Thứ Ba, 1 tháng 2, 2022

Nét Kiêu Hùng

 

Khom mình nép trong một bụi rậm giữa rừng sâu trên đất Ấn, Ranjit Sing, một thợ săn lành nghề, nâng cao mũi súng chực nhắm chú cọp. Suốt một thời gian khổ nhọc, một chú cọp vừa xuất hiện từ đám cỏ cao rậm rạp, vô tình phơi mình trên khoảng đất trống, chỉ cách Ranjit Sing khoảng vài chục thước. Đúng là một mục tiêu lý tưởng.

Nhưng lạ kìa, sao mắt anh run chớp khi nhìn qua kính nhắm. Dưới ánh nắng ban mai, bộ lông vằn vàng đen của con thú chói lọi kiêu hùng, thân chắc nịch thon gọn, tất cả tạo nên một mãnh lực nào đó khiến Sing ngẩn người cho tới khi chú cọp kia biến dạng sau lùm cỏ rậm. Anh đã bị nét oai hùng của loài cọp thôi miên. Nay, Sing đã chuyển sang nghề nhiếp ảnh, thu lại đời sống nơi rừng sâu núi thẳm, nhưng mỗi lần hồi tưởng lại, anh vẫn luôn miệng nói: "Tôi muốn giết nó lắm, nhưng chẳng hiểu sao, ừ, dáng dấp của nó khiến tôi chùn tay, không nỡ bóp cò. Tôi tự nhủ chằng bao giờ giết cọp nữa!".

BÓNG MA RỪNG THẲM

Vào thời xa xưa, cọp đã mang những tính nết đặc biệt, thích hợp với hầu hết mọi khí hậu: suốt từ Siberia và Manchuria xuôi xuống phía Nam băng ngang Trung Hoa và Đông Nam Á đến tận những quần đảo Sumatra, Java, và Bali thuộc Indonesia.

Từ đây, chúng di chuyển về phương Tây xuyên qua miền Nam Ấn Độ, rồi vượt A Phú Hãn đến tận bờ biển Caspian của Ba Tư và đặt chân lên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Suốt hành trình bành trướng bẩy nở ấy, người ta phát hiện sự sinh sôi của năm giống cọp khác nhau, thay đổi theo từng miền, từ giống to lớn lông dài miền Siberia và Manchuria đến giống lông ngắn sống ở các vùng cằn cỗi thiêu bức. Chúng khác nhau rất nhiều về vóc dáng: trong khi giống miền Siberia, con đực có thể dài đến 3,6m từ mũi tới đuôi, còn giống cọp Bengal của Miến Điện, Ấn Độ và Nepal trung bình dài 2,7m và cân nặng khoảng 200 - 300 ký lô.

Khó ai tin rằng loài cọp trầm lặng lạ lùng trong rừng hoang dã. Một chú cọp dù to con vẫn có thể lướt đi nhẹ nhàng yên lặng giữa những lúm cây rậm rạp, đôi chân đầy những vuốt nhọn đạp mạnh trên những cành cây khô gãy hay những đống lá úa vàng cũng không hề gây nên một tiếng răng rắc nào. Tay thợ săn Sher Jung một lần nọ ngồi rình trong một khu rừng Ấn Độ, giác quan của anh chợt phát hiện một âm thanh chuyển động nho nhỏ. Bất giác, anh ngoảnh mặt về phía bên, và bắt gặp một chú hổ vằn đang đứng liếm chân trước, chỉ cách chỗ anh núp khoảng 6m. Một tiếng sột soạt của ngọn cỏ cũng khó thể khám phá.

Về phương diện tự tin và can đảm, chỉ loài beo gấm (leopard) hay beo Mỹ Quốc (jaguar) mới có thể sánh đua với cọp. Bên nửa cân, bên tám lạng! Thân hình nó rất dễ dàng lẫn biến trong cỏ rậm, sự thận trong và kiên nhẫn của nó khó ai bì kịp ; nghĩ đến chúng ta cho là hoang đường tưởng tượng nhưng sự thực vẫn là sự thực. Chẳng hạn, mỗi khi tiến đến con mồi vừa ra công hạ thủ cọp thường rảo quanh trên một chu vi có đường kính khoảng 100m. Nó thận trọng bỏ ra cả giờ ngồi đợi để được bảo đảm rằng con mồi đã thực sự tắt thở. Khi ấy, cọp ta mới yên tâm tiến lại... hẩu xực.

Để bù đắp khả năng đánh hơi không mấy bén nhậy, cọp được trời ban một tài quan sát và một cơ quan thính giác phi thường. Về thị giác, những tay thợ săn về đêm cho biết rằng chỉ một cử động sơ hở nhỏ nhặt cũng dễ dàng giúp cọp phát giác sự hiện diện của họ.

"Cọp rất kỳ dị, ta khó lòng đoán trước được cọp đã sắp phóng đến ta chưa". Một chuyên gia đã cho biết như vậy. Một bầu không khí yên lặng ma quái bao trùm; rồi bỗng nhiên, cọp lao tới như một mũi tên và... Cọp, chúa tể sơn lâm.

Bình thường, cọp đơn thân độc mã đi kiếm mồi và việc hạ thủ nạn nhân xảy ra trong chớp nhoáng. Chỉ vài giây, cọp đã dứt điểm trong trận đấu với một chú hoẵng, và chỉ độ 5 phút với một bố trâu nước kếch xù. Luôn luôn, cọp lao vào đối thủ từ phía sau hay ngang hông, phóng chồm lên lưng và tìm cách cắn cuống họng nạn nhân với hai hàm răng nhọn hoắt. Đối với những tên khó xử, cọp khôn ngoan cắn đứt dây gân cẳng chân, cắn xé nát chân nạn nhân, đối thủ ngã quỵ hết đường trốn chạy, khi ấy cọp ta ngoạm chặt cuống họng cho đến khi con mồi tắt thở.

Cọp thường bắt đầu săn mồi một hai tiếng đồng hồ trước khi mặt trời khuất bóng. Mỗi lần săn mồi cọp kiếm khoảng 20 - 30 ký thịt và nếu thích, kiếm thêm một ít phụ trội trong đêm ấy. Tuy heo rừng, hoẵng và nai là những món cọp thường tiêu thụ nhưng nói cho cùng, món hợp khẩu hơn cả phải là trâu bò ngựa... nuôi trong các trại.

Các chuyên gia còn cho rằng hổ mạnh hơn cả sư tử: các tay thợ săn không ngớt tán tụng sức mạnh kỳ diệu của cọp, liệt vào hàng đế vương rừng thẳm. Jim Corbett, một nhà vạn vật và cũng là một tay thợ săn lão luyện, một lần săn đã theo dõi một chú cọp ra sức kéo một con bò nặng nề vượt ngang những bờ đá, những thân cây ngổn ngang cho đến một bờ núi dốc nhiều cây! Hai hàm răng của  cọp mới thật đáng sợ, chỉ cắn nhẹ cũng đủ gãy xương sống của anh bò hay bóp nát sọ người như ta bóp vỏ trứng.

KHÔNG BAO GIỜ SỢ HÃI:

Đối với những giống cọp sống ngoài vòng pháp luật nghĩa là khoái thịt người, cuộc tấn công con người rất cuồng dại. Các ông cọp này sơi mỗi năm khoảng 100 người bất hạnh. Ngày nay, giống cọp khoái thịt người chỉ còn hoạt động vài nơi.

Suốt 30 năm trong nghề săn, Sher Jung chỉ mới nghe một lần một chú cọp tấn công con người dù nó không bị khiêu khích. Một nhân viên kiểm lâm trong khi đi kiểm soát bất chợt chạm trán với một nàng cọp. Nàng cọp chồm lên gầm vang dữ dội hai ba lần chỉ chực phóng tới nuốt sống người kiểm lâm, nhưng may mắn thay, ông công chức này sực nhớ một lời khuyên: "Không bao giờ sợ hãi, nhìn chòng chọc vào con thú dữ!" Ông ta thử thí nghiệm dù số mạng như cá nằm trên thớt và quả nhiên, nàng cọp hiền dịu... lẳng lặng rút lui!

Một trường hợp hi hữu khác xảy ra ở Mã Lai.

Một bạn dân ngồi trầm tư mặc tưởng bên một con suối (tưởng tượng thơ mộng lắm!), hình như vào một đêm trăng snag1 nữa thì phải, chợt cảm thấy một vật gì lông lá chạm nhẹ vào cổ. Ông bạn d6an này hơi run, vừa ngoảnh lại là giáp mặt ngay với khuôn mặt của một... chị cọp! Cọp nhẹ nhàng áp miệng lên má vị bạn dân rồi... rút lui trong trật tự. Ông ta lúc ấy chết sững người, một lúc sau mới đến báo vơi viên kiểm lâm gần nhất.

"Tôi vừa được cọp hôn, hôn... cọp hôn". Vị bạn dân lắp bắp khai báo. Sau khi khám xét vết chân quanh chỗ vị bạn dân ngồi thả hồn thơ mộng, các chuyên gia nhìn nhận là dấu chân cọp, đành phải xác nhận một trường hợp khó tin nhưng có thật.

HUẤN LUYỆN CON CÁI:

Trước khi cưới được một nàng cọp về chung sống, các anh cọp đực đã phải trải qua một cuộc tranh tài gay go, đẫm máu. 
 
Sau mười sáu tuần mang nặng bào thai, nàng cọp thường hạ sinh hai hoặc bốn bé cọp (mỗi bé cân nặng từ 1-2 ký lô). Đôi khi nàng cọp cũng sinh những lứa 5 hay 6 chú bé. Cọp sống trung bình 20 năm. Nhưng các chú bé cọp khó sống đến trưởng thành, nguyên do phần lớn cũng vì bệnh tật.
 
Đùa giỡn như mèo con, các bé cọp vật lộn nhau, chơi cả trò cút bắt hoặc vồ đuôi nhau trong những đêm trời tối. Chúng biểu lộ lòng thương mẹ tột bực, tính tình thay đổi mau lẹ, đang láu cá thành nũng nịu. Nhà động vật học người Mỹ tên là George Schaller đã quan sát thấy một chú cọp con ôm đầu mẹ giữa 2 chân và liếm lên mặt mẹ rất trìu mến và rất ư là "nịnh bợ".
 
 Chỉ độ 4 tuần sau ngày mở mắt chào đời, tầm vóc hổ lớn nhanh như thổi, gấp 4 lần lúc trước, vài tuần sau vẫn chưa dứt sữa mẹ. Nhưng chúng bắt đầu được nếm những miếng thịt sống do mẹ chúng nhai nhừ rồi mớm cho. Dần dần mấy bé cọp theo mẹ dự những cuộc săn mồi. Chúng quan sát học hỏi từng cử động của mẹ. Khoảng 6 tháng sau, mẹ chúng khởi sự dạy con những bài học chiến đấu gian nguy hơn và các chú cọp con chập chững tự săn những con mồi bé nhỏ. Dần dần, chúng tự sinh sống với những con mồi săn lấy được. Đến ngày sinh nhật lần thứ hai, chúng đã thật sự trưởng thành. 

SỐ PHẬN BẤT HẠNH:

Ngày nay, thật đáng tiếc, số cọp còn tồn tại ngoài các sở thú chẳng còn bao nhiêu và đang đi dần đến chỗ tuyệt giống. Giống cọp khổng lồ miền Siberia thuộc liên bang Sô Viết chỉ còn khoảng 100 con (nay có những biện pháp bảo vệ rất nghiêm ngặt) nhưng giống cọp miền Bali hầu như đã hoàn toàn mất hẳn.
 
Môi trường thích hợp nhất cho cọp sinh sống chính là thiên nhiên, rừng thẳm. Hàng năm có đến 400 đến 500 cọp bị bắn ở Ấn Độ, nhằm mục đích tiêu thụ trên thị trường. Tất cả cũng do bộ da vằn vàng đen quyến rũ.
 
Bộ da vằn này đã mang lại cho cọp một nét kiêu hùng và oai dũng nhưng cũng chính nó đã đưa cọp đến nơi tận diệt.


(theo RD, july, 1970)                    
PHẤT MỤC NHÂN NGHỊ và ÁNH MINH    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 217-218, Xuân Giáp Dần, ra ngày 15-1 và 1-2-1974)
 


Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>