Thứ Hai, 20 tháng 2, 2023

No Nên Phật, Đói Nên Ma

  

Các em thân mến,

Một em ở Vũng Tàu đã viết đến chúng tôi: Bác thường hay khuyên dạy chúng cháu nên ăn ở hiền lành, giúp đỡ mọi người. Nhưng gia đình cháu quá thiếu thốn, nghèo nàn, chúng cháu không lo nổi cho đời sống riêng của chúng cháu thì làm sao chúng cháu có thể giúp đỡ người khác được. Cháu có nghe người ta thường nói: No nên Phật, đói nên ma, thưa bác, câu này có ý nghĩa thế nào, mong bác giải thích giùm chúng cháu.

Các em thân mến,

Sự no, đói, giàu, nghèo ảnh hưởng rất nhiều cho đời sống chúng ta.

Câu tục ngữ trên cho rằng khi chúng ta được no ấm, dư dả, giàu có, tướng mạo chúng ta được đẹp đẽ, vui tươi, lòng dạ chúng ta hiền lành, tử tế, chúng ta có thể làm những việc từ bi, bác ái, giúp đỡ mọi người, như đức Phật, còn một khi bụng chúng ta đói, gia đình chúng ta nghèo túng, quá thiếu thốn, mặt mày chúng ta chắc dơ dáy, khó coi, chúng  ta không làm được điều lành, có khi trở nên tàn ác, như ma quỉ.

Đành rằng, khi chúng ta sống đầy đủ, no ấm, chúng ta không còn thèm muốn như khi chúng ta túng thiếu, chúng ta không phải nghĩ đến việc tranh đấu cho miếng ăn của chúng ta, chúng ta không cần những mánh khóe để tranh sống, chúng ta có đủ phương tiện để làm việc thiện, có đủ bình tĩnh để thương người và giúp người, nhưng cũng không phải hễ ai được dư dả là thương người đâu. Có người càng no đủ, họ càng tham lam.

Trái lại, biết bao người sống thanh bạch, bao người thà chịu sống thiếu thốn, khổ sở để giữ vẹn khí tiết, gia phong, tiếng tốt. Chúng ta cũng thừa hiểu sự đói rách có thể sai khiến dễ dàng chúng ta làm những việc không hay, những việc làm liều, vì một khi chúng ta đói, chúng ta không còn đủ nghị lực, chúng ta có thể mất hết lương tâm. Chúng ta hoan nghinh lòng tử tế của kẻ bác ái, no đủ, giàu sang, nhưng chúng ta lại càng khâm phục những người nghèo túng có từ tâm dám chia sớt cơm áo cho những người cùng chung cảnh ngộ.

Các em thân mến, 
 
Chúng tôi mong rằng các em sau này sẽ cố gắng để khi các em no, các em "nên phật" mà khi các em đói, các em càng "nên phật", đúng với câu châm ngôn: Đói cho sạch, rách cho thơm.

Các em cũng nên nhớ rằng không phải chỉ khi nào chúng ta no đủ, giàu có chúng ta mới làm việc thiện được. Việc nghĩa cũng đáng  quí, khi chúng ta làm những việc nhỏ nhặt xung quanh ta, vừa với tầm tay chúng ta, trong âm thầm, như dẫn người mù qua đường, nhặt vỏ chuối, miểng chai vứt trên đường để tránh cho người bộ hành khỏi trợt té, đứt chân, hay chăm sóc người tàn phế, tật nguyền.

Ngày xưa, thời Tam Quốc, Lưu Bị trước khi mất đã dặn dò con: "Các con! Chớ thấy điều ác nhỏ mà làm. Chớ thấy điều thiện nhỏ mà không làm. Có hiền có đức mới được lòng người ta..." Việc thiện không phân biệt lớn hay nhỏ, mà chỉ là VIỆC THIỆN được hành động bởi LÒNG TỪ THIỆN mà thôi.


Thân mến,                     
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 73, ra ngày 14-1-1973)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>