Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2023

Sự Tích Trái Thơm


 
Chắc hầu hết các em đều đã trông thấy trái thơm và đã có lần được ăn thứ quả ngon, ngọt mà nhiều mắt đó. Nó không sang không quí như trái hồng, trái nho, không đắt tiền như lê, như táo. Nó là thứ trái cây rẻ tiền, bình dân mà khắp đô thị cho chí thôn quê đâu đâu cũng có. Nó còn là thứ thực phẩm có thể để lâu vào những lúc có nhiều, ăn ngay không hết, vào mùa rộ, người ta xắt lát phơi khô làm mắm, làm mứt, ép lấy nước, cho vào hộp, xuất cảng ra ngoại quốc v.v...

Nhưng điều đáng chú ý nhất là sự tích, nguồn gốc của nó, một câu chuyện khá đau thương:

Bà Hồng là một quả phụ nghèo, không sản nghiệp, quanh năm lao tác để nuôi thân. Bà làm bất cứ việc gì: đi cấy, đi gặt, may thuê, vá mướn ; mùa đông thì ngồi nhà chằm nón, xe chỉ. Bà là một phụ nữ đoan trang, lương thiện có
tiếng trong làng, bà có sắc đẹp, được cả người cả nết. Sau khi chồng chết, vừa đoạn tang xong thì có rất nhiều đàn ông ngấp nghé muốn cưới bà, song bà Hồng cương quyết không tái giá vì lẽ bà sợ con gái độc nhất của bà là bé Thơm sẽ khổ, bà không muốn san sẻ tình thương cho ai khác ngoài Thơm.

Bà đúng là bậc hiền mẫu. Xung quanh không ai chê trách bà vào đâu được. Song bà mắc phải một khuyết điểm: quá nuông con. Bà thường bảo là con mình bất hạnh, mất cha quá sớm, phải chịu thiệt thòi nên bà cần bù đắp vào chỗ thiếu thốn đó. Bé Thơm mặc nhiên nhận hưởng tình thương như nước nguồn của mẹ, kiêm cả tình thương như non Thái của cha!

Tuy nghèo khổ, vất vả, bà Hồng không để cho con gái mó tay, đặt mắt vào bất cứ việc gì, cho dù là những công việc nhẹ nhàng nhất trên đời. Trong lúc mẹ nó làm lụng quần quật ngoài vườn, trong rẫy hay dưới bếp, trên rừng nó vẫn cứ nhởn nhơ như cánh bướm rong chơi khắp xóm, tới bữa về ăn. Thơm lại càng không ưa việc học hành, chữ nghĩa không vô đầu, nó mới chịu!

Bé Thơm không thích việc chả củi, nhặt rau, ghét cả việc nấu cơm, kho cá. Bà Hồng có cô em gái lập gia đình tận làng xa. Lâu lâu về thăm chị, người em phàn nàn:

- Chị mỗi ngày một già yếu, phải tập cho cháu cất nhắc tay chân, con gái mà không biết qua một tị việc nhà... Chị tưởng sống đời để hầu hạ nó hay sao?

Bà Hồng chống chế:

- Cháu còn bé dại, thôi! Trăng đến rằm thì trăng tròn, dì ạ! Nó vẫn nhởn nhơ rong chơi khắp xóm như cánh bướm, chờ tới bữa nên mâm, nên bát mới chạy về ăn.

Thơm quen tính lười, nhất thiết không ưa sự làm việc, khác xa tính mẹ. Nó ghét chả củi, thái thịt, không ưa kho cá, nhặt rau, chẳng thích cầm kim, cầm kéo ; mẹ cho đi học Thơm càng ghét tợn: chữ nghĩa không chịu chui vô đầu nó như mọi trẻ em khác cùng trang lứa.

Mỗi năm, mỗi tuổi, cô gái càng lớn, người mẹ càng già, bà yếu dần đi, không thể lao tác ở ngoài đồng ruộng nữa, bà vay mượn bạn bè góp thành cái vốn nhỏ mua sắm một gánh hàng lặt vặt bán ở chợ kiếm lời độ nhật. Tinh sương bà đã quảy gánh lên vai, tối mịt mới kẽo kẹt gánh về. Thơm vẫn không đổi nết: dù cho mẹ cô đổ mồ hôi trên cánh đồng đổi lấy bát cơm cho cô hay là ngồi còm cọm ngoài chợ bán từng chút hàng lặt vặt như cái kim, cuộn chỉ kiếm lời đong gạo, bà vẫn phải về lo bữa ăn cho cô, chứ cô không đụng đến móng tay công việc sân vườn, bếp nước!

Bà Hồng tự chống chế là "trăng đến rằm thì tròn" không hề quở mắng con gái một câu. Nhiều hôm, trời lạnh căm căm, bà vẫn giữ thói quen dậy sớm, lo nấu cơm và thức ăn sẵn cho con gái để trưa nó có ăn rồi mới gánh gánh lên vai. Vào buổi chiều, mệt nhọc đặt gánh hàng lên bậc cửa rồi bà tất tả lo nấu cơm chiều, chứ không được nghỉ như bao nhiêu bà mẹ khác.

Sau bữa ăn, bà lại lo thu dọn chén bát, rửa ráy nồi niêu. Rồi thì là may quần vá áo cho con, trăm thứ nhì nhằng, không bao giờ được đặt lưng sớm.

Quá lao lực, bà già trước tuổi và không bao lâu, kiệt sức, bà ngã bệnh và bệnh mỗi ngày một tăng lên, không thuyên giảm.

Thơm bấy giờ đã mười ba tuổi bắt đầu chịu khổ: cô bé phải làm tất cả mọi việc từ lớn đến bé, từ dễ đến khó, những công việc mà cô chưa hề để mắt nhìn thử một lần chứ đừng kể đến chuyện mó tay! Chả củi, nấu cơm, đi chợ, giặt gịa v.v... chao ơi! Nhọc sao là nhọc!

Thơm phải xách nước từ giếng sâu lên, mồ hôi nhễ nhại. Thơm phải nhóm bếp khói tuôn vào mắt cay xè!

Nhưng mẹ Thơm vẫn không được yên thân nằm, trong lúc nhiệt độ tăng lên không ngớt, thỉnh thoảng từ giếng cô gái kêu giật mẹ:

- Mẹ ơi mẹ! Làm sao cho sạch cái cổ áo đây?

Hay từ dưới bếp:

- Mẹ ơi! Hộp diêm mẹ để chỗ nào?
 

Mặc dù cơn sốt đang hành hạ người mẹ, bà cũng cố gắng để trả lời con:

- Hộp diêm trên miếng gạch cạnh bếp đó.

- Thế còn gạo? Mẹ vất chỗ nào? Con kiếm không ra?

- Gạo trong vò, phía bên trái, từ cửa bếp nhìn vào là thấy.

Thơm lầu bầu, nhăn nhó, vất vả hồi lâu thì nồi cơm sôi sục trên bếp lửa, cô gái hốt hoảng, kêu inh ỏi:

- Mẹ! Làm sao đây? Cơm sôi rồi... cái vá hay đôi đũa?...

Bà mẹ ôm ngực ho rũ rượi, mệt tưởng đứt hơi song phải cố lê lại gần bếp, vùi bớt củi, dùng đũa xới sơ cơm và chờ cho cơm cạn mới lảo đảo về giường, mệt lả đi.

Thế rồi cơm chín. Từ bếp, cô gái quí lại hỏi vọng vào:

- Cơm chín rồi đây mẹ! Làm sao con nhắc xuống, nóng bỏng cả tay thề này, này!

- Lấy cái khăn lót tay mà nhắc cơm xuống, rồi ăn đi, mẹ mệt quá, hãy để mẹ nằm yên một chốc xem!

Lần đầu tiên người mẹ cáu với con. Thơm lại hỏi:

- Mà con ăn cơm với gì đây? Mẹ có ăn không?

- Có trách cá kho trong chạn đó, bưng ra, hâm nóng mà ăn, mẹ sốt thế này ăn cơm sao được. Thơm! Hãy để mẹ nằm yên!

Thơm gần khóc:

- Còn bát đũa mẹ để đâu? Con ăn bốc hay sao? Sao mẹ không cho con hỏi?

- Trời ơi! Sao con không chịu để mắt vào một chút? Cái gì cũng hỏi, mỗi chút mỗi hỏi...

Lần này bà Hồng hết kiên nhẫn nổi, la lên. La xong, bà mệt thêm nằm thiêm thiếp trên giường, tuy thế, bà vẫn cố để đừng mê đi, xem con gái còn cần hỏi gì không, vì dù sao, bà vẫn thương con lắm, thương còn hơn cả thương thân!

Thơm không hề biết phục thiện, cô gái phụng phịu:

- Khổ thân tôi chưa này Trời? Tôi có hai mắt chớ phải tôi có hai chục con mắt đâu mà mẹ bảo tôi để mắt chỗ này, chỗ khác! Tôi mà có nhiều mắt coi, tôi chẳng thèm hỏi han mẹ câu gì hết, để mẹ được nằm yên... Ước chi...

"Cô bé lười biếng kia! Ta sẽ cho mày có thật nhiều mắt! Rõ thật nhiều như mày ước muốn! Coi đây!"

Từ giữa không trung, một giọng nói bí mật cất lên, sang sảng và oai nghiêm làm cho bà mẹ từ giường toát mồ hôi vì kinh hãi. Thơm ngạc nhiên, đưa mắt nhìn quanh, cố tìm xem tiếng nói xuất phát từ đâu. Thơm nói với mẹ:

- Để con ra vườn coi!

Như có linh tính báo trước, bà mẹ muốn ngăn con lại nhưng không kịp. Và rồi, bà nằm đợi, đợi mãi không thấy cô gái trở vào, cơm cá nguội ngắt, bếp núc lạnh tanh.

Bà cất tiếng run run gọi con, không có tiếng trả lời.

Bầu không khí lặng lẽ của đêm sâu đầy kinh dị. Người mẹ sốt ruột quá, không đợi được nữa, khoác thêm áo ấm, băng mình dậy, ra ngoài tìm con.

Trăng sáng rỡ, gió đêm lạnh rợi.

- Thơm con! Con nấp chỗ nào? Mẹ đợi con đây!

Im lặng. Chợt bà mẹ để ý đến một cái cây hình dáng kỳ lạ đột ngột xuất hiện dưới trăng, chính giữa thân cây, có một trái. Bà dụi mắt mấy lần để nhìn kỹ, vì cứ tưởng mình quáng mắt, nhìn lầm. Rồi bà lại gần chút nữa, xem xét tỉ mỉ. Thân cây thấp, lá dài, móng có gai, giữa thân cây, lồ lộ một quả bao quanh không biết cơ man nào là mắt và từ đó bốc ra mùi thơm ngát mũi.

Bà Hồng lùi lại, tâm trạng bàng hoàng. Bỗng, từ trong cái trái cây lạ lùng đó, có tiếng con gái bà lanh lảnh cất lên:

- Mẹ đừng sợ! Con đây! Con có rất nhiều mắt, mẹ thấy chưa? Con phạm nhiều lầm lỗi lắm nên bị bề trên trừng phạt. Nhưng con không ân hận đâu, mẹ ạ! Con sẽ có ích cho mẹ: Ngày mai, mẹ hái con đi, đem ra chợ bán, con ngon ngọt lắm, người ta sẽ mua con, mẹ sẽ có tiền uống thuốc cho lành. Hái con đi! Rồi con sẽ mọc ra, lan tràn khắp vườn nhà. Rồi mẹ nếm thử xem, con ngon ngọt lắm!

- Thơm con! Làm sao đến nông nỗi này...

Bà gục xuống, ôm cái cây đầy gai mà khóc hồi lâu. Tiếng Thơm lại dịu dàng:

- Mẹ đừng khóc, con đau lòng lắm! Tại con nên nông nỗi này đây! Mẹ nín đi và nghe lời con nói. Sương xuống nhiều rồi đó, mời mẹ vô nhà nghỉ, kẻo nhiễm lạnh đau thêm. Con không xa mẹ đâu! Con ở tại đây, mà!

Bà Hồng nén khóc, vào nhà, nhưng bà không ngớt dõi mắt nhìn lại đứa con yêu từ nay trở thành một thứ trái cây kỳ quặc.

Rồi nhờ thứ trái cây đó, bà kiếm được khá tiền. Không bao lâu quanh gốc cây mọc vô số cây con. Mọi người đổ xô lại, mua về gây giống. Cho đến tận lúc ấy, người ta vẫn không biết gọi nó là thứ trái cây gì. Bà Hồng, sau nhiều đêm suy nghĩ, bèn đặt cho thứ trái ấy cái tên THƠM để kỷ niệm đứa con gái bất hạnh của mình, và mọi người đều gọi theo bà.

Cho đến ngày nay, Thơm xuất hiện cùng khắp trên thế giới, sự tích về nó đã chìm vào quên lãng, người ta chỉ biết nó là trái ngọt, nhiều mắt mà thôi.


MINH QUÂN

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 69, ra ngày 17-12-1972)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>