Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

CHƯƠNG XI_TRONG ĐÊM GIÔNG BÃO


Chương XI

ĐÊM MỒNG BỐN THÁNG CHÍN


Lúc đó đã mười một giờ đêm.

Thằng Phú vẫn say sưa ngủ trong vựa rơm.

Trong khi đó, bên Mương lai bản, con Liên và mẹ túc trực bên giường thằng Phan, theo dõi giấc ngủ của người ốm.

Từ quán cà phê tại Na Mân đi ra, gã đàn ông mặc măng tô da bước lên chiếc Mercédès, ngồi bên tài xế. Xe chạy một quãng, gã ra lệnh cho dừng lại giữa rừng, mở cửa xe bước xuống, khẽ nói với người lái xe:

- Cứ việc cho xe chạy thẳng tới ngã tư sẽ thấy cánh rừng rậm về phía tay phải. Giấu kín xe vào đấy. Chừng một tiếng đồng hồ nữa, trở lại đón tôi.

Chiếc xe sang trọng lao vút đi. Bách, gã đàn ông mặc áo măng tô da đúng là Bách, rảo bước tiến thẳng tới nhà Mã Thiên Bỉnh. Tới nơi, gã giơ tay gõ cửa dồn dập, miệng lẩm bẩm, môi nhếch nụ cười nham hiểm:

- Mình đến bất ngờ thế này, anh chàng Mã chắc phải ngạc nhiên lắm. À, hắn bật đèn rồi đây.

Có tới hai phút sau, cánh cửa ra vào mới hé mở. Mã Thiên Bỉnh sửng sốt:

- Ủa, ông! Xin… xin… xin mời vào! Ông… hẹn mồng năm mới tới mà.

Bỉnh cười xòa, vẻ thản nhiên:

- Tôi lầm ngày… ông bạn tha lỗi cho nhé.

Họ Mã đổ quạu, hầm hừ, nhìn thẳng mặt tên trùm buôn lậu:

- Lầm ngày!... Tôi dư biết mà! Ông đa nghi thì đúng hơn.

Tên Bách vẫn thản nhiên đến lạnh lùng:

- Ông bạn còn lạ gì, trong giới “áp phe” nhất là loại “áp phe” đặc biệt, thận trọng là một đức tính cần thiết. Phải luôn luôn cảnh giác, đề phòng ngay cả cái bóng của chính mình. Đối với ông bạn, tôi mới được biết người, biết mặt, còn lòng dạ thì… chưa.

- Lòng dạ tôi hả?... Đã nói sao thì y như vậy!

- Vâng, tôi vẫn biết thế. Nhưng dịch vụ này lớn lao quá. Bao nhiêu anh em trông vào đó. Lỡ “môi hở răng lạnh”, bọn quan thuế nghe hơi đón gió được, thì… Tôi hẹn mồng 5 nhưng lại tới ngày mồng 4. Thôi, ông bạn thông cảm, nghe.

Mã Thiên Bỉnh nhún vai, chép miệng:

- Tôi đem con chó lên chứ?

- Vâng! Ông bạn cầm cái gì trong tay đó?

- Cái rọ khóa mõm! Khi thả sẽ lấy ra! Cẩn thận vẫn hơn chứ. Sơ ý một cái là mất tay, què chân như chơi.

Dứt lời, họ Mã thắp một cây đèn cầy, rảo bước xuống hầm. Chưa đầy năm phút sau, gã đã quay lên, tay nắm chắc vòng da đai cổ con A-Giát. Con chó to lớn, lực lưỡng đã bị khóa mõm.

Tên Bách móc túi lôi ra một cái túi nhỏ bằng da cá sấu. Những viên đá quý va chạm vào nhau phát ra tiếng lanh canh. Những hòn bảo ngọc trị giá tới gần hai trăm triệu bạc đựng trong cái túi nhỏ xíu nằm gọn lỏn trong lòng bàn tay.

Trong khi họ Mã kềm giữ con chó, tên Bách cột thật chắc cái túi da vào cổ dề. Con A-Giát gầm gừ dữ dội trong cuống họng nhưng không thể làm gì được vì vướng cái rọ mõm. Gã gian phi liếc nhìn đồng hồ tay: Nửa đêm đúng. Y cất tiếng hỏi:

- Ông Mã, chừng bao lâu nó vượt khỏi biên giới?

- Chậm lắm là bốn mươi phút. Đói khát điên dại lên thế này rồi kia mà. Thả ra nghe, ông!

- Mười phút nữa!

Mười phút trôi qua, Mã Thiên Bỉnh nắm vòng da đai cổ con chó. Con A-Giát lồng lộn muốn rời bỏ nơi chốn này sớm phút nào hay phút ấy và biết rằng sắp được thả, nó kéo sểnh họ Mã ra tận cửa. Họ Mã cởi nhanh chiếc rọ mõm, vừa kịp né khỏi một cái đớp của con chó suýt trúng cổ tay.

Nhẩy vọt hai cái liền, A-Giát băng qua mặt lộ, phóng mình vào bóng đêm. Bị tù hãm hai ngày, hai đêm liền trong cái hầm hôi hám, giờ đây nó mới được hít thở không khí tự do.

Khu vực này nằm về phía đông bắc Gò Quao, có đường đi Phà Liêm, A-Giát mới đi qua có một lần, hai ngày trước đây, do tên Gà Cồ lôi sềnh sệch bằng dây thòng lọng luồn qua cái ống tre dài gần một thước.

Chạy ra khỏi nhà Mã Thiên Bỉnh chừng một trăm thước, A-Giát dừng chân trở lui ít bước, rồi lại quay đầu lên đường.

Thính giác, khứu giác tinh tế chẳng giúp được, con chó chỉ còn do bản năng tự động thúc đẩy chầm chậm bước đi, mò mẫm, mũi rà rà mặt đất, cố tìm chút ít dấu vết nào đó còn vương vất lại.

Vượt một bãi ruộng cày, mô đất lởm chởm, nó len lỏi đi vào một cánh đồng cỏ cao rậm rạp. A-Giát băng qua một thửa ruộng đầy gốc rạ, lội bì bõm trong nước. Chốc chốc đạp phải đất sét trơn, nó trượt chân té sóng soài nhưng lại nhổm dậy ngay, băng mình tiếp tục cuộc hành trình trong đêm tối.

Đất mềm thụt chân, bùn ngập đến nửa ống cẳng, bãi cỏ đầy nước, gốc rạ đứng chọc muốn thủng da bàn chân, bụi gai rừng cào da xé thịt. Bất chấp! Con chó vẫn lao mình chạy như bay.

Đây rồi, bãi đất trống… và bên kia là cánh rừng quen thuộc. A-Giát ngẩng đầu hít hơi đón gió. Linh tính của nó bén nhậy thật. Con chó có cảm giác là sắp tới quãng đường quen thuộc.

Nó lao mình như một mũi tên bật khỏi dây cung, vun vút xuống một cái đồi mọc đầy sim dại. Trong lòng như có lửa đốt, A-Giát leo phăng phăng trái đồi kế tiếp, đầy những cây trà mới đốn, cành đâm tua tủa nhọn hoắt như những mũi chông. Đường lớn đường nhỏ không khiến được nó mảy may chú ý. A-Giát, không khác một con thú rừng bị toán thợ săn, chó săn rượt đuổi, băng rừng phóng chạy, bất chấp gai góc châm chích, móc toạc cả vành tai. Những vết thương “gãi ngứa” ấy lại càng khiến nó như lửa cháy bị đổ thêm dầu.

Đây rồi, con đường đi Phà Liêm…

Con chó tinh khôn đã tìm về đúng khu vực cánh rừng giang sơn thân yêu của nó.

Tim đập như muốn vỡ tan lồng ngực, A-Giát gom hết sức còn lại chạy nốt đoạn đường chót.

Sức mạnh chất chứa, dồn ép trong hai ngày hai đêm bị giam cầm tới mức chỉ còn chút xíu khiến nó hóa điên dại, A-Giát đem ra sử dụng hết. Giòng máu man dã luân lưu trong huyết quản bừng sôi, đã khiến con chó nổi cơn hung hãn, giống hệt tổ tiên lang sói.

May mắn sao, đêm đó không một người nào, không một con vật nào vô phúc lảng vảng chạm trán với nó trên bước đường “mã hồi”.

Con đường A-Giát đã đi hằng trăm lần, từ Phà Liêm băng qua Gò Quao, lau sậy um tùm, đến cái cầu hai cây gỗ, rồi rừng Đen và tới… tới căn nhà tại thôn Phượng Mô.

Phút chốc, con chó đã vượt qua quả đồi lớn trên Gò Quao, đến con đường chia hai: một về Phượng Mô, một về Mương lai bản.

A-Giát dừng chân đứng sững.

Hai người bạn. Hai mái nhà. Về đâu?... Và đã từ đâu đến? Mọi lần, mỗi khi tới đây, bao giờ A-Giát cũng nhìn lại về hướng nó đã khởi hành trước khi phóng một mạch tới nơi nó định đến. Con chó ngó về hướng Phượng Mô trước khi qua Mương lai bản, và ngược lại, trông về Mương lai bản trước khi trở lại Phượng Mô.

Giờ đây, nó không ở nhà Phan, cũng chẳng từ nhà thằng Phú tới, mà lại thoát ra từ cái hầm hôi hám ẩm thấp tại nhà tên Mã Thiên Bỉnh. Và nơi cổ toòng teng một cái túi nhỏ, không phải thằng Phú, cũng chẳng do tay thằng Phan đeo vào cho nó một cách thật âu yếm dịu dàng.

Thằng Phú đã dạy nó cách “thân xẻ làm đôi”, một nửa cho Phượng Mô, một nửa cho Mương lai bản.

Hai người bạn! Hai mái nhà!

Sau một phút ngập ngừng do dự, A-Giát quay nhằm hướng Mương Lai trực chỉ. Từ chỗ nó đứng, một đường về Phượng Mô, một về Mương lai bản. Đường về Mương lai bản gần hơn. A-Giát chọn con đường này chắc cũng vì lý do ấy.

Qua khe cửa sổ, phòng thằng Phan vẫn còn ánh sáng le lói chiếu hắt ra.

A-Giát trèo ba bậc thang gỗ lên hàng ba. Nó nghiêng vai khẽ đẩy cánh cửa ra vào, rú rít khe khẽ trong cuống họng, rồi đưa chân gãi sồn sột vào cánh gỗ.

Lúc đó, thằng Phan vẫn chưa ngủ. Con Liên và mẹ đỡ nó ngồi dậy, cho dựa lưng vào mấy cái gối bông để tránh cơn ho có thể khiến nó nghẹt thở.

Liên đỡ anh:

- Uống muỗng thuốc ngọt này đi, anh Phan!

Thằng Phan nói như rên:

- Thôi, sợ thuốc quá! Con mệt quá mẹ ơi! Liên ơi! Mệt lắm! Ủa, Phú về rồi hả?

- Ừ, mai anh ấy lại qua mà.

- Thế còn A-Giát? A-Giát đâu? Tại sao Phú không để A-Giát ở lại bên này với anh hả Liên? Liên vừa mới nói mai Phú lại sang đây hả? Mai chủ nhật à?... Đâu phải!... Không phải chủ nhật thì Phú phải lên tỉnh đi học rồi. Tại sao Liên lại nói với anh là…

Ý nghĩ trong đầu óc thằng Phan hỗn loạn hết. Con Liên ghé sát tai anh:

- Anh Phú vẫn được nghỉ hè mà. Đừng nói nữa mệt, anh Phan! Mồ hôi ra ướt đầm đây này. Nói nhiều lại lên cơn sốt bây giờ.

- Không, không! Không sốt nữa đâu! Không sốt!

Thằng Phan nói nhiều, lại sắp sửa nổi cơn ho. Nó cố nén hơi thở. Đột nhiên, nó ngồi thẳng người, ánh mắt long lanh, giọng nói run rẩy:

- Có nghe tiếng gì không, hả Liên?

Con em gái lắng tai. Gió lay mấy tàu lá chuối ngoài vườn kêu sột soạt. Thằng Phan vẫn lẩm bẩm như người ngủ mơ:

- Hình như con A-Giát! Ờ, ờ, đúng A-Giát đó. Nó vào rừng sục sạo tìm anh không thấy, bây giờ mới quay về đấy.

Bất thình lình, Phan lạc giọng gọi thất thanh:

- A-Giát!

Bên ngoài cánh cửa đóng kín, một tiếng “ấu” vui mừng khẽ vang lên.

Thằng Phan cuống quít:

- Đúng con A-Giát rồi. Đúng rồi! Ra mở cửa cho nó đi, Liên!

Liên chạy như bay ra cửa.

- Từ từ chứ nào, A-Giát!

Con chó lao như mũi tên bắn tới tận giường thằng Phan. Thằng nhỏ dang hai tay. A-Giát chồm lên dựa vào thành giường, hai chân trước để hẳn lên tấm mền len, đặt đầu vào giữa hai cánh tay ấm áp của thằng Phan, đôi mắt lim dim, cực kỳ sung sướng. Thằng nhỏ ốm đau hôn hít mãi cái mõm con chó.

Đã từ hai ngày, hai đêm nay, không một miếng gì trong bao tử, vậy mà con vật tinh khôn vẫn quên được cái đói khủng khiếp khi nghe tiếng người bạn thân yêu cất lên dịu dàng êm ái hơn cả một cái vuốt ve.

Đôi mắt nó ngó thằng Phan chăm chú. Tia nhìn trừng trừng đặc biệt của những con vật chỉ có miệng ăn, không có miệng nói và vẫn đau khổ vì cái khuyết điểm trời sanh ấy.

Không còn gì cảm động cho bằng, hình ảnh những lời van nài khẩn thiết, nhưng hoàn toàn câm nín hiển hiện nới ánh mắt một con chó, trong một lúc nào đó, tưởng chừng như nó muốn nói:

- “Hóa phép cho tôi biết nói đi!”

Tội nghiệp! Con chó khôn nào cũng thế. Chúng cứ tưởng rằng chủ của chúng là tất cả, đủ quyền lực làm được tất cả, kể cả việc ban phép lành khiến chúng có thể cất tiếng nói được như người.

Riêng A-Giát, có hai chủ. Nó chịu tuân lời người này cũng như ngoan ngoãn nghe lệnh người kia. Hiếm thấy một con chó nào lại thuần thục đến mức ấy. Tại đây, Mương lai bản, chủ nó là thằng Phan. Ở bên Phượng Mô, là thằng Phú.

Đây và đó, hai người bạn chí thân thay phiên nhau sai khiến nó: “Lại đây! A-Giát!” hoặc “Đi đi! A-Giát”. Đối với chủ nào, nó cũng răm rắp tuân lời.

- Đã muốn về rồi hả, A-Giát?

Thằng Phan dịu dàng cất tiếng hỏi khi thấy con chó chợt quay đầu ngó đăm đăm cánh cửa còn khép hờ. Đúng lúc đó, con Liên trông thấy cái túi da cá sấu đeo toòng teng nơi cổ dề A-Giát.

Theo thường lệ, khi thằng Phú gởi một món đồ gì, hoặc một lá thư chẳng hạn, bao giờ nó cũng “thắng yên cương”, nai nịt đàng hoàng cho con chó. Tại sao bữa nay lại chỉ có cái túi da cá sấu nhỏ xíu cột vào vòng đai cổ mà thôi? Và nhất là vì lẽ gì thằng Phú lại sai con chó đi liên lạc vào lúc đêm khuya tăm tối? Từ trước đến nay chưa có lần như thế bao giờ.

Ngạc nhiên đến tột độ, con Liên đưa hai tay run rẩy cởi sợi dây dù, mở nắp túi da, đổ dốc tất cả những gì ở bên trong lên giường thằng Phan và nó rú lên:

- Trời đất!

Trên chiếc mền len màu nâu nhạt, tung tóe hàng mấy chục viên bảo thạch: hồng ngọc, bích ngọc và… kim cương. Cả một đám như sao sa tỏa hào quang lấp lánh, vàng, đỏ, xanh biếc có, xanh dương cũng không thiếu.

Thằng Phan chói mắt, bàng hoàng, không dám cả đưa tay ra mó vào đám sỏi quý rải rác trước mắt nó nữa.

Những hạt sỏi quý, chiếu sáng ngời, đúng là mớ sao được gieo rắc dưới bước chân đi của vị thần rừng trên Gò Quao. Vị thần nhân từ bác ái đã chữa khỏi mắt cho A-Giát để rồi đêm nay lại chọn đúng nó, sai khiến nó đem đến cho thằng Phan những vì sao vô cùng quý giá.

Năm chục vì sao trong đêm giông bão, món quà tuyệt hảo của vị thần Gò Quao vẫn ngoan ngoãn nằm trên giường thằng Phan, chiếu ánh sáng ngời.

Trong khi đó, con A-Giát gục đầu trên chiếc soong lớn đựng cơm trộn với khoai tây hầm thịt bò, món “súp” nấu lấy nước cho thằng Phan uống, sốc lấy sốc để. Chốc chốc nó lại đưa mắt liếc nhanh tấm da cáo, cái “giường” êm ấm một chút nữa đây nó sẽ soải mình thoải mái ngủ một giấc “trả thù” cho chuyến vượt biên gian khổ để sáng mai về Phượng Mô với thằng Phú.

Con Liên mê mải ngắm những viên hồng ngọc, bích ngọc, kim cương. Nó dùng mắt chia mớ bảo thạch thành hai phần đều nhau. Và nó mỉm cười khi nghĩ đến thằng Phú cứ hay nói đùa với anh nó câu:

“A-Giát thân xẻ làm đôi

Nửa Mương lai bản, nửa hồi Phượng Mô”.

Cũng trong khi đó, bên Phượng Mô, thằng Phú vẫn ngủ say sưa trong vựa rơm…

… Trên con đường đất pha cát vàng sẫm, hai bên lề mọc toàn giống cỏ tóc tiên, lá dài như lá lan, mềm mại, mầu xanh thẫm, điểm những bông hoa năm cánh đỏ tươi, thằng Phú đi thơ thẩn, miệng khẽ cất tiếng gọi buồn rầu: A-Giát! A-Giát!

- A-Giát!

Tiếng thằng Phan văng vẳng đâu đây khiến nó quay đầu đưa mắt nhìn ngơ ngác. Thì kìa! A-Giát bằng xương bằng thịt, mõm cắn một con gà rừng thật bự đang phi nước đại phóng tới. Dì Mai đoán điềm giải mộng thường vẫn nói với cháu: “ Chó tha mồi là điềm tốt lành lắm!” Tốt lành hay không tốt lành, chưa biết. Chỉ biết rằng khi thấy bóng con chó tinh khôn yêu quý, thằng Phú đã hét lên:

- A-Giát!

Và nó mở choàng mắt… thức tỉnh. Thì ra chỉ là một giấc mơ. Nhưng kể từ lúc đó, bao nhiêu lo lắng băn khoăn trong lòng nó về con A-Giát đều bay biến hết. Thằng Phú mỉm cười trong đêm tối, mơ màng nghĩ tới ngày mai… tại Mương lai bản.

Cũng trong khi đó, một bóng người đàn ông lùn thấp, mập mạp, tướng đi hùng hổ như dáng đi của loài gấu, lầm lũi bước trên con đường dẫn lên Gia Viễn. Trong tay, gã giữ khư khư một gói gì dài dài bao ngoài bằng miếng vải tuồn. Vừa đi, gã vừa lầu bầu nguyền rủa xen lẫn tiếng nghiến răng kèn kẹt, y hệt một võ sĩ lúc ở trên đài, để dốc toàn lực tấn công địch thủ nhưng lại chỉ đấm trúng toàn không khí.

Gã đàn ông lùn thấp ấy là Gà Cồ, và gói đồ dài dài bao vải tuồn trong tay gã là khẩu súng hai nòng không có dịp sử dụng tới, đã được tháo rời thành hai mảnh.


Saigon, 05-09-1974              
Viết theo “La Nuit des contrebandiers”.
Của RENÉ GUILLOT             
NAM QUÂN                     
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>