Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2023

Con Xén Tóc

 

Trong số các con vật nhỏ bé hay bay lạc vào nhà lúc chiều tối như cà niễng, chuồn chuồn, châu chấu, dế, cánh cam, bọ dừa, bổ gỗ, bọ hung v.v... chúng ta còn phải kể tới xén tóc nữa, mặc dù thỉnh thoảng mới thấy nó xuất hiện, vì địa điểm sinh sống loài này thường là những vùng cây cối rậm rạp hay đồng cỏ yên tĩnh.

Thuộc loại côn trùng cánh cứng bất động lại chuyên gậm nhấm phá hoại, xén tóc gồm nhiều thứ to nhỏ khác nhau tùy màu sắc, địa phương. Thứ năng gặp nhất mang sắc xám, nâu, lốm đốm vàng xanh hoặc khoang đen trắng, đỏ sậm chen tím và đôi khi pha hồng. Trung bình cỡ sáu bẩy phân, thân thon thon nhẹ nhàng mỏng mảnh, đầu nhỏ mắt to bên cạnh hai sợi râu vượt quá thân mình, cứng ngắc do nhiều đốt kết hợp với nhau chẳng khác gì lá thông vậy, xén tóc đáng sợ ở chỗ, sau hai sợi râu nhỏ ngoe nguẩy loạn xạ là cặp răng nanh hình lưỡi liềm thật bén. Sở dĩ nó mang tên xén tóc vì nếu bạn thử rứt một vài sợi tóc rồi đưa cho nó cắn thử, sợi tóc sẽ đứt ngay. Do đó, hễ sơ ý, bạn dễ bị xén tóc xén cho một miếng vào tay chẩy máu như chơi. Kế đến là cổ, phần này to hơn đầu và đặc biệt trang bị hai mấu gai nhọn hoắt chĩa sang hai bên dùng để tự vệ và làm phương tiện gạt bỏ các chướng ngại vật trên đường đi kiếm ăn.

Dĩ nhiên xén tóc biết bay vì cũng có cánh, nhưng hai cánh này cứng và khum khum khép kín trên sống lưng hoặc do nhiều lớp lông nhỏ bao phủ, hoặc nhẵn thính, bóng loáng hay nổi gân chạy theo chiều dọc chỉ được coi như "áo giáp" che chở phần thân thể khỏi bị hiểm nguy khi xén tóc nhà ta chui mé vào các hang hố, hốc cây cũng như chống đỡ mọi sự va chạm mạnh nếu chẳng may húc phải bờ tường, cành lá rồi rơi xuống bất ngờ, chứ không vỗ được như loài chim. Cần di chuyển đó đây, lớp "áo giáp" sẽ mở rộng ra bất động để lấy chỗ cho hai cánh bên trong làm việc. Chính cặp cánh này, bề ngoài có vẻ yếu ớt, mỏng manh thật đấy nhưng dư sức nâng bổng xén tóc lên cao để lao đi vun vút tựa mũi tên.

Tuy cũng có sáu chân rất khỏe, xén tóc không nhẩy được như dế, châu chấu, cào cào v.v... ngược lại nó chạy khá nhanh ngang với loài gián, vậy mà vẫn bị sát hại. Mỗi khi gặp nạn, xén tóc phát ra những âm thanh xào xạo, đùng đục, đồng thời vùng vẫy tìm cách thoát thân. Một vài loại chim ưa bắt xén tóc để ăn thịt, do đó, nó ít khi xuất hiện lúc ban ngày mà chỉ chờ đêm tối mới dám bò khỏi tổ là các hang hố, đào sâu dưới đất, trong bờ, bụi, hoặc lỗ nhỏ ở mãi tít giữa ruột cây lớn vì nó thích "sơi" rễ, lá, cành non và ngay cả lớp gỗ tươi mềm. Dù đường vào "tổ ấm" nhỏ bé, xén tóc ra vào dễ dàng không hề gây ra thương tích bao giờ.

Tới mùa gieo giống, xén tóc cái lo sắp đặt chỗ đẻ trứng đục khoét giữa thân cây. Những trứng này trải qua một thời kỳ biến thể nghĩa là trước hết trứng hóa ấu trùng rồi thành kén, sau đó mới biến ra nhộng để rồi cuối cùng chính thức trở thành xén tóc con. Thường thường những chú xén tóc con này rất khỏe mạnh, háu ăn.

Ở vùng rừng già Amazone bên Ba Tây, người ta thấy hàng đàn đông đảo những con xén tóc lớn dài ngót ba mươi phân, chuyên sống trên cây, và đó chính là nguyên nhân các vụ cây có gỗ chết bất thường vì bị chúng đục thủng rỗng ruột loại cổ thụ làm tàn lụi cả một khu vực rộng lớn.

Tóm lại, xén tóc là loại côn trùng phá hoại mùa màng và cây cối cần tận diệt.


ĐẶNG HOÀNG      
(sưu tầm)           

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 79, ra ngày 4-3-1973)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>