Tôi
ghét những ông văn sĩ – ít ra cũng là mấy “ông văn sĩ” mà tôi đã đọc
bài của họ trong những cuốn báo nhi đồng mượn của bạn tôi. Không phải vì
họ nói xạo. Tôi biết rằng muốn viết văn, người ta phải có bịa ít, hay
bịa nhiều, mới có chuyện để viết. Tôi ghét họ, chỉ vì tôi không tìm thấy
tôi trong văn của họ, thế thôi. Tôi thích đọc nhiều sách, nhiều báo,
nhưng chưa bao giờ tôi mến được một “ông văn sĩ” nào. Tôi thấy những
nhân vật của họ “đặc biệt” quá, độc đáo quá. Mà tôi thì không như vậy.
Tôi không phải là một cô bé nhiều mơ mộng, suốt ngày ngậm bút làm thơ
hoặc ước ao có được nhiều bánh lắm quà. Tôi không phải là một đứa học
trò quá ngoan ngoãn, lễ độ và giúp đỡ mọi người luôn luôn. Tôi cũng
không phải là một nhân vật nghèo rớt mồng tơi, áo quần lem luốc và chịu
cực khổ như trâu. Chỉ vì vậy, chỉ vì tôi không có gì đặc biệt, nên tôi
không tìm thấy tôi trong văn của người ta, và như thế… tôi không thích
mấy người viết văn.
Tôi cũng ghét những ông nhạc sĩ, nhất là những ông viết nhạc cho tuổi thơ. Cũng chỉ vì tôi không mộng mơ, không chải chuốt như mấy cô bé trong bài hát. Tôi cũng có tóc dài xõa ngang vai, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đó là một dòng suối, vì suốt ngày tôi phải kẹp gọn sau gáy để làm việc với má tôi trong bếp, chỉ trừ lúc đi học tôi mới tự do mở kẹp ra. Nhưng ở lớp học của tôi, chỉ có một cái quạt trần mà suốt năm lại ù lì không chịu quay, nên hầu như tôi luôn luôn kẹp tóc lên như lúc ở nhà cho đỡ nóng. Tôi cũng có chiếc áo dài trắng nhưng tôi không ví đó là cánh bướm, mà tôi tưởng như đó là những tờ giấy bạc do ba tôi kiếm được chắp lại cho tôi mặc. Và tôi cũng có một chiếc xe đạp, nhưng không ước ao đạp đi rong chơi những chiều gió mát, mà tôi chỉ mong cho nó đừng hư, đừng gãy, để ba má tôi khỏi phải tốn tiền sửa, và… nó đừng mất để tôi không phải khóc bù lu bù loa như cái Thùy dạo nào.
Tôi không thích làm dáng như lũ bạn của tôi. Tôi chỉ gọn gàng, sạch sẽ và tươm tất. Tôi cũng không có thì giờ để mơ mộng vẩn vơ. Nhất là từ khi ba tôi thay đổi chỗ làm, tôi lại thấy mơ mộng là một cái “tội”. Ba tôi mất chỗ làm, không phải vì bị sa thải, mà vì sở của ba tôi đóng cửa. “Sở”, chính là một trường học. Trường học không muốn dạy học nữa thì trường học đóng cửa. Đương nhiên ba tôi – người thư ký của trường - mất chỗ làm. Một sự thay đổi không chọn lựa và không mong muốn bao giờ cũng làm cho con người ta lùi chứ không tiến. Ba tôi nghỉ ở nhà chừng nửa tháng thì được người quen giới thiệu đến một trường học khác. Ba tôi lại làm thư ký, nhưng thư ký “quèn”, không bằng một phần mười của việc làm cũ. Dĩ nhiên, số lương của ba tôi kém đi rất nhiều.
Tôi thương ba tôi lắm. Thương ba tôi, tôi không ôm lấy ba tôi mà kêu “Ba ơi! Con thương ba!” như mấy đứa con gái đóng kịch “tâm lý xã hội”. Tôi chỉ lén nhìn ba tôi mỗi khi ông ngồi trầm ngâm trước điếu thuốc. Và thương ba tôi, tôi nhủ lòng không bao giờ mơ mộng viễn vông – đó là một cái “tội”, đối với tôi. Con nhỏ Thùy mà nghe vậy, chắc nó sẽ phản đối liền. Sự mơ ước, nếu có, chính là mơ ước ba tôi có một chỗ làm xứng đáng hơn, nhiều lương hơn và rảnh thì giờ hơn. Tôi cũng thương má tôi nữa. Má tôi càng ngày càng khắc khổ vì xoay vần với trăm nỗi lo âu. Má tôi già trước tuổi vì chưa có một khoảng thời gian nào sung sướng. Còn tôi chưa được bao nhiêu tuổi mà đã cảm thấy rằng tôi lớn. Có lẽ tại vì tôi là chị cả. Dưới tôi có năm đứa em. Tôi chưa làm được gì cho tụi nó. Tôi cũng chưa dạy dỗ được gì cho tụi nó. Tôi chỉ mới học đến lớp chín. Trong đám bạn bè của tôi, nhiều đứa còn nhí nhảnh vòi vĩnh cha mẹ, nhiều đứa vừa đi học vừa bán buôn giúp đỡ gia đình, còn lại đa số vẫn là những đứa như tôi. Tôi bỗng thù ghét cái sự bình thường đến độ tầm thường này. Xung quanh tôi, cảnh sống tiếp diễn như một guồng máy. Ba tôi, má tôi và tôi là những cái máy. Cái máy chạy mãi mà không mệt mỏi – hay không cảm thấy mệt mỏi. Cái máy sẽ mòn lụn dần và rồi sẽ dừng lại. Tôi thương ba tôi, tôi thương má tôi quá!
Tôi đã nhập đề khá dài rồi chăng? Tôi biết vậy, nhưng không đừng được. Giống như một người khi nhận được một bức thư, đoán rằng trong ấy sẽ có những điều vui vẻ, họ sẽ làm một công việc nào đó, hay chạy đi đâu một lát, để tăng sự náo nức của họ khi mở thư ra. Giống như một đứa bé trước khi ăn một món ngon, vẫn còn thích hát vài ba câu líu lo để sự hồi hộp được thúc đẩy thêm. Tôi muốn nói là có một cái máy dừng lại, để nhả ra một ít sản phẩm. Chính hôm nay ba tôi chen vào giữa sinh hoạt lạnh lùng đều đặn kia một sự mới lạ. Ba tôi đem về một gói lớn và dẹp. Má tôi đoán là một cây vải. Nhưng rồi má tôi lại bác bỏ ý kiến đó ngay, vì chẳng bao giờ người ta mua một cây vải cho cả nhà may. Các em tôi đòi mở ra xem liền. Tôi không cho, nhất định đoán cho ra. Nhiều giải đáp quá làm gương mặt ba tôi xìu dần. Ba tôi hết cười như lúc mới về. Ba tôi chậm rãi nói:
- Đoán sai hết rồi! Chưa đến tết, mà đứa đoán vải, đứa đoán pháo. Dẹp lép như thế này mà đoán không ra à? Để ba mở cho xem.
Rồi ba tôi thong thả mở gói giấy. Mấy chị em tôi kêu lên thất vọng:
- Trời! Tấm lịch!
Má tôi cười, và bỏ đi xuống bếp. Lũ em tôi tranh nhau sờ lên tấm lịch. Tôi cũng thấy tấm lịch đẹp thật, nhưng tôi không ham. Sự trang hoàng đối với nhà tôi không cần thiết, vì chị em tôi thích có áo tết hơn là đọc số trên tấm lịch. Ba tôi treo tấm lịch lên vách. Tôi biết các em tôi cụt hứng vì không có quà tết, nên tôi nói lảng đi:
- Thằng Dung, lấy cây chổi lông gà quét bàn quét tủ đi. Thằng Dự, con Thư và con Ti leo lên đi-văng ngồi cho chị Tố lau nhà. Sửa soạn dọn cơm cho ba ăn đó!
Lũ trẻ nghe lời tôi răm rắp. Tôi nghe má tôi cằn nhằn dưới bếp:
- Mua gì cho con không mua, đi mua tấm lịch. Thiệt chán!
Ba tôi lặng thinh, châm thuốc hút và ngồi ngắm tấm lịch.
Chuyện ngày hôm nay chỉ có thế. Vậy mà tôi cũng làm cho chính mình hồi hộp, náo nức. Những cái máy lại tiếp tục chạy trong guồng máy. Sinh hoạt lại tiếp tục trôi qua lạnh lùng, đều đặn. Tôi thương ba tôi, tôi thương má tôi quá!
2
Tôi biết rồi! Tôi biết từ đâu mà có tấm lịch rồi! Không phải ba tôi mua. Tôi thừa biết rằng ba tôi không bao giờ xài tiền vào việc mua lịch trong khi chị em tôi chưa đứa nào có áo tết, giày tết. Sự khám phá của tôi đi kèm với sự chua xót. Giá mà sáng nay cô giáo Việt văn đừng bảo tôi đi mua một tấm lịch để treo trong lớp học thì tôi đâu đã biết sự việc này. Giá tôi đi đến một nhà in khác. Giá tôi bị kẹt xe… Bao nhiêu chữ “giá, nếu” làm tôi ứa nước mắt. Tôi là đứa con gái thiếu can đảm phải không? Tôi sợ thấy sự thật chăng? “Sự thật”, chính là cảnh ba tôi vác trên vai từng bao lịch nặng trĩu, hết bao này đến bao khác để đem từ nhà in ra xe. Thân người ba tôi như bị đè thấp xuống vì sức nặng của bao hàng. Ba tôi ốm hơn xưa rất nhiều – giờ này tôi mới nhận thấy. Ba tôi đã thức bao nhiêu đêm để suy nghĩ về cuộc đời? Ba tôi đã ngưng làm thư ký ở trường học mới từ khi nào? Ở trong nhà in này, ba tôi được gọi là “chức” gì khi mà luôn luôn phải vác hàng trên vai? Tôi mở to mắt đứng sựng trong sân nhà in, nhìn ba tôi như nhìn một kẻ lạ. Tôi chỉ nói được một tiếng:
- Ba!...
Và chờ đợi ba tôi mở lời. Ba tôi hơi chùn chân khi thấy tôi. Và rồi ba tôi hỏi:
- Con đi đâu vậy, Tú?
- Dạ, con đi mua lịch cho lớp…
- Vào mua đi! Rồi về lớp học ngay nghen!
- Dạ…
Tôi làm như một cái máy. Khi tôi bước xuống bậc thềm để ra về, tôi gặp lại ba tôi. Ba tôi kêu:
- Tú! Ba dặn nè…
- Dạ???
- Đừng nói cho má biết ba làm ở đây nghen!
Đôi mắt ba tôi trở nên tha thiết và hơi long lanh. Giọng ba nhỏ lại:
- Tối nay ba sẽ nói chuyện với con. Bây giờ về đi!
Tôi không có can đảm đứng nhìn ba tôi lâu hơn nữa. Tôi dắt xe đi. Và khi biết mình đã ra khỏi nhà in một đỗi xa, tôi mới đứng dừng lại trước một hàng rào dâm bụt, và tôi khóc ngon lành.
*
Không
biết là bao lâu, từ lúc tôi khóc cho đến khi tôi nghe tiếng nói của một
ai cất lên bên cạnh. Tôi cảm thấy như có người nhìn mình và muốn hỏi
han mình. Tôi cũng nhận ra rằng khóc ngoài đường là kỳ khôi lắm. Nên tôi
cắn môi nín khóc. Có một đôi mắt đang nhìn tôi. Đôi mắt không xa lạ
nhưng ngây dại lơ láo – đôi mắt của thằng nhỏ bán cà rem trên con đường
đi học của tôi. Nó nói gì với tôi những lời không rõ. Đúng ra là nó đang
ú ớ như một người câm. Tôi trố mắt nhìn nó. Trong câu nói lạ lùng của
nó, tôi nghe được những chữ mơ hồ:
- Sao… khóc… vậy?
Nếu một người khác hỏi tôi như thế chắc tôi sẽ ngượng ngùng lắm. Nhưng trước mặt tôi là thằng nhỏ này, tôi lại không cảm thấy chút nào e ngại, dù nó trông trạc bằng tuổi tôi và nó lại là con trai nữa… Tôi chùi nước mắt. Bỗng nhiên tôi cười với nó một nụ thật gượng nhưng cũng thật chân thành. Nó chưa nghe tôi trả lời, và nó hỏi tiếp:
- Ai… bắt nạt… hả?
Tôi lắc đầu và nghe cổ họng nghẹn thắt. Giá tôi bị một kẻ xa lạ bắt nạt chắc tôi chưa khổ sở bằng như thế này. Tôi phải trông thấy ba tôi oằn lưng vác lịch, và tôi phải giấu giếm những gì tôi đã thấy. Nếu có ai an ủi tôi bằng câu “nghề nào cũng là nghề đẹp cả, chỉ có người xấu thôi”, chắc tôi sẽ tức tối lắm. Có ai đã cảm nhận được sự xót xa của một đứa con gái khi nhìn thấy cha nó lam lũ khổ cực chưa nhỉ? Nghề lao động không xấu nhưng ba tôi không có đủ sức khỏe để làm như thế. Tôi muốn quên mất cái nhà in kia, quên luôn cảnh ba tôi vác lịch trên vai, mà tưởng tượng giờ này ba tôi đang ngồi làm việc trong văn phòng của trường học cũ.
- Sao… khóc… vậy?
Nếu một người khác hỏi tôi như thế chắc tôi sẽ ngượng ngùng lắm. Nhưng trước mặt tôi là thằng nhỏ này, tôi lại không cảm thấy chút nào e ngại, dù nó trông trạc bằng tuổi tôi và nó lại là con trai nữa… Tôi chùi nước mắt. Bỗng nhiên tôi cười với nó một nụ thật gượng nhưng cũng thật chân thành. Nó chưa nghe tôi trả lời, và nó hỏi tiếp:
- Ai… bắt nạt… hả?
Tôi lắc đầu và nghe cổ họng nghẹn thắt. Giá tôi bị một kẻ xa lạ bắt nạt chắc tôi chưa khổ sở bằng như thế này. Tôi phải trông thấy ba tôi oằn lưng vác lịch, và tôi phải giấu giếm những gì tôi đã thấy. Nếu có ai an ủi tôi bằng câu “nghề nào cũng là nghề đẹp cả, chỉ có người xấu thôi”, chắc tôi sẽ tức tối lắm. Có ai đã cảm nhận được sự xót xa của một đứa con gái khi nhìn thấy cha nó lam lũ khổ cực chưa nhỉ? Nghề lao động không xấu nhưng ba tôi không có đủ sức khỏe để làm như thế. Tôi muốn quên mất cái nhà in kia, quên luôn cảnh ba tôi vác lịch trên vai, mà tưởng tượng giờ này ba tôi đang ngồi làm việc trong văn phòng của trường học cũ.
Tôi nhìn thằng nhỏ. Nó vẫn đứng trong cái thế của một người mất thăng bằng. Tôi hồ như đã quen với cái hình vóc đáng thương của nó, khi tôi ngày ngày đạp xe đi học thấy nó bán cà rem bên đường. Nhưng bây giờ tôi lại cảm thấy tội nghiệp nó hơn. Tôi thấy nó cùng lúc với sự khổ ải của cuộc đời. Tại sao nó vẫn sống được với tấm hình hài tàn tạ này? Tại sao nó vẫn làm việc được bằng một tay độc nhất? Nó có buồn không, khi mỗi phút mỗi giây nó đều nhìn thấy sự khiếm khuyết trên thân thể nó? Nó có cảm thấy tủi thân khi biết rằng nhiều đứa bé – đôi khi cả người lớn – đã sợ hãi nó, khi nó lắc lư khúc tay không quá một tấc của nó để mời mua cà rem? Tôi còn nhỏ tuổi quá, chưa thấy được nhiều cảnh khổ của cuộc đời, nên tôi thấy thằng nhỏ này đã là thảm thê quá đỗi. Bỗng nhiên, trong một thoáng, tôi có ý nghĩ rằng mình hèn nhát. Tôi chưa bằng một góc của thằng nhỏ này. Tôi chưa làm được việc gì để giúp ba má tôi, và tôi đã khóc khi chạm phải một thực tế không như ý.
Thằng nhỏ bây giờ mở nắp thùng kem, chỉ vào đó, nói:
- Gần hết rồi. Mua hông?
Tôi suýt bật cười. Nó muốn dụ tôi ăn cà rem sau khi tôi khóc. Nhưng tôi lại gật đầu. Tôi có ý nghĩ giúp nó bằng mấy chục đồng có trong túi tôi. Ít ra nó cũng đã là bạn của tôi tự nãy giờ. Tôi rút tiền ra, bỏ vào túi áo nó, như mọi người thường làm vì nó chỉ còn có một tay để ôm giữ thùng kem đeo nặng nề trước bụng. Nó nhe răng cười. Tôi bảo:
- Không ăn cà rem đâu! Cất tiền đó đem về cho…
Tôi ngập ngừng… Thằng nhỏ cười sung sướng:
- Cho em, hả?
Tôi nhíu mày, hỏi:
- Có ba má không?
- Ba má… chết… hết ráo rồi, biết hông?
Tôi trả lời theo kiểu ngây ngô như nó:
- Biết… chứ! Rồi… ở đâu?
Thằng nhỏ chỉ tay về phía trước:
- Ở đường Trương Minh Giảng, biết hông? Xa lắm à nha! Đi về nhà… eo ơi sợ lắm!...
Tôi ngạc nhiên:
- Sợ cái gì?
Nó lắc đầu:
- Đừng có hỏi, không nói đâu! Nói… rủi đứa nào nghe được thì… mất hết tiền.
Thằng nhỏ dòm trước dòm sau với điệu bộ sợ sệt. Tôi băn khoăn vô cùng. Nó sợ một đám du đãng ở xóm nó? Hay nó sợ một tên trộm thường xuyên rình rập nó? Tôi không thể đoán được ý nghĩ của nó, vì gương mặt nó – gương mặt của một đứa con trai bằng tuổi tôi kia – khờ khạo, ngu ngơ lắm. Có lẽ lúc buồn hay lúc vui, khi thảnh thơi cũng như khi lo âu, nét mặt nó cũng chỉ là một. Ở sau ánh mắt kia, tôi còn thấy như có ẩn dấu một nỗi kinh hoàng.
Nhận xét về nó làm tôi quên mất nỗi buồn của tôi. Tôi không nhớ rằng trước đó vài phút tôi đã khóc thật ngon lành bên hàng rào dâm bụt. Tôi bỗng thấy mình thật ngộ nghĩnh khi đứng nói chuyện với thằng nhỏ này. Có vài tiếng xôn xao bên tai tôi. Cả tôi và thằng nhỏ đều chú ý đến đám học sinh đầu tiên xuất hiện trên đường vắng. A, đã đến giờ tan học. Tôi giật mình. Tôi phải trở về lớp để gặp cô giáo Việt văn.
- Về nghen!
Tôi nói với thằng nhỏ như vậy. Nó nhướng đôi mắt ngây ngô nhìn tôi, và chỉ vào thùng kem, nói:
- Ăn… cà rem không?
Tôi lắc đầu. Nó lắc lư khúc tay cụt, nhe răng cười:
- Mai gặp lại, hả?
- “Ấy” nói gì?
- Mai… gặp lại… ở đây… ăn… cà… rem.
Thằng nhỏ nhấn mạnh từng chữ làm tôi buồn cười. Tôi quay lưng đi, và cười một mình. Nếu tôi mà kể cho Thùy nghe cuộc đối thoại kỳ khôi này chắc nó sẽ lăn ra cười. Tôi cắm đầu bước nhanh. Nhiều hình ảnh hiện ra, hỗn độn trong trí tôi. Tôi thấy ba tôi ôm đống lịch cứng ngắc nặng trĩu, thằng nhỏ bán kem đeo chiếc thùng kệch cỡm trước bụng. Những cảnh đó có đáng làm cho tôi buồn không? Tôi có làm gì được để thay đổi thân phận của ba tôi, của thằng nhỏ không?
Thằng nhỏ!… tôi vẫn chưa biết tên của nó là gì.
3
Tôi biết đã gần đến tết. Nói một cách văn chương, là trời đang sửa soạn vào xuân. Ở thị thành, không có dấu hiệu nào của thiên nhiên để báo trước cả. Tôi không thấy một vườn mai nở vàng rực hay chim én bay về rợp trời xanh. Nhưng tôi không ao ước thấy những cảnh ấy. Tôi cũng không phải văn sĩ để phải viết văn ca ngợi mùa xuân. Sự mơ mộng, ở tôi, đã nói là một xa xí phẩm. Tôi không muốn làm nhà văn. Nếu phải chọn giữa hai danh hiệu “văn sĩ” và “thợ may”, chắc tôi chọn cái thứ nhì. Tôi ao ước được may cho các em tôi mỗi đứa một bộ quần áo. Tôi cũng thích làm chủ hàng giày dép để phát cho mỗi đứa một đôi. Tôi còn thích làm chủ sạp bánh mứt để chúng tôi nếm ngọt cho bằng thích. Tôi quá tầm thường đi chăng? Thế mà những ước mơ tầm thường của tôi lại không thành. Tôi biết trước rằng tết này chị em tôi sẽ phải mặc quần áo cũ, mang giày dép cũ và chắc cũng không có bánh mứt mà ăn. Tôi biết trong lòng mỗi đứa em tôi - và trong cả tôi – đều có một sự nôn nao, một nỗi ấm ức. Tôi biết má tôi sốt ruột. Tôi biết ba tôi cũng sốt ruột. Nhưng có một mối thương yêu thiêng liêng nào giữa chúng tôi chăng? Chúng tôi không bày tỏ sự bất an trong lòng mỗi người. Chúng tôi không dằn vặt nhau. Tôi biết ngàn đời chúng tôi sẽ chẳng bao giờ dằn vặt nhau. Vì lẽ đó, tôi thấy thương mái nhà của tôi vô hạn.
Một buổi tối, ba tôi gọi tôi đến gần. Xung quanh không còn ai thức. Ba tôi dúi vào tay tôi vài tờ giấy. Ba tôi nói nhỏ nhưng nghe vui lắm:
- Tú cất một ít tiền để sắm áo cho em. Ba muốn năm nay chính tay con mua đồ. Má con đã có chuyện khác để lo nhiều hơn.
Tôi nắm chặt mấy tờ giấy trong tay. Tôi muốn nói với ba tôi một điều gì nhưng cơ hồ không mở lời được. Ba tôi mỉm cười:
- Tú vẫn còn nhỏ quá, nhưng con là chị cả. Ba muốn con chia xẻ với ba một chút sung sướng khi sắm sửa cho các em. Lớn lên một chút nữa, con sẽ thấu hiểu giá trị của sự cần lao và nỗi buồn vui ngọt đắng ở đời. Bây giờ thì con hẵng cứ rán học, rán kiên nhẫn. Quên chuyện hôm nọ ở trong hãng lịch đi nhé Tú! Ba không muốn con bận lòng.
- Thưa ba…
Ba tôi cười nhẹ:
- Ba có là người thư ký hay là người lao công thì cũng vậy thôi. Làm việc bằng trí óc hay làm việc bằng chân tay cũng đều là lao động. Con đừng ngỡ ngàng. Ba muốn con hiểu ba hơn cả má con hiểu ba. Nghen Tú!
Tôi không nói gì được. Ba tôi nói êm đềm quá, ấm áp quá! Mà tôi thì nghe xáo trộn cả tâm hồn. Tôi cúi đầu, bỗng nhiên nước mắt trào ra.
Đêm đó tôi không tài nào ngủ được. Tôi vừa nghĩ thương ba tôi, má tôi, vừa băn khoăn không biết phải sắm gì cho các em. Mỗi đứa một bộ quần áo, chắc cũng vừa hết tiền. Chắc chúng phải mang lại giày dép cũ. Tôi còn phải mua hộp mứt chứ! Trong nhà tôi ai cũng thích ăn ngọt. Không thể thiếu mứt trong nhà khi tết đến. Tôi sẽ mua mứt, và sẽ để dành một gói nhỏ cho đứa bạn của tôi, đứa bạn kỳ cục bán cà rem bên đường. Nó tên là thằng Ngọt, tôi biết được tên của nó nhờ mấy bà bán hàng rong. Không hiểu sao mọi người trên đường ấy đều biết nó. Chắc nó phải có gì đặc biệt lắm. Riêng tôi, tôi tin rằng không phải vì cái tay của nó. Mà có lẽ ở thằng Ngọt còn có sự gì khác lạ nữa. Chưa bao giờ nó nói cho tôi nghe, vì tôi chỉ dừng xe lại mỗi buổi đi học về để nói với nó vài câu vẩn vơ. Tôi không hiểu tại sao tôi lại coi Ngọt như một đứa bạn thân, thân hơn cả với cái Thùy. Có phải bởi vì thằng Ngọt là hình ảnh đau khổ đầu tiên đập vào mắt tôi? Hay vì thằng Ngọt đã tình cờ hỏi han tôi khi tôi khi tôi đứng khóc? Tôi không giải thích được. Nhưng có một điều rõ ràng là tôi muốn chia xẻ với Ngọt những gì nó có. Nếu tôi là văn sĩ, tôi sẽ viết một truyện ngắn về nó, về một đứa bạn kỳ khôi tật nguyền. Tôi thương nó, và tôi thương luôn những người thiếu chân tay trên thế gian. Truyện của tôi sẽ lẩm cẩm lắm. Nhưng tôi sẽ trở thành “văn sĩ của những người tật nguyền”, danh từ nghe cũng là lạ. Lần đầu tiên, tôi có ý nghĩ muốn trở thành nhà văn.
4
Tôi mua một hộp mứt để dành cho mấy ngày tết. Tôi trút vài miếng ra một mảnh giấy và gói lại cho thằng Ngọt. Tôi nghe vui hơn bao giờ. Và không hiểu sao, cái ngày mà tôi đem gói mứt đi cho thằng Ngọt, tôi lại quẹo vào con đường có nhà in mà ba tôi làm trong đó. Tôi muốn nhìn thấy ba tôi dù biết rằng công việc của ba tôi vẫn không thay đổi. Quả thật ba tôi cũng đang vác những bao lịch nặng trĩu từ trong nhà in ra sân. Nhưng đúng lúc tôi ló mặt vào, là lúc ba tôi té quỵ trên nền gạch. Tôi đã biết là ba tôi không có đủ sức khỏe để làm công việc này mà!!! Bao nhiêu năm sống với nghề trí óc, ba tôi đâu có bắp thịt rắn chắc và gân cốt dẻo dai để mà khiêng vác. Tôi bỏ ngã xe đạp chạy vào sân đỡ ba tôi dậy. Ba tôi mệt mỏi thấy rõ, nhưng vẫn cố nói với tôi:
- Đến đây làm chi vậy Tú? Về đi.
Tôi bật khóc. Có nhiều ánh mắt nhìn tôi lạ lùng. Tôi chỉ biết khóc và nâng ba tôi dậy. Tôi lẻ loi giữa sân nhà in cũng như ba tôi lẻ loi giữa cảnh sống thiếu thăng bằng này vậy thôi.
…Đến một lúc tôi phải đi về.Và ba tôi vẫn tiếp tục làm công việc của mình. Cái máy, dù chậm chạp, cũng phải chuyển vận. Đời người, dù lặng lẽ, cũng phải sống. Tôi không bỏ ý định đi tìm Ngọt. Nó cũng như bao ngày ôm thùng cà rem đi rong trên đường. Tôi tìm thấy nó dễ dàng. Chắc nó thấy mắt tôi đỏ hoe nên hỏi ngay:
- Khóc… nữa?
Tôi không đáp, đưa gói giấy cho nó. Nó ngơ ngác:
- Cái… gì vậy?
- Mứt.
Đôi mắt ngây dại kia thoáng một chút vui vẻ. Ngọt nói:
- Mứt… có cay hông?
- Không. Mứt bí, mứt khoai, ngọt lắm. Ăn đi!
Tôi vỗ về Ngọt như nói với một đứa con nít. Tôi mở gói giấy ra. Đôi mắt Ngọt sáng lên. Nó cúi xuống đặt thùng kem bên cạnh, rồi bốc lấy một miếng mứt, cho vào miệng.
Khi Ngọt sắp sửa ăn miếng thứ hai, tôi bỗng thấy mặt nó biến sắc. Nó nói vội vàng:
- Giữ… giữ… giùm tiền cho Ngọt…
Không kịp cho tôi phản ứng gì cả, Ngọt té lăn ra đất, giãy giụa. Tay chân nó co giật lia lịa và hai mắt nó trợn trắng. Những người qua đường dừng lại và bu quanh cảnh tượng đó. Từ trong túi áo của Ngọt, những đồng tiền rơi ra, lăn lông lốc. Lũ trẻ nhỏ và bọn con trai lớn chỉ đợi có thế, đổ xô đến lượm tiền. Tôi hoảng sợ lượm cất lại cho Ngọt, nhưng không kịp tay với bọn kia. Tôi phẫn nộ hét la như một đứa con trai. Không ai nghe tôi nói. Dường như mấy bà bán hàng rong đã quen với cảnh này – cảnh thằng Ngọt bị giật kinh phong hàng bữa. Tôi biết rồi, mỗi lần như thế là Ngọt bị mất hết tiền. Và trên đường về của Ngọt, không có ai cướp bóc, mà là Ngọt đã vãi tiền ra cho người ta lượm, thế thôi!
Ngọt giãy giụa không biết đến mấy phút, mà tôi nghe lâu như cả ngày. Cánh tay cụt của nó lắc mạnh trong cơn vật vã. Nó lăn lóc dưới đất trông thật thảm hại. Tôi không biết làm gì cho nó. Tiền của Ngọt đã bị lượm hết.
*
Tôi
ngồi xuống bên Ngọt. Nó đã qua cơn vật vã. Nó trở lại bình thường như
tôi vẫn thấy. Tôi nghe Ngọt kể lể. Giọng nó thất thanh nhưng hay ho và
tội nghiệp hơn cả giọng đọc truyện trong máy thâu thanh. Lời nó mộc mạc
nhưng cảm động hơn cả câu văn chải chuốt của các “ông văn sĩ”. Chuyện
của nó ngắn ngủi mà đúc kết bằng cả những đoạn đời khổ ải kinh hoàng. Ba
má Ngọt và một đứa em của nó chết vì bị pháo kích. Ngọt còn một ông nội
già nua và một đứa em nữa. Ngọt cũng bị cụt tay trong cơn hãi hùng đó.
Sự mất mát về thể xác còn kéo theo sự hư hỏng thần kinh. Ngày nào Ngọt
cũng bị giật kinh phong một lần nhưng vẫn ráng đi bán kem để nuôi ông
nội và em. Hết rồi! Chuyện của Ngọt chỉ có thế.
Tôi cảm thấy hai mắt tôi ứ đầy lệ. Tôi đã lớn chưa, mà sao đã thấm thía nỗi buồn vui cay đắng ở đời, và ý nghĩa của sự cần lao? Sự cần lao của ba tôi, và của Ngọt, sao mà chua chát quá! Tôi sẽ làm gì để thay đổi được cho ba tôi, cho Ngọt? Khi ba tôi té quỵ trong sân nhà in, khi Ngọt giãy giụa trên đất bẩn, là khi tôi cảm thấy đời sống không phải là một mùa xuân. Tôi thấy Tết đối với tôi là giả tạo, là gượng ép. Nỗi sung sướng của tôi, nếu có, sẽ là một cái tội bên cạnh sự đau khổ này.
Ngọt lượm mấy miếng mứt vung vãi trên đất cho vào miệng. Nó tự nhiên và vô tư quá! Nó đưa cho tôi một miếng mứt bí:
- Ăn đi! Ngọt… lắm!
Tôi nghe lời nó, cắn một miếng mứt. Tôi muốn khóc thật ngon. Và lần thứ hai, tôi có ý nghĩ muốn mình trở thành nhà văn.
Nguyễn Thị Mỹ Thanh
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 217-218, Xuân Giáp Dần, ra ngày 15-1 và 1-2-1974)
Nguồn : http://camlinguyenthimythanh.com