Buổi trưa ở
Saigon trời nóng như đổ lửa. Em vừa phe phẩy chiếc quạt vừa gượng gạo “nuốt”
cho trôi mớ bài vở ngổn ngang. Lúc này, không hiểu sao đầu óc em tăm tối lạ!
Học đến gầy cả người, phờ cả mặt mũi. Thế mà chữ nghĩa hình như chỉ “ngự” vào
một thoáng rồi lại tan loãng ra.
“Ngày thi đến
một bên rồi!” Em nghe nhói ở ngực. Cứ nghĩ đến chuyện trên là em lại có cái cảm
giác ấy. Bác sĩ bảo em yếu tim. Mẹ trào nước mắt lo cho em trong lần đưa em đi
khám bệnh. Em thì trái lại, em không thấy lo lắng, chỉ thương mẹ thôi. Mẹ em
gầy như liễu! Bố bảo em giống mẹ nên gầy. Riêng em, em thấy em không bằng một
phần nhỏ của mẹ. Mẹ có cả một gia đình để phải chăm sóc; một đàn con để thương
lo. Hơn nửa cuộc đời, mẹ trải ra để sống cho những đứa con của mẹ, hết con lớn
rồi đến con bé. Mỗi đứa là một bận tâm hút đi một ít sinh lực, mẹ gầy đi là
phải. Còn em? Em không có gì để so sánh được với mẹ. Em yếu đuối, suy nhược chỉ
làm lo lắng của mẹ đầy thêm. Đôi lúc, em oán trách những cơn bệnh quái ác đã
dằn vặt thân em, làm khổ mẹ! Em cầu trời, cho em một cuộc sống lành mạnh dù
phải thu ngắn khoảng thời gian em có mặt trên đời.
Tiếng hát
Khánh Ly với một tác phẩm của TCS dìu dặt vọng vào bỗng dưng làm em nghe bực
dọc. Em vén rèm nhìn qua phòng cu Minh:
- Tắt đi!
Minh. Ta đang học.
Cu Minh nhìn
em một thoáng rồi im lặng bấm nút chiếc cassette đặt trên đầu giường. Dạo này
hình như cậu bé đổi tính, “người lớn” ra! Ngoài giờ đi học, cậu bé chỉ quanh
quẩn ở nhả, học bài, nghe nhạc. Em không còn phải khổ tai nghe những câu hát của
những bài ca cộng đồng đập chát chúa, không còn phải mất công stop cái radio
mồm và phải nghe cậu bé thuyết:
- Chị Thư
không biết đấy chứ! Minh hát thế là đem lại “nguồn sống mới” cho gia đình v.v…
Nhưng… hình
như không chỉ có cu Minh đổi tính. Cả gia đình này, bố mẹ, em, cu Minh, bé Ly,
đến hai con TôTô, Mimi cũng đều như đang thở chung một bầu không khí ngột ngạt,
âm thầm. Em có hai anh, một chị lớn đã lập gia đình và ra ở riêng. Hai anh thì
đang phục vụ trong Quân đội, đơn vị ở miền Tây. Riêng anh Huỳnh, anh kế em chỉ
mới rời quân trường vào cuối năm trước và hiện đóng tại Quảng Trị. Nỗi lo lắng
của gia đình em là đây!
Thời gian
xưa, mỗi buổi họp mặt gia đình, tên các anh của em được mọi người nhắc đến
trong sự nhớ thương vì xa cách. Bố nói đến các anh với những kỷ niệm ngày còn
bé và bố cười. Mẹ gọi những sở thích của từng đứa con trai rồi rơm rớm nước
mắt. Riêng em, cu Minh, bé Ly, chúng em nhắc đến các anh bằng tất cả trìu mến
thương yêu. Bây giờ cả nhà em không hẹn mà hình như ai cũng cố tránh nói lên
những điều đó. Cuộc chiến bùng nổ với sự khốc liệt, thê thảm hơn bao giờ. Bố đi
làm về là chăm chú vào TiVi, vào trang báo để đọc nghe tin chiến sự. Mẹ hằng
đêm quì trước tượng đức Quan Âm lâu hơn, lời cầu nguyện khẩn thiết hơn! Chúng
em chúi đầu vào những trang sách học, ít ngồi với nhau để chia sớt những lo âu
nặng trĩu. Như thể nói sẽ là một “điềm gở” trong lúc này.
Ngày mới lớn,
em đã tự nguyện sẽ không bao giờ nhắc đến hai tiếng “chiến tranh”. Sinh ra trên
bên này giải đất bị ngăn đôi, em chấp nhận cuộc chiến dai dẳng như một sự kiện
hiển nhiên và mình cần sống để phát triển trong đó hơn là than vãn. Thế nhưng,
hiện tại chiến tranh đang đến gần em! Em như sờ được vào cái thực thể tàn khốc
ấy khi tham dự những buổi cứu trợ đồng bào chiến nạn, nhìn những xe tang mà
quan tài người chết được phủ lên lá Quốc Kỳ, hay ngó những tấm thân tàn phế
trong quân y viện khi đến đó ủy lạo thương binh. Tất cả! Tất cả như doanh vây,
như dồn ép lấy em trong nỗi suy tư mọc rễ đâm chồi tự tim óc. Nhưng ngoài nỗi
băn khoăn, lo sợ tiêu cực, em làm gì được cho cuộc chiến, cho đồng bào em, cho
các anh em trong lúc này?!
Em lại nghe
nhói ở ngực. Buổi trưa căn nhà em im vắng một cách dị lạ. Bố đi làm, mẹ nghỉ
trong phòng bé Ly. Bỗng dưng, em muốn thoát ra ngoài một lúc. Em thay nhanh
quần áo, gọi cu Minh nhờ xin phép mẹ là em đến nhà Đan. Cậu bé nhìn em ngập
ngừng:
- Chị đi lâu
không?
Em nhướng mắt
dò hỏi. Minh tiếp:
- Nếu chị đi
lâu thì Minh đưa chị đi, xong chị cho Minh mượn xe.
Em im lặng
ném chìa khóa xe cho Minh. Cậu bé bắt lấy, toan đến dắt xe ra. Em khoát tay:
- Thôi, ta đi
bộ. Minh ở nhà chờ mẹ dậy đã.
Cu Minh gật
đầu rồi lảng về phòng.
Em rời ngôi
nhà im vắng và đi dưới hai hàng cây cao. Nhà nhỏ Đan ở cuối con phố này, trong
một ngõ hẻm quanh co của khu xóm lao động. Đan đón em bằng hai bàn tay đầy bột
trắng, nghịch ngợm đập vào vai làm cánh áo hồng của em như có tuyết vương. Em
vờ giận dỗi. Đan cười khanh khách dẫn em vào nhà, lấy khăn phủi sạch những vệt
bột nõn. Em nhìn hắn:
- Đan làm chi
vậy?
Đan nheo mắt:
- Bánh, mi
giúp ta đi!
Em vui vui
nhìn những khuôn bánh, những gói bột, đường bày ra la liệt. Dạo trước mẹ vẫn
thường chỉ vẽ em làm bánh mứt, sau này em làm nũng, đau ốm luôn mẹ đành làm hết
cả.
Em cười với
Đan:
- Ta làm vụng
đừng mè nheo nhá!
Đan chúm cặp
môi hồng:
- Bánh biếu
đấy, liệu hồn!
Em tìm nước
rửa tay xong ngồi bên Đan, hai đứa hý hoáy với công việc. Giọng Đan kể lể:
- Đan làm
bánh chủ nhật mang cho anh Huân, mẹ Đan hôm rày ốm, có lẽ ngày ấy không đi được.
Chỉ còn có mình Đan, eo ơi! Thư xin phép đi quân trường với Đan không?
Em ngần ngừ.
Đan bỗng nhìn lại em rồi nhún vai:
- Mà mi tiểu
thư thế thì đi được mấy bước?
Em bực tức
quệt mạnh một vết bột ướt lên mặt Đan, con bé kêu lên oai oái rồi lại kể lể:
- Mẹ Đan đang
lo cho anh Huân lắm, Thư ạ! Bà bảo đánh nhau đang ghê thế này, anh ấy ra trường
e lại khổ. Đan thì Đan nghĩ con người có số, Thư hỉ! Thế nhưng thấy cuộc chiến
mãnh liệt quá, niềm tin của ta cũng lung lay.
Em nghe lòng
mình chùng xuống, bàn tay đang chăm chút với khuôn bánh bỗng lơi ra dần. Vô
tình, Đan đã khơi lại những điều mà em đang cố quên, cố tránh né, ít ra là
trong giờ phút này. Thì ra, tuồi trẻ chúng em trong hiện tại không bao giờ thoát
được những ưu tư đang nhuộm đen ước mơ, đè chĩu cuộc sống. Em hay Đan, mỗi đứa
đều có một tương quan giữa cuộc chiến và những người thân để mà lo âu, để mà
thắc thỏm. Thốt nhiên, em nghe quặn thắt, bồn chồn! Cố tìm những câu chuyện
xoay quanh học đường, sách vở, em nói liên hồi trong khi đôi tay vẫn tíu tít
với mớ bột nõn.
Gần 6 giờ
chiều, công việc của hai đứa em mới xong. Em thở phào, lòng vui vui nhìn những
chiếc bánh trắng phau xếp đều đặn trong hộp. Đan dúi vào tay em một gói giấy
hồng:
- Ta gửi cho
cu Minh, bé Ly nghe!
Em dẫy nẩy,
từ chối. Đan trợn mắt:
- Ta có biếu
cho mi đâu, khỉ!
Rồi hắn cố ấn
gói bánh vào tay em, tiễn em ra cổng. Buổi chiều đang xuống thấp. Em lo ngại
nhìn đoạn đường quanh co trước mặt “Thế nào mẹ cũng mong”.
- Thư!
Em giật mình,
nhìn qua bên kia con lộ. Chị Uyển vừa lên tiếng gọi em, thấy em nhìn, chị đưa
tay vẫy. Chị Uyển là vị hôn thê của anh Huỳnh. Chị hiền và đẹp như tranh vẽ! Em
không hiểu sao em yêu chị Uyển lạ! Có lẽ vì chị có mớ tóc dài tha thướt, có
dáng gầy gầy giống như mẹ, nhất là đôi mắt và nụ cười luôn buồn buồn.
Em chạy băng
qua lộ, hướng chị Uyển. Chị hơi mỉm cười nhìn em:
- Chị đang
định sang nhà thăm ba mẹ. Thư đi đâu về?
- Em đến nhà
con bạn làm bánh.
Chị Uyển dắt
tay em đi dọc con đường có hai hàng cây quen thuộc.
Gió thổi mái
tóc và tà áo trắng của chị quấn quít vào thân em.
Chị Uyển bỗng
ngập ngừng:
- Thư này…
anh Huỳnh có tin về không?
Em nhìn chị.
Tiếng nói trở nên khó khăn dị lạ:
- Không, chị
ạ!
Chị Uyển cúi
đầu. Em thoáng thấy nhanh trong mắt chị ánh lên sự u uẩn, muộn phiền. Hai chị
em tiếp tục đếm từng bước im lặng.
Dáng mẹ bồn
chồn, âu lo hiện ra trước cửa. Chị Uyển vẫn nắm tay em, cúi đầu chào. Mẹ gật:
- Hai chị em
đi đâu về?
- Thưa con
sang nhà, giữa đường gặp Thư.
Mẹ nhìn em:
- Thư đi chơi
quên cả giờ giấc nhé!
Em giở ngay
“chiến lược” làm nũng:
- Con sang
làm bánh giúp nhỏ Đan, mẹ ạ! Một lô bột cao như thế này này.
Mẹ phì cười
nhìn em đưa tay ra dấu:
- Thôi mời cô
vào. Bố về mắng cho đấy!
Em cười với
mẹ, với chị Uyển rồi đi về phòng. Tiếng nhạc dìu dặt từ phòng cu Minh lại vọng
sang: “… Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, năm qua tuổi mòn. Mẹ ngồi ru con…”
Em ngước nhìn lên bức ảnh gia đình treo trước bàn học. Bức ảnh này chụp hôm giỗ
ông, có mặt đủ cả bố mẹ, anh cả, anh Khoa, chị Vân, em, cu Minh, bé Ly, mấy đứa
cháu con các anh chị. Chỉ thiếu có… anh Huỳnh! Ngày ấy, anh Huỳnh còn học ở
quân trường. Mẹ bảo chờ anh về, họp mặt đông đủ rồi hãy chụp, nhưng bố nói có
dịp con cháu tề tựu thì cứ chụp cho vui, anh Huỳnh thì hôm nào đám cưới anh, cả
nhà chụp lại. Bố bảo thế, nhưng khi ảnh rửa ra cả nhà đều như thấy thiếu vắng
cái gì. Mẹ cứ nhìn vào đó rồi mẹ khóc. Riêng em, em nghe xót xa lạ. Giá đừng có
cuộc chiến, các anh em đừng phải đi xa!
Có tiếng mẹ
gọi em ở ngoài. Em “dạ” to, thay vội bộ áo ngắn rồi bước ra. Bố đã về, đang
ngồi trên ghế xem báo. Chị Uyển giúp mẹ dọn cơm. Mâm cơm với những thức ăn nóng
sốt do mẹ em nấu vẫn “hấp dẫn” như mọi ngày, nhưng không hiểu sao em bỗng nghe
uể oải, rời rạc.
Bữa cơm bắt
đầu khi mọi người ngồi vào đông đủ. Bố vừa ăn vừa hỏi chuyện chị Uyển, bọn em
thì cứ cắm cúi nhai. Giữa lúc ấy, có tiếng xe jeep rồ lên rồi đỗ xịch trước
nhà, cả nhà nhìn nhau. Cu Minh lẹ làng rời ghế chạy ra mở cửa, rồi tiếng nó cất
lên, reo mừng:
- Anh Huỳnh
về, bố mẹ ơi! Ơ…
Dư âm câu nói
bỗng chùng lại, như một note nhạc được ngân lên rồi tắt ngấm nửa chừng. Những
người còn ngồi trong bàn ăn lại nhìn nhau. Em ngơ ngác ngó gương mặt thoáng cau
lại của bố, ánh mắt như tối hơn của mẹ, dáng vẻ thất sắc của chị Uyển, đôi mắt
mở to của bé Ly. Rồi vài giây sau, mọi người đứng lên cả, đi như chạy ra nhà
ngoài. Trong một trạng thái hoang mang tột cùng, em cũng rời phòng ăn, đứng nép
vào một góc nhìn quang cảnh diễn tiến trước mặt.
Hai quân nhân
xa lạ đang đứng sừng sững nơi phòng khách, họ khẽ cúi chào bố mẹ em. Tiếng nói
của một người trong họ cất lên nhỏ rít giữa không khí như đang đọng lại. Em
nghe loáng thoáng đến tên anh Huỳnh! Rồi… ngực em nhói lên trong tiếng hét thảm
thê của mẹ. Đầu óc em đảo lộn, quay cuồng với hình ảnh mẹ lả đi trong tay bố,
chị Uyển chới với gập xuống, cu Minh đứng chết sững, bé Ly với khuôn mặt bưng
kín bằng hai bàn tay. Một chút cảm giác còn lại trong nỗi đau xé đầu đời, em
nghe tiếng mình lạc lõng:
- Bố ơi! Mẹ
ơi! Anh Huỳnh ơi!...
Huỳnh – Chúc (M-Y)
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 53, ra
ngày 28-8-1972)
Bìa của Vi Vi : Lò cò |