Thuở ấy, tôi còn học lớp năm tại ngôi trường thôn bé nhỏ. Nói là "ngôi trường" cho oai vậy, chứ thật ra đó chỉ là một hội trường cũ đã phế bỏ – nằm ở sát đình làng, được ngăn ra làm hai phòng để dạy. Một phòng là lớp năm tôi, còn phòng kia dành cho lớp vỡ lòng. Trường trông thật đơn sơ và nghèo nàn: mái lợp bằng những đọt dừa nước, vách đan bằng những nẹp tre chẻ nhỏ, bàn ghế chỉ đóng sơ sài.
Lớp tôi, học trò thì rất đông (vì cả làng chỉ có một lớp năm) mà bàn ghế lại ít, cho nên mỗi bàn có đến bảy, tám đứa ngồi chen chúc nhau, vì vậy mà suốt năm – dù mưa hay nắng – cũng thật khổ cho bọn học trò lớp tôi.
Về mùa nắng, mái lá dừa nước của trường rút lại, cong queo tạo thành những khoảng trống đầy cả, mặt trời theo đó chiếu những tia nắng gay gắt lên đầu lên cổ bọn tôi, thật là nực nội, mặt đứa nào đứa nấy cũng lấm tấm mồ hôi. Có đứa dùng vở phe phẩy thay quạt, có đứa cởi cả khuy áo trên, nhưng cũng không xua đuổi nổi cái nóng bức khó chịu này – một phần vì ngồi chật chội, một phần vì ngôi đình làng án ngữ mất ngọn gió nồm thổi ra. Chỉ tội nghiệp cho các cậu ngồi đầu bàn, cứ lâu lâu lại bị những đứa ngồi trong lấn ra, rớt xuống đất đánh "bịch" đau điếng làm cả lớp cười vang...
Đến mùa mưa, nước mưa lại theo những khoảng trống cũ chảy vào trong lớp, làm cả lớp chạy tránh như vịt, chỗ này dột đổi chỗ kia, tiếng suýt soa vì ướt rộn cả lên ồn ào. Những khi mưa lớn thì cà thầy lẫn trò đều phải chạy sang nấp nhờ ở hiên đình kế cạnh.
Thầy dạy lớp năm tôi, tuổi trạc trung niên, dáng người cao và gầy, khuôn mặt hốc hác, có đeo kính cận trông rất đạo mạo và nghiêm khắc, nhưng thầy rất hiền. Có lẽ vì trải qua nhiều kinh nghiệm trên đường đời, thầy biết tâm tính bọn tôi còn thích chạy nhảy hơn là học hành nên ít khi thầy đánh hay phạt bọn tôi. Cuối giờ dạy, thầy thường kéo cả lớp ra sân trường bày cho những trò chơi có tính cách hoạt động vui vẻ, có lúc thầy bảo cả lớp ngồi quanh thầy để nghe kể chuyện, giọng thầy kể thật hay và hấp dẫn làm bọn tôi say mê và thích thú.
Học với thầy sướng như vậy cho nên cuối niên học, bọn tôi chẳng có đứa nào muốn lên lớp cả. Vì lên lớp là... phải xa thầy, xa những trò chơi và câu chuyện trong mỗi cuối giờ học.
Với lại, theo anh tôi và các học trò ở trường làng thì trên trường ấy, có một ông thầy dạy lớp tư rất nghiêm khắc với học trò, làm bọn tôi đứa nào cũng sợ, dù rằng chưa gặp mặt thầy ấy lần nào.
Có đôi lúc, tôi muốn thời gian đi thật chậm, để còn ở mãi trong vùng kỷ niệm ngôi trường thôn ấy...
Nhưng dù muốn, dù không, thời gian thấm thoát đã trôi qua thật nhanh, tôi phải rời ngôi trường thôn, rời lớp năm thân yêu để bước thêm một bước nữa trên đường học vấn...
Đêm trước buổi tựu trường, tôi nằm trằn trọc mãi, không ngủ được, đầu óc cứ nghĩ miên man về ông thầy lớp tư với những lo sợ vu vơ. Tôi bỗng ao ước vì một lẽ gì đó, ông thầy ấy đổi đi nơi khác và để thầy lớp năm cũ lên dạy thì thích biết mấy... Tôi thiếp đi lúc nào không hay. Trong giấc ngủ, sự lo âu vẫn hiển hiện bằng cơn mơ.
Nhưng lời ước của tôi trở thành vô nghĩa vì sáng hôm sau khi chúng tôi vừa đứng sắp hàng tại sân trường làng, còn ngơ ngẩn với ngôi trường to lớn, thì có tiếng vài đứa xì xào:
- Ê! "ổng" lại đó kìa bây!
- Thầy mình đó hả?!
Một dáng người to lớn đi lại phía lớp tôi, với đôi kính cận trên mắt trông thầy thật khó đăm đăm. Dừng lại ở lớp tôi, thầy nhìn – rồi nhăn mặt:
- Các trò sắp hàng gì lạ vậy?
Sẵn cây roi mây trong tay, những đứa chưa sắp hàng bị thầy phết cho một roi quắn đít. Tôi, vì nhỏ con phải đứng phía trước, bị mấy đứa sau lấn ngã người về phía trước, sát bên thầy. Tôi hoảng hồn. Chưa kịp đứng dậy thì thầy đã cúi xuống nắm vành tai tôi kéo lên dẫn về hàng. Đau đến chết người, nhưng tôi chẳng dám khóc.
Sau bữa đó, có vài đứa vì quá nhát và sợ nên nghỉ học, còn bọn tôi – phần nhiều vì cha mẹ bắt buộc nên phải đến trường – thật không khác gì một cực hình.
Nhưng rồi về sau, bọn tôi cũng quen dần, trông thầy không sợ nữa, nhưng bọn tôi chỉ ngán mấy hình phạt của thầy cho những đứa lười học, không thuộc bài, bất tuân kỷ luật. Tính thầy vốn dễ nổi giận, nên bọn tôi ít khi dám làm trái ý thầy. Ba hình phạt "độc đáo" nhất của thầy đó là: quì "sơ mít", khẻ tay, nhéo bắp vế non...
Suốt năm ấy, tôi nhớ chỉ có một lần tôi bị phạt, đến bây giờ mà vẫn còn thấy ơn ớn.
Sáng hôm ấy, có giờ số học thầy dò bài cửu chương. Thầy đã dò 5 đứa mà chẳng đứa nào thuộc cả, thầy nổi giận gọi bài hết cả lớp từ trên xuống dưới. Thuộc làu : 10, vấp : 5, không thuộc : 1.
Tôi, thì cửu chương nào cũng thuộc, trừ cửu chương 7, đã đọc mấy lần mà cứ vấp hoài. Sẵn dịp tên tôi còn xa, tôi biên vội cửu chương 7 lên bìa vở, để lát không thuộc thì "cóp".
Lúc đầu thầy còn kêu lên bảng, sau vì nhiều nên thầy cho đứng tại chỗ đọc. Tiếng thầy vẫn đều đều:
- ... Lê Đình Tài...
- ... Lê Đình Cường...
- ... Chung Hòa...
- ... Nguyễn Đường... Nguyễn Đường...
Chết! Đến tên tôi mà tôi quên mất. Tôi đứng dậy. Thầy ngước mặt lên:
- Đọc cửu chương 7.
Chết! lại ngay bài tôi không thuộc. Nhưng vẫn lấy giọng bình tĩnh, tôi đọc:
- 7 lần 1 là 7...
- 7 lần 2 là 14...
- 7 lần 3 là...
Tôi liếc xuống vở... à! 21...
- Đọc mau đi chớ...
- 7 lần 3 là 21...
- 7 lần 4 là...
Lại liếc xuống. Thằng Lai ngồi bên, khi nãy không thuộc, thấy vậy nổi cáu đứng lên báo cáo:
- Thưa thầy, trò Đường coi trên vở đọc.
Thầy đứng dậy nhìn xuống, kêu tôi lên bàn, gắt:
- Sao trò dối trá vậy?
Mặt tôi tái mét, cúi gầm xuống, không trả lời. Thầy điềm nhiên bảo:
- Thôi, trò lại đằng kia quì "sơ mít", lát tôi dò bài lại.
Tôi thầm kêu "trời!", cầm quyển vở, cúi mặt đi lại góc phòng, quì xuống hai vỏ mít đầy gai. Lúc đó, tôi mặc quần soọc nên phải để hai đầu gối chịu trận. Cầm quyển vở trong tay mà tôi chẳng đọc được chữ nào. Cứ một lát lại ngò thầy, thầm mong "ổng" cho đứng dậy.
Nhưng mãi đến khi dò bài xong cả lớp ông mới quay nhìn tôi, kêu lại. Khi tôi đứng dậy thì hai đầu gối đã bầm đen và lốm đốm như mạng lưới. Sau khi dò bài xong, thầy nói với tôi:
- Lần sau, trò đừng gian dối như vậy nhé. Trò nên biết, gian dối như vậy là một điều rất xấu, nên tránh. Thôi! Về chỗ.
Tôi lí nhí "dạ" rồi cúi mặt đi xuống...
*
Ngày tháng thấm thoát trôi qua thật nhanh, đến bây giờ tôi đã học lớp 10. Một lần, có dịp đi ngang ngôi trường cũ, tôi ghé lại. Nhưng không tìm được bóng dáng thân yêu ngày xưa. Tôi nghe nói thầy lớp năm đã chết vì bệnh lao, còn thầy lớp tư đã lưu lạc nơi nào không biết.
Trường xưa còn đó. Nhưng hai hình bóng thân yêu đã chết. Có còn chăng chỉ là dư âm văng vẳng.
Tất cả đã trở thành kỷ niệm. Một kỷ niệm vàng son theo nuối tiếc...
ĐẰNG LINH
(viết cho các bạn lớp 5, 4 (63-65)
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 67, ra ngày 3-12-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.