Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Con ơi...


- Tất cả nộp vở hình học ra đầu bàn, cô sẽ kiểm soát bài vở từ đầu tháng tới nay, nhanh lên!

Khi chồng vở đã cao ngất trước mặt, tôi lặng lẽ giở từng cuốn. Đến cuốn vở của Bé, Nguyễn thị Bé, con bé viết chữ đẹp nhất lớp và học khá nhất, dưới bài hình học viết hôm qua, tôi đọc thấy những dòng chữ viết bằng bút nguyên tử, những dòng chữ của một người lớn: “Con ơi, con phải biết rằng muốn vào một căn nhà khóa kín, con phải có chìa khóa để mở ổ khóa nơi cửa căn nhà đó. Ở đây, căn nhà khóa kín cửa là những bài toán đố, mà chìa khóa để mở cửa là những công thức, vậy muốn làm được những bài toán, con phải thuộc công thức, thuộc nằm lòng những công thức mà cô giáo đã cho con ghi trong mỗi bài học. Thuộc rồi, con chắc chắn sẽ dễ dàng mở cửa những căn nhà khóa kín mà con sẽ gặp”.

Tôi bàng hoàng khi đọc xong những dòng này, những dòng của một người cha viết cho cô con gái đang học lớp Bốn. Tiếng gọi “con ơi” trìu mến thiết tha. Tôi nhớ những tiếng “con ơi” ngọt ngào trong cuốn “Dưới Mái Học Đường” mà hồi còn bé tôi vẫn say mê đọc đi đọc lại. Tôi thèm được nghe thấy những lời âu yếm của cha, của mẹ khuyên nhủ con cái êm đềm như vậy. Con ơi! Tiếng gọi thật nhẹ nhưng có tác dụng xoáy mạnh vào trong đầu óc của đứa trẻ được gọi. Tôi không ngạc nhiên nữa khi Bé học giỏi, thuộc bài và viết chữ thật đẹp. Không có gì đáng ngạc nhiên vì Bé vẫn nghe tiếng “con ơi” thật êm đềm của ba em. Tôi chợt có một mơ ước nhỏ bé, tôi mơ và tôi ước sao tất cả mọi phụ huynh đều có những tiếng “con ơi” dễ thương, tuyệt vời như vậy. Và từ đó, tôi mơ hồ cảm thấy những học trò tôi hiền hơn, ngoan hơn và một ngày nào đó, chúng sẽ ríu rít khoe với tôi những lời ba, mẹ chúng nói với chúng thật ngọt, thật mềm. Cô ơi, ba em bảo con ơi, học ngoan nhé. Mẹ em bảo con ơi, ráng học giỏi nghe con. Nhiều và nhiều nữa. Con ơi! Con ơi! Dễ thương ghê gớm mà sao có ít người sử dụng? Lần thứ nhất từ khi đi dạy đến bây giờ, tôi mới bắt gặp hai tiếng “con ơi” tuyệt vời hiển hiện trên trang vở trắng tinh của học trò tôi. Ngôn ngữ Việt Nam phong phú, dồi dào, chỉ 2 tiếng “con ơi” đã đủ nói lên những thiết tha, những âm điệu làm mềm lòng những vị con nít vốn ưa ngọt ngào. Tôi mở sổ tay, và… ngay bên dưới những câu văn của ba em Quỳ, tôi cẩn thận ghi lại câu khuyên con bắt đầu bằng âm thanh “con ơi” thật hiền của vị phụ huynh mà theo ý riêng tôi, đó là vị phụ huynh đúng nghĩa nhất mà tôi vừa gặp qua những dòng khuyên con trên trang vở của học trò tôi.


Mt. HOA    
(Tim Hồng)   


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 227, ra ngày, 1-10-1974)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>