Thế rồi Cô Nhi Viện của chúng tôi lại trở về yên tĩnh sau một thời gian xáo trộn. Câu chuyện của Liễu ít người nhắc đến. Sự đau đớn về cái chết của Hòa và của đứa bé đã nhạt dần trong lòng chúng tôi. Lần cuối cùng đi thăm nghĩa địa, hai ngôi mộ ấy đã mọc cỏ xanh um. Chúng tôi lại quay về với cuộc sống đơn độc thường lệ. Ngày này qua ngày khác : ăn đúng giờ, ngủ đúng giờ, chơi cũng đúng giờ kéo dài một cách buồn nản. Những buổi sáng ăn cháo ở phòng dưới, những buổi tối sau giờ cơm, cả lũ đổ bóng lố nhố lên nếp tường vàng vọt, những đêm mưa rả rích nằm lạnh lùng trong tấm mền mỏng, tất cả âm thầm diễn đi, diễn lại trong cuộc sống buồn tẻ của lũ mồ côi chúng tôi. Tình cảm của chúng tôi sau một thời gian ấm ức lại ngoan ngoãn nằm trong khuôn khổ khắt khe của kỷ luật. Bé Phượng vẫn quấn quít lấy tôi. Nó đã đem lại cho tôi biết bao nhiêu an ủi. Có nó lòng tôi đỡ trống rỗng. Những đêm ôm nhau ngủ, những buổi sáng Chủ nhật thu mình trong góc giường, chúng tôi lại kể cho nhau những mẩu tâm tình nho nhỏ. Nếu cuộc sống của chúng tôi chỉ trầm lặng như vậy thì tôi đã an phận sống âm thầm với kiếp mồ côi. Lòng tôi đã lắng xuống để mà dẹp bớt nhưng ý nghĩ viển vông.
Nhưng Chúa đã bắt tội tôi cũng như Chúa đã ra hình phạt cho những kẻ tội lỗi. Tôi cầu kinh hàng ngày mà không tìm được sự thanh cao cho tâm hồn để gần chân Chúa.
Sự khao khát cuộc sống bên ngoài nung nấu trong lòng đưa tôi xa dần con đường dẫn tới Chúa. Bởi vì tôi đã yêu, tôi yêu sôi nổi, bồng bột, như kẻ khao khát tìm lẽ sống. Tình yêu không dẫn tôi tới một kết quả nào, mà chỉ mãi mãi gieo vào lòng tôi niềm tủi hận.
Giờ đây đã dâng linh hồn cho Chúa, đã đem sự sống phó thác làm con trọn đời của Chúa, tôi cầu xin đấng tối cao ban cho niềm tin để tôi vững lòng theo Chúa, cho tôi can đảm chống lại sự xót xa, ngậm ngùi vẫn còn đang âm ỉ trong lòng. Tôi cầu mong Chúa ban cho tôi đủ trí khôn để sáng suốt tránh xa được muôn ngàn cám dỗ.
Tôi gặp chàng vào một ngày đầu mùa hạ. Như lệ thường chúng tôi đi chơi vườn hoa vào những buổi sáng trời nắng đẹp. Lòng tôi nhẹ nhàng thư thái ngắm cảnh vật bừng lên sau những ngày mưa phùn rả rích. Đã từ lâu lắm tôi không tìm được cảm giác êm dịu ấy. Trời xanh cao. Gió lồng lộng thổi trong vườn. Ngày hôm ấy tôi không còn có ý nghĩ xấu hổ trong bộ quần áo trắng, không còn phải kéo nón sụp mặt mỗi khi gặp kẻ qua đường. Tôi mạnh dạn đùa với lũ trẻ. Tôi nắm tay chúng nó nhẩy dây và chơi đùa với tất cả vô tư.
Cho đến lúc tôi chợt để ý đến một thanh niên ngồi gần chỗ chúng tôi, đang cắm cúi xem sách không biết tự lúc nào. Có lẽ chàng là một sinh viên nghèo. Quần áo rất giản dị, tóc rủ xuống trán, mắt chàng dán vào quyển sách mà không để ý đến chung quanh. Cặp kính trắng gọng đen làm cho chàng đạo mạo thêm chút nữa, tôi có cảm tưởng rằng chàng thuộc loại sinh viên chăm chỉ đến độ mọt sách mọt đèn. Cũng vì thế mà tôi thấy có cảm tình với chàng.
Nhưng ý nghĩ vơ vẩn ấy chỉ thoáng qua trong óc và tôi lại quay về cuộc vui với lũ trẻ.
Tuy vậy, không hiểu tại sao từ phút đó thỉnh thoảng tôi lại nhìn trộm chàng. Hai vai gầy của chàng nhô lên, chiếc đầu cúi xuống như hiện thân của sự nhẫn nại. Tôi có cảm tưởng như tìm được ở chàng một vẻ gì độ lượng rất hợp với tâm tình của tôi.
Rồi có một lần chàng chợt ngẩng lên nhìn tôi. Vô tình bốn cặp mắt chúng tôi gặp nhau. Không hiểu sao má tôi nóng bừng và chắc là đỏ lắm. Tôi khẽ mỉm cười và lơ đãng quay đi.
Cái nhìn ấy bất ngờ làm xáo trộn lòng lôi không xiết kể. Tôi thiếu tự nhiên hơn trước và hình như chàng cũng không còn chăm chú đọc sách nữa. Tôi thấy chàng đứng dậy gấp cuốn sách lại, lững thững đi bách bộ rồi lại ngồi xuống bứt những sợi cỏ ở dưới chân để thỉnh thoảng nhìn tôi. Sao cái nhìn của chàng bao dung đến thế. Cặp mắt kẻ cả sâu thăm thẳm như soi mói, như âu yếm, dịu dàng. Cũng vì vậy tôi không dám nhìn chàng nữa nhưng lòng tôi tràn ngập một niềm vui khó tả.
Đến giờ ra về, tôi nửa như vui mừng nửa như tiếc nuối. Điều ấy làm tôi bâng khuâng. Khi dẫn chúng nó đi ngang qua lề đường, tự nhiên tôi ngoái cổ lại một lần nữa. Tôi thấy chàng cũng đang nhìn theo tôi. Không hiểu sao tự nhiên tôi lại cười. Và khi cười xong tôi mới thấy ân hận, nhưng trong sự ân hận tôi lại thấy lòng tràn ngập sung sướng. Mọi lần nghe chúng nó lao xao trong hàng ngũ tôi đã mắng chúng nó, thì ngược lại lần này tôi bàn góp với chúng. Giọng của tôi không được tự nhiên, trầm tĩnh bởi vì quanh tôi, tôi có cảm tưởng như chỗ nào cũng có cặp mắt bao dung của chàng theo tôi. Cái tâm trạng ấy xáo trộn một cách nhẹ nhàng trong tâm tư cho đến khi bức tường trắng cao ngất hiện ra trước mắt. Sự ngao ngán lại đến với lòng tôi. Tôi thấy xa chàng quá bởi vì tôi là đứa mồ côi. Đời tôi còn phải ràng buộc với công ơn của các bà phước, với lũ trẻ đã bao năm sống cùng tôi trong Cô Nhi Viện này.
Nghe tiếng bánh xe sắt rền rĩ của chiếc cổng cao ngất nghiến trên đá sỏi, tôi có cảm tưởng rằng nó đã nghiến nát lòng tôi. Tự nhiên tôi lại nghĩ đến chàng thanh niên hồi sáng. Ngày hôm ấy về, tôi đã soi mặt vào tấm kính cửa rồi tự hỏi không hiểu mặt tôi lúc đó có được tự nhiên không. Tôi thử lại vài dáng điệu của tôi lúc gặp chàng và tôi thấy tự mãn. Nhiều lúc tôi lo sợ cho cái tâm trạng ấy. Tôi yêu ư? Không lẽ quan niệm tình yêu đối với tôi dễ dãi thế. Nhưng sự thật là như vậy, rồi vì lòng tôi sinh ra mong mỏi, nhớ nhung và tôi lại chờ đợi mau cho đến ngày Chủ nhật. Bẩy ngày đối với tôi dài quá. Tôi thấy mình có lúc như bâng khuâng, nhớ nhung, có lúc lại buồn thảm, trống rỗng. Có lẽ tôi đã yêu chàng thật rồi. Tôi muốn tình yêu của tôi thu lại thật nhỏ, để giấu kín tận đáy lòng, vì quanh tôi, những bóng áo trắng thấp thoáng của lũ trẻ, những tiếng chân nhẹ nhàng của các bà phước, tất cả làm tôi nơm nớp lo âu.
Và rồi tuần nầy qua tuần khác, tình yêu của tôi một ngày một rõ rệt hơn lên. Đôi vai gầy, mái tóc bù, cặp kính trắng của chàng lôi cuốn tôi một cách mãnh liệt. Mỗi lần nhớ đến hình ảnh ấy, một cảm giác dịu dàng lại đi qua óc. Tôi thả lỏng hồn tôi trong muôn ngàn tưởng tượng để xây lại một cái mộng êm đềm trong óc. Nhưng cũng có lúc tôi nghĩ rằng tôi không xứng đáng là người yêu của chàng vì tôi là đứa mồ côi. Trong cuộc sống bên ngoài, bên cạnh chàng còn có biết bao nhiêu thiếu nữ hơn tôi. Ý nghĩ ấy làm tôi uất ức, khổ sở, nhưng cũng vì thế tôi thấy yêu chàng mãnh liệt hơn lên.
Giang có lẽ hơi nghi ngờ tôi, bởi vì một đôi lần nàng bắt gặp tôi ngồi cười một mình. Tuy vậy nàng chỉ nhìn tôi với một nụ cười tinh quái chứ chưa đọc rõ được lòng tôi. Bây giờ tôi lại thích sống cô độc. Tôi hay ngồi ở hàng hiên để được suy nghĩ một mình, để được tự do sống với chàng trong mơ mộng. Cũng vì thế mà tôi sinh ra lười biếng. Mỗi lần cầm đến sách là hình ảnh chàng hiện ra trước mắt. Tôi học chẳng thuộc trơn một bài nào. Bà Nhân, bà Hạnh đã bắt đầu để ý dò xét tôi. Những lúc ấy tôi cho rằng không ai có thể hiểu được câu chuyện lòng của tôi nếu tôi chẳng nói ra.
Đêm tối đi ngủ, tôi bắt đầu mang cái tật ôm gối. Tôi tưởng tượng là tôi được nũng nịu trong cánh tay chàng, được vòi vĩnh, được giận dỗi, được ngoan ngoãn vâng theo lời chàng. Trong giấc ngủ ít khi tôi không nằm mơ thấy chàng, những giấc mơ êm đềm gây cho tôi sự sung sướng nhẹ nhàng suốt cả buổi sáng hôm sau.
Cứ như vậy tôi đã sống những ngày tạm gọi là đầy đủ. Tình yêu thầm kín ấy an ủi tôi rất nhiều và làm cho tâm tư tôi bớt hằn học, u uất. Làm việc gì tôi cũng đem chàng ra làm đối tượng. Tôi coi tình yêu như một cái gì thiêng liêng cao quí. Tôi không thể nào hành động những điều gì không xứng đáng với tình yêu ấy. Do đó mà tôi trở nên ngoan ngoãn hơn, dịu dàng hơn và tâm hồn tôi thanh cao hơn trước.
Tuy vậy, không hiểu chàng có yêu lại không, nhưng riêng tôi, từ nay nếu không có chàng có lẽ đời tôi có thể héo khô đến chết được.
*
Một ngày Chủ nhật, trời lâm râm mưa. Bọn chúng tôi phải ở lại không được ra ngoài.
Tôi bồn chồn không lúc nào đứng yên một chỗ. Tôi oán ông Trời không sao kể xiết. Tiếng ồn ào trong phòng, tiếng cười đùa, tiếng hát hỏng, tiếng học bài của lũ trẻ gieo vào lòng tôi biết bao nhiêu chán nản. Tôi từ chối không kể chuyện cho bé Phượng, không nhận lời mời của Giang rủ lên phòng chị Nam tán chuyện gẫu. Tôi cũng bỏ cả lời dặn của bà Nhân rằng sáng nay phải lên phòng bà Madeleine mà uống thuốc sốt, vì tôi bị nhiễm cảm do trận mưa chiều hôm kia.
Tôi không muốn làm gì cả. Đầu óc tôi rối bời. Tôi nhớ những buổi trời đẹp nắng, nhớ hình dáng người yêu, tiếc khoảng thời gian ngắn ngủi êm đềm của những ngày hôm ấy. Và tôi thấy cần phải ra khỏi chốn này, cần phải đi để được suy nghĩ một mình. Tôi liền xin phép bà Nhân đi thăm Liễu.
Bà Nhân có vẻ nghi ngờ, nhưng bà không giữ, bà cho phép tôi được đi đến mười một giờ.
Người tôi nhẹ đi một nửa. Tôi sung sướng về phòng mặc áo và cứ thế, mặc cho trời mưa, tôi lững thững đi ra cổng.
Nhưng khi ra đến ngoài phố, nhìn mặt đường loáng nước, nhìn mưa phơi phới trên chòm cây, tôi mới thấy mình liều lĩnh và kỳ lạ. Tôi thấy ngượng với mình. Tại sao tôi làm như vậy? Có phải chúng tôi đã yêu nhau đâu! Rồi nhìn đến bộ quần áo thiểu não của tôi ẩm ướt và nhớp nháp, tôi thấy không xứng đáng với chàng một chút nào. Qua một cửa hiệu, nhìn bóng mình trong cửa kính, tôi thấy xấu hổ vì hành động vô lý của mình. Nhưng không hiểu sao, tôi vẫn không muốn quay về để cứ thế một mình lủi thủi đi dưới mái hiên của thành phố. Chủ nhật vào ngày mưa thế mà phố xá vẫn nhộn nhịp. Hàng Bông, hàng Gai, Bờ Hồ còn có vẻ lộng lẫy hơn ngày thường. Mỗi chuyến xe điện chạy qua, tôi thấy chật ních những tà áo màu xanh đỏ.
Bên hè phố, các thiếu nữ Hà Nội nhởn nhơ đi dưới mưa. Tôi thấy kém người ta quá. Tôi có cảm tưởng như không bao giờ gần được bọn họ. Ý nghĩ ấy cũng làm tôi thấy xa chàng quá. Cuộc sống bên ngoài sang trọng và đài các như vậy, có bao giờ chàng lại thèm để ý đến tôi. Rồi tôi lại thấy đau khổ cùng cực, phải kéo thấp cái nón xuống để chùi mấy hạt nước mắt long lanh.
Tôi thẫn thờ tiến vào vườn hoa như một cái máy. Không hiểu ý nghĩ nào đã thúc đẩy tôi làm như vậy. Tôi tần ngần đứng dựa vào cái ghế đá mà chàng vẫn ngồi mọi tuần. Hôm nay trong vườn hoa vắng ngắt, con đường quanh co trên những bãi cỏ vũng đầy nước, mưa vẫn phơi phới phủ trắng xóa cả những lùm cây. Tôi cố mà không thể tưởng tượng nổi cái khung cảnh êm đềm của những tuần qua. Quanh tôi chỉ là một vùng vắng lặng không một bóng người, và rồi tôi chợt thấy mình trơ trẽn một cách lạ lùng. Một ý nghĩ hốt hoảng thoáng qua óc, tôi thấy sợ hãi như có một cặp mắt tò mò nào hiểu rõ tâm sự của tôi đương nhìn thấy tôi lúc ấy. Vội vàng tôi bước mau như kẻ trốn tránh và thấy hối hận vì câu chuyện xin phép ra ngoài hôm nay. Tôi nhớ đến Phượng, đến lũ nhỏ, đến Giang, Nam. Hình như tôi thấy mình có tội với những con người ấy. Tôi đã bỏ họ, xa lánh sự an ủi cho nhau trong những ngày đau khổ, để một mình ra đứng đây. Điều đó làm tôi càng thêm ân hận, và tôi rời bỏ khu vườn ra về mà không luyến tiếc.
Mưa ngoài trời vẫn nặng hạt. Nước mưa làm hai vai áo của tôi ướt đẫm. Tôi thấy người gây gây lạnh. Đồng hồ ở một cửa hiệu chỉ hơn mười giờ. Tôi nghĩ đến lúc phải quay về cho đúng hẹn với bà Nhân. Nhưng tự nhiên tôi lại thấy chán nản lạ. Hình ảnh chiếc cổng sắt, những bức tường chạy dài, chiếc sân cỏ bao la rộng rãi gieo vào lòng tôi biết bao nhiêu tủi hận. Tôi nghĩ rằng đó không phải là chỗ dung thân của tôi, cũng như cuộc sống bên ngoài đã hờ hững với tôi đến độ như hắt hủi. Như vậy con người tôi trở nên lạc lõng bơ vơ. Tôi không còn tìm đâu ra được chỗ bấu víu, ngay cả đến người yêu mà tôi vẫn tôn thờ.
Những ý nghĩ chán nản ấy cứ quanh quẩn đến vò xé tâm tư, làm tôi thấy vô cùng chán nản. Chân tôi vẫn bước mà không rõ sẽ đi đâu? Óc tôi suy nghĩ rất nhiều mà hóa ra chẳng suy nghĩ gì cả. Tôi tự mong giá lúc ấy được khóc to lên, rũ mình xuống, mặc cho giòng nước mắt đau khổ được tự do chẩy thì có lẽ tôi sẽ khuây khỏa được phần nào.
Qua phố Cửa Nam, tôi chợt nhớ đến Liễu. Trong bức thư gửi cho tôi, Liễu có cho biết địa chỉ. Có được một người bạn để thổ lộ tâm tình lúc này thì thật là sung sướng, nhất là người ấy lại ấy lại là Liễu. Nhưng nhìn đến bộ quần áo thiểu não của tôi, nghĩ đến cuộc sống sa hoa của Liễu, tôi lại ngại ngần. Tuy vậy tôi vẫn như một cái máy đi rẽ vào ngõ Nam Ngư. Tôi tìm được nhà Liễu một cách dễ dàng. Đó là một cái biệt thự nho nhỏ, có rặng ti-gôn leo kín. Tôi không ngờ cuộc sống của Liễu bây giờ đường hoàng thế. Tôi nhớ đến hình ảnh người thiếu nữ ấy hơn một năm trước. Ngày ấy Liễu cũng như tôi, chắt chiu từng mảnh vải, ước mong những cái thật tầm thường như cái bút, quyển vở hay một cuốn sách. Tôi còn nhớ mãi những buổi rỗi rãi ngồi bên Liễu, chúng tôi mài lại cái ngòi bút cùn lên chôn một cái bát, Liễu bảo tôi với tất cả vô tư:
– Thiên hạ ai cũng như mình thì các nhà sản xuất đồ dùng đến đóng cửa hết.
Và chúng tôi cùng cười, cái cười chẳng có nghĩa gì cả. Bây giờ Liễu khác xưa quá rồi mặc dầu đánh đổi cuộc sống nhung lụa ấy, Liễu đã mất đi cái gì cao quí nhất của đời người con gái. Tôi lại bâng khuâng nghĩ rằng không biết tôi nên thương Liễu hay chính Liễu cũng đã thương đến tôi.
Tôi lượn qua nhà nàng tất cả ba lượt. Tiếng cười ròn rã ở bên trong vọng ra làm tôi ngần ngại. Tôi đoán Liễu đang vui với bạn nàng ở trong ấy. Nghĩ đến những vũ nữ ăn mặc hở hang, kiểu cách, đến những dáng điệu đi đứng, cách ăn nói phù hợp với nghề nghiệp của họ, tôi lại thấy rằng mình không thể nào gọi cửa được trong lúc này. Ý nghĩ ấy làm tôi thấy xa Liễu, tôi không thể thổ lộ tâm tình của tôi cho Liễu nghe nữa. Vì chúng tôi bây giờ không còn đồng cảnh ngộ. Trong hai đứa tuy sự đau khổ đều có thể ngang nhau, nhưng hai cuộc sống là hai sự cách biệt.
Cho nên hình ảnh bé Phượng lại hiện ra trong óc. Có lẽ chỉ có bé Phượng là gây cho tôi được nhiều nguồn an ủi. Tôi thấy lòng nhẹ hơn, đỡ trống trải và lần ấy tôi nhất định quay trở về.
Chuông đồng hồ ở nhà ai ngân nga điểm mười hai tiếng…
Chiều hôm ấy sau khi đội mưa trở về quả nhiên tôi lại lên cơn sốt. Bà Madeleine mắng tôi không kiêng khem gì cả, vì tôi mới xin thuốc của bà ngày hôm kia. Bà Nhân thì chỉ nhìn tôi bằng cặp mắt nghi ngờ. Bà vờ hỏi thăm về Liễu nhưng cốt là để dò la về sự đi chơi của tôi. Tôi buộc lòng phải nói dối là đã gặp Liễu và hai chị em hàn huyên đến nỗi quên cả giờ về. Sau cùng bà Nhân chỉ khuyên tôi đừng đi sát với Liễu quá để có thể tiêm nhiễm những thói xấu của cuộc đời vũ nữ như nàng. Tôi chỉ biết ầm ừ và hứa xin nghe lời bà.
Đến tối tôi lên giường đi ngủ sớm. Hình ảnh cuộc đi lang thang ngày hôm nay cứ ray rứt mãi trong lòng tôi. Tôi đắp chăn chùm kín mít giả vờ ngủ để mọi người khỏi quấy rầy, nhưng thật ra óc tôi quay cuồng biết bao nhiêu ý nghĩ. Tôi đau khổ rất nhiều về cuộc sống thiếu thốn. Bóng dáng những tà áo mầu xanh đỏ hồi sáng, những thân hình thướt tha yểu điệu của các thiếu nữ Hà Nội hiện đến làm ray rứt lòng tôi. Tôi khao khát được như họ. Tôi muốn từ bỏ tất cả những bộ quần áo đồng loạt bằng vải trắng này đi để cũng diện sang như họ, cũng có vẻ đài các quí phái như họ. Nhưng làm sao ước vọng của tôi thành tựu được khi mà cuộc sống của tôi còn liên quan mật thiết đến trại mồ côi này. Cứ nghĩ như thế, nước mắt của tôi lại ướt đầm hai bên má. Nhiều lần tôi thấy mình hèn kém quá. Sao óc tôi không thể có những tư tưởng thanh cao hơn mà chỉ lẩn quẩn ở những điều sa hoa vật chất. Tám năm rồi, tám năm an phận với cuộc sống phẳng lặng, điều hòa trong trại Cô nhi này, đã có thời gian nào mà tôi khổ sở đến thế đâu.
Óc tôi vì những tâm tình hỗn loạn ấy mà thành mệt mỏi, chán nản, không thiết làm việc.
Tôi thở dài xoay mình trên chiếc giường sắt nhỏ. Bé Phượng cũng băn khoăn vì chuyện tôi ốm. Nó sờ vào trán tôi mấy bận. Nghe chúng nó sì sào hỏi han nhau, tôi đoán đầu tôi nóng lắm. Mà có lẽ thế thật.
Tôi thấy đầu nhức như búa bổ, người gai gai lạnh. Tôi cứ nằm để mà nghe những niềm u uất vò xé mãi tâm tư. Và rồi tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Trong giấc ngủ, tôi lại nằm mơ thấy chàng. Vào một buổi chiều thu lá vàng xơ xác rụng, trong rừng cây chỉ toàn những cành khô khẳng khiu in trên nền mây đục trắng. Tôi với chàng nắm tay nhau đi như chơi vơi trên một giải đường mòn. Con đường quanh co dẫn chúng tôi đi sâu vào một thế giới chỉ toàn một màu bàng bạc. Sương mờ lạnh âm thầm bao phủ quanh chúng tôi, nhưng hình như bên chúng tôi có một cái gì ấm cúng êm đềm ủ ấp. Và rồi chàng dắt tôi lên một giải núi cao. Đường đi khấp khểnh những đá cheo leo mà sao tôi vẫn thấy nhẹ nhàng. Chàng đưa tôi đến một đỉnh núi, và chúng tôi nhìn xuống chiều sâu thăm thẳm. Ở dưới chân chúng tôi, qua những hốc đá chập chùng là Hà Nội. Mơ hồ tôi thấy người đi đông đúc ở dưới ấy. Những vòm cây trắng xóa bụi mưa, những con đường loang loáng nước hiện rõ trước mắt tôi. Tôi nom thấy những thiếu nữ Hà Nội thướt tha yểu điệu trong những mầu áo hôm nào.
Tự nhiên nhìn những con người ấy tôi chợt thấy ớn lạnh. Mặt của họ không vui tươi, nhí nhảnh như mọi ngày. Tôi thấy hiện ra những vẻ ma quái, mắt họ đen và sâu hơn, lông mi dài nhọn hoắt và cặp môi đỏ láng như pha máu. Tiếng cười giọng nói của họ vẳng lên gieo vào lòng tôi những cảm giác rờn rợn. Bất giác tôi nắm lấy tay chàng. Nhưng người yêu của tôi không còn đứng cạnh tôi nữa. Tôi thấy chàng đứng ở bên kia, bóng dáng mờ ảo như sắp tan theo hơi khói. Hình như tôi chỉ nhìn thấy rõ đôi mắt chàng, chao ôi, đôi mắt sâu thăm thẳm và buồn một cách thấm thía. Tôi cuống quít lên tiếng gọi. Nhưng chàng không nghe thấy mà bọn kia thì ngẩng nhìn tôi và phá lên cười, Thế rồi cả bọn kéo nhau đi lên phía tôi. Họ leo núi thoăn thoắt. Chỉ một phút sau họ đã tiến lại được gần tôi. Tôi hoảng hốt vẫy chàng và gọi to như tuyệt vọng. Tôi đã nom rõ những móng tay mọng đỏ của họ, mười ngón tay nhọn hoắt như chực xỉa vào tôi. Tôi hét lên kinh khủng và nhảy liều sang phía chàng đứng. Nhưng tôi hụt chân và rơi chơi vơi từ trên cao xuống. Người tôi quay cuồng trong không khí, máu của tôi dồn lên đầu khiến tôi có cảm giác nhẹ bỗng ở đàng chân. Cuối cùng đầu tôi đập vào một tảng đá, và tôi giật mình tỉnh dậy. Mồ hôi toát ra như tắm, sờ soạng chung quanh tôi vẫn thấy mình nằm trên giường sắt. Đèn ở giữa phòng đã tắt hết, chỉ còn thứ ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn đêm. Ngơ ngác một lát tôi mới hoàn hồn và nhớ ra rằng đó chỉ là một giấc mơ.
Từ đấy tôi thao thức và suy nghĩ mãi về giấc mộng hãi hùng vừa qua, nhất là đôi mắt sâu thăm thẳm của chàng buồn bã nhìn tôi. Điềm gì báo trước đây, hay tình của tôi chỉ đến thế mà thôi.
Bao nhiêu ý nghĩ quay cuồng trong đầu óc. Tôi cảm thấy váng vất và đầu nhức như búa bổ. Đồng hồ ở buồng bên ngân nga điểm hai tiếng. Tôi nhăn mặt, ôm lấy đầu, nhắm mắt cố ngủ. Tôi cố xua đuổi những ý tưởng hãi hùng cứ vấn vương mãi bên tôi. Rồi tôi thiếp đi sau một hồi lâu trằn trọc.
Sáng hôm sau bệnh tình của tôi nặng hơn Mặt tôi đỏ rừ, trán nóng hầm hập. Bà Madeleine cặp sốt cho tôi thấy lên tới 41 độ. Tôi lặng người khi nghe bà ta bảo:
– Cô bị ốm thương hàn!
Đầu tôi như nặng hẳn, và cảnh vật quanh tôi như tối sầm lại. Tôi cố ngóc đầu dậy, muốn dùng tất cả sức mạnh của tôi để chống lại cái sự thật phũ phàng ấy. Nhưng tôi cất đầu không nổi và tôi thất vọng. Tôi ốm thật rồi, mà còn ốm thương hàn nữa. Hàng tháng trời tôi sẽ phải nằm liệt ở đây, để rồi ngày chủ nhật tôi không ra ngoài được nữa. Hình ảnh những ngày qua, những buổi sáng đẹp trời trong vườn hoa, những phút êm đềm, vui sướng khi trao đổi những cái nhìn thắm thiết với người yêu, tất cả thoáng qua óc tôi mơ hồ, những cũng đủ làm tôi đau đớn đến cực độ.
Tôi thất vọng nhắm nghiền đôi mắt để nước mắt tràn qua hai hàng mi. Bà Madeleine khẽ vuốt tóc tôi, và khuyên tôi nên tĩnh dưỡng sẽ chóng khỏi.
Tôi không đáp mà chỉ kéo chăn chùm kín mít. Tôi nghe tiếng chân bà ta nhẹ nhàng ra khỏi phòng. Từ đấy tôi nằm khóc lên rưng rức một mình. Ngoài kia những tiếng động quen thuộc làm cho tôi đoán rằng trời đang bắt đầu xẩm tối…
Và rồi suốt một tháng trời ròng rã, tôi nằm liệt trên giường bệnh. Người tôi róc đi một cách kinh khủng. Cổ tay tròn lẳn của tôi bây giờ chỉ còn khẳng khiu như hai ống sậy, với nước da xanh rờn. Tóc tôi rụng gần hết. Mỗi lần vuốt một sợi thấy nó rời ra một cách dễ dàng lòng tôi lại xót xa vô hạn. Tôi lo lắng cho sắc đẹp của tôi tàn tạ theo năm tháng nặng nề trôi qua. Mỗi ngày Chủ nhật, nhìn nắng chói lọi hắt qua khung cửa, bầu trời trong xanh lững lờ những đám mây trắng bạc, lòng tôi dâng lên những háo hức khiến tôi muốn vùng đứng dậy, mặc chiếc áo dài và đội nón đi theo lũ trẻ. Nhưng tôi yếu quá, không cất nổi mình. Người tôi dán xuống giường sắt. Lắng nghe lũ trẻ lao xao xếp thành hàng ngũ, tiếng chân bước lạo xạo trên đá sỏi, lúc ấy tôi muốn khóc to lên cho hả lòng uất hận. Tôi nghĩ đến người yêu, đến chiếc ghế đá mà chàng ngồi đọc sách mỗi ngày. Những hình ảnh ấy đối với tôi bây giờ hình như xa xôi lắm. Làm sao cho chàng biết được rằng tôi đang ốm nằm đây và tôi vẫn nghĩ đến chàng. Quang cảnh căn phòng lúc ấy lặng lẽ quá. Lũ trẻ đi rồi, tiếng nói, tiếng hò hét, tiếng guốc đi lại lách cách đã tắt hẳn. Quanh tôi im lìm quá. Bốn bức tường như cao hơn, căn phòng như rộng hơn, và tôi thấy cô độc một cách lạ lùng. Tình yêu của tôi đối với chàng lại càng nung nấu một cách dữ dội. Tôi cầu mong cho chóng khỏi để lại được sống những ngày khỏe mạnh. Điều ấy làm tôi lại nhớ đến Hòa ngày trước. Chắc Hòa khi còn sống cũng mong mỏi như tôi, nghĩa là sống cuộc đời mồ côi mà không bệnh tật.
Cả một buổi sáng tôi xoay mình trên chiếc giường không biết bao nhiêu lần. Cuốn Quatre-vingt-treize của Victor-Hugo nhầu nát, tôi cầm lên đặt xuống mãi mà không đọc hết. Những tình tiết éo le trong khung cảnh cách mạng ấy không đủ lấp những chỗ trống trong lòng tôi. Lúc ấy, tôi thấy cần phải viết. Tôi viết lung tung, nét chữ run run, nguệch ngoạc Tôi thổ lộ tâm tình trên trang giấy. Tôi say sưa nói chuyện với chàng trên giòng chữ, nhưng không lâu, vì nằm sấp mãi khiến ngực tôi như bị ép lại. Tôi lại phải nằm lên thở dốc. Cho đến khi hết mệt, tư tưởng của tôi đã khác. Đọc lại những hàng chữ ấy, tôi thấy trơ trẽn lạ. Thất vọng lại đến xâm chiếm hồn tôi, và lại xé đi không thương tiếc.
Bệnh tình của tôi cứ cái đà quay quắt như vậy nên khó có bề thuyên giảm. Người tôi mỗi ngày một tóp đi, tóc rụng thêm nhiều, hy vọng được gặp mặt chàng lại lụi dần theo ngày tháng.
Suốt trong thời gian ấy bé Phượng chẳng lúc nào không quấn quít lấy tôi. Ngoài những giờ ăn, học và cầu kinh ra, nó kê chiếc ghế đẩu ngồi bên tôi hàng giờ. Có lúc nó lặng lẽ trầm mặc. Hai chị em ngồi bên nhau mà mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Cũng có lúc nó huyên thuyên kể chuyện. Chuyện ở lớp học, ở phòng ăn, ở phòng nữ công. Chuyện bà Tâm bắt được Hằng trẩy trộm nhãn ở vườn sau, chuyện con Liên xé áo của con Cúc bị hai ngày phạt, chuyện con Hiền đánh vỡ bát ở phòng ăn. Những câu chuyện chẳng vui gì nhưng cũng đủ giết những thì giờ dài dằng dặc của tôi.
Và có một hôm Phượng kể cho tôi nghe câu chuyện của em bé Lucie.
Lucie là tên do bà phước Nhân đặt cho một đứa hài nhi bên salle số 4. Mẹ nó là một thiếu nữ nhà quê xinh đẹp. Nàng bị một người đội Tây bắt gặp trong một buổi hành quân. Cuộc ái ân tàn bạo trong giây phút ấy đã tạo nên trong người con bé hai giòng máu. Mắt nó xanh lơ lơ, tóc hung hung đỏ, chân tay bụ bẫm. Thừa hưởng nước da tươi mát của người mẹ, da nó trắng như trứng gà bóc. Hôm mẹ nó gửi vào Cô nhi viện, bà Nhân thích lắm và đặt tên cho nó là Lucie. Theo lời Phượng, Lucie ngoan lắm, nó không hay khóc, nhưng cũng không hay cười. Hàng ngày nó vô tội nằm ngoan ngoãn trong một chiếc nôi, đến giờ, đói thì ăn, rồi lại nằm quay ra ngủ. Khi tỉnh giấc, mắt nó lơ láo nhìn lên trần nhà, tay chân đập lung tung và miệng đã bập bẹ “ma…ma…”. Phượng yêu Lucie lắm, nó thì thọt chạy sang bên ấy luôn. Nó xin chị Giang để cho nó cầm bình sữa cho Lucie bú. Nó thêu chữ Lucie bên cạnh con vịt chèo thuyền trên yếm dãi của Lucie. Nó còn kết những cái gù len xanh đỏ hay con búp bê bằng vải sặc sỡ treo ở trên đầu nôi của Lucie. Ngày trước con búp bê cụt tay của nó đã đem chôn theo con người phu hồ, bây giờ nó lại có một con búp bê bằng xương bằng thịt ngoan ngoãn không kém mà còn biết gọi cả “ma ma” nữa thì làm sao không thích.
Phượng tha thiết kể chuyện Lucie làm tôi cũng yêu lây con bé ấy nữa. Tôi mong cho chóng khỏi để được thấy mặt Lucie và được bế nó.
Một buổi tối, Phượng kể rằng sáng hôm ấy bà ngoại Lucie vào thăm Lucie lúc chín giờ. Bà ta là một cụ già lọm khọm đã pha hai mầu tóc. Quần áo lam lũ, chân đi đất, đầu chít khăn, mắt che một mảnh vải đỏ. Một tay bà ta chống chiếc gậy tre, còn tay kia cầm hai hộp sữa. Bà ta bảo với bà Nhân rằng bà đã lặn lội từ làng Lim cách Hà Nội hơn ba chục cây số để lên thăm cháu, nhân thể cho cháu hai hộp sữa bò. Rồi với giọng đầy nước mắt bà cụ báo tin rằng con bà, mẹ Lucie đã chết. Người thiếu phụ đau khổ ấy cũng chẳng nhìn thấy mặt đứa con một lần cuối. Bàn tay gầy guộc của bà cứ xoa mãi lên mặt của Lucie. Rồi bà cụ bật ra tiếng khóc:
– Cháu ơi…
Nước mắt bà ngoại nó cứ rỏ mãi lên má, lên cổ và lên trán Lucie. Nhưng Lucie chẳng biết gì, cặp mắt xanh lơ vô tội vẫn mở to nhìn lên đình màn. Chân tay Lucie vẫn đập lung tung và cái miệng xinh xinh của nó thỉnh thoảng lại bập bẹ:
– Ma…ma…
Tôi bồi hồi cảm động, tưởng tượng lại khung cảnh đau thương ấy. Tôi hình dung đến mẹ Lucie trên giường bệnh, đến hình ảnh bà cụ già nghèo nàn, tóc pha sương lặn lội từ hơn ba mươi cây số để được nhìn thấy mặt cháu một lần. Và rồi có lẽ trong một nếp nhà lụp xụp ở một nơi xa xôi nào đó, từ nay sẽ chỉ có một bóng già lọm khọm, thiếu tình thương của một người con, và thiếu tình yêu của một đứa cháu.
Nghĩ như vậy, tôi muốn ứa nước mắt. Còn Phượng của tôi thì đã khóc từ lúc nào.
Cả tối hôm đó tôi quên hẳn câu chuyện tâm tình của tôi, và tôi giúp bé Phượng may cho Lucie một chiếc khăn tang trắng…
Trận ốm của tôi kéo dài đúng năm tuần lễ. Năm tuần gò bó trong chiếc giường chật hẹp, tôi có cảm tưởng như dài hàng năm. Bây giờ tôi đã khỏi hẳn, đã được bà Madeleine cho ăn giả bữa. Sau một tháng trời chỉ ăn toàn sữa và nước cháo, tôi thấy thèm cơm một cách lạ lùng. Người tôi gầy sọm đi, mặt hốc hác, đôi mắt sâu như hai lỗ đáo, nước da xanh rờn một cách ghê sợ. Nhưng chỉ trong vòng nửa tháng, tôi đã lại sức rất nhiều. Tôi hân hoan nhìn ra ngoài, nền trời xanh, trong văn vắt. Nắng chớm thu giải dịu dàng lên từng chòm cây đang bắt đầu xơ xác lá. Bồn hoa sân trước phong quang và sáng sủa hơn trước nhiều. Chiếc tường trắng chạy dài không còn gợi cho tôi ý nghĩ hằn học nữa. Chiếc cổng sắt cao vòi vọi ngăn hẳn thế giới bên kia, đón tôi với một vẻ vui mừng. Tôi không còn thấy ghét chúng nữa, tất cả đối với tôi chỉ còn là những vật thân yêu sau một thời gian dài xa vắng. Tôi tung tăng chạy lên, chạy xuống, tôi lên gặp Giang, gặp các bà Phước và bé Lucie của Phượng. Tất cả công việc gì đối với tôi cũng vui, cũng lạ, ít khi tôi gây được những cảm giác chân thành vô tư lự như vậy.
Và tôi đếm từng ngày cho mau chóng đến Chủ nhật. Tôi vui tươi sửa soạn cuộc đi chơi từ hôm trước. Tâm tình tôi xao động một cách nhẹ nhàng. Tôi có cảm tưởng như mình sửa soạn đi đón người yêu sau một thời gian xa cách. Lòng tôi hồi hộp, bâng khuâng và xao xuyến như một đứa trẻ thơ…
Thưa các bạn, tôi còn nhớ mãi cái cảm giác của tôi trong thời gian ấy. Nghĩa là kể từ ngày Chủ nhật đầu tiên sau khi ốm khỏi cho đến ngọn gió mùa đông ngoài kia lạnh lùng lùa qua khe cửa.
Tôi đã không gặp chàng và mãi mãi không bao giờ tôi còn gặp chàng nữa.
Đất trời như đổ sụp xuống quanh tôi. Tôi thấy hoa mắt, người lảo đảo phải vịn vào bé Phượng. Người xưa của tôi không còn đây nữa. Chiếc ghế đá vẫn nằm kia lặng lẽ. Nếp cỏ cao hơn trước, mang một vẻ lạnh lùng. Niềm hy vọng của tôi bùng lên một thời gian ngắn ngủi lại tắt ngấm trong tâm tư. Tôi không còn cười được nữa. Mắt tôi ngơ ngác, mặt tôi nhợt nhạt như kẻ mất hồn. Bà Tâm tưởng tôi còn yếu nên cho lên xe đi về trước.
Suốt ngày hôm ấy tôi không ăn được gì, chỉ có nước mắt là ràn rụa qua hai bên má. Tuy vậy tôi còn cố nuôi cái hy vọng mỏng manh là được gặp chàng trong tuần tới. Nhưng tuần sau, tuần sau nữa, bóng dáng chàng thanh niên ấy vẫn bằn bặt để gieo vào lòng tôi biết bao nhiêu tủi hận.
Cho đến nay thì hy vọng của tôi hoàn toàn như chết hẳn. Bởi vì rặng sấu vườn sau đã rụng hết lá, ngọn gió heo may đầu tiên đã mang lạnh lẽo vào phòng tôi. Bầu trời vẩn đục hơi sương nặng nề và u ám quá. Bọn chúng tôi không còn được đi vườn hoa nữa, và cũng đã có người giở áo len ra mặc. Tôi đoán chắc những chòm cây ở ngoài ấy cũng đã trơ những cành khẳng khiu lên nền mây xám, và nơi ấy giờ đây cũng vắng cả bóng người. Hoa Phượng vĩ đỏ chói ngày nào chắc đã héo úa. Tôi thầm ví cánh Phượng như mối tình của tôi. Đỏ lên, say sưa, gay gắt trong một thời gian ngắn ngủi rồi cũng tàn theo nắng hạ.
Tôi không còn đầu óc ngồi xem truyện nữa. Tôi cũng không muốn ngồi thủ thỉ với bé Phượng, hoặc bế Lucie. Người tôi ngao ngán, mất hết cả nguồn vui đến độ ngơ ngác. Đầu óc tôi hoang mang, trống rỗng, mặt tôi thẫn thờ, cả ngày tôi chẳng hé răng nói chuyện với ai một câu. Bởi vì tôi đã thất vọng, đã mất hẳn nguồn an ủi độc nhất, đời tôi thế là hết cả.
Hàng ngày, tôi chỉ chăm chú cầu kinh. Tôi muốn đi tìm sự giải thoát cho linh hồn. Ý định xin làm bà phước bắt đầu nẩy nở trong đầu óc tôi từ giây phút đau khổ cùng cực ấy.
Một buổi tối trời mưa dầm rả rích. Từng giọt nước mưa rỏ trên ống máng ngoài hiên nghe tí tách. Gió lồng lộng thổi quay cuồng trên từng lùm cây ngoài đường phố, heo hút lùa qua cửa phòng chúng tôi cái rét của buổi lập đông. Đèn trong mọi phòng đã thắp, vẫn cái ánh sáng vàng vọt ngả lên những nếp tường in bóng lố nhố của lũ trẻ. Tiếng học bài quen thuộc lại vang lên như vỡ chợ.
Tôi lặng lẽ bỏ cái khung cảnh náo nhiệt ấy mà xuống giảng đường. Căn phòng yên lặng một cách lạnh lẽo. Ngọn đèn bốn mươi nến ở chân cây Thánh Giá hắt xuống soi sáng mờ mờ những hàng ghế nằm im lìm chạy dọc xuống cuối phòng. Bức tượng Chúa Giê Su đặt trên cao hơn, thấp thoáng trong ánh sáng mờ nhạt. Tôi trèo lên bục và quì xuống chỗ bà Nhân vẫn đứng. Mắt tôi ngước lên nhìn cây Thánh Giá với tất cả niềm tin. Rồi tự nhiên nước mắt tôi ràn rụa. Tôi gục đầu xuống một chiếc ghế và cứ thế khóc lên rưng rức. Đau khổ phũ phàng vò xé tâm tư tôi từ hơn một tháng nay bây giờ càng làm tôi tràn trề xúc cảm. Hình ảnh những buổi đi chơi, những cái nhìn tha thiết của người tôi yêu, cái chết của Hòa, của đứa con người phu hồ, sự ra đi của Liễu, tất cả hiện ra trong óc tôi như ảo ảnh, và rồi lại tan đi như sương khói.
Tôi cứ quỳ như thế không biết bao lâu và không hiểu tôi đã khóc hết bao nhiêu nước mắt. Mặt và tay tôi ướt đẫm, chiếc khăn tay của tôi cũng đầy nước mắt. Rồi một thời gian lâu lắm, tôi yên lặng, thẫn thờ, và quỳ như thế để mà có lúc tôi không nghĩ rằng tôi đã quì ở đấy, đã sống trong Cô nhi viện này. Ánh sánh lạnh lùng của ngọn đèn vẫn lặng lẽ soi vào mặt tôi, tôi ngước nhìn lên ngọn đèn ấy và nghĩ rằng đời tôi cũng tăm tối như thế.
Cho đến khi tôi trấn tĩnh được lòng mình đã phân biệt được tôi với những nỗi khổ đang vò xé, tôi mới thấy lòng vơi đi được mối sầu. Tôi lại gần cây Thánh Giá, nắm lấy miếng gỗ vô tri ấy như nắm lấy niềm tin. Lòng tôi như thanh thoát. Tôi phải tìm cho tôi ý nghĩa của sự sống. Sự sống lãng quên mình mà nghĩ đến kẻ khác Tôi tưởng tượng tôi sẽ là bà Nhân, bà Hòa, bà Tâm, bà Hạnh, một ngày kia tôi sẽ hủy bỏ tuổi thanh xuân của mình để mà khoác những tà áo trắng giống như các bà ấy và chôn vùi cả tuổi thanh xuân vào chốn này. Nghĩ như vậy tôi thấy tin mình hơn, tôi thấy đã tìm được bản ngã của tôi sau một thời gian lạc lõng. Miệng tôi lâm râm cầu kinh, những lời kinh mà bây giờ tôi mới thấy lắng sâu vào tận tâm hồn:
– “Lậy Thánh Nữ đồng trinh Maria, là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ, xin bào chữa cứu giúp, mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời. Nhân vì sự ấy tôi lấy lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình dưới chân Đức Mẹ, là nữ Đồng Trinh, trên hết các kẻ Đồng Trinh, xin Đức Mẹ đoái lấy tôi là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ qua lời tôi, xin rủ lòng thương mà nhận lời tôi cùng – A – men”.
Gần chín giờ tôi đứng dậy tìm xuống phòng bà Nhân. Bà đón tôi với tất cả kinh ngạc. Bà nhìn cặp mắt đượm lệ của tôi, rồi dịu dàng kéo tôi ngồi xuống ghế. Tôi ngoan ngoãn theo bà như một đứa con nghe theo lời mẹ. Rồi tôi kể hết cho bà nghe câu chuyện tâm tình mà tôi giữ kín gần một năm nay. Bà Nhân lặng lẽ nghe và chỉ nhìn tôi thương xót.
Sau cùng bà an ủi tôi rất nhiều, bà khuyên tôi đừng vội chán nản cuộc sống, bà có thể tìm cho tôi được một người chồng xứng đáng bên nhà Chung. Nhưng tôi còn thiết gì chuyện chồng con. Lòng tôi thế là đã chết, bây giờ tôi chỉ còn tìm thấy ánh sáng trên đường dẫn đến Đạo. Tôi khóc lên rưng rức để van xin bà dẫn tôi trên đường tìm đạo.
Và rồi tôi cầu kinh với bà tới khuya. Hôm ấy bên tôi có hai sự vững chãi che chở và cứu giúp đời tôi. Đó là bà Nhân và sự vững tin ở nơi Chúa.
___________________________________________________________________
Xem Tiếp PHẦN THỨ BA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét