Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Những ngày hè


Thật là bực mình, khó chịu cho tôi với những ngày hè. Đây là thời gian mà bệnh nhức đầu của tôi sau một thời gian dài ngủ yên, chừ bỗng nổi dậy đùng đùng hành hạ một “nạn nhân khó tính”. Vâng! Thưa bạn, “nạn nhân khó tính” đó chính là tôi – “Nữ chúa” của một bọn nhóc gồm mười đứa: lớn, bé đủ cỡ, trai, gái đều có mặt. Lực lượng con gái thật hùng hậu chiếm tới bảy mạng, còn con trai chỉ loe que ba tên mà tên nào cũng xứng đáng đại diện cho hãng tăm tre Việt Nam, chẳng bù cho bọn con gái chúng tôi – đứa nào trông cũng “phì nhiêu” cả. Nói ra thật xấu hổ chớ thật tình chẳng bao giờ tôi thích làm “nữ chúa” cả (nghe nó làm sao ấy!). Bọn nhóc bầu cho tôi đấy ạ (có lẽ tại tôi có tánh “chằn”). Nghe chúng tán mãi – nào “Chị Tư “hiền thục” nhất nhà, xứng đáng điều khiển bọn em”, nào “Chị Tư mà làm nữ chúa trông “hách” lắm” v.v… và v.v… Trời ơi! Tụi nhóc nói ngọt như đường làm tôi xiêu lòng chớ chức “nữ chúa” ấy tôi mà ham gì. Con gái mà làm “Nữ chúa” ai dám “rước” về bạn nhỉ? (ấy là lời mẹ tôi “mắng yêu” đấy nhé!)

Bây giờ trở lại bệnh nhức đầu của tôi. Nguyên nhân chẳng phải mất công tìm kiếm đâu xa. Nó ở rất gần tôi, bên tôi và xung quanh tôi. Xin thưa: lũ nhóc nhà tôi đấy bạn ạ! Trường chúng vừa đóng cửa nghỉ hè là y như nhà tôi có… loạn. Loạn giữa trưa, loạn buổi sáng và loạn cả vào buổi tối nữa. Loạn cả ngày, thế mà vẫn có chuyện xảy ra làm tôi cứ ngỡ là “chuyện lạ bốn phương” không bằng. Chuyện như thế này: một hôm mẹ tôi vừa đi chợ về, lũ nhóc đang bu quanh mẹ tranh quà (dĩ nhiên có mặt tôi nên tôi mới được chứng kiến “chuyện lạ bốn phương” này). Bà Năm hàng xóm dắt cu Sơn – con út bà ta – vào năn nỉ với mẹ tôi:

- Bác cho tôi gởi cháu ở nhà bác cho nó chơi với các cháu đây. Nó nghịch và dữ quá, cho nó chơi chung với các cháu nhà bác may ra nó bắt chước các cháu đây mà bớt nghịch.

Rồi bà khen thêm để lấy lòng mẹ tôi:

- Thật cả xóm này ai cũng khen bác – con đông mà cả ngày không nghe lấy một tiếng. Các cháu ngoan quá!

Dĩ nhiên mẹ tôi bằng lòng ngay và sung sướng ghê lắm. Riêng tôi và lũ nhóc đứng ngẩn cả ra. Khi bà Năm chào mẹ tôi về rồi lũ nhóc được dịp ôm bụng cười rũ ra. Mẹ tôi phải mắng:

- Tụi bây thật lạ. Người ta khen không thích sao mà đứng đó cười?

Con Hương cố nín cười nói:

- Thật tội nghiệp bác Năm! Bọn nhóc nhà mình nghịch phá như giặc mà bác ấy cứ ngỡ…

Rồi nó lại cười rũ ra. Thằng Tý lại bên cu Sơn thân mật:

- Mày đừng lo, cứ yên tâm ở đây chơi với tụi tao. Tụi tao sẽ huấn luyện cho mày thành một vị tướng tài ba.

Không biết cu Sơn có tin lời hứa của thằng Tý không. Chỉ biết đang từ bộ mặt “nai vàng ngơ ngác” cu Sơn nhoẻn miệng cười làm quen với thằng Tý trông “có duyên” tệ.

Sự có mặt của cu Sơn không thêm gánh nặng cho tôi vì hắn chỉ tới chơi ngoài giờ ăn và giờ ngủ. Nhưng thấy lũ nhóc nhà tôi “đồng bệnh” nghịch với hắn, thằng nhỏ thích chí quá và lũ nhóc nhà tôi cũng chịu cu Sơn vô cùng. Thật nản cho tôi. Thế này thì có lẽ tôi điên mất! Mấy tháng hè ở nhà chỉ mỗi việc “chăn” lũ nhóc thì chán thật. Sau nhiều đêm không ngủ (?) nằm suy nghĩ, tôi tìm ra được một biện pháp để tự “giải thoát” lấy – phải tìm một việc làm. Có việc làm tôi sẽ chỉ ở nhà một buổi, như thế cũng bớt nhức đầu nhiều. Đi làm tôi sẽ có tiền riêng tha hồ “hách xì xằng” với lũ nhóc, lâu lâu mua cho chúng cái bánh, chiếc kẹo hẳn chúng thích lắm. Hoặc giả tôi muốn mua quyển vở, cây bút khỏi xin bố mẹ, và thỉnh thoảng thêm vài viên ô mai, xí muội tôi khỏi “mè nheo” với mấy bà chị.

Dự định đi làm của tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là sự phản đối của bố mẹ tôi. Bố tôi bảo:

- Học hành cả một năm, nghỉ hè có một hai tháng con phải nghỉ ngơi để lấy sức sang năm mà học tiếp chứ.

Mẹ tôi thực tế hơn, mẹ nói với bố:

- Ấy, con gái mình nó muốn tránh việc nhà nên bày vẽ đòi đi làm. Bộ ở nhà giúp tôi đây, trông nom các em không phải làm việc sao?

Bạn phải biết – như tôi đây phải có ý chí ghê gớm lắm mới không nao núng trước câu nói của mẹ. Những lần trước giá nghe mẹ nói thế hẳn tôi “tự ái” ghê lắm. Nhưng lần này không, phải khéo léo mới được việc. Lúc này tôi phải tận dụng “ba tấc lưỡi” để thuyết phục mẹ:

- Con chỉ xin đi làm một buổi còn một buổi ở nhà giúp mẹ. Lúc này vật giá đắt đỏ, con đi làm có thêm chút tiền thêm vô tiền chợ của mẹ, cả nhà lại được ăn ngon. Các em có đòi quà bánh con mua cho chúng thế là chúng khỏi vòi mẹ. Hơn nữa nghỉ hè rảnh rang không đi làm phí thời giờ đi…

Lũ nhóc nãy giờ ngồi im theo dõi câu chuyện chưa có ý kiến nào. Nghe tôi nói xong hẳn trong đầu óc chúng hiện ra ý nghĩ – Thì ra “thiện chí” đi làm của chị Tư chỉ nhằm “phục vụ” bọn nhóc chúng mình. Thế thì phải ủng hộ mạnh chứ lỵ! Thế là tôi có đông đảo “đồng minh”. Kể ra tài “mè nheo”, nhõng nhẽo của tôi và lũ nhóc không đến nỗi dở lắm. Năn nỉ mãi bố mẹ tôi rồi cũng xiêu lòng. Người bắt tôi phải hứa chỉ tìm việc gì nhẹ và hợp với khả năng thôi. Dĩ nhiên tôi bằng lòng điều kiện dễ dàng này ngay chứ lỵ!

Khó khăn thứ hai là đi làm mà làm việc gì đây? Đầu tiên tôi phải tìm mua tờ báo nào có nhiều mục rao vặt, cần người nhất để theo dõi và… chờ đợi. Hơn một tuần, ngày nào cũng tốn tiền mua báo tôi vẫn chưa tìm được việc gì hợp với khả năng mình. Đã thế, lũ nhóc lại có dịp trêu tôi. Lâu lâu nhỏ Hoa ong óng cái mồm:

- Này, chị Tư! Ở đây cần người làm nè.

Rồi nó trịnh trọng đọc to cho cả nhà nghe: “Cần một em gái sạch sẽ, ngoan để giữ em. Lương tháng bốn ngàn…”

Tôi cáu lên:

- Có câm mồm lại không? Tao “từ” mặt mày ra, mai mốt đi làm có tiền đừng hòng tao cho một đồng…

Con nhỏ to gan thật – nó vẫn không sợ cứ ngồi cười khoe hàm răng “vô trật tự” của nó một cách “dễ thương”.

- Hì… hì… chị Tư rộng rãi thấy mồ. Chị Tư đâu cho một đồng ít rứa, chị Tư cho mười đồng cơ…

Việc tôi… chờ đợi rồi cũng đến. Một mẩu tin đăng cần người: cần một cô giáo kinh nghiệm, hiền, ngoan, yêu trẻ để kèm một em nhỏ. Hỏi số… đường… được chị em tôi mổ xẻ, phân tích kỹ lưỡng: Một cô giáo kinh nghiệm – Chết! Tao đã dạy ở đâu mô nờ mà kinh nghiệm với không kinh nghiệm – Thì chị cứ nói đại đã từng dạy nhiều nơi, ai biết được. Hiền – Tụi bây thấy tao có hiền không? – Có, hiền cỡ bà “chằn”. Ngoan? – Cũng tàm tạm. Yêu trẻ? – Điều này tao ngán nhất, một lũ em như chúng mày tao hết muốn yêu trẻ rồi. Một em nhỏ – mà em nhỏ bao nhiêu tuổi? Có nghịch phá như lũ nhóc không?

Bàn qua tính lại mãi cuối cùng tôi nhất định tới hỏi “thử”, biết đâu công việc lại chẳng hợp với tôi.

Lũ nhóc tiễn tôi “lên đường” với hy vọng tràn trề. Bé Hằng dặn:

- Xong việc mua quà cho em nghe.

Lũ nhóc nhao nhao:

- Mua cho em cây bút mực.

- Mua cho em quyển tập.

- Mua cho em cái cặp.

Tôi vừa dắt xe ra cổng vừa “mắng yêu” lũ nhóc:

- Chưa xin được việc tụi bây đã “trù” tao “sạt nghiệp” rồi.

Nhỏ Hương đòi đi theo nhưng tôi sợ nhỡ “có chuyện chi” không ổn nó về kể lại thì “quê” quá. Thế là tôi một mình một… xe trực chỉ đường T.M.G.

Tánh tôi ở nhà ưa làm hùm làm beo với lũ nhóc nhưng ra đường thì nhát như “thỏ đế”. Ngồi trước mặt bà chủ tôi khớp quá! Tôi hối hận – phải chi lúc nãy cho nhỏ Hương theo được việc hơn. Bà chủ xem ra cũng phúc hậu (ấy là tôi nhìn người đoán). Bà hỏi tôi:

- Cô đã dạy những nơi nào? Cô có đem giấy chứng nhận, cho tôi xem.

Tôi ấp úng:

- Cháu… không có… giấy… chứng…

Bà chau mày nhìn tôi hỏi tiếp:

- Trông cô còn nhỏ quá! Thế cô đã dạy nơi nào chưa?

Tôi buột miệng:

- Thưa bà chưa! … ý… ý… dạ rồi, dạ rồi ạ!

Tôi đọc được sự khó chịu trên mặt bà ta. Bà lớn giọng:

- Cô rắc rối quá, chưa rồi rồi. Tôi biết đằng nào mà tin. Tôi hỏi cô lần chót – Cô đã dạy nhiều năm chưa và dạy ở đâu?

Tự nhiên tôi nóng mặt và đâm ra lúng túng. Tôi quýnh lên:

- Tôi… dạy ở nhà, tôi dạy… mấy đứa nhỏ…

Sự tức giận làm mặt bà đỏ gay. Bà nói như mắng:

- Thôi cám ơn cô, mời cô về, ở đây chúng tôi chỉ cần những người kinh nghiệm.

Tôi lủi thủi dắt xe ra đường. Buồn ơi là buồn! Và tôi chực khóc. Giá nghe lời bố mẹ ở nhà có phải sướng thân hơn không. Việc gì tôi cũng ngỡ dễ dàng không ngờ thực tế khó khăn quá – tìm được một việc làm không phải dễ. Lúc đi hy vọng bao nhiêu lúc về hy vọng thành mây khói cả. Chả lẽ đem bộ mặt “đưa đám” về trình với lũ em, tôi tà tà chạy xe về tòa soạn T.H. chơi. Hy vọng không khí vui vẻ ở gia đình T.H. biến đổi bớt bộ mặt “đưa đám” của tôi. Giờ này ở nhà chắc lũ nhóc đang ăn cơm. Thấy tôi về trễ hẳn chúng có quyền hy vọng tôi còn bận đi mua… kẹo. Tôi đoán bữa ăn hôm nay của lũ nhóc phải sôi động lắm, vì hôm nay chúng đỡ nghe tôi cằn nhằn. Mọi lần ở nhà vào giờ cơm tôi rất cực mỗi khi gọi lũ nhóc xuống ăn cơm. Đứa ở lầu trước đứa ở lầu sau, đứa ở tuốt sân thượng. Gọi cho được tất là tôi khan cả giọng. Có đứa giả vờ không nghe để ngồi nán lại chơi thêm một chút. Lần nào tôi cũng phát cáu:

- Phải sắm cái trống để gọi chúng mày xuống ăn cơm. Mỗi ngày gọi ba lần, mỗi tháng vị chi tám mươi tư lần, rồi một năm, hai năm… còn chi là sức lực tao nữa…

- Vậy mà em có thấy chị sụt ký lô mô, mô nờ?

- Suỵt! Mi đừng nói rứa tội nghiệp chị Tư. Lúc này tao thấy “chỉ” còn “thịt bọc xương” không à…

Tự nhiên tôi bật cười với những ý nghĩ của lũ nhóc. Thiên hạ đi đường trố mắt nhìn tôi – chắc họ tưởng con bé này điên chắc?

*

Vừa về tới nhà đã thấy lũ nhóc ngồi đợi ở cổng. Chúng bàn chuyện gì mà nói to khiếp – chuyện đi làm của tôi chắc? May quá, lúc nãy tôi ghé tiệm đầu ngõ mua gói kẹo. Dù “thất bại”, có những chiếc kẹo xanh xanh, đỏ đỏ phát cho lũ nhóc cũng thấy vui. Vừa thấy tôi, chẳng biết đứa nào “dặn nhỏ” ở nhà lũ nhóc reo lên:

- Lạy cô ạ!

- Chúng em xin chào cô.

Tôi mỉm cười với lũ nhóc rồi giơ cao túi kẹo. Nỗi buồn lúc nãy cơ hồ đã tiêu tan. Tôi thấy lũ nhóc nhà tôi đáng yêu quá. Một ý nghĩ hiện ra trong đầu óc “mù mịt” của tôi – tại sao tôi không là “cô giáo” của lũ nhóc nhỉ? Những ngày hè của tôi sẽ không còn vô vị, chán nản. Tôi sẽ không thèm làm “nữ chúa” nữa. Tôi sẽ làm cô giáo, học trò của tôi là lũ nhóc dễ thương, và cả cu Sơn nữa. Bố mẹ hẳn hài lòng lắm. Ý nghĩ làm tim tôi reo vui. Chia kẹo xong tôi tung tăng vào nhà, theo sau tôi là một cái đuôi dài – lũ nhóc nhà tôi đấy bạn ạ!


Trần thị Hậu

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 181, ra ngày 15-7-1972)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>