Các cụ xưa có câu: "Cách cho quí hơn của cho". Câu đó có nghĩa là dù của cho chỉ bé nhỏ, ít giá trị, nhưng cách cho đầy vẻ dịu dàng thương mến, sẽ làm vui lòng người nhận hơn là của cho có giá trị, nhưng đem cho bằng cách gay gắt, hắt hủi.
Lời nói và giọng nói cũng quan trọng như vậy. Cũng cái ý đó nhưng tùy theo cách chúng ta phát biểu mà người đối thoại sẽ buồn hay vui.
Đối với người trên, tất nhiên là các em phải lễ phép, và giọng nói phải ngọt ngào từ tốn rồi. Nhưng chị nhận thấy cái cách mà nhiều em nói chuyện với bạn bè hoặc anh chị em đồng trang lứa, cần phải xét lại.
Dưới đây là hai mẩu đối thoại, các em so sánh nhé:
Giả tỉ, em hỏi bé Út:
- Út, cuốn sách của tao đâu?
Út trả lời:
- Em đâu có biết.
Em nạt:
- Đâu có biết cái gì. Đi kiếm ngay không thôi tao xáng cho vài bạt tai bây giờ.
Út tức:
- Giỏi anh xáng đi, coi chừng em mét má cho mà coi.
Em nổi dóa:
- Nè, mét thì cho mày mét luôn.
Và em đánh Út một bạt tai. Và Út òa lên khóc. Và rồi má la rầy, má buồn giận các con không thương nhau. Đồng thời Út cũng không thương em nữa vì không thấy em âu yếm với nó, chỉ la lối nó thôi.
Nếu em đổi lại như sau thì kết quả chắc chằn rằng sẽ khác hẳn:
Em dịu giọng:
- Út ơi, né có biết cuốn sách của anh đâu không?
Thấy em ngọt ngào vậy, Út sẽ ngọt lại:
- Em không biết anh à.
- Vậy bé đi kiếm dùm anh coi. Bé kiếm giỏi lắm, anh thua bé luôn đó.
Bé thích chí vì được anh khen, chắc chắn là sẽ tình nguyện đi kiếm dùm.
Chị thấy rằng chúng ta phải bỏ ra gần hai chục năm trường để học về nghề nghiệp, vậy sao không bỏ ra một phần trăm số thời gian đó để luyện cách cư xử với người chung quanh, cho mọi người khỏi buồn tủi vì những sơ ý của mình.
Có một câu chuyện đại khái như sau:
"Một thành kia bị địch vây hãm, quan trấn thủ phải bỏ thành, trà trộn vào đám thường dân mà trốn chạy. Ra tới cửa thành, ông ta gặp người cụt chân giữ cửa. Người này mới nói:
- Tôi chính là một tội nhân bị quan lớn chặt chân đây. Nhưng tôi không buồn giận ngài đâu. Vì ngài làm quan phải giữ phép nước. Tôi có tội, ngài phải phạt. Nhưng khi ngài ra lệnh trừng phạt tôi, ngài tỏ ra buồn bã, thương tôi ngu dại làm lỗi, giọng ngài ngậm ngùi, mắt ngài u sầu như không nỡ. Tôi biết ngài thương tôi nên vẫn mong có dịp để trả ơn ngài. Tôi sẽ xin tìm chỗ trú ẩn cho ngài.
Tất nhiên là ông quan thoát chết vì lòng nhân ái của ông đã bộc lộ ra khi ông ngồi xử án. Nhưng nếu lòng ông thương xót nhưng giọng ông gay gắt, lời ông giàng buộc người ta, mặt ông lạnh lẽo với người ta thì người ta cũng không thể cảm thông với ông được.
Danh ngôn có câu: "Chỉ có Thượng Đế mới thấu suốt để mà xét chúng ta theo tấm lòng của chúng ta. Còn người đời, dù người thân nhất, cũng chỉ có thể xét chúng ta theo cử chỉ và thái độ của chúng ta mà thôi."
Cử chỉ và thái độ của các em sẽ biểu diễn tấm lòng của các em cho mọi người thấy đó, các em ạ.
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 105. ra ngày 31-8-1973)