Chưa bao giờ chị băn khoăn thắc mắc
bằng nỗi băn khoăn khi viết để gửi tới các em lời chúc tết nhân dịp xuân Giáp
Dần.
Nói tới chúc tết, người lớn đã có ngay
đầy dẫy những lời nặng phần tiền bạc. Đó là những câu chúc “nhất bản vạn lợi”,
“phát tài sai lộc”, “buôn may bán đắt cất nhà lầu” v.v… Đối với các em còn đi
học, thì lời chúc đầu tiên là được “gặp may mắn”, được “thi đâu đậu đấy”, được
“đi du học” v.v…
Vậy bây giờ đây, chị sẽ chúc các em
điều gì?
Từ trên hai năm qua, chị đã nhận được
ít nhất là hàng mười ngàn lá thư của các em. Đọc những lá thư với lời lẽ chân
thành mộc mạc, chị còn như thấy đâu đây những đôi mắt nai tơ nghiêng nghiêng
xuống trang giấy học trò, để giãi bày tâm sự gửi về vui buồn với chị. Cho nên,
trả lời các em, chị cũng đã rất thành thật, với một tấm lòng yêu thương nồng
nhiệt. Đôi khi, vì quá thành thật, chị đã vượt khỏi xã giao thông thường mà
nặng lời với một vài em của chị. Nhưng chị không hối hận về sự nặng lời đó, mà
chị tự hào rằng đã không vì nịnh các em mà làm trái với lòng mình, vuốt ve tự
ái các em, để mong các em tiếp tục mua báo. Chị không thể làm thế, vì chị hiểu
rằng trong khi toàn dân phải thắt lưng buộc bụng để dành ngoại tệ mà nhập cảng
giấy, trong khi ba má phải cực nhọc để có tiền cho các em mua Thiếu Nhi, mà chị
có nhiệm vụ giữ một khu trong tờ báo giáo dục, lại không làm tròn nhiệm vụ của
người viết báo giáo dục. Như thế chị đã không xứng đáng, chị đã làm phí giấy,
phí mực, làm uổng lòng kỳ vọng của những người lưu tâm tới sách báo giáo dục
thiếu nhi.
Ý nghĩ đó đã theo đuổi chị trong bất
cứ một bài nào gửi tới các em, và giờ đây, vẫn đang nhắc nhở chị. Cho nên, chị
sẽ không thể chúc các em những lời mà chị biết rằng nếu các em đạt được, chưa
chắc sự thành công đó có đưa các em lên đài vinh quang, có làm cho các em trở
nên những người con yêu của tổ quốc, đem danh dự về cho quốc gia, đem tự hào về
cho các em không?
Cho nên chị sẽ không chúc các em gặp
may mắn, thi đâu đậu đấy, được đi du học v.v… mà chị chúc các em phải chăm học
cho vững căn bản, có thực tài, có tập rèn để tâm hồn trong sáng và cơ thể cường
tráng. Học cho có căn bản vững vàng, chương trình học hiểu thấu đáo, thân thể
khỏe mạnh, tâm hồn trong sáng, đi thi các em sẽ chắc chắn đậu cả trăm phần trăm.
Ngày xưa chuyện học tài thi phận thường xẩy ra vì khoa cử thời xưa chú trọng về
văn chương. Mà văn chương thì mung lung, mỗi giám khảo một ý thích, nên đôi khi
thí sinh tài quá cao, văn quá khoáng đạt, có thể không hợp với người chọn nhân
tái. Ngày nay với nhiều môn thi khoa học kết quả rõ ràng, một là đúng, hai là
sai cứ học thật giỏi là chắc chắn sẽ đậu. Không nên hy vọng vào may mắn làm
chi. May mắn là gì? Nếu học kém, chỉ nhờ ở may mắn mà thi đậu, mà lên lớp được,
thì lại là điều tai hại. Vì may mắn không thể kéo dài suốt đời. Không có thực
tài mà vận may đã qua, thì chỉ còn lại thất bại mà thôi, phải không các em. Nếu
các em chăm học, chịu gắng công học, thức khuya dậy sớm, chịu cực chịu khổ mà
học, để có thực tài, các em sẽ thi đậu, sẽ đem sở học ra phục vụ tổ quốc, sẽ
hãnh diện ngẩng cao đầu nhìn thẳng ra khắp năm châu, không phải cúi mặt, chịu
nhục nhã vì bằng cấp cao mà bất tài, hữu danh vô thực, thi đậu nhờ may mắn, nhờ
cóp bài, để có chút hư danh với đời.
Chị cũng không chúc em nào cũng được
đi du học, nếu chỉ đi với quan niệm là được ra nước ngoài, mà trong lòng không
có một chuẩn đích chính đáng rõ rệt. Khi quốc gia cần tới sự du học của các em,
cần đào tạo chuyên viên mà các trường trong nước chưa đủ khả năng, thì sự du
học của các em là cần thiết, là một hình thức phục vụ cho tổ quốc, đi du học vì
nhu cầu của quốc gia, đi vì sứ mạng, đi vì tổ quốc. Rồi sẽ về phục vụ tổ quốc.
Chứ sự du học chỉ với mục đích khoe khoang, chỉ với mục đích thoát khỏi quốc
gia nghèo túng, đất mẹ xác xơ, đi để một mai trở về khinh miệt quê hương, coi
mình là văn minh, là rốn của vũ trụ, đi để khỏi nhìn thấy, khỏi đóng góp cho
quê hương chinh chiến, thì đi như vậy là trốn chạy, là phung phí ngoại tệ đáng
lẽ để dành mua phân bón, máy cày, giúp cho nông dân canh tác, cho quốc gia được
giầu mạnh. Đi như thế là vô ích cho tập thể không có gì đáng để cầu chúc cho
các em của chị đạt được điều đó.
Trái lại, chị chúc các em sẽ ở lại,
nai lưng ra làm việc, đổ mồ hôi xuống giải đất đã bảo bọc chúng ta từ thuở lọt
lòng mẹ. Chính lúc này, đất mẹ cần chúng ta hơn bao giờ hết. Ở lại và đóng góp
là bổn phận, là nhiệm vụ, là hành động của người sống trong danh dự, không phải
phường giá áo túi cơm. Năm nay sẽ là năm thắt lưng buộc bụng, mọi người đều
phải nỗ lực hơn nữa, để xây dựng quê hương. Hãy nhìn thẳng vào điều đó và hãnh
diện đón chờ sự cực nhọc.
Chị chúc các em có được ý chí quyết
liệt để chiến thắng mọi cám dỗ, cám dỗ theo thời trang bề ngoài, cám dỗ theo
thói hư tật xấu, cám dỗ theo bả vinh hoa phù phiếm. Chị chúc các em có được khí
tiết của danh tường Trần Bình Trọng: “Thà
làm quỉ nước Nam, không làm vương xứ Bắc” có được gan dạ của tôi trung Lê
Quýnh: “Đầu tôi có thể chặt, nhưng tóc
không thể dóc, da có thể lột, nhưng áo không thể đổi”. Chị chúc các em có
được chí khí của hằng ngàn, hằng triệu anh hùng, liệt nữ Việt Nam từ ngày lập
quốc. Chị tha thiết chúc các em điều đó, để mà không chịu hạ mình làm điều gì
mang nhục cho tổ tiên, cho dân tộc, để xứng đáng với tiền nhân, xứng đáng dòng
giống Lạc Hồng.
Riêng với Thiếu Nhi, chị nghĩ rằng năm
Giáp Dần này đây, sẽ có thể là một năm còn gặp nhiều khó khăn gấp bội. Giá giấy
có thể leo thang lên không phải 6000đ một rame như mọi người tiên đoán, mà có
thể là sẽ hơn thế nữa. Độc giả có thể sẽ không còn đứng được ở mức 3000 người,
mà sẽ chỉ còn 300 hay 30 người. Tờ báo có thể sẽ không còn 24 trang với bìa mầu
rực rỡ mà sẽ chỉ mỏng teo bằng tờ giấy quảng cáo, tờ chương trình chiếu bóng.
Dù cho tất cả mọi sự đó có thể xẩy ra, thì Thiếu Nhi sẽ vẫn ngạo nghễ bay tới
với độc giả, nội dung Thiếu Nhi vẫn rực sáng lý tưởng giáo dục, niềm mơ ước của
những người làm Thiếu Nhi từ thuở ban đầu và vẫn tích cực thể hiện.
Chị thiết tha cầu chúc các em có được
ý chí quyết tâm tiến tới mục đích, dù có phải chịu đựng mọi gian khổ và chắc
chắn các em sẽ tới mục đích.
Chị thiết tha cầu chúc tờ Thiếu Nhi
của các em sẽ sống anh dũng, dù hình thức có bị chi phối vì khó khăn của ngoại
cảnh nhưng nội dung vẫn làm hãnh diện cho những người viết và đọc Thiếu Nhi.
Nhân dịp đầu Xuân, chị thiết tha chúc
các em và Thiếu Nhi những điều nghe lên đã thấy vất vả, gian nan nhưng danh
ngôn có câu “vinh quang nào không thấm ướt mồ hôi?” Lời chúc “nhất bản vạn lợi”
không phải là điều chúng ta mong mỏi. Vì không có luật thương mại lương thiện
nào cho phép vốn một đồng mà lãi một chục ngàn đồng. Nhưng chúng ta chúc nhau
cần cù, siêng năng, lương thiện, nhân từ, khẳng khái, giữ gìn khí phách, để
sống cho ra người, để nhìn thẳng vào nhau mà không mắc cỡ, để không sợ bị áp
lực từ bất cứ đâu, để không băn khoăn thắc mắc ăn không ngon ngủ không yên.
Chúng ta chúc nhau sống trong danh dự,
các em nhé.
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích
tuần báo Thiếu Nhi số 118-119, Xuân Giáp Dần, ra ngày 8-1-1974)