Phái đoàn ra đi từ sáng sớm, gồm có bốn nhân vật “trọng yếu” trong
gia đình. Phe “trọng” do Bảo làm Chủ tịch, Cò Phó chủ tịch và phe “yếu”,
Phương làm trưởng Ái làm phó. Cả hai phe, chả phe nào có hội viên, đoàn
viên, chỉ toàn là trưởng với phó nên lúc giới thiệu, nhân vật nào cũng
có cảm tưởng rằng mình rất… hách xì xằng. Bảo mang ballot trên vai trong
đó có lương thực và vài thứ lặt vặt như khăn lau – phần Ái, lúc nào
cũng đòi lau! – quả bóng da cho anh em nhà Bảo (à quên! Cho Chủ tịch và
Phó chủ tịch phe “trọng”) và gương, lược cho cô Phương làm dáng… Bảo
xách cái giá vẽ nhỏ bên tay trái, đồ nghề của “họa sĩ” bên tay phải.
Trước khi khởi hành, Bảo hạ lệnh xếp hàng kiểm điểm vật dụng đem theo:
- Đằng trước thẳng!
Con bé Ái, không biết học ở đâu, cho vọt ra ba tiếng có khả năng làm giảm oai của Chủ tịch Bảo:
- … Đằng sau cong!
Bảo trừng mắt làm Ái hơi nao núng nhe răng sún ra cười trừ.
- Tất cả sẵn sàng chưa? Cò, mấy cái gậy lớn đủ cả chứ? Khéo đấy nhé,
kẻo thiếu thì không làm sao dựng trại một cột đâu nghe. Còn ba tấm toile
de tente đã đánh dấu cái nào của thằng Duy, cái nào của chú Hải chưa?
Phần Cò chỉ có vậy, ráng giữ nghe cưng!
Phương sốt ruột kêu lên:
- Thôi mà. Đã 6 giờ rưỡi rồi đấy. Anh Bảo cứ làm tàng hoài. Đủ cả rồi, đừng lo.
Quay về Phương, Bảo nghiêm trang như một ông tướng sắp lâm trận:
- Còn cô nữa, cái giỏ ấy dễ đứt lắm đấy, liệu mà vung vẩy cho nhiều
vào. Ái! Em nhớ cái túi ấy nghe, anh có để 3 quyển sách mới trong đó.
Nào lên đường! Vừa ý chưa, thưa cô Phương?
Ái giơ tay lên như mỗi lần cô giáo hỏi “em nào đi học có thưa ba má?”:
- Anh Bảo ơi! Có phải hát bài “Vui ca lên nào anh em ơi! Hát cho lòng thắm tươi” … không?
Bảo ra trước cổng, cười to:
- Ừ có, Ái hát đi nào. Anh không muốn hát bây giờ.
Mấy anh em nhắm hướng tây trực chỉ. Nắng buổi sáng rất nhẹ và ấm, gió
cũng chỉ thoang thoảng, man mát. Trời Hè như thế này là tuyệt! Cái dải
mũ của Phương tươi trong màu nắng. Tóc Phương buộc thành hai túm nhỏ ở
hai bên tai bằng sợi chun đen có gắn hạt sen nhựa mầu xanh ngọc. Ái cũng
vậy, trông là biết ngay hai chị em. Phái đoàn đi đến trạm xăng đón xe
lên Phú Vinh. Cò kể chuyện trường, chuyện lớp liên miên. Chuyện thằng
Khôi xin phép ba nó để đi chơi với Cò không được ăn vạ bỏ cơm rồi đói
quá phải lục cơm nguội. Cò kể luôn chuyện thằng Khuê phi thân qua bàn bị
thầy phạt quỳ trên bục bảng. Ái nhìn hàng cây chạy vun vút về phía sau ở
hai bên đường. Chẳng mấy chốc xe đã đến Phú Vinh. Bốn anh em đi bộ vào
trong làng phía mấy lò gạch. Đường làng nhỏ hẹp, bờ ruộng mấp mô. Ái
suýt ngã mấy lần. Cô bé hết nhìn bên nọ sang bên kia, chả là đây là lần
đầu đi đường bờ ruộng mà. Chuồn chuồn lượn vòng trên đầu, Ái ngước mắt
lên rồi chân phải bước thụp xuống ruộng lúa.
- Thôi rồi! Có sao không? Ấy ấy, khéo kẻo ướt sách của anh nào. Đưa
tay đây anh kéo lên. Ồ, chỉ ướt có một tí, đừng khóc, chốc nó sẽ khô
ngay đấy mà. Ái đâu có thèm khóc vì một chuyện vô duyên như vậy, Ái nhỉ?
Bảo đánh một đòn tâm lý khá cao làm miệng Ái sắp méo qua một bên bỗng lại tròn vo, cười tươi hơn bao giờ hết:
- Không sao đâu, ướt có “chút xí” Ái vẫn đi được như thường. Tí nữa
anh Bảo bắt chuồn chuồn cho Ái với nghe, nhiều chuồn chuồn ghê đi! Bay
loạn cả mắt.
Cảnh ruộng đồng thật đẹp. Màu lúa chín vàng như thêm rực rỡ, kiêu
hãnh dưới cơn nắng đầu hạ. Mấy nếp nhà tranh nhỏ bé ở phía xa, khuất sau
khóm cây xanh là một bức tranh tuyệt mỹ. Càng đi sâu vào làng Ái càng
thích thú. Hoa dại mọc lan ra ngoài đường, cỏ may đâm vào quần áo gỡ mãi
mới ra. A! Còn hoa này nữa. Ồ! Xinh làm sao. Hoa tròn như viên bi nhưng
nhỏ hơn, màu hồng nhạt. Ơ mà lạ chưa kìa! Mới chạm đến là lá cụp cả
lại.
- Kỳ ghê chị Phương ơi! Hoa lá chi mà lạ.
Phương hái hoa kết vào mũ rồi kể cho em nghe sự tích hoa trinh nữ.
Chủ tịch Bảo đứng lại, đặt ballot xuống đất:
- Tụi mình cắm trại ở chỗ này vừa mát vừa gần sông. Nghỉ tí đã. Thế nào? Có vị nào đói bụng chưa?
- Chưa! Chưa! Dựng lều đi anh Bảo.
- Ừ, Phương đi tìm hoa về mắc ở lều đi. Ê! Đừng đi xa nhé! Lạc khổ lắm à. Cả Ái nữa, đi với chị Phương.
Lúc Phương và Ái đem một giỏ hoa tím, loại dây leo, về, trại đã đóng
xong. Cò là sói con Hướng Đạo cơ mà. Lều thật căng, dây cũng thẳng lắm
và cọc thì khỏi phải chê. Căn lều đã thành một cái nhà nho nhỏ xinh
xinh, chỉ thiếu con Kiki giữ cổng nữa thôi. Trong lều có một chỗ… ngon
lành nhất là góc sau, ôi chao! Mấy chai nước ngọt trông mới… dễ yêu làm
sao! Còn mấy chiếc lạp xưởng bên cạnh những ổ bánh mì nữa, thật chỉ muốn
giấu kín chúng vào bụng thôi.
Nắng đầu hạ tuy chói chang nhưng vẫn có cái thú vị riêng của nó. Nhìn
thôn xóm rải rác đó đây, nhìn hàng dừa cong vòng xuống bờ ao, nhìn phía
sông sen nở trắng, màu nắng như một màu nền lạ cho tranh vẽ. Buổi trưa
thật yên tĩnh, tất cả như chìm vào một giấc ngủ mê.
Bốn anh em đã tiêu thụ hết số lương thực, nhưng không sao, tí chiều
dời đô về Nha Trang có khối thức ra. Bảo, Phương và Cò đọc truyện dưới
bóng cây, còn Ái vẽ giấc mơ trong lều. Trời oi, không có gió nhiều nhưng
cũng tạm đủ để ru cô bé.
- Cò, tụi mình ra phía sông tắm đi, rồi vẽ nữa. Cảnh ở đấy đẹp quá,
nhóc thấy không? Nhanh lên! Xách cho anh cái túi vải đựng đồ nghề. Mình
ra phía sông, chỗ nhiều bóng mát ấy. Cò thấy chứ? Này cô “thi sĩ” ở đây
làm thơ nhé. Bốn giờ rưỡi thế nào anh cũng có mặt để dọn lều và đọc sáng
tác của Phương. Đi nào, nhóc!
Phương đọc vừa hết trang sách, ngước mặt lên nói:
- Nhớ mau về nghe.
- Ừ, chỉ trừ khi nào anh em tui bị cọp chiếu cố mà thôi.
Hai anh em chạy băng qua cánh đồng mới đó đã mất hút. Phương lấy giấy
bút ra tìm ý thơ. Chà! Khó đấy! Không lẽ bi giờ viết: “Trong lều bé Ái
ngủ say, còn tui lại phải ngồi đây… “ Ơ! Ngồi đây làm gì nhỉ? Làm gì
cũng phải đúng âm điệu của câu thơ cơ. Và cô “thi sĩ” nhà ta bỗng reo
lên:
- A!… “Còn tui lại phải ngồi đây… gác chừng”. Ủa? Sao hắn quê chi lạ!
Phương nhìn quanh. Trời ơi! Nhắc đến chữ “gác chừng” Phương nghe rờn
rợn. Sao vắng chi mà vắng lạ! Phải lúc nãy đừng chịu để anh Bảo với Cò
đi. Ơ! Đừng thế nào được! Phương nghĩ thầm như vậy, ban sáng hai chị em
mình đã bắt anh Bảo thằng Cò “trông nhà” cho đi hái sen rồi cơ mà. Này,
hoa sen ở cái đầm phía mấy bụi chuối đằng kia nở đẹp ghê đi! Phương thuê
thuyền chèo ra ngoài ấy hái thật nhiều, có cả gương sen nữa, ngon ơi là
ngon.
Nhưng mà thực hiện nguyên tắc công bình sao dễ sợ quá à. Nhỡ có ma?
Eo ơi! Nhỡ có ma? Ma nó mà biết Phương đang ngồi một mình thì nguy to.
“Nó” sẽ lại hỏi thăm cái gan thỏ đế của Phương và Phương sẽ… chết luôn.
Phương nhớn nhác nhìn quanh. Ý thơ bay đi tự lúc nào. Ồ! Phải gọi con bé
Ái dậy mới được, tuy Ái cũng sợ ma nhưng có “hắn” vẫn đỡ hơn. Bây giờ
gọi Ái dậy rồi rủ Ái chạy qua nhà bà cụ Bông nở gần đây chơi cho vui và
đỡ ngán ma. Lúc sáng thấy hai chị em xách một giỏ sen về bà cụ mời vào
chơi và hẹn chiều sẽ chặt dừa xiêm cho hai cô bé tỉnh thành thưởng thức.
Quái! Cái anh Bảo này! Đã hẹn 4 giờ rưỡi về cơ mà? Đồng hồ của Phương
chỉ số 5 rồi. Không lẽ ở đây có cọp sao? Hay là anh ấy đi lạc? Chả lẽ
vậy. Nhưng có chuyện gì chứ? Trời! Nếu có chuyện gì?
Phương lo lắng ra mặt. Ái mếu máo khóc, luôn miệng gọi “anh Bảo ui, anh Bảo ui!” Bà cụ Bông ái ngại nhìn hai chị em:
- Chắc cậu ấy quên đem đồng hồ đấy cháu ạ. Để bà bảo thằng Đỏ chạy đi
tìm xem sao. Có phải cậu ấy dặn là hai anh em đi vẽ phía bờ sông không?
Phương cũng rơm rớm nước mắt:
- Vâng ạ. Anh cháu bảo là sẽ tắm sông nữa. Khổ quá! Mẹ cháu đã cấm mà
cứ khăng khăng đòi tắm cơ đấy cụ ạ. Không biết có làm sao không?
Người cháu của bà cụ đã chạy ra phía sông. Phương rùng mình, năm
ngoái me kể con bác Thịnh bị chết trôi ở ngoài Đồng Đế. Lạy trời cho…
ông thầy bói đoán đúng, anh Bảo sẽ sống đến năm 62 tuổi và nếu “ăn ở
phúc đức” thì cũng có thể thêm được vài năm nữa.
- Nội ơi!
Đỏ đã về. Phương sáng mắt lên. Bà cụ hỏi:
- Sao? Tìm gặp không?
Đỏ thở hổn hển:
- Dạ có ạ. Hai anh – Cò lên chức anh rồi đấy, le không? – ấy nấp
trong bụi gần cái lều. Con nghe anh lớn cười, nói với “anh nhỏ” là:
“chắc hai đứa nó khóc tùm lum” Con chạy hỏi có phải cái lều kia của mấy
anh không? Anh nhỏ gật đầu nói “Tui làm đó, đẹp há?” Con bảo chị này
đang đi tìm. Rồi xong hai anh ấy dặn con về bảo là không thấy.
Nói đến đó, Đỏ đưa tay bịt miệng lại:
- Ý chết!
Rồi Đỏ chạy mất. Phương phì cười. A! Hai tên này định làm chị em
người ta khóc cho vui đây mà. Thảo nào lại phải nấp trong bụi. Chắc chờ
lúc “tang gia bối rối” mới xuất hiện vỗ tay chứ gì. Được rồi chốc nữa
tha hồ “lệ nhỏ đầm đìa”.
- Chắc anh cháu định “xí gạt” tụi cháu đấy cụ ạ. Để cháu đem đồ đạc vào đây gửi cụ, bỏ về cho anh em “hắn” biết tay.
Cụ Bông cười, hàm răng móm làm cụ trông thật phúc hậu.
Phương chỉ để lều trống ở ngoài và dẫn Ái ra về.
Nửa giờ sau, Bảo và Cò trở lại lều.
- Ơ hay! Đồ đạc đâu mất cả? Còn hai chị em nhà kia đâu? Chắc chắn là chưa về vì lều còn đây nè Cò. Ủa? Tấm giấy gì thế này?
Và Bảo cầm lên lẩm nhẩm đọc.
“Gửi anh Bảo và Cò,
Hai người tính đánh lừa Phương hở? Phương biết rồi nghe. Bi giờ hai
chị em “tui” về trước. “Đồ đạc” gửi bên nhà bà cụ mà hồi sáng mình xin
nước nóng đó.”
Ở dưới chữ Phương ký thật hách. Bảo lặng người. Nguy quá! Ai ngờ
Phương nó phản công kịch liệt dữ vậy. Trời! Nghĩ đến mớ “đồ đạc” Bảo
muốn toát mồ hôi luôn. Nhiều thế, hai anh em làm sao đem về được đây?
Hai anh em hì hục dọn lều. Gớm! Lúc đi me xếp cho gọn gàng, bây giờ
thấy bắt ghê, toile de tente làm cho một đống to. Tay xách nách mang,
Bảo và Cò thất thểu về như những tên bại trận đau đớn nhất. Nếu có ai đi
theo hai anh em sẽ bắt gặp nhiều thứ bị cố-tình-bỏ-lại những là thìa,
gương sen, cọc đóng lều, khăn mặt… Bảo và Cò thi nhau bỏ bớt lại để làm
“di tích lịch sử”.
Ra đến đường quốc lộ, anh em nhà Bảo được Phương và Ái đón tiếp bằng hai nụ cười thật tươi:
- Chào hai ngài, hai ngài đi đâu thế ạ? Trông hai ngài giống mấy bà
di cư quá đi ạ. Hihi… hi hi, hi hi… Hai ngài có đọc bài thơ của Phương,
nhan đề là “gửi anh Bảo và Cò không ạ? Hay không ạ?
Cò hậm hực nguýt dài rồi bĩu môi:
- Lần sau nghỉ chị Phương ra.
- Ai bảo hai ngài muốn xem Phương và Ái “khóc tùm lum” làm chi? Đáng lắm đấy, không oan đâu!
Giọng Phương dài ra, cao lên, xoáy trúng khối tự ái vĩ đại của Cò. Thằng bé vứt cái giỏ của Phương xuống đất, kêu lên:
- Đấy, cái này phần chị!
Còn Bảo, mặt mày bí xị, lẩm bẩm nói:
- Cái thằng nhỏ cháu bà cụ Bông thật đáng đánh đòn, người ta đã dặn đừng nói thế mà cũng…
Tiếp theo câu nói bỏ lửng Bảo lắc đầu chán ngán cho “tình đời đen bạc” và chép miệng thở dài.
Phương Vy
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 72, ra ngày 1-7-1967)