Khi Tú Khánh, một cậu bé mười một tuổi, trở về nhà với cha sau một ngày gắng công tìm kiếm vô ích những con dế ngoài ruộng, cậu vẫn phân vân tự hỏi rằng tại sao cha lại có thể ham đá dế như cậu? Tú Khánh là người đa cảm, cậu rất dễ bị xúc động trong bất cứ trường hợp nào. Khi cậu lên năm tuổi có lần vì quá nghịch, cha cậu đã giơ roi định đánh, nhưng chưa đánh mặt cậu đã xanh như tàu lá vì sợ hãi và do đó mà sau này cha cậu chẳng bao giờ dám dùng roi với cậu nữa, tuy thế cậu vẫn sợ cha rất mực.
Với tuổi đó, Tú Khánh lại có một vóc dáng nhỏ bé, cái áo mà thân mẫu cậu may một năm trước đây, lúc đó tưởng cậu lớn mau lắm - nay vẫn còn quá rộng và dài. Vẻ mặt tinh ranh, con nít của cậu nổi bật các đặc điểm như cặp mắt đen nháy nghịch ngợm, hai gò má phính tròn. Cậu thường nhảy hơn đi. Khi anh cậu đến tuổi này thì đã phải giúp đỡ cha mẹ rất nhiều việc nhưng cậu thì chưa mó tay đến việc gì. Bây giờ thì anh đã mất, còn chị cậu lấy chồng tỉnh xa, bởi đó cậu rất được nuông chiều.
Tú Khánh rất thích đá dế cũng như bất cứ cậu bé nào, với tính mẫn cảm của cậu cùng với óc tưởng tượng phong phú, cậu tìm thấy nơi con vật một vẻ cao quý và khỏe mạnh, cậu ngưỡng mộ cái hàm dưới của chú dế và nghĩ rằng không một con vật to lớn nào lại có một bộ giáp đặc biệt và đôi chân khỏe mạnh như chú dế, cũng như chẳng có con vật nào lại có nét đẹp như thế - một con chó, một con mèo, một con heo... thực chẳng thể nào so sánh được. Ngay từ nhỏ con dế là nỗi ám ảnh đời cậu, giống như mọi đứa trẻ khác trong làng, cậu tập chơi dế và hiểu rằng giá trị của một con dế là ở tiếng kêu, bộ càng, góc độ của cặp giò và sự cân xứng của đầu và thân. Tại cửa sổ phía bắc phòng cậu trông ra một cái vườn nhỏ mỗi sáng khi nằm trên giường cậu lắng nghe bọn dế ca hát, tiếng kêu của chúng thật thích thú biết bao, đó là bản nhạc hay nhất đối với cậu. Khổng Tử và Mạnh Tử mà cậu học được của thầy hầu như dễ quên ngay nhưng âm thanh loài dế cậu thấy dễ hiểu và đáng nhớ. Hình như không một đứa trẻ nào cùng tuổi cậu lại hiểu được điều đó, ngay cả cha cậu. Nhưng hôm nay lần đầu tiên ông dẫn Tú Khánh theo để tìm dế.
Hồi sáu tuổi, Tú Khánh có một kỷ niệm đáng nhớ. Khi cậu mang một con dế đá vào lớp học, thày giáo khám phá được, bắt nộp và dẫm nát ra. Tú Khánh rất giận dữ nên lúc thày giáo quay đi cậu đã đứng lên ghế và nhảy lên lưng ông đấm túi bụi với nắm tay nhỏ bé của cậu. Thày giáo đã bình tĩnh nắm áo và đặt cậu xuống đất.
Chiều nay, cậu theo dõi cha cậu đan một cái lồng bằng tre nhỏ xách tay dùng để bắt dế. Khi làm xong cha cậu nói:
- Tú Khánh, con hãy cầm giỏ này và chúng ta sẽ xuống khu đồi phía nam. Hy vọng ở đó chúng ta sẽ bắt được những con dế tốt.
Đó là một buổi chiều nóng nực của tháng bảy, người cha và cậu con trai, giỏ cầm tay, chạy ngang qua những khoảng đồi, những khu rừng thưa, nhảy qua các rãnh nước, lục lọi từng cục đá, hòn đất, tìm kiếm, lắng nghe những tiếng kêu trong vắt, rõ ràng như giọng kêu của loài dế tốt, nhưng hình như họ chẳng bắt được con dế nào ra hồn, toàn những loại chỉ đẹp mã. Tú Khánh dù thế, vẫn cảm thấy thích thú vì có lẽ đây là lần đầu cậu giúp được cha cậu và được thân thiết với ông. Cậu thường nhìn thấy mắt cha sáng lên khi nghe thấy một giọng sắc sảo của một con dế nào đó, nhưng rồi sau đó lại có tiếng thở dài vì con dế đã vuột khỏi tay ông, chui vào một đám cỏ rậm. Khi trở về cha cậu có vẻ như tiếc rẻ một vài con vật đã vuột mất, dù sao cậu vẫn cảm thấy yêu cha hơn lên.
Thắc mắc của Tú Khánh - vì sao cha cậu lại thích đi kiếm dế? - được giải đáp trong buổi tối đó, khi chỉ còn hai mẹ con sau giờ ăn chiều.
- Mẹ ơi tại sao cha lại thích bắt dế như thế?
- Không con ạ, cha con chẳng thích những con dế đâu, chẳng qua ông phải thích đấy thôi.
- Tại sao mẹ, ai bắt?
- Quan tổng đốc! Cha con là hương cả trong làng, do đó mới đây quan tổng đốc đã hạ lệnh là phải dâng cho ngài một con dế vô địch. Nếu tốt sẽ được thưởng còn ngược lại thì hình phạt nặng nề lắm con ạ. Cha con có thể mất việc, còn gia đình ta thì con biết, đâu có dư dả gì?
Tú Khánh chợt hiểu và chẳng dám hỏi thêm nữa.
Vào thời đó tại triều đình thường tổ chức các cuộc đá dế giữa các bà phu nhân trong triều, cuộc tranh đua kéo dài từ đầu thu để kết thúc vào giữa xuân. Có lẽ đó là truyền thống cổ xưa của triều đình vì truyền thuyết cho rằng vị hoàng đế đầu tiên, đã mải mê đá dế đến nỗi quân của đại đế Hốt Tất Liệt vào kinh thành mà ngài vẫn không rời cuộc tranh tài quyết liệt của hai chú dế đá. Các chú dế được đem vào triều thường do các viên chức địa phương bỏ tiền thuê nông dân đi bắt ngoài đồng.
Trước khi vào triều, các con dế này đã phải trải qua hàng trăm trận đấu với các con dế khác trong vùng. Tại tổng Hàn Xuyên, nơi ông Chung, cha Tú Khánh làm việc thường nổi tiếng về loại dế vô địch, do đó mà tội vạ đã xảy đến. Là một vị hương cả liêm chính, ông chẳng thể nào có đủ tiền để trả công thuê mướn người bắt dế, nên ông phải đích thân tìm kiếm.
Tú Khánh cảm thấy mối ái ngại của cha, ông hút hết điếu thuốc này sang điếu thuốc khác, ra chiều suy nghĩ. Cuối cùng, ông đã nói với cậu, giọng cầu khẩn:
- Tú Khánh, con phải bắt được một con dế vô địch cho cha, nếu có chúng, ta sẽ có nhiều tiền.
- Sao thế cha?
- Con biết không, cuộc tranh tài chung kết sẽ xảy ra vào mùa xuân này. Kẻ nào thắng cuộc sẽ được hưởng một giải lớn của vua.
- Nhưng vua có thích dế không cha?
Ông Chung nói với vẻ hằn học:
- Dĩ nhiên ông ta thích lắm chứ.
- Như thế chúng ta sẽ giật giải cha ạ, nhưng chúng ta có được diện kiến vua không?
- Không con ạ, chúng ta phải gởi qua quan tổng trấn, rồi qua ngài ngự sử rồi mới đến vua.
- Cha ạ, chúng ta phải thắng, chúng ta phải giật giải.
Tú Khánh giờ đây cảm thấy có trách nhiệm phải bắt một con dế vô địch cho cha và ngay cả cho mẹ cậu nữa bởi cậu vẫn thường nghe bà than về cảnh nghèo khó của gia đình.
Sau ba ngày họ không tìm kiếm được một con dế nào tốt. Nhưng qua ngày thứ tư khi vượt qua khu đồi họ đã gặp một khu mồ mả cổ. Tú Khánh nhận thấy nơi đây có thể có loại dế tốt vì cát đỏ vàng, màu sắc mà loài dế rất thích.
Tú Khánh rất cẩn thận, cậu lật một cục đá lớn. Ở dưới có một hang nhỏ. Có một con vật xinh xắn nhảy ra vóc dáng thật hùng hổ. Tú Khánh báo động ngay và hai cha con bắt đầu cuộc vây bắt. Con vật khôn ngoan lại chui ngay vào một hang nhỏ khác, cậu cong người móc tay cố tìm cách kéo con vật ra, nhưng bàn tay cậu chẳng thể nào chui lọt. Hì hục một hồi lâu, Tú Khánh đã để cha cậu ngồi gác trong khi cậu xuống suối gần đó lấy nước để đổ vào hang. Vài phút sau đó chú dế đã nhảy gọn vào trong lồng. Trông chú thật to và đẹp, đó là một loại dế "cổ đen" với hàm rộng, thân hình dắn chắc, cặp đùi khỏe mạnh, cả thân hình phủ một màu đỏ nâu như sơn mài. Tú Khánh và cha cậu vô cùng hãnh diện về công lao của họ.
Trở về lòng sung sướng tràn đầy, người cha cẩn thận để con vật trong một hũ tròn ngay trong phòng của ông, muốn chắc chắn ông còn chặn trên miệng một tấm chắn, ông dặn vợ phải trông coi kỹ lưỡng đề phòng mèo hàng xóm cũng như không cho ai chạm vào.
Tú Khánh thì cảm thấy thích thú vô cùng, lúc đầu còn sợ cha, cậu chỉ đứng ngoài cửa nhìn vào và nghe tiếng gáy ròn rã của chú dế. Bỗng nhiên con dế ngừng gáy, chẳng động tĩnh gì nữa. Chờ một hồi lâu, Tú Khánh nóng ruột đẩy cửa vào, ghé mắt qua những lỗ hổng của tấm chắn, cậu chỉ thấy trong hũ tối đen, chẳng thấy chú dế đâu. Cậu vội kéo tấm chắn ra, đồng thời lúc đó một tiếng động nhỏ, con dế đã nhảy thoát ra ngoài. Tú Khánh hoảng hồn đóng cửa sổ, cậu phải vất vả lắm mới bắt được con dế dưới gầm tủ, nhưng không may mắn con dế bị gãy mất cẳng bên trái.
Tú Khánh sợ hãi điếng người, thế là hết giải vô địch quốc gia. Miệng cậu khô lại, nhưng cậu chẳng thể nào khóc được.
- Chết rồi con ơi, cha con mà về bây giờ thì chết.
Đó là tiếng mẹ cậu than thở. Mặt cậu trắng bệch, bỗng nhiên cậu ù té chạy ra khỏi nhà.
Một thời gian lâu sau đó, khi cha mẹ cậu đã ăn xong bữa chiều và ngồi chờ Tú Khánh. Họ hy vọng cậu trốn nơi nào đó, chắc đói bụng thế nào cậu cũng về. Mười giờ tối, hai ông bà không thể nào chờ đợi thêm nữa, họ bắt đầu tìm kiếm cậu. Vào giữa đêm họ đã nhìn thấy cậu dưới đáy một giếng khô. Nhờ hàng xóm giúp đỡ họ đã mang Tú Khánh ra khỏi giếng, cậu hoàn toàn bất động, chẳng còn sức sống, trán cậu chảy máu nhiều vì vết sứt vào thành giếng, nhưng may mắn, ngoài ra chẳng còn vết thương nào khác. Họ sưởi ấm và băng bó vết thương, lúc này tim cậu đập rất yếu ớt. Tình trạng của cậu thật trầm trọng. Thày lang y được gọi đến nhưng ông có vẻ thất vọng.
Sáng hôm sau Tú Khánh có thể ăn được ít cháo, nhưng cậu thay đổi hoàn toàn, sức sống của cậu không còn, cậu như sống trong một thế giới xa lạ, cậu chẳng còn nhận ra cha mẹ, ngay cả người chị về thăm cậu cũng chẳng nhận ra. Người lang y cho rằng bịnh cậu rất khó chữa, trong giấc mơ cậu vẫn la: - "Tôi đã giết nó, tôi đã giết nó - một con dế cổ đen..."
Dù sao Tú Khánh vẫn còn sống, ông Chung nhớ ra chỉ còn hạn bốn ngày nữa để bắt một con dế khác nộp cho quan Tổng Đốc. Ông trở lại khu mồ mả cổ và bắt thêm được nhiều dế khác nhưng hình như chưa có con nào nổi bật. Khi trở về nhà, trong lúc âu sầu ông bỗng nghe một tiếng kêu sang sảng của một con dế trong bếp. Ông vội vã chạy vào định bắt, nhưng con dế đã nhảy ngay vào tay ông như muốn được bắt. Sự kiện xảy ra thật lạ lùng, tuy nhiên nhìn con dế đen nháy trong tay ông thất vọng vô cùng vì nó nhỏ bé quá, mặc dù cổ nó dài, hai cẳng tốt có dáng dấp của một con dế vô địch. Ông ngần ngừ chưa dám đem trình quan Tổng Đốc.
Một người bạn ông cũng bắt được một con dế quí. Con dế này đã hạ hầu hết con dế khác trong làng nhưng chưa ai hỏi mua, người bạn đó hy vọng đem lại, ông Chung thế nào cũng bỏ tiền ra mua. Đây là dịp tốt ông Chung đem con dế nhỏ ra so tài vì nếu con dế bé nhỏ có bị hạ ông cũng chẳng ân hận gì. Thế là hai chú dế được đặt đối diện nhau, con dế nhỏ trông hoàn toàn yếu thế. Con dế lớn bắt đầu nhe răng tiến tới nhưng con bé vẫn hoàn toàn yên lặng. Người bạn dùng đầu que tăm có lông cứng khiêu khích con bé, thế là hai con bám sát nhau. Một giây sau, cả hai người chứng kiến đều nhận thấy bỗng nhiên con dế nhỏ gáy rút lên, giơ hai hàm nhọn hoắt với dáng điệu vô cùng mạnh mẽ nhảy chồm lên con dế lớn, ngoạm vào cổ đối thủ. Người bạn vội vàng nâng hộp lên lắc mạnh để hy vọng cứu con vật của mình, con dế thắng trận đầu tiên một cách vẻ vang.
Trong khi ông Chung hoan hỉ với con dế quí, ông không chú ý đến con gà từ đâu chạy đến, thấy chú dế con đen nháy ngon lành liền nhảy tới mổ nhưng con dế nhanh nhẹn nhảy đi, gà chồm theo và chú dế bé con đã bị gà nuốt trọn, tưởng đâu thế là hết, con gà bỗng ngắc cổ, chú dể nhỏ nhảy ra khỏi cổ con gà và bám cắn mào con gà - những người chứng kiến đều sững sờ, không phản ứng gì được.
Bây giờ thì ông Chung đã hoàn toàn tin ở chú dế nhỏ, ông quyết định đưa lên trình quan Tổng Đốc. Ông đã kể lai lịch và thành tích con dế nhưng quan Tổng Đốc chẳng tin chút nào. Sau đó trong mọi trận đấu, con dế hoàn toàn thắng lợi bởi thế quan Tổng Đốc tin tưởng vô cùng, ông sai thợ làm hộp vàng đựng dế, rồi gởi vào cung dâng vua.
Ông Chung cũng tin rằng rồi ra con dế bé nhỏ này cũng có thể chữa lành bệnh cho con ông, cậu Tú Khánh hình như vẫn trong tình trạng hôn mê. Mẹ cậu phải cho đồ ăn vào miệng bằng muỗng nhỏ. Bà nhiều lần nhận thấy bắp thịt tứ chi cậu giựt rất mạnh mẽ và đổ mồ hôi nhiều, bởi bệnh trạng đó người lang y càng quyết đoán rằng cậu bị ám ảnh bởi mối thù hận nào đó, hiện tại thì cậu đang sống trong ký ức. Ba ngày sau bịnh tình cậu lại bộc phát, rồi dần dần cậu tỉnh táo hơn. Mẹ cậu vẫn nhớ rõ đó là ngày đầu tháng chạp, cậu đã tươi cười nói với mẹ rằng:
- Con đã thắng mẹ ơi.
- Con nói sao?
- Con đã thắng.
- Thắng cái gì chứ?
Cậu lại hôn mê, lần này kéo dài đến nửa tháng. Vào một buổi sáng, cậu tỉnh dậy và gọi mẹ:
- Mẹ ơi con đói quá.
- Sao con yêu, con đã khỏi rồi sao?
Người mẹ vừa nói vừa lau vội dòng nước mắt sung sướng.
- Con đã ngủ một giấc dài.
- Con đã ngủ những bao lâu hả mẹ?
- Ba tuần con ạ, con làm cha mẹ lo lắng quá.
- Thế mà con chẳng biết gì cả - cha ơi con đã lỡ làm hư con dế đá của cha, cha có tha lỗi cho con không?
- Đừng buồn nữa con ạ, trong khi con đau cha đã bắt một con khác tốt hơn, giờ đây chắc nó đang đoạt thêm thành tích, hy vọng nó sẽ thắng và gia đình ta chắc sẽ giàu có hơn.
Gia đình lại trở về khung cảnh hạnh phúc. Tú Khánh có thể ăn được nhưng bắp thị của cậu vẫn còn đau đớn.
- Điều đó thật lạ mẹ ạ, con cảm thấy hình như con đã chạy hàng trăm cây số.
Ngày sau, Tú Khánh có thể dậy và đi lại được. Sau bữa ăn chiều, cả gia đình quây quần bên đèn, cắn hạt dẻ. Bỗng nhiên, Tú Khánh như khám phá được điều gì.
- Con đã ăn hạt dẻ này ở đâu rồi!
- Ở đâu con?
- Ở triều đình, đúng rồi.
- Con có mơ không?
- Không mẹ ạ, con đã đến đó, trong chiếc lồng vàng, con nhận thấy các bà, các cô ăn mặc đủ màu sắc xanh đỏ.
- Con đã mơ lúc con đau sao?
- Không, điều đó đúng, mẹ tin con đi, con đã đến đó.
- Con nhìn thấy gì nữa?
- Nơi đó con thấy đàn ông mặc áo thụng với mão trên đầu, trong số đó có một người mà con tin là vua, mọi người đều chăm chú nhìn con, chợt nghĩ đến mong ước của cha mẹ nên con đã quyết thắng. Khi lồng vừa mở ra, con nhìn thấy một con dế to lớn với đôi cẳng dài, con sợ hãi hết sức, mãi tới khi nhập cuộc, cuối cùng con thắng. Đêm nào cũng thế, con tranh đấu với ý nghĩ quyết thắng. Đêm cuối cùng con phải đối đầu với một con đầu đỏ, trông thật dễ sợ, nhưng con an tâm, con bình tĩnh tiến về phía hắn, khi hắn nhe hàm ra, con đã chồm lên, chưa lúc nào con lại nhanh nhẹn đến thế, con xé rách cánh trái và cắn gãy chân phải của hắn. Hắn trở nên điên cuồng, hùng hổ tiến về phía con. Con nghĩ đến việc phải làm khi hắn tiến đến, cuối cùng cặp mắt hắn đầy máu, không còn nhìn được nữa thì con đã cắn ngay cổ và kết liễu đời hắn.
Tú Khánh kể chuyện như đang xảy ra trước mặt. Cha mẹ cậu vẫn tin rằng cậu đang kể lại điều đã mơ thấy.
- Như thế con đã đoạt giải sao?
- Con tin thế.
Tại triều đình người ta đã bàn tán với nhau về con dế vô địch, chưa bao giờ họ thấy một chuyện lạ như thế, họ không ngờ một con vật nhỏ lại có sức mạnh phi thường, nó đã thắng bất cứ con vật nào dù lớn gấp hai nó. Hầu hết đầu bị quật ngã bởi ngón đòn sở trường là nhảy lên lưng và cắn đầu. Nhưng đêm cuối cùng khi dế mèn được tuyên bố là vô địch thì sáng hôm sau người ta không còn thấy nó trong lồng vàng nữa.
Tin vui đã được báo cho gia đình Tú Khánh biết, người cha khóc vì quá vui mừng, vị hương cả khoác vội bộ cánh đẹp nhất và mang theo Tú Khánh lên diện kiến quan Tổng trấn. Gia đình Tú Khánh từ đó trở nên sung túc - Tú Khánh có thể đi học trường tỉnh, mặc dù cậu vẫn thích thú với câu chuyện đá dế nhưng cậu chẳng bao giờ dám bắt dế và không dám xem hai con dế đá nhau nữa.
Ít lâu sau đó cậu trở nên một học trò giỏi nhất tỉnh, hàng ngày cậu vẫn giúp đỡ cha mẹ vì lúc này ông bà tuổi đã già. Ông Chung thường đem chuyện con dế vô địch ra kể cho trẻ em mãi mà không biết chán. Cuối câu chuyện ông thường kết luận rằng: "Các cháu có nhiều cách để chứng tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ nhưng nếu tâm hồn ta tốt và không có hoàn cảnh thì trời đất sẽ giúp đỡ ta chứng tỏ lòng hiếu thảo đó".
TRƯỜNG KỲ dịch
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 77, ra ngày 18-2-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.