Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Chim Về Vườn Lạ


Hình như nắng đang mơn man trên vai em gầy, hình như nắng đang đùa vui trên tóc em bay. Gió quyện đôi tà áo mỏng. Nắng dễ thương ghê, gió dễ thương ghê và mây dễ thương ghê, em muốn reo lên như loài chim bay về vườn cũ thân yêu trỗi giọng ngọt ngào điệu hót. Dưới kia là biển, xanh ngát muôn trùng, và trên này là đồi, khuôn viên của viện đại học cộng đồng Duyên Hải, em muốn nhòa tan trong nắng đông xuân, muốn bay phất phơ như cánh Hải Âu nghìn trùng tản lạc. Đường đi lên dốc cao thoai thoải, em hất tung những bụi hoa mắc cỡ dưới chân. Chiếc cặp trên tay nặng đầy sách vở nhưng lòng em nhẹ hẫng. Chỗ ngồi của em nhìn ra một rừng khuynh diệp lao xao, phải tranh đấu ghê gớm lắm thầy H. mới cho em ngồi chỗ ấy, vì lý do: “Ngồi đó thì cô học hành gì được. Ai nhìn trời trăng mây nước cho”. Em phụng phịu đứng yên không chịu lên ngồi bàn nhất như lời thầy bảo. Cuối cùng thầy phải nhượng bộ, thầy vẫn cưng chìu em như những ngày nào còn dạy em ở trung học mặc dù thầy vẫn nhiều lần nhắn nhủ: “Bây giờ nhỏ Dung là sinh viên rồi đó. Hai năm nữa đi dạy, thời gian chẳng có là bao. Tập đừng nhõng nhẽo, đừng mè nheo, đừng lì lợm nữa đi. Mai mốt đi dạy học trò cười cho đấy”. Em cúi đầu nghe lời thầy thật ngoan nhưng chắc sẽ không bao giờ sửa đổi được. Đâu phải lỗi ở em, ai bảo mọi người cứ cưng chìu em làm chi, như thầy H. đó, la thì la, mắng thì mắng, thế mà vẫn cứ nghe theo những lời em năn nỉ, vẫn cứ cho những viên ô mai ngọt ngào để : “nhỏ Dung ăn cho ngọt giọng và nói chuyện cho lắm vào”. Như anh Tịnh đó, cứ dọa dẫm: “nhỏ Dung đi học trễ làm xe trường cứ phải đợi hoài, lần sau cho cô lết bộ”. Em chu môi: “thì cứ đi trước, ai biểu chờ người ta làm chi. Dung thèm được phóng xe đạp đi học xa như rứa nhưng mà cứ bị đi xe bus hoài”. Nhưng lần nào tới trễ cũng đều thấy chiếc bus vàng nằm đó. Ông tài xế “thù” em lắm, nhưng nể anh Tịnh, ông chịu khó kiên nhẫn đợi. Như mẹ đó, cứ lo lắng cho em từng chút nhỏ, về trễ một tí, mẹ cũng cuống quýt đi tìm, thức khuya học bài, mẹ sợ em đuối sức, “trời đất, con 18 tuổi rồi đó mẹ”. Em vẫn nhắc mẹ như thế hoài nhưng chắc mẹ cứ quên, chắc mẹ cứ tưởng em vẫn bé con hoài như những ngày xưa. Như ba đó, nghe em thích đạp xe đi học trên con đường quốc lộ dài và vắng đó nhưng không đủ sức, ba bỏ chiếc mini sau xe và chở em ra đến đầu cầu và thả xuống để em thong thả đạp đến trường. 6 giờ 30 tan học, bạn bè đã lên xe bus, em cuống lên vì phải về một mình trên con đường xa và vắng, lại còn đi qua ba bốn cái nghĩa trang. Đã thế A. Thư còn dọa về một mình ma bắt, em rươm rướm nước mắt khi chiếc xe bus thứ nhất rời trường. Định ném chiếc xe đạp lại và lên xe bus nhưng em hơi… tiếc tiếc. Mất chiếc mini này thì coi như Thu Dung không còn là Thu Dung nữa. Em ngần ngại giữa những ý nghĩ ma quái thi nhau hiện về. Chiếc xe bus thứ hai đã rồ máy, và lần này thì em… khóc thật. Đỗ kéo em lên xe và nhảy xuống: “Về trước đi cô nhỏ nhát gan. Lần sau hết làm tàng nhé”. Em cười ngay được khi thấy Đỗ đạp chiếc xe loạng choạng xuống đồi. Đám bạn trên xe thi nhau chọc em dòn cười tươi khóc. Chiếc xe bus vượt qua, em đưa tay vẫy vẫy Đỗ. Trời nhá nhem tối. Chao ơi, tưởng tượng em còn ở trên đó, với những cây cùng cỏ um tùm, với những tiếng chim kêu não nuột, với gió lộng và bóng đêm đang dần dần xuống. Cám ơn Đỗ, cám ơn những tình thân quanh em. Cũng như anh Thuần, ở xa như thế mà vẫn “chịu khó” nghe những lời em… mè nheo, vòi vĩnh ; “chịu khó” đọc những lá thư giận dỗi rất con nít: “Dung biết mà, anh Thuần không thèm thương Dung gì hết. Con nhỏ này luôn luôn đem những bực dọc, phiền toái đến cho mọi người… “ Bạn em vẫn gọi đùa em là… nhão. Có lẽ chúng diễn nôm từ chữ nhõng nhẽo mà ra. Ôi những tên gọi vô cùng thân ái, vô cùng yêu dấu mà đời sống đã ân cần trao tặng cho em.

Nhưng, với một người, em chả bao giờ để lộ… thói hư của mình ra cả. Đó là Nghi, Nguyễn thị Tường Nghi. Cô bé thương em ghê lắm, em hình dung được thứ tình cảm ấy và rất hãnh diện khi đã được dành cho một phần tình cảm nào đó, dầu nhỏ nhoi, dầu mơ hồ sương khói. Nhưng có lẽ bây giờ thì cô bé đã hơi đoán được (hay là đã biết từ lâu lắm) rằng, cái nét cứng cỏi mà em tự tạo để ẩn thân vào chỉ là một lớp vỏ ốc ngô nghê, rồi sẽ vỡ đi, một ngày nào đó, khi thời gian trở thành giông bão, khi đời sống tàn nhẫn như gió cát quất vỡ tan tành. Biết không Nghi? Thay vì để những giọt nước mắt lăn dài trên má xót xa thì ta phải bắt chúng lăn giữa tim phiền muộn. Trái tim đau yếu của ta đã chất ngất hạnh phúc thì một vài nỗi đau khổ nhỏ nhoi có nghĩa lý gì.

Buổi chiều đang qua, chiếc xe nhỏ đưa em lang thang xuống tòa nhà viện trưởng. Tấm thông cáo nhỏ được dán trên tường: “Yêu cầu các sinh viên năm thứ nhất ban Việt Hán đến tham dự buổi họp mặt bàn về đêm trà đàm thân hữu giữa các sinh viên học sinh toàn tỉnh”. Sinh viên năm thứ nhất ban Việt Hán, cái danh xưng sao mà xa lạ quá. Em cầm cây bút gạch mấy gạch dài dưới dòng chữ sinh viên năm thứ nhất, nghe hụt hẫng một chút, trong lòng.

Đời sống vẫn rất dễ thương, Tường Nghi ạ.

Tôn nữ Thu Dung
Nhà Trắng       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 230, ra ngày 1-1-1975)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>