Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

Đi Sắm Tết


Theo thông lệ, cứ vào những ngày cuối năm, thế nào chúng tôi cũng được mẹ dắt đi chợ Tết vài bận, ít nhất cũng được một lần. “Úi chào! Bày đặt, con nít mà đi chợ đi phố làm chi, chen lấn thêm mệt, cứ ở nhà như ba đây, rồi muốn ăn gì thì mẹ bay mua về…” – Ba tôi phản đối qua loa, chiếu lệ.

Thật vậy, ông phản đối thì cứ phản đối, mẹ thực hành thì cứ thực hành.

Phải công nhận rằng gia đình tôi dân chủ, nhưng là thứ dân chủ nửa chừng, có vương quyền nhưng là thứ vương quyền lập hiến. Xem ra bề ngoài thì ba tôi là chủ gia đình, song quyền quản trị, chỉ huy thực sự lại thuộc về mẹ tôi. Mẹ tôi, quyền hạn to hơn quyền hạn của Nữ Hoàng bên xứ Ăng-lê đấy, thưa các bạn! Ba tôi chỉ có tiếng mà không có miếng. Vì vậy, vào phút chót, ông đành phải mặc áo quần để chở mẹ con chúng tôi đi chợ Tết, dù ông không mấy tán thành.

Rồi trong khi ba tôi sắc diện không được tươi vì tìm chỗ đậu xe khó khăn, thì mẹ con chúng tôi đã đổ bộ ngang đường Lê Thánh Tôn, mặt người nào người nấy cứ tươi như hoa hồng vào sớm tinh sương ấy.

Đặc biệt Tết năm nay, hàng guốc dép là hàng hấp dẫn nhất, mầu sắc lòe loẹt kinh khủng mà hình dáng cũng kỳ cục quá đi thôi! Nhất là hàng guốc, quai nhung, quai nhiếc cẩn thận mà lại to quá cỡ thợ mộc kia. Em bé út của chúng tôi trông thấy những quả táo đính trên quai guốc thì mê quá, bèn trì lại, đòi mua. Anh Vũ, vốn sẵn máu khôi hài trong huyết quản, cười cười nói:

- Mẹ mua cho em con đi, mẹ! Mấy năm nay thắt lưng buộc bụng nên tụi con thèm táo lắm rồi. Không được ăn, xin được nhìn, mẹ mua cho em bé mang, cho nó vui và để chúng con nhìn đỡ thèm, thưa mẹ!

Mẹ giả vờ lập nghiêm:

- Cái thằng không khi nào ăn nói đàng hoàng. Nghe giọng nó, người ta dám nghĩ là mẹ keo kiết không cho các con ăn…

- Dạ, mẹ la anh ấy đi mẹ! Mẹ không đủ tiền để mua táo, mua lê, nhưng mẹ vẫn mua chuối cho tụi con ăn quanh năm, còn gì. Đó, ngày tết mẹ mua cả quày, ăn chuối bổ biết bao nhiêu! Cái thứ được voi đòi tiên, con rất ghét…

- Thôi đi mày! Chính mày mới là thứ đòn xóc nhọn hai đầu, thứ nâng bi chính quyền trắng trợn. Hèn chi, mới 20 tháng chạp, mày đã được mẹ mua cho đôi giày híppi mầu da bò chói lọi, nhìn là đau mắt người ta… Còn tao thì… Cho đến ngày hôm nay, Táo quân đã chầu trời mà vẫn chưa rời được đôi giày há miệng rộng hơn miệng cá khoai…

Nghe anh nhắc khéo, mẹ tôi chợt nhớ lại mục đích chính của cuộc dạo phố hôm nay, bèn bảo cả bọn tôi:

- Thôi, đừng ồn ào, chợ tết đã ồn rồi. Bây giờ để mẹ dắt Vũ vào hiệu Ba-ta mua cho nó đôi xăng đan mới kẻo tội, hẹn hoài… Tết nhất tới nơi rồi.

- Mua Ba-la đi mẹ!

Con Hà, vốn nổi tiếng là có đầu óc cải cách nhất đề nghị. Mẹ tôi khăng khăng:

- Thôi, thôi! Đừng xúi dại, mình quen dùng giày dép Ba-ta rồi, chắc lắm. Coi chân anh con kìa! Mua sắm thứ lơ mơ, nó mang mau đứt, mất công mẹ thêm.

Tôi liền chen vô, để tỏ ra đứa con gái lớn của mẹ rất chín chắn, biết điều chứ không lập dị, ham thời trang, đua đòi cái mới như lũ nhóc:

- Phải đó, mẹ nên mua Ba-ta cho Vũ. Với lại, chân nó to quá, con dám cam đoan trừ Ba-ta, không hiệu nào có giày dép vừa chân nó.

Nhưng nói thì nói vậy, chứ chị em đều đồng ý quẹo sang hàng vải vóc coi chơi, coi chơi chứ tiền bạc đâu mà mua? – để mẹ đi một mình với quí tử của mẹ vào Ba-ta.

Mẹ tôi bằng lòng, nhưng trước khi chia tay, còn căn dặn:

Đừng đi bậy bạ xa, mất công mẹ tìm, nghe chưa? Trong vòng nửa giờ, phải trở lại đây, đúng chỗ này gặp mẹ… đặng còn mua sắm ít trái cây…

- Vâng! Tụi con chỉ đi quanh đây thôi, nhưng mẹ cho chúng con tiền mua nước uống đi mẹ. Hai đứa nhỏ hay kêu khát lắm…

Hà phụ lực với tôi:

- Với lại kêu mỏi chân, hễ không cho tụi nó uống nước, tụi nó sẽ kêu mỏi chân.

Mẹ tôi tặc lưỡi một cái, mở ví lấy ra tờ trăm đỏ chói đưa tôi:

- Đây! Mua mía cho em ăn tốt hơn, uống nước làm gì, chen lấn mà nước ngọt có hơi, không tốt.

Hà nhìn tôi, ý muốn kỳ kèo, nhưng tôi biết tính mẹ, gạt đi, kéo tay nó và hai em nhỏ tiến thẳng đến hàng mía róc. Thấy mía, em Bé quên phắt những quả táo đính trên quai guốc được mươi mười lăm phút. Minh cũng vui vẻ ra mặt. Mua mía cho hai đứa xong, tôi và Hà kéo chúng lại mấy hàng vải. Thật là nhiều kể không xiết, thứ nào coi cũng mê, mầu sắc trang nhã có, lòe loẹt có, dày có, mỏng có, khổ rộng thước tư có, thước hai có, chín tấc có. Giọng rao hàng dẻo quánh, kéo dài như kéo chân khách đến và giữ lại, khó mà rút đi. Nhưng chúng tôi không có tiền để mua lấy vài tấc, còn thích thú gì? Thế là đành đợi mẹ ra. Loanh quanh một chốc mà đã đến giờ hẹn.

Lần này, thể theo lời đề nghị của tôi và con Hà, mẹ giao Vũ giữ hai em ở góc công viên đường Lê Thánh Tôn. Tôi, mẹ và Hà trở lại hàng vải, Vũ hài lòng với đôi giày mới nên không kêu ca chi hết. Hai đứa nhỏ thì khỏi mè nheo vì chúng đã có thêm hai gói mía.

Mẹ tôi tuyên bố:

- Đi coi cho vui thôi, không được đòi gì cả, nghe không? Các con đều đã có quần áo mới cả rồi, giày dép cũng vậy.

Thế rồi mẹ con tôi lại chen vào mấy dãy hàng vải la liệt dưới đất, trên sạp xung quanh chợ. Liếc qua một loạt, mẹ tôi xuýt xoa khen thứ này rẻ, thứ kia rẻ và trong vòng nửa giờ sau chúng tôi đã có trên tay sáu xấp, chưa kể thứ còn đo đo, cắt cắt. Mẹ tôi chống chế bằng giọng trang nghiêm:

- Hôm nay gần tết quá rồi nên rẻ, mẹ mua sẵn cho các con, cũng không hại gì. Mẹ không có thì giờ để dạo phố, mua sắm hoài…

Tôi bực mình ngăn:

- Mẹ mua vừa chứ, mấy thứ này cũ lâu rồi…

- Đừng bày đặt, con không mặc, em con mặc. Người ta mà cứ ưa bắt chước khỉ, thấy ai làm gì là làm theo. Mày là con mà không giống mẹ, cứ đòi theo đúng thời trang..

Xem ra, mẹ tôi cũng mất hứng thú, nên trả xong gói vải thứ bảy, liền lôi chúng tôi sang phía hàng trái cây. Lần này mẹ mua hạt dưa, chà là, hồng khô, táo khô và chấm dứt. Mẹ tôi lẩm nhẩm một mình:

- Xem nào, xem nào… mứt gừng, mứt bí, kim quất có rồi… Thôi! Thế cũng đủ rồi. Thời buổi này, được yên ổn là quí lắm, thiên hạ người ta khổ biết bao nhiêu…

- Mẹ ơi! Mua thêm ít mứt mãng cầu đi, mẹ!

- Thôi! Đừng ăn thứ đó, mẹ đã thấy họ làm rồi, bẩn lắm, lúc phơi họ không đậy điệm gì cả, bụi phủ ngập, chưa kể ruồi bâu đen như vãi đậu lên. Muốn ăn thì mẹ mua về ăn tươi, hay làm lấy mà ăn.

Vậy là thêm hai quả mãng cầu xiêm. Thấy đã đến lúc tấn công, tôi liền lên tiếng:

- Mẹ phải mua giày…

Mẹ ngắt lời tôi:

- Thôi! Không giày dép gì nữa hết. Từ lớn chí nhỏ đứa nào cũng có rồi…

- Giày mẹ kia mà!

Tôi nói và chỉ vào đôi giày cà tàng của mẹ. Hà tán đồng:

- Phải rồi! Giày mẹ tệ lắm rồi! Thứ này mua xôn từ năm ngoái…

- Rồi có sao không?

- Chả sao cả, nhưng tết nhất, tụi con muốn mẹ sang sang, đèm đẹp một tị, thế thôi… Để tụi con hãnh diện…

- Á, à! Thế ra bây giờ đi với tôi, các cô xấu hổ lắm phải không? Vì mẹ các cô không sang, không đẹp phải không?

Mẹ tôi dừng lại bất ngờ, gằn giọng hỏi. Hà hơi quýnh một chút, cười nịnh:

- Không phải vậy, nhưng chúng con muốn mẹ cũng mới như tụi con, năm mới mà, thưa mẹ.

Tôi tiếp liền:

- Phải đó mẹ, năm nào con cũng thấy mẹ đợi để mua xôn giày, con thấy nó làm sao ấy. Mẹ thử cách mạng một lần xem! Quanh năm con thấy mẹ có tiêu pha gì đâu.

Mẹ tôi có vẻ xiêu lòng, nhưng vẫn chưa chịu đầu hàng:

- Mẹ đã tự hứa năm nay sẽ không mua sắm gì cho mẹ hết. Tại sao lại phải mua sắm vào dịp tết? Có phải là tạo cơ hội cho người ta bắt chẹt mình không? Mua xôn thì đã làm sao? Cần nhất là thứ mình mua sắm dùng được tiện lợi, bền chắc là được rồi…

- Phải đẹp nữa chứ, thưa mẹ!

- Ừ! Nhưng vấn đề đẹp đối với mẹ không cần thiết. Đẹp, đối với mẹ đứng hàng thứ ba.

Trong lúc mẹ con tôi bàn tán, ba đã đến và đứng sau lựng tự bao giờ.

- Mẹ con các người làm cái gì lâu lắc vậy? Ta đói bụng quá lắm rồi…

- Thưa ba, chúng con khuyên mẹ mua giày mà mẹ không chịu mua…

- Ủa, chứ mai giờ mua sắm gì công kềnh kia mà chưa mua giày?

- Mẹ nói mẹ tự hứa năm nay mẹ không mua gì cho mẹ hết.

- Thôi đi, đừng hà tiện không nhằm cách. Tết nhất phải mới mẻ với người ta. Nếu cần tôi tặng mợ một đôi (vừa nói, ba vừa móc túi, lôi cái ví dày cộm không rõ cất giấy tờ hay bạc giấy ra, nhử trước mắt tôi). Thu, một đôi giày mới giá bao nhiêu?

- Thôi! Cứ để tiền trong ví, nó không cắn đâu mà sợ! Bây giờ ta về thôi. Anh bảo đói rồi, các con chắc cũng vậy. Ngày mai, tôi sẽ đi mua để vừa lòng bố con mấy người.

- Tốt lắm! Mà mợ tính đi với ai đây?

- Con Thu sẽ chở tôi đi. Hai mẹ con đi tiện hơn. Kéo cả lũ đi mệt quá, đứa đòi cái này, đứa đòi cái khác…

Ba tôi gật gù, tôi thì khỏi nói. Chỉ nguyên cái khoản được chở mẹ đi, được đi riêng với mẹ, tôi đủ thích thú rồi. Ngày mai! Tốt lắm! Tôi sẽ lôi mẹ đến hàng giày, lựa một đôi thật sang, thật ác liệt, thật nổi mới hài lòng. Con Hà hơi xịu mặt nhưng ba mẹ tôi mải bàn cãi về giá cả mấy thứ hàng trên tay mẹ nên không nhận ra. Tôi, thì tôi biết: nó không chở mẹ tôi được nên nó kém vui. Ai bảo nói dóc? Nó vẫn nói là nó sẽ lái xe bốn bánh, xe hơi cơ! Và trong lúc chờ đợi để trở thành một tài xế bốn bánh chở mẹ an toàn và tiện lợi, nó còn phải chờ lâu. Tôi thì cứ xoàng xoàng đi xe hai bánh, ngon ơ!

Tôi còn đang suy tính thì ba tôi quay lại:

- Ngày mai, con phải nhắc mẹ mua thêm ít thức ăn, nghe không Thu? Tết nhất mua hơi nhiều nhiều một tị để dành. Tụi bay ăn như cái cối xay ấy mà mua ít thế kia đủ đâu vào đâu. Còn phải khách khứa chứ? Chả lẽ người ta đến nhà chỉ uống trà suông ư?

Ôi chao! Cảm tạ Chúa cao cả! Ba tôi mới rộng lượng làm sao! Ông thật hiểu và yêu chúng tôi. Nói thế không có nghĩa là tôi chê mẹ đâu, mẹ cũng tốt lắm, cũng yêu chúng tôi lắm, nhưng mẹ ít khi thông cảm chúng tôi. Hay là những vị giữ chức Bộ trưởng Tài chánh đều giông giống mẹ tôi, hở bạn?


MINH QUÂN    


(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Quý Sửu, 1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>