Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

Những Người Cô Đơn


Vài ý nghĩ khi đọc lại cuộc đời của Bác Sĩ Semmelweis

Trong cuốn Gương Hy Sinh của học giả Nguyễn Hiến Lê, tác giả có thuật chuyện đời một vĩ nhân xứng danh vĩ nhân, một người đã chịu "chết để cho người khác sống" vì thấy không còn cách nào khác để cảnh tỉnh mọi người ngoại trừ cái chết của chính mình. Đó là bác sĩ Ignace Philippe Semmelweis, sinh năm 1818 ở Hung Gia Lợi, chết vì nhân loại năm 1865. Bác sĩ Semmelweis đã CHẾT VÌ NHÂN LOẠI bởi vì khi bác sĩ đã tự thấy mình hoàn toàn bất lực trước sự câu nệ, cố chấp của mọi người thời đó, thấy họ đang vô tình giết hàng loạt người mà lời van lơn, giải thích, cảnh cáo của mình không được họ để vào tai, cuối cùng, quá thất vọng sau khi tìm đủ mọi cách để mọi người tin phát giác của mình về lý do khiến các sản phụ bị chết vì sốt sản hậu, mà không ai chịu tin, bác sĩ Semmelweis đành phải đem chính bản thân ra làm vật thí nghiệm, để tự rước lấy cái chết mà mà bác sĩ đã biết chắc từ trước. Điều cầu xin mọi người của bác sĩ Semmelweis để cứu cả triệu mạng người chỉ giản dị là: "HÃY RỬA TAY TRƯỚC KHI ĐỠ ĐẺ", rửa tay để sát trùng. Chỉ có thế thôi! Chỉ cần rửa tay cho sạch, là đã có cả triệu sản phụ khỏi chết! Nói nghe dễ quá! Nhưng tranh đấu để mọi người nghe theo điều đó, chính người phát minh đã phải dùng cái chết của mình để đánh đổi. Ngay đầu truyện, tác giả Nguyễn Hiến Lê đã ngậm ngùi:

"Làm được một việc thiện không phải là dễ! Có đủ sáng suốt để thấy con đường phải, đủ nghị lực để theo con đường đó, lại được bạn bè giúp sức, mà rồi phải thất bại trước sự ngu muội mênh mông của người đương thời, tánh thủ cựu bất di bất dịch của nhân loại, thói  tranh quyền cố vị của người trên, lòng ghen ghét ti tiện của đồng nghiệp, đó là trường hợp chua xót của Ignace Philippe Semmelweis, một người trong ba chục năm hô hào bằng diễn văn, bằng sách, báo mỗi một việc rất dễ dàng là rửa tay để cứu hàng triệu nhân mạng mà chẳng ai theo cả, lại còn cản trở, chế giễu nữa, đến nỗi thấy đàn bà trẻ con chết cứ như rạ, ông đau lòng quá, mất trí tìm cách tự tử rồi tắt thở trong nhà thương điên, xa quê hương xứ sở".

Đọc lên lời than của học giả Nguyễn Hiến Lê, rồi đọc tới đoạn nói về những cố gắng của ông, đến lòng hy sinh bao la, đến sự tận tụy từng giây từng phút, đến sự tranh đấu từng ngày từng giờ, để cảnh tỉnh những người vì vô tình mà đã trở thành sát nhân ta nhận thấy nếu người như ông mà cũng chỉ nhận là người thôi, thì kẻ tầm thường như đa số chúng ta phải mắc cỡ vì được đứng vào hàng NGƯỜI hàng danh dự, trong đó có BÁC SĨ SEMMELWEIS.

Trên đường phục vụ nhân loại của ông, một con kỳ đà lớn nhất đã cản trở, đó chính là xếp trực tiếp của ông, bác sĩ Klein, giám đốc khu hộ sinh mà ông hành nghề. Bác sĩ Klein là một người tham quyền cố vị, nịnh bợ cấp trên mà tác giả Nguyễn Hiến Lê đã mô tả là:

"Bác sĩ Klein năm mươi hai tuổi, dốt, không có cao vọng, chỉ mong cố bám chặt lấy địa vị nhờ chính sách luồn cúi, gây bè đảng, triệt để tuân lệnh bề trên. Mỗi lần đi thăm bệnh, ông chỉ chú trọng xem giường có ngay hàng không. Ông cầm cây thước đo, hễ kẻ sai một phân là quát tháo ầm ỹ..."

Nhưng tội nặng nhất của ông Klein là tội ngu, làm nhà khoa học mà không chịu thí nghiệm tìm tòi, lưu ý đến những phát minh mới lạ. Thậm chí có một bác sĩ dưới quyền ông Klein chỉ có tội đã dám dùng cái ống nghe (cái mà ngày nay các bác sĩ đều dùng) để chẩn bệnh, bèn bị ông Klein đuổi ra khỏi nhiệm sở, phải về phục vụ tại một nhà thương điên. Lý do mà bác sĩ Klein viện ra để trừng phạt thuộc cấp là "cái ống nghe đó do người Pháp phát minh. Đại dưỡng đường ở đế đô thế này không thèm dùng món đồ của người Pháp"!

Hạng người thiển cận như thế mà cầm cân nẩy mực cho sinh mạng biết bao nhiêu người thì thật là đại họa đã xẩy ra. Vào thời gian đó các sinh viên y khoa sau khi mổ xẻ thây ma để học tập, bèn rửa tay qua loa hoặc chùi sơ, rồi đi đỡ đẻ. Cho nên vi trùng tử thi xâm nhập vào cơ thể sản phụ bèn sinh ra sốt nóng, mê sảng, sưng màng óc, sưng phổi, sưng ruột v.v... rồi bệnh nhân mạng vong! Có nơi sản phụ chết cả trăm phần trăm, hoặc ít ra cũng sáu bảy chục phần trăm.


Đến nỗi nhiều sản phụ đã lạy van bác sĩ, xin được đẻ ngoài đường, đẻ ở đầu bờ xó bụi cũng được, rồi hãy vào nhà hộ sinh nằm sau. Vì kinh nghiệm cho họ biết rằng đẻ như thế thì sống, còn đẻ ở nhà hộ sinh thì chết. Điều đặc biệt đó, không ai giải thích được.

Người giải thích được là bác sĩ Semmelweis thì thấy mọi người không nghe lời khuyên rửa sạch tay của mình, cứ dùng bàn tay dơ dáy để đỡ đẻ, để sản phụ cứ chết, đã cố gắng tranh đấu bằng trăm ngàn cách không được, đến phát điên lên, tự rạch tay mình rồi bôi mủ máu ở những tử thi mà các sinh viên giải phẫu để học tập vào, quyết nhận lấy cái chết vì nhiễm độc từ xác chết, giống như các sản phụ đã bị nhiễm độc. Ông quyết dùng mạng sống của chính ông để cảnh tỉnh các đồng nghiệp, để họ khỏi giết người nữa. Và ông đã chết. Và thế giới lúc đó mới lắng nghe tiếng kêu cứu của ông.

Nhưng phải đến 14 năm sau, bác sĩ Pasteur mới tìm ra vi trùng Streptocoque trong máu bệnh nhân rồi lại phải chờ cho lớp bác sĩ bác cựu, cố chấp cũ chết hết, lớp thủ sĩ tân tiến lên thay thế, phương pháp ngừa độc của bác sĩ Semmelweis mới được áp dụng. Rồi sau đó, thì nước Hung Gia Lợi là nơi ông sinh ra, nước Đức nhận là tổ quốc của ông và nước Áo nhận là có công đào tạo ông đều tranh nhau nhận ông là của mình, tranh nhau đòi giữ xác ông, đòi làm quốc táng cho ông. Bởi vì bây giờ ông đã trở thành vĩ nhân, vào hàng ân nhân của nhân loại.

Ấy thế mà khi còn sống, còn đang lăn xả vào tranh đấu cho quyền sống con người, thì ông lại bị các giáo phái phản đối, bị áp lực mà mất chức. Vì phe thủ cựu không muốn có những sự cải tổ, sợ mất chỗ đứng, nên họ tìm đủ cách hất ông ra, giữa khi nhờ sự cương quyết bắt áp dụng điều lệ: PHẢI RỬA TAY TRƯỚC KHI ĐỠ MỖI SẢN PHỤ mà không còn ai chết vì sốt sản hậu. Mỉa may thay, nhờ điều lệ đó, sản phụ không chết nên khi ông bị đuổi ra khỏi nhiệm sở, một sản phụ thoát chết đã xỉa xói, mắng nhiếc ông:

- Về Hung Gia Lợi đi! Ở đây chúng tôi không cần ông! Đàn bà chúng tôi dơ quá mà! Nếu khám tụi tôi xong bác sĩ phải rửa tay! Về Hung mà rửa tay rồi khám các sản phụ của mi.

Khi chân lý chưa được soi sáng thì những kẻ ngu xuẩn đã viện vào đủ mọi bình phong để vênh vang đắc thắng, trong số đó có mụ đàn bà ngu xuẩn vô ơn kể trên. Thời nào cũng có đầy dẫy hạng đó! Gặp những cảnh trớ trêu như thế mà ông không nản chí, vẫn lăn xả vào mà biện bạch, van lơn xin mọi người đừng tiếp tục giết sản phụ. Hãy rửa tay! Hãy rửa tay! Hãy rửa tay!

Than ôi! Sao lại có người nhân từ và bác ái đến thế.


ĐỖ PHƯƠNG KHANH

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 125, ra ngày 1-6-1974)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>