếng khóc sung sướng của đồng lúa đón người trở lại
ruộng vườn.
…
Chuông đã dứt. Bên ngoài, cậu Phương mở radio to thêm. Có lời
kêu gọi dành một phút để mặc niệm những người đã khuất. Có
tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” vang lên bi tráng. Minh nghe nghẹn cả hơi
thở. Giống như có linh hồn những người đã chết ở cõi u minh
về cùng chia sớt niềm vui nơi đây.
Liên Nga nói bằng giọng xa xăm:
- Kể như chiến tranh đã chấm dứt rồi hở Minh?
- Mới ngưng bắn thôi. Chưa chắc đã hết chiến tranh. Nhưng nhiều người sẽ vui mừng vì bớt âu lo.
Minh thở dài:
- Mười tám, mười chín năm, dài thật hở Nga! Thời gian đủ để một đứa bé chào đời rồi lớn lên, cầm súng.
Liên Nga đặt tay lên vai bạn, nói:
- Mày rỉ rả như một bà cụ. Tao với mày cũng đã sống trọn
vẹn trong thời gian đó. Bao nhiêu là chuyện đã xảy ra mà mình
không ngờ, Minh hả!
Nói xong câu đó, Nga thấy Minh đỏ hoe đôi mắt. Nga giật mình,
nhớ ra rằng mình đã quên không đem
khăn tay theo. Hai đứa im lặng,
cùng lắng nghe tiếng radio vọng vào những bản thông điệp.
Minh đứng lên, nói một câu như đánh trống lấp:
- Gần Tết rồi đó Nga. May áo mới chưa?
- Làm cứ như con nít. May rồi, thử rồi, còn mày?
Minh cười:
- Mợ Phương có mua cho tao một xấp vải hoa màu tím. Tao chưa muốn đi may.
Liên Nga thủ thỉ:
- Tết này ngưng bắn rồi, Minh. Vui lên đi!
- Dĩ nhiên là vui chứ! Nghe ngưng bắn rồi mà ai không vui thì kẻ đó là người mất trí.
Liên Nga mơ màng, vẽ vời:
- Tết này tao cũng về Gò Công. Nhưng ngưng bắn rồi, càng thích
nữa, biết sao không? Tha hồ tao chạy Honda về quê ngoại tao.
- Quê ngoại ở đâu?
- Ở tận Đồng Nguơn, xa Gò Công lắm. Nơi đó là nhà quê mà.
Trước kia ba má tao ít dám cho đi. Bây giờ không còn sợ nữa.
Chắc hết đánh nhau rồi.
- Ngoại mày có trồng lúa không?
- Có chứ! Ngoại làm ruộng mà. Mày về quê với tao đi Minh.
Minh chớp mắt:
- Về quê mày hở? Tao thích lắm chứ. Nhưng… để thong thả đã, còn nhiều dịp mà!
Minh ngồi yên, vẽ trong trí cảnh đồng quê của Liên Nga.
Bỗng Liên Nga lay mạnh tay Minh, nói:
- Còn nữa, Minh! Ngưng bắn rồi, có gì nữa mày biết không?
- Gì nữa?
Liên Nga trịnh trọng nói:
- Sẽ có trao trả tù binh. Nhiều người sẽ mừng ghê lắm há!
Minh mở to mắt nghe Liên Nga thêu dệt:
- Chú tao bị bắt ở trận An Lộc. Anh con dì tao bị bắt ở trận
Lộc Ninh. Thế nào họ cũng được trả về ngay tại trong này.
Nhà tao tha hồ mà đón. Vui quá Minh ạ!
Liên Nga vui, Minh cũng cười, rồi bỗng ngưng bặt. Giống như một
người học trò đi xem bảng, đã qua khỏi số của mình rồi mà
vẫn còn đứng nghe xướng danh tiếp tên bạn bè, reo mừng với nó,
chợt nhớ lại rằng mình đã thi rớt. Giống như một đứa bé mồ
côi quên mất thân phận của mình, thấy trẻ hàng xóm chào thưa
cha mẹ, cũng mở miệng reo “Ba về! Má về”… Minh lại thấy nỗi
đau hiện lên trong giây phút hân hoan. Liên Nga hạ giọng:
- Minh nè, còn anh Đỗ của mày nữa…
- Còn gì mà đợi. Anh ấy chết rồi, Liên Nga!
Minh cúi xuống, nuốt một giọt nước mắt.
*
Minh
thắp hai ngọn nến, đặt lên bàn thờ. Lửa bén vào sáp mới, kêu
lắc rắc. Giọt nến chảy dài xuống chân đèn, buồn như giọt lệ.
Minh thắp ba nén nhang cắm vào bình hương rồi chắp tay vái. Có
đôi mắt u buồn của bác Liêu gái nhìn xuống. Có vầng trán
khắc khổ của bác Liêu trai như còn in cả dấu thời gian. Có tên
của anh Nguyễn Thi Đỗ dựng ấm cúng bên hình của cha mẹ. Minh
thờ thẫn ngồi xuống ghế. Bụi phủ khắp các vật dụng trong
nhà. Cả cây đàn của Đỗ cũng rỉ sét hết dây. Một nỗi buồn bã
chụp lấy căn nhà hiu quạnh.
Thụy đứng lấp ló trước cổng rào. Nó gọi nho nhỏ:
- Chị Minh! Chị qua đây hồi nào?
Minh bước ra, đáp:
- Chị mới qua, mới thắp nhang cho bác Liêu đó. Nhà bụi quá, chị định lau.
- Lau nhà hở chị?
- Ừ.
- Mấy lâu nay chị đi đâu?
- Chị bận thi nên không sang ngõ này.
- Học ở Khoa Học chắc khó lắm chị Minh hả?
Minh xoa đầu thằng bé,đáp:
- Ừ… khó hơn… lớp Tám một tí.
Thụy cười khi nghe Minh nói đến lớp học của nó. Có cái gì
vui chợt đến, như là niềm hãnh diện. Đồng thời Thụy cũng thấy
tiếc rẻ khoảng thời gian nhỏ dại đã qua. Giờ đây Thụy đã học
lớp Tám. Thụy bắt đầu mê Toán và Lý-Hóa, nên ít tham dự vào
những trò chơi trẻ nít. Từ trò đá dế, tạt lon, đến trò bắn
bi, chơi cờ cá ngựa, không có môn chơi nào hấp dẫn Thụy nữa.
Những trò chơi đó “có mùa” và hầu như chỉ lôi cuốn được bọn
học trò lớp bốn, lớp năm như Thụy thuở xưa. Ba năm qua rồi,
Thụy có vẻ chững chạc hơn lên. Thụy đã biết diễn tả những ý
nghĩ mà ngày trước Thụy không nói ra lời. Thụy tập tễnh viết
văn, làm thơ. Văn, thơ của Thụy, Thụy chưa mơ gửi đăng báo, mà
cất trong tập vở. Có một truyện ngắn mà Thụy thích nhất, là
bài Thụy viết nó nằm mơ thấy anh Đỗ sống lại và đánh với
chúng nó “ván cờ chót”. Thằng Hải đã thú nhận rằng hồi đó
chính nó đã lật hột xí ngầu ra số bốn để anh Đỗ không đi
được về chuồng, để Thụy được thắng. Ba đứa nó xin lỗi anh Đỗ
rối rít. Anh Đỗ cười khoan dung và giơ hai cánh tay ra cho chúng
nó đu lên như bao lần. Rồi truyện của Thụy chấm dứt.
Bỗng Thụy nhớ ra một điều. Nó nói với Minh:
- Chị Minh, qua nhà em đi, em cho chị xem.
Minh nghiêng đầu, hỏi:
- Xem gì?
Thụy giơ một ngón tay lên miệng:
- Bí mật, chị qua đây.
Rồi nó mở cửa rào. Hai chị em vào trong sân nhà Thụy. Thụy
chỉ cho Minh thấy trên cành mận lủng lẳng một chiếc lồng chim.
Minh cười:
- Thụy nuôi chim?
- Dạ, chim này ngộ lắm. Lông của nó màu nâu, giống hệt con
“chim áo dà” trong tem thư đó chị Minh. Em không biết gọi nó là
chim gì, bắt chước thằng Sơn kêu “chim áo dà”. Chị Minh thích
không? Em mua giùm cho.
Minh buồn cười vì thằng bé, nhưng vẫn hỏi:
- Mua ở đâu?
- Ở bên cạnh Y viện Tân Định đó chị. Thằng Sơn hôm nọ bị sâu
răng phải đến nhổ răng ở đó. Nó thấy bán chim rẻ nên mua, năm
chục đồng một con. Nó rủ em và thằng Hải mua.
- Ngộ quá hở? Chim áo dà! Chim áo dà!
Rồi Minh ngước lên nhìn chiếc lồng chim, nói:
- Nuôi chim mà Thụy treo chi cao quá vậy?
Thụy ra vẻ nhà nghề:
- Treo cao nó mới hót. Nó hót như ra lời nữa đó chị. Giọng nó hay quá, như là mình ngâm thơ.
Minh ngạc nhiên:
- Thơ gì?
- Em nghe nó hót như vầy:
“Còn người thôi đã lỡ rồi,
Chết cho Tổ quốc thì thôi đừng buồn…”
Chết cho Tổ quốc thì thôi đừng buồn…”
Minh xoa đầu Thụy, trìu mến nói:
- Cái đó là… Thụy hót chứ nào phải chim hót. Thụy làm thơ phải không?
Thụy mắc cỡ cúi đầu:
- Dạ, em làm thơ cho anh Đỗ.
Minh bùi ngùi. Hình ảnh của Đỗ sao vẫn không phai trong lòng
mọi người? Thịt xương của anh bây giờ có lẽ đã thành cát bụi.
Mộ của anh ở một nơi nào? Sự chờ đợi lâu ngày biến ra nỗi
tuyệt vọng. Bác Liêu đã chết. Kẻ chờ đợi mất bớt đồng minh.
Vũ xuất hiện ở đoạn hy vọng cuối, rồi hy vọng vỡ nát. Minh
trở thành con “chim áo dà” hót ngâm khúc sầu thương tự an ủi
lấy mình. Minh cũng mang nỗi lòng hân hoan trong nỗi hân hoan
chung, đi thăm viếng tù binh trong trận Quảng Trị, Kontum, Bình
Long, Lộc Ninh, An Lộc… của mùa hè năm ngoái. Mà không nghe Hạ
Lào. Không có ai từ Hạ Lào trở về. Cái tên “Hạ Lào” dần dần
nghe xa lạ với những người vô sự. Không có ngưng bắn như lòng
người đã mong. Không có thanh bình như Liên Nga và Minh đã tưởng.
Mà súng vẫn nổ. Vẫn còn chết chóc. Và nhiều địa danh đã
trở nên nổi tiếng. Và nhiều tên đồn đi vào lịch sử máu xương.
Minh bảo Thụy:
- Chị sẽ nuôi chim. Nhưng nhà cậu Phương không có chỗ. Chị muốn treo lồng chim ở nhà… bác Liêu.
Thụy reo lên:
- Thật không? Em sẽ cho chị con này, đẹp lắm!
Thụy bắc ghế leo lên dỡ chiếc lồng xuống. Nhưng nó hoảng hốt:
- Chị Minh ơi! Sao nó lừ đừ vậy nè?
Minh ngạc nhiên:
- Nó không nhảy chuyền gì cả. Chẳng lẽ nó bệnh?
Thụy nói như sắp khóc:
- Sáng nay em mới cho nó ăn mà. Em thấy nó nhảy vui lắm mà!
Minh tiu nghỉu:
- Tại Thụy nuôi chim mà nuôi có một con. Phải nuôi một đôi chúng mới vui mà sống.
Thụy lo lắng nhìn con chim đang lừ đừ mệt mỏi nằm mẹp trong lồng. Rồi Thụy nói:
- Em phải đi hỏi thằng Sơn làm cách nào để chim đừng chết. Em sợ nó chết quá.
Và Thụy chạy đi. Minh bước theo, rồi đứng dừng lại bên cây mận.
Thụy
chạy qua nhà Sơn. Nhưng bỗng nhiên chân nó quíu lại. Vì nó vừa
trông thấy từ đầu ngõ xuất hiện một người lính. Người ấy
mặc một bộ đồ lính trận rằn ri. Thụy đứng khựng lại giữa
lối đi, mắt mở tròn to. Dù người lính đã đen sạm nét da, Thụy
vẫn nhận ngay đó là anh Đỗ. Đúng là anh Đỗ rồi. Anh Đỗ cũng
đang nhận ra Thụy. Anh đi nhanh đến, và giơ một cánh tay ra. Nhưng
Thụy đứng cứng ngắc. Nó không đủ sức chạy đến dù rất muốn
đu lên cánh tay anh Đỗ như bao lần. Vì anh Đỗ chỉ còn một cánh
tay – còn một cánh tay thôi! Thụy hét lên:
- Anh Đỗ!... Anh Đỗ đã về!...
Và như người tỉnh giấc mê, Thụy chạy trở lại nhà bác Liêu.
Minh vẫn còn đứng ở gần cây mận. Minh đã nghe tiếng reo của
Thụy vỡ nát cả không gian. Minh nghe thằng bé vừa khóc vừa
gọi:
- Anh Đỗ về! Chị Minh ơi! Anh Đỗ về rồi!...
Minh chạy vụt ra ngõ. Ở đó, Đỗ đang bước tới. Minh muốn quỵ
xuống. Minh đã thấy Đỗ chỉ còn một cánh tay. Cánh tay đó giang
ra ôm chặt vai Minh. Nỗi cảm xúc òa vỡ trong tim. Minh khóc
ngất…