Cỏ May há
miệng cười vui vẻ. Giữa quãng đồng rộng, tiếng cười của cô bé được bỏ ngỏ, lan
đi xa rộng mãi. Đây đó, vài bác nông phu khẽ ngừng công việc, ngẩng lên nhìn cô
bé mỉm cười.
Trước mặt Cỏ
May bây giờ chỉ còn lúa là lúa. Lúa chín vàng ngạo nghễ, cất cao đầu đùa với
gió. Xa xa, mấy bóng cây dừa, cây cau xanh tươi chen lẫn với những mái nhà ngói
đỏ thấp thoáng. Bóng của cô bé ở dưới mặt nước hơi đùng đục, xâm xấp nước của
đồng không, vừa quay mặt lại mỉm cười với cô bé.
Cỏ May đã
thấm mệt, dừng chân lại thở hổn hển. Chợt cô bé trông thấy cạnh đó một đứa bé
trai đang ngồi thản nhiên câu cá. Cô bé nảy ra ý định làm quen, bèn mon men lại
gần, nhưng chẳng biết nói gì trước hết cả, liền giả vờ ngạc nhiên hỏi:
- Ơ! Em đang
làm cái gì thế hở?
Đứa bé quay
lại nhìn Cỏ May, cái nhìn ngạc nhiên thật sự chứ không giả vờ như cô bé.
- Em đang câu
cá. Bộ chị lạ lắm sao?
- Ờ, nhưng mà
câu như thế nào vậy?
- Dễ quá! Chị
chỉ có việc thả dây câu xuống nước, chờ khi nào phao động đậy là cá đã cắn câu.
Chị nắm chắc cần câu kéo lên là được ngay một con cá chứ gì.
- Mà làm cần
câu có khó hay không?
- Dễ lắm. Hôm
nào em sẽ làm tặng chị một cái. Bây giờ chỉ chị, khó quá, em chẳng biết nói gì
để chị hiểu rõ cả.
Một chú bé
tốt bụng. Cỏ May giả vờ hỏi vậy thôi, chứ cô bé biết rõ lắm cơ, nhưng chưa câu
thử bao giờ.
Đến đây chẳng
lẽ hết chuyện nói rồi sao. Cô bé nghĩ mãi mới ra là hỏi tên cậu bé.
- Em tên là
gì nhỉ?
- Bảy Hà, còn
chị?
- Cỏ May!
- Ô! Cái tên
chị ngộ ghê.
- Đó là tên ở
nhà.
- Còn tên
thật là gì?
- Chị tên là
Nguyễn thị Lan.
- Nhưng sao ở
nhà gọi chị là Cỏ May?
- Vì chị
thích chơi hoa cỏ may. Dễ hiểu quá há!
- Chứ bộ em
thích chơi thổi sáo. Cả nhà sẽ gọi tên em là Sáo hả?
- Ừ.
- Kỳ vậy, em
không thích tên đó đâu… ờ, mà nhà em có nuôi một con sáo nè.
- Nó biết nói
không em?
- Không.
- Em không
cho nó ăn ớt sao?
- Có chứ. Hồi
trước, ngày nào em cũng cho nó ăn ớt cả…
- Bây giờ nó
cũng vẫn không biết nói?
- Bây giờ nó
chết rồi chị ạ! Chắc tại nó ăn ớt…
Cỏ May ngạc
nhiên:
- Ơ!...
Cô bé mỉm
cười nghĩ thầm: “Vậy mà cũng đem khoe, nói chuyện đến tức cười”.
- Hôm nào em
tìm cách bắt con khác đi, chị chỉ cho em nuôi mau biết nói.
- Em bắt
không được giỏi, chị bắt hộ em nhé!
- Cũng không
được vì chị chỉ biết bắt bướm thôi.
- Bắt bướm,
em chả ưa trò chơi đó tí nào.
- Chị cũng
chả ưa chơi thổi sáo.
Cậu bé Bảy Hà
giận dỗi:
- Bộ chị
tưởng thổi sáo dễ lắm sao?
- Còn em nghĩ
bắt bướm dễ dàng hả?
- Thôi! Em
với chị đừng nói chuyện đó nữa.
- Ừ! Khéo hai
chị em lại cãi nhau bây giờ.
Lúc đó, chiếc
phao động đậy. Bảy Hà vội vã giật lên, nhưng xui xẻo, chú cá nhanh không kém,
quẫy mạnh đuôi đi mất. Vài giọt nước bắn lên bờ, vấy vào quần áo của hai đứa
trẻ.
Cỏ May la
lên:
- Á! Dơ hết
áo của chị rồi.
Bảy Hà quay
lại:
- Em xin lỗi
chị nhé. Tại mải nói chuyện với chị nên không để ý kỹ càng.
- Không sao
đâu, chị sợ em câu ít cá quá thôi.
Cậu bé nhìn
chăm chú vào rổ cá, lẩm nhẩm đếm.
- Khá nhiều
rồi chị.
- Mấy con hả
em?
- Bảy, tám
con gì đó.
- Em câu về
để làm chi vậy? Để ăn hay nuôi?
- Cả hai chị
ạ! Chị có thích không, em tặng chị một vài con về nuôi nhé!
- Thôi, mai
mốt chị trở về nhà trên ấy, Hà hãy cho chị. Chứ bây giờ chị chẳng có bình đựng
cá.
- Nhà thật
của chị ở trên Saigon hở?
- Ừ! Sao em
biết hay quá vậy?
- Vì chị mặc
váy đầm nè.
- Lỡ chị ở
tỉnh khác đến sao? Biên Hòa, Nha Trang… chẳng hạn.
- Em đọc thấy
chữ Saigon trên huy hiệu trường chị, cài ở ngực áo đó.
Cỏ May vỡ lẽ:
- Ô! Vậy mà
chị quên mất.
Hai đứa trẻ
cười, không để ý đến buổi chiều đang dần xuống, cả một cánh ruộng óng ánh màu
vàng. Gió thổi nhẹ nhàng. Từng đàn chim ríu rít tung cánh bay về tổ. Bảy Hà
nghĩ có lẽ bây giờ mẹ và em đang đợi ở nhà đó. Cậu bé vừa chợt nhận ra là trời sắp
sửa tối. Chị Tư gần về tới nhà để sửa soạn bữa cơm chiều. Nếu còn lông bông
ngoài ruộng, nói chuyện viển vông với cái chị “kỳ cục” này nữa thì sẽ bị mẹ la
cho coi.
Cậu bé mau
mắn xếp gọn mọi thứ. Cỏ May ngạc nhiên hỏi:
- Không câu
nữa hả em?
Bảy Hà đứng
dậy, đưa tay chỉ bầu trời.
- Về thôi chị
ạ. Chị có thấy trời tối rồi không?
Cỏ May nhìn
theo hướng tay.
- Ờ nhỉ! Vậy
mà chị không để ý đến.
Cậu bé nghĩ
Cỏ May giận, nói:
- Ngày mai em
với chị ra đây câu cá nữa. Em sẽ cho chị mượn cần câu, câu thử một lần nha.
Ra tới đường
cái, Cỏ May quay lại hỏi cậu bé đi theo đằng sau.
- Em về nhà
hướng nào?
- Phía có
khóm tre này nè chị.
- Vậy em đi
cùng đường với chị rồi. Chị cũng về nhà bằng hướng đó.
- Em biết nhà
chị rồi.
- Thử nói
xem, nhà nào?
- Chị ở nhà
thuê của ông Bảy lùn.
- Ừ đúng rồi.
- Ba chị chở
chị xuống đây hồi sáng chứ gì.
- Ừ! Còn nhà
em?
- Em là con
ông Bảy lùn.
- A! Vậy em ở
cái nhà cạnh nhà chị chứ gì.
- Lẽ dĩ
nhiên.
- Sao nãy
không nói cho chị biết sớm.
- Em nom chị
quen lắm nhưng không dám nhận đại, sợ chị cười. Mà chị ở đây bao lâu?
- Nửa tháng.
- Nửa tháng
thôi sao? Ít quá vậy.
- Chứ em muốn
mấy tháng?
- Cả năm đi.
- Nói bậy
nào. Ở đây rồi bỏ học luôn à.
- Có thiếu gì
trường, sợ gì?
- … Còn bạn
bè chị.
- Có em rồi.
- Thôi đi,
xúi dại hoài. Chị xuống đây chơi trong mấy tháng hè à. Nghe chưa cậu bé.
Bảy Hà mỉm
cười. Con đường đất đỏ dịu nắng. Hôm nay nghe mến thương làm sao. Ôi con đường,
hôm nào cậu bé cũng ngang qua đó đi câu. Bầu trời dễ thương, làm như có nhiều nỗi
lao chao trong lòng cậu bé. Bảy Hà muốn làm con chim bay trên nóc nhà kia, chắc
tâm hồn nó thảnh thơi, sung sướng lắm. Nó không sợ mẹ rầy la về tội về trễ và
chắc chắn là nó không được sung sướng vì có bạn mới, từ xa tới như cậu bé.
- Gần tới nhà
chị rồi. Nhà em bên cạnh phải không, có cây dâm bụt nở đẹp ghê.
Cậu bé sung
sướng, như thế nhà có giàn hoa tươi đẹp cũng được xinh xắn lây chứ. Bảy Hà ba
hoa thêm:
- Em trồng
đó, chút xíu em hái tặng chị.
- Đừng ngắt,
uổng quá. Để trên cành hoa đẹp và lâu héo hơn.
- Ừ nhỉ.
Trước nhà nhỏ
Tám đang đợi nó, chạy ra, vô tình nói lớn:
- Mẹ để sẵn
roi đợi anh đó. Đi chơi đâu mà giờ mới về, chắc ra ngõ uýnh lộn hả?
Bảy Hà sa sầm
mặt, vừa bị quê vừa tức, lén cốc lên đầu Tám, nói nhỏ:
- Ơ cái thằng
này, ăn nói hay nhỉ.
Cỏ May biết
cậu bé mắc cỡ, bèn quay mặt chỗ khác cười. Sau đó, quay lại nói gỡ:
- Ăn cơm xong
ra đây chơi nhé Bảy Hà!
- Dạ…
Nhỏ tám còn
đang ngơ ngác, hỏi:
- Anh quen với
chị ấy cơ à?
- Ừa, hỏi gì
vô duyên vậy?
Và tiện tay,
cốc thêm cái nữa lên đầu thằng nhỏ.
- Anh đánh em
hoài vậy?
- Ai bảo mày
ngu.
- Ngu gì?
Bảy Hà đã vào
trong nhà rồi, còn ai để trả lời Tám. Nó nhìn trời, nhìn đất… tự hỏi: “Ơ, mình
có ngu gì đâu. Kỳ vậy”.
Đoạn lủi thủi
vào nhà. Vẫn còn ngơ ngác.
TRẦN THỊ THU
(Trích từ bán
nguyệt san Tuổi Hoa số 204, ra ngày 1-7-1973)