Thứ Ba, 19 tháng 1, 2021

Hương Cốm

 
Hình mượn trên "internet."


“Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm,
Chả biết tay ai làm lá sen.”
(Nguyên Sa)
 
Cốm không phải là món ăn sang trọng của người giàu có. Cốm là món quà thanh nhã dành cho người quý phái. (Đương nhiên, vừa giàu có vừa quý phái thì còn gì hơn.) Món quà này chỉ chiều đãi những cái miệng thanh lịch, ăn mà biết mình đang ăn gì và trân trọng miếng ăn; ăn mà thưởng thức được cả cái chất, cái vị lẫn cái hương. “Thực bất tri kỳ vị” thì… xin can, đừng đụng vào cốm.
 
Người mình quý hạt gạo, gọi đó là “ngọc thực.” Nếu hạt gạo là “ngọc thực” thì hạt cốm chính là viên minh châu ngời sáng. Người đẹp đeo ngọc tốt, thì cũng thế, người biết ăn mới có thể ăn cốm. Những hạt lúa non bấm còn ra sữa được tuyển chọn một cách kỹ lưỡng, rồi qua một tiến trình chế biến huyền bí, chúng trở thành hạt cốm, xanh màu xanh của mạ non, ngát hương thơm của đồng lúa.
 
Chuyện tối kỵ là ăn cốm với những món mỡ màng. Cái chất béo ngậy phá vỡ hoàn toàn tính cách thanh nhã và tinh khiết của cốm. Anh chị thích chả cốm, mời anh chị xơi. Xin đừng mời tôi kẻo mất lòng nhau.
 
Ăn cốm nên ăn với quả hồng chín. Xin lỗi các ông bà họa sĩ cho tôi nói ngang cành bứa một câu: “Không có bức tranh tĩnh vật nào đẹp cho bằng bức tranh vẽ mẻ cốm xanh màu mạ non, được gói một cách hớ hênh bằng tấm lá sen, làm lộ cả những hạt cốm ra ngoài; bên cạnh đó là mấy quả hồng chín mọng, đỏ như chấm son trên đồi thơm cô trinh nữ.” Cốm đẹp. Hồng cũng đẹp. Hồng bên cạnh cốm, cái đẹp không phải là đẹp hồng cộng với đẹp cốm. Mà là đẹp hồng nhân với đẹp cốm rồi cho nó lũy thừa lên.
 
Giời ạ! Sao lại có hai cái vị trái nghịch nhau mà hòa hợp với nhau đến như thế. Ý tôi nói đến vị ngọt sắc, mạnh bạo của hồng chín mà hợp với vị ngọt nhẹ như gió trên cánh đồng lúa của hạt cốm. Nó nhẹ đến nỗi ta nghi ngờ không biết có thật là nó có vị ngọt hay không. Hai vị ngọt ấy quyện vào nhau nên một, để rồi chiều chuộng một cách tuyệt vời cái miệng, đôi môi, đầu lưỡi của ta.
 
Hình mượn trên "internet."

Nếu không có hồng chín thì ăn cốm với chuối tiêu trứng cuốc cũng ổn. Chất chuối mềm nhũn, vị chuối ngọt lừ, mùi chuối thơm nồng nàn, hơi táo bạo đấy nhưng cũng không đến nỗi sỗ sàng với cốm. Cốm cũng không lấy đó làm điều.
 
Người ta gói cốm bằng lá sen. Ai đã nghĩ ra cách gói cốm này? Sao không gói cốm bằng lá chuối? Sao không gói cốm bằng lá vông? Không trả lời được, nhưng quả tình là không hợp. Gói cốm bằng bất cứ lá gì mà không phải là lá sen thì tội thân cho cốm.
 
Bây giờ mời ông Nguyên Sa vào đây đọc thơ tình của ông cho chúng tôi nghe. Ông đọc cái câu “Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm, chả biết tay ai làm lá sen” chứ gì! Triết gia thi sĩ ơi, ông làm khó chúng tôi lắm đấy. Ông viết liền một mạch “vẫn hỏi lòng mình là hương cốm,” rồi bảo chúng tôi cắt nghĩa. Tôi chịu! Vì câu thơ của ông có thể là “vẫn hỏi: lòng mình là hương cốm…” mà cũng có thể là “vẫn hỏi lòng: mình là hương cốm...” Cái “có thể” thứ nhất được hiểu là: (Tôi) vẫn tự hỏi tôi rằng tâm hồn mình là hương cốm… Còn cái “có thể” thứ hai được hiểu là: (Tôi) vẫn tự hỏi tâm hồn tôi rằng tôi là hương cốm… Ôi, ông chơi đùa với chữ nghĩa thế này làm cho tôi cứ bấn cả người lên.
 
Nhưng phải chờ ông đọc nốt câu thứ hai thì ý nghĩa hai câu mới được trọn vẹn, cho dù vẫn có thể hiểu theo hai nghĩa: “Chả biết tay ai làm lá sen.”
 
Lá sen để gói cốm. Còn người con gái cũng muốn được gói trong một vòng tay: “Em đây (hay là tâm hồn em đây.) Nó thanh nhã, quý phái như cốm. Có anh nào mở tay ra mà ôm ấp lấy em (hay lấy tâm hồn em) như lá sen ôm ấp lấy cốm không?” Hỏi như thế thì biết đâu cũng có đôi ba anh tình nguyện làm công việc ôm ấp ấy.
 
Nhưng, triết gia thi sĩ Nguyên Sa một lần nữa làm khó người đọc, mà lần này khó đáo để. Ông viết: “Vẫn hỏi lòng mình là HƯƠNG cốm, chả biết tay ai làm lá sen,” chứ ông không viết “vẫn hỏi lòng mình là hạt cốm, mẻ cốm, hay là mẹt cốm.”
 
Nếu làm sao giấu được ánh trăng trong mái tóc (*) thì cũng vậy, lấy gì mà gói được một làn hương! Người con gái ấy thầm thì với ta: “Em không chỉ là hạt cốm, em còn là hương cốm. Em không chỉ là tấm thân nuột nà, em còn là tâm hồn thanh khiết. Anh ơi, giữ lấy cho em tâm hồn thanh khiết ấy. Nó như mùi hương tinh sạch của hạt cốm, đòi hỏi chiếc lá sen gói kín làn hương ấy.”
Đến đây thì còn anh hùng nào tình nguyện gói kín một làn hương không? Tôi cũng tự hỏi chính tôi đấy.

 
QUYÊN DI      
_______________
(*) Phỏng theo ý của một câu trong phim “The Sound of Music.”
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>