Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2020

Năm Tý Nói Chuyện Về Chuột


Nhân năm Nhâm Tý (1972) sắp về, chúng tôi xin nói về loài chuột.

Con chuột hèn kém, dơ dáy, ăn cắp... nhưng người ta thường thấy hình bóng của nó trong văn chương, trong lịch sử, vì nó cũng chen vào đời sống của con người. Chuột cũng có giúp ích cho chúng ta, nhưng lắm khi làm cho loài người phải có nhiều lo nghĩ về chúng.

Chúng tôi xin nói về con chuột trong thành ngữ, trong tục ngữ, trong ca dao, trong tử vi, trong thơ ngụ ngôn, trong văn chương Anh, Pháp và Việt Nam, trong sấm Trạng Trình. Chúng ta còn xem những truyền thuyết về loài chuột, cũng như sẽ nói đến con chuột trong lịch sử, trong không gian, trong y giới, trong khoa học. Ngoài ra còn có con chuột Mickey, một vị trạng sư cho chuột và nhiều chuyện kỳ lạ về gia tộc họ hàng nhà chuột nữa.

CON CHUỘT TRONG THÀNH NGỮ

Trong văn chương bình dân, danh từ "CHUỘT" được dùng trong rất nhiều trường hợp:

NHÀ Ổ CHUỘT tức là nhà cửa ở xóm bình dân lao động nghèo khổ dơ dáy tồi tàn, đi vào bằng những con đường sình lầy và ngoằn ngoèo.

Cây PHÁO CHUỘT được nhiều nơi hiểu nghĩa khác nhau: Nó là một loại pháo chai ngòi, sau khi đốt nguyên phong, trẻ em thường lượm mót lại, xì đốt chơi lắm khi nó xịt dài dưới đất như con chuột chạy. Hai tiếng "pháo chuột" còn để chỉ loại "pháo kim", pháo nhỏ bằng đầu đũa ăn. Nó còn chỉ một loại pháo đốt chạy trên mặt nước như con chuột chạy vậy.

Danh từ MỎ CHUỘT chỉ một hình dáng nhọn như mỏ con chuột. Đó là danh từ chê bai, biếm nhẽ. Còn ĐUÔI CHUỘT chỉ một hình dáng thon dài: cái rễ cây chánh ăn sâu xuống đất gọi là "rễ đuôi chuột". Hai chữ "đuôi chuột" còn ám chỉ "đuôi sam" tức là "bím tóc" người Tàu thời Mãn Thanh. Trái DƯA CHUỘT là loại dưa leo nhỏ và dài như một con chuột.

Thành ngữ CHẠY NHƯ CHUỘT dùng để chê bai những người sợ hãi, chạy tán loạn. Còn từ ngữ CHUỘT ĐỒNG LOẠI ám chỉ những hạng hèn kém như nhau, nhát gan, thô bỉ, đê tiện... Động từ ghép CHIM CHUỘT hay MÈO CHUỘT dùng để chỉ sự thương yêu lén lút giữa trai gái. Giận một người nào ăn cắp của mình, mà cứ chối cãi, người ta thường nói tao HÚ CHUỘT hay "tao hú chuột cho mầy". Người bình dân còn dùng động từ HÚ CHUỘT trong việc nhổ răng: vừa cầm cái răng liệng lên nóc nhà, vừa nói "hú chuột răng cũ về mầy, răng mới về tao" với ý nguyện là răng sắp mọc lên sẽ tốt đẹp và bền chắc.

Danh từ CHUỘT còn được gọi là , tức là một trong mười hai "con giáp": Tuổi con chuột gọi là TUỔI TÝ. Còn giờ bắt đầu từ mười một giờ tối đến một giờ khuya. TÝ NGỌ TUYẾN hay là ĐƯỜNG TÝ NGỌ dùng để chỉ một "kinh tuyến" chạy từ Bắc Cực đến Nam Cực.

Thành ngữ ÔNG TÝ REO muốn nói đến những lúc trong nhà có chuột reo, chuột kêu "chí chí" thành tràng dài vui vẻ. Người bình dân thường nói khi chuột reo thì thế nào, ngày sau cũng sẽ có khách đến nhà. Ông Tý báo trước cho biết đấy, và người ta tin là chuột có linh tính, biết tiên tri.


CON CHUỘT TRONG TỤC NGỮ

Danh từ CHUỘT được dùng khá nhiều trong tục ngữ ta.

CHÁY NHÀ RA MẶT CHUỘT

Muốn nói rằng khi cháy nhà, khi hoạn nạn... mới lòi cái mặt thật, cái mặt đê hèn, còn lúc bình thường thì làm bộ giả nhân giả nghĩa. Nó gần giống như câu "gia bần tri hiếu tử, quốc loạn thứ trung thần", nghĩa là nhà nghèo mới biết con hiếu, nước loạn mới biết tôi trung, có thử lửa rồi mới biết vàng tốt xấu.

ĐẦU VOI ĐUÔI CHUỘT

Dùng chỉ một vật đầu lớn như con voi, mà đuôi lại nhỏ như con chuột, như hình thể một chiếc đũa ăn, một cái dùi cui, một cái dùi đục... Một câu chuyện được kể như là rất trọng đại, nhưng sau chót lại không ra gì... thường gọi là "chuyện đầu voi đuôi chuột". Việc làm lúc đầu rất hăng say, rất vĩ đại, nhưng sau đó lại buông xuôi cũng được gọi là "việc đầu voi đuôi chuột.

CHUỘT KHEN CHUỘT CHẠY GIỎI

Thường dùng với câu "mèo khen mèo dài đuôi" để chê bai những người thích vỗ ngực khoe mình tài, mình giỏi, mình hay. Đó là tính khoe khoang đáng trách.

MÈO NHỎ BẮT CHUỘT CON

Nghĩa là con mèo nhỏ thì nên bắt chuột con, chuột bé thì hơn. Mèo nhỏ mà muốn bắt chuột to lớn là chỉ mang lấy việc thất bại. Nghĩa bóng khuyên ta nên làm những việc vừa sức mình mà thôi. Chớ nên đòi hỏi hay mong muốn những gì cao hơn địa vị và khả năng của mình. Ta nên "lượng sức liệu mình", "liệu cơm gắp mắm", chớ ước mơ những gì viển vông quá sức.

CHUỘT CHẠY CÙNG SÀO

Câu tục ngữ nầy nghĩa là con chuột chạy từ đầu cây sào tre nầy đến chỗ cuối cùng của đầu kia, rồi không đi đến đâu được hơn nữa. Câu nầy dùng để nói một việc làm bí lối, hết đường, không còn phương tiện nào để tiến hành thêm được nữa.

CHUỘT SA CHĨNH GẠO hay CHUỘT SA HŨ NẾP

Thường dùng chỉ những người tốt số, cưới được vợ giàu có. Câu tục ngữ nầy còn nói đến những người may mắn, , được gặp điều hên. Nó gần giống câu "thời lai, phong tống, Đằng Vương các", thời đến thì tự nhiên gió cũng đưa mình đến gác Đằng Vương, giàu sang, danh vọng.

CON CHUỘT TRONG CA DAO

Ca dao rất phong phú có nhiều câu chứa đựng hình ảnh con chuột, là một loài vật rất gần chúng ta.

Trong mười hai "con giáp": tý, sửu, dần, mẹo... thì con chuột đứng đầu với câu ca dao:

Tuổi Tý con chuột cống xề
Tha gà tha vịt đem về trong hang.

Về trang hoàng nhà cửa lại có câu:

Bốn phòng em chạm bốn mèo,
Con thì bắt chuột, con leo sàn nhà.

Để khuyên răn trẻ em về việc phải biết vâng lời cha mẹ, người bình dân hay nói:

Con chuột chạy luột ống tre,
Không nghe lời mẹ thè lè bụng ra.

Nói về việc hay kén lừa, cũng có câu:

Chuột chê lúa lép không ăn,
Chuột chê nhà dột ra nằm bụi tre.

Thuộc loại văn miêu tả đối với tuổi ngây thơ, người ta lại hát:

Con mèo con chuột có lông
Ống tre có mắt, nồi đồng có quai.

Nói về việc "mèo mỡ" vụng trộm chúng ta thường nhắc nhở câu ca dao sau đây:

Chuột kêu chút chít trong hang,
Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay.

Về mèo và chuột lại có bài ca dao khá hóm hỉnh:

Con mèo mầy trèo cây cau (cao),
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.
Chú chuột đi chợ đường xa,
Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo.

Chuột còn gọi là "tý" và được thấy trong câu ca dao:

Nửa đêm "giờ tý", canh ba
Vợ tôi, con gái, đàn bà, nữ nhi.

Câu nầy dùng để chê những ai viết "điệp ý", ý trùng nhau: ba từ ngữ "nửa đêm", "giờ tý" và "canh ba" đều chỉ thời gian vào khoảng 12 giờ khuya mà thôi.



CON CHUỘT TRONG THƠ NGỤ NGÔN

Thơ ngụ ngôn dùng rất nhiều về đề tài con chuột trong việc răn đời.

Đây là bài thơ ngụ ngôn của Lữ Phụng Tiên (La Fontaine) do Nguyễn văn Vĩnh dịch nhan đề:

CON CHUỘT NHẮT, CON MÈO VÀ CON GÀ TRỐNG NON

Chuột nhắt xưa nay quanh xó cửa,
Ra khỏi nhà bỡ ngỡ một phen.
Về khoe với mẹ huyên thuyên:
- Con qua rặng núi đến miền biên cương;

Con chạy nhặng khác đường chuột lớn
Đi rong chơi hung tợn khắp đường.
Nơi kia con gặp hai chàng:
Một chàng phúc hậu đường đường khôi ngô.

Chàng kia thì tiếng to mà dữ,
Bộ hung hăng, nghiêng ngửa mặt mày.
Trên đầu cục thịt đỏ gay,
Hai tay vùng vẫy như bay lên trời.

Xòe nan quạt đuôi thôi to tướng,
Khiếp, khiếp chưa! Hình dáng kỳ khôi!
(Chuột con kể chuyện lôi thôi,
Tưởng rằng vật lạ xa xôi đâu về!

Ai ngờ chú Hùng Kê chính đấy
Chuột nhắt ta nom thấy hãi hùng).
- Hai tay phành phạch vẫy vùng
Con xưa nay vốn thị hùng mà ghê.

Đuôi quắp đít chạy về một mạch, 
Miệng chửi thầm, thề kệch đến già.
Ví chăng không gặp hắn ta
Thì con hắn tiếp được nhà hiền kia.

Lông bông nhoáng, râu ria đường bệ,
Đuôi lại dài tam thể trên mình.
Lừ đừ coi bộ hiền lành,
Duy đôi mắt biếc long lanh khác thường.

Cùng giống chuột nghe dường ái mộ,
Y như ta cũng có hai tay.
Lại gần con đã kiếm bài
Làm quen với hắn một hai thân tình.

Thì thằng nọ thình lình lên giọng,
Kéc ke ke! Trong họng kêu ra.
Vội vàng con phải lánh xa,
Thử bà nghe nói nghĩ mà sởn lông:

- Chết con ạ! Chớ trông ngoài mã!
Bộ hiền lành chính gã Miêu Nhi.
Xưa nay độc ác gian phi,
Cùng nòi nhà chuột nó thì hại luôn.

Con gà nọ thì con há sợ,
Hắn cùng ta có nợ xưa nay.
Đã không làm hại nhà này,
Mà thường giống chuột lại hay ăn gà!

Thằng mèo nó coi ta như gỏi,
Hại loại mình mòn mỏi bấy lâu.
Đỏ lòng xanh vỏ có câu,
Con nên ghi lấy về sau đừng lầm.

Chuột con ngu dại, tưởng mèo hiền lành với dáng điệu lừ đừ. Trái lại, chuột con sợ con gà gáy to tiếng sẽ ăn thịt mình. Cái nhận xét bằng theo hình dáng bên ngoài thật sai lầm. Bài thơ ngụ ngôn trên nhắc ta nhớ đến câu tục ngữ: "chớ trông ngoài mặt mà bắt hình dong" hoặc câu "xanh vỏ đỏ lòng", hay là "Nam mô, một bồ dao găm", ngoài miệng thì hiền lành, mà lòng thì sâu độc.

Trong quyển "Đông Tây Ngụ Ngôn", Nguyễn văn Ngọc có viết:

HAI CON CHUỘT

Hai con chuột noi cầu tre róc,
Tới giữa cầu, giấp khúc gặp nhau.
Con này hách dịch lên râu,
Con kia cứng cổ, cứng đầu cãi ương.

Con này bảo: "Mày nhường tao trước",
Con kia rằng: "lui bước nhường tao".
Hai con ganh cạnh thấp cao,
Chợt đâu rún đẩy đâm nhao xuống ngòi.

Cùng chìm nổi cùng ngoi mặt nước,
Biết thà nên nhường trước cho xong.
Ở đời lắm kẻ ương ngông,
Ganh nhau thời chết, chớ không ích gì.

Trong quyển "Ngụ Ngôn Nhi Đồng" của Nguyễn Tài Năng, do cô Hợp Phố đề tựa, họa sĩ Văn Đen minh họa, và các giáo sư nhạc Lương Phương, Nguyễn văn Tỵ, Nguyễn Trung Tín phổ nhạc, cũng có bài:

CON CHUỘT

Thói hư chuột mãi không chừa,
Lèn vào trong bếp là ưa lục nồi.
Láo liên ăn vụng không thôi,
Của người tha đại làm mồi, xấu thay.
Chớ nên ăn cắp quen tay,
Của người không trọng, thì ai trọng mình.

Trong bài thơ ngụ ngôn HỘI ĐỒNG CHUỘT của Lữ Phụng Tiên do Nguyễn văn Vĩnh dịch, ta thấy đàn chuột muốn đeo chuông cho con mèo ác hại, để khi nó đi, chuột biết mà tránh. Ý rất hay, nhưng chừng làm không ai dám làm cả. Thế mới biết "nói thì dễ, mà làm thì khó", và trong đoạn chót bài ấy, tác giả viết:

Chú Chuột già ra bàn ngay trước:
-Liệu mau mau trong nước hiểm nghèo,
Đem chuông mà buộc cổ mèo.
Để cho khi hắn leo trèo tìm ta.

Leng keng nghe hiệu là ta chạy.
Ai cũng khen mà lạy Cụ Trùm.
Duy còn một việc đeo chuông,
Nghe như hơi khó tìm phương thi hành.

Hỏi lũ chuột, thì anh từ cáo.
Anh lại rằng: - Đây lão dại gì?
Đã đành nơi chết ai đi,
Ngẩn ngơ một lát rồi thì hội tan.

Té ra cuộc luận bàn thực hão,
Có lạ gì bàn láo xưa nay.
Chẳng là việc Chuột thế này,
Việc dân việc nước cũng hay bàn xằng.

Thật rõ, con Chuột cũng là một đề tài phong phú cho thơ ngụ ngôn. Chúng tôi chỉ xin kể ra vài bài ở trên mà thôi.


CON CHUỘT trong VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM

Trong văn chương Việt Nam cũng có nhiều câu chứa đựng hình ảnh con Chuột.

Truyện Nhị Độ Mai có câu:

"Quăn queo đuôi Chuột, chênh vênh tai Mèo".

Sấm Trạng Trình của Nguyễn Bỉnh Khiêm lại viết:

Chuột nọ lăm le mong cắn cổ
Ngựa kia đủng đỉnh bước về tầu

và câu có chữ tý được ghi như sau:

Năm Giáp Tý vẻ khuê đã rạng,
Lộ ngũ tinh trình tượng tái hanh.

Hoặc câu:

Vừa năm Nhâm Tý Xuân đầu,
Thanh nhàn ngồi tựa, tưởng câu nghĩ đời.

Nhưng đáng kể nhất là nhiều tác phẩm có đề tài con Chuột, như: O Chuột, Chú Chuột, Chuột thành phố của Tô Hoài, truyện Trinh Thử của Hồ Huyền Qui... và còn rất nhiều sách khác nữa cũng viết về con Chuột.

TRUYỆN TRINH THỬ

"Trinh Thử" là truyện bằng thơ lục bát của Trần Triều Xử Sĩ Hồ Huyền Qui, kể lại chuyện con chuột cái trinh bạch.

Chuột Bạch góa chồng, một hôm bị chó rượt, chạy đại vào hang của anh Chuột đực, trong lúc Chuột cái đi vắng. Chuột đực cố quyến rũ nhưng Chuột Bạch khăng khăng từ chối. Chẳng may Chuột cái về đến tỏ ý nghi ngờ. Chuột Bạch kể lại đầu đuôi câu chuyện để biện bạch, rồi ra về.

Chưa tin, Chuột cái ray rứt chồng, và đến nhà Chuột Bạch tỏ vẻ ghen tuông. Trong lúc ấy một con mèo chạy đến, Chuột cái hoảng hốt chạy té xuống ao. Hồ Tiên sanh bèn vớt lên, làm chứng cho Chuột Bạch vì nàng luôn luôn đoan chính không nghe lời gió trăng.

Thế mới biết Chuột Bạch là một Trinh Thử, biết thủ tiết, thờ chồng, nuôi con.

Sau đây chúng tôi xin trích một vài đoạn ngắn.

Khi nghe Chuột đực mơ ước chuyện bướm hoa, Chuột Bạch bèn nói:

Chữ rằng: "tòng nhất nhi chung",
Gái hiền thờ chỉ một chồng chẳng hai.
Cương thường đạo cả há chơi,
Một niềm hằng giữ, mấy lời đinh ninh.

Nghe Chuột Bạch từ chối, Chuột đực lại tấn công:

Chữ rằng: Xuân bất tái lai,
Một ngày là mấy sớm mai hỡi nàng!
Tới lui đôi lẽ cho tường,
Tính hề xử biến hơn đường kiên trinh.
Kết làm phu phụ chi tình,
Chẳng lo thuyền bách lênh đênh giữa nguồn.

Chuột Bạch vẫn khăng khăng từ chối và đáp rằng:

Trời đâu phụ kẻ tiết nghì,
Lân kinh mao giản tạc ghi còn truyền.

"Lân Kinh" là Kinh Xuân Thu của đức Khổng Tử, "Mao giản" sách của Mao Công chép vào thanh tre, còn ghi tạc vào khen người biết giữ trinh tiết trong trắng.

Dầu bị từ chối, Chuột Đực vẫn ướm lòng:

Hôm nay mẹ nó đi chơi,
Phỏng chừng cũng đến có đôi ba ngày.
Mà nàng lạc lối đến đây,
Vả coi hình tướng cũng tày nàng Oanh.

Chuột Bạch vẫn giữ lòng trong trắng, đáp:

Những lo trọn đạo thờ chồng,
Chồng sao thiếp vậy, kẻo càng xấu nhau.

Rồi Chuột Bạch lại cương quyết thủ tiết thờ chồng:

Dám đâu lỗi đạo cương thường,
Nghĩa phu phụ nỡ dám đường bội vong.

Chuột Đực không thể thuyết phục được Chuột Bạch. Như thế, quyển thơ Trinh Thử nói rằng việc thủ tiết thờ chồng là đáng khen, đáng kính trọng, đúng với nền đạo đức cổ truyền của dân tộc Việt Nam theo đạo Khổng Mạnh.

"CHÚ CHUỘT" CỦA TÔ HOÀI

Chuột Nhắt là một nho sinh, đi thi đậu. Thử Ông và Thử Bà rất sung sướng, hàng xóm kéo đến chúc tụng rối rít.

Khi họ hàng nhà Chuột lo việc bái tổ vinh qui cho Chuột Nhắt, thì ông Mèo lại lù lù đến cửa hang "meo" lên rất to. Trong hang đang vui cười ăn uống bỗng im ngay. Thế rồi họ hàng nhà Chuột phải dâng lễ cho ông Mèo để khỏi bị ăn thịt vào ngày rước cậu cử bái tổ vinh qui.

Ông Mèo ưng thuận, nhưng ngày ấy cũng núp xem chơi, rồi cao hứng lại hát "meo! meo! meo!" làm cho họ hàng nhà Chuột chạy trối chết. Mấy con Chuột khiêng kiệu liệng xuống và bỏ chạy trốn, làm Chuột Nhắt què giò.

Chuột Nhắt rất khổ sở và giấu không cho nhà vợ biết. Thế mà có kẻ làm một bài hát để bêu xấu. Viên ngoại biết, tiểu thơ Chuột Chù cũng biết chàng rể bị què giò, rồi Chuột Nhắt bị từ hôn, đâm ra thù cha con Chuột Chù.

Một hôm, Chuột Nhắt gặp được ông Chuột Cống võ nghệ cao cường, đi kết nạp anh em thiên hạ. Được giải thích, Chuột Nhắt dẹp bỏ những mối thù nhỏ và mới đâm ra ghét thằng Mèo là mối thù chung của họ hàng nhà Chuột. Từ đấy Chuột Nhắt rất vui vẻ trong nghĩa vụ dù chưa có vợ, dù bị thọt chân.

Làm trai phải lập thân trước đã chứ.

Đó là nội dung cốt truyện. Sau đây chúng tôi xin trích nguyên văn của Tô Hoài trong đoạn "dâng lễ ông Mèo":

"Đám đi dâng lễ ông Mèo cũng trịnh trọng gần như một đám rước.

Một anh Chuột đi đầu, thổi kèn. Một anh đeo cái trống cà rùng. Vừa bước đi, chốc chốc lại múa hai tay lên mà gõ. Một anh nữa xách khệ nệ hai con cá săn sắt lớn. Rồi mới đến một anh Chuột đứng tuổi, mặc áo the thâm, quần đỏ, đi sau cùng.


Cái đám rước ấy vào đến hang Mèo thì lão nầy đang khề khà uống rượu. Lão nhận hai con săn sắt và nhắm luôn. Lũ Chuột cúi rạp, cúp cả tai xuống mà lạy tạ, rồi lui ra ngay. Ra tới cửa, anh nào anh nấy ba chân bốn cẳng chạy cho mau.

Thế là xong việc dâng lễ cho ông Mèo".

Chuyện "Chú Chuột" muốn dạy lũ em nên lo lập thân lập chí. Còn trong quyển Chuột thành phố, Tô Hoài nói đến cảnh cơ cực lầm than của họ hàng nhà Chuột phải sống ở các cống rãnh dơ dáy, làm cho ta liên tưởng đến những xóm bình dân ở đô thành với những nhà ổ chuột tối tăm, nghèo nàn, nheo nhóc, đáng thương hại.


NGUYỄN TÀI NĂNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Nhâm Tý, 1972)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>