Thư của em Đ.T.G.H Đalat:
Mỗi tuần, má cho em 300đ. Nhưng má khuyên nên dùng để mua sách truyện mà đọc chứ không nên ăn quà hay đi tiệm kem nhảm nhí. Em thấy má khuyên đọc sách thì cũng hay, nhưng có lẽ cái quan niệm sách là nhất của má không hợp thời nữa. Vì thời xưa của má không có ciné, truyền hình v.v... cho nên mới mất thì giờ xem sách, chứ ngày nay người ta đã đem nhiều truyện làm thành phim coi vừa nhanh chóng, nhìn thích mắt, mầu sắc rõ ràng, lại có cả người thật, tiện hơn nhiều lắm. Vậy thay vì đọc sách, xem ciné hoặc tivi có phải là thích thú hơn không?
Trả lời: Những tiện nghi của nền văn minh, đã mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích và thoải mái, kể ra không xiết. Sự tính toán và phát minh của các khoa học gia đã đạt tới những mức không thể ngờ được, thí dụ như lên mặt trăng, với sự tính toán chính xác đến nỗi hạ xuống nhẹ nhàng êm ả, như nhảy từ trên bàn xuống, thật là đáng kinh sợ. Còn nhiều điều nhỏ bé hơn như người máy v.v... thì cũng đã thấy đáng thán phục rồi. Nhưng mà, có điều chắc chắn, sự tính toán chính xác của máy móc không thể thay thế sự suy nghĩ về tâm tình của con người. Khi mà người máy làm thơ thì chỉ có thể sản xuất ra một bài thơ có vần có điệu, theo đúng niêm luật, nhưng không có nghĩa gì, người đọc không thấy lòng rung động. Cho nên, trong sự thán phục máy móc, ta đừng đi quá xa tới nỗi tin rằng văn minh khoa học có sức mạnh vạn năng, thay thế được hết thẩy. Đọc sách khác, coi ciné khác. Đôi khi phim ảnh lột tả được đủ tinh thần của cuốn sách và làm hơn nữa, thí dụ những phim chiến tranh, khi đọc sách ta không xúc động bằng nhìn lên màn ảnh thấy bom đạn, người chết, máu chảy v.v... Nhưng phần lớn là phim ảnh không thể hiện nổi những cảm nghĩ suy tư của tác giả gửi gấm trong sách. Bởi vì nhiều khi, nhà đạo diễn phải tùy theo nhu cầu của phim ảnh mà thêm thắt hay lược bỏ bớt, hoặc diễn viên không đủ sức diễn xuất nổi những vai trò quá éo le tế nhị. Đối với những diễn viên thượng thặng thì điều đó có thể vượt qua, nhưng trong thực tế, ít có cuốn phim nào thuộc loại tư tưởng mà lại có thể hay bằng chính tác phẩm. Ngoài ra, khi xem ciné chúng ta rất thụ động, cũng như được ngồi trước một mâm cỗ, hết món này tới món khác, gia chủ bầy ra, chúng ta ăn, họ dọn bát đĩa, bày món khác, chúng ta ăn, liên tiếp. Chúng ta không được ngưng nghỉ để mà suy nghĩ, lắng đọng. Sự việc xẩy ra liên miên không ngừng làm cho đầu óc mình không kịp có phản ứng, dễ bị lôi cuốn. Trái lại, đọc một cuốn sách, ta có thể ngắt ngang, có ý kiến riêng, ngừng lại để suy nghĩ. Với một cuốn sách, sự hay dở tùy theo ở trình độ thưởng ngoạn của độc giả mà tăng thêm nhiều lắm. Với một độc giả giầu tưởng tượng, tâm hồn phong phú, thì chỉ cần đọc lên một chi tiết nhỏ, họ đã có thể tưởng tượng ra cả một hoạt cảnh, nói tới mảnh vườn tươi mát của một gia đình hạnh phúc, họ đã tưởng ra biết bao nụ cười trìu mến. Và mỗi người được cảm thông với tác giả tùy theo trình độ của mình, chứ không phải qua sự giới thiệu, sự thông ngôn của ông đạo diễn.
Cho nên không bao giờ phim ảnh có thể thay thế sách vở, khi mà con người còn có bộ óc muốn có những cảm nghĩ riêng tư. Nói thế, không phải chê bai phim ảnh, nhưng phim ảnh chỉ có thể thay thế sách báo ở một vài phương diện, nhất là sự trình bày những cảnh tượng vĩ đại, những phim hoạt động, giải trí, võ thuật, và phim ảnh giúp chúng ta được trông thấy nhiều phong cảnh đẹp, được du ngoạn v.v... rất ích lợi. Nhưng về phương diện suy tư thì một cuốn phim không đem lại cho chúng ta nhiều bằng chính cuốn truyện đó.
Chị rất tán thành sự các em xem những phim lành mạnh. Nhưng chỉ nên coi như giải trí. Còn nếu gặp những phim có tư tưởng sâu sắc, thì các em nên tìm đọc thêm chính tác phẩm đó sẽ lãnh hội thêm được nhiều lắm.
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 72, ra ngày 7-1-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.