Bạn đến chơi, biết nói chuyện gì với bạn bây giờ? Đó là nỗi thắc mắc của người có lòng tốt, muốn cho người khác vui vẻ, và muốn bầu không khí khỏi nặng nề khó thở.
Các em ơi! Với ý hướng tốt đẹp như thế, mà chỉ vì không tìm được đề tài hay mà nói chuyện, riết rồi một ngày kia ta biến thành người đôi co mách lẻo thì các em yêu quí ơi, thật đáng buồn xiết bao!
Con đường đi tới sự đáng buồn đó không xa đâu em. Bởi vì trong khi mình đang đi tìm đề tài, mà lại có người gợi ra một câu chuyện nào đó về người thứ ba, thì lúc đầu, mình chỉ thấy là có đề tài tốt để nói chuyện cho vui mà thôi, hoàn toàn không có ý định làm khổ ai hết. Nhưng rồi câu chuyện sẽ đi xa, phê bình người khác thì ai cũng tìm ra điều xấu của người khác rất giỏi. Hoặc là nhắc lại một lời nói xấu, thì lương tâm mình tưởng như là yên ổn, vì: "chị X nói cô ấy thế này..., anh Y nói cậu ấy thế kia"... và nghĩ rằng mình không hề nói xấu gì ai hết. Các em ơi! Nhầm rồi. Chỉ nhắc lại một lời phê bình xấu về người khác, vô tình em làm ác rồi. Này nhé, trước nhất là liệu chị X, anh Y nói có đúng không đã nào, thứ đến là thử tưởng tượng, cái "cô ấy", "cậu ấy" nào đó mà nghe được lời nói xấu về họ, họ sẽ buồn biết mấy. Có thể họ sẽ giận và trách em nữa. Và còn đáng tội nghiệp họ hơn nữa là chỉ vì mình vô tình phê bình xấu có khi họ mất ăn mất ngủ, gia đình bè bạn họ buồn lấy. Còn mình thì, theo nhà Phật, cái nghiệp ác về Miệng Lưỡi đó, mình sẽ phải lãnh một ngày kia.
Chị thiết tha mong các em cả trai và gái ráng tránh sự phê bình chỉ trích sau lưng người ta, để tránh gây buồn phiền cho người khác và hơn hết, đó là mình giữ gìn tư cách.
Để tránh tật đôi co mách lẻo và các tai hại mà nó sẽ gây ra, ta phải tập thói quen biết nói chuyện và các đề tài để nói phải gây hứng thú cho người nghe, đồng thời mình có thể học hỏi được luôn trong câu chuyện ngõ hầu nâng cao trình độ kiến thức của cả bạn cả mình.
Vậy, nói chuyện gì bây giờ?
Muốn có nhiều đề tài để nói chuyện, các em nên dành nhiều thì giờ đọc sách báo, các loại dùng để mở mang kiến thức, chứ đừng đọc loại nhảm nhì, thì mình sẽ có nhiều điều cần học hỏi, cần bàn luận với bạn luôn luôn, người nào mà ta gặp cũng có những điều mà ta không biết, ta nên học hỏi ở họ. Thí dụ em học chương trình phổ thông, bạn em học kỹ thuật, thế là em có thể gợi chuyện về kỹ thuật để bạn giảng cho mình những điều mình không biết. Được em biết đến tài, bạn em sẽ hết lòng giảng cho em, hai em sẽ say sưa bàn luận, chị nghĩ cũng vui thích quá, đâu cần phải lôi người khác làm nạn nhân trong lúc mình rỗi rãi phải không em.
Nói xấu người khác, điều đó gây thích thú cho mình thật đấy, nhưng đồng thời, nó cũng kéo nhân phẩm của mình xuống thấp, mình sẽ bị khinh bỉ vì dù người nghe có đồng ý với mình lúc đó, nhưng về nhà nghĩ lại, họ đâm ra sợ mà ghét mình. Họ nghĩ: "Kẻ mà nói xấu người khác với mình thì chắc chắn sẽ nói xấu mình với người khác, vì đó là cái tật xấu của y mất rồi".
Các em yêu quí, để chứng tỏ rằng sự có mặt của ta trên đời không bao giờ là tai họa của người khác, chị em mình ráng tập nói chuyện làm sao vừa học hỏi cho tâm hồn lên cao, vừa gây được niềm vui cho mọi người.
Chị Đỗ Phương Khanh
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 13, ra ngày 7-11-1971)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.