Tết về nhớ bánh chưng xanh
Nhớ tràng pháo chuột nhớ tranh lợn gà
Nhớ cành đào thắm đầy hoa
Nhớ giây phút đợi giao thừa nghiêm trang
Nhớ ngũ vị, nhớ chè lam
Nhớ cây nêu, nhớ khánh vang tiếng sành
Nhớ tam cúc tẹt, nhớ mình
Nhớ cân mứt lạt, nhớ khoanh giò bì
BÀNG BÁ LÂN
Trời tối quá! Bên ngoài trời tối quá!
Những cây nêu tiếng khánh khẽ khua thầm
Những cây nêu tiếng khánh khẽ khua thầm
Những cung vôi trong sân như mờ xóa
Những giấy điều trước cửa dán đen thâm
•
Quanh bếp ấm, nồi bánh chưng sùng sục
Thằng cu con rụi mắt cố chờ ăn
Đĩ nhớn mơ chiếc váy sồi đen rức
Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm
•
Bỗng tiếng pháo đẹt đùng xa nổ báo
Ngoài đình trung làng đã tế giao thừa
Cả nhà vội giật mình không ai bảo
Cùng đứng lên thăm bánh chín hay chưa?
ANH THƠ
Hai đoạn thơ trên hẳn đã gieo vào lòng chúng ta thật nhiều âm
hưởng, nhất là đối với các độc giả lớn tuổi đã được tham dự những cái tết cổ
truyền. Hôm nay, nhân dịp xuân về, Bách Khoa xin nhắc nhở lại một vài hình ảnh
liên quan đến cái tết. Mong rằng đối với các em Thiếu Nhi, tuy không nhiều kỷ
niệm, nhưng cũng nhìn lại được một quá khứ vô cùng đáng yêu của dân tộc.
TẾT NGUYÊN ĐÁN CÓ TỰ BAO
GIỜ?
Tết do tiếng Tiết (chữ Hán chỉ thời tiết mà ra. Nguyên là đầu
tiên, Đán là buổi sớm. Vậy Tết Nguyên Đán chỉ ngày đầu năm của âm lịch, khởi sự
một năm mới, ta quen gọi tắt là Tết. Không thể nói chắc dân tộc ta bắt đầu ăn
Tết Nguyên Đán từ bao giờ, nhưng theo từ điển Từ Hải, mục Trung ngoại lịch-đại
đại-sự niên biểu thì năm khởi điểm của lịch Tầu là 3.000 năm trước Tây Lịch kỷ
nguyên. Họ Hồng Bàng nước Việt ta bắt đầu từ năm Nhâm Tuất (2879 năm trước Tây
Lịch kỷ nguyên) nghĩa là hơn 100 năm sau khi có lịch Tầu. Nhưng mãi đến đời nhà
Hạ (1205-1818 trước Tây Lịch), lịch Tầu mới lấy tháng Dần làm tháng giêng. Vậy
nếu ta có ăn tết theo âm lịch hiện giờ thì chắc không phải từ đời Hồng Bàng. Có
lẽ theo phỏng đoán thì chỉ từ khi chịu ảnh hường của phong hóa Tầu do Tích
Quang và Nhâm Diên truyền sang, ta mới bắt đầu ăn tết, tức là thế kỷ thứ I Tây
lịch trở về sau (1).
BẦU KHÔNG KHÍ CỦA TẾT CỔ
TRUYỀN
Tết là một dịp quan trọng nhất trong năm nên ngày xưa, việc sửa
soạn đón tết thật tưng bừng. Càng tới ngày cận tết, càng trở nên náo nhiệt, nào
đi chợ sắm tết, bán hàng tết, lo quần áo tết, lo câu đối tết, tát ao, trưng bầy
chậu hoa, cây cảnh, dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ đồng trên bàn thờ, trong 3
ngày cuối năm thì muối dưa, mổ heo làm nem, làm giò, nấu bánh chưng, nấu nước
ngũ vị hương để tẩy uế, dựng cây nêu… v.v… Bầu không khí thật rộn ràng, không
bút nào tả xiết.
SỰ TÍCH CÂY NÊU
Ngày xưa có một thời quỉ sứ quấy nhiễu dân gian một cách quá lộng.
Dân liền kêu lên tới đức Phật. Phật liền giáng lâm bắt lũ quỉ sứ. Quỉ sứ van
lậy xin tha và hứa xin chừa không dám bén mảng đến đất Phật. Quỉ sứ hỏi làm sao
phân biệt được đâu là đất Phật. Phật bảo nơi nào có cột phướn, cây nêu và có
rắc vôi trắng đó là đất Phật. Từ đó có tục trồng nêu, rắc vôi để trừ ma quỉ.
Vào dịp Tết, trễ lắm là chiều 30 tết, nhà nào cũng trồng nêu. Đó
là một cây tre đẵn gốc và còn đủ ngọn và lá. Ngang thân cây có buộc một tảng
vàng giấy, và một cỗ mũ giấy (loại mũ thờ cúng), trên ngọn có buộc vài chiếc
khánh bằng đất nung khi gió thổi làm chúng chạm nhau kêu leng keng.
TRANH TẾT CỔ TRUYỀN
Trong việc trang hoàng nhà cửa, tết cổ truyền không bao giờ thiếu
tranh tết. Đó là những họa phẩm của nhân gian không rõ ai là tác giả (cũng như
ca dao), in bằng tay, bản gỗ cũng khắc tay trên giấy tầu bạch (loại giấy in báo
bây giờ) và dùng phẩm ngũ sắc : xanh lục, đỏ, tím, vàng, đen. Có hai loại
tranh, một loại dành cho người lớn, một loại dành cho trẻ em.
– Tranh cho người lớn thì có
những loại vẽ hoa như mai, lan cúc, trúc, hoặc vẽ chim sẻ đậu cành trúc (trúc
tước), hoặc mô phỏng lại những chuyện xưa tích cũ như Tam Quốc, Chinh Đông, Chinh
Tây, Thạch Sanh, Quan Âm thị Kính, hoặc tranh lịch sử như Đinh Bộ Lĩnh, Hai Bà
Trưng, Mỵ Châu Trọng Thủy, Sơn Tinh Thủy Tinh… v.v…
– Loại tranh dành cho trẻ
em, tuy gọi vậy, nhưng cũng rất được người lớn giới bình dân yêu thích, phần lớn
là những tranh ngụ ý những lời cầu chúc cho nhau thêm tốt dẹp hơn, như tranh
Tiến Tài, Tiến Lộc vẽ hai vị thần mặc phẩm phục một vị mang biển tiến tài (hiến
tiền bạc) và một vị mang biển tiến lộc (hiến phước lộc) nói chung là mang sự
thịnh vượng vào nhà. Ngoài ra còn có những tranh đàn gà (tượng trưng cho sự
phúc đức, đông con cái), tranh con gà sống (tượng trưng cho sự bất khuất, sự
trung tín, giữ đúng giờ giấc vì gà gáy không bao giờ sai), tranh Lý ngư vọng
nguyệt (nhắc nhở con cái chăm chỉ học hành), tranh Heo mẹ và đàn heo con (tượng
trưng cho sự sung túc, đoàn tụ), tranh Hứng dừa (tượng trưng cho vẻ đẹp hồn
nhiên của phụ nữ ở thôn quê, với lời ghi chú trong như ngọc, trắng như ngà vừa
cho trái dừa, vừa cho phụ nữ), tranh chuột Vinh Qui (chỉ sự thành đạt), tranh
Thầy đồ Cóc dậy học vẽ cảnh trường học ngày xưa (những nhân vật toàn là cóc :
cóc viết bài, cóc quạt siêu nước, cóc bưng nghiên mực, cóc không thuộc bài nên
bị đòn v.v… nhắc nhở cho con cái về sự học).
Những tranh này bày bán la
liệt ở ngoài chợ, giá lại rất rẻ, ai cũng có thể mua về dán khắp mọi nơi trong
nhà, trên vách, ngoài cổng, trên cánh cửa, trên tường, làm cho bầu không khí
trong nhà càng thêm vui vẻ, rộn ràng, chẳng thế Trần Tế Xương đã có câu:
Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Om sòm trên vách bức tranh gà
Chi cha chi chát khua giầy dép
Đen thủi đen thui cũng lượt là.
PHÁO!
Trời lất phất mưa sa
Giờ lâu tràng pháo chuột
Đì đẹt nổ trên hè
Con gà mào đỏ chót
Sợ hãi chạy te te
ĐOÀN VĂN CỪ
(Tết)
Khi tế xong một cụ đứng trên thềm
Giơ bánh pháo cho người kia lại đốt
Bọn trai gái đứng xem đều chạy giạt
Một thằng cu sợ hãi khóc bi be
ĐOÀN VĂN CỪ
(Đám Hội)
Mấy đoạn thơ trên đã gợi lên
biết bao âm hưởng về vai trò của tràng pháo trong khung cảnh tết cổ truyền ngày
xưa. Sách Thiên Nguyệt Tinh kể rằng thuở xưa, ngoài ma quỉ sát hại dân làng,
còn có Na Ông, Na Bà là đôi vợ chồng hung thần tác quái trong dân gian. Tuy vậy
nhờ mỗi người có một phúc thần hộ mệnh nên Na Ông, Na Bà chẳng làm hại được ai.
Kẹt nỗi, tết đến, các phúc thần phải lên thiên đình báo cáo sự việc cho Ngọc
Hoàng Thượng Đế, do đó mọi người không có ai hộ vệ trong mấy ngày tết cả. Nhân
Na Ông, Na Bà sợ ánh sáng và tiếng động nên các cụ ngày xưa mới nghĩ ra cây
pháo để xua đuổi đôi vợ chồng hung thần này. Đó là sự tích cái pháo!
Pháo có nhiều loại, nhiều
thứ, nhưng nguyên tắc chung vẫn là dùng Nitrate de Potassium trộn với Lưu hoàng
(tức diêm sinh vàng hay Souffre) và than tán nhỏ, rồi đem quấn giấy ở ngoài,
phía trên thông với một cái ngòi pháo. Lúc châm lửa, pháo sẽ nổ tung và phát ra
tiếng kêu lớn. Có nhiều loại pháo:
- Pháo xẹt: dùng thuốc như trên nhưng bao giấy mỏng hơn.
- Pháo đập: làm bằng Chlorate de Potassium trộn với hồng hoàng và sạn
nhỏ.
- Pháo chuột: là loại pháo nhỏ, kết thành tràng.
- Pháo chạy chuột: là những cái pháo rời được trẻ con bẻ ngang cho
gẫy ở giữa rồi châm hương vào chỗ thuốc pháo lòi ra. Lúc cháy, pháo sẽ chạy
vùng vẫy như chuột chạy mà không phát ra tiếng nổ.
- Pháo tre: cũng bồi thuốc như ở trên nhưng vỏ ngoài là ống bằng tre,
không phải bằng giấy.
- Pháo cối: là bánh pháo dài, xen lẫn cứ một tràng pháo chuột lại tới
1, 2 cái pháo đùng (to gấp 5, gấp 10 lần cái pháo chuột). Bánh pháo cối do đó
lúc nổ nghe rất vui tai.
Nhìn chung, tuy pháo là một
biểu hiệu rộn rã nhất của ngày xuân trong không khí cổ truyền, nhưng quả thực
là tốn kém, tài nguyên bị sử dụng phí uổng, không đem lại lợi ích thiết thực
nào. Trong thời gian hiện nay, pháo đã bị cấm đốt để tiết kiệm, và cũng là vấn
đề an ninh công cộng nữa.
BÁCH KHOA
---------------------
(1) Tài liệu
của Nhất Thanh trong cuốn Đất Lề Quê Thói, Đường sáng xuất bản 1970.