năm
Cuối niên khóa, chị Thuần đậu tú tài toàn
phần, chấm dứt bậc trung học. Ba và mẹ rất hãnh diện và cho rằng “thế hệ con
gái” của dòng họ Đào đã có nhiều triển vọng đi lên. Tuy nhiên, khi mà thân xác
của chị em chúng tôi “lớn mau như thổi” và tâm trí chúng tôi đã thực sự lần
lượt đi vào “tuổi mới lớn” thì tất nhiên rất nhiều vấn đề được đặt ra. Bây giờ
ba và mẹ bắt đầu chạm trán với những “biến thể” trong “nội dung” cũng như ngoài
“hình thức” của lũ con. Và nhiều lần ba và mẹ đã phải điên đầu than rằng :
“Không hiểu ai dạy chúng mà đương yên đương lành dở chứng như ngựa bất kham?
Cái thời văn minh này làm đảo lộn hết tôn ti trật tự!”
Đúng như vậy, vào thời buổi mà con gái thì cắt tóc cụt lủn, con
trai để tóc dài lượt thượt thì quả thực các bậc phụ huynh thường xuyên phải vò
đầu, bứt tai mà “chào thua” bọn trẻ!
Câu chuyện tôi thuật dưới đây (mà tôi tin chắc rằng cũng đã xẩy ra
trong hầu hết các gia đình có một hai đứa con ở vào lứa tuổi không còn là con nít nhưng cũng chưa thành người lớn, loại
dở dở ương ương) minh chứng cho định luật tự nhiên nói trên:
Ba tôi không ngừng thắc mắc:
- Thật không còn ra cái “thống chế” gì nữa! Con trai con gái thời
nay đều điên hết cả rồi. Không hiểu tụi con trai chúng nó nghĩ thế nào mà tóc
tai để dài như… người tiền sử, áo mặc chẳng chịu cài nút, quần thì đem vá hai
ba miếng to tổ bố ở đầu gối, ở mông! Còn tụi con gái, thật dại dột khi đi diễu
phố với hai cái cẳng phơi ra, với chiếc “díp” chỉ nhỉnh hơn chiếc khăn sỉ mũi!
Một hôm, có cả mẹ và mấy chị lớn cùng ngồi trong phòng khách, nghe
ba than như vậy, chị Thuần lợi dụng cơ hội, “khai pháo” cho cuộc “bùng nổ” giữa
quan niệm của hai thế hệ già – trẻ:
- Thời nay ai cũng ăn bận như vậy mà ba, chỉ trừ có… các con của
ba mẹ thôi… Ba biết không, ở trường học con và Huyền là những “hiện tượng kỳ
quái” trước bao cặp mắt của bạn bè. Chúng nó bảo tụi con là làm… mất giá của nữ
sinh; nếu bọn con trai chỉ thấy mình chị em con có lẽ họ tưởng đang sống vào…
thế kỷ thứ tư trước tây lịch ở mãi tận bên Congo!
Ba mỉa mai:
- Tại sao cứ phải lệ thuộc vào kẻ khác mới sống được? Tụi con trai
là cái thá gì mà phải quan tâm đến chúng dữ vậy? Nhìn cặp mắt “bất hảo” của tụi
nó là ba thừa biết chúng nghĩ gì và muốn gì rồi. Điều mà chúng con gọi là “hợp
thời trang”, “đúng mốt”… chỉ là những danh từ mới để chỉ những vật đã có từ xưa
rồi! Cứ nhìn những bức hình, bức tượng của lịch sử La Mã, Hy Lạp thì biết, đàn
ông đều để tóc dài… thế mà ngày nay, thế kỷ 20 con trai… mới đuổi kịp! Thử so
sánh giữa các vũ điệu tế thần của mọi Phi châu thời thượng cổ với cái mà hiện
tại gọi là kích động nhạc hay các kiểu nhảy Twist, Soul gì đó, xem có cái gì
khác không? Giới trẻ tự mệnh danh là tân tiến thật ra, tự đi giật lùi mà không
biết. Tội nghiệp! Riêng các con, ba muốn rằng hàng ngày đi học, các con vẫn ăn
mặc như những cô gái con nhà đàng hoàng, lễ giáo.
Chị Huyền mở tròn mắt:
- Sao ba?
- Áo dài trắng, tóc dài và không son phấn!
Biết không lay chuyển được ba, hai chị lớn quay sang năn nỉ mẹ với
hy vọng sẽ được mẹ chiều, mẹ hiểu tâm lý con gái lớn hơn. Nhưng như một gáo
nước lạnh tạt vào mặt, mẹ đồng ý với quan niệm của ba. Mẹ nói:
- Thông thường, khi người ta chọn vợ, ai cũng muốn chọn các cô gái
nết na, nhu mì, ăn mặc kín đáo. Còn các cô lòe loẹt, chưng diện, tuy ra đường
thu hút được nhiều cặp mắt nhìn thật nhưng chắc chắn rất ít được kính trọng.
Chị Thuần có vẻ hơi giận dỗi:
- Mẹ an tâm, không ai khinh được chúng con. Trong lớp, con là đứa
được các bạn nể nhất. Ra khỏi trường, có thằng con trai nào dám hỗn với con
đâu. Tuy nhiên như vậy, theo con nghĩ, chúng con bị tách biệt khỏi tập thể, trở
thành xa lạ giữa đám đông. Đó không phải là điều đáng hãnh diện khi sống trong
xã hội. Con xin phép được hỏi ba mẹ rằng ba mẹ có muốn chúng con trở nên bình dân không?
Ba phá lên cười:
- Bình dân! Bình dân! Một từ ngữ hay đấy chứ! Biết bao cô gái vì
muốn được “bình dân” mà phải bán cả hồn lẫn xác! Nếu không nghe lời cha mẹ, các
con sẽ hư thân mất nết, tương lai không ra gì cho mà xem.
Chị Huyền dịu giọng hơn:
- Con xin ba với mẹ thực tế một chút cho chúng con đỡ khổ. Ba mẹ
đâu biết rằng khi đi học với những bộ đồ may theo lối cổ, chúng con bị mặc cảm
như thế nào không? Thật khó có thể đi đứng hay trò chuyện với bạn bè. Điều
chúng con muốn xin với ba mẹ là thỉnh thoảng cho chúng con… mặc đầm, may cho
chúng con những chiếc áo dài kiểu Raglan hoặc xẻ vạt đằng trước hay ngắn… trên
đầu gối và cho phép chúng con được… cắt ngắn bộ tóc dài thượt này đi.
Ba đập tay xuống bàn:
- Không! Không! Và không! Các con còn cứng đầu, niên học tới ba sẽ
gửi hết vào nội trú. Nghe rõ chưa?
Im lặng. “Nội trú”, đó là một trong những biện pháp ba thường đem
ra đe dọa mỗi khi con cái muốn “cách mạng” điều gì. Tuy nhiên, không ai tin
rằng ba không dám thực hiện. Tính cương quyết của ba đã từng làm nhiều người nể
sợ. Bằng chứng là ba đã đi gặp các bà “sơ” và xin tờ chương trình, tờ nội qui
về và nhiều lần đã bàn thảo to nhỏ với mẹ.
Thực ra chúng tôi cũng ngán vào nội trú lắm. Tưởng tượng với những
luật lệ khắt khe, những kỷ luật “kiểu nhà binh”, hàng ngày phải giam mình trong
bốn bức tường cao vời vợi như trong tu viện, chúng tôi không đứa nào còn ham
yêu sách gì cha mẹ. Tuy nhiên lần này, chị Thuần, có lẽ vì tự ái, có lẽ vì
tưởng tượng mình là chị cả, có trách nhiệm đến tương lai của lũ em, nên quyết
chí đi tới mục tiêu đòi hỏi.
Sau khi ba và mẹ vào nhà trong, chị Thuần nói với chị Huyền:
- Được rồi, tao sẽ vào nội trú cho mày xem, biết đâu trong đó được
tự do hơn. Nhưng trước khi đi, tao phải làm một cái gì đã.
Chị Huyền bao giờ cũng hiền lành hơn, vội can ngăn:
- Thôi chị Thuần ạ, em nghĩ cha mẹ chẳng bao giờ hiểu được con
cái, nhưng dù sao chị em mình cũng không nên làm điều gì để ba mẹ buồn; biết
đâu có ngày ba mẹ sẽ thông cảm với chúng mình.
- Họa có đến tận thế! Mày để mặc tao.
Nói xong chị Thuần biến mất trong phòng, không ai có thể đoán
trước được chị sẽ làm gì. Một lúc sau, chị trở ra. Chúng tôi không dám tin đó
là sự thật; chị Huyền ôm mặt kinh ngạc:
- Trời ơi!
Với nét mặt tỉnh bơ, tay cầm cái kéo, tay cầm một mớ tóc, chị
Thuần quay tròn người để… khoe bộ tóc ngắn mà chị vừa cắt đi:
- Thấy tao sao, Huyền? Được chứ?
- Chị làm gì kỳ quá vậy?
- Sao mà kỳ?
- Ba mà biết thì chị chết!
- Trước sau gì cũng chết chẳng thà tự mình chọn cái chết có sướng
hơn không?
- Thì chị cũng phải từ từ chứ. Chẳng có cha mẹ nào mà không thương
con, muốn con bằng người, do đó nếu chúng mình cứ kiên nhẫn xin thế nào ba và
mẹ cũng xiêu lòng. Chị làm như vậy hư hết cả “chương trình”.
- Bây giờ mày lại dạy khôn tao hả Huyền?
- Không phải, nhưng em nghĩ mình không nên để ba mẹ buồn. Chị coi,
cái đầu của chị không khác gì một bồn cỏ bị cắt nham nhở, như vậy được ích gì
đâu.
Giọng chị Thuần buồn buồn:
- Tao tưởng mày là… đồng minh trung thành với tao, không ngờ mày
lại… lại…
- Thì em vẫn giữ “lập trường. Em khoái tóc ngắn còn hơn chị cả
ngàn lần, nhưng phải hành động cho hợp cảnh hợp tình… thì chiến thắng mới vẻ
vang chứ.
Cơn bốc đồng cơ hồ đã xẹp xuống – như quả bóng bị xì hơi – chị
Thuần lấy tay vuốt vuốt những sợi tóc ngắn đứng dựng như vỏ quả chôm chôm, nói
bằng một giọng hối hận:
- Thế… làm sao bây giờ?
- Em đâu biết!
- Giúp ý kiến tao đi Huyền.
- Em nghĩ chị nên xin tiền mẹ ra tiệm sửa lại mái tóc cho tử tế.
- Mẹ chửi chết!
- Ai bảo chị dại làm chi!
- Mày còn bày đặt “lên lớp” tao nữa!
- Hay tốt hơn là chị vào xin lỗi ba mẹ, sau đó…
- Như vậy càng chết sớm!
- Bộ chị giấu cái đầu chị được mãi sao? Trước sau gì cũng bị,
chẳng thà chị xin lỗi trước biết đâu ba đỡ giận, chỉ… đi “một đường” sơ sơ
thôi!
Tiếng nói chuyện chợt ngừng lại. Mẹ đã xuất hiện nơi cửa. Chị
Thuần tái xanh mặt; vẻ bướng bỉnh và hăng hái lúc đầu đã tan biến, bây giờ là
sợ sệt và lo lắng.
Vừa nhìn thấy mái tóc ngắn quái gở của chị Thuần, mẹ đứng khựng
lại, đưa tay bụm miệng như để khỏi thốt lên tiếng kinh ngạc : Trời ơi! Trong
khi đó chị Thuần cũng đứng trồng chân giữa nhà, không biết phản ứng ra sao.
Một lúc sau mẹ lặng lẽ ngồi xuống chiếc ghế bành, giấu mặt trong
hai bàn tay. Nhìn đôi vai khẽ rung của mẹ, chúng tôi biết mẹ đang khóc. Hối hận
vì tội lỗi của mình, chị Thuần chạy lại, quỳ dưới chân mẹ, khóc theo và xin
lỗi. Có lẽ cũng xúc động và nhất là vì tâm hồn đa cảm, chị Huyền ngồi trong góc
phòng, cũng chảy nước mắt. Thế là trong căn phòng vang lên những tiếng thút thít,
nức nở. Mấy chị em tôi, nhất là các em gái, ở ngoài sân chợt chạy vào, thấy mẹ
và hai chị lớn đang khóc, chẳng hiểu ất giáp gì, cũng òa theo, Trong lúc ba
đang ngồi kết toán mấy cuốn chi phiếu ở trong phòng làm việc bỗng giật nẩy mình
vì những tiếng bù lu bù loa vọng đến; tưởng có biến loạn hay có chuyện bi thảm
gì xảy ra, ba quăng bút lao tấm thân 91 ký lô tới. Cảnh tượng lạ lùng diễn ra
trước mắt khiến ba kinh ngạc như vừa bị đẩy từ trên cung trăng xuống trần gian.
Tuy nhiên chỉ ít phút sau ba choàng tỉnh, ý thức lại được vai trò gia trưởng
của mình, ba hét:
- Xì tốp!
Như một phép lạ, bao nhiêu cái miệng đang mở ra nghẹn ngào đồng
một loạt đóng lại và bao nhiêu con mắt đang đẫm lệ bỗng mở thao láo. Không còn
một tiếng khóc! Không một tiếng nức nở! Căn phòng trở lại thinh lặng gần như
tuyệt đối đến nỗi người này có thể nghe rõ tiếng tim đập và tiếng thở khò khè
của người đứng cách xa mình cả năm sáu thước!
Thấy mệnh lệnh của mình được thi hành một cách triệt để, ba tỏ ra
bằng lòng lắm, nhưng bên ngoài vẫn cố giữ vẻ trịnh trọng cho hợp với bầu không
khí nghẹt thở như trong một đoạn phim trinh thám đến chỗ gay cấn toát mồ hôi
lạnh. Ba dõng dạc cất tiếng nói sang sảng:
- Cớ làm sao mà mọi người lại rủ nhau khóc như nhà có đám táng
không bằng?
Im lặng. Không một ai dám lên tiếng hó hé. Ba đập tay xuống bàn
đến rầm làm những người hiện diện muốn rụng tim, đoạn hét lên như một vị quan
tòa hỏi tội phạm nhân:
- Làm sao? Chắc hết trò chơi rồi mới sáng chế ra cách giải trí
bằng nước mắt cho… vui cửa vui nhà?
Vẫn im lặng. Ba xoay người một vòng rồi chỉ vào em Mộng:
- Tại sao con khóc?
Mộng mếu máo:
- Thưa ba… con… không biết!
- Trời ơi! Không biết tại sao mình khóc nữa! Thế còn Thảo, Huỳnh
Sún, Quyên, Hải… cho ba biết lý do đi?
Các bộ mặt còn ướt nước mắt len lén nhìn nhau, rồi nhìn ba, rồi
“đồng ca”:
- Con… không… biết!
Ba ôm đầu giẫy nẩy:
- Các con tôi làm sao thế này? Tất cả chúng nó đều mất trí hết
rồi! Biết thế trước đây tôi đi… tu có phải hay hơn không?
Thấy tình thế căng thẳng, mẹ từ từ đứng lên, tiến đến cạnh ba, nói
rất nhỏ nhẹ:
- Mình ạ, sở dĩ các con khóc, là vì chúng thương mẹ chúng, và
chúng thương lẫn nhau…
Ba nhìn chằm chằm vào mắt mẹ:
- Mình… khóc… nữa à? Ai… trêu mình?
Mẹ gật đầu:
- Tại… tôi thương các con còn nhỏ dại… chưa ý thức được các việc
phải quấy…
Nói được có bằng ấy câu, quá xúc động, mẹ lại òa khóc. Thấy mẹ
khóc, tức thì các đứa con cũng “phụ họa” theo trước sự kinh ngạc của ba. Vội
vàng, ba giơ tay như vị nhạc trưởng ra dấu cho dàn nhạc nhẹ dần để đi tới chỗ
kết thúc:
- Xì tốp! Đủ rồi!
Tiếng khóc ngừng bặt. Ba đặt tay lên vai mẹ:
- Đầu đuôi câu chuyện ra sao, mình kể rõ cho tôi nghe coi. Phải
chính mình cầm đầu cuộc “nổi loạn” này không?
Giọng mẹ còn đầy nước mắt:
- Nhưng mình phải hứa sau khi nghe sẽ bỏ qua thì tôi mới nói.
Ba nhăn mặt:
- Ít ra thì cũng phải cho tôi biết trước chứ!
Trước thái độ xem ra có vẻ cương quyết của ba, mẹ liền giở “ngón
nghề” mà mẹ đã từng áp dụng từ dạo ba và mẹ mới “phải lòng” nhau. Đó là phụng
phịu:
- Hổng chịu! Mình phải hứa trước cơ!
Với các con và lũ trẻ nít hàng xóm, ba hùng dũng và cương quyết
như một võ tướng nhưng với mẹ, ba lại nhũn như con chi chi, tỏ ra quân tử lắm:
- Thôi được, mình nói đi, tôi… hứa danh dự!
Mẹ vẫy chị Thuần:
- Ra… xin lỗi ba, đi con!
Chị Thuần đứng lên, ngập ngừng rồi sợ sệt lê bước. Bây giờ mới
thấy đầu chị Thuần, ba đứng sững, há hốc miệng, thỉnh thoảng đưa tay dụi mắt vì
có lẽ ba nghĩ thị giác mình đã kém vì tuổi già hoặc tưởng đang sống trong giấc
mơ. Tiếng của mẹ lôi ba về thực tại:
- Mình tha lỗi cho Thuần; nó tuy lớn đầu nhưng còn dại lắm.
Sực nghĩ lại mình còn đang há miệng vì sửng sốt, ba vội đóng hai
hàm răng lại, nghiêm giọng:
- Không thể tha được! Tội tầy trời! Thứ con… mất dạy!
Mẹ năn nỉ:
- Kìa mình, tại sao nói giọng đó với con cái? Mình đã hứa là… là…
bỏ qua rồi mà!
- Nếu nó đã muốn tóc ngắn, tôi sẽ cho nó… trọc luôn!
- Xin mình, con nó lỡ dại!
Như đã nói ở trên, trước sự dịu dàng của mẹ, đang từ con sư tử ba
biến thành chú chiên hiền lành. Nhất là kèm theo câu nói, mẹ cho… rơi vài giọt
nước mắt thì kể như mọi chuyện đã xong xuôi! Bằng chứng bây giờ mặt ba không
còn những nét giận dữ, giọng ba không còn gay gắt, trái lại, ba buông người
xuống ghế, ủ rũ như một chiếc lá vừa lìa cành. Mẹ liền ra hiệu cho lũ con rút
lui có trật tự rồi ngồi xuống cạnh ba, vuốt ve những sợi tóc đã ngả mầu muối
tiêu trên chiếc đầu tròn của ba. Chả hiểu mẹ thủ thỉ với ba thế nào mà ngay
chiều hôm đó, không riêng gì chị Thuần mà cả sáu chị em gái của tôi đều được mẹ
dẫn đi tiệm cắt tóc!
Không đầy ba tiếng đồng hồ sau, trong nhà tôi nếu ai đứng đàng sau
12 đứa con nhà họ Đào, có lẽ không còn phân biệt đâu là con trai, đâu là con
gái, bởi vì… 12 cái đầu đều được cắt ngắn giống nhau!
Tuy nhiên, cuộc sống không phải chỉ có mỗi chuyện cắt tóc ngắn mà
còn vô số vấn đề khác nữa. Dĩ nhiên giữa con người dù là ruột thịt, không luôn
luôn cái gì cũng đồng quan niệm, đồng ý nghĩ, trái lại thường “đụng nhau” bởi
những mâu thuẫn, những ngộ nhận, những bất đồng. Ngay trong gia đình tôi, một
gia đình nổi tiếng hạnh phúc, an vui, dẫy đầy tình thương thế mà đôi khi cũng
có sóng gió. Đó là điều không lạ khi mà cha mẹ tôi phải khó khăn hơn nhiều
trong việc dạy dỗ những đứa con đã bắt đầu làm người lớn.
Vậy thì chuyện ăn mặc, thời trang, giao du bạn bè… đều là những đề
tài tranh luận giữa cha mẹ và con cái.
Tôi biết chị Huyền rất thích mặc đầm, vận mi-ni jupe bởi vì chị có
một nước da thật trắng hồng, mịn màng, cặp giò thật “lý tưởng”, một thân hình
cân đối. Đó là do sự khổ công tập luyện, giữ gìn, chăm sóc của chị. Tuy nhiên,
mỗi lần chị ngỏ ý được “chưng diện theo thời trang” đều bị ba thẳng tay bác bỏ.
Có lẽ học được “kinh nghiệm” của chị Thuần về việc cắt tóc ngắn, chị Huyền ngấm
ngầm thực hiện “kế hoạch” của mình, chị nghĩ cứ đặt ba mẹ ở chuyện đã rồi là
thành công và nếu cần cứ nhõng nhẽo với mẹ là chắc ăn; mẹ bao giờ cũng nhiều
tình cảm lại hay chiều con gái lớn!
Chị dành dụm tiền quà sáng, thỉnh thoảng đi chợ mua được món hàng
rẻ chị “có quyền” cất riêng số “tiền lẻ” đó… rồi tích tiểu thành đại, chị Huyền
đã có đủ “ngân quỹ” để may một bộ đồ đầm đắt tiền và đúng “mốt”.
Với thái độ vừa hí hửng vừa lo lắng, chị Huyền len lén ôm túi
“chiến lợi phẩm” về… khoe mẹ với hy vọng tìm được “đồng minh” hầu làm lung lạc
ý chí sắt đá của ba. Mẹ không tỏ vẻ chống đối hay tán thành, chỉ dịu dàng bảo
chị Huyền về phòng mặc những y phục đó cho mẹ xem. Chị Huyền cười toe toét, vừa
đi vừa nhún nhẩy như một nữ ca sĩ… múa rối trên màn ảnh truyền hình. Chẳng
những thế chị Huyền còn gọi chị Thuần, chị Mộng, em Quyên, em Thảo đến… chiêm
ngưỡng dung nhan của chị trong bộ đồ mi-ni jupe. Chị đi qua đi lại, ưỡn ẹo
trước gương. Vẻ thùy mị, hiền lành thường ngày của chị đã biến mất và bây giờ
là sự nhí nhảnh, mãn nguyện và… trẻ con.
Mẹ không nói gì, bình thản nhìn. Chị Huyền hỏi mẹ thấy con mặc như
vậy có được không, mẹ mới dịu dàng bảo:
- Con của mẹ… xinh lắm, nhưng…
- Nhưng sao hả mẹ?
- Theo mẹ, con cũng nên cho… ba con biết!
Câu nói của mẹ đưa chị về một thực tại… phũ phàng. Chị Phụng phịu:
- Thôi, con hổng chịu đâu!
- Mẹ nghĩ ba là gia trưởng thì việc gì xẩy ra trong gia đình cũng
cần phải cho ba hay chứ.
- Nhưng đây là… tiền riêng của con mà.
- Có bao giờ ba đi làm về ba nói số tiền lương ba kiếm được là của
riêng ba hay ba dùng để nuôi vợ con, trang trải cho cả gia đình?
- Nhưng… thế nào ba cũng không chịu cho con mặc như thế này đâu!
- Con chưa cho ba hay thì làm sao biết ba bằng lòng hay không?
- Con rõ tính ba rồi.
- Điều đó chưa hẳn đúng… hay con cứ thử xem.
- Trường hợp ba không chịu cho con mặc ở nhà, con sẽ đem gửi các
bộ đồ này ở nhà mấy nhỏ bạn để mỗi lần đi đâu con ghé lại đó con mặc.
- Con nhớ… đề nghị với ba con như thế xem sao.
- Mẹ cũng nhớ nói vào dùm con nhé.
Mẹ làm thinh. Chị định về phòng thay bộ đồ cũ thì mẹ chặn lại:
- Cứ mặc chiếc mi-ni jupe con mới may đó.
- Kỳ quá, mẹ.
- Sao lại kỳ? Chính con nói con thích mặc “mốt” này mà.
- Nhưng… đến với ba…
- Mẹ nghĩ con cứ mặc như vậy để ba thấy rõ… “vấn đề”!
Một lúc sau ba được mời đến. Chị Huyền như một phạm nhân ra trước
“ba tòa quan lớn”. Câu nói đầu tiên của ba là:
- Huyền, con ăn mặc gì mà quái gở như thế?
- Ba, đây là… kiểu áo thịnh hành hiện nay!
- Bộ tiệm may hết vải rồi hay con muốn… “kiệm ước” vải hay sao mà
cắt ngắn thế kia?
Chị Huyền đỏ mặt ấp úng:
- Thưa ba, thời trang bây giờ thay đổi nhiều.
Ba hét lớn:
- Cởi ra ngay! Ngứa mắt ba lắm! Khôn hồn thì đem trả cho tiệm may!
- Nhưng…
- Không nhưng nhiếc gì hết. Tại sao con dại dột vậy Huyền? Hằng
ngày đọc báo con không thấy biết bao vụ tồi bại xảy ra là do các cô gái ăn mặc
hở hang hay sao?
- Tất cả các bạn trong lớp con mặc như thế này mà đâu có gì xảy
ra.
- Ba không tin là tất cả nữ sinh trong lớp con lại có thể đeo thứ…
“đồ quỉ” này! Chắc chắn còn có những bậc phụ huynh khôn ngoan như ba với mẹ con
đây.
Thấy ba có vẻ cương quyết, chị Thuần “nhẩy vào vòng chiến” hỗ trợ
cho chị Huyền:
- Thưa ba, phải nói trong trường có lẽ chỉ có con và Huyền là ăn
mặc quê nhất, ngày nào cũng “áo dài khăn đóng” như những nhà tu!
Mẹ chen vào:
- Mẹ tưởng gì, theo mẹ, các con nên hãnh diện thì hơn. Chiếc áo
dài bao giờ cũng kín đáo, tăng thêm vẻ đứng đắn nhưng vẫn tạo sự duyên dáng cho
người con gái.
Được “tiếp viện”, ba “tấn công” mạnh:
- Ngoài chuyện có thể bị “xâm phạm” và để hở đùi, hở cẳng, các con
rất dễ bị… sưng phổi vì cổ áo cắt quá thấp!
Chị Thuần nói như van lơn:
- Con xin ba mẹ thức thời một chút. Tại ba mẹ quá quan trọng hóa
vấn đề. Con nghĩ một bộ đồ may… ngắn một chút đâu đến nỗi nào, hoặc bộ mặt đánh
thêm chút phấn cũng không thể làm giảm giá trị của mình đi được.
Câu nói của chị Thuần vô tình mở thêm “mặt trận” thứ hai, đó là
chuyện “đánh phấn tô son”!
Ba đập bàn:
- Không ăn mặc hở hang! Không trét phấn, nghe rõ chưa?
- Nhưng thời nay ai cũng vậy mà ba!
- Này, đừng lạm dụng danh từ! Tại sao không biết quí trọng vẻ đẹp
tự nhiên mà đem vẽ hề lên mặt mình như vậy?
- Như vậy đâu phải… vẽ hề mà là trang điểm chứ ba!
- Trang điểm! Trang điểm! Thật chỉ phí thì giờ để ngồi thoa thoa,
phết phết!
- Con nghĩ nhiều khi phép lịch sự bắt buộc mình phải đánh phấn hay
xức một chút nước hoa.
- Quí hóa gì cái mùi thơm đó! Chỉ tổ đầu độc không khí trong lành
của người ta đang thở. Thôi, ba không có thì giờ cãi lý với các con nữa. Huyền
lên phòng bỏ bộ đồ “ma quỉ” đó ra, còn Thuần, ba cấm chỉ con không được đánh
phấn khi nào con còn cắp sách đến trường. Đó là lệnh của ba, nghe rõ chưa?
Nước mắt lưng tròng, chị Huyền tiu nghỉu rút lui về phòng. Chị
Thuần cũng chẳng dám hó hé gì thêm.
Lần này chẳng thấy mẹ thủ thỉ gì với ba. Có lẽ vì thế mà hai chị
lớn của tôi đã… thất trận!
Mỗi lần các bà chị tôi yêu sách này nọ về vấn đề ăn diện, ba lại
than : may mà gia đình mới có hai đứa con gái lớn, chứ nếu cả sáu đứa con gái
đều lớn một lượt, lại thêm sáu thằng con trai nữa thì không hiểu trời đất có
còn ra cái “thống chế” gì nữa không.
Ngoài chuyện thời trang, việc giao du với bạn bè cũng gây sôi nổi
trong gia đình tôi. Bạn gái tới nhà chơi thì không nói làm gì – ba mẹ rất niềm
nở đón tiếp và rộng lượng – tuy nhiên điều đáng nói ở đây chính là các… ông bạn
của chị Thuần và Huyền. Dĩ nhiên lớn lên, ai lại không phải giao thiệp, quen
biết và trong số bạn bè tất phải có người cùng giới lẫn khác phái. Trong thực
tế ba với mẹ không hề ngăn cấm việc kết thân với người này, kẻ nọ nhưng thường
xuyên khuyên bảo các chị lớn phải hết sức thận trọng, khôn ngoan và tránh đến
mức tối đa chuyện hẹn hò ngoài đường phố hay những tiếp xúc lăng nhăng. Ba nói:
- Chúng ta có một mái nhà; nhà chúng ta lại có phòng khách lịch
sự, ba nghĩ nếu bạn bè tới thăm nhau cứ đến ngồi thoải mái và tự nhiên trên bộ
ghế sa-lông này mà trò chuyện chứ đừng đi diễu ngoài phố mà làm… cản trở lưu
thông!
Một hôm chị Huyền đi học về thông báo cho cả nhà biết là thứ sáu
tuần sau chị được một người bạn trai mời đi dự dạ hội mừng ngày sinh nhật của
anh ta đồng thời ngỏ ý xin ba mẹ cho phép:
- Người bạn này là anh một nhỏ bạn cùng lớp với con, chưa lần nào
tới nhà mình. Từ trước đến giờ con chưa từng đi chơi tối, hôm nay con xin ba mẹ
chấp thuận cho con được… được…. lần đầu tiên trong cuộc đời.
Ba mỉm cười:
- Sống trong tập thể xã hội dĩ nhiên chúng ta không tránh khỏi những
tiệc tùng, ăn uống… nhưng ba muốn biết anh chàng đó thế nào?
Chị Huyền nhanh nhẹn:
- Rô Can là người rất đứng đắn, ba ạ.
Ba nhíu mày:
- Con vừa nói “Dzô, Dzô”… gì đó?
Cả nhà cười. chị Huyền đỏ mặt:
- Rô Can! Biệt hiệu của anh ta. Thời nay hầu hết ai cũng có một
tên riêng mà ba.
- À… rồi sao?
- Anh ta có tư tưởng… cấp tiến và thức thời lắm!
- … Thức thời! Không
hiểu sao danh từ này làm ba sợ quá!
- An tâm đi ba. Rô Can là sinh viên, con một gia đình giầu sang có
xe hơi riêng…
- Đó là những yếu tố quan trọng! Tuy nhiên, con có thể…
- Có thể gì ba?
- Đi dự dạ hội!
- Thật không ba?
- Thật! Nhưng nếu con có thể nghĩ rằng ba với mẹ không lo lắng gì
khi để con ra khỏi nhà một mình, vào một đêm, với tên… thức thời đó thì con cứ đi.
- Ồ, ba! Ba lại làm hỏng chuyện của con! Người ta sẽ nghĩ gì về
con?
Mẹ chen vào:
- Người ta sẽ nghĩ con là một người con gái biết suy nghĩ, được
dạy dỗ bởi những cha mẹ biết thận trọng. Nếu con không tin, để mẹ gọi điện
thoại nói chuyện với bà mẹ của Rô Can; mẹ dám chắc rằng bà ta sẽ đồng ý về
chuyện cha mẹ có bổn phận gìn giữ con cái, nhất là con gái lớn.
- Ba mẹ không tin con cái của ba mẹ sao?
Ba trả lời:
- Có chứ! Ba biết con đã được giáo dục đàng hoàng. Ba hoàn toàn
tin tưởng vào tất cả các con gái của ba. Nhưng chính tên “thức thời” đó làm ba lo âu.
Mẹ tiếp:
- Nếu con ngại từ chối thì hôm nào mời người ta tới nhà chơi,
chính mẹ sẽ giải thích cho.
Chị Huyền làm thinh. Lũ em nhìn chị ái ngại, cảm thương vì lần nào
chị ra quân cũng bại trận chứ không được may mắn như chị Thuần.
Bỗng ba cười nói:
- Ba có ý kiến thế này, nhờ câu nói vừa rồi của mẹ con : gia đình
mình từ trước đến giờ vẫn tôn trọng tinh thần dân chủ; những gì quan trọng đều
được đem ra bàn luận rồi lấy quyết định chung. Vậy Huyền có thể mời anh chàng
Rô Can tới đây rồi cả nhà sẽ… bí mật và tế nhị quan sát, nếu quả thực hắn đứng
đắn như Huyền đã nói thì ba mẹ sẽ bằng lòng để Huyền đi chơi với hắn. Mọi người
đồng ý không?
Lũ con trai nhóc con vỗ tay tán thành. Chị Huyền vẫn quan niệm hai
người thì còn là đồng chí, ba người trở lên thì đã trở thành một đám đông, thế
mà không ngờ chị lại vui vẻ chấp thuận đề nghị của ba:
- Vâng, chiều mốt con mời anh lại chơi.
Thế là sau đó chị Huyền vận động ngầm lũ em ủng hộ mình. Chị hứa
hẹn đủ điều, nào sẽ đãi mỗi người một chầu bò bía, chầu cà rem và đi xi-nê. Để
bảo đảm cho lời hứa của mình, chị còn phát trước cho mỗi nhóc tì hai chục bạc.
Đặc biệt chị Huyền được sự hỗ trợ đắc lực của chị Thuần. Lấy tính cách là đầu
đàn, chị Thuần “truyền lệnh” cho đàn em phải… bỏ phiếu thuận cho Huyền. Một
phần được “hối lộ ăn uống”, một phần sợ oai chị cả, đứa em nào cũng cam kết
trung thành với… lý tưởng.
Ba và mẹ không hay biết gì về âm mưu trên.
Ngày chờ đợi đã đến. Mọi người đã được chỉ định “cố thủ” ở vị trí
của mình : ba và mẹ đứng sau ri-đô;
chị Thuần chỉ huy nhóm kẹp tóc nấp ở các cửa sổ; dân húi cua, đứa nằm dưới
đi-văng, đứa trong gầm giường, thằng chui vào tủ áo…
Đúng giờ định, chàng “thức
thời” lái chiếc xe hơi hiệu thể thao đến. Anh ta bóp còi inh ỏi, suốt từ đầu
ngõ vào tới tận trước cổng nhà. Sự ồn ào đó đã lôi kéo biết bao con mắt hiếu kỳ
của bà con lối xóm, làm lũ chó được dịp đua nhau sủa vang trời, khiến một số
trẻ sơ sinh khóc ré lên…
Chưa hết, sau khi lái một đường lả lướt, chàng “thức thời” cho xe đậu giữa sân rồi lại
nhận còi liên hồi cho đến khi chị Huyền xuất hiện trên thềm nhà:
- Ô, Rô Can! Mời anh vào nhà!
- Ô, cô bé búp bê! Mạnh chứ?
Chị Huyền ra dẫn chàng ta vào phòng khách. Đằng sau ri-đô, ba thì thầm vào
tai mẹ:
- Mình ơi, người hay là quỉ thế kia? Ôi Rô Can thức thời! Ôi, Rô
Can đứng đắn! Ôi, Rô Can sinh viên!
Chàng Rô Can tóc dài như con gái, để râu xồm xoàm, mặc chiếc áo
rộng thùng thình với những ô vuông mầu cam và đen sậm, chiếc quần ống loa mầu
xanh da trời đã bạc phếch, vá ở mông và đầu gối, đeo chiếc cà vạt to bản như
chiếc yếm dãi của con nít, đi đôi giày ngắn mõm và to tổ bố như giày săng đá
của lính lê dương.
Tiếng Rô Can nói với chị Huyền:
- Thế nào, ông già cho phép Huyền đi dự dạ hội tối thứ sáu với anh
chứ?
Chị Huyền nhỏ nhẹ:
- Ba Huyền chưa cho phép!
- Ủa, sao lạ vậy kìa! Đã có Rô Can này bảo lãnh mà còn ngại ngùng
hả?
- Từ bé đến giờ Huyền chưa bao giờ đi chơi tối nên ba mẹ lo.
- Ồ, đời “c’est la vie” có khác! Sao ông già Huyền khó thế? Thôi
cứ “moa phú” hết đi “you and I” phải chứng tỏ… cách mạng chứ! Ô Kê?
Bên trong, ba lại ghé sát tai mẹ:
- Tại sao con Huyền lại có thể làm quen với thứ man di mọi rợ này
được nhỉ?... Nó dám gọi tôi là “ông già”, mình nghe rõ chứ? Để tôi ra cho nó
một bạt tai!
- Xuỵt! Hắn nghe bây giờ!
- Kệ nó!
Nếu không có mẹ giữ tay có lẽ ba đã ra giảng “mô ran” cho tên Rô
Can và biết đâu lại chẳng tặng thêm cho hắn ta một “dấu vết kỷ niệm” trên má
với hình năm đầu ngón tay cứng như thép của ba?
Trong khi đó phía sau tủ, dưới gầm giường… cũng xầm xì những lời
bàn tán và khúc khích những tiếng cười. Dường như ai cũng coi đây là một cuộc
giải trí bất ngờ và thú vị.
Một lúc sau tên Rô Can thức
thời từ giã chị Huyền. Khi hắn quay ra chúng tôi mới thấy trên lưng hắn có
viết dòng chữ Make Love, Not War bên
cạnh một vòng tròn có hình mũi tên ở giữa. Đúng là thứ “Hip” loại… bò sát!
Tiếng xe của Rô Can vừa khuất, ba liền triệu tập ngay Hội Đồng Gia
Đình để bỏ phiếu bầu lấy quyết định chung về việc có nên để chị Huyền đi dự dạ
hội với tên Rô Can này không. Nét mặt rất vui tươi, nụ cười hớn hở, chị Huyền
tin tưởng vào tài ngoại giao ngầm của mình.
Kết quả cuộc đầu phiếu : 13 phiếu chống, 01 phiếu thuận (của chính
chị Huyền). Đặc biệt trên một vài lá phiếu có viết những hàng chữ ngộ nghĩnh.
Chẳng hạn:
- “Hippi choai choai. Mặc quần ống voi. Bị đánh ba roi. Cái thứ
chết toi!”
- “Yêu cầu chị Huyền cho Rô Can về nhà bò!”
- “Rô Can không đáng xách dép cho chị Huyền đẹp như tiên của gia
đình mình”.
- “Nếu gặp lại Rô Can, tôi sẽ kêu cảnh sát xúc về bót”.
- “Cần rửa nhà gấp và xịt dầu thơm ngay vì Rô Can đã đem mùi xú uế
vào nhà ta. Đả đảo Rô Can!”…
Trước kết quả thảm hại, ai cũng tưởng chị Huyền sẽ khóc – vì “mau
nước mắt” là “nghề của nàng” – nhưng ngược lại chị đã chấp nhận vui vẻ ý kiến
của đa số vì hiểu mình đã lầm lẫn đồng thời còn long trọng cam kết sẽ không bao
giờ nhìn mặt Rô Can thức thời nữa.
Sau đó “để tưởng thưởng sự sáng suốt của mọi người, ba khao cả gia
đình một chầu ciné và một bữa cơm tiệm tại Chợ Lớn!”
Chỉ năm phút sau, ai nấy đã an tọa trên chiếc xe díp “bụi đời”… dễ
thương của gia đình. Và một lần nữa ba được dịp trổ tài lái xe nhanh, lạng
giỏi… và được cảnh sát công lộ “hỏi thăm sức khỏe”!
Hơn bao giờ hết, gia đình tôi tràn trề hạnh phúc.
___________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG SÁU