Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

Nguồn góc Tết Nguyên Đán và vài tục lệ của ngày đầu năm


Tết Nguyên Đán là ngày lễ đầu tiên của một năm, bắt đầu từ lúc giao thừa cùng với lễ trừ tịch.

Tết là do ở chữ tiết đọc trại ra.

Nguyên là bắt đầu.

Đán là buổi sớm mai.

Như vậy Tết Nguyên Đán tức là Tết đầu năm, nghi lễ mở đầu cho một năm mới. Nó phù hợp với tiết trời vì lúc nầy cảnh vật cũng bắt đầu thay đổi. Tiết trời ấm áp, cây cối đâm chồi nẩy lộc sau một mùa thu trụi lá trơ cành và một mùa đông giá rét căm căm. Nó cũng còn mang theo một ý nghĩa đặc biệt : Mọi cái xui xẻo, bất hạnh, không may của năm cũ phải ra đi để nhường lại cho may mắn, thịnh vượng, hạnh phúc của năm mới đến.

Chúng ta có rất nhiều tết trong 1 năm như : Tết Nguyên Tiêu (15-1), Tết Đoan Ngọ (5-5), Tết Thất Tịch (7-7), Tết Trung Nguyên (15-7), Tết Trung Thu (15-8) nữa. Nhưng dần dà người ta chỉ còn giữ lại Tết Nguyên Đán và Tết Trung Thu mà thôi.

Theo lịch sử Trung Hoa thì âm lịch có từ thời nhà Hạ (2.205 – 1.816 trước Tây Lịch) và lấy tên mười hai chi tức 12 con vật đặt cho 12 tháng. Như vậy tháng giêng của ta phù hợp với tháng Dần và được chọn làm tháng của đầu năm. Đến đời nhà Ân (bị Thiếu nhi Phù Đổng Thiên Vương đánh cho một trận tơi bời hoa lá í mà) lại chọn tháng Sửu làm tháng đầu nằm. Tiếp theo đến đời nhà Chu thì lại chọn tháng Tí nhưng khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi thì tháng Hợi được đôn lên làm tháng đầu của năm. Đời Hán Vũ Đế thì trở lại chọn tháng Dần và từ đó cho đến nay không thay đổi nữa.

Xét ra thì chọn tháng Dần là phải vì đây là tháng giao mùa. Tiết trời ấm áp, mùa xuân tươi mát đã trở về thay thế cho mùa đông lạnh giá, cây cối trổ bông, chim vui ca hót. Lòng người cũng vui lây với cảnh vật, chứa chan hy vọng, mơ ước một ngày mới sẽ mang về nhiều may mắn và hạnh phúc. Do đó ngày tết chúng ta mới có tục lệ chúc mừng nhau:

Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh.


BÁNH DẦY BÁNH CHƯNG

Sau khi phá được giặc Ân, bình định được đất nước, Vua Hùng Vương thứ 4 muốn truyền ngôi lại cho con, nhưng chưa biết chọn hoàng tử nào trong 24 người con. Ngài liền bầy ra một cuộc thi để chọn người kế vị. Hùng Vương liền gọi các con lại mà phán:

- Trong các con ai dâng ta vật ngon của lạ ta sẽ truyền ngôi cho, kỳ hạn đến cuối năm phải có.

Các hoàng tử đua nhau lên rừng xuống biển tìm trân châu mỹ vị để mong được kế vị vua cha. Chỉ riêng có người con thứ 9 tên là Lang Liêu mồ côi mẹ từ nhỏ, bằng hữu không có ai, Lang Liêu ngày đêm lo lắng không biết phải kiếm món gì để dâng phụ vương. Bỗng một hôm mộng thấy một vị thần mách bảo:

- Trong trời đất không có gì quí báu bằng gạo, nó là một phẩm vật nuôi sống con người, con người không bao giờ biết chán ngán. Vậy hãy lấy gạo gói thành hình vuông hoặc hình tròn để tượng trưng cho trời và đất. Nó bao hàm cái ý nghĩa ơn trời đất phát dục vạn vật. Như thế chắc Phụ vương con sẽ vui lòng và ngôi kia chắc về tay con.

Lang Liêu làm theo vị thần mách bảo và đến kỳ hạn đem dâng vua. Hùng Vương nếm thử thấy ngon và có ý nghĩa liền truyền ngôi cho Lang Liêu làm vua nước Việt. Hàng năm cứ năm hết, tết đến Lang Liêu đem bánh này dâng lên cha mẹ và đặt ở Tiên miếu lễ bái. Từ đó thiên hạ đua nhau bắt chước và trở thành một tục lệ của ngày tết.


GIAO THỪA

Tết Nguyên Đán chính thức bắt đầu vào giờ giao thừa từ nửa đêm chấm dứt năm cũ.

Giao thừa có nghĩa là cũ giao lại, mới tiếp lấy. Người ta còn có tục lệ xin xăm và đi hái lộc để cầu may vào đúng giờ giao thừa.


LỄ TRỪ TỊCH

Lễ trừ tịch được cử hành vào giờ phút cuối cùng của năm cũ bước sang năm mới, tức giờ Hợi ngày 30 (tháng đủ) và ngày 29 (tháng thiếu) của tháng 12 năm cũ và giờ Tý ngày mồng 1 tháng giêng năm mới.

Lễ này mang một ý nghĩa đặc biệt là xóa bỏ mọi cái xấu, bất hạnh của năm qua để đón lấy cái may mắn của năm mới. Lễ nầy cũng được cử hành vào lúc giao thừa nên gọi là lễ giao thừa. Lễ nầy còn mang một ý nghĩa trọng đại : Tống Cựu Nghinh Tân nên được cử hành trang nghiêm từ tư gia đến nơi công cộng, đình, chùa, nhà thờ, công sở…


THẦN BẾP

Theo huyền thoại thì đời nhà Hạ rất sùng bái quỉ thần. Họ cho rằng mỗi nhà đều có 5 vị thần canh giữ. Đó là thần giếng, thần giữ cổng, thần giữ cửa, thần giữ nhà và thần giữ bếp. Vì vậy, người thời bấy giờ mới lập ra Ngũ Tự để thờ. Dần dà người ta chỉ còn thờ có thần giữ nhà để cầu mong làm ăn phát đạt thịnh vượng và thần bếp tức Táo quân mà thôi. Đối với họ Thần bếp thì quan trọng lắm vì đây là vị thần trời sai xuống để dò xét mọi hành vi đối xử ở trong mỗi gia đình và cứ mỗi năm khi năm hết, tết đến là Ngài phải có nhiệm vụ về trời tâu trình tự sự cho Ngọc Hoàng Thượng Đế biết. Cũng vì vậy mà dân gian cứ đến ngày 23 tháng chạp là làm lễ Tống biệt gọi là tiễn đưa ông Táo về trời. Thôi thì đủ cả hoa, trái, gà, vịt… Lại có nơi còn sắm sửa phương tiện di chuyển cho ông Táo như cá Chép, cò…ngoài ra còn hai cái mũ đen, một cái mũ vàng, áo nhưng đặc biệt là không có quần, chỉ có hia mà thôi. Vì vậy mà thi sĩ Tản Đà đùa dai:

Dăm ba ông Táo dạo chơi Xuân
Đội mũ đi hia chẳng mặc quần
Trời hỡi làm sao ăn mặc thế?
Thưa rằng: Hạ giới nó canh tân.

Theo truyền thuyết thì Táo quân là một chuyện thương tâm giữa hai ông và một bà. Ngày xưa có hai vợ chồng nhà nọ nghèo nàn, ăn ở với nhau rất đậm đà, hòa thuận. Nhưng vì nghèo nên người chồng phải xa vợ để đi làm ăn. Một hôm, người vợ nghe tin chồng chết rất buồn rầu. Về sau có người đến hỏi bà liền ưng thuận. Hai người sống với nhau đến tuổi già thì bỗng ông chồng trước về. Nghe tin vậy bà rất lo ngại. Phần thì sợ người chồng cũ trách mắng phần thì sợ thiên hạ chê cười không trung trinh với chồng, bà liền nhảy vào đống lửa tự tử. Thấy vậy người chồng cũ cũng nhảy vào lửa tự vận theo. Khi trở về tới nhà nghe tự sự, ông chồng mới cũng nhảy vào đống lửa chết luôn. Câu chuyện thương tâm thấu tai Ngọc Hoàng, Người cảm cái trung hiếu tiết nghĩa đáng nêu gương nên phong cho cả ba làm Tư mệnh Thần, trông coi việc bếp nước, tức Táo quân vậy.


HUY YÊN      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Quý Sửu, 1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>