Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

Heo, Gà, Khỉ, Trâu

 

Chuyện thật không ra chuyện. Ấy thế mà không khổng khồng không bỗng... bị đòn.

Nguyên thế này : mẹ vừa đi ra phố mua vải và bánh chữ - vải là để may áo cho Minh, còn bánh chữ là theo lời cả bọn yêu cầu. Cả lũ đều nghĩ rằng ăn bánh chữ thì dễ thuộc chữ, y như khi học vậy.

Ban đầu mẹ không thuận, song sau nghe cũng xiêu xiêu... nhất là khi Như Ý nói với mẹ:

- Có bánh chữ con dễ dạy tụi nó học hơn. Con lấy cái bánh chữ chỉ cho tụi nó biết từng chữ trước rồi khi ăn, tụi nó thuộc mau lắm.

À, nghe cũng khá xuôi! Mẹ mua một lần, hai lần và mẹ rất vui tai khi thấy Như Ý đập cái thước kẻ một tiếng "cạch" lên đi-văng là tức khắc Minh và Bé tìm ra trong đĩa chứ A, chữ E theo lời Như Ý ra lệnh.

Trong lúc mẹ đi vắng, cả bọn kể cả Vũ, tụm lại chơi trò chọi "thằng người" (đó là trò chọi những thằng người bằng ni lông đủ màu, mới phát minh đâu được vài tuần nay) chỉ chốc lát là sinh xích mích nhau, hết chơi quay ra đấu khẩu rồi chuyển sang đấu võ.

Không "ai" có thể ngờ rằng mẹ về sớm thế nên không chút đề phòng. Cửa ngõ và cửa trước đều đóng. Khi mẹ về, mẹ đã cáu lên rồi, bởi mẹ có dặn đừng đóng cửa trước để cho mát, cả lũ ở nhà đóng làm chi?  Đã vậy, mẹ gọi cửa chẳng thấy ai ra mở mà tiếng léo nhéo trong nhà càng phút càng to. Mẹ giận sôi không gọi nữa, lắng tai nghe:

- Đồ heo!

- Đồ khỉ!

- Đồ trâu!

- Đồ gà!

và tiếp theo đó có tiếng "bịch" "bịch" tiếng chân đuổi nhau gấp rồi tiếng chị Quý từ bếp vang lên:

- À! Tụi bây đánh nhau hẳn? Để mẹ về rồi biết!

Song coi bộ không ai coi ra gì lời cảnh cáo nghiêm mật đó. Cái người thốt ra lời nghiêm mật kia há không từng đùa giỡn với các em, đánh nhau, đuổi nhau hay sao?

Mẹ giận thêm, kêu to:

- Mở cửa mau!

Mẹ vừa vào nhà là có người òa khóc. Mẹ không cần hỏi han như mọi bận, bắt hai chánh phạm nằm sấp lên phản, quất cho mỗi người một roi.

Chỉ một roi thôi. Đoạn, mẹ mới đi rửa tay, thay áo.

Xong đâu đấy, mẹ gọi cả hai lại nói:

- Hai đứa lại lấy giấy mà chép ra đầu đuôi câu chuyện cho mẹ coi, rồi mẹ xử tội sau. Roi vừa rồi chưa phải là xử tội đâu. Mau! Không được thêm bớt chút nào hết, nếu không thì liệu.

Ra lệnh xong, mẹ nằm xuống xa lông thở dốc, vì mẹ đã mệt nhiều. Mấy hôm nay, mẹ không ăn được, người xanh và gầy hẳn lại. Nét buồn ghi đậm lên mặt mẹ. Trong đêm vắng, cứ mỗi lần trở mình, Như Ý nghe mẹ thở dài và hễ khi nào Ý đưa tay lên sờ má mẹ thì y như ướt đẫm.

Ý sinh năm Dậu. Vũ năm Thân. Minh năm Sửu còn chị Quý và em Bé thì cùng năm Mẹo.

Một lát sau, hai chánh phạm mang dâng mẹ cáo trạng của mình. Đó là Vũ và Như Ý. Mẹ cầm lấy, đọc như sau:

"Lúc đầu nó mượn thằng người của con. Rồi con, Minh, nó chơi chọi thằng người. Sau nó thua, nó tức, nó nói sao con bồ với cu Minh. Nó liệng thằng người xuống đất nói: "không thèm chơi với hai anh em bồ".

Con nói: "Đồ chơi xong rồi phản".

Nó nói: "Phản với chó".

Cu Minh nói: "Đồ gà ở dơ hơn trâu". Nó nói: "Kệ tao! Gà ở dơ chớ trâu còn ở dơ hơn".

Lúc đó con chọi một mình. Cu Minh nói: "gà bị khỉ đánh". Nó nói: "kệ tao! Gà đánh khỉ còn ăn". Con nói: "Ta không nói gì mà cũng nói người ta, đồ hèn!". Nó nói: "đồ hèn, chó". Con nói: "giỏi đánh đi". Nó nói: "Không cần nói mặt đó".

Con tức quá lại đánh nó hai cái. Nó đánh lại con. Rồi chị Quý lên, rồi mẹ về".

Đó là nguyên văn của Vũ. Dưới đây là của Như Ý: "Con chọi rồi cái anh Vũ ăn bồ với cu Minh, con không thèm chơi nữa, con xuống nhà dưới, anh Vũ ở trên này nói: "Đồ mặt chó, chơi xong rồi phản". Con lại đi lên nhà trên thì cu Minh nó nói: "Đồ con mất dạy, đồ gà ỉa bậy, chớ trâu không ỉa bậy". Còn anh Vũ nói: "Khỉ ở trên cây sạch hơn gà" con tức quá rồi cái... mẹ về".

Đọc xong hai cáo trạng mẹ gọi Vũ và Như Ý lại, cả Minh nữa. Mẹ cố nín cười bảo rằng:

- Lần này mẹ tha cho, lần sau không được chia rẽ như vậy nữa nghe không? Tại làm sao cu Minh lại bồ riêng với Vũ, lập bè kết đảng?

Quý ở bếp chạy lên:

- Chỉ có hai con mèo là đoàn kết phải không mẹ? Mẹ thưởng con bánh chữ đi.

Mẹ không nín cười được nữa, hai chánh phạm liếc nhau cười theo, vui vẻ y như là chưa từng cãi nhau, đánh nhau một lần nào!


MINH QUÂN     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Xanh số 33, ra ngày 15-12-1966)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>