Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

CHƯƠNG III_THEO CHÂN THẦN TƯỢNG


CHƯƠNG III


Rời phòng giam, ánh sáng bên ngoài làm lóa mắt Lâm. Nó đang đứng dưới chân thành của đấu trường. Đám đông cũng vừa lũ lượt giải tán. Thằng bé len lỏi đến gần cửa ra vào đưa mắt nhìn lên và bỗng dưng nó đứng lặng sững sờ : cách nó cỡ hai chục thước Phong đang ngửa tay xin tiền khán giả y như tên ăn mày thực thụ. Bộ dạng còm nhom với đôi chân khẳng khiu y như một con diệc của bạn làm nó vừa thương vừa giận vì bạn đã làm cái chuyện mà xưa nay chúng nó không thèm làm, dù chúng nghèo rớt mồng tơi. Lâm tiến lại, định bụng sẽ cho Phong một bài học về tư cách... thì chợt nó nghe tiếng bạn nó cất lên :

- Xin ông bà làm phúc, để có tiền nộp phạt cho bạn tôi ! Lâm, tay đấu bất ngờ khi nãy đã bị giam...

Phong tiếp tục cử chỉ trên với từng người một cách tự nhiên, không e dè xấu hổ. Lâm nghẹn ngào kêu bạn hai tiếng tiếp, Phong nhận ra mừng rỡ, quay phắt lại.

- Tao xin được hai đồng rồi, nhưng chưa đủ tiền...

Chợt nó ngưng bặt khi nhận ra bạn đã được tha, không cần tiền nộp phạt nữa mà vì quá mừng, nó không kịp nhớ ra. Lần này, nó hỏi dồn :

- Ủa, họ tha mày hở ? Sao mày ra được ?

- Thì mày thấy mà, không tha, làm sao tao đứng đây ?

Giọng nóng nảy. Phong hỏi lại :

- Nhưng tiền đâu nộp phạt chớ ?

- Tay đấu số một. . .

- Đỗ Tân, hử ?

- Phải ! Anh ấy sai tay đấu phụ đem tiền nộp phạt cho tao. Anh ấy không nỡ để tao ngồi tù sau khi thấy tao đấu với. "Núi Đá Đen" của ảnh.

- Cừ quá !

- Chớ sao ! Bây giờ tao phải đi cảm ơn ảnh mới được.

- Đến khách sạn hẳn ?

- Dĩ nhiên !

- Chao ! Khách sạn Cốc-đô ? Ai cho mày vô đó ? Chuyện chơi chắc ?

- Tao có cách, yên chí !

Phong sắp sửa buông lời thán phục bạn về sự mạo hiểm sắp tới thì Lâm đã cười khì :

- Mày quên sao : thằng Lê-cơ gác ở cửa khách sạn quen tụi mình mà ? Thôi, chia tay nhá ? Chốc nữa gặp lại...

- Ở đâu ?

- Đầu đường Cơ-rớt.

- Được rồi. Đầu đường Cơ-rớt gần nhà hàng Cẩm-sa, chỗ chị Mỵ Lan làm việc phải không ?

Lâm gật đầu rồi biến mất trong nháy mắt, trong lúc Phong đứng trông theo.

*

Băng qua các đường lớn, qua hai dãy phố, cuối cùng Lâm đến công viên Chiến Thắng. Đối diện với công viên là khách sạn Cốc-đô sang trọng với những bồn hoa rực rỡ trước mặt và chỗ để xe rộng lớn. Người gác cổng chặn lại:

- Ê nhỏ, đi đâu vậy ?

- Đi làm việc !

- Giỡn chớ ? Mày làm gì ở đây ?

- Đừng làm trễ tôi, có chuyện đó, anh ơi !

- Mày nói gì vậy ? Trễ ?. . .

- Phải ! Thằng Cơ sốt, nhờ tôi thay nó chiều nay.

Trong lúc gã ta còn nửa tin nửa ngờ thì Lâm tiếp giọng có vẻ bực bội :

- Đây là vì tình bạn, chớ nói thật với anh, cái lối mặc đồng phục đứng thẳng băng như cây trụ điện trước chân thang máy, trước mặt khách, có đáng hãnh diện chi mà ham ?

Và nó làm bộ lầm lỳ, đi thẳng vào trong, bất chấp anh kia có bằng lòng hay không. Thoát khỏi đôi mắt xoi bói nghi ngờ của gã đàn ông, Lâm chạy như bay lên lầu, tìm ngay phòng Đỗ Tân. Thần tượng của nó đã thay bộ áo đấu, trước mặt anh có non 20 người ái mộ vây quanh. Khói thuốc tỏa ngạt phòng. Lâm khom lưng chui vào trong lúc tên hầu đang khoác chiếc áo lụa vào mình chủ, thân hình anh mầu đồng và đầy sẹo, một vết chạy dài từ ngực đến thắt lưng.

Lâm thấy mình táo bạo thực, nó phải ngừng lại để tăng can đảm : quanh nó là những chủ trại giàu có, những nhà quí tộc tiếng tăm, đất đai của họ hàng trăm mẫu, có khi mênh mông không biết đâu là ranh giới. Bọn người như nó ngày ngày đổ mồ hôi trong những trang trại này, trong những vườn nho, trong hầm mỏ của họ và suốt đời chỉ lãnh được đồng lương chết đói ! Giữa đám người danh vọng đó, Lâm nhận ra Mã Ninh, người đã cung cấp 6 con bò đấu hôm nay. Ông này cũng nhận ra nó trước nhất, ông cười :

- Đỗ Tân ! Anh sang quá rồi, gọi thợ đánh giày đến tận nhà ?

Lâm giận không xiết kể, nó nhìn ông Mã Ninh trừng trừng :

- Thưa ngài, tôi đã chùi móng cho con Sơn-băng, ngựa quí của cô Mai thật đó, nhưng tôi chưa hề đánh giày, dù ngài có cho tôi một nắm tiền vàng đi nữa. . .

Rồi nó quay sang, nghiêng mình trước Đỗ Tân :

- Tôi đến để cảm ơn ngài...

- A ! Tay đấu bất ngờ đây ?

- Vâng !

- Khá lắm, cậu bé !

- Khá ? Tôi không hiểu ngài muốn nói gì ?

- Sao em lại nhăn mặt ? Khi người ta nói "khá" với một tay đấu bò nghĩa là. . .

Lâm ngắt lời :

- Anh ta đấu tệ ?

- Nhưng em đã là tay đấu thực thụ đâu ? Em chỉ mới tập sự kia mà ?

- Thưa ngài, tôi sẽ thành tay đấu vì tôi muốn thế.

Có vẻ bạo dạn, Lâm nói tiếp :

- Cũng như ngài lúc trước : Ngài chỉ nghĩ đến bò đấu trong lúc mang các con thú đi bán khắp miền, những con thú được nặn tại đường Sơn-băng.

- Ủa, em cũng biết Sơn-băng ?

- Em sinh tại đó, cũng như ngài và cha em vậy. Cha em người ta vẫn gọi là Tần...

- Tần ? Sao ? Có phải em vừa nói đến Tần chột mắt ?

Đỗ Tân đứng bật lên, cơn xúc động làm anh tái nhợt. Tên đấu phụ thân tín của anh nhìn Lâm bằng đôi mắt khó chịu. Đỗ Tân thì thầm :

- Tần ! Đúng rồi, ta trông em giống cha em quá...

- Mẹ em cũng nói như ngài . . .

- Bà Sương ?

- Vâng

- Cha em can đảm lắm!

- Vâng ! Em biết điều này.

Im lặng bao phủ căn phòng. Tần chột mắt, vạm vỡ đã từng là người phụ tá đầu tiên của Đỗ Tân khi anh mới vào nghề. Trong trận đấu ở sân Xa-la-măng, Đỗ Tân không đủ bình tĩnh để ngăn con bò, khiến nó húc vào ngựa của ông làm ông văng xuống đất, bị con thú dẫm lên và hất tung lần nữa. . .

Đỗ Tân đưa tay vuốt mặt như muốn xóa tan kỷ niệm đau đớn đó. Trong thoáng chốc, niềm vui chiến thắng của anh chợt tiêu tan. Giọng anh chán nản :

- Ta phải làm gì giúp em và gia đình em, bà Sương với bốn đứa con, phải không ?

- Vâng !

- Em có một chị gái...

- Vâng, chị Mỵ Lan.

- Bây giờ, hẳn cô ấy đã là một thiếu nữ xinh đẹp (Đỗ Tân quay sang tên thủ hạ thân tín, thấp giọng) Ân, nhớ nhắc tôi, ta phải giúp đỡ cho...

Lâm chặn lại :

- Xin ngài đừng cho tiền, cha em nghèo nhưng nhiều tự ái lắm ...

- Vậy thì em muốn gì nào ? Ta sẽ vui mà giúp được em.

- Thưa ngài ! Mắt thằng bé sáng lên em chỉ xin cây kiếm ngài đã dùng đâm con bò, con "Núi Đá Đen" và. . . nếu có thể . . .

Thấy Lâm do dự, Đỗ Tân khuyến khích :

- Và gì nữa ? Nói đi em, ta sẵn sàng mà.

- Thưa, và vuông khăn đấu cũ của ngài . . .

- Ân ! Mang hai thứ đó cho cậu bé ! Em bằng lòng nhé?

- Xin cảm ơn ngài ! Cảm ơn Đỗ Tân nhiều lắm...

Lâm hãnh diện nhìn những kẻ vây quanh Đỗ Tân lần cuối rồi nghiêng mình lễ phép chào thần tượng của mình trước khi quay ra, tay cầm kiếm, nách cắp vuông vải đỏ tươi .

Thằng bé đi một lúc lâu, Đỗ Tân vẫn còn ngồi bất động. Mã Ninh quay sang anh :

- Đỗ Tân, anh nghĩ gì vậy ?

-Tôi đang nhớ tới Tần, đến hôm ông ta ngã ngựa, đến can đảm của ông ta.

Anh chợt đổi giọng :

- Ân, anh mang 5000 đồng đến cho bà Sương, 27, đường Sơn-băng ở San Đi-ê-gô...

- Vâng, tôi biết đường này. Nhưng thưa... bao giờ đây?

- Ngay ngày mai.

- Vâng !

- Cho tôi cốc Whisky đã ! Mã Ninh ! Cho tôi điếu thuốc... Cảm ơn...

Kỷ niệm đau đớn làm Đỗ Tân mất hết hứng khởi sau chiến thắng đặc biệt hôm nay. Một sự ray rứt, xót xa không hẳn là hối hận. Thuở đó, Đỗ Tân còn nghèo lắm. Sự tương thân, tương trợ giữa những kẻ đấu bò rất mật thiết. Sau tai nạn, tất cả các tay đấu từ kẻ nổi danh khắp xứ đến những người mới vào nghề, giàu hay nghèo đều tham dự trận đấu tổ chức để lấy tiền giúp cho góa phụ và lũ con thơ.

Về sau, may mắn đến với anh... và giờ đây, người ta trả cho anh 200.000 pesetas để anh đấu với những con bò hung tợn, cân nặng 500 ký... nhưng cho đến nay anh vẫn chưa quên anh từng chạy rong mỏi cẳng để chào mời du khách mua cho những con vật cha anh nặn, làm kế sinh nhai. Mười năm dài trôi qua. Ban đầu, lâu lâu anh có gửi tiền cho bà Sương, song rồi kỷ niệm cũ phai dần.

Đỗ Tân, tay đấu sáng giá nhất, giàu có nhất, là bạn của những quí tộc, những trại chủ và những người này, luôn luôn tìm cách làm anh quên bạn cũ, quên cả những kỷ niệm xưa.

Đỗ Tân có vẻ chán nản, họ làm sao hiểu được anh? Họ làm sao hiểu nỗi khổ tâm của một tay đấu khi chứng kiến tận mắt người phụ của mình không may bị bò hất tung và dẫm lên người ?

_____________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>