Nhà tôi ở gần Tòa Thánh Tây Ninh. Hỏng
biết có phải vì thâm nhiễm mùi… chùa, hay là tại “dốc lòng” tin theo điều thiện
ác luân hồi mà tôi có ý nghĩ rằng: Kiếp trước có lẽ tôi ăn ở thất nhơn, ác đức,
hoặc vụng đường tu, hoặc… sát nhân, cho nên kiếp nầy tôi… “khổ sở trăm bề”… Có
ai thông cảm cho nỗi lòng của tôi chăng? Cái nỗi lòng lâm li, bi đát, cái nỗi
lòng âu sầu, héo hắt, mắc cỡ, sượng sùng… Cái nỗi lòng u ẩn, bắt nguồn từ… cái
tên cúng cơm của tôi. Hỡi những vị may mắn đã có những cái tên thật hoa mỹ, xinh
đẹp xin hãy thông cảm cho cái thân tàn ma dại của tôi, mà đừng cười hì hì khi
nghe tôi giới thiệu danh tánh: tôi tên là… Nguyễn văn Cọp… Ấy! Khoan khoan! Xin
quí vị dừng chân. Đừng giật mình bỏ chạy như thế, thêm tủi lòng cho phận… đực
rựa của tôi. Tuy tôi là Cọp, chứ tôi hỏng phải… cọp đâu. Tôi lành như con mèo.
Sở dĩ tên tôi vậy là tại thân sinh tôi “sáng chế”. Biết làm sao hơn?... Chính
vì không biết làm sao hơn đó, mà tôi đành… ôm nỗi hận lòng, ngậm ngùi, tan tác.
Bạn dư biết mà… tôi xấu hổ vì cái tên quái quỉ đó không ít. Giá hồi xưa, lúc
mới sinh, tôi biết nói, có lẽ tôi sẽ la lên, khi ba tôi đặt tên, là không bao
giờ tôi chịu tên Cọp hùm… gì hết. Mang danh tánh ấy, trừ việc bất đắc dĩ là đi
học, ngoài ra, tôi có dám đi đâu đâu bạn? Trời hỡi… Tôi chán nản ghê gớm… Bạn
thử tưởng tượng giùm tôi, khi đang đi ngoài phố gặp thằng bạn, nó kêu um lên:
- Ê! Cọp! Cọp!...
Thiên hạ giật mình, hốt hoảng (?!) ngó
lên, trong khi tôi vờ tỉnh không thèm ơi hỡi gì thằng bạn hết. Thế rồi nó càng
gọi to lên mới chết chứ!... Khổ ơi là khổ… Bởi vì lẽ đó, mà dù là con trai, tôi
rất ít… đi lông bông chơi như lũ bạn bè. Ở nhà cũng không được thảnh thơi, tự
nhiên đâu nhé. Tôi kỵ nhất là khách khứa lại nhà, mỗi khi bà con hoặc người lạ
đến là tôi cút mất. Tôi ghét kinh khủng mỗi khi có người hỏi:
- Cháu đây con chị hả?
Và má tôi trả lời:
- Dạ! Thằng Cọp tôi đó chị.
Trong khi tôi khổ sở, nhìn má, thì bà
khách bật lên cười:
- Trời đất ơi!... Sao mà lại đặt tên
Cọp…
Cũng lắm phen tôi cằn nhằn ba, má tôi
bảo:
- Ối! tại hồi đó ổng theo ông bà xưa,
hay đặt tên con cho gần cha đó mà. Ba mày hồi đó tên Hổ, rồi gọi đùa mày là cu
Cọp. Riết rồi quen đi. Vả lại, cũng hỏng ăn thua gì cái tên…
Tôi hậm hực:
- Hỏng ăn thua. Con gần độn thổ với
người ta chứ ở đó mà má nói. Tên thiếu gì tên đẹp sao ba má hỏng đặt. Con mắc
cỡ thấy bà.
Thấy tôi ứa nước mắt, ba tôi an ủi:
- Thôi con à! Lỡ rồi. Ăn nhằm gì cái
tên. Người ta quí mình ở tấm lòng chứ đâu ở tên đẹp. Tên đẹp mà xấu tính thì
cũng không ai ưa nổi.
- Nhưng con mắc cỡ với người ta lắm.
Hay là… ba… ba khai tên con lại đi ba.
Ba tôi lắc đầu:
- Rắc rối lắm… Đâu có dễ gì. Với lại
ai cũng biết mày là Cọp – (?! Than ôi!) – Sửa lại cũng vậy.
Tôi tiu nghỉu, buồn “hiu hắt”… Từ chỗ
mắc cỡ, mặc cảm tôi trở nên nhút nhát, cù lần. Đi học, tôi ít dám đeo bảng tên,
và sợ lên Văn phòng kinh khủng. Từ ngày mà lớp tôi có con gái chuyển từ trường
nữ qua học, tôi càng se thắt trong lòng. Nguyên là nơi tỉnh tôi có hai trường
Trung Học, một nam một nữ. Song bên trường nữ, vì số học sinh ban B quá ít nên
được chuyển cả qua trường nam. Khổ thay, lớp tôi lại nhận vào cả 9, 10 vị…
nương nương. Những ngày đầu niên học mới, tôi eo sèo, héo rũ như hoa mười giờ
ban trưa; rồi đến khi thằng Quân, trưởng lớp lập xong bản đồ, đem để trên bàn
giáo sư tôi, tôi thắt thẻo ruột gan khi thấy cô bạn gái cầm lên xem, rồi kêu
bạn bè:
- Ý! Ủa!... Trời ơi… Có ai tên Cọp bây
ơi…
Rồi cả đám con gái tuôn lên, cười như
ma nhập. Tôi đỏ mặt ngồi im, thằng bạn ái ngại kéo đi chơi. Tôi thẫn thờ như kẻ
mất hồn… Ấy là còn đỡ vì mấy cô nàng chưa biết Cọp là ai. Kịp đến khi giáo sư
bắt đầu dạy, tuy không đến nỗi kém cỏi, nhưng tôi ớn vô cùng giờ toán. Ông thầy
tôi hay giở sổ gọi lên bảng chứng minh. Mỗi giờ qua, tôi thoát nạn là tôi mừng
như được của. Nhưng thói thường… cổ nhân đã nói có bao giờ sai “chạy trời không
khỏi nắng” mà. Một hôm, ông thầy Pháp Văn gọi lên chia Verbs. Ổng vừa kêu:
- Nguyễn văn Cọp.
Tụi nó cười ầm ầm. Tôi chin người nhìn
mấy người bạn gái đang gục đầu xuống bàn, hai vai rung lên từng hồi, chắc cười
no nê, mà lòng dâng lên… vừa buồn, vừa tức… hỏng biết tức ai. Tôi chậm chạp,
nặng nề lê thân lên, mặt cúi gầm. Cả thầy tôi cũng tủm tỉm cười. Ổng lại còn
bảo:
- Về nhà nấu chè cúng, đặt tên lại
nghe em. Kẻo có ngày thiên hạ chạy hết.
Đã biết ông thầy vui tính, nhưng bỗng
nhiên tôi ghét ổng gớm ghê. Làm như trả nợ mấy động từ, tôi về chỗ ngồi, mồ hôi
nhỏ giọt… Mấy hôm sau khi vừa đặt chân đến cửa lớp là tôi đã nghe những tiếng
cười khúc khích nghe… xốn xang, bứt rứt vô cùng. “Rõ là đồ bất lịch sự”. Tôi
chỉ dám hậm hực mắng thầm, rồi dông lẹ về chỗ. Bực nhất là mỗi khi có tuần lễ
lạc quyên, hay góp tiền giúp đồng bào chiến nạn, yểm trợ chiến trường, lũ bạn
bè, nhất là mấy vị nương nương cố ý “gào” hơi lớn:
- Tôi đóng tiền nè anh Cọp…
- Mai tui đóng nghe… Cọp.
Thôi thì Cọp… Cọp… loạn lên. Biết thế
ngày đầu tôi đã nhất quyết từ chối chức Trưởng Ban Xã Hội cho xong.
Lại càng khổ tâm hơn mỗi khi sắp Tết,
hay hè. Những ngày cuối, lũ bạn bè hát xướng ca xang, biết tính tôi rụt rè, xấu
hổ, chúng lại hay lôi tôi ra nhập cuộc. Thằng ôn Vĩnh hát xong bèn yêu cầu:
- Bây giờ em đề nghị anh Cọp.
Tôi ngượng nhìn cô giáo Loan cắn môi
gượng lại nụ cười, và mấy cô bạn gái quay chỗ khác, hoặc che tóc lại để… cười
cho tự do. Nếu không lên thì tụi nó ầm lên:
- Cọp gì mà nhát đởm… Cọp bịnh.
- Chúa tể sơn lâm mà cù lần vậy.
Thằng Hoài ác hơn:
- Lâu lâu mầy thỏ thẻ cho tao nghe
hỏng được sao Cọp? Giỏi đi Cọp…
Cả lớp cười rần lên. Một cô bạn kêu
khẽ:
- Giời đất ơi! Cọp mà… thỏ thẻ.
Lại một trận cười như… cắt ruột, xé lòng
tôi. Tôi cảm thấy bụng dạ mình ai trộn dấm xát muối. Cô Loan lên tiếng:
- Thôi! Mấy em sao cười bạn hoài vậy.
Để em ấy hát nghe chứ.
Nhưng thằng San lại thêm:
- Cọp mà hát gì cô. Nó rống nghe hay
lắm.
Trận cười lại bùng lên. Thằng Huân giả
vờ đứng dậy trịnh trọng:
- Thôi! Cười hoài hỏng sợ thằng Cọp
giận hả mấy quỉ nhỏ. Bây giờ đứng đắn lại. Tôi xin mời “nghệ sĩ Cọp”…
Cơ khổ!... Lũ quỉ cứ trêu ngầm mãi.
Tôi nhất định từ chối, và mong cho chóng tàn buổi học, tôi không thiết gì đến
cuộc vui nữa, cái tên quỉ quái hại tôi không biết bao nhiêu. Dọc đường, thằng
Phước ái ngại bảo:
- Tụi nó ác quá… mày đừng buồn.
Tôi làm thinh. Nó tiếp:
- Để ý chi mày. Ờ mà sao ai bảo mày,
tên kỳ vậy? Rồi nữa tỉ dụ mầy làm Tướng tá, chẳng lẽ lại gọi là ông Tướng Cọp
à.
Tôi cáu sườn:
- Không Tướng tá khỉ gì hết. Chán quá
đi mất. tại ông bà già tao hứng đặt vậy. Chắc tao hỏng dám là gì quá mày ơi!...
Làm lớn chẳng lẽ khi ký tên hay gì lại để tên đó… Tao hỏng ham gì hết.
Phước gạt đi:
- Ăn thua gì. Con trai gì mà bi quan
vậy. Chẳng lẽ vì cái tên mà mày bỏ hết sao… Mai mốt lớn, ra đời sửa tên mấy
hồi.
Nó rẽ đường khác. Tôi lại nối tiếp
“những bước chân um sùm” trên đường tráng nhựa, ngẫm nghĩ tên mình mà rầu cho
“đời” quá… Đang thẫn thờ, chợt thấy hai nữ sinh trước mặt, thỉnh thoảng ngó lại
tôi mỉm cười, tôi “nhột dạ” tự hỏi: “Chẳng lẽ hai bà này cũng biết mình là
Cọp”. Tôi ngó lại mình mới hay… cái bảng tên “của nợ” còn chễm chệ trên túi áo.
Tôi cáu giận rút xuống bẻ làm tư làm năm cái “bảng bêu xấu”, vừa nghiến răng:
“Cọp, tao cho mày Cọp”. Tôi quăng xuống đường, lòng vẫn trĩu nặng… tức cành
hông, rơm rớm nước mắt, thầm kêu: “Má ơi! Ba ơi!... Ba má hại con mà”… Tôi tự
nhủ lòng: Sau nầy, nếu có con, không bao giờ tôi đặt tên xấu xí hay… động trời
như ba má tôi đã đặt cho tôi. Quả tình, tôi đã ngán cái tên Nguyễn văn Cọp lắm,
quí vị nào đã từng mang tên Hùm, Beo, Cheo, Gấu, Sư Tử mới mong thông cảm giùm
tôi. Có vị nào “đồng bệnh”, tôi xin vẫy tay chào thân ái, kết ngãi anh em gấp,
“tứ hải giai Beo Cọp” mà… Cũng xin quí vị người lớn, hãy đừng tin dị đoan, sợ
ông bà ông vải bắt con mình đi rồi đặt những tên họ mà… lớn lên nó hỏng dám đi
đâu (như tôi chẳng hạn). Như tôi là mày râu còn đơ đỡ. Chứ quí vị sinh con gái
mà lại đặt tên… Lê thị Cọp hay Võ thị Gấu… (nguy to). Mấy lời thiết tha, nhờ bề
trên lượng xét…
CƯỜI HỞ 10 CÁI RĂNG
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 217-218, Xuân
Giáp Dần, ra ngày 15-1 và 1-2-1974)