Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

Tiếng Xưa

 

Nếu có một lúc nào đó phải tạm quên thực tế để quay về sống với nội tâm, tôi sẽ nhớ mãi một kỷ niệm sâu xa, với một người, mà qua bao cuộc đổi thay mình vẫn hằng thương mến:

Khanh Thúy

Tôi biết chị qua những buổi trình diễn văn nghệ ở trường. Lần đầu tiên nhìn chị đứng hát trên sân khấu dáng thon gầy mềm mại, nét đẹp buồn, tôi thấy lòng xao động một tình cảm mến thiết tha. Tôi yêu nhất là đôi mắt chị, đôi mắt của một mầu tím thật nhớ nhung và buồn xa xăm diệu vợi, mái tóc thề bỏ xõa lên dáng người thanh tú, mảnh mai, gương mặt thùy mị, mơ màng phảng phất nét sầu man mác. Tôi mê chính con người chị hay thích vẻ buồn mơ của một cô gái Huế qua chị, tôi cũng không biết nữa.

Yêu vì những đường nét biểu lộ một bề sâu thăm thẳm của tâm hay yêu giọng hát trầm buồn thì thầm bên tai như những lời tâm sự, tôi cũng không sao hiểu được. Chỉ biết rằng mình ngưỡng mộ chị với một thứ tình cảm đam mê lạ lùng. Hình bóng chị đi cả vào những giấc ngủ mơ. Tôi gọi tên chị trong một âm thanh trìu mến.

Không biết sao tôi lại mến chị đến thế và không thể nào phân tích được chính tâm hồn mình nhưng tôi cũng chẳng tìm hiểu làm gì vì nghĩ rằng tình cảm không có lời giải thích. Tôi nuôi giấc mộng được làm quen với chị và nói cho chị biết tất cả tình thương yêu của tôi. Hoài bão đó lớn dần theo năm tháng, cho đến một hôm, mơ ước đã thành hình. Đó là lúc tôi được quen với chị, trong một dịp hết sức tình cờ. Một hôm, trên đường từ trường về nhà, tôi bị ngã xe, vừa đúng lúc qua cầu Trường Tiền. Tôi thấy đau buốt dưới chân, không sao đứng dậy được. Người đi đường xúm lại chung quanh, tôi bối rối đỏ bừng mặt. May sao, giữa lúc ấy có một bàn tay nào nhẹ nâng mình dậy. Tôi nhìn lại và ngạc nhiên, vui mừng xiết bao khi nhận ra đó là người mà mình vẫn thường yêu mến. Chị nhìn tôi, dịu dàng hỏi:

- Em có đau lắm không? Chị chở đi nhà thương nhé?

Tôi thu hết can đảm, gật đầu. Vết thương thoạt đầu tưởng không sao mà bây giờ chảy đầy máu. Chị nhấc bổng tôi lên xe. Tôi mê mẩn cả tâm thần, hình bóng chị tuy gần gũi mà như thấp thoáng, chập chờn đâu đây, tôi chỉ cảm thấy một cái gì rất đỗi nhịp nhàng, thanh thoát.

Tôi quen chị từ đó. Rồi chúng tôi thân nhau một cách dễ dàng. Những buổi tối mùa đông đến chơi với chị trong gian hàng thêu, ngồi bên chị trước bếp lửa đỏ hồng sưởi ấm và ăn hạt dẻ rang nóng hổi, tôi quên cả cái giá rét căm căm ngoài trời. Chị vừa thêu vừa kể chuyện cho tôi nghe. Tôi rất thích nghe chuyện về chị. Chị tâm sự với tôi như một người bạn rất thân, nói về quãng đời học sinh của mình với một thoáng xót xa tiếc nhớ:

- Khi còn đi học, nhiều lúc chị chỉ mong sao kiếm được tiền giúp đỡ gia đình. Nhưng đến lúc đi làm rồi, muốn trở lại thời đi học như xưa cũng không sao làm được. Đôi lúc, có dịp qua trường cũ, chị mới chợt nhớ ra mình đã đánh mất tuổi thơ từ bao giờ...

- Chị vừa học, vừa làm cũng được vậy. Trong trường có nhiều đứa mến chị lắm, nhất là nghe chị hát vào những buổi tất niên...

Chị lắc đầu:

- Ra đời khó lắm, Đan ạ. Đi làm công lấy tiền của người ta đâu phải chuyện dễ. Mình phải giữ ý từng ly, từng tí mà vẫn bị bắt ne bắt nét như thường...

- Người ta ác quá, hả chị?

- Chị không trách người ta. Ai cũng thế. Thuê người làm đều muốn cho xứng đáng với đồng tiền mình bỏ ra. Có một điều là, ngày xưa khi còn đi học, không bao giờ chị nghĩ sẽ có một ngày nào đó mình phải như thế này. Cuộc đời thật không biết đâu mà nói trước.

Tôi im lặng, nghe âm thanh đều đều, trầm trầm thoảng qua. Tiếng chị chợt nhỏ hẳn đi:

- Có những ước mơ, theo chị nghĩ, thật giản dị mà không sao đạt được. Bao giờ chị cũng thích được đi dạy học, ở một tỉnh nhỏ, đời sống thật êm đềm phẳng lặng, xuôi giòng. Được sống mãi trong thế giới trẻ thơ, những giọng cười, điệu hát hồn nhiên của tuổi nhỏ là niềm mơ ước lớn nhất đời chị. Đến bây giờ nhìn lại mới thấy giữa thực tế và ước vọng còn cách nhau xa quá.

Tôi hỏi chị một câu mà sau đó mới biết là mình vô ý:

- Sao chị phải bỏ học nửa chừng vậy?

Chị im lặng một lúc lâu, rồi khóc. Tôi nhớ lại một hôm đến chơi nhà chị, lúc hỏi về ba mẹ, chị không nói gì cả, chỉ khẽ ngước mắt nhìn lên bàn thờ rồi cũng khóc như hôm nay. Tôi bối rối xiết chặt bàn tay nhỏ nhắn của chị:

- Em xin lỗi đã làm chị buồn.

Chợt có tiếng người lanh lảnh vọng xuống:

- Xong chưa hả Thúy?

- Dạ, sắp xong rồi ạ.

- Nhanh tay lên, người ta đến lãnh hàng bây giờ đấy.

Bà chủ hàng ra xem lại những chiếc áo thêu. Và bà nhận thấy những bông hoa cúc vàng, những chiếc lá xanh pha màu không được vừa mắt nên bắt chị tháo ra, thêu lại tất cả. Hôm ấy, mãi đến tận khuya chị mới được về.

Những buổi sáng đi, chiều về kéo dài, mòn mỏi suốt đời chị. Về sau, tôi được biết, chị mồ côi khi còn đi học, và phải bỏ dở, đi làm nuôi một đàn em. Ngoài công việc ở một sở tư, có những sáng sớm mùa đông, trời rét căm căm, chị đã phải đi nhận hàng về thêu, đan từng chiếc áo. Rét cắt da mà chị vẫn phong phanh một chiếc áo dài lụa mỏng. Chị làm việc và nhường tất cả cho đàn em bé. Lần đầu tiên tôi mới hiểu thấm thía thế nào là xót xa. Không một đôi mắt nào có bề sâu thăm thẳm nội tâm như chị Thúy. Và cũng không có nét mặt nào làm tôi cảm xúc và thương mến bằng của chị. Tôi yêu cái nét đẹp dịu hiền, tâm hồn mềm mỏng và cuộc đời khắc khoải đó.

Nghe chị hát những bản nhạc xưa bằng một giọng trầm buồn, tôi có cảm tưởng như đang đứng trước một dĩ vãng cổ kính dệt bằng những hình ảnh rung động của quê hương, một cái gì rất gần gũi thiết tha gắn liền với đất nước. Tiếng hát của chị đưa hồn tôi tìm về những thảm trà nương dâu, những ruộng đồng bát ngát tắm ánh trăng vàng mờ ảo. Tôi tìm thấy trong âm thanh nức nở của bài ca những lời tình tự thở than của quê hương miền Trung khô cằn sỏi đá, nỗi sầu lắng đọng của núi Ngự, sông Hương... Dư âm những tiếng hát:

"Ôi quạnh hiu, ôi quạnh hiu
Lều tre tan nát,
Luyến tình quê, luyến tình quê
Hẹn sẽ trở về..."
 
Vẫn vang vọng trong hồn tôi một nỗi buồn xa vời vợi. Tôi yêu những nét đan thanh, đẹp buồn, hoài cổ những gì mong manh rất chóng tàn phai như dĩ vãng vàng son của đất nước, nỗi sầu cô tịch, trầm lặng u hoài, man mác, xa xôi... mà lời ca đã dìu tôi đi vào những nỗi buồn lang thang, du mục đó. Tôi thích đến say mê những cử chỉ e ấp, dịu dàng, từng nụ cười, ánh mắt, nét nhìn của chị đều biểu hiệu cho một cái gì rất "Huế", rất "Á Đông" thật duyên dáng dễ thương mà rất đỗi nhẹ nhàng tế nhị.

Chiều nào tan học sớm tôi cũng đến chơi với chị. Tâm hồn chị có những nét rất đặc biệt mà tôi chưa nhận thấy ở một ai khác. Cửa sổ nhà chị là cả một khung trời thu hẹp: Sáng sớm mây xanh lụa là trên cao, buổi chiều hoa lá giăng giăng mây tím, những thảm cỏ non óng mướt như nhung tơ, những tòa nhà trắng thấp thoáng trong sương mờ, rặng liễu đìu hiu ru buồn trong gió mà ở đó tôi đã từng nhìn những mùa thu đi qua. Thời gian thấm thoát thoi đưa, đầm sen trắng mùa hạ đã dần dần rũ lá, cúc vàng thôi hết đơm hoa, đông về mây xám ủ rũ giăng trên nền trời u ám, bếp lửa hồng đỏ rừng rực vẫn không đủ xóa tan giá rét căm căm bên ngoài. Đông tàn, rặng anh đào ngoài bờ giậu lại bắt đầu hé nụ, mây trắng nõn nà trải nhẹ nhàng trên bầu trời trong xanh như ngọc bích, én tản mác bay trên từng cánh rừng thông xanh mướt trong nắng hồng rực rỡ của một sáng đầu xuân. Tôi yêu Huế tha thiết, với một lý do mà tôi không muốn chấp nhận tí nào. Tôi muốn mình phải yêu Huế qua nét đẹp cổ kính u trầm và bốn mùa xuân, hạ, thu đông âm hưởng một phần nào thời tiết lụa là của nhung tơ xứ Bắc. Tôi muốn mình phải yêu Huế vì Huế cho tôi tìm lại quê hương đã mất, lá dừa mềm mại nghiêng bóng trên giòng sông Hương gợi cho tôi hình ảnh nên thơ của rặng tơ liễu rũ xuống hồ Hoàn Kiếm, thôn Vỹ Dạ đìu hiu ủ khói lam chiều nhắc nhở tôi một xóm Nghi Tàm rực nắng ngàn hoa. Nhưng tất cả chỉ vì Huế là quê hương chị. Bằng những kỷ niệm đã có về chị, non nước Ngự Bình sống trong tôi như một phần đời. Chị thường dắt tôi lang thang dưới bóng hoàng hôn nhạt nhòa của một ngày thu vàng xứ Huế, qua những cánh đồng tắt nắng bờ đê, tiết trời thu cố đô thật óng ả như mưa rây bụi phấn, như sương mù giăng giăng, giòng Hương giang lấp lánh tựa tấm lụa đào và giọng ca của chị thật trầm buồn xa xôi như tiếng thông rì rào trên núi Ngự:

Biệt ly, nhớ nhung từ đây,
Chiếc lá rơi theo heo may,
Người về có hay...

Chị còn đưa bước chân tôi vào vũ trụ thần tiên kỳ ảo của những điệu buồn cổ tích xa xăm. Thế giới cổ xưa huyền bí của chị không cao sang với những nàng Công Chúa kiêu sa, ngọc kết trâm cài, không quyền quý như những chàng Hoàng Tử hiên ngang phi ngựa trắng băng qua lâu đài tráng lệ, mà trái lại, rất tầm thường. Đó là tất cả tình tiết có thể bắt gặp trong đời sống hằng ngày. Quê hương của những kẻ bị lưu đày khổ ải. Trong vùng thần thánh đó, tôi thích nhất truyện Con Chim Tu Hú. Tôi thương hại con bé trong truyện quá. Thường thường tôi không bằng lòng ở cách sắp xếp cho số phận những nhân vật: "Sao lại thế này... mà không thế khác..." nên hay có những thắc mắc thật trẻ con:

- Sao con bé nó hiền và ngoan như thế lại phải mồ côi, khổ sở, rồi còn bị biến thành chim tu hú, còn lão phù thủy ác mà không bị làm sao hết, hả chị?

- Chị cũng chả hiểu tại sao nữa. Đan hỏi khó trả lời quá.

- Vậy nên hiền hay nên ác hả chị?

- ...!?

- Hả chị?

- Nên hiền chứ. Đan hỏi lạ quá.

- Hiền để phải khổ như con chim tu hú hả chị?

Chị ngập ngừng:

- À... chắc nó chỉ bị khổ một thời gian thôi, rồi sau đó, thấy nó có lòng tốt, ngoan ngoãn, Chúa lại cho lên Thiên Đàng.

- Thiên Đàng ở đâu cơ chị?

- Ở mãi tận trên trời ấy, xa lắm.

- Nhỡ không có Thiên Đàng thì sao chị?

Mắt chị chợt buồn xa xăm:

- Có chứ, chị tin là có Thiên Đàng, có Chúa. Chúa thương những người nghèo khổ.

- Thế Chúa có thương con bé "tu hú" không chị?

- Có chứ.

- Sao Chúa không phù hộ nó?

- ...!

- Thế Chúa có ghét lão phù thủy không chị?

- Có chứ.

- Sao Chúa không phạt?

- ...!

- Em hỏi sao chị không nói? Chị nhìn đi đâu vậy? Chị nghỉ em ra há. Thôi em không chơi với chị nữa đâu, em về nhà bày hàng với con "cúp bế".

Chị cười, ôm tôi vào lòng:

- Thôi, cho chị xin, đừng dỗi nữa. Tại Đan hỏi lôi thôi quá chị mới không trả lời được chứ. À này, có quả đào chín cây mọng quá, chị hái cho Đan nhé.

Đến ăn là nhất. Tôi cắn một miếng mà nghe vị ngọt của trái đào thấm dần vào tận lưỡi. Chị chiều chuộng, thương tôi như em. Ngoài buổi làm việc và sống với đàn em, còn bao nhiêu thời giờ chị dành cho tôi hết. Chị bảo tôi biết yêu những cảnh ấp ủ tâm tình quê hương: những sáng nắng hồng tươi trên nền trời thúy ngọc, những chiều vàng hiu hắt trải trên núi đồi, thôn xóm xa xa, những đợt khói thổi cơm chiều bốc lên từ mãi tận cuối thôn rồi tản mác vào những lũy tre cao xanh ngắt... Chị còn nhắn nhủ tôi thế nào là niềm nhân ái, lòng thương yêu, nào là thiên đàng ấu thơ, thời gian, kỷ niệm... Chị bảo tôi: tập viết nhật ký cho quen, tập diễn tả những sự việc chung quanh bằng những đoản văn, những bài thơ ngắn. Chị vẫn nói:

- Đan nên viết thường xuyên cho quen. Tập nhận xét rồi diễn tả cho đúng, sau này lớn lên chị tin rằng Đan sẽ có một lối nhìn đời thật sâu sắc.

Tôi bắt gặp tâm hồn cô đơn, thao thức của chị qua những bài thơ chị hay đọc cho tôi chép. Đối với tôi, chị Thúy là tuyệt vời của đời sống. Tôi thích chị bởi tâm hồn mong manh tế nhị, cuộc sống đơn sơ giản dị với hai tà áo lụa trắng, tím, qua hai mùa nắng, mưa. Huế nghèo nàn, Huế trang đài, Huế khuê các. Tất cả yếu tố mâu thuẫn đó hòa hợp trở thành một Huế của tôi. Tôi thầm tiếc sao mình không là em chị thật. Mặc dù không ruột thịt nhưng không hiểu sao tôi vẫn thương chị bằng tình cảm rất tự nhiên, lúc nào chúng tôi cũng quấn quít bên nhau như hình với bóng.

*

Tôi lớn lên theo từng hơi thở của mảnh đất quê nghèo. Đời sống qua đi trong những sáng nắng hồng chói chang, buổi chiều cô tịch trong tiếng mõ rã rời từ lũng xa vọng lại. Tôi vẫn sống đầm ấm trong vòng tay âu yếm của chị, điệu ru buồn vời vợi của nhịp gió trùng dương. Đến một hôm tôi đành bỏ lại đằng sau mình thế giới tuổi thơ, chị ở riêng và phải theo chồng đi một nơi khác. Hôm ấy, chị đến gặp tôi, mắt đỏ hoe:

- Chị nói Đan đừng buồn nhé, chị xa Đan rồi. Mai chị phải theo anh Duy vào Nha Trang...

Tôi giật mình, thờ thẫn, đứng lặng một lúc lâu. Mãi tôi mới nói được:

- Chị đi thật hả? Bao giờ chị về?

- Chị đi lần này chưa biết chừng nào mới trở lại. Xa Huế buồn quá, nhớ nhất là Đan.

Tôi biết trước cảnh chia ly không thể tránh, nước mắt không níu được chân người mình mến thương nhưng tôi vẫn khóc. Nước mắt dàn dụa, cảnh vật mờ dần...

- Đan đừng khóc chứ, ở lại, cố học cho giỏi, chị sẽ viết thư cho Đan luôn.

Chị cho tôi chiếc áo len hồng, thêu hoa trắng. Tôi ôm xiết chị. Ngoài kia, mưa giăng trắng xóa. Chiều xuống, thật buồn.

Vắng chị rồi, tôi mới thấy mình đơn độc làm sao, không còn ai để tâm sự những chuyện ngộ nghĩnh, vui buồn ở lớp. Không ai thương và hiểu tôi bằng chị. Những gì sâu thẳm nhất trong hồn, tôi chưa từng nói với một ai khác, ngoài chị ra. Nhớ buổi tan học về sớm cùng chị thơ thẩn trên đê dài ngoằn ngoèo đi vào lòng thôn xóm để thấy những mái tranh xơ xác quyện khói cơm chiều, nắng vàng chếch bóng xiên khoai trên đồi trà xa tít, những đêm khuya thanh vắng, từng ánh lửa mờ nhạt thấp thoáng trong khoang thuyền trên giòng nước quạnh hiu... Bản tình ca trầm buồn "Ôi quê xưa mờ trong nắng vàng, chìm trong tiếng đàn..." hôm nào chỉ còn là dư âm xa xưa, cả những huyền thoại cổ tích ru hồn tôi vào giấc mơ thần thánh. Tôi không còn được co ro trong chiếc áo ấm khi trời chớm thu lành lạnh, tiết lạnh dịu dàng rất nhớ nhung của một mùa thu khô ráo có gió may và nắng hanh hong vàng mái tóc, đi qua những cánh đồng khô cỏ cháy nhìn từng dãy làng mạc tiêu điều sau cơn chiến chinh để nghe chị nói rằng chỉ lúc đó mới hiểu rõ thế nào là quê hương đau khổ. Hết cả những chiều mưa đan sắc trắng, những sáng nắng lụa dịu dàng và màu tím thu vàng thôi hết nhớ nhung. Thiên đàng tuổi thơ từ đây đành xa cách mãi.

Tháng ngày qua đi, tôi nghĩ rằng thời gian sẽ làm mờ phai tất cả, hình ảnh chị cũng bị đám mây mù của thực tại bao phủ nhưng lúc nào cũng nhắc nhở như một hiện hữu thường xuyên. Sống trong những cơn mê của hiện tại, tôi càng nhớ chị tha thiết, thật thiết tha và tự hỏi không biết bây giờ chị ra sao, nhất là khi những cánh thư ngày một vơi dần, vơi dần rồi hết hẳn. Tôi mong gặp chị khôn cùng. Mỗi khi bất chợt có gì gợi nhớ đến chị thì ước mơ đó như lửa gặp gió, ngút ngàn dâng cao. Tôi ôm ấp hình bóng chị suốt tám năm qua, càng níu càng xa như một cái gì ngoài tầm tay chẳng bao giờ vói thấu.

Nhưng đến một ngày kia tôi đành phải tan vỡ hết mơ ước tuổi thơ. Đó là lúc tình cờ tôi gặp lại chị trong một dịp về Sài Gòn. Khung cảnh trước mắt làm tôi bàng hoàng ngơ ngác: Một cảnh tượng thật tầm thường hiện ra. Tôi nhìn thấy chị, không phải, chỉ là một thiếu phụ xa lạ, hững hờ với dáng điệu khêu gợi đài các và tà áo kim tuyến mỏng óng ánh múa nhẹ nhàng theo từng mỗi bước đi. "Không, không phải chị, chắc mình trông nhầm", tôi nhủ thầm như vậy. Nét mặt chị phải dịu hiền, buồn man mác, nhất là áo chị mặc phải màu tím Huế, một màu tím thật nhớ nhung và dịu buồn xa vắng. Người đàn bà này đâu phải chị Thúy của tôi dạo nào. Tôi không thể nào tin được đó là chị nhưng sự thực đã quá rõ ràng. Tám năm mong đợi để thấy tất cả mọi sự đổi thay trong một tích tắc: Thời gian chỉ còn là một giấc mơ. Tôi nghe hồn mình vỡ tan trong nỗi chán chường, tê tái ; cảm giác choáng váng như tháp ngà ngày thơ của mình bị ai xóa vùi. Trong giây phút đó, tôi mong ước làm sao đừng thấy chị như thế để được giữ nguyên vẹn hình ảnh trong sáng đã có về chị trong ký ức tuổi thơ. Nhưng đã thấy rồi, làm sao xóa nhòa được. Tôi quay đầu chạy trốn sự thực để tìm lại một ảo ảnh. Ngày xưa đó là ảnh thực nhưng hôm nay đã trở thành ảnh ảo.Tôi cúi đầu bước nhanh trong đám bụi mù của đoàn công voa vừa lướt qua... Đường phố Saigon cát bụi tung bay mù mịt...

*

Tôi trở về cố đô, hoài niệm một chiều xa xăm nào cũng nơi này chị dắt tôi đi dưới rặng thông đìu hiu rũ bóng ; ngày ấy cách đây mới tám năm mà tưởng chừng như đã xa lắm rồi. Nước sông Hương vẫn trong xanh, lờ lững. Thuyền xưa vẫn lặng lờ trên bến cũ, như ủ rũ, âu sầu khi vắng bóng những người quen thuộc thân yêu. Huế vẫn có vẻ trầm mặc thâm u của một thành phố lúc nào cũng cúi mặt mỉm cười trước những tang thương dâu biển. Trên cầu Tràng Tiền, một cô gái Huế nghiêng nghiêng vành nón bài thơ, tà áo tím mềm mại thấp thoáng bay trong nắng lụa đào. Tôi dõi mắt nhìn theo cho đến khi mất hút và tưởng chừng như đó là chị ngày nào. Tôi yêu hình ảnh đó, thật thiết tha như yêu tất cả những gì đượm màu sắc quê hương cổ kính còn rơi rớt lại trên đất nước này. Tôi không muốn nghĩ về cảnh xót xa đã qua, chỉ biết một điều duy nhất là dù sao đi nữa mình vẫn thương chị như một "linh hồn xứ Huế". Và trong giây phút đó, tôi chợt thấy tất cả những cái mong manh hư ảo của cuộc đời: những gì đang có và những gì đang mất. Nếu hiểu sống là một biến chuyển không ngừng thì những hiện hữu hôm nay cũng như ở ngày mai không có gì khiến tôi phải bận tâm lắm. Bình minh nào mà chẳng đưa đến hoàng hôn?

Chiều nay bỗng nhiên tôi cảm thấy cô đơn lạ lùng giữa cảnh bến nước đìu hiu vào một ngày tàn thu xứ Huế. Mỗi lần nhớ về chị, không biết sao hình ảnh đầu tiên đến với tôi vẫn là giọng hát trầm buồn như một phiến sầu hoài cổ từ thuở nào rất đỗi xa xưa, tà áo dài thướt tha bay trong mùa thu quê hương có nắng hanh vàng óng ả – Hình bóng thân yêu ấy tôi sẽ giữ mãi trong tim để suốt đời tôn thờ hoài niệm, vì đối với tôi, đó là linh hồn cái đẹp muôn thuở của xứ Huế dịu buồn.


ĐAN THANH THÚY     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 120, ra ngày 15-12-1969)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>