Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

CHƯƠNG V, VI_CÔ GÁI CHÚC SƠN


CHƯƠNG V
 
BỨC CẨM NANG
 
 
Sáng sớm hôm mồng một tháng mười, bà Lý Cốc ra quán hàng trễ hơn thường lệ.
 
Bà đang lúi húi xếp những tấm bánh giò nóng hổi trên chiếc sạp tre thì có tiếng người nhẹ nhàng bước vào trong quán cùng với tiếng cười trong trẻo :
 
- Thím Lý có gì cho con ăn không đấy ?
 
- Ồ, con Sơn Ca đấy hả ? Đi đâu sớm thế ? Bánh giò tao gói, nhân thịt nạc, mộc nhĩ nấm hương ngon lắm. Tao bóc mấy cái, ăn mở hàng cho tao nhé ?
 
- Vâng. Thím bóc cho con hai tấm ăn lót lòng. Còn hai tấm, thím lấy lạt buộc lại cho con mang đi ăn đường.
 
- Giời rét ngọt thế này, tội thân gì mà mày đi đâu sớm thế ?
 
- Ở nhà thầy đẻ con cần tiền, con phải đi Thanh Đàm mua bát họ (1) về tiêu.
 
- Ừ, giời đất này, phải có sẵn đồng tiền trong tay, nhỡ có phải đi đâu cũng đỡ khổ… À, Sơn Ca này, đêm hôm qua mày có nghe thấy gì không ?
 
Mai suýt soa :
 
- Úi giời ơi ! Cả đêm hôm qua, con sợ quá. Cả nhà có ai chợp mắt được tí nào đâu.
 
- Phải rồi. Nhà tao cũng thế. Tiếng người quát tháo, tiếng ngựa hí bên này sông, nghe cứ rõ mồn một. Tao ghê quá, cứ ngỡ là giặc. Sau thấy yên, tao độ chừng là quân mình sang sông. Sáng ra, tao cũng cứ đi liều, may chả có gì… Thấy con Lãm chở đò, tao tưởng mày đau ốm làm sao cơ chứ !
 
Mai cười cười :
 
- Tuy chưa đau ốm nhưng lo muốn chết đấy, thím ơi !
 
Rồi nàng ghé tai bà Lý nói nhỏ :
 
- Con nghe đồn Đức Bình Định Vương sắp ra đóng quân ở mạn này để đánh vào thành Đông Quan đấy. Chưa biết đóng ở bên Chúc Sơn mình hay ở bên Tụy Động. Đạo quân đêm qua không rõ đóng ở đâu, thím nhỉ ?
 
Bà Lý cũng thì thào, giọng lo ngại thì ít mà thích thú thì nhiều vì tin mới lạ và gay cấn vừa nghe được :
 
- Quân của Bình Định Vương ở đâu thì tao không biết. Nhưng quân đêm hôm qua không vào làng mình thì một là vào trong Lương Xá, Tụy Động, hai là đi tuốt lên Phượng Hoàng Sơn.
 
- Vâng, chắc thế.
 
- Mà mày có biết quân đêm qua là quân của ai không ?
 
- Có mấy anh trong làng trông thấy hiệu cờ của Lý tướng quân. Vậy là quân của ông Lý Triện.
 
Bà hàng kinh ngạc :
 
- Quân của ông Lý Triện hả ? Sao tao thấy hôm qua bọn lái buôn kháo nhau ông Lý Triện vừa đánh được thằng Mã Kỳ một trận to ở Mọc (2) ? Nghe đâu ông ấy chỉ có một nghìn quân mà ông ấy lập mẹo phục binh rồi đổ ra chém được hơn một nghìn cái đầu giặc và bắt sống được hơn năm trăm mạng nữa. Thế có giỏi không ?
 
- Vâng, con cũng nghe thấy thế. Nhưng chuyện binh đao được thua là một sự thường mà thím. Có điều đêm hôm tăm tối, sông rộng nước chẩy xiết, mà quân đóng bè sang sông không loạn, đủ thấy đó không phải là một đạo quân thua. Hoặc giả có thua nhưng mà không thiệt.
 
- Ừ, mày nói đúng. Tao thấy tối như đêm 30 – đêm qua đúng là đêm 30 chứ còn gì nữa ! – mà họ đông đến một nghìn người sang đò cứ êm như ru… Đáng mừng ở chỗ tướng ta giỏi và quân ta giỏi.
 
......................................
 
Tướng ta tài quân ta giỏi thật mặc dầu Lý Triện và Đỗ Bí vừa thua một trận ở bến Cổ Sở.
 
Dưới ánh sáng chập chờn của mấy chục bó đuốc soi cho quân lính đẵn tre đóng bè, Lý Triện tâm sự với viên phó tướng bằng một giọng nói ngượng ngập :
 
- Ông Đỗ à, tại tôi quá nông nổi nên mới có trận thua này. Cũng may là ông còn sáng suốt gọi giựt tôi lại và cương quyết ra lệnh lui quân. Bây giờ hồi tưởng, tôi còn giật mình vì chỉ chậm một khắc nữa toàn quân mình không tài nào thoát khỏi vòng vây. Người, ngựa, và cả voi nữa, sẽ không còn một mống về đây.
 
Viên phó tướng họ Đỗ an ủi :
 
- Đã đánh nhau thì phải có lúc thua, có lúc được, chứ xưa nay có danh tướng nào dám tự hào không thua một trận nào đâu. Nếu đem so sánh thì ta còn “trên chân” tụi Tầu nhiều.
 
Họ Lý cười chua chát :
 
- Vừa được một ván ở Nhân Mục, lại thua ngay một ván ở Cổ Sở, thế là hoà.
 
“Chỉ tức một nỗi là giặc nó dùng ngay cái mẹo mình vừa dùng xong mà mình vẫn mắc để cho nó quật lại mình ! Đau quá !...
 
“Chẳng những thế, mình lại bỏ mất chỗ Ninh Kiều rộng rãi về chui rúc nơi đây. Thế là kém nước thì có chứ trên chân cái nỗi gì ?
 
- Đâu có thể luận như vậy được, tướng quân ! Này nhé, ta thắng một trận lớn ở làng Mọc, chém hơn một nghìn giặc, bắt sống hơn năm trăm tên, đến nỗi Mã Kỳ phải một người một ngựa chạy bán sống bán chết mới thoát thân. Còn như thua ở Cổ Sở, ta có thiệt gì đâu. Người ngựa còn nguyên. Mấy thớt voi cũng không suy suyển.
 
- Cái đó hoàn toàn là công của ông. Ông quả thật có tài. Và quân sư quả có con mắt tinh đời.
 
Họ Đỗ ngạc nhiên hỏi viên chủ tướng :
 
- Quân sư nói sao về tôi, thưa tướng quân ?
 
- Dạo ấy, đã lâu rồi, quân mình còn thua tới tấp phải chạy về Chí Linh. Một hôm, luận về tài năng các tướng, quân sư khen ông trước mặt chúa công. Chúa công lấy làm lạ vì ông còn trẻ chưa từng một mình đánh thắng được một trận nhớn nào. Quân sư giảng giải cho chúa công và chúng tôi nghe : Khi có lợi thế, bất cứ ông tướng nào cũng có thể thừa thắng xông lên được. Nhưng lúc thất thế, phải là một tướng có tài mới điều khiển được một cuộc lui quân không hỗn loạn. Quân không loạn thì dù có lui, giặc cũng không làm gì được. Đỗ Bí tuy ít tuổi nhưng đã biết tiến lui đúng phép, sau này sẽ là một vị tướng tài…
 
“Chúng tôi không mấy ai tin lời nói ấy. Hôm nay vào việc mới thấy lời quân sư phê phán bữa ấy thật hay.
 
Cuối canh ba, Lý Triện là người sau chót qua sông. Một ngàn người thản nhiên nằm ngồi ở ven đường chờ tướng lệnh.
 
Viên chủ tướng giục ngựa tiến lên hàng đầu tìm viên phó tướng. Hai người sóng cương bàn bạc :
 
- Ông Đỗ à ! Bây giờ ông tính ta nên đóng quân ở đâu ? Qua Chúc Sơn hay vào Tụy Động ?
 
- Bộ ông quên bức cẩm nang của quân sư rồi hay sao ?
 
Một lần nữa, ông tướng họ Lý giật mình, tỉnh mộng :
 
- Tôi thật là một kẻ dũng phu, hễ say đòn là quên hết mọi sự. Không có ông nhắc cho, nhỡ hết việc còn gì ! Phải rồi, khi giao bức cẩm nang cho tôi, quân sư có dặn khi nào qua bến đò Mai Lĩnh hãy mở ra xem.
 
- Vâng. Khi chúng ta còn đóng ở Ninh Kiều, quân sư đã đoán trước được trận đại thắng ở Nhân Mục và trận lui quân ở Cổ Sở.
 
Lý kinh ngạc thốt :
 
- Lại có chuyện “thần thánh” như vậy sao ?
 
- Không. Có thần thánh gì đâu. Quân sư chỉ suy luận và quyết đoán.
 
- Tôi không hiểu. Xin ông giảng rõ hơn.
 
- Đầu đuôi thế này. Bữa nọ, sau khi đi thăm ba đạo quân của ta đang cầm cự với ba đạo quân của giặc, quân sư có nói riêng với tôi một câu : “Hai ông Đinh Lễ và Nguyễn Xí rất trầm tĩnh có thể cầm cự được lâu dài mặc dầu quân số của ta và của giặc quá chênh lệch. Nhưng ông Lý Triện thì không thế, ông ta nóng nẩy hơn và cũng hăng hái lập công hơn. Đó là cái hay lẫn lộn với cái dở. Hay vì thế nào ông ta cũng cố nghĩ ra một mẹo để đánh thắng cho kỳ được một trận ra trò mới nghe. Còn dở là vì được một trận nhớn rồi, thế nào ông ấy cũng ỷ tài, rồi chui vào bẫy giặc. Vậy điều tôi cậy ông là khi nào ông ta sắp mắc kẹt, ông nhanh tay gỡ giùm…”.
 
“Trước khi từ biệt về Lỗi Giang, quân sư còn dặn đi dặn lại : “Nếu có thua thì bỏ Ninh Kiều, về Mai Lĩnh mà đóng quân. Mở cẩm nang ra xem, sẽ có kế vạn toàn”.
 
Lần đầu tiên trong ngày, Lý Triện nở một nụ cười và thở ra nhẹ nhõm :
 
- Thì ra quân sư đã tính trước cho chúng ta những mấy nước cờ. Nào, thử xem những nước kế tiếp ra sao.
 
Hai người châu đầu vào nhau đọc bức cẩm nang vừa được trịnh trọng mở ra. Họ nhẩm đi nhẩm lại những lời chỉ dẫn cho đến lúc nhập tâm (3) mới châm tờ giấy vào ngọn đuốc bập bùng đốt cháy từng đêm đen như mực.
 
Họ Lý thắc mắc hỏi bạn :
 
- Quân sư chỉ dạy thật rõ ràng. Nếu cứ nhắm mắt tuân theo thì chẳng lấy gì làm khó. Nhưng thú thật, tôi chưa hiểu được cái ý sâu sắc của quân sư. Phó tướng nghĩ sao ?
 
- Thưa, tôi cũng vậy. Nước cờ sắp tới của quân sư thật khó đoán.
 
- Tôi biết ý muốn quân sư dụ chúng chui vào trong một cái túi mà bắt cho gọn. Dụ thì dễ, nhưng bắt mới khó. Vì chúng quá đông. Rủi “vẽ hổ không thành” (4), mình chưa tóm được chúng, chúng đã tóm lại mình, cái ấy mới chết !
 
Đỗ Bí trả lời với giọng tin tưởng :
 
- Nếu chúng ta hiểu được nước cờ sâu sắc của quân sư thì giặc chúng nó cũng hiểu được, và như vậy còn làm sao đánh lừa được chúng !
 
Theo tôi nghĩ, cái khéo của quân sư là cố ý hớ hênh để cho giặc nhìn thấy cái chỗ nhược (5) của bên ta. Chúng sẽ đắn đo, cân nhắc, rồi sau rốt nhận định rằng cái chỗ nhược ấy chúng ta không tài nào khắc chế được. Do đó, chúng sẽ dương dương tự đắc lấy kế của chúng ta làm kế của chúng và yên tâm đâm đầu vào chỗ chết.
 
Họ Lý nửa lo ngại, nửa bông lơn :
 
- Song nếu chúng ta vụng tính thì chính chúng ta vướng bẫy trước. Hết đường ra đấy, ông Đỗ ạ !
 
- Vâng. Thì cũng như mình đấu võ, cố ý để hở bụng cho đối phương đá thốc vào. Nếu không đủ bản lĩnh chặt chân đối thủ thì chính mình sẽ bị nó đá ngã lăn chiêng…
 
Bàn định xong, hai vị tướng lãnh hạ lệnh cho quân sĩ từ từ tiến về phía làng Lương Xá.
 
Suốt đêm, họ băn khoăn không hiểu cái nhược điểm to tát của quân ta sẽ được hoá giải bằng cách nào. Và họ mong chóng có một cuộc đụng độ.
 
__________________________
 (1) Mua bát họ : hốt hụi.
 
(2) Mọc : tên nôm của làng Nhân Mục ở Hà đông.
 
(3) Nhập tâm : thuộc lòng.
 
(4) Vẽ hổ không thành : làm chuyện lớn không xong.
 
(5) Chỗ nhược : chỗ yếu kém.
 
 
CHƯƠNG VI
 
CÔ HÀNG BÁNH CUỐN
 
 
Từ Thanh Đàm đến Đông Quan, đường càng xa càng vắng người đi lại. Không khí chiến tranh như bàng bạc đâu đây khiến cho kẻ yếu bóng vía không dám ra khỏi cửa.
 
Tuy nhiên, từ sáng sớm tinh sương người ta đã thấy một cô hàng bánh cuốn lặn lội vượt qua những chặng đường thưa thớt ở gần làng đến những trạm canh phòng nghiêm mật sát thành Đông Quan.
 
Đến đây, cô mới cất tiếng rao lanh lảnh :
 
- Ai bánh cuốn Thanh Trì ra mua !
 
Âm thanh trong trẻo thu hút người ta đến độ mấy chú lính Tầu mới nghe thấy đã phải ngẩn ngơ giương mắt ngó.
 
- Hầy ! Cái nị lại tây !
 
Lời gọi chưa dứt, chúng đã nhăn mặt, hất tay ra hiệu cho đi gấp :
 
- Thôi ! Ti ti !
 
Là vì cô hàng chỉ có mỗi một tiếng rao là điểm dễ thương. Còn mặt mũi chân tay toàn một mầu nghệ vàng khè. Vuông khăn mỏ quạ bạc thếch chít sùm sụp kín gần hết mặt, cặp áo nâu và chiếc quần vải thâm vá chằng vá đụp, cái thắt lưng nhuộm vỏ dà và đôi dép quai ngang mỏng dính lê quèn quẹt cho thấy cô là một thiếu phụ nghèo mới ở cữ xong đã phải xông pha sương gió lo việc mưu sinh.
 
Đến cổng thành, cổ nàng rụt xuống dưới sức nặng của thúng bánh từ sáng chưa bán được đồng nào. Một tên lính nham nhở vừa thò tay định vuốt má cô hàng bỗng rụt phắt tay lại trước miếng vải điều cũ kỹ che trước mắt nàng. Y quát :
 
- Tau mắt hả ? Ti ti !
 
Mới nằm chỗ xong, lại đau mắt nặng nữa, thế mà cô hàng bây giờ đi phăng phăng đến những phố quen với thúng bánh đội trên đầu.
 
- Ai bánh cuốn Thanh Trì ra mua… nào !
 
- Bánh cuốn !
 
- Bánh cuốn ! Lại đây, tôi gọi trước !
 
Tiếng rao quen thuộc được đáp ứng bằng hai ba tiếng gọi cùng một lúc. Cô hàng mỉm cười, bước vào trong một nhà kín đáo nhất, hạ thúng bánh xuống giường. Chủ nhà, một thiếu phụ trạc bốn mươi tuổi, phát vào vai nàng, mắng yêu :
 
- Con khỉ ! Người ngợm gì mà trông phát khiếp !
 
- Con nỡm nó độn bụng có khéo không ? Cứ y như người mới đẻ xong xổ bụng !
 
- Có thế mới thoát khỏi bàn tay sờm sở của tụi lính chứ !
 
Hai ba người tranh nhau nói trong khi Thoa, thực tế hơn, nhắc cô hàng :
 
- Cuốn bánh đi chứ, Mai. Đằng này thèm lắm rồi !
 
Mai, cô gái đáo để ở bến đò Mai Lĩnh, cười trêu :
 
- Tưởng đằng ấy ghê không dám ăn chứ !
 
Bánh cuốn xếp thành tảng được bóc ra từng tấm mỏng tanh, trắng bóng, điểm lưa thưa mấy lát hành xanh trông như những miếng bạch ngọc nổi vân.
 
Cô hàng có một mình xếp bánh không kịp cho số người chầu chực khá đông. Trong khi chờ đợi, họ nói chuyện cho đỡ thèm.
 
- Đã lâu không được ăn bánh cuốn Thanh Trì , nhớ quá !
 
- À, nước mắm gì đây, Mai ? Trông trong như hổ phách !
 
- Nước mắm Vạn Vân đấy ! Ngon tuyệt trần. Ăn quên chết luôn !
 
- Nói láo ! Thời buổi này làm gì có nước mắm Vạn Vân !
 
- Ai bảo thế đấy cô ?
 
Mai ghé gần tai cô bạn, nói tuy khẽ song cũng đủ cho tất cả những người có mặt cùng nghe :
 
- Nước mắm chính cống gánh từ xứ Nghệ gánh ra. Tụi lái buôn ranh mãnh theo gót quân Đức Vua ra Bắc mà !
 
Bà chủ nhà cẩn thận vội bảo cô con gái lớn :
 
- Con Trâm chạy ù ra đóng cửa lại đi đã. Tai vách mạch rừng…
 
Rồi mỗi người một câu, bọn đàn bà con gái đua nhau tọc mạch :
 
- Có thật Đức Vua ra không đã ?
 
- Sao lại không thật ! Đức Bình Định Vương Lê Lợi mà.
 
- Thế Vua ra bao giờ ?
 
- Mới được mấy hôm nay thôi.
 
- Ở đâu ? Chính mắt mày có trông thấy không đã ? Hay cô ả chỉ nghe hơi nồi chõ ! (1)
 
- Ứ ừ ! Nghe hơi thế nào được ! Chính mắt tao trông thấy này !
 
Nhiều tiếng hỏi dồn :
 
- Ở đâu ? Bao giờ ?
 
- Ông vua mặt mũi ra sao ? Ăn mặc thế nào ? Nói nghe đi.
 
Ra vẻ bí mật và trịnh trọng, Mai thì thầm :
 
- Chuyện này kín lắm, bà con nghe sao biết vậy, chớ có đồn ầm lên mà chết cả lũ đấy nhé… Cách đây mấy hôm, trẻ con bên làng Tụy Động bép xép với nhau rằng mới có vua ra ở trong làng Lương Xá. Tôi tò mò muốn xem chúng nó nói có thực không…
 
- Thế có thực không ?
 
- Mày im cái mồm đi để cho người ta nói có đầu có đuôi nào.
 
- Ừ, con Sơn Ca nó nói phải đấy. Lặng yên mà nghe, đừng đứa nào hỏi đâm ngang nữa.
 
Mắt lấm lét nhìn ra cửa, Mai tiếp tục thì thào kể, tiếng nhỏ tiếng to. Mấy người ngồi bao quanh phải lắng tai mới nghe rõ được từ đầu chí cuối :
 
- Xưa nay, người Chúc Sơn mình sang chơi các làng bên kia đường cái dễ dàng như đi chợ, đâu có ai hỏi han gì. Thế mà bây giờ bên ấy canh phòng cẩn mật quá chừng.
 
“Giữ việc tuần canh là những người lạ mặt, giọng nói nặng chình chịch, đặc là dân xứ Nghệ. Họ làm như dân Chúc Sơn mình đều là những kẻ đáng nghi nên hỏi căn hỏi vặn : Đến nhà ai ? Đến để làm gì ? Họ hàng thân thuộc thế nào với ông ấy, bà ấy ? Lôi thôi đủ thứ…
 
“Tức mình, định thèm vào đi nữa, ai ngờ may mắn làm sao gặp ngay thằng Tráng, con ông Trần kiện. Nó nhận tôi là chị họ, nói một tiếng là tôi được vào ngay.
 
“Thì ra vua ở trong nhà nó, có ghê không ?
 
“Mới qua khu rừng nhỏ cạnh đầm Minh Nguyệt đã thấy phấp phới mấy lá cờ. Người đi lại rầm rập, ngựa chiến cả đàn, có cả mấy ông voi nữa.
 
“Thằng Tráng chỉ cho biết mặt mấy ông tướng, nào Lý Triện, nào Đỗ Bí, ông nào trông cũng oai phong lẫm liệt. Nhiều tướng đi hộ giá từ Nghệ mới ra, nó chưa biết tên…
 
Thoa không nhịn được, bật lên tiếng hỏi :
 
- Có thấy ông Nguyễn Trãi không ? Ông này đẹp giai và nói giọng Bắc.
 
- Ai còn lạ gì ! Cụ Cử, thầy tao vẫn nhắc đến Ức Trai tiên sinh, người huyện Thượng Phúc mà. Tao cứ tưởng tượng chỗ nào có ông Lê Lợi là có ông Nguyễn Trãi , nhưng sự thực không phải thế. Thằng Tráng bảo rằng ông ấy còn bận chỉ huy mặt trận Tây Đô, chỉ có Bình Định Vương ngự giá thân chinh ra lấy Đông Đô thôi.
 
Trâm tò mò không kém Thoa, hỏi một câu cốt tử (2) :
 
- Mà mày có thấy mặt vua không ?
 
- Sao lại không ? Lúc thường, ông ấy ăn mặc như các tướng vậy thôi. Chỉ khi nào họp bàn chính sự, mới khoác thêm chiếc áo vàng có thêu rồng và đội mũ triều thiên.
 
“Tao phải năn nỉ thằng Tráng mãi, nó mới chịu dẫn tao vào coi trộm một tí. Vì lộ ra là mất đầu chứ đâu phải chuyện chơi.
 
“Ông ấy có cặp mắt thật oai, tiếng nói sang sảng như chuông. Râu ba chòm thật đẹp…
 
Bánh cuốn Thanh Trì lâu không được ăn, ai mà không nhớ. lại thêm có nước mắm Vạn Vân trông như hổ phách và vài giọt cà cuống thơm dịu dàng mà ngon thấm thía. Cánh trẻ tuổi còn dầm thêm một quả ớt chỉ thiên cay xé lưỡi, vừa ăn vừa suýt soa, vừa chẩy nước mắt ra mới thấy tuyệt vời.
 
Cả nhà ăn một bữa bánh trừ cơm. Lại nghe được một chuyện hay ho, đáng đồng tiền bát gạo.
 
Cô hàng hoan hỉ đội thúng bánh sang một nhà quen khác.
 
Vẫn những câu hỏi tò mò, vẫn những lời thổ lộ kín đáo, và vẫn những lời dặn dò vô ích : tin tức bí mật, đừng nói cho ai biết đấy nhé !
 
- Tao nghe thằng Tráng nói lại những nhời của thầy nó là ông Trần Kiện mới hiểu rõ nội tình của bên ta. Ông Ức Trai chủ trương hạ Nghệ An xong sẽ hạ Tây Đô, rồi mới đánh dần dần ra Bắc. Trái lại, Bình Định Vương chủ trương một mặt đánh cầm chừng ở mạn trong, còn mặt khác đánh mạnh ở ở mạn ngoài. Hễ hạ được thành Đông quan là các thành khác phải đổ theo.
 
“Quân sư cho như vậy là liều lĩnh vì ông ấy ưa ăn chắc và không dám mạo hiểm.
 
“Bình Định Vương đành phải để quân sư ở lại cầm chân giặc ở Tây Đô, còn Vương thì dẫn hết các tướng tài ra Bắc tìm cách đánh thốc vào thành Đông Quan…
 
Bà chủ nhà suýt soa :
 
- Kể ra Bình Định Vương cũng liều lĩnh nhỉ ?
 
- Chu yện ! Đánh giặc thì phải liều chứ. Có vào hang hùm mới bắt được cọp con mà. Vả lại ông ấy đã trải nhiều trận gian nguy nên coi thường mọi chuyện hiểm nghèo.
 
- Thế tướng tá, quân sĩ có nhiều không ?
 
- Nhiều lắm. Có đến một vạn quân chứ không ít. Tướng cũng vô khối, ông nào trông cũng ghê ghê là.
 
Nhàn, con gái nhớn chủ nhà, hỏi bạn :
 
- Họ có đóng lan sang bên Chúc Sơn mình không ?
 
Không. Nhưng sợ rồi sẽ có đánh nhau to. Tụy Động mà cháy thành thì Chúc Sơn cũng bị vạ lây. Vì thế thầy đẻ tao định tạm lánh về Thanh Trì…
 
Mai quay sang hỏi bà Tư, chủ nhà :
 
- Chết chưa ! Nãy giờ mải nói chuyện quên hết mọi sự. Chú Tư con đâu hả thím ? Cả cậu Thanh nữa ?
 
- À, chú mày lại đằng cửa Nam ăn giỗ ở một nhà quen, tối mới về. Còn thằng Thanh thì đi đâu với cậu Lịch từ sáng sớm… Này, cậu Lịch vẫn hỏi thăm mày đấy. Tội nghiệp, nó vẫn thương mày như trước. Hơn trước nữa cũng có ! Mà sao mày…
 
Mai giẫy nẩy ngắt lời :
 
- Con không biết đâu. Mặc kệ anh ấy chứ !...
 
Nàng rầu rầu đứng dậy, đội thúng bánh lên đầu, mặc cho bà Tư và cái Nhàn, cái Nhã thở dài thườn thượt.
 
- Thôi, con xin phép thím chạy sang bên con Thắm một tí. Rồi còn về kẻo tối.
 
____________________
(1) Nghe hơi nồi chõ : nghe phong thanh, nghe đồn.
 
(2) Cốt tử : quan trọng bậc nhất.

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VII, VIII
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>