Gã Diều Hâu bước chậm rãi trên con đường dẫn qua khu rừng rậm, bên cánh cắp một chiếc đàn ghi-ta lớn. Đó là thứ nhạc cụ vừa tay nhất của gã, với nó, gã có thể chơi nhạc rất hay và khéo léo.
Diều Hâu là một nhạc sĩ nổi tiếng. Hôm nay gã đi dự một buổi hòa nhạc Chim trên mây. Khu rừng rậm quá, những tàn cây um tùm che kín cả bầu trời. Gã đi lần theo con đường mòn qua rừng cố tìm đến một nơi trống trải, từ đó, với đôi cánh rộng của gã, gã có thể bay bổng trên bầu trời cao đến Đất Mây, nơi tụ họp của những nhạc sĩ có cánh. Diều Hâu đi từ tờ mờ sáng, bây giờ thì gã đến đây ; trời hãy còn sớm lắm, khoảng rừng xanh vào buổi sáng tươi đẹp làm sao. Gã cắp đàn lững thững bước...
Con đường ngoằn ngoèo uốn quanh một cội đại thụ lớn. Nơi một hốc rộng dưới gốc cây gã Rùa Đực đang ngồi bắt chéo chân trên một chiếc ghế mây cũ xiêu vẹo, miệng phì phèo một chiếc ống điếu to. Bên cạnh gã, trên chiếc bàn gỗ nhỏ, một chén trà còn nóng đang bốc hơi nghi ngút.
Rùa Đực nhỏm dậy khi thấy bóng gã Diều Hâu hiện lên trên cửa hang. Gã vội lấy chiếc ống điếu trên miệng xuống và kêu to:
- Chào bác Diều, bác đi đâu với chiếc đàn xinh đẹp của bác thế?
Diều Hâu dừng lại. Gã đứng tần ngần một lúc trước cửa hang rồi đáp:
- Tôi đi dự buổi đại hợp tấu trên Đất Mây. Hôm nay loài chim chúng tôi tổ chức một buổi hòa nhạc trên đó. Tất cả các nhạc sĩ Chim đều có mặt ở đó và sẽ cùng nhau hợp tấu một đại tấu khúc vĩ đại.
- A, tôi cũng định đến đó đây.
Rùa Đực kêu lên. Gã chỉ lên chiếc mai nhẵn bóng như chiếc mu bát kiểu trên lưng gã và nói:
- Tôi muốn thử lại chiếc trống này của tôi, nó đã mất một vài âm điệu từ khi tôi mập thêm lên và có lẽ tôi sẽ tìm lại được chúng qua sự điều động lớp mỡ béo.
Diều Hâu ngạc nhiên hỏi:
- Nhưng... nhưng làm thế nào bác có thể lên đến Đất Mây được? Nó ở xa tít mãi trên khoảng trời xanh và bác nên nhớ là bác không có cánh kia mà.
Rùa Đực giả vờ sửng sốt kêu lên:
- Thế ra bác vẫn chưa biết à? Tuy không có cánh nhưng tôi biết bay chứ. Không những có thể bay bổng trên nền trời xanh, tôi còn có thể bay lượn chẳng kém gì loài chim các bác.
Rồi trước vẻ mặt kinh ngạc của Diều Hâu, Rùa Đực vội giải thích:
- Thực ra thì loài rùa như tôi không làm thế nào để bay được, nhưng phúc đức cho nhà tôi có được một món thuốc gia truyền của ông cha để lại, chỉ cần uống vào một giọt là có thể bay bổng trên bầu trời được. Nhưng chỉ tội là hơi chậm một chút thôi.
Thế rồi không để Diều Hâu có thể hỏi tiếp những câu hỏi khác, Rùa Đực đã ân cần mời gã vào thăm nhà mình. Gã bảo:
- Bác hãy bước vào đây, bác Diều, để nhà tôi ra chào hỏi bác một tí nào. Nó đang bận ấp nốt mớ trứng sắp nở và có lẽ bây giờ đã xong rồi. Nó có đầy một phòng con như bác sẽ thấy, bác cứ tự tiện bước vào, bác Diều.
Diều Hâu từ chối ngay, gã viện cớ là phải đi gấp vì sắp đến giờ rồi. Nhưng Rùa Đực cứ nài nỉ mãi. Gã nói:
- Nhà tôi nghe danh bác từ lâu, được biết bác đến đây mà nó không được ra chào hỏi có lẽ nó sẽ hận lắm. Vả lại, bác chỉ ở lại đây một chốc thôi. Nào, bác hãy để chiếc đàn của bác xuống và bước vào trong đây. Nhà tôi chật hẹp và con tôi phá phách lắm, chiếc đàn xinh đẹp này mà bị sứt mẻ đi thì uổng lắm.
Trước sự ân cần của Rùa Đực, Diều Hâu đành phải miễn cưỡng ưng thuận. Gã đặt cây đàn xuống cửa hang và bước vào trong.
Trong khi Rùa Đực dừng lại ở ngưỡng cửa, gã đưa mắt nhìn theo bóng dáng to lớn của Diều Hâu khuất dần vào hang, trên môi sẽ nở một nụ cười đắc chí.
Rùa Cái ra đón Diều Hâu khi gã vừa bước qua bực cửa. Bà chào gã và gọi các con ra. Nghe tin, các rùa con ở khắp ngõ ngách của hang ùn ùn kéo ra chật phòng để chào đón ông khách nhạc sĩ tài danh.
Khi ấy, ngoài cửa hang có tiếng Rùa Đực vọng vào:
- Bác cứ tự nhiên nhé bác Diều, đừng e ngại gì cả, bác cứ xem như ở nhà bác vậy. Bây giờ tôi phải đến Đất Mây đây. Tôi bay chậm hơn bác, vì thế phải đi sớm để đến đó cho kịp giờ.
Nói xong, gã Rùa quỷ quyệt bước đến gần chiếc đàn của Diều Hâu. Gã thu nhỏ người lại, chui vào hộc đàn và nằm im trong đó.
Diều Hâu nghe tiếng của Rùa Đực nói, gã muốn kiếu từ để ra ngay. Nhưng Rùa Cái không nghe thấy, bà ta ân cần mời gã ngồi ghế và vội vã đi rót nước đãi khách. Bất đắc dĩ, Diều Hâu phải ngồi xuống ghế. Rùa Cái kéo ghế ngồi đối diện với gã và lăng xăng hỏi chuyện gã. Những câu hỏi thật vớ vẩn (Diều Hâu nghĩ thế) làm gã bực mình, chẳng hạn như:
- Bác học thày nào mà đánh đàn giỏi thế?
Hoặc:
- Bác bắt đầu chơi nhạc tự lúc nào?
Và:
- Có bao giờ bác sáng tác nhạc chưa? v.v...
Diều Hâu trả lời qua loa và định tìm dịp để cáo từ, nhưng Rùa Cái cứ hỏi mãi, hết câu này đến câu khác và lăng xăng mời gã uống nước. Diều Hâu miễn cưỡng phải nâng ly nước lên uống. Tách nước trà nóng hổi làm gã đổ mồ hôi ròng ròng và mệt nhoài vì những chú Rùa con tinh nghịch bám đầy trên mình và lưng gã.
Nhưng rồi cuộc nói chuyện cũng chấm dứt. Diều Hâu đứng dậy, chào Rùa Cái và đi thẳng ra cửa. Rùa Cái tiễn Diều Hâu ra tận ngoài hang. Bà nói:
- Lần sau có dịp đi ngang đây, bác nhớ ghé vào thăm nhà tôi nhé.
Diều Hâu gật đầu lấy lệ, gã nói vài câu từ giã qua loa rồi cắp chiếc đàn vào cánh và vội vã rảo bước. Diều Hâu cảm thấy bên cánh cắp đàn nặng chĩu, nhưng vì quá vội vã, gã cũng không để ý cho lắm mà cho rằng đó là do sự mệt mỏi mà nên.
Đi một đỗi, Diều Hâu đã vượt ra khỏi cánh rừng rậm. Nhìn lên trên, gã đã thấy bầu trời xanh bao la. Diều Hâu cắp chặt chiếc đàn, xòe rộng đôi cánh và bay bổng lên nền trời trong xanh. Diều Hâu cố bay thật nhanh để tranh thủ với thời gian. Gã nhủ rằng:
- Mình phải bay nhanh mới được, khéo không trễ mất.
Trong khoảng khắc, Diều Hâu chợt nhớ đến một điều. Gã nói thầm một mình:
- Không hiểu giờ này Rùa Đực đã đến Đất Mây chưa?
Diều Hâu ngẫm nghĩ một lát rồi lẩm bẩm:
- Mình không biết hắn nói đùa hay nói thực nữa. Mình không tin là hắn đã nói thực nhưng cũng không chắc hẳn là hắn nói láo.
Gã Diều Hâu thật thực thà và khờ khạo. Gã không ngờ rằng, ngay bên cạnh, dưới cánh gã, Rùa Đực nằm yên lặng trong hộc đàn đang mỉm cười đắc chí và cười thầm cho sự ngu dốt của gã.
Vượt qua không biết bao nhiêu rừng cây, đồi núi chập chùng và đại dương xanh biếc ; có những lúc bay bổng hòa mình trong những đám mây bềnh bồng, có những lúc sát cánh dưới mặt nước xanh thẳm mênh mông, Diều Hâu mới đặt chân đến Đất Mây. Đó là một cụm mây trắng phau lững lờ giữa bầu trời xanh thẳm bao la, khoảng mây to lớn có thể chứa đựng được hàng muôn vạn chim muông các loại.
Khung cảnh bầu trời nên thơ làm sao! Diều Hâu hạ cánh xuống khóm mây lớn nhứt, nơi cuộc hòa nhạc được tổ chức. May mắn, buổi hòa tấu chưa bắt đầu, nhưng những nhạc sĩ chim đều đã tụ họp đông đảo và đang thử lại nhạc cụ của chúng.
Diều Hâu được hai nhạc trưởng trong ban tổ chức ra đón và đưa vào trong. Sau một hồi bay không nghỉ, Diều Hâu cảm thấy mệt mỏi, gã dựng chiếc đàn xuống một cội mây và leo lên đỉnh mây đứng lặng nhìn quanh.
Bấy giờ Rùa Đực mới nhỏm dậy. Thừa dịp Diều Hâu lơ đãng ngó sang nơi khác, gã chui ra ngoài và lẩn ngay vào đám mây bịt bùng. Rồi sau khi len lỏi ra đến rìa cụm mây, gã Rùa quỷ quyệt mới lấy lại dáng điệu chững chạc. Gã bước đến trước mặt Diều Hâu và kêu to:
- A bác Diều, bác đến rồi đấy à! Thật tôi chậm chạp quá, đi trước mà vẫn đến sau bác.
Diều Hâu rất đỗi kinh ngạc khi thấy Rùa Đực, nhưng gã không kịp hỏi han gì vì cuộc hòa nhạc đã bắt đầu.
Một hồi kèn lanh lảnh trổi lên mở đầu khúc nhạc. Diều Hâu ngồi xuống một cụm mây. Gã bắt đầu gẩy đàn, trong khi các loài chim khác cũng bắt đầu chơi nhạc cụ của chúng: Những chú két mỏ đỏ Úc Châu với những chiếc khẩu cầm thon nhỏ xinh xắn, những chú họa mi trong tiếng tiêu ngân nga trầm bổng, quạ chơi vĩ cầm, cú kéo đại hồ cầm đệm nhạc, những chú chim gõ mỏ thì lãnh phần trống. Với chiếc mỏ cứng như sắt và đôi tay mềm dẻo điêu luyện, chúng đã làm cho khúc nhạc thêm phần sống động. Các chú chim nhỏ cũng phụ họa với tiếng hát trong trẻo, líu lo.
Tất cả các chim chóc có mặt đều góp phần vào khúc nhạc, tiếng nhạc phát xuất từ những ngón đàn cùng một âm điệu của các nhạc sĩ tài danh vang lên hòa lẫn trong tiếng hót ríu rít nghe vui tai làm sao! Âm thanh thật linh động, lúc thì lên cao vút như tiếng gió rít qua rặng thông ngàn ; lúc thì trầm dịu nhịp nhàng êm đềm như mặt nước hồ vào buổi cuối thu...
Các nhạc sĩ Chim đổ về mỗi lúc một đông: Những chú gà rừng Tích Lan với những chiếc kèn bi bóng loáng, vịt trời Triều Tiên với ngón đàn tỳ bà khả ái, đến cả những chú nhạn lông cánh sặc sỡ từ miền cực Bắc Nhật Bản xa xôi cũng lặn lội bay về mang theo tiếng đàn Samisen réo rắt.
Muôn chim khác ở khắp nơi nghe tiếng nhạc bay về rất đông, những chú chim nhỏ kéo về góp lời ca giọng hót. Cả những chú sơn ca với giọng ca thanh tao thiên phú, tiếng hót thánh thót êm tai cũng cất cao giọng hòa theo tiếng nhạc trầm bổng...
Phút chốc, cả một vòm trời đã vang dậy tiếng đàn ca rộn rã.
Buổi hòa nhạc thu được kết quả rất mỹ mãn, tất cả muôn chim đều vui mừng hể hả. Nhưng vui mừng nhất có lẽ là lão Cú Già, lão đã bỏ thì giờ nghiên cứu suốt một tháng để tổ chức buổi hòa nhạc này và đã mất hàng giờ suy nghĩ để đặt cho buổi hòa nhạc một cái tên rất thơ mộng là "Tiếng chim ngàn". Cú Già đã lo chu tất mọi việc và gởi thiệp mời đi từ tháng trước. Gần hai tháng mệt nhọc lo thu xếp công việc, nay, buổi hòa nhạc thành công quá sức tưởng tượng, thử hỏi lão không sung sướng sao được.
Cú Già đứng lên một chóp mây cao nhất và ngỏ lời chân thành cảm tạ các loài chim đã đến dự buổi hòa nhạc hôm nay. Sau hết, lão chúc các nhạc sĩ CHIM ra về bình yên và hẹn tái ngộ ở một buổi hòa nhạc khác.
Tất cả chim chóc đều vui mừng hể hả, duy chỉ Rùa Đực là trở nên lo lắng khi nghĩ đến việc trở về trái đất. Làm sao gã có thể chui vào hộc đàn của Diều Hâu trở lại?
Tuy nhiên, may mắn thay đến giờ về, hai lão Ó lại đến chuyện vãn với Diều Hâu. Chúng nói chuyện say mê đến nỗi không hay rằng Rùa Đực đã chui vào chiếc đàn ghi-ta dựng ngay sau lưng Diều Hâu và nằm yên trong đó tự bao giờ.
Rồi câu chuyện kết thúc, cả ba đồng chia tay để trở về. Diều Hầu cắp chiếc đàn vào cánh, đi bộ lững thững ra đến rìa mây rồi xòe rộng đôi cánh, bay bổng lên nền trời trong xanh. Cũng như lần đi, lần nầy, vì mải mê suy nghĩ về cuộc hòa nhạc vừa rồi, gã Diều Hâu khờ khạo không ngờ rằng Rùa Đực đang nằm lặng trong chiếc hộc đàn của chính gã.
Bấy giờ, Rùa Đực vẫn ngồi bó gối trong góc đàn chật hẹp. Gã yên lặng suy nghĩ về những việc vừa xảy ra giữa gã với Diều Hâu, và cười thầm cho sự ngu ngốc thái quá của gã Chim to xác ấy.
- Có lẽ giờ này hắn vẫn đinh ninh là mình biết bay.
Rùa Đực nghĩ thế, gã yên chí rằng sẽ trở về êm ấm nên mỉm cười khoái trá khi nghĩ là gã đã bịp được Diều Hâu một cách dễ dàng.
Nhưng, "thiên bất dung gian".
Diều Hâu bay được một đỗi thì chiếc đàn đã chĩu xuống một bên sườn của gã. Diều Hâu mới xốc lên và kẹp chặt lại vào cánh. Không may cho Rùa Đực, khi Diều Hâu xốc mạnh chiếc đàn lên, lớp bụi dày đặc ở thành đàn lại bay tung ra và thốc vào mũi gã. Rùa Đực nhột nhạt quá. Gã cố kìm hãm lại, nhưng:
- Át... sì... Át sì... sì...
Rùa Đực nhảy mũi luôn mấy cái làm rung chuyển thân đàn, trong khi Diều Hâu giật bắn mình sửng sốt, lắc mạnh thân đàn. Bất ngờ không bám chặt, Rùa Đực lọt ra khỏi thân đàn. Cả khối người của gã rơi thẳng xuống mặt đất xa tít. Việc xảy ra nhanh chóng quá khiến Diều Hâu không làm sao trở tay kịp.
Rùa Đực nhắm chặt mắt, gã tưởng phen này chắc phải vụn xương, nát thịt. Khi Rùa Đực rơi đến gần mặt đất, gã nhìn xuống thì thấy một khối đá to nằm lù lù ngay chỗ gã sắp rớt xuống. Rùa Đực trợn mắt hét lên:
- Tránh ra, tránh ra mau, không ta đè bẹp đầu bây giờ.
Nhưng gã Rùa quỷ quái, khôn ranh không phải chỗ. Khối đá kia chỉ là một vật vô tri vô giác, vì thế, nó vẫn nằm yên, tảng lờ như không nghe thấy tiếng Rùa Đực hét. Và thế là, chuyện phải xảy ra đã xảy ra: cả thân hình của gã rơi bổ xuống tảng đá và lăn lông lốc xuống đất. Một kết cục vô cùng thảm khốc cho Rùa Đực.
Nhưng may mắn làm sao, số Rùa Đực hãy còn dài: Khi gã rơi xuống, chiếc mai của gã đập đúng vào mô đá. Nhờ chiếc vỏ cứng rắn ấy che chở nên Rùa Đực không sao cả, chỉ ê ẩm một chút ở lưng thôi. Tuy nhiên, chuyện xảy ra ghê gớm như vậy thế nào cũng phải mang đến cho gã Rùa một vài hậu quả tai hại chứ. Quả vậy, khi Rùa Đực quay nhìn lại sau lưng thì ôi thôi, gã mới hay là chiếc mai tròn trĩnh, xinh đẹp của gã đã bẹp dí và mang đầy những vết nứt nẻ.
Hậu quả trước mắt gây cho Rùa Đực một bài học thấm thía. Gã lủi thủi đi bộ về nhà, trong lòng vô cùng đau đớn.
Nhưng đã hết đâu, Rùa Đực phải loay hoay suốt nửa buổi mới về được đến nhà. Khi gã về tới nơi thì trời cũng vừa sụp tối, Rùa Cái đã đứng chờ sẵn ở cửa hang. Vừa thấy mặt Rùa Đực, bà ta đã xỉa xói:
- Quay lưng lại đây xem, thật là những vết nứt đẹp đẽ quá nhỉ, hẳn sắp cãi đó là "kết quả" của một cuộc "chơi trống hăng say". Bác Diều Hâu đã kể lại với tôi tất cả những chuyện về anh. Trời ơi, đẹp mặt quá!
Rồi Rùa Cái hạ thấp giọng, nhưng không kém phần mỉa mai:
- Thật là một "phần thưởng" rất xứng đáng cho những kẻ chuyên đi lừa lọc người.
Bà ta kết luận:
- Hãy giữ mãi những vết nứt ấy để đời đời về sau ghi nhớ lấy bài học nhục nhã này.
Do lời nói của Rùa Cái, từ đó, chiếc mai của loài rùa không còn láng bóng và tròn trĩnh nữa mà trở nên méo mó và mang đầy những vết nứt nẻ.
Ngày nay, mỗi khi nhìn đến chiếc vỏ không mấy đẹp đẽ của mình, loài Rùa lại cảm thấy đau đớn và hối tiếc thêm cho những việc làm tai hại của tổ tiên chúng ngày xưa.
T. LINH
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 34, ra ngày 1-11-1965)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.