Trước khi vào truyện.
Ai có đi qua khu Tám-Mái, gần ô Kim Mã, Hà Nội chắc hẳn đã nom thấy bốn bức tường trắng chạy dài trên ven đường xe điện.
Bức tường ấy là của Viện Cô Nhi, là biên giới ngăn hẳn cuộc sống mồ côi của chúng tôi với cuộc sống bên ngoài.
Khoảng đất con bao bọc bởi dẫy tường ấy đã mang nặng một thế giới âm thầm đến độ đơn độc. Nhưng sự lặng lẽ càng lên cao thì cái sôi nổi gắt gao trong tâm hồn chúng tôi càng tăng thêm dữ dội.
Bởi vì mỗi đứa chúng tôi có một cuộc sống riêng biệt. Cuộc sống chỉ chỗi dậy trong những đêm trằn trọc, thao thức, xót xa đầy nước mắt.
Chúng tôi không phủ nhận công lao của các bà phước, của các nhà hảo tâm, của các cơ quan từ thiện. Nhưng tình nhân loại của các người mới chỉ an ủi được chúng tôi một phần nào sự đau khổ về vật chất, thiếu cơm, thiếu áo, trong quãng đời côi cút của chúng tôi.
Còn linh hồn chúng tôi, những linh hồn lạc lõng thiếu tình thương của cha mẹ, tình yêu của con người đến tuổi dậy thì và thiếu cái ước vọng vô bờ của tuổi hoa niên, hỏi bàn tay nào xoa dịu cho được?
Cho nên tâm hồn chúng tôi là những tâm hồn khao khát sự thương yêu, trằn trọc với thực tại, để chỉ quay về vò xé lòng mình trong những đêm dài mất ngủ.
Tiếng nói của những nhân vật trong cuốn sách nhỏ bé này chỉ là một trong muôn ngàn tiếng nói của những con người đang sống âm thầm bên kia bức tường trắng. Những tâm tư hỗn loạn gói ghém trong cuốn sách nhỏ bé này cũng chỉ là muôn ngàn tâm tư đang quay cuồng như bão lốc trong tâm hồn hàng ngàn lũ trẻ mồ côi.
Cho nên viết cuốn này, chúng tôi chỉ có ý định hé mở cái khung cửa sắt cao vòi vọi ngoài ngưỡng cửa Cô Nhi Viện ấy để các bạn được nhìn vào cuộc sống của chúng tôi, để thông cảm với chúng tôi về nỗi cực nhọc của những con người côi cút.
QUỲNH
PHẦN THỨ NHẤT
CHƯƠNG I
Đèn trong mọi phòng đã tắt mà ở buồng bên nó vẫn khóc. Tiếng bà Nhân dịu dàng biết mấy, nhưng cũng chỉ làm nó xuôi tai được một lúc, rồi lại vẫn nức lên ngặt nghẽo. Giọng nó hầu như đã khản. Tiếng khóc khê nồng nặc. Có vẻ nó cũng sắp buồn ngủ.
Nó là một con bé lên chín, mới được đưa vào hồi chiều. Tôi không nhìn rõ mặt nó vì lúc ấy tôi phải chia cơm cho lũ nhỏ. Nhưng hình như nó ngoan lắm, vì nghe tiếng nó gọi mẹ mới dễ thương làm sao. Nhất là lúc nó gọi tên chị Loan. Chắc chị Loan nó hiền lắm. Điều ấy làm tôi ứa nước mắt vì tám năm trước đây cũng đã có lần tôi gọi chị Hồng của tôi trong căn phòng ấy. Tám năm qua, tuy nhanh chóng nhưng đã làm tôi thay đổi biết bao. Dĩ vãng đối với tôi bây giờ như xa hẳn. Bởi vì tôi không muốn nghĩ và cũng không dám nghĩ tới nữa. Hình ảnh những người thân yêu của tôi mờ đi nhiều quá. Không hiểu rằng tôi là người vô tình hay vì đau khổ đến quá nhiều với cuộc đời xấu số của tôi.
Hôm nay tôi lại được nghe con bé gọi chị Loan, tôi muốn bật ra tiếng khóc. Nước mắt của tôi đã ướt đẫm mặt gối. Tôi xoay mình trên chiếc giường sắt nhỏ bé này không biết bao nhiêu lần rồi. Trong khi ấy quanh tôi lũ trẻ đã triền miên trong giấc ngủ. Dẫy màn trắng chạy dài khắp gian phòng rộng thênh thang về đêm, dưới ánh đèn vàng vọt nom buồn một cách ray rứt. Tôi nghe thấy cả tiếng thở đều hòa của chúng nó. Tự nhiên tôi thấy tình thương chúng nó dạt dào đến xâm chiếm hồn tôi. Chúng tôi đồng cảnh ngộ mồ côi như vậy cả. Nhưng chúng tôi còn hơn con bé bên kia. Bởi vì chúng tôi đã quên được, hay đúng hơn là đã vượt được quãng thời gian đầu tiên đau khổ nhất. Còn nó, nó vẫn còn nhớ mẹ, nhớ chị Loan của nó. Cho đến bao giờ nó mới quên được mẹ nó và chị nó đi. Nghĩ đến điều đó, tôi thấy thật là mai mỉa.
Trằn trọc giờ lâu, tôi tung cái mền và rón rén trở dậy. Tôi lén ra khỏi phòng để được ghé mắt nhin vào buồng bên. Dưới ánh đèn nhạt, bà phước Nhân vẫn nhẫn nại ngồi ôm nó vào lòng. Lúc này nó đã thiu thiu ngủ. Mắt nó còn ướt lệ. Mấy sợi tóc của nó còn dính chặt lấy hai bên má. Mặt nó nhem nhuốc quá nhưng bầu bĩnh làm sao. Tuy nó ngủ, nhưng mồm nó vẫn còn mếu, thỉnh thoảng nó lại nấc lên khiến bà Nhân phải ghì nó vào lòng. Bàn tay nhỏ xíu của nó níu chặt lấy áo bà. Mặt bà rười rượi buồn, cúi xuống sát má nó. Bàn tay mềm mại của bà vuốt ve từng nẹp áo của nó, thì ra nó chưa được thay quần áo. Bởi vì nó vẫn mặc chiếc quần lụa đen, và cái áo cổ vuông thêu chỉ đỏ. Đáng lẽ ra tất cả những trẻ đã vào trong này là phải mặc bộ quần áo vải thô trắng may đều một loạt.
Tôi tưởng tượng đến ngày mai, khi mặc bộ quần áo ấy, rồi đứng xếp hàng hai trong mọi công việc, từ lúc ăn, lúc chơi, đến lúc ngủ chắc nó sẽ thấy lạc lõng bơ vơ cũng như nó đã lạc lõng từ khi nó còn ở bên kia ngưỡng cửa Cô Nhi Viện này. Chạnh nhớ đến ngày mới vào của tôi cũng cùng một tâm trạng ấy, tôi lại ứa nước mắt. Lẳng lặng quay về phòng tôi đinh ninh rằng sáng mai tôi sẽ xin cho nó ở trong “đội” của tôi săn sóc. Tôi sẽ yêu nó như chị Loan của nó yêu nó, cũng như chị Hồng của tôi ngày xưa yêu tôi.
Đêm hôm ấy, một đêm hiếm có, tôi thả lỏng hồn tôi về dĩ vãng.
*
Hôm sau tôi được biết tên nó là Phượng. Ba Phượng mất từ ngày nó còn bé. Phượng đã sống đầm ấm dưới tình thương của hai người mẹ: Mẹ nó và chị Loan nó. Nhưng Chúa không thương nó, nên đã cướp đi một lúc hai người thân yêu nhất. Mẹ và chị nó chết vì trúng mìn trong một chuyến xe đi cất hàng ở xa.
Tôi xin được cho bé Phượng vào đội của tôi. Tôi đem Phượng đi tắm rửa. Biến cố nhanh chóng và phũ phàng quá làm mặt Phượng trở nên ngơ ngác tuy bây giờ nó không khóc nữa. Nó hành động theo tôi như một đứa mất hồn. Khi thay quần áo cho nó, nó bảo tôi:
– Chị giặt cho em rồi hôm nào đi học chị lại cho em mặc nhé.
Lòng tôi se lại và tôi chỉ biết gật đầu. Tôi không dám cho nó biết nhiều về những luật lệ sống ở đây. Để nó tự hiểu dần dần có lẽ đỡ khổ cho nó hơn. Tôi xỏ vào bàn chân xinh xắn của nó một đôi guốc mộc. Nó hỏi:
– Đôi dép đỏ của em đâu?
Tôi buộc lòng phải nói dối:
– Thôi đi thế này tiện hơn, dép đỏ để đi chơi mới đi chứ. Dùng ở nhà phí mất em ạ.
Và lần này tôi thấy ân hận vì đã nói dối, tuy rằng trong cái khung cảnh chứa chan đau khổ này người ta cũng chỉ dùng những lời nói dối để an ủi cho nhau. Tôi tự nghĩ, nếu tới Chủ nhật dẫn nó đi chơi tập đoàn, nó hỏi dép đỏ thì không biết tôi sẽ trả lời ra làm sao. Tôi mong rằng từ hôm nay đến hôm ấy nó sẽ quen với lối sống trong Cô Nhi Viện này.
Bữa cơm hôm ấy bé Phượng không ăn được nhiều. Tôi không dám nói rằng cơm ở đây kham khổ. Nhưng chắc rằng không thể bằng bữa cơm chiều chuộng ở nhà bé Phượng. Cho nên lúc ăn tráng miệng tôi đã nhường phần chuối của tôi cho nó.
Đáng lẽ ở đây tôi không được thiên vị một đứa nào, nhưng tôi đã làm trái cái lệ ấy. Buổi trưa tôi ôm bé Phượng vào lòng và kể chuyện Tấm Cám cho nó nghe. Tôi tưởng sẽ làm nó khuây khỏa, nhưng trái lại, càng nói tôi càng gợi cho nó hình ảnh ở nhà. Nó nói:
-Chị kể chuyện nghe giống chị Loan quá. Chị Loan em cũng hay kể chuyện cho em.
Và rồi nó bâng khuâng như đang theo đuổi ý nghĩ của riêng nó. Tôi phải cắt đứt những dòng tư tưởng của nó bằng cách dẫn nó ra hiên sau nói chuyện về cây cỏ, hoa lá. Đáng lẽ bà Phước Nhân sẽ trách tôi vì tôi không theo lệ ngủ trưa. Nhưng vì bé Phượng là đứa mới vào cần phải an ủi nó, cho nên bà chỉ nhìn tôi bằng cặp mắt hiền từ trước khi khép cánh cửa sổ buồng bà lại.
Bé Phượng tỏ ra thông minh lạ. Nó biết nói chuyện và biết nhiều thứ. Chắc chị Loan nó học khá lắm nên sau này có nhiều khi nó có cái tò mò rất tế nhị, những câu hỏi vẫn ngây thơ mà sâu sắc. Như thể : “Sao quần áo ở đây chỉ toàn mầu trắng ?”, “Sao ở đây đông đúc là thế mà ít nghe tiếng ồn ào cười nói.”, “Sao em cứ phải xếp hàng vào nhà Nguyện trong khi ở nhà, em chỉ đi lễ Chùa”..vv… Thú thật, tôi cũng chẳng biết trả lời nó ra sao nhưng tôi lại thấy yêu nó hơn và tôi càng muốn thay chỗ của chị Loan trong lòng nó.
Đến hai giờ, một hồi chuông rung lên báo hiệu giờ vào học, tôi phải tạm rời nó. Bởi vì tôi phải lên dạy lớp Nhất mà Phượng chỉ học tới lớp Ba. Tôi dẫn nó về phòng và xếp vở cho nó. Nó hơi lạ rằng mình không được đến trường cũ như trước nữa. Tôi thấy mặt Phượng có vẻ buồn buồn. Đưa nó vào lớp xong, tôi mới quay về lớp của tôi. Tôi thấy lòng bâng khuâng lạ, không biết tôi nhớ nó hay tôi lo cho nó bị bơ vơ, bé bỏng giữa đám người xa lạ.
Mải suy nghĩ như vậy làm tôi lơ đãng đi mấy phút. Đến khi tiếng nói chuyện xì xào ở bàn dưới vang lên tôi mới lấy được thăng bằng.
Hôm nay tôi cho chúng nó viết bài chính tả “Tương Lai” của Nguyễn Bá Học. Tôi tự nghĩ không hiểu làm sao tôi lại chọn cho chúng nó bài ấy. Tôi biết giảng cho chúng nó những gì đây? Bởi vì với chúng nó thì tương lai là cái gì ? Chúng nó học nhiều, hiểu nhiều, biết nhiều rồi đời chúng nó sẽ ra sao? Hay cũng lại như tôi sống âm thầm trong bốn bức tường trắng này để lại kế tiếp dạy dỗ những trẻ mồ côi đến sau, để trả nợ những người đi trước. Nghĩ đến đó tôi thấy mình thấp kém quá. Nhưng suy cho cùng thì tình cảm con người đều như thế cả. Ai mà mong vùi cả đời mình vào chốn tối tăm này. Tôi muốn phát khóc vì chính tôi đang ở trong cái hoàn cảnh tối tăm ấy.
Cho nên lời giảng của tôi hôm nay ngượng nghịu lạ. Vạch ra những sự cố gắng nỗ lực ngày hôm nay để xây dựng một tương lai rạng rỡ, tôi thấy như tôi đã nói dối chúng nó, đã vẽ cho chúng nó cái viễn tượng mà chúng nó không bao giờ được hưởng. Tôi rất khổ tâm về công việc làm như vậy. Thì ra những ngày trước, những năm trước tôi đã nói, đã làm và đã suy nghĩ như một cái máy.
Tôi bâng khuâng tự hỏi không hiểu vì lý do gì đã làm thay đổi lòng tôi một cách nhanh chóng đến thế. Rồi nghĩ đến chị Loan của bé Phượng, đến chiếc áo cổ vuông thêu chỉ đỏ, và đôi dép đỏ của nó, không hiểu mầu đỏ mà chị Loan thích cho nó dùng có phải là mầu háo hức của người con gái đến thì không?
Cứ mải suy nghĩ như vậy, tôi đâm lay hoay suốt cả buổi học.
Đến tối, tôi tìm bà phước Nhân để thú rõ tất cả những ý nghĩ của tôi về bài giảng ngày hôm nay. Bà suy nghĩ giây lâu rồi bảo tôi:
– Con quan niệm như vậy thì hẹp hòi quá. Cuộc sống có tương lai đâu phải chỉ ở sự xa hoa, vật chất, ở danh vọng, tiếng tăm. Tương lai đâu có phải chỉ ở sự thành công trên đường đời. Con học rộng, con biết nhiều con hiểu rõ nhiệm vụ của con dưới chân Chúa, con luyện linh hồn con sao cho được gần Chúa, con hành động sao cho xứng đáng là con Chúa, con xoa dịu được sự đau khổ nhọc nhằn của những tôi con Chúa, như vậy tức là con đã nắm được sự sống cao đẹp, đã đến gần được con đường dẫn tới Chúa rồi. Ta tưởng cái phần thưởng ấy lấy gì mà so sánh cho được.
Và rồi bà nói nhiều, nói rất nhiều, nhưng tôi không nghe thấy gì nữa, tôi chỉ gục đầu xuống khóc rưng rức. Tôi không ân hận về những điều tôi nghĩ ban chiều, vì lòng tôi còn trẻ quá, đời tôi chưa được nếm mùi khát vọng, tuổi tôi bây giờ mới chớm nở yêu đương, làm sao tôi có ý nghĩ thanh cao được như bà. Cho nên tôi khóc. Tôi khóc thương cho tất cả những thiếu nữ cùng cảnh ngộ, cùng lứa như tôi. Nhưng tôi không dám nói ra cái ý nghĩ ấy cho bà phước Nhân nghe, tôi chỉ biết giấu kín ở trong lòng. Có nhiều sự thật mà chẳng ai có thể thổ lộ ra ngoài. Lần ấy là lần đầu tiên bà phước Nhân không giải quyết được cho tôi nỗi thắc mắc, bởi vì nó thuộc về một khía cạnh tâm lý của những con người mới trưởng thành như tôi mà không thuộc phạm vi đạo lý của bà.
Từ giã bà phước Nhân với tất cả tan nát tôi về phòng học. Lúc ấy trong phòng lao xao như ong vỡ tổ. Hơn một trăm mái đầu đổ bóng lẫn lộn lên những nếp tường vàng vọt.
Chúng nó đang gào bài như cuốc kêu. Tôi đảo mắt nhìn bé Phượng, nhưng không thấy nó. Tôi vội vã bước ra hiên sau. Dưới ánh đèn héo úa từ sân chiếu chếch vào, tôi thấy bé Phượng đang ôm gối ngồi trên lan can nhìn lơ đãng ra ngoài phố. Mắt nó đen lay láy và hình như ướt lệ. Hình dáng nhỏ xíu của nó thu bên cột gạch. Trước khoảng sân bao la, rộng rãi với những bức tường trắng chạy dài, tôi cảm thông nỗi trơ trọi của nó vô cùng. Rồi hình ảnh mẹ nó, chị Loan nó, người thiếu nữ tôi không bao giờ gặp mặt nhưng chắc là đẹp lắm, hiện ra lờ mờ trong óc tôi. Tôi thấy thương Phượng lạ. Tôi muốn phát khóc. Lúc ấy tôi như quên hẳn cảnh ngộ của bé Phượng. Tình yêu thương Phượng lại dạt dào trong lòng tôi, và bây giờ lôi lại thấy bà Nhân nói đúng.
“ Con hành động sao cho xứng đáng là con Chúa, con xoa dịu được tất cả sự đau khổ nhọc của những tôi con Chúa, như vậy là con đã nắm được sự sống cao đẹp, đã tới gần được con đường dẫn tới Chúa rồi.”
Tôi muốn chạy ngay vào phòng bà Phước Nhân để được ôm lấy chân bà, để mà khóc, để mà tạ lỗi, nhưng tôi lại ghì bé Phượng vào lòng. Óc tôi thoáng qua một ý nghĩ. Đáng lẽ tôi cầu xin sự che chở của bà phước Nhân cho linh hồn yếu ớt của tôi, thì tôi lại đem sự yếu ớt ấy che chở cho bé Phượng. Nhưng có lẽ Phượng không thấy rõ sự trái ngược ấy, mà nó vòng tay qua tôi như níu lấy một sự gì vững chắc lắm. Mồm Phượng mếu đi. Tôi chắc nước mắt của tôi làm nóng má nó nên nó mới giơ bàn tay xinh xắn lên sờ vào mí mắt tôi. Thấy tôi khóc bàn tay nó bỗng như thẫn thờ, rồi dừng lại trên má tôi, vuốt ve. Tôi định an ủi nó không ngờ chính nó lại là người an ủi tôi. Cặp mắt đen láy của nó mở to ra nhìn tôi. Tôi cúi xuống hôn lên cặp mắt nó. Đây là cái hôn nồng nàn đầu tiên trong đời tôi. Nụ hôn dâng lên tự đáy lòng, tôi biết rằng tôi không hôn Phượng, tôi chỉ trút lên nó tất cả nỗi mê đắm của lòng tôi. Nhưng hôn Phượng xong, tôi ngượng ngùng hổ thẹn. Bên sự đau khổ của nó, tôi không muốn có một ý nghĩ mờ ám cho riêng tôi. Nếu nó biết sự thật ấy, nó sẽ nghĩ thế nào về tôi? Nhưng nhìn lại, tôi thấy hơi yên tâm vì Phượng còn bé quá. Nó đâu có hiểu được những điều khúc mắc như thế.
Tôi ôm chặt Phượng vào lòng, giấu mặt tôi vào một bên tóc nó. Tôi không muốn nhận rằng trong thâm tâm lúc ấy, tôi đang cần một sự tha thứ. Sự tha thứ hình như không phải của riêng một mình Phượng mà lẫn lộn của chính tôi và nhiều nữa. Sự cầu xin to lớn quá khiến tôi không dám nghĩ ra.
Sau phút giây ấy, cả hai chúng tôi cùng lơ đãng nhìn ra xa. Qua bức tường trắng cao ngất, bên kia là cuộc sống ồn ào, náo nhiệt. Tuy đây là nơi đã khuất, thế mà âm thanh nhộn nhịp của thành phố vẫn còn mơ hồ vẳng lại. Tôi có cảm tưởng rằng tất cả chúng tôi đang ở trong một thế giới riêng biệt, xa xôi, cái thế giới mà không bao giờ chúng tôi có quyền nghĩ đến những cái gì ở bên kia bức tường trắng. Cuộc sống của chúng tôi là cuộc sống âm thầm, cô quạnh, ngày lại ngày, mòn mỏi mà không có tương lai.
Ý nghĩ đó lại khiến tôi nhớ đến câu chuyện ban chiều và bà phước Nhân. Tôi nhăn mặt lấy ngón tay cấu lấy trán. Sao tâm tư tôi hỗn loạn như thế này. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi mà không biết bao nhiêu ý nghĩ mâu thuẫn đã đi qua trong đầu tôi…
Tôi thấy khổ sở lạ lùng. Bé Phượng tưởng tôi mệt nên rủ tôi vào phòng. Tôi bước theo nó như một cái máy. Không hiểu rằng từ đây, nó cần tôi hay tôi cần nó.
***
Buổi sáng hôm ấy có một bà to béo phúc hậu đến tìm bà phước Nhân, hai người nói chuyện với nhau lâu lắm. Và gần nửa giờ sau, bà Nhân dẫn bà ta vào phòng ăn. Lúc ấy vào giờ ăn sáng. Trên hai dãy bàn dài, hơn một trăm đứa trẻ láo nháo khua bát khua thìa ầm ĩ. Tôi đang giúp bà phước Tâm múc cháo cho chúng nó. Thấy hai người vào, kéo bà Tâm ra xì xào, tôi đoán ngay là bà ấy muốn xin một đứa con nuôi. Lòng tôi se lại. Ở trong này đã diễn ra không biết bao nhiêu lần cái cảnh ấy. Có đứa ra ngoài được trót lọt, có đứa năm sáu tháng sau lại vất vưởng trở về, mặc dầu mẹ nuôi nó đã phải cam đoan đủ mọi điều.
Vừa trông nom cho chúng nó ăn, tôi vừa kín đáo dò xét bà ta. Mặc dầu bà ta có vẻ phúc hậu nhưng tôi không cảm thấy cái vẻ gì là tình mẫu tử thoát ra ở con người ấy. Tuy vậy tôi không phải là người có quyền ở đây. Tôi cũng chỉ là những đứa trẻ mồ côi như chúng nó. Sự ngăn cản một đứa thoát ra khỏi chốn này đối với tôi là một tội. Mắt bà ta đảo khắp phòng, xét nét từng đứa một, như thể người ta chọn một món hàng. Tôi thấy lòng tràn ngập mai mỉa. Nhưng lũ trẻ thì khác, chúng nó mong được bà ta để ý đến. Những cặp mắt ngây thơ, đen lay láy của chúng nhìn bà ta như hy vọng. Tôi biết chúng nó cũng mong được thay đổi cái không khí độc điệu này lắm.
Nhưng có nhiều đứa thất vọng, vì bà ta đã chỉ một đứa đang húp cháo ở cuối phòng. Nó là con Nguyệt, một đứa kháu khỉnh và ngoan ngoãn. Mặt nó không giấu được vẻ bối rối khi thấy các bà phước gọi đến tên nó. Nó rụt rè bước ra khỏi bàn và không thấy rằng con Dung ngồi bên cạnh nó thò tay ra nháy nó. Tôi hiểu nỗi lòng của con Dung khi đọc những tia mắt lo âu, buồn bã của nó nhìn theo con Nguyệt.
Hình như Nguyệt nửa muốn ra ngoài và nửa tiếc rẻ cuộc sống ở đây. Nó với con Dung là hai đứa bạn thân với nhau lắm. Ít khi tôi thấy chúng nó rời nhau. Bởi vậy, khi bà phước Nhân hỏi ý kiến nó, nó chỉ ngập ngừng. Biết tâm trạng của nó cũng như tất cả những đứa khác mới được xin ra, bà Nhân không đợi nó trả lời, mà kéo tay nó ra khỏi phòng. Chân nó ríu lại, nó bước theo bà như một cái máy và hình như nó muốn quay lại nhìn con Dung lắm. Nhưng nó đã bị kéo đi khuất cánh cửa phòng.
Trong này con Dung đã bắt đầu khóc. Nó bỏ bát cháo đang ăn giở mà úp mặt vào một góc tường. Chân nó dẫm xuống đất đành đạch. Nó gọi tên con Nguyệt mấy lần. Lòng tôi quặn lại. Tôi thương nó vì nó đã bị cướp mất đi một nguồn an ủi. Mà thiếu nguồn an ủi thì có thể héo lòng được ở chốn này.
Cả ngày hôm ấy tôi phải xa bé Phượng để săn sóc con Dung vì nó sốt. Tôi không ngờ tình cảm của chúng nó đối với nhau sâu nặng thế, Nó không gọi tên con Nguyệt như hồi sáng nữa. Bây giờ nó nằm thừ trên giường, mắt giương lên đình màn buồn bã. Mọi ngày nó thích nghe tôi kể chuyện, nhưng bây giờ nó chỉ thỉnh thoảng nhếch mép làm vui lòng tôi. Tay nó mân mê cỗ chuyền bằng que kem mà nó vẫn chơi với con Nguyệt. Thỉnh thoảng tôi lại thấy nó ứa nước mắt.
Đến tối, tôi khuyên nó nên gượng dậy để đi nghe bà Nhân giảng vì hôm ấy là ngày thứ Năm. Nó ngoan ngoãn theo tôi. Tuy rằng đi trong hàng ngũ, nhưng tôi vẫn kèm sát với nó. Ngồi ở hàng ghế trên giảng đường, tôi cũng ở bên cạnh nó.
Hôm nay bà Nhân kể cho chúng nó nghe chuyện ông Thánh Georges giết rồng, nên chúng nó giương tất cả những cặp mắt lên nghe. Bây giờ tôi mới thấy mặt con Dung rạng lên một tí. Rồi bà Nhân khuyên chúng nên có tâm hồn rộng rãi, nên có lòng nghĩa hiệp và can đảm.
Câu chuyện vừa dứt thì chúng nó bắt đầu quì xuống đọc kinh. Bóng chúng nó đổ dài trên vách. Trên những nét mặt ngây thơ, tôi thấy rạng một niềm tin. Đầu chúng nó kính cẩn cúi xuống, hàng trăm cái miệng xinh xắn đọc đều một loạt. Tôi tự nghĩ rằng không hiểu cái không khí trang nghiêm này làm chúng nó càng cao tâm hồn lên hay là bóp chết tính tình tự nhiên mà tuổi chúng nó đang nẩy nở.
Đêm hôm ấy, tôi trằn trọc không ngủ. Tôi không ngờ bao nhiêu năm lòng tôi lặng lẽ được, mà bây giờ xao động dữ dội như thế. Tôi trưởng thành chăng? Tôi khao khát yêu đương chăng? Hay là vì đau khổ đã diễn ra quanh tôi quá nhiều.
Tôi không dám trả lời một câu nào, vì có lẽ là tất cả…
Một buổi sáng chủ nhật, tôi cùng bà phước Tâm phải dẫn bọn trẻ đi chơi vườn hoa. Chúng tôi xếp hàng tư dài một dọc. Tiếng nói, tiếng cười ríu ra, ríu rít. Cả một tuần chúng nó chỉ chờ có một ngày hôm nay, đứa nào cũng mặc một bộ quần áo vải trắng mới giặt. Nếp vải thô không là (ủi), nhăn nhúm và kêu sột soạt. Nhìn những bàn chân xinh xắn trong chiếc quai guốc trắng phau, tôi chắc hôm qua trong giờ tắm rửa chúng nó đã đánh kỹ lắm. Thì ra chúng nó vẫn muốn diện, vẫn muốn đẹp, mặc dầu bộ quần áo và đôi guốc của chúng nó chẳng diện chút nào. Điều ấy làm tôi nghĩ rằng ở bất cứ hoàn cảnh nào con người cũng có cái vui riêng của mình.
Riêng tôi, tôi thấy ngao ngán lạ. Tôi cũng mặc một chiếc quần trắng và một chiếc áo dài trắng. Chiếc áo rộng rãi không có kiểu, không có “co”, dài và rộng lụng thụng. Ngày trước, cũng bộ áo ấy nó che được thân hình thon thon và bộ ngực nở nang của mình, tôi thấy thật là kín đáo. Thế mà bây giờ, tôi lại thấy nó cổ lỗ làm sao. Nhưng nghĩ rằng thân phận mình là đứa mồ côi, đứng trong hàng ngũ mồ côi, cuộc sống âm thầm bên trong bốn bức tường trắng nên tôi lại không dám mơ mộng gì xa xôi.
Tôi theo chân bọn trẻ bước đi một cách chán ngán. Trăm mắt thiên hạ nhìn chúng tôi. Những lần trước, tôi thản nhiên một cách lạ. Nhưng dạo này, tự nhiên tôi lại thấy bối rối. Tôi mất cả sự bình tĩnh, lòng tôi hoang mang, tôi không dám nhìn thẳng vào bất cứ ai qua đường. Tôi muốn mặt tôi bớt đỏ đi, vì hình như má tôi nóng lắm. Tôi phải kéo cái nón nghiêng đi cho sụp xuống tận nửa mặt. Giá những lúc này tôi được nằm úp lên giường, để được khóc lên rưng rức thì hả cho tôi biết mấy.
Bé Phượng hình như quên mất tôi. Nó đi ở hàng trên, tay huyên thuyên chỉ trỏ. Điều đó làm bà phước Tâm không bằng lòng mấy. Cuối cùng bà phải ghé vào tai nó nói mấy câu. Tôi thấy mặt nó xịu xuống, từ đấy nó chỉ nhìn xuống đất, hình như nó nhớ đến nhà nó. Có lẽ nó cũng nghĩ đến đôi dép đỏ mà tôi đã hứa cho nó mang ngày nào. Vườn hoa hôm nay đông như mọi ngày. Đủ loại màu áo, đủ các hạng người qua lại. Trẻ con chạy tung tăng, hò hét. Bầu không khí náo nhiệt khác hẳn cuộc sống trầm lặng ở trong Viện.
Bọn mồ côi chúng tôi được dồn vào một bãi cỏ. Lũ trẻ cũng chỉ được chơi trong phạm vi ấy. Tôi cố tìm chỗ khuất nhất và quay lưng về phía đông người. Tôi rủ mấy đứa ngồi lại nghe tôi kể chuyện, để mặc bà phước Tâm săn sóc lũ trẻ ở phía đằng kia. Tôi biết làm như vậy là thiếu bổn phận với chúng nó, nhưng tôi muốn tránh xa tất cả mọi cặp mắt nhìn tôi. Tôi không hiểu tại sao tôi lại trốn tránh như vậy.
Nhưng câu chuyện tôi kể chỉ được chúng nó nghe có một lúc. Chán rồi chúng nó bỏ ra, chơi nhẩy dây với lũ trẻ. Chỉ có Phượng là vẫn ngồi bên tôi. Bé Phượng thông minh lắm. Nó biết tôi buồn nên nó gợi chuyện cho tôi nói. Nó kể chuyện chị Loan nó với tất cả nhiệt thành. Tuy vậy, tuyệt nhiên nó không tỏ ra vẻ gì là buồn bã. Tôi không tin rằng nó dễ quên thế, mà tôi chắc rằng nó đã dìm tâm sự của nó vào một cuộc sống riêng. Cái cuộc sống âm thầm chỉ sống trong những đêm thao thức. Lúc ấy tôi thấy bé Phượng chẳng bé tí nào. Nó cũng có vẻ đứng đắn ra rồi. Cho đến hôm nay tôi mới nhìn kỹ mặt nó lần thứ hai. Nó hơi gầy đi, má bớt bầu bĩnh, và hình như cặp mắt của nó có một vẻ gì người lớn ở bên trong.
Tôi nghĩ lại điều đó lần thứ hai khi trên đường về có tiếng gọi tên bé Phượng. Nó nhớn nhác nhìn quanh rồi tự nhiên đầu nó cúi xuống và lầm lũi đi. Thì ra bạn học của nó đã nhận ra nó, và hẳn nhiên nó đã cảm thấy cái tủi nhục khi phải xếp hàng ngũ đi một dẫy dài trong bộ quần áo mồ côi này. Cuộc sống của nó bây giờ với cuộc sống của nó ngày trước là cả hai sự riêng biệt. Ý thức được điều đó, tức là nó đã cũng đã cảm thấy nỗi khổ đau khi bỗng nhiên bị đưa vào căn nhà Phước Thiện tức Viện mồ côi này rồi.
Sự săn sóc chu đáo, giọng nói hiền từ của các bà Phước, sự vui vẻ của cuộc sống tập đoàn không đủ xóa bỏ được trong óc nó ý nghĩ rằng nó là đứa trẻ mồ côi. Cái tâm trạng ấy đã âm thầm giấu kín trong hầu hết bọn trẻ ở đây.
Đêm hôm ấy tuy nó vờ ngủ nhưng sờ vào mặt nó, tôi lại thấy đẫm lệ. Nó đã biết khóc thầm tức là nó đã hiểu cảnh ngộ của nó lắm rồi.
Ngao ngán, tôi bâng khuâng đứng tựa cánh cửa nhìn vào đêm trời không trăng sao. Tôi nghĩ rằng khoảng đất con con chật hẹp ở góc thành phố này là một thế giới xót xa, đầy nước mắt.
Giây phút vơ vẩn của tôi bị bà phước Nhân bắt được. Bà trách tôi dạo này hay mơ mộng, và bắt tôi phải cầu kinh dưới tượng Chúa.
Lòng tôi chưa dịu được bao nhiêu thì lại xẩy ra câu chuyện Liễu bỏ nơi này trốn đi.
Liễu là bạn cùng groupe với tôi. Nàng giúp bà phước Hòa trông coi lũ hài nhi bên salle (phòng) số 4. Trong lớp học, Liễu là người hiểu tôi nhất. Nàng có đôi mắt to, đen và thông minh lạ thường. Tôi vẫn phục nàng là người minh mẫn hơn tôi. Vì những bài toán sin, cos về trigo mà bà phước Hạnh ra trong lớp, tôi vẫn phải nhờ Liễu giảng lại một lần nữa mới thấu đáo. Liễu có một vẻ đẹp thùy mị, nết na, nhất là những lúc nàng buồn, cái buồn sâu sắc, kín đáo chứ không sôi nổi như tôi.
Hai năm về trước, Liễu ở với một bà thím. Cha mẹ nàng mất sớm. Năm mười bẩy, nàng bị ép lấy một ông đội góa, trong khi nàng yêu một thanh niên cùng lớp. Bởi vậy Liễu trốn ra khỏi nhà để xin vào đây. Trong những ngày đầu, nàng nhất định đòi đi tu. Nhưng đâu có dễ dàng được chấp nhận ngay. Nàng còn phải trải qua một thời gian dài thử thách.
Hơn nữa, hình ảnh người yêu của Liễu vẫn chưa phai mờ trong óc nàng, Những lần tâm sự với tôi, Liễu cho tôi biết tên chàng là Hoan,
Nếu câu chuyện chỉ có thế thì Liễu đã an phận với công việc hàng ngày của mình để ấp ủ mối tình lý tưởng. Nhưng trời trớ trêu đã đẩy Liễu xuống một hố sâu đen tối hơn nữa. Bởi vì khi dò biết nàng vào trong này, Hoan đã gửi rất nhiều thư cho Liễu. Và lẽ dĩ nhiên, không một lá thư nào đến được tay nàng cả. Bởi vì thư từ ở ngoài lọt vào đây đều phải qua phòng bà Nhân kiểm duyệt. Tai hại cho Liễn vì luật lệ khắt khe và tính tình khắc khổ của các bà phước, mối duyên của nàng đã bị bóp chết.
Cho đến một hôm cuối tháng trước, Liễu được bà phước Nhân gọi lên văn phòng tính sổ chi thu thay cho bà Nguyên ốm nặng. Vô tình Liễu đã tìm được một bức thư cuối cùng của Hoan trong tập hồ sơ để dưới ngăn kéo. Lá thư đề ngày hai mươi chín tháng tư năm ngoái. Tính ra đã được một năm, bốn tháng. Tôi xin mạn phép Liễu chép ra đây:
Hà Nội ngày 29 tháng Tư năm…
Thân gửi Liễu
Không hiểu làm sao từ khi gửi Liễu những lá thư trước, tôi có cảm tưởng rằng tôi đã được yêu. Và một tháng qua tôi đã sống trong niềm vui cuồng nhiệt của kẻ được yêu. Bao nhiêu mộng đẹp liên tiếp sống êm đềm trong óc tôi từng giờ, từng phút.
Nhưng cho đến bây giờ tôi mới biết tôi nhầm. Thái độ im lặng của Liễu đã làm cho tôi biết rằng tôi chỉ là người xa lạ trong tâm hồn Liễu. Đau đớn lắng mãi trong tâm tư tôi nhưng tôi không bao giờ trách Liễu, vì chắc Liễu giờ này đã tìm thấy nguồn vui, dưới chân Chúa.
Thế là hết một tháng qua. Một tháng xoa dịu hồn tôi biết bao nhiêu. Chỉ tiếc rằng ngắn ngủi quá. Tuy vậy tôi sẽ chẳng bao giờ quên được những giờ phút êm đềm đó.
Vĩnh biệt Liễu! Vĩnh biệt Liễu thân yêu nhất của đời tôi. Mong Liễu quên tất cả những lời lẽ trong thư mà tôi gửi lần trước và mong Liễu tha thứ cho tôi. Đó là lời cầu mong cuối cùng của tôi. Từ nay trong cuộc sống tình cảm của tôi, luôn luôn bao giờ tôi cũng cầu mong cho Liễu tìm thấy lẽ sống vững bền trong bốn bức tường trắng cao ngất ấy.
Chúc Liễu vui mạnh và vững chí trên đường tìm đạo.
Người đã vui, đã buồn vì Liễu
Hoan
Tôi không cần phải nói, chắc độc giả cũng đủ hiểu rằng Liễu của tôi đã khóc biết mấy. Tâm tính nàng thay đổi hẳn. Trước nàng dịu dàng bao nhiêu thì bây giờ hằn học bấy nhiêu. Nàng căm thù tất cả các bà phước. Suốt một ngày nàng nằm khóc rưng rức và bỏ tất cả công việc. Liễu đã đi đến một độ liều lĩnh. Và một hôm nàng trốn ra để không bao giờ trở lại.
Biết tin ấy bà phước Hòa thở dài không nói, bà phước Hạnh nhún vai ra vẻ khinh bỉ, chỉ có bà phước Nhân là thay đổi nét mặt, có lẽ bà ân hận về điều bà đã làm.
Tối hôm Liễu đi, có hai người lại quì dưới chân Chúa cầu nguyện cho nàng tới khuya. Đó là bà Nhân và tôi. Nhưng lời cầu của chúng tôi không tới tai Chúa. Vì ba tháng sau tôi nhận được một lá thư của Liễu. Trong ấy nàng kèm cả lá thư của Hoan và kể lại cho tôi nghe mối tình oan trái.
Và Liễu báo tin cho tôi biết rằng Liễu đã không gặp người yêu. Nàng đã đi làm gái nhẩy.
Đọc hàng chữ thân yêu của Liễu, tôi muốn khóc nhưng không còn nước mắt. Lòng tôi tan nát đến cùng độ rồi. Suốt hai ngày, tôi quên cả bé Phượng, quên cả tâm sự của tôi. Tâm trạng của tôi như tâm trạng một người ngơ ngẩn.
*
Tôi lấy lại được thăng bằng vào một buổi sáng đẹp trời. Nắng giãi vàng trên bồn hoa sân trước. Những nếp tường trắng toát chạy dài trong nắng sớm. Qua một đêm ngủ thiếp đi, tôi trở dậy, thấy người đỡ mệt mỏi. Như thường lệ, tôi xuống giúp bà phước Tâm chia cháo cho lũ trẻ, rồi đưa bé Phượng xuống phòng nữ công. Xong công việc, chuông mới reo báo giờ của lớp tôi vào học. Sự vắng mặt của tôi hai ngày qua làm bà Hạnh có vẻ khó chịu. Bà nhìn tôi cho tôi là đồng lõa với Liễu. Nghe chị Giang kể lại thì hôm qua và hôm kia, câu chuyện của Liễu đã được bà Hạnh đem ra làm đầu đề giảng luân lý cho cả lớp. Tôi tưởng tôi đã thoát được cái nạn ấy thì bà ta lại soi mói lần nữa.
Sau khi giảng chán chê thế nào là công, dung, ngôn, hạnh, thế nào là bổn phận của người thiếu nữ, thế nào là sự hư hỏng của việc đi theo trai, thấy tôi hờ hững, bà nhìn tôi dằn giọng:
– Chị Quỳnh! Chị nghĩ thế nào về câu chuyện ấy. Tôi coi chị có vẻ chán ngán về những lời tôi giảng lắm phải không? Chị nói đi, chị nghĩ thế nào về câu chuyện cô Liễu?
Người tôi run lên vì giận dữ. Tôi biết bà ta trù tôi. Mới đầu tôi muốn gây sự êm đẹp để giữ vững kỷ luật ở đây. Nhưng trước nỗi đau khổ của Liễu, tôi không muốn ai có quyền đả động đến Liễu. Bởi vậy tôi đứng dậy nói hết với tất cả lòng mình:
– Thưa bà, em đồng ý với bà rằng trên phương diện đạo lý, hành động của Liễu là hành động vi phạm đến luật lệ ở đây. Nhưng hoàn cảnh của Liễu không thể lấy đạo lý mà xét. Liễu đã làm theo tình cảm. Tuổi của Liễu là tuổi bồng bột, mới yêu đương, làm sao lòng Liễu chín chắn được như lòng bà.
Không hiểu sao hôm ấy tôi lại nói bạo thế. Tôi nói ra một lời mà không một ai dám nói. Bà phước Hạnh cũng như tất cả nữ sinh trong lớp đều tròn mắt nhìn tôi kinh ngạc. Rồi mặt bà Hạnh đang đỏ ửng trở nên xám ngoẹt đi. Tôi biết điều đó nhưng tôi bất cần. Tôi biện hộ cho Liễu say mê như là tôi giải tỏ lòng tôi. Tôi nói lên lòng của Liễu tức là tôi nói lên lòng tôi. Bao nhiêu u uất, bao nhiêu hậm hực, bao nhiêu tủi nhục của những thiếu nữ bạc phận như tôi, tôi trút ra hết. Và khi nói xong, tôi thấy mệt lả. Trong một giây phút bồng bột tôi đã làm quá sức của tôi, quá cái giới hạn khắt khe của chốn này. Rồi tôi ngồi xuống, gục đầu vào cuốn vở khóc lên rưng rức. Tôi không còn nghe thấy tiếng lao xao của các bạn, tiếng giận dữ của bà phước Hạnh. Mang máng bên tai, tôi nghe hình như bà ta nói nhiều lắm. Buổi học vì thế phải bỏ giở nửa chừng vì bà Hạnh không thể giảng bài được nữa. Tôi lảo đảo theo Giang về phòng.
Lúc ấy mới hơn chín giờ. Lòng tôi tan nát quá. Bao nhiêu tư tưởng quay cuồng trong óc tôi. Tôi nghĩ đến Liễu, đến tôi, đến Phượng đến tất cả những người đồng cảnh ngộ như tôi. Rồi hình ảnh bà phước Nhân, bà Tâm, bà Hạnh và tất cả những lề lối sống chật hẹp u uất ở đây hiện ra và biến đi không biết bao nhiêu lần. Sự hoang mang, sư tủi nhục và hối hận đến cấu xé lòng tôi. Cả buổi sáng hôm ấy tôi bỏ cả công việc. Cho đến khi nghe tiếng lao xao của lũ trẻ sau giờ tan học, tôi mới trở dậy vì tôi không muốn cho chúng nó thấy rõ tâm trạng của tôi. Tôi vuốt lại mái đầu trước một tấm cửa kính. Tôi thấy mặt tôi hốc hác, mắt thâm quầng. Nhưng lần này tôi không dám nghĩ gì thêm cả…
Bé Phượng đến với tôi với một nụ cười tươi như hoa. Tháng này nó lại đứng thứ nhất. Nó ôm lấy cổ tôi, nói huyên thuyên một lúc rồi như nhận ra mắt tôi còn ngấn lệ, nó ôm lấy tôi thủ thỉ:
– Chị thương em lắm phải không? Chị đừng buồn nhé, em vẫn vui đấy thôi.
Tôi chỉ áp má tôi vào má nó mà không đáp.
Buổi chiều hôm ấy khi đã lên đèn, bà Nhân mới cho gọi tôi. Tôi ngập ngừng bước ra cửa. Bây giờ thì tôi hoang mang lắm rồi. Óc tôi chẳng có gì chủ định. Tôi bước vào cửa buồng bà với một sự thờ thẫn. Nhưng rồi tôi nghĩ rằng việc gì đến nó cũng phải đến, cũng vì vậy tôi lại cảm thấy vững lòng hơn.
Bà Nhân đón tôi với một vẻ mặt lạnh hơn mọi ngày. Bà không nhìn tôi, nhưng giơ tay ra hiệu cho tôi ngồi xuống một cái ghế. Tất cả căn phòng chìm trong im lặng. Bà ta đang lâm râm cầu kinh. Hành động của bà như vậy càng làm mềm lòng tôi hơn. Nhất là khung cảnh tịch mịch lúc bấy giờ sao mà bi thảm thế. Qua khung kính cửa sổ, bên ngoài trời ngả mầu tím sẫm. Những bức tường dài nằm im lìm dưới ánh đèn vàng vọt. Âm thanh ở thành phố vẳng về nghe mơ hồ quá. Bãi cỏ rộng mênh mông đằng trước mang một vẻ chán nản đến rợn người. Lòng tôi se lại và thấy lúc ấy là lúc tốt nhất để bà Nhân kéo tôi về chân Chúa. Tôi lo lắng nhìn bà. Giây lâu bà mới dịu dàng quay lại và êm ái bảo:
– Quỳnh! Ta đã biết câu chuyện buổi sáng và hiểu rõ tâm trạng của con. Con khao khát không khí bên ngoài lắm phải không? Con có muốn ra ngoài không?
Tôi không ngạc nhiên về câu nói ấy. Tôi thừa rõ bà ta nói như vậy vì bà biết tôi không bao giờ dám xin ra. Sự thoát khỏi cánh cổng sắt cao vòi vọi kia đối với tôi là một sự xa xôi quá. Viễn vọng khao khát cuộc sống bên ngoài chỉ như một cái bóng chập chờn trước mắt tôi, khi ẩn khi hiện, tôi chỉ thấy mà không nắm được, không bao giờ nghĩ đến chuyện nắm được.
Sự im lặng của tôi làm bà có cử chỉ thân mật với tôi hơn. Bà kéo tôi ngồi xuống mép giường của bà để suốt buổi tối hôm ấy bà kể chuyện cho tôi về tâm trạng hai mươi mấy năm về trước của bà. Bà vạch cho tôi thấy những nỗi khổ của người đi lầm đường và xa Chúa, sự bất hạnh của những kẻ không dâng linh hồn cho Chúa. Nhưng những lời ấy tôi nghe đã bao nhiêu lần rồi và tôi chỉ cảm thấy lòng mình lúc ấy trơ lạ. Lời khuyên của bà không rung động được tôi nữa. Óc tôi miên man đeo đuổi từ tư tưởng này sang tư tưởng khác. Có lúc rối như mớ bòng bong, có lúc trở nên loãng đến độ mà tôi tưởng óc tôi không chứa một cái gì nữa.
Gần mười giờ, bà cho phép tôi về phòng sau khi ân cần dặn tôi phải cầu kinh để tìm được niềm tin dưới chân Chúa.
Tháng Tám năm ấy, chúng tôi sửa soạn làm lễ kỷ niệm ngày thành lập Cô Nhi Viện. Sự sửa soạn của chúng tôi có tính cách quan trọng. Bởi vì nhân dịp ấy, chúng tôi còn quyên tiền của những quan khách được mời tới dự. Bà Nhân đã thảo chương trình từ một tháng trước. Buổi hôm đó sẽ đầy đủ cả Ca, Vũ, Nhạc, Kịch. Học trò lớp Nhất của tôi phải phụ trách đóng một vở. Tôi băn khoăn mãi về cái đề tài tôi sẽ chọn cho chúng nó. Dĩ nhiên rằng trong tạp chí “Coeur Vaillant” lưu hành trong trường không thiếu gì đề tài khuyến khích lòng can đảm của tâm hồn trẻ. Nhưng bà Nhân lại muốn nhằm vào lòng từ thiện của các vị quan khách, cho nên vở kịch phải có tính cách tuyên truyền. Bởi vậy tôi phải lên tìm Hồng người bạn thường có nhiều sáng kiến của lớp tôi. Hồng viết cho tôi một vở kịch, trong đó tả nỗi khổ của em bé mồ côi, bơ vơ trong một đêm mưa gió, cầu mong sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và cuối cùng em đó được đưa vào trại Cô Nhi này. Tôi không hài lòng lắm về vở kịch đó, vì tôi không muốn đem sự khổ nhục của chúng tôi ra cầu xin lòng thương của người khác. Nhưng để vừa ý bà Nhân, tôi bắt buộc phải cho chúng nó tập vở kịch đó. Tôi chọn con Ban đóng vai đứa trẻ. Nó là một con bé gầy gò, ốm yếu, dáng điệu dễ thương lạ. Vừa ngây ngô, vừa bé bỏng, lại thêm cặp mắt lúc nào cũng như cầu mong một sự che chở, tôi đoán nó sẽ làm rung động được nhiều khán giả. Nhưng con bé nhất định nằng nặc từ chối vì sợ nhất là phải ra trước đám đông. Tôi phải dùng uy quyền của tôi để bắt ép nó. Điều ấy làm tôi ân hận và thương hại nó. Nhưng công việc bắt tôi phải làm như thế.
Tôi không ngờ nó thành công đến thế. Nó lột được một cách rất tự nhiên, rất tế nhị sự đau khổ trong vai trò của nó. Nhưng vai của nó càng nổi bao nhiêu, tôi càng khổ sở bấy nhiêu. Trong những “sen” (scène) nó ôm lấy mẹ nó khóc sướt mướt dưới mái hiên một đêm trời lạnh gió, nó gào lên khi mẹ nó chết, tôi có cảm tưởng rằng đó là màn kịch sống diễn ra trước mắt. Bởi vì ngày xưa, bọn chúng tôi cũng cùng một hoàn cảnh ấy, mất cha, mất mẹ, nhục nhã ê chề mới có ngày nay. Cũng bởi vậy nên đến hôm dượt tổng kết, có nhiều đứa xem vở kịch đã bật ra tiếng khóc. Những sự đau khổ của chúng tôi sau bao nhiêu năm im lìm trong cuộc sống kín đáo bây giờ bật ra như cái nút tức hơi. Và chính tôi cũng phải rơm rớm nước mắt.
Tối hôm khai mạc, hai cánh cửa sắt bên ngoài mở rộng. Đèn giăng như sao sa. Chiếc sân cỏ im lìm mọi ngày trở nên tưng bừng náo nhiệt. Những tiếng chân dẫm lên sỏi lạo sạo. Tiếng cửa xe hơi mở ra đóng vào sầm sập. Hàng quà bánh rao inh ỏi. Trong khung cảnh ấy lòng chúng tôi không khỏi bâng khuâng và nao lên một niềm vui khó tả. Tôi lẩn quẩn trong buồng trò giúp bà phước Hòa hóa trang cho lũ trẻ. Phấn sáp bầy la liệt trên bàn. Tranh thủ được mấy thứ đó, bà phước Hòa đã phải biện lẽ với bà Nhân mất hơn nửa giờ. Ý bà Nhân muốn cho chúng nó trình diễn một cách mộc mạc. Càng mộc mạc bao nhiêu, khán giả càng thông cảm với chúng bấy nhiêu. Nhưng bà Hòa không nghĩ thế. Bà muốn tỏ cho người ta biết bọn chúng tôi có thể tổ chức không thua kém gì bên ngoài. Nhất là mấy màn múa trong nhạc cảnh Thiên Thần Mừng Chúa sinh ra trong hang Bê Lem. Nếu sân khấu chơi đèn xanh nhạt mà không có phấn sáp, mặt chúng nó sẽ khó coi. Bà Nhân đành phải bỏ ra tới hai trăm đồng mua phấn, son.
Bà Hòa đánh phấn thạo lắm. Bàn tay mềm mại của bà xoa nhanh trên má chúng nó một cách rất nghệ thuật. Điều đó làm cho tôi đoán thêm rằng ngày xưa bà cũng đã có một thời sống trên nhung lụa của xã hội bên ngoài. Nhìn nét mặt thoáng một vẻ trầm tư của bà, tôi chắc bà đang nghĩ tới một điều gì đau khổ. Riêng tôi chưa bao giờ được cầm những thứ ấy. Mùi hương thoang thoảng qua mũi tôi, làm tôi thấy rạo rực. Một ý tưởng khao khát mơ hồ thoáng qua óc tôi, tôi phải xua đuổi đi ngay và tôi thấy ngượng với lòng mình. Còn lũ trẻ thì thích lắm. Chúng nó ngắm nghía mãi bộ mặt đánh phấn và soi gương với một vẻ thích thú. Tôi muốn chia vui với chúng nó nhưng không hiểu sao lòng tôi lại thấy buồn và cũng vì thế mà tôi có vẻ mặt tư lự.
Quan khách bên ngoài hình như đã đến đông đủ, và ban nhạc Trường Mù đã bắt đầu dạo nhạc. Âm thanh sôi nổi của những chiếc clarinette, accordéon xen lẫn tiếng trống, tiếng bạt vang lên rộn rã. Tôi liên tưởng ngay đến cuộc sống hiện thời của Liễu, đến những bức tường đỏ như máu, đến ánh đèn néon gay gắt của những tiệm dancing. Lúc ấy lòng tôi tràn ngập thương Liễu. Nhưng tôi lại nghĩ rằng không biết hiện tôi thương Liễu hay chính Liễu đã đang thương hại cho cuộc sống của tôi. Cũng vì vậy mà óc tôi lại bắt đầu miên man suy nghĩ. Tôi phải vội quay ra tìm bé Phượng để cắt đứt những ý nghĩ vơ vẩn ấy.
Tôi gặp Phượng trong lúc nó đang tập hát ở buồng dưới. Tôi không ngờ nó hát hay thế. Giọng nó như chim hót. Nếu nó được luyện tập hẳn hòi thì nó cũng chẳng kém gì những nhạc sinh trong ban đồng ca bên Nhà Thờ Lớn. Hôm nay bé Phượng hát bài “Chân trời hào quang” của bà Cécile bên nhà Dòng. Nhìn bộ mặt của nó đánh phấn vào nom xinh tươi như đứa con cưng của một gia đình quí phái. Rồi tôi phảng phất hình dung được hình ảnh chị Loan của nó. Không hiểu sao tôi vẫn có cái ấn tượng rằng Loan đẹp lắm. Có lẽ điều ấy tôi bị ảnh hưởng qua tâm hồn trong sáng của bé Phượng.
Thấy tôi, Phượng giang hai tay ra chờ tôi ôm lấy nó. Tôi ép nó vào lòng tôi như trút cả lòng yêu thương dành cho nó. Hình như tôi có cảm giác rằng Phượng đối với tôi còn thân hơn tình chị em ruột.
Tôi và Phượng dẫn nhau ra phía sân khấu. Ghé tấm màn nhìn ra ngoài, tôi thấy khán giả đã đến đông nghẹt trên tất cả các hàng ghế. Tôi nhận thấy có ông bà Thị trưởng, ông phó Thị trưởng, ông bà Giám Đốc, vài bà Y tá, cùng rất đông các Cha, các Soeur bên nhà Dòng.
Chợt bé Phượng đập tay vào tôi như khám phá ra một điều lạ. Theo tay nó chỉ, tôi thấy con Nguyệt đang ngồi bên ba má nuôi nó. Hôm nay nó diện thật. Nó mặc váy đầm và đầu đã phi- dê ( friser=uốn quăn). Tay nó cầm một cái kẹo mút, thỉnh thoảng nó lại đưa lên miệng với tất cả vẻ sung sướng, đầy đủ. Nó đã thay đổi hoàn toàn từ khi ra khỏi nơi này. Mặt nó bầu bĩnh ra, trắng trẻo và xinh xắn hơn trước nhiều. Tôi cũng lấy làm mừng cho nó. Kể ra nó cũng tốt số hơn lũ trẻ ở đây. Tôi cầu mong cho nó được như vậy mãi.
Bé Phượng đứng bên tôi đã chạy đi từ lúc nào. Một lát tôi thấy nó kéo con Dung trở lại Mặt con Dung hình như có vẻ cảm động lắm. Tay nó run run kéo tấm màn nhìn ra ngoài. Bé Phượng bảo:
– Dung gọi Nguyệt đi.
Con Dung chỉ nhìn ra mà lắc đầu. Hình như nó muốn khóc. Tôi thông cảm với cái buồn của nó. Bây giờ thì con Nguyệt đã xa hẳn nó rồi. Chúng nó không còn là đôi bạn đồng cảnh ngộ. Trong hai thái cực khác hẳn nhau, nó là đứa ở dưới mà con Nguyệt là đứa đứng trên. Điều đó làm lòng tôi se lại. Hình ảnh con Nguyệt với bộ quần áo mồ côi sẽ không còn ở lại trong óc Dung, để mà nhớ nhung, để ôn lại những kỷ niệm nữa. Nó đã mất hẳn hình ảnh người thân yêu nhất trong đời mồ côi của nó rồi. Tôi thấy nó tần ngần một lát rồi lùi lũi ra sân, đi vào trong bóng tối. Từ lúc ấy tôi không thấy bóng nó nữa, mãi sau này, mười một giờ đêm khi tan cuộc vui trở về, tôi mới biết nó đã ngủ trên giường. Bên cạnh nó là cỗ chuyền cũ kỹ của con Nguyệt.
Nhưng tôi không có thì giờ để bận tâm đến điều đó, vì bà Phước Nhân đã cho người đi gọi tôi. Tôi vội rời bé Phượng để xuống gặp bà ta ở buồng dưới. Hình như bà có điều gì giận dữ lắm. Ngang qua cái sân nhỏ, tôi đã nghe thấy bà đang to tiếng. Vừa gặp tôi, bà hỏi ngay bằng giọng gay gắt:
– Con Thu đâu?
Tôi ngơ ngác nhìn bà ta lắc đầu. Người bà dẫy lên đầy vẻ nóng nẩy. Thu là một đứa học trò trong lớp tôi. Nó giữ nhiệm vụ phải đọc bài chúc từ ngày hôm nay. Gần tới giờ khai mạc rồi mà mất hút nó. Bọn chúng tôi nháo lên đi tìm. Thì ra nó đã về giường nằm từ lúc nào. Mấy đứa chúng tôi xúm lại kéo nó dậy. Mắt nó hơi đỏ. Bọn chúng tôi không biết nó khóc về chuyện gì. Hình như nó vừa cãi nhau với con Vân và bị con Vân nói móc một câu gì nặng lắm. Nhưng lúc ấy chúng tôi chỉ biết lôi nó dậy. Tuy vậy nếu không có mặt bà Nhân ở đấy thì nó đã bỏ giở công việc rồi.
Là đêm vui mà lòng chúng tôi chán ngán làm sao. Chúng tôi len lén nhìn bộ mặt giận dữ của bà Nhân. Trong căn phòng ngủ vắng vẻ ấy, bà mắng con Thu không tiếc lời. Bởi vậy con Thu càng khóc dữ. Tôi phải an ủi nó bằng những lời dịu dàng. Tôi lau nước mắt cho nó và đẩy nó ra ngoài sân khấu.
Bộ mặt bi thảm của nó, với cặp mắt còn ngấn lệ, chúng tôi không ngờ lại phù hợp với bài chúc từ của nó thế. Nó đã làm mủi lòng nhiều quan khách. Phía hàng ghế các bà sang trọng tôi thấy có một vài người chấm nước mắt. Mỗi người hiểu bộ mặt ảo não của nó một cách khác. Bà Nhân thì cho nó trẻ con, hễ hơi động vào là khóc, khán giả thì tưởng rằng nó khóc vì hoàn cảnh khổ sở của nó. Nhưng riêng bọn tôi thì chúng tôi thông cảm với nó hơn. Tôi biết rằng nó khóc vì tủi thân, vì có người moi móc đến những cái cơ cực của lũ trẻ mồ côi. Chẳng riêng gì nó, trong hoàn cảnh ấy chúng tôi cũng khóc.
Nhưng phút đầu tiên dầu sao cũng chót lọt. Tất cả chúng tôi đều vui mừng. Và từ đấy trở đi, bọn chúng tôi được hoan nghênh nhiệt liệt.
Tuy vậy hôm nay con Ban không làm trôi vai của nó bằng hôm diễn thử. Điều ấy cũng không có gì lạ. Bởi vì tâm trạng của nó hình như đã nhiễm tính chất kịch ở bên trong. Nó không còn những xúc cảm mãnh liệt của những phút đầu tiên khi nhắc đến một người mẹ. Nhưng các bà phước không nghĩ như thế. Mấy hôm sau này, khi bàn tán đến buổi vui, các bà vẫn cho nó không giữ được bình tĩnh để làm giảm giá trị của vai trò.
Một sự tình cờ làm cho chúng tôi thành công hơn trong buổi tổ chức.
Trong màn đơn ca bản “Lá lành đùm lá rách” của nhạc sĩ Thẩm Oánh do bé Nga lên sáu tuổi ở dưới lớp Năm trình diễn, đáng lẽ Giang phải ra đệm đàn cho nó, thì năm phút trước khi ra trình diễn, Giang thử đàn làm đứt mất một dây. Bởi thế con bé phải ra một mình trước sân khấu. Hình dáng tí teo của nó như lạc lõng trước sự im lặng của hàng ngàn khán giả. Nó bé, người ta đã yêu nó rồi, sự côi cút của nó làm người ta lại càng thương nó hơn. Chính chúng tôi cũng nhận thấy rằng sự có mặt của Giang sẽ làm giảm đi nhiều ý nghĩa.
Điều đó làm cho tôi nhớ đến quang cảnh bận rộn với những tiếng khóc của lũ hài nhi bên salle số 4. Sự đau khổ đến với đời chúng nó quá sớm. Nhưng thà rằng cứ được bé như chúng nó mãi thì có lẽ kiếp mồ côi của chúng tôi sẽ đỡ khổ hơn.
Mười một giờ, màn chót hạ xuống và khán giả ra về trong bản nhạc tạm biệt. Mọi người đổ ra cổng chen nhau như sóng nước. Nhưng khung cảnh ồn ào ấy lần này gieo vào lòng chúng tôi một cảm giác bâng khuâng.
Cho đến khi trong giảng đường chỉ còn tiếng chân đi lại dọn dẹp, lòng chúng tôi lại cảm thấy trống rỗng hơn. Không gì uể oải bằng những giây phút tàn một cuộc vui. Hoa giấy vương bừa bãi. Căn phòng lúc nãy chật chội và ấm áp bao nhiêu thì bây giờ rộng rãi và vắng lặng bấy nhiêu. Dẫy đèn bao quanh sân khấu đã tắt hết. Bây giờ chỉ còn ánh sáng vàng vọt đổ dài trên những tấm vách. Mầu đen thẫm, nhạt in trên tường lại nhắc chúng tôi nhớ tới những buổi tối sau giờ cơm trở về phòng học.
Tôi lại bắt đầu nghĩ đến cuộc sống buồn nản, dài như hàng thế kỷ ở đây.
Tôi không muốn kể ra đây toàn những chuyện đau lòng. Nhưng cuộc sống mồ côi của chúng tôi chỉ là cuộc sống âm thầm ray rứt trong muôn ngàn nỗi khổ. Rất ít khi chúng tôi được vui, mặc dầu cái vui mong manh và thật tầm thường.
Cứ mỗi lần rặng sấu ở vườn sau rụng hết lá và nhìn những cành khô khẳng khiu in trên nền mây vẩn đục là bọn chúng tôi đã bắt đầu lo tới mùa lạnh. Ai thấu được nỗi khổ của chúng tôi trong những tháng ròng rét như cắt ruột. Quần áo của chúng tôi chẳng có bao nhiêu. Hàng ngàn lũ mồ côi chúng tôi chỉ trông chờ vào lòng bác ái của những nhà từ thiện. Tôi đã sống trong những năm khi gió bấc trở về, lòng chúng tôi xiết bao vui mừng và cảm động đếm những bọc quần áo tuy chẳng lành lặn nhưng đối với chúng tôi cũng đầy đủ biết mấy. Đã có lần chúng tôi cảm động rơi nước mắt khi chứng kiến những đoàn Hướng Đạo trong gió rét căm căm đẩy những chiếc xe bò chất đồ cao ngất ngưởng tiến vào trong Viện. Trong bọn chúng tôi chỉ có Hòa là đáng thương nhất. Hòa ngồi dưới tôi một bàn. Người nàng đen và gầy một cách thảm hại. Bệnh suyễn âm thầm xâu xé đời nàng từ ngày tôi mới bước vào đây. Đã tám năm rồi, tám mùa đông lạnh lẽo mang đến cho Hòa biết bao nhiêu nỗi khổ. Tuy được dành riêng một chiếc áo len mặc trong và một chiếc áo dạ mặc ngoài mà chẳng hôm nào tôi không thấy Hòa ho sù sụ. Ngồi bàn trên nghe Hòa thở dốc, có lúc đờm kéo lên cổ khò khè, tôi có cảm tưởng như nàng là một con vật đang bị chọc tiết. Trong căn phòng học im lặng, chỉ có tiếng gió lùa qua khe cửa, cùng những tiếng lá cây rào rạt bên ngoài, hơi thở của Hòa gieo vào lòng chúng tôi những cảm giác xót xa vô hạn. Có những lúc quàng tay qua vai nàng nhìn nước mắt của nàng dàn dụa, tôi đã được nghe Hòa nói, tiếng nói của người thất vọng:
– Chán đời muốn chết chị Quỳnh ạ!
Tôi chẳng biết trả lời làm sao. An ủi Hòa những gì bây giờ đây? Với Hòa là một người đã lớn, đã suy nghĩ, tất nhiên chẳng thể mang cái “Viễn tượng tương lai” ra để mà nói với Hòa. Nhưng bây giờ tôi mới biết rằng tôi lầm. Tôi không thể hiểu được tâm trạng Hòa lúc ấy. Sự mồ côi của Hòa có khổ thật nhưng bệnh suyễn của nàng lại làm nàng khổ hơn. Tôi chắc là lúc sinh thời, ước vọng của nàng là chỉ mong cho khỏi bệnh, mong được làm những đứa bé mồ côi khỏe mạnh như chúng tôi. Điều ấy khiến tôi nghĩ rằng tôi vẫn còn là người sung sướng và bên tôi còn biết bao nhiêu người phải đau khổ hơn.
Tôi tiếc rằng khi tôi hiểu ra điều ấy thì đã muộn. Vì bây giờ Hòa đã hóa ra người thiên cổ. Hòa vĩnh biệt chúng tôi vào một buổi chiều cuối đông trong Cô Nhi Viện mà hình ảnh giây phút cuối cùng của đời nàng vẫn in sâu trong óc tôi. Quanh giường Hòa lúc ấy có bà Nhân, bà Tâm, tôi và ba người bạn cùng lớp. Hòa nằm dài trên giường sắt, mắt nhắm nghiền như ngủ mê man. Mình nàng mặc chiếc áo dạ tím ngày thường, tóc nàng phủ lòa xòa xuống má, tay nàng còn cầm cuốn kinh đọc giở. Nếu không sờ vào da thịt nàng, tôi sẽ không ngỡ rằng nàng đã chết. Trong giây phút ấy, tôi mới thấy cái chết đến gần với người ta quá. Hai sự khác biệt chẳng cách xa bao nhiêu. Chỉ hai tay buông xuôi, mắt nhắm nghiền đầu óc không còn nghĩ ngợi được là người ta đã tìm được sự sống ở thế giới bên kia. Và lần ấy cũng là lần đầu tiên tôi nghĩ đến cái chết. Tôi tưởng tượng ra được cái thế giới đơn độc trong bốn bức tường trắng này, xa những bộ mặt khắc khổ của các bà phước, những tâm tình hỗn loạn của lũ mồ côi, những giờ phút khắt khe đều hòa như một bộ máy, những buổi hoàng hôn âm thầm lặng lẽ đến rợn người, có lẽ tôi đã tìm được sự giải thoát. Nhưng tôi lại hình dung đến bé Phượng, đến khuôn mặt bầu bĩnh ngây thơ của nó, tôi lại thấy tôi không thể xa được chốn này. Điều ấy khiến tôi nghĩ rằng như vậy tôi chưa hẳn là côi cút hoàn toàn vì vẫn có những con người ràng buộc lấy tôi một cách vô cùng tha thiết. Và rồi, tôi lại thương Hòa hơn. Tôi cúi xuống vuốt cặp mắt thâm quầng của nàng, kéo chiếc áo dạ cho ngay ngắn. Cả đêm hôm ấy tôi cùng Giang xuống nhà dưới ngồi ủ rũ bên xác Hòa cho đến sáng.
Sáng hôm sau, đám ma của Hòa cử hành một cách lặng lẽ. Theo vết xe tang, chỉ có tôi, bé Phượng, Giang, vài người bạn cùng hai bà phước. Chúng tôi đi trong yên lặng. Mây bàng bạc, u ám phủ khắp trời. Gió ngoài nghĩa địa thổi lồng lộng. Nhưng chúng tôi không nghĩ đến cái rét mà chỉ nghĩ đến sự cô đơn của Hòa từ nay ở nơi vắng vẻ này. Mầu trắng lạnh lùng của những cây Thánh giá trên những dẫy mộ, những vòm cây xơ xác lá in sững trên nền trời vẩn đục. Gió căm căm từ phía đồng thổi lại gieo vào lòng chúng tôi biết bao nhiêu tê tái. Hai người phu mộ làm công việc của họ một cách gọn gàng và nhanh chóng. Tiếng cuốc, thuổng cắm vào lòng đất thình thịch vang lên trong yên lặng. Mặt họ thản nhiên một cách lạ lùng nhưng chúng tôi thì không ngăn nổi nước mắt. Mỗi nhát xẻng nặng nề đổ xuống là chiếc quan tài trắng của Hòa lại bị phủ kín dần. Cho đến khi ngôi mộ đã được đắp thành hình xinh xắn thì lòng chúng tôi càng trở nên bàng hoàng hơn. Tôi không tin rằng có Hòa ở dưới ấy. Tại làm sao Hòa lại nằm trong lòng đất. Ngày hôm qua, hôm kia Hòa còn nói với chúng tôi, còn cười với chúng tôi, để ngày hôm nay cho tới mãi mãi chúng tôi sẽ chẳng còn bao giờ gặp Hòa nữa hay sao? Nhưng sự thật thì chính Hòa đã yên chỗ rồi, chính mắt chúng tôi đã được chứng kiến người ta vùi Hòa trong lòng đất. Nghĩ như vậy chúng tôi đều bật ra tiếng khóc và bây giờ, tôi mới lại nhận ra rằng Hòa vĩnh biệt chúng tôi trong êm ả nhưng đã để lại trong lòng chúng tôi biết bao nhiêu cay đắng.
Trên đường về, chúng tôi đi trong bầu không khí càng yên lặng hơn. Lá vàng xơ xác rung trên con đường nhựa trắng quanh co. Mấy vòng hoa tơi tả hãy còn phủ trên vài ngôi mộ. Tôi nghĩ rằng từ nay Hòa sẽ chỉ làm bạn với những vật vô tri ấy. Và cũng vì thế, tôi chợt nhớ ra rằng trên ngôi mộ Hòa không có lấy một vòng hoa.
Sau cái chết của Hòa, lớp học của chúng tôi đã yên lặng, lại yên lặng hơn. Bọn chúng tôi như cảm thấy thiếu một cái gì. Ngày trước nghe tiếng ho sù sụ, tiếng hơi thở khò khè yếu đuối của Hòa, lòng chúng tôi se sắt lại, nhưng bây giờ thiếu những âm thanh quen thuộc ấy, chúng tôi còn thấy xót xa hơn.
Tôi không thân với Hòa, ít tâm sự với nàng, nhưng sao cái chết của nàng ảnh hưởng nhiều đến tâm tình tôi thế. Có lẽ rằng tôi đã thông cảm cùng Hòa qua cảnh ngộ. Vì cảnh ngộ Hòa là cảnh ngộ của lớp người chúng tôi, của những thiếu nữ sống âm thầm lặng lẽ, thiếu tất cả mọi tình thương.
Ai có thể tưởng tượng được lòng xót xa của chúng tôi trong những ngày giá lạnh. Chủ nhật, chúng tôi không đi ra ngoài nữa. Sau bữa ăn sáng, chúng tôi ngồi túm năm, tụm ba trong từng góc giường, mình thu trong chiếc mền mỏng. Chúng tôi cố nói chuyện cho quên rét, Cũng có lúc chúng tôi được bộc lộ ra những tiếng cười vô tư, ròn rã. Lúc ấy chúng tôi quên hết sự đời và chỉ kể cho nhau nghe những mẩu tâm tình nho nhỏ.
Tuy vậy, giây phút sung sướng ấy chẳng bao giờ kéo dài trọn buổi. Tiếng khóc của lũ hài nhi bên salle số 4, tiếng ho rũ rượi của một vài người yếu phổi, những nước da tái ngắt, những cặp môi xám xịt của mấy đứa nhỏ co ro đi lại trong phòng. Tất cả vẫn như những ấn tượng xót xa làm cho chúng tôi không thể nào quên được thực tế!
Đêm tối chúng tôi nằm ôm nhau ngủ, tuy luật lệ ở đây không cho phép như vậy. Nhưng gió bên ngoài lạnh lùng, heo hắt lùa qua khe cửa, chiếc mền mỏng của chúng lôi không đủ sưởi ấm làn da lạnh ngắt. Vì vậy hai ba đứa cứ rúc vào một giường để truyền lấy hơi ấm cho nhau.
Tôi thương nhất là bé Phượng, tuy nó cũng được phát một cái áo len dài và rộng, nhưng đêm nào tôi cũng ôm chặt nó vào lòng, hai chị em quấn lấy nhau mà ngủ.
Có những đêm bàng hoàng tỉnh dậy, hơi ấm dịu dàng tỏa khắp chiếc chăn, tôi không khỏi thấy lòng rạo rực. Sự khao khát một cảnh gia đình êm ấm trong những đêm đông lạnh lẽo khiến tôi trằn trọc. Có những lúc tôi ghì lấy Phượng, không hiểu rằng trong óc tôi muốn nó là người khác phái, hay vì tôi quá đau khổ nên phải làm những cử chỉ phũ phàng. Chỉ biết rằng những lúc đó, nước mắt của tôi dàn dụa ướt hết cả một bên mái tóc Phượng. Trong giấc ngủ li bì, nó không biết được nỗi khổ của tôi và tôi chắc nó đang nằm mê thấy một khung cảnh thần tiên xa lạ.
*
Buổi chiều đông trong cô nhi viện sao mà buồn đến thế. Trận mưa lúc chập tối làm sân cỏ vũng nước. Trời u ám, nặng nề thỉnh thoảng lại lóe lên vài tia chớp. Tiếng chẫu chuộc bên hồ đua nhau gieo từng tiếng rời rạc. Giun dế ngoài tường rên rỉ kêu nghe não nuột. Ngồi tựa hàng hiên trong này đón nghe từng tiếng ô tô ngoài kia vụt qua tung tóe nước, lòng tôi trống rỗng lạ lùng.
Tôi cảm thấy đời chúng tôi thiếu thốn nhiều quá. Trong những đêm như đêm nay, khi mọi người vui trong cảnh ấm cúng thì chúng tôi sao vẫn lạnh lùng. Sự khao khát xâm chiếm lòng chúng tôi một cách mãnh liệt Nhưng lần này tôi thả lỏng hồn tôi đi theo sự khao khát ấy mà không xua đuổi. Tôi nghĩ đến một căn phòng ấm cúng có đầy đủ gia đình đoàn tụ dưới ánh đèn xanh dịu. Tôi tưởng tượng tôi người vợ ở trong gia đình ấy. Cũng có lúc tôi nghĩ rằng tôi sẽ là cô con gái cưng đầu lòng được nâng niu, chiều chuộng. Cứ mỗi lần tưởng tượng như vậy tôi lại thấy những cảm giác êm đềm đi qua lòng mình.
Rồi những lúc nhìn thấy ánh đèn đỏ của một chiếc xe đạp thấp thoáng ngoài cổng sắt, tự nhiên tôi muốn theo dõi ánh đèn đó. Tôi tưởng tượng đó là hình ảnh của tôi đạp xe trở về trong một đêm mưa tối. Tôi nghĩ rằng mình sẽ dừng lại ở một chiếc cổng xinh xắn nào để đón lấy một cử chỉ âu yếm, nồng nàn của một người mà tôi chỉ thấy mơ hồ, phảng phất.
Nhưng ý nghĩ dịu dàng ấy chỉ kéo dài trong óc tôi không đầy nửa phút. Khi ánh đèn đã khuất hẳn trong lùm cây, hay tắt ngấm sau một chỗ quẹo, tôi lại bừng tỉnh dậy để chống lại một cảm giác xót xa nhói lên ở ngực. Tôi bâng khuâng buông một tiếng thở dài. Những lúc ấy tôi phải tìm ngay bé Phượng để gây ở nơi nó một chút gì an ủi.
Bé Phượng dạo này ngoan ngoãn lạ. Nó ít nói nhưng không lầm lì. Tôi gặp nó cười luôn, cái cười không ẩn một điều gì đau khổ. Nó đã quen với cuộc sống ở đây rồi. Hàng ngày nó cắm cúi tập đan. Không hiểu nó xin ở đâu được cuộn len cũ, có lẽ chị Giang cho nó. Bây giờ nó đã đan được mũ và bít tất. Mỗi lần hoàn thành xong một chiếc, nó ngắm nghía mãi và đem khoe tôi. Rồi nó lại tháo ra để kiên nhẫn đan lại. Có một cuộn len nhỏ ấy, không biết nó đã đan đi đan lại bao nhiêu lần.
Cho đến một hôm, tôi không thấy nó làm công việc ấy nữa. Nó đã dùng cuộn len để đan một bộ áo cho con búp bê của nó. Tôi không hiểu con búp bê ấy đã lọt vào đây bằng cách nào mà đến được tay Phượng. Nhưng chắc rằng cái đồ chơi quí báu ấy đã qua nhiều chủ lắm rồi vì con búp bê của nó đã gẫy mất một tay và mặt đã phai gần hết nét son.
Bé Phượng yêu búp bê lắm. Phượng mặc cho nó quần áo, đặt cho nó nằm ngay ngắn trong một chiếc hộp giấy và đắp lên mình nó bằng những mẩu vải trắng. Nhiều lúc Phượng ước ao giá nó có được bộ ấm chén thì thích biết mấy. Nhưng ở đây thì đào đâu ra thứ ấy. Phượng săn sóc búp bê một cách rất chu đáo. Tay Phượng rón rén vuốt từng nẹp áo của nó. Mắt Phượng dịu dàng nhìn búp bê như trút hết cả tình thương. Những lúc ru búp bê ngủ, tôi thấy Phượng thuộc cả thơ T.T.KH. những bài thơ lãng mạn mà Liễu đã có dịp đọc cho tôi nghe. Điều ấy làm tôi nghĩ rằng chắc chị Loan nó đã có một tâm sự buồn nên mới ru Phượng bằng những bài thơ ấy. Tôi liền tưởng tượng đến mối tình cao thượng giữa Loan hiền và đẹp với một chàng thanh niên tuấn tú. Hai người yêu nhau mà chẳng lấy được nhau. Tâm sự ấy buồn thật nhưng Loan vẫn còn tốt số hơn tôi, vì Loan còn được yêu để mà đau khổ. Chứ riêng tôi khao khát tìm một hình bóng nhưng không bao giờ, và sẽ chẳng bao giờ tôi tìm thấy được.
Ý nghĩ ấy khiến tôi tủi phận muốn khóc. Tâm tình xoay chiều như chong chóng ấy cứ luôn luôn ray rứt hồn tôi. Mặt tôi gầy sọm đi lúc nào không hay. Cho đến khi bà Phước Nhân gọi tôi lên mắng rằng độ này tôi hay mơ mộng một lần nữa, tôi mới nhận ra điều ấy. Tôi bần thần ngắm bóng mình trong kính cửa. Quả nhiên tôi tiều tụy thật. Mắt tôi thâm quầng, má tôi hóp lại, mặt tôi vêu vao. Nhưng tâm trạng tôi lúc ấy chẳng buồn mà cũng chẳng vui. Tôi còn làm đẹp với ai ở chốn này ? Cái ý nghĩ bất cần ấy an ủi tôi được giây lát.
Nhưng đến chiều, tôi đâm sợ suy nghĩ, sợ thao thức và tôi lại có ý nghĩ làm dáng. Như vậy chẳng hóa ra tôi tự dối lòng hay sao?
Điều đó thì chính tôi cũng không hiểu rõ…
Một buổi chiều người ta lại dẫn vào đây hai đứa trẻ. Một đứa lên sáu và một đứa lên tám. Cha chúng nó chết trong một cuộc hành quân ở Phát Diệm. Mẹ chúng nó là một người phu hồ thất nghiệp. Người đàn bà đau khổ ấy có bốn đứa con. Một đứa chết hồi tháng trước, một đứa đang nằm ở nhà thương làm phúc và hai đứa này. Trong tình cảnh quẫn bách ấy, bà ta phải gửi chúng nó vào đây. Nom chúng nó tiều tụy quá, chúng nó nhịn đói từ hôm qua nên mặt mày hốc hác, nước da thì tái ngắt vì mỗi đứa mặc có một manh áo phong phanh. Chúng nó không có vẻ gì là kháu khỉnh bởi vì đứa nào cũng ngơ ngác đến độ thẫn thờ. Mẹ chúng nó khi giao con đã khóc với chúng tôi:
– Thôi trăm sự cháu nhờ các bà. Các bà nuôi làm phúc, chứ cháu bây giờ thì chẳng còn biết làm sao.
Rồi bà ta chấm nước mắt.
Nhìn vành khăn tang chít ngang đầu bà, chúng tôi tự hỏi chúng tôi còn sướng hơn bà ta hay sao? Lúc ra về bà ta đi như chạy trốn. Nhưng hai đứa trẻ lại không khóc. Chúng nó cung cúc ngồi ở một góc phòng. Hai chị em nắm tay nhau, giương mắt nhìn chúng tôi với một vẻ sợ sệt. Bà phước Hòa đến dịu dàng an ủi nó, rồi bà đem chúng nó đi tắm. Trong khi ấy tôi tìm quần áo cho chúng nó thay.
Được mặc chiếc áo sợi vào người, chúng đỡ run và mặt có vẻ tươi tỉnh hơn trước. Tôi dẫn chúng nó lên phòng trên và gọi mấy đứa khác lại kể chuyện cho chúng vui.
Nhưng chúng chỉ nghe theo tôi như một cái máy. Câu chuyện dí dỏm của tôi không làm thay đổi được mặt chúng, thỉnh thoảng tôi thấy con bé kéo tay chị nó rồi nhắc đến mẹ. Con chị như hiểu biết hơn khẽ dỗ dành em nó. Lúc ấy tôi thấy tiếng cười của chúng tôi có vẻ độc ác. Tôi phải cho lũ trẻ đi chơi chỗ khác và giở một quyển sách ra cho chúng nó xem tranh ảnh. Nhưng chúng nó lại càng chán hơn. Nhìn cặp mắt hờ hững của chúng nó, tôi phân vân không biết làm thế nào cho chúng nó vui. Vừa may lúc ấy chuông rung báo hiệu đến giờ cơm. Tôi dẫn chúng nó xuống phòng ăn và săn sóc cho chúng suốt buổi.
Đến tối thì con bé con lên cơn sốt. Bây giờ nó mới khóc. Nó nhèo nhẽo gọi mẹ nó làm con chị cũng thút thít theo. Trán nó nóng hầm hập Tôi phải lên xin bà phước Nhân cho nó một viên thuốc. Nó nằm dài trên chiếc giường sắt thỉnh thoảng lại ho sù sụ. Tôi phải đắp thêm lên ngực nó chiếc áo rét của tôi và ngồi chơi với nó suốt buổi tối.
Bé Phượng cũng thương nó lắm. Học bài xong Phượng đem búp bê cho nó chơi. Tay nó mân mê chiếc áo len nhỏ xíu, lúc ấy mặt nó mới hơi vui lên được một tí. Nhưng nó vẫn không nói. Còn bé Phượng thì kể chuyện luôn mồm. Phượng bảo cho nó giờ ăn, giờ tắm, giờ ngủ của con búp bê. Khi nào búp bê lớn, Phượng cũng cho búp bê đi học, dĩ nhiên búp bê sẽ viết bằng tay trái vì tay kia gẫy mất rồi. Con bé thích lắm. Bây giờ mới thấy nó cười. Hai tay nó ôm lấy búp bê vào ngực rồi nó cũng vuốt ve, âu yếm như Phượng mọi ngày. Phượng bảo sẽ cho nó mượn chơi cả ngày mai. Một lúc nó ngủ thiếp đi, hai tay ôm chặt lấy con búp bê. Tôi bảo bé Phượng đi chơi chỗ khác và sờ lại đầu nó. Trán nó bây giờ còn nóng hơn lúc ban chiều. Tôi lo lắng đi tìm bà phước Nhân và xin cho nó thêm hai viên thuốc. Bà Nhân dặn đến sáng mai mà nó không bớt thì cho đi tìm bà Madeleine.
Khi tôi về phòng thì nó vẫn ngủ. Điều ấy làm tôi yên tâm hơn. Tôi gấp đôi cái mền lại đắp kín ngực cho nó rồi trở về giường. Lúc ấy đã hơn mười giờ. Dãy đèn giữa đã tắt hết. Trong phòng chỉ còn ánh sáng vàng nhạt. Vì mệt mỏi nên giấc ngủ đến với tôi một cách êm đềm.
Hơn mười hai giờ, tiếng khóc của con bé làm tôi tỉnh dậy. Trán nó nóng rừng rực. Thỉnh thoảng nó lại ho rũ rượi. Nó nhất định đòi về với mẹ nó. Tôi ôm nó vào lòng hết lời dỗ dành, nhưng nó vẫn khóc. Một lúc chân tay nó dúm lại, mắt trợn lên và nó bắt đầu lên cơn sài.
Tôi hốt hoảng lại đập cửa phòng bà Hòa phải thường trực hôm ấy. Bà Hòa cũng vội vã theo tôi đến với nó. Tiếng khóc của nó làm một vài đứa tỉnh dậy, dụi mắt ngơ ngác nhìn. Bà Hòa sờ khắp người nó lo lắng. Nhưng chúng tôi cũng chỉ biết ôm chặt nó vào lòng mà gọi nó. Từ đó đến sáng, nó lên cơn sài tất cả năm lần, rồi ngủ thiếp đi. Tờ mờ sáng bệnh của nó có vẻ trầm trọng hơn, tôi phải đi tìm bà Madeleine.
Nghe ngực nó, bà Madeleine bảo nó đã bị sưng phổi từ mấy hôm nay. Trong khi tiêm, bà trách chúng tôi sao không gọi bà sớm. Nhưng khi biết nó mới vào từ chiều hôm qua thì bà chỉ nhìn nó lắc đầu thương hại.
Đến mười giờ con bé chết. Tôi bàng hoàng cả người trước sự đột ngột ấy. Tôi hình dung đến hình dáng đau khổ của người đàn bà chít khăn tang, đến bộ mặt đau đớn của bà ta khi được tin con bé chết. Không hiểu rằng tâm hồn yếu đuối ấy có chịu được sự ra đi phũ phàng cách nhau không đầy một tháng của hai đứa con yêu. Tôi mong giây phút đau đớn này có mặt bà ta ở đây để mà vuốt mắt nó một lần cuối cùng. Nhưng cổng bên ngoài vẫn vắng lặng, tôi chắc bà ta đang ở trong nhà thương làm phúc. Điều ấy làm lòng tôi xót xa hơn. Tôi cúi xuống vuốt cặp mắt nhắm nghiền của nó, miệng lâm râm đọc kinh. Nước mắt tôi dàn dụa nhỏ xuống má nó. Tôi nhớ lại những phút tôi đã vuốt mắt Hòa. Tôi cầu mong cho linh hồn Hòa gặp được linh hồn nó, để an ủi nó, cũng như tôi an ủi bé Phượng. Bé Phượng đứng ở chân giường. Tay nó mân con búp bê, rồi không hiểu nghĩ thế nào, Phượng lại đặt con búp bê ấy nằm ngay ngắn trên tay đứa bé. Tôi cảm động kéo Phượng vào lòng mà không nói. Tất cả phòng chìm trong yên lặng. Chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng chân đi lại của bà phước và tiếng con chị khóc dẫy lên ở phía buồng bên.
Lúc nãy, được tin em nó chết, nó lăn xả vào ôm lấy con bé, vừa gọi em, vừa gọi mẹ làm chúng tôi không cầm được nước mắt. Bà phước Hòa phải lôi nó đi và dỗ dành nó ở bên ấy. Nhưng tôi nghĩ giá cứ để nó được ôm em nó vào lòng trong những giây phút chót có lẽ đỡ khổ cho nó hơn. Bởi vì chỉ chiều hôm nay là con bé sẽ lại như Hòa vùi sâu trong lòng đất, để rồi mãi mãi về sau chị em chúng nó không bao giờ thấy mặt nhau nữa.
Tôi bâng khuâng ra đứng ngoài hiên nhìn ra cổng. Tôi tưởng tượng mẹ chúng đang gọi ở ngoài ấy. Sự có mặt của bà ta lúc này để được trông thấy mặt con một lần chót có lẽ sẽ đỡ mai mỉa hơn. Nhưng ngoài ấy vẫn chẳng có một bóng người, những chiếc lá sấu vẫn lạnh lùng rơi theo từng cơn gió. Trời lất phất mưa. Mây u ám phủ một mầu trắng đục. Khung cảnh lúc ấy sao mà não lòng thế. Tiếng khóc của con chị, tiếng bà Hòa dịu dàng an ủi cùng bóng dáng những tà áo trắng thấp thoáng trong hàng hiên làm tôi nghĩ lại một ý nghĩ ngày nào, rằng khoảng đất con con chật hẹp ở góc thành phố này đúng là một thế giới xót xa đầy nước mắt.
Chiều hôm ấy tôi không dám theo vết xe tang của nó để đưa nó ra ngoài nghĩa địa. Hình ảnh đám ma của Hòa chưa phai mờ trong óc tôi. Mầu trắng lạnh lùng của những cây thánh giá. Những cành cây xơ xác lá đứng sừng sững trên nền trời vẩn đục. Những vòng hoa tơi tả phủ trên vài ngôi mộ. Tất cả vẫn còn như những ấn tượng bi thảm đến ray rứt lòng tôi.
Nhưng đêm ấy tôi đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn đứa bé tới mười hai giờ khuya.
Ba hôm sau khi con bé chết, mẹ nó mới quay trở lại. Tôi không thể tả được vẻ mặt đau đớn của bà ta. Bà đứng lặng đi một phút rồi mới òa lên khóc và kể lể với một giọng não nùng. Bà ta không trách chúng tôi, nhưng bà cho rằng thà kham khổ thế nào mà ở bên nhau còn hơn là cách biệt mẹ với con để rồi lúc chết mẹ con chẳng được nói với nhau một lời. Rồi bà ta ngất đi.
Chúng tôi phải hết sức an ủi người đàn bà đau khổ ấy và dẫn bà ta đi thăm mộ đứa bé. Theo mẹ con bà, có tôi và bé Phượng.
Chúng tôi không thể cầm nước mắt được khi nhìn hai linh hồn đau khổ ấy ngồi ủ rũ trước ngôi mộ xinh xinh. Không một vòng hoa, không một nén hương, nấm đất con con mới đắp trơ vơ giữa bãi cỏ non đơn độc một cách lạ lùng. Tôi hình dung đến hình dáng con bé nằm dưới ấy, hai mắt nhắm nghiền, mặc bộ quần áo trắng, chiếc áo sợi xanh mà tôi thay cho hôm nào, hai tay còn khư khư ôm con búp bê của bé Phượng. Tôi bàng hoàng không ngờ chuyện đời thay đổi đột ngột thế. Ý nghĩ ấy lại làm tôi nghĩ đến cái chết cũng như tôi đã nghĩ đến hôm nào ở bên xác Hòa. Tự nhiên tôi thấy chua xót.
Chiều hôm ấy, hai mẹ con người phu hồ lại xin ra và không bao giờ chúng tôi gặp họ nữa…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét