Thứ Tư, 2 tháng 2, 2022

Công Cha Nghĩa Mẹ Ơn Thầy

  

Thư của em H. Saigon:

Thưa chị, em thấy câu tình thầy trò sao mà giả dối quá chị ơi. Theo em thì chẳng có cái gì gọi là tình thầy trò được cả, chị ạ. Chị nghĩ mà coi, thầy gì mà chỉ lo bắt em chép phạt để thu giấy về bán ký lô. Bài học thì quay ronéo rồi bắt tụi em phải bỏ tiền ra mua, đứa nào không có tiền thì rán mà còng lưng chép bài, ho lao cũng thây kệ, thầy chẳng thương xót gì hết. Ba má em bảo rằng nếu ba má em mà không kiếm ra tiền để đóng học phí cho em thì đừng hòng mà em được vào lớp, đừng hòng mà có tình thầy trò...

TRẢ LỜI:

Em thương mến,

Chị đọc thư em vào đúng những ngày mọi người lo sửa soạn đón tết. Những ngày mà xưa kia, khi thời gian này đến, thì bóng dáng người thầy ngự trị rõ nét nhất trong lòng hết thẩy mọi người. Bởi vì nếu tết đến, dịp để biểu lộ lòng tri ơn, con người ta biết nghĩ đến công đức cha mẹ bao nhiêu thì liền ngay đó, ý nghĩ chuyển ngay qua ông thầy. Cho nên ca dao mới có câu: "Mồng một thì ở nhà cha, Mồng hai nhà vợ, Mồng ba nhà thầy." Ba ngày đó quan trọng nhất năm. Cho nên nhân đấy chúng ta thấy việc đến thăm thày học được các cụ chú trọng đến thế nào rồi. Bỏ quên ai thì bỏ, chứ nhà cha mẹ ruột, cha mẹ vợ và nhà thày học mà ngày tết không đến chúc mừng, thì kể như lỗi đạo làm người. Tàn nhẫn với ai thì còn có thể tha thứ được phần nào, chứ lỗi đạo với tổ quốc, cha mẹ, thày học, thì kể như con người bỏ đi, không ai còn giao thiệp được nữa. 

Vốn là dân của một quốc gia trọng đạo lý, học vấn, mà lại được ảnh hưởng ngay từ nhỏ thói quen tốt về sự tôn kính thày học, cho nên mấy ngàn năm lịch sử Văn Học Việt Nam đã ghi dấu biết bao bậc lương sư, hiền đồ, , tình thày trò thắm thiết, nghĩ đến lúc nào chúng ta hẳn vẫn còn luyến tiếc. Đọc những cuốn Lều Chõng của Ngô Tất Tố, Bút Nghiên và Nhà Nho của Chu Thiên, chúng ta hẳn thấy thèm sống vào cái thời thầy đáng bậc thầy, trò xứng danh trò đó lắm, các em nhỉ.

Nhưng còn đâu nữa những ngày hoàng kim của tình thầy trò, những ngày mà vai trò bậc thầy còn trên cả cha mẹ, chỉ đứng sau vua (Quân, Sư, Phụ), những ngày mà thày qua đời học trò làm nhà bên mộ thầy để cư tang hương đèn ấp mộ cho thầy khỏi tẻ lạnh, những ngày tết gia đình học trò chọn lựa con gà mập nhất, trái cây ngon nhất, hạt gạo mẩy nhất đem tết thầy, góp nhặt vài ba quan tiền để thầy rủng rẻng vui xuân cho qua ba ngày tết. Còn đâu?

Thư em làm chị bỗng thấy ngậm ngùi nghĩ đến chuyện cũ. 

Năm ngoái khi Bộ Giáo Dục cho phép học trò nghỉ tết Giáp Dần nửa tháng, kể từ ngày 14-1-74 đến 30-1-74 thì trong giới trường tư đã có một số phụ huynh học sinh đến trường phàn nàn than thở đòi bớt học phí vì lẽ con họ chỉ học nửa tháng thì chỉ đóng tiền nửa tháng. Nhà giáo nghỉ tết thì ráng mà treo niêu lên. Chứ phụ huynh học trò không có nhiệm vụ phải lo chuyện nồi cơm của nhà giáo. Tiền trao cháo múc, ăn nửa bát cháo thì trả nửa tiền, thật là giản dị và hợp lý (!) Không còn ai bắt bẻ vào đâu  được!

Nhưng sự tính toán chi ly, nghe ra có vả rất hợp lý ấy đã đem lại cho một số em sự tai hại vô cùng. Sự tai hại mà ít khi cha mẹ nghĩ tới. Tai hại ở chỗ các em không còn giữ được lòng tôn kính bậc thầy nữa, trong đầu óc thơ ngây của các trẻ, hình ảnh các bậc thầy đồng hóa với bà hàng cá, mà má mặc cả hàng ngày ngoài chợ, cá to nhiều tiền, cá bé ít tiền. Thày dạy cả tháng nhiều tiền, nửa tháng rút bớt, bất cận nhân tình, tết nhất thây kệ, miễn sao tiền chi ra ít là lòng dạ được yên vui rồi.

Trong sự chán nản với tình đời như vậy, nếu có bậc thầy nào còn giữ được bình tĩnh để tận tâm dạy dỗ học trò, thì phải kể như vị ấy đáng tôn lên hàng siêu nhân. Dậy học là đào tạo các khối óc, trái tim, những bộ phận mong manh, tế nhị và có hồn. Một chuyên viên cơ khí sử dụng hay chế tạo máy móc gặp con ốc hư, cái răng cưa gẫy là tháo ra, liệng bỏ. Nhà giáo đào tạo tâm hồn con trẻ, trong một lớp mỗi trò là một trình độ, một tâm hồn, một thế giới riêng tư. Tâm hồn nhà giáo có được đầm ấm, tràn trè tình người, tình thầy trò thì thầy mới còn lòng dạ mà tìm hiểu, âu yếm thương quí, tâm tình với từng đứa con tinh thần. Chứ khi mà lòng thầy đã buồn nản với tình đời, đầy mặc cảm là gia đình học trò coi mình như một công cụ, như cái máy giảng bài, máy chạy thì đổ nhiên liệu, máy ngừng thì bỏ vào xó, than ôi ai lòng dạ nào mà còn tha thiết với nghề nữa đây.

Nhắc tới tình thầy trò thời xưa, một số người đã lập luận thế này:

- Ui da! Bì với ngày xưa sao được. Ngày xưa thầy không thu tiền học trò. Có cái gì thì biếu, chẳng có thì thôi, thầy vẫn dậy, thì dĩ nhiên phải trọng thầy chứ.

Khi họ lý luận như thế, là họ nhìn sự việc một cách phiến diện. Ngày xưa thầy không thu tiền học trò vì đời sống quảng đại quần chúng ngày xưa đều nghèo, phần lớn dân Việt thời xưa, chỉ là nông dân, hoặc buôn bán lặt  vặt, kiếm ăn không đủ, cho nên quan niệm của nhà nho xưa: "Đạo thánh là đạo rộng" cửa Khổng sân Trình sẵn sàng mở, chỉ mong có người đến kiếm mớ chữ là thày sẵn sàng dậy rồi. Học trò coi thầy còn hơn cha, thì lẽ dĩ nhiên thầy thương học trò như con, lòng nào nghĩ tới tiền bạc mà đuổi học trò nghèo ra đường. Nhưng nếu bảo thầy xưa không được đãi ngộ về vật chất thì thật là sai lầm.
 
Chỉ có những người quá nghèo không thể làm hơn được thì đành chịu, ngoài ra, có thể được, là cha mẹ học trò thế nào cũng cố gắng đóng góp tiền đồng môn, tiền giỗ tết, hiếu hỉ cho gia đình thầy. Ngoài ra, những nhà hào phú mà có con đi học, thì thường là người ta mời thầy về, dành riêng một căn nhà để thầy ngồi dậy, thầy có thể cho thêm các trẻ khác trong làng đến học cùng. Nhà chủ có phận sự cơm bưng nước rót, hầu hạ thầy. Thường thường muốn thầy vì tình cảm mà tận tụy với con mình, nhà củ cung phụng thầy học của con rất hậu. Cơm trắng cá tươi, mâm của thầy bao giờ cũng đầy đặn, ngon lành hơn hết. Ngoài ra, những học trò ở ngoài tới theo học nếu có quà cáp biếu xén, thì chỉ để thầy chi tiêu thêm cho rộng rãi mà thôi. Trừ trường hợp những vị khoa bảng, đã có căn bản sinh kế, các thầy đồ xưa, cũng được phụ huynh học sinh lo lắng đầy đủ đời sống vật chất ngõ hầu lòng thảnh thơi giảng đạo Thánh Hiền cho được chu đáo. Nếu so với mức lợi tức, đời sống kinh tế nghèo nàn của cha mẹ thời đó, thì đời sống của bậc thầy ngày xưa không bị bạc đãi như ngày nay.

Trong đời sống xa hoa ngày nay quả tình nhà giáo đã bị bạc đãi cả tinh thần lẫn vật chất.

Cho nên, nếu đã có nhà giáo nào cư xử không còn ra nhà giáo, thì cũng không phải là lạ. Vì còn đâu nữa mối tình thầy trò thiết tha ràng buộc, mối tình không dính tới tiền, khi mà cha mẹ học trò đến tận trường phàn nàn chi ly tính từng ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, để mà trừ tiền mồ hôi nước mắt và sức lực của thầy.

Một năm học, thầy giảng biết bao nhiêu lời, ánh mắt thương yêu trìu mến chiếu biết bao ngàn lần vào từng mái đầu xanh ngồi trong lớp. Một năm học với một bậc thầy thiết tha tận tụy, một bậc thầy dậy với lòng hứng khởi các em sẽ có lợi biết là bao nhiêu. Dậy học cần tới phẩm hơn là lượng. Một giờ dậy học mà tận tâm, hơn là một ngày ngồi cho có mặt mà ngáp ruồi. Bậc thầy trong lớp học không có ai kiểm soát, ngoại trừ lương tâm. Xin hãy để trái tim thiện cảm của bậc thầy làm nhiệm vụ.

Sự phàn nàn, so kè của một số phụ huynh đã làm cho một số trường phải tìm biện pháp dung hòa, vì ai nỡ lòng nào cúp lương thầy, chỉ trả nhà giáo nửa tháng lương, trong khi nhà giáo dậy học quanh năm, trong khi các công tư chức khác còn có lương tháng 13, 14, cho nên chủ trường đành phải tìm biện pháp dung hòa để phụ huynh học sinh khỏi cảm thấy tiếc xót đồng tiền đóng học phí cho con. Thế là đành phải cho học thêm 5, 3 ngày, để thời gian nghỉ không còn tròn nửa tháng, để dễ biện bạch khi phụ huynh học sinh mặc cả, kèo nài. Năm ba ngày học thêm có ích gì, trong khi học trò thì náo nức đòi nghỉ, thầy thì giận vì thói tính toán chi ly, ích kỷ của gia đình học trò.

Thành ra các em tới lớp cũng chỉ phá phách đùa giỡn, mất thì giờ vô ích, chẳng thà ở nhà phụ giúp cha mẹ dọn dẹp nhà cửa ăn tết còn có lợi hơn.

Nghề dạy học phải hò hét từng ngày, từng giờ, từng phút. Hình ảnh cụ giáo già của thế hệ trước, ngày nay rất hiếm hoi. Hiếm chỉ vì nhà giáo ngày nay ít người còn sống sót đến già để tiếp tục giảng đạo thánh hiền như thời xưa, thời hoàng kim của đạo đức, thời mà mỗi khi thầy cất tiếng nói, bầu không khí trong lớp yên lặng đến nỗi nghe thấy cả tiếng ruồi bay. Ngày nay nhà giáo phải la hét át tiếng đùa cợt của những học trò vô ý thức, coi thường lời dậy dỗ của thầy. Năm này qua năm khác, như thế dù phổi có bằng sắt thì cũng phải rã, phải mòn. Nhà giáo phải sớm giải nghệ. Học trò phải yếu kém đạo đức vì không còn chuyên cần nghe lời giảng dậy như thời xưa.

Sự mất trật tự nơi trường ốc ngày nay và sự suy sụp trong tâm hồn lớp trẻ một phần nào cũng do thái độ của một số phụ huynh học sinh đã cư xử thiếu tế nhị, gây nên phản ứng dây chuyền.

Từ trong thâm tâm các em thấy cha mẹ so kè với thầy từng ngày nghỉ lễ, bớt xớ từng đồng, kể lể tính toán khi đóng học phí cho con, khiến vô tình các em đồng hóa trường ốc với chợ búa, nhà giáo với nhà hàng.

Nhà giáo ngày nay có thể vì tốn hao sức khỏe, mà qua đời sớm hơn nhà giáo thời xưa. Nhưng lòng tôn kính của các em đối với nhà giáo, phải cần được giữ gìn nguyên vẹn vì lợi ích cho cuộc đời chính các em học sinh.

Một ngày kia, khi sức tàn lực kiệt, nhà giáo phải còn giữ được chút an ủi rằng đã hy sinh buồng phổi để xây dựng lớp hậu sinh cho họ nên người và họ đã nên người.

Lòng nhớ ơn thầy trong câu:

"Công cha nghĩa mẹ ơn thầy
Lòng con ghi tạc không ngày nào quên" phải được lưu truyền mãi trong tòa nhà văn hóa. Lòng nhớ ơn đó phụ huynh có thể biểu lộ bằng cách ngày tết gởi cho thầy cô giáo của con em quí vị, tấm thiệp chúc tết nồng nhiệt, chúc tụng để cảm ơn người đã hết lòng dậy dỗ con em mình.

Hay ít nhất, không tới trường mà so kè bớt xớ từng ngày nghỉ lễ, nghỉ tết của thầy.

Và không làm tan vỡ mối tình thầy trò bằng cách kể lể công lao đóng học phí, coi như là mua bán, đổi chác.

Nếu phụ huynh giữ được sự tế nhị như thế, thì ít nhất con em quí vị ấy sẽ không bị vấn đề tiền ám ảnh, làm cho nếp suy nghĩ bị lệch lạc, gây tai hại cho chính bản thân các em như trường hợp em H. kể trên.

Sống trong bầu không khí suy luận nhiễm độc ấy, em H. đã đánh mất tất cả đức công bình. Nếu em nhớ lại những câu chuyện phụ huynh học sinh kiện thầy cô vì đánh con mình thì hẳn em sẽ thấy rằng thầy chẳng còn cách phạt nào khác ngoại trừ chép phạt. Tờ giấy bỏ đi đó nếu có lẫn vào đám giấy lộn mà người nhà thầy đem bán ve chai thì chị nghĩ cũng không đáng để đem ra đánh giá với công đức của thầy. Vấn đề nộp tiền để quay ronéo bài cũng rất hợp lý. Vì làm thế, các em sẽ có đầy đủ số giờ trong lớp để nghe giảng, hơn là thì giờ bị choán hết vì mắc chép bài. Suy nghĩ kỹ em sẽ thấy là nếu thời giờ trong lớp mà các em chỉ chép bài thì thầy sẽ bớt mệt hơn phải giảng bài khản cổ rất nhiều.

Và nếu công bình, chúng ta sẽ thấy rằng, như ba má H. đã nói nếu các người không kiếm ra tiền đóng học phí, thì H. không thể đi học, thì cũng thế, nếu thầy không còn đủ hơi sức mà gào thét trên bảng đen, hỏi rằng các con thầy sẽ rơi vào hoàn cảnh đen tối nào.

Một trong những điều đáng tiếc cho tương lai các em, chính là sự tính toán so kè, mà không may một số em đã nhiễm phải khi đem sánh với tấm lòng của bậc thầy đấy, các em ạ.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Ất Mão, 1975) 
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>