Ba
mẹ tôi luôn luôn bất đồng ý nhau về đủ mọi thứ, mọi chuyện suốt mọi
thời gian. Tôi còn nhớ có lần hai người đã đi đến chỗ đồng ý tổ chức một
lễ Bạc khi đến ngày thành hôn 25 năm, đôi bên đương sự có vẻ hòa hợp
được đâu một tuần lễ hay tám ngày chi đó. Chúng tôi rất mừng. Không phải
vì thấy ba mẹ hòa thuận mà vì (ấy, cho phép tôi mở cái ngoặc đơn ở đây,
tôi không thích giấu diếm các bạn quí mến của tôi, dù rằng nói thật ra
thì con người tôi quả không được lý tưởng mấy : người gì cứ nghĩ đến
chuyện ăn) vâng, tụi tôi, nhất là tôi rất mừng chỉ vì biết sắp được ăn,
mà lại ăn ngon.
Chứ
sao ! Lễ Bạc, ít ỏi gì, tầm thường gì ! Quan trọng lắm nghe các bạn ?
Trên đời này thiếu gì người thành gia thất chưa được một năm tròn đã
chia tay hát bản ô rờ voa nhau, ngâm câu thơ : Anh đi đường anh, tôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi ? Mẹ tôi bảo thế đấy.
Thế
đấy, nên mẹ tôi hãnh diện cũng phải. Bà ngồi cạnh ba tôi, nét mặt tươi
tắn, hơi ngẩng đầu lên một chút, trịnh trọng tuyên bố bằng giọng đắc
thắng của một vị tướng lãnh tài ba bách thắng ở chiến trường :
-
Tôi toàn quyền mời quan khách ! Tôi sẽ mời (lại thú thật, tôi không nhớ
rõ tên từng người mẹ tôi kể ra vì chuyện xảy ra khá lâu)… anh chỉ việc
đón tiếp người ta đàng hoàng trọng thể, tươi tỉnh. Các bạn bè nhà văn
của tôi đến, xin ông đừng có tuyên bố vung lên là “tôi ghét nhà báo, nhà
văn, toàn bọn vô dụng, đếm chữ ăn tiền” nghe chưa ?
-
Ai thèm nói chi cho mệt. Ta cũng là người lịch sự chớ. Mợ cứ làm như ta
con nít, dặn dặn, dò dò… à, mợ có tính mời mấy bà bạn thi sĩ của mợ nữa
không ? Mấy bà cụ…
- Sao không ? Mấy chị dễ thương lắm nghe, cho tôi ăn hoài… mấy chị khéo tay lắm…
- Tụi bay thấy chưa ? Mấy chị dễ thương vì cho mẹ mày ăn hoài…
-
Đừng có xuyên tạc, tôi nói dễ thương đâu phải vì cho tôi ăn hoài, hai
chuyện khác nhau mà. Anh chỉ được cái tài… Ý tôi muốn nói rằng tôi được
mấy chị cho ăn hoài mà mình không có dịp mời trả lễ biết chưa ? Với lại,
tôi muốn nhân dịp này, trổ tài một phen cho mấy chị biết…
Ba tôi ngắt lời mẹ :
- … Rằng thì là tôi cũng tay nội tướng tài ba…
-
Vậy đó, rồi có sao không ? Chỉ được cái tài chế giễu người ta. Nghe tôi
trình bày tiếp đây này… à, quên, phần anh, anh có mời ai không ? Phải
cho tôi biết để tôi còn liệu…
- Mợ có hạn chế số ghế không ? Nói cho tôi biết rõ mà mời chứ, mời đến không có chỗ ngồi thì sao tiện ?
Nghe đến tiếng ghế, mẹ tôi à to một cái ra vẻ giật mình. Bà vỗ vỗ vào trán mấy cái :
-
Tôi nhớ ra rồi : phải mua thêm mấy cái ghế, không, mua luôn một bộ ghế,
bộ ghế nhà mình tã quá rồi. Lễ Bạc mà mời khách ngồi ghế bằng ni lông
coi… kỳ quá !
- Kỳ gì mà kỳ ? Miễn sao nấu nướng cho ngon thì thôi, ăn thức ăn chứ ai thèm ăn ghế của mợ mà lo ?
- Thức ăn ngon mà ghế ngồi tệ quá thì cũng hóa dở. Vả lại, lễ Bạc của mình, tôi muốn cái gì cũng đàng hoàng.
- Mợ định mua ghế gì ? Nói coi ?
- À, ghế gỗ, có bọc nệm da, mầu hạt dẻ, tôi ưa mầu hạt dẻ, coi nhã lắm.
Ba tôi dẫy lên như thể người vừa dẫm chân trần lên tổ kiến lửa :
-
Thôi ! Mợ đừng bày đặt. Tôi không ngồi ghế nệm đâu, nóng lắm, ghế đan
bằng mây hay ghế đan dây ni lông còn dễ chịu hơn. Sài gòn trời nóng mà
bày đặt ghế nệm làm chi ?
Mẹ tôi nhăn mặt :
- Anh mới thật là hay bày đặt : thiên hạ không ai biết nóng hết sao ? Với lại ngồi lâu la gì mà nóng? Ngồi ăn một chốc là rồi…
- Ngồi một chốc chớ sao, mà tôi không ưng, có sao không ?
- Đã định mời thì mời cho tử tế, không thì thôi.
- Bộ có ghế ăn bọc nệm da mới tử tế hả ? – Ba tôi gặng lại.
- Chớ sao ? Bộ ghế mình hư nát lâu rồi mà cứ gắng chờ hoài… Nhân dịp này anh không cho mua thì còn đợi chừng nào đây ?
- Tôi không cấm mợ mua, có điều tôi biểu đừng mua thứ bọc nệm da, tôi không ưa nóng, nghe rõ chưa ?
Mẹ tôi cũng nổi xùng lên :
- Tôi nghe rõ rồi, nhưng tôi cứ mua vì ngày trọng thể của mình…
- Mợ mua thì mợ ngồi lấy, tôi thề không ngồi, nóng tôi chịu không nổi.
- Nghĩa là anh nhất định không cho mua, phải không ?
- Ừ, tôi không ưa nệm da, đừng nói dai.
- Nếu anh không cho mua, thì tôi khỏi có làm lễ Bạc…
-
Tùy ý mợ. Mợ ưng thì làm, không thì thôi. Tôi cũng cóc cần lễ Bạc hay
lễ Vàng gì ráo. Thiên hạ người ta không làm, có chết ai đâu ? Mợ đừng có
dọa tôi.
- Tôi không dọa anh, nhưng nếu anh không bằng lòng tổ chức đàng hoàng thì đừng làm.
- Hoài, đàng hoàng là do mình chứ do đâu ở mấy cái ghế bọc nệm…
- Vậy thì thôi, tôi không làm, tôi không mua ghế bàn gì hết.
- Càng khỏe, không cần !
- Tôi cũng không cần, không làm tôi khỏe hơn anh.
- Thì cứ khỏe đi !
*
Cũng
tưởng đôi bên sẽ đình chiến, ký kết hòa đàm như trước nay, mọi sự sẽ
được thu xếp ổn thỏa sau đó như trước nay. Nào ngờ đâu vì thứ tự ái
xoàng đó, đôi bên giữ vững lập trường. Còn hai ngày nữa đến lễ Bạc, tôi
đánh bạo hỏi mẹ sao không sắm sửa gì hết thì mẹ cắn môi, rưng rưng nước
mắt :
- Ba mày không muốn thì thôi, làm làm chi ?
- Ba có nói không muốn đâu ?
- Thì ba mày không cho mua ghế, không thấy sao ? Không mua ghế thì tổ chức chi cho mất công, coi luộm thuộm mẹ không thích.
Nói sao làm vậy, mẹ tôi dẹp luôn cái lễ Bạc trọng thể chỉ… có trong tưởng tượng của chúng tôi.
Mất
một dịp ăn uống, tụi tôi buồn đến mấy ngày. Mỗi lần vô tình có đứa nào
nhắc lại là mẹ tôi lại hậm hực, tức tối và cũng không quên tỏ cho tụi
tôi biết rằng bà là người rất cương quyết, rất “đuya” nói sao làm vậy,
mà không hề để ý đến sự thiệt thòi của đàn con. Còn ba tôi, ông như quên
bẵng mọi chuyện đi, như thể ông không hề bàn tính lễ Bạc, lễ Vàng gì
cả. Ông xử sự đúng là một đàn ông, không quan tâm đến điều nhỏ nhặt, đến
chuyện đã qua.
Hai năm sau, vào tháng 11, một bữa ông đi làm về, tươi cười bảo mẹ tôi :
- Này, mợ ! Tôi gặp cha Tùng sáng nay, ông hỏi chừng nào mình tổ chức lễ Bạc thì nhớ mời ông…
Mẹ tôi hừ một tiếng nhưng ba không để ý gì cả, thao thao tiếp :
-
Ông đãng trí quá : chính ông làm phép cưới cho mình mà không nhớ lễ Bạc
đã qua hai năm rồi. Anh nhắc ông mới nhớ và ông hẹn sẽ đến nhà mình vào
lễ Vàng. Mợ nhớ đó nghe, lễ Vàng nhớ mời cha.
Mẹ
tôi lại hừ to một tiếng tiếp và lặng thinh như cá làm ba tôi ngạc nhiên
(ông vốn biết mẹ tôi rất hãnh diện về cuộc hôn nhân bền vững của mình)
hỏi :
- Mợ làm sao vậy ? Mợ có nghe tôi nói gì không ? Mợ dự tính gì về lễ Vàng của tụi mình ? Cha Tùng…
- Tôi không dự tính gì cả – Giọng mẹ chua chát – tính trước bước không qua. Tôi đâu đã quên hôm lễ Bạc ?
- Lễ Bạc… à, lễ Bạc mình tổ chức ra sao, anh quên mất đi chớ.
Trước
sự đãng trí của ông, mẹ tôi nổi cáu thêm. (Bà vẫn nhớ vì chuyện mấy cái
ghế mà bà mất dịp khoe khoang về hôn nhân vững chắc của bà) Mẹ cau mặt :
- Ông mau quên quá, hèn chi ông tròn trục, trẻ măng…
- Còn mợ, hay sắc mắc, câu mâu từ chút nên già trước tuổi. Cho mợ hay : có người nói rồi đó…
Ông ngừng lại nửa chừng, kêu : “Khát quá, đứa nào pha cho ba ly nước coi, bay !” làm mẹ sôi sục lên, mẹ hỏi dồn :
- Hở, ông nói sao ? Có người nói sao ?
-
À, à, họ nói – ông lại ngừng , cười đến khục một tiếng rồi mới nhẩn
nha, tiếp – họ nói là… là tôi trẻ hơn mợ nhiều lắm, biết chưa ?
-
Tưởng gì. Nhất định là tôi biết điều này. Có gì đáng ngạc nhiên đâu ?
Vì ông sung sướng, trăm việc đều giao cho vợ, ông khỏe quá nên ông trẻ…
- Còn mợ cực lắm chắc ?
- Không cực lắm, nhưng cũng cực hơn anh.
Hai
ông bà cười xòa, vui vẻ. Tôi nhân dịp tốt, nhắc mẹ vụ đổi tiền mới để
lì xì tết cho mọi người (xin quí bạn hiểu mọi người đây có nghĩa là chỉ
tụi tui). Ấy, tôi rất biết lo xa, còn hơn nửa tháng mới đến tết, nhưng
lo trước vẫn hơn. Mẹ tôi vui vẻ :
- Ờ, phải đó, để mai tao ra ngân hàng bảo cậu Thùy đổi cho một ít…
- Mẹ đổi nhiều nhiều chớ, một ít thì ăn thua gì ?
- Đổi chác làm gì, bày đặt. Ba thấy dì Khanh nói nên dẹp bỏ thói quen lì xì vậy mà hay đó nghe.
Dì
Khanh đâu phải là bậc thánh thần gì mà nêu ra khuôn vàng, thước ngọc
phải theo ? Tôi thì nói cho ngay, tôi ưa dì Khanh mọi mặt, trừ có mặt
này tôi chống đối thẳng tay. Mẹ tôi cũng vậy, bà nói Việt Nam mình có
nhiều cổ tục hay vào những ngày tết âm lịch nhưng vì chiến tranh dai
dẳng, vì ở thành phố lâu ngày các cổ tục đó lần lượt bị lãng quên, nhưng
bà nhất định duy trì cổ tục lì xì tết.
Về
phần chúng tôi, chúng tôi đồng ý không phải trăm phần trăm mà đồng ý
đến cả ngàn phần trăm với mẹ tôi. Phải ! Nên duy trì cổ tục lì xì ! Hoan
hô mẹ ! Hoan hô ! Tôi lên tiếng và lũ em cùng hòa âm một lượt. Ba tôi
la lên :
- Mẹ con tụi bay ồn ào quá, chịu hết nổi. Năm nào cũng vậy, hễ gần tết là mẹ con tụi bay lộn xộn, ồn ào…
*
Kể
ra, ba nói cũng không ngoa. Hễ còn cỡ một tháng nữa đến tết – khoảng
sau Noel – là mẹ tôi cuống lên. Bà không ngớt thở ngắn, thở dài, bà nói
với bạn bè, với tụi tôi :
- Tết lại đến. Chán quá, mình hết ham tết rồi, tết tới chỉ thêm lo.
Bà
buồn rầu trông thấy rõ, nhưng đặc biệt là đến khi còn chừng nửa tháng
nữa đến tết thì đột nhiên mẹ tôi trở thành hăng hái, can đảm, tươi tỉnh.
Rồi thì, mặc dù ba ra lệnh là con trai chỉ được mặc kaki xanh, sơ mi
trắng, con gái chỉ được áo dài trắng và quần dài trắng… và liệt hạng
trai gái gì cũng mang xăng đan. Ông lý luận cứng ngắc thế này đây :
- Con nít phải đơn giản, đừng có mầu mè, bày vẽ, chưng diện rồi bỏ cả học hành.
Mẹ
phản đối kịch liệt. Mẹ cương quyết chống ba đến cùng : cho con trai
được mặc cái sơ mi mầu mỡ gà, mầu xám sáng, con gái được cái áo dài xanh
da trời và mầu hồng phớt. Đặc biệt năm rồi con bé út còn được mang đôi
hài có thêu kim tuyến lóng lánh – và dù nó tuổi mèo, đôi hài cườm lại
thêu hình con rồng (Con rồng là tuổi mẹ). Nó còn mặc áo gấm nội hóa xanh
ngọc, hoa trúc vàng – một hình thức ta về ta tắm ao ta của mẹ tôi đấy, thưa quí bạn.
Tiền
lì xì thì năm nào cũng như năm nào, hễ tháng chạp đủ thì tối ba mươi,
mà tháng chạp thiếu thì tối hai mươi chín là mẹ tôi đem tiền mới ra, tụi
tôi tụm lại, đếm, chia, xếp thứ tự 5đ riêng, 10đ riêng, 20đ riêng, 50đ
riêng, 100đ riêng, 200đ riêng. Mẹ tôi quí nhất là đồng 200đ có hình vua
Quang Trung (Bà nói trong đời bà, bà phục nhất vị vua này). Phong bao lì
xì đỏ chói để cả chồng bên cạnh. Bà sai con út kiểm điểm lại những tờ
bạc mới tinh một loạt rồi đuổi hết tụi tôi ra. Lúc bấy giờ chỉ còn con
út ngồi lại phụ với mẹ trong việc cho tiền vào bao.
Thú thật, trong năm mẹ tôi là người rất chặt chẽ về tiền bạc. Không bao giờ bà cho tiền tụi tôi. Bà nói :
-
Bày đặt, con nít lấy tiền làm gì ? Ăn gì thì mẹ mua, cần gì thì mẹ sắm
cho, còn lấy tiền chi nữa. Tiền bạc, nhất là bạc giấy dơ bẩn lắm, cầm
lên tay mất vệ sinh, phải rửa tay. Bạc giấy là tổ chứa vi trùng. Mỗi lần
sai tụi tôi đi mua gì về bà kiểm từng đồng lẻ, rồi bảo bỏ vô bao thơ và
cất kỹ, sau đó là đi rửa tay và giục tụi tôi rửa tay. Ba tôi đem về
cũng vậy. Ông vẫn trêu mẹ :
- Lúc nào cũng kêu là tiền dơ mà người ta đem về bao nhiêu cũng tóm gọn, cất kỹ, không chê.
-
Nói nghe hay chưa ? Không cất kỹ sao được, không cất thì cha con ông
nhịn đói sao ? Vì nó dơ nên người ta mới gói lại, mới bỏ vô bao thơ chớ.
Nếu mà có gì cần, mẹ cho tụi tôi ít tiền là tra gạn kỹ càng mua cái gì, hết bao nhiêu, còn bao nhiêu, rồi đi đến kết luận :
-
Thôi, cất làm gì, đưa mẹ đem bỏ vô quĩ tiết kiệm cho tụi bay, để tên
tụi bay. Tụi tôi đều dồng ý rằng dù tên ai cũng vô ích cho tụi tôi : tụi
tôi có lãnh ra được đâu ? Thà xài phăng đi cho sướng.
Nhưng
hễ tết tới là tụi tôi được mẹ rộng rãi lắm : mẹ cho tiền, cho nhiều nữa
kia. Cũng trong ba ngày tết, tụi tôi không bị kiểm soát bao giờ. Thậm
chí chơi bài cũng không bị la, thua nhẵn túi cũng không bị mắng.
Mồng một tết năm ngoái, sáng ra, chúng tôi tề chỉnh năm đứa đứng sắp hàng trước mặt ba mẹ. Đứa nào cũng ngon lành, chững
chạc. Lần thứ nhất trong cả năm chúng tôi thấy hai ông bà cười tươi và
không bất đồng ý nhau. Ba tôi liếc nhìn mầu xanh, mầu hồng, mầu lam, mầu
xám sáng trên mình tụi tôi và cả mầu ngọc bích điểm cành trúc vàng,
trên áo con bé út, nở nụ cười tươi, khen :
- Tụi con mình coi được quá đi chớ. Ăn mặc bảnh chọe, coi sáng rỡ…
-
Nhờ ai đó ? Ngày tết mà ra lệnh là đứa nào cũng kaki với áo trắng… Ba
cười khì, không cãi. Rồi thì tụi tôi tiến tới chúc tết ba mẹ bằng những
lời tốt đẹp nhất. Ba rút túi ra, ông cũng lì xì – eo ơi ! ông bị ảnh
hưởng mẹ từ bao giờ vậy chớ ? – cho tụi tôi như mẹ, khác cái là ông
không bỏ vô phong bao đỏ chói như mẹ tôi thôi.
Tôi
lén liếc về phía mẹ một cái, thấy bà cười mà nước mắt mọng tràn mi, chỉ
chực trào ra. Vâng, mẹ tôi thế đấy, mừng vui bà cũng khóc như khi buồn
khổ vậy.
Năm
nay, cơm cao gạo kém, nhưng mẹ tôi vẫn cố gắng duy trì cổ tục lì xì. Lì
xì cho con cháu, cho tất cả trẻ con hàng xóm, khi mẹ đến nhà họ xong họ
đến nhà mình. Tết là dịp duy nhất mẹ vung tay trán. Lại một dịp tụi tôi
chống đối dì Khanh – tiếc là không có dì đây để dì bênh vực lập trường.
Nhưng trong mớ bạc mới vắng bóng đồng 5, đồng 10. Biểu hiệu gì đây ?
Nền kinh tế của gia đình tôi trên đường đi lên hay đi xuống ? Tụi tôi
vẫn chưa thấy băn khoăn. Bé út thì phát biểu :
- Năm nay tụi mình hên : mẹ không còn đồng 5, đồng 10, mình được tiền lớn.
- Tao không thấy giấy vua Quang Trung…
- Mẹ hết giấy vua Quang Trung rồi. Nhưng yên chí, mẹ không để tụi con thiệt thòi đâu. Miễn tụi bay tỏ ra xứng đáng.
Trời
ơi ! Thì tụi tôi xứng đáng quá đi rồi, còn đòi thế nào nữa đây ? Xứng
đáng ? Tôi thật tình ghét hai tiếng đó, vì nó đắt giá biết ngần nào.
Nhưng tôi công nhận thiện chí của mẹ tôi : chúng tôi có áo mới và tiền
lì xì ngày tết. Tôi không đòi hỏi gì hơn. Tôi bằng lòng với thứ hạnh
phúc đơn giản có thể.
Phần mẹ tôi, tôi thấy bà duy trì mãi hai đôi dép đứt một bên quai và còn tuyên bố với giọng chém sắt chặt đinh khi con em tôi giục mẹ mua dép mới :
-
Không, mẹ đã tự hứa trong năm nay không mua dép mới. Chờ đến sang năm…
Phải giữ đúng lời hứa, cho dù là chỉ hứa với chính mình.
- Nhưng dép mẹ đã mòn và đứt một bên quai ?
- Thì mẹ sẽ đóng nó lại, kiếm cách… để mang cho qua tết.
Có quả thật mẹ tôi muốn giữ tròn lời hứa với mình hay còn vì nguyên do bí ẩn nào nữa đây chăng?
Mà
sao tôi cứ lẩn thẩn, băn khoăn. Tôi còn nhỏ, còn lệ thuộc vào người
lớn. Hơi đâu ? Tôi tự nhủ hãy tận hưởng những ngày xuân sắp đến, chúng
đang lấp ló bên thềm cửa. Gác mọi suy tư, thắc mắc lại một bên. Mẹ tôi
vẫn thế. Hễ còn mươi ngày nữa đến tết là bà tươi tỉnh, hăng hái, phấn
khởi hẳn lên. Tôi là con mẹ, lại thua mẹ hay sao.
Tôi
nôn nả chờ đến ngày kiểm tiền lì xì với mẹ. Còn có chín ngày nữa chớ
bao nhiêu. Rồi đây sáng mồng một, tôi sẽ làm chủ một số tiền kha khá sau
mấy câu chúc tết theo thông lệ. Một số tiền mới tinh, còn thơm mùi mực
in, cạnh của mỗi tờ sắc ngọt có thể cứa đứt da tay, nhưng rất sạch sẽ cả
nghĩa đen cũng như nghĩa bóng, thứ tiền không hề là tổ chứa vi trùng.
Ý chà ! Cái cổ tục đáng yêu làm sao chứ ! Mà cái tính cương quyết của mẹ tôi trong trường hợp này cũng đáng giá bằng vàng !
Ủa,
mà lạ quá, tôi nao nức làm sao ấy. Hình như không phải chỉ vì số tiền
lì xì sắp đến mà thôi. Cái gì vậy kìa… tôi bưng trán suy nghĩ đến mấy
phút mà vẫn chịu không hiểu rõ nguyên do nào khiến tôi háo hức, mong cho
mau tết.
Chợt
đâu, một tia sáng lóe ra : lễ Vàng ! Lễ Vàng của ba mẹ tôi sắp đến. Còn
có hai năm nữa chớ bao nhiêu. Ê, xin can bạn, bạn đừng cười chớ. Hai
năm… thời gian thấm thoắt, mới hôm lễ Bạc hai người cãi cọ, giận dỗi đây
mà đã hai năm rồi. Còn chín ngày nữa là sang năm thứ ba : năm thứ 28
sau ngày ba mẹ tôi làm lễ hôn phối. Tôi không nôn nả sao được ? Hơn nữa,
tôi biết chắc rằng lần này lễ Vàng sẽ được tổ chức đàng hoàng trọng
thể, vì sau hai mươi năm chung sống, ba tôi có vẻ bớt cứng rắn đi nhiều.
Ông từ từ, chẫm rãi nhượng bộ mẹ tôi… từ từ… thật vậy.
Bạn
cảm thấy gì không ? Tôi xúc động thật tình khi nhớ đến những giọt nước
mắt của mẹ tôi tuôn đẫm má, đẫm gối vào lúc chúng tôi vui vẻ hay buồn
bực, lành mạnh hay ốm đau, ngoan ngoãn hay trái chứng, được điểm tốt hay
đem về điểm xấu từ nhà trường. Phải ! Vui buồn, giận dữ, sung sướng hay
đau khổ vì lũ con bà đều khóc được. Nước mắt của mẹ tôi mới phong phú làm sao !
Mẹ bạn có giống như mẹ tôi không hả bạn ? Tôi đoán là bà mẹ nào cũng giống bà mẹ nào, trừ vài điểm dị biệt mà thôi.
Và tôi cảm phục cái ông bà nào đã nghĩ ra câu phương ngôn xuất sắc : Thượng Đế không thể có mặt được ở khắp mọi nơi, nên Ngài mới tạo ra người mẹ để thay Ngài.
Hay
quá, phải không ? Tôi mà lớn và có tiền nhiều, tôi nhất định sẽ tìm đến
mộ con người thông minh xuất chúng đó đặt lên mộ ông – hay bà – một
vòng hoa tươi, thơm ngát mũi.
MINH QUÂN
( Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 231, Tết Ất Mão, ra ngày 25-1-1975 )