Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

CHƯƠNG VII, VIII_CÔ GÁI CHÚC SƠN


CHƯƠNG VII
 
CHÉN TRÀ THƠM
 
 
Khác với mọi lần, cửa nhà Thắm hôm nay chỉ mở hé. Không khéo nó đi vắng. hay là cả nhà đi đâu chơi, nó có một mình nên không dám mở toang cả hai cánh cửa. Nếu thế, thì càng hay, tha hồ nói chuyện. Cả làng, chỉ có con Lãm và con Thắm là dễ thương nhất !
 
Nàng đắn đo mãi rồi mới ngập ngừng lên tiếng :
 
- Thắm có ở trong nhà không, Thắm ơi !
 
Gọi đến hai câu mới thấy có tiếng động lịch kịch. Cánh cửa vừa mở rộng đã có tiếng reo mừng rỡ :
 
- A ! Cô Mai ! Mời cô vào chơi !
 
Ngỡ ai, hóa ra anh chàng Rực, dạo này mặt mũi sáng sủa hơn, ăn nói dạn dĩ hơn.
 
- Cái Thắm có nhà không, anh Rực ?
 
- Có. Nó chạy lên phố một tí tẹo về ngay bây giờ ấy mà. Cô Mai vào chơi…
 
- Thôi, tôi đợi đây cũng được.
 
- Ồ, ai lại đội thúng đứng ngoài đường như vậy, trông sao được ! Hay là cô chê nhà tôi tối tăm, dơ bẩn ?
 
Y mở toang hai cánh cửa, đứng nép một bên, nói thêm :
 
- Bà con trong họ ngoài làng cả, chả mấy khi gặp nhau, cô cho hỏi thăm một vài nhời là quý…
 
Cha ! Cái anh chàng này bây giờ mồm miệng cũng bẻo lẻo ra trò ! Ừ, vào thì vào sợ gì. Có giở võ ra cũng không ăn đứt được gái này cơ mà !
 
- Thôi được, để tôi vào chờ nó một tí vậy. Anh cứ để tự nhiên. Anh lo làm việc của anh đi.
 
Rực cười hề hề :
 
- Tôi có bận bịu gì đâu. À, để tôi thắp cái đèn cho sáng nhé.
 
Mai giật mình. Mải nói chuyện ở đàng thím Tư, xế chiều lúc nào không hay. Làm sao về kịp đây ?
 
Nàng nóng nẩy, vừa ngồi xuống ghế đã đứng phắt dậy, ôm thúng bánh :
 
- Thôi, giời tối rồi, tôi phải về. Để khi khác tôi lại thăm hai bác và cái Thắm vậy.
 
- Tối rồi, về không kịp đâu. Ra cửa thành cũng rắc rối lắm. Cô Mai chịu khó nán lại một chút, thầy đẻ tôi và cái Thắm về ngay bây giờ chứ có lâu la gì…
 
Sực nhớ ra một điều, y tươi hẳn nét mặt :
 
- À, lâu lắm không được trông thấy bánh Thanh Trì, cô Mai chịu khó cuốn cho tôi mấy cái ăn cho… đỡ nhớ. Được không ?
 
Lần thứ hai, Mai giật mình. Thằng này hôm nay lại đưa ra cái giọng nửa nạc nửa mỡ, định giở trò gì đây ?
 
Nàng quắc mắt nhìn. A, cái miệng cười lẳng lơ, đôi mắt lại có ý gian… Phải coi chừng thằng này mới được !
 
Bất đắc dĩ, nàng phải đáp lời :
 
- Anh Rực không đợi cả nhà về cùng ăn sao ?
 
- Đợi cũng được. Cô Mai muốn tôi đợi thì tôi xin đợi…
 
Y say sưa đứng ngắm từ đôi bàn tay cô những ngón thon dài, đến khuôn mặt trái soan ẩn dưới chiếc khăn vuông tùm hụp. Tia mắt sắc sảo của y lột bỏ hết lớp vàng nghệ bên ngoài để chỉ thấy mầu da trắng hồng quen thuộc bên trong.
 
- Chết chưa ! Khách quý tới nhà mà không có được một chén nước chè !
 
Y khẽ la lên rồi quay ngay vào bàn nước, loay hoay một lát, đoạn bưng ra hai chén trà bốc khói.
 
- Cô Mai uống nước đi, xem trà đẻ tôi ướp có ngát bằng ở đằng nhà không.
 
- Anh mặc tôi.
 
Rực nâng chén của mình lên uống mấy hớp và săn đón hỏi :
 
- Lâu nay cô Mai có gặp anh Lịch không ?
 
- Không.
 
- Lịch dạo này làm ăn khá lắm. Trần Tham Tán tin dùng anh ta nhất đấy !
 
- Thì cũng như Vương đại tướng tin dùng anh chứ gì !
 
- Như làm sao được mà như !
 
- Sao vậy ?
 
- Vì… anh Lịch giúp họ Trần chuyên hơn. Chắc cô Mai còn nhớ, tôi làm việc này là do cụ Cử sai. Mục đích chính là giúp họ Lê, là giúp nước. Chứ không như anh Lịch, tự ý anh ấy làm việc cho họ Trần…
 
Mai gắt, giọng nàng lạc hẳn đi :
 
- Thôi, anh đừng bắt tôi nghe những chuyện ấy nữa.
 
Bỗng nhiên, nàng thấy khát khô cả cổ. Bên kia bàn, Rực cầm chén nước uống một hơi. Bất giác, nàng cũng nâng chén, nhắp vài ngụm nhỏ. Vừa uống vừa nghe, không thấy gì lạ, nàng uống gần cạn chén.
 
Trầm ngâm, Rực nói, buông từng tiếng như rót vào tai người đẹp :
 
- Anh Lịch là con người không ra gì như vậy, mà xem chừng Mai vẫn còn quyến luyến. Còn tôi, tôi yêu Mai vô cùng, sao Mai cứ luôn luôn hờ hững ?
 
Xoáy cặp mắt quan sát người đối thoại, y nở một nụ cười tinh quái, từ từ đứng dậy, đi vòng quanh chiếc án thư đến cạnh cô gái, giơ tay khẽ vuốt má nàng.
 
Mai giật mình và như vừa thoát khỏi một cơn mê, nàng phản ứng nhanh như chớp. Tiếng quát lanh lảnh của nàng chưa dứt, cổ tay Rực đã bị đánh trúng, đau như tiện, và nàng đã đứng lùi ra phía cửa thủ thế.
 
Rực vẫn đứng nguyên chỗ cũ, không nhúc nhích, mỉm cười trơ trẽn.
 
Ô hay ! Sao lại choáng váng thế này ? Mắt nàng hoa lên, cố gắng lắm mới không ngã quỵ. Thôi chết rồi ! Thế là mắc mưu tên khốn kiếp. Nó lén bỏ thuốc mê vào chén nước của mình. Nó đâu có bỏ vào trong ấm tích mà mình đợi nó uống trước ! Trời ơi ! Ngu ơi là ngu !
 
Vừa sợ vừa tức, mồ hôi toát ra như tắm. Nàng thấy dễ chịu. hay là hơi thuốc cũng thoát ra theo ? Nghiến chặt hai hàm răng, nàng rán trấn tĩnh, rán tự chủ, rán đứng cho thật vững.
 
Cách xa mấy bước, tên kia vẫn cười nham nhở :
 
- Thế nào ? Cô đã nghĩ kỹ chưa ?
 
Rồi với một giọng ngọt ngào, y thả lời dụ dỗ :
 
- Cô thử so sánh lại cho kỹ xem tôi thua kém thằng Lịch ở điểm nào. Từ gia thế cho đến cái mẽ con người, cả nghề văn, nghiệp võ nữa, nếu nó tám lạng thì tôi cũng nửa cân.
 
“Nó theo giặc, cô tuyệt vọng, nhưng cô vẫn thương yêu nó một cách mù quáng. Còn tôi, tôi vì thầy, vì làng, vì nước, chịu khuất thân với giặc mà cô vẫn dửng dưng, hờ hững. Tại sao vậy ? Cô có thấy bất công và tàn nhẫn với tôi không ?
 
Mồ hôi cứ vã ra, không có gió mà người như gấy lạnh. Hai chân dường như không chống nổi thân hình sắp lao đao. Bao nhiêu ý chí còn lại đều dồn vào câu thuyết phục sau cùng :
 
- Tôi không có duyên nợ với anh. Đừng đeo đuổi tôi làm gì, vô ích. Anh Lịch dù sao vẫn là một… hình ảnh tôi tôn thờ. Tôn thờ cho đến… lúc chết !
 
Tiếng cười, giọng nói đối phương từ dịu dàng cám dỗ bỗng đổi thành tàn độc, nham hiểm :
 
- Hừ ! Tử tế, cô không muốn ! Cô muốn tôi tàn nhẫn. Được !... Này tôi bảo cho mà biết. Khôn hồn thì ưng thuận tôi đi. Không thì tôi trói cô lại, đem cho tên Vương Thông… làm thịt !
 
Như bị một quả đấm tống vào mặt, nàng rú lên một tiếng, lùi lại một bước loạng choạng.
 
Được thể, tên kia bức bách, giọng thô lỗ cộc cằn :
 
- Mai ! Trả lời ngay một tiếng. Có thuận lấy tôi không ?
 
- Không ! Không đời nào !
 
- Ha ha ! Ha ha ! Người đẹp Chúc Sơn thích làm tì thiếp của Vương Thông !
 
- Khốn kiếp !
 
Tuy tức giận đến cùng cực, nàng còn một điểm sáng suốt trong đầu để rán tìm phương thoát hiểm. Hai cánh cửa ra đường đã đóng chặt rồi. Cửa đi xuống nhà dưới tuy khép hờ nhưng tên Rực đứng trấn thế kia thì chạy làm sao nổi.
 
Bỗng có tiếng động ở sau cánh cửa này. Một tiếng động khá mạnh, cả Rực cả nàng cùng nhận thấy. Thật là một cơ hội bằng vàng khó thể bỏ qua.
 
Rực vừa ngoái cổ lại xem thì nhanh như cắt nàng đã ra một đòn chí tử. Trúng ngọn đá thần sầu này, tên kia chỉ có nước gục !
 
Nhưng ngọn đá chỉ bay được nửa vời, tay chân nàng đã rời rã, và chính nàng mới là người gục xuống, bất lực, hoàn toàn bất lực.
 
Bằng một cố gắng vô vọng, nàng chống lại cơn hôn mê ập tới, tai còn nghe văng vẳng tiếng cười bỉ ổi của tên vô sỉ, mắt còn lờ mờ thấy y tiến tới, tiến tới và sắp đụng đến người nàng.
 
Đột nhiên cánh cửa, nơi có tiếng động lúc nẫy, bật tung, một bóng đen bay vào cùng với một tiếng quát mắng :
 
- Khốn kiếp !
 
Bóng đen bay vào như một cây than hầm có cánh. Rực chưa kịp giở tay đã lãnh một đòn vào mặt, mạnh như trời giáng. Y ngã xuống, lăn long lóc, bất tỉnh.
 
Trong cơn mê chập chờn, Mai còn lờ mờ thấy một khuôn mặt đen thui, lởm chởm một hàm râu quai nón, cúi xuống nhìn nàng. Còn nghe như có tiếng gọi “Mai ! Mai !” êm đềm. Còn cảm thấy một giọt nước mắt rỏ xuống môi mằn mặn, và một đôi tay cứng rắn nhưng dịu dàng bồng nàng.
 
Tiếng gọi “Mai ! Mai !” nghe quen quen và mỗi lúc một rõ dần. Nàng mở mắt ra và thấy hai chị em Nhàn , Nhã cùng mừng rỡ reo lên :
 
- Tỉnh rồi ! Chị Mai tỉnh rồi ! Chị mê lâu, em sợ quá !
 
- Ai cứu chị ? Sao chị lại nằm đây ?
 
Nhàn cười nhẹ :
 
- Ông than hầm, râu chổi xể cứu chị đó !
 
- Quen nhà ta à ?
 
- Chắc thế.
 
- Tên ông ta là gì ?
 
- Em… không biết.
 
- Cậu Thanh đâu ?
 
- Anh em ngủ rồi. Đi đâu cả ngày về mệt, ăn qua loa vài chén, nước chưa kịp uống, mắt đã díp lại rồi.
 
Mai nắm tay Nhàn, nhỏ nhẹ dỗ dành :
 
- Nhàn kể cho chị nghe đầu đuôi câu chuyện đi. Chóng ngoan.
 
Nhàn dịu dàng dỗ lại :
 
- Chị hãy dậy ăn tí cơm lấy sức, rồi thư thả em sẽ kể chị nghe.
 
- Không. Nhàn không chịu nói, chị không ăn đâu.
 
Nhàn, Nhã cùng cười khúc khích. Nhã quẹt ngón tay vào má mình, ngạo :
 
- Ứ ừ, nhớn đầu còn làm nũng ! Chị Nhàn đây chứ có phải anh Lịch đâu mà cô nương nũng nịu ! Lêu lêu ! Xấu hổ !...
 
Nghe con nhỏ cắc cớ nhắc đến tên anh Lịch, nàng hồi tưởng lại bóng đen cúi xuống mặt nàng. Tiếng gọi “Mai ! Mai !” nghe sao mà thắm thiết ! Không nhẽ đó là chàng ! Chàng là một trang thanh niên tuấn tú, chứ đâu có mặt mũi đen thui và râu ria sồm soàm trông gớm chết !
 
Nàng mơ màng nghĩ trong khi Nhàn cũng mơ màng kể :
 
- Cả nhà vừa ăn cơm xong thì nghe có tiếng động ở dưới vườn. Cửa lên nhà trên không đóng nên chưa ai kịp chạy xuống xem cái gì lục đục dưới ấy đã thấy một bóng đen to lù lù bước lên, tay ẵm một người bất tỉnh.
 
“Bóng đen là một người cao lớn, mặt như chôn chảo, râu quai nón đâm tua tủa như gai. Y bảo anh Thanh : “Cô Mai uống phải nước chè có thuốc mê, suýt nữa thì lâm nguy ở nhà thằng Rực. Đổ cho cô ấy một liều thuốc giải. Tối nay, cửa thành đóng mất rồi, không về được đâu. Sáng mai, phải giục cô ấy ra về cho sớm, kẻo thằng Rực tỉnh dậy, nó cản trở thì rắc rối to…
 
Mai ngạc nhiên :
 
- Nói vậy, người ấy biết chị sao ?
 
- Cố nhiên rồi ! Nếu không, ai hơi đâu mà dặn dò kỹ thế !
 
- Ai vậy ? Nhàn cho chị biết tên đi.
 
Nhàn đáp sau một tiếng thở dài :
 
- Trước sau gì rồi chị cũng biết…
 
- Chị muốn biết ngay bây giờ cơ.
 
- Không được đâu. Cả nhà em đã hứa với người ấy phải giữ bí mật tung tích của ông ta.
 
Mải nghĩ xem người ơn của mình là ai, Mai không để ý đến Nhàn bỗng dưng có một nét mặt rầu rầu nhưng càng buồn càng đẹp.
 
Người con gái mới nhớn lên này ngước đôi mắt mơ màng nhìn vào chỗ xa xăm để ôn lại những gì nàng giấu bạn. Nàng nhớ từng cử chỉ của người con trai anh tuấn tháo bỏ bộ râu ria bước xuống sân rửa mặt sạch sẽ rồi chạy lên tươi cười bảo Thanh :
 
- Mày có nhớ lúc chúng mình vừa về nhà đã nghe thím Tư khoe Mai ở đây chơi cả một buổi và vừa đi, nói là lại chơi nhà cái Thắm không ? Tao biết ngay có chuyện chẳng lành vì vào giờ ấy chỉ có một mình thằng Rực ở nhà. Mà bộ mặt thật của thằng này, chúng ta đã biết rõ.
 
Nàng nắm tay người ấy nhõng nhẽo :
 
- Làm sao anh Lịch biết anh Rực có một mình ở nhà ?
 
Lịch cười, cái cười thật tươi trông dễ ghét !
 
- Khó gì đâu, Nhàn. Ông Cả Sáng đánh tổ tôm ở nhà ông Đội Tiệp từ sáng và còn đang uống rượu say bí tỉ ở đó. Bà cả và cái Thắm thì dắt nhau lên chùa, Thanh và anh vừa gặp hồi chiều. Thế nào chả ăn cỗ chay rồi mới về. Còn thằng Rực ở nhà làm giời làm đất gì ai biết !
 
Chàng nói thêm :
 
- Thằng Rực mới nếm có một đòn đã ngất xỉu. Trước khi nhét giẻ vào mồm cu cậu, anh đã đổ cho cu cậu xơi nốt chỗ thuốc mê để quên trên bàn nước. Rồi trói gô cu cậu lại, tống vào trong góc nhà kho tối om om. Sớm lắm thì sáng mai nó mới tỉnh. Thanh liệu tìm cách cho Mai ra khỏi cổng thành sơm sớm nhé.
 
Rồi chàng còn dặn kỹ càng hai đứa, làm như người ta hãy còn bé bỏng lắm :
 
- Nhàn , Nhã nhớ kín miệng giùm anh nhé. Thằng Rực mà nghi ngờ bọn anh thì hỏng bét cả đấy !
 
Trước khi ra về, chàng tần ngần đứng nhìn Mai, thở dài, rồi nhìn Nhàn, nhìn Nhã, mỉm cười. Cứ tưởng người ta là con Lãm, em gái mình, không bằng !
 
- Nhàn nghĩ gì mà ngây người ra thế ?
 
Nàng giật mình, ngượng ngập trả lời bạn :
 
- Không , Nhàn có nghĩ ngợi gì đâu.
 
- Có, em đừng giấu chị.
 
- Nếu em có nghĩ thì… em nghĩ chị Mai dù sao cũng là… một người sung sướng.
 
- Còn em ?
 
- Em ấy à ? Em mừng khi… người ta vui và em sung sướng khi… người ta sung sướng !
 
 
 
CHƯƠNG VIII
 
TÍNH VÀO HANG CỌP
 

Vương Thông và Trần Hiệp họp bàn riêng trong trướng. Quân canh nghiêm mật ở ngoài, bất cứ thân sơ không ai được bén mảng đến gần.
 
Hai tay đầu não giặc Minh tuy thân mật ngồi sát bên nhau, nhưng đối chọi với nhau như hai thái cực.
 
Một tên thì mặt tròn vành vạnh như chiếc mâm bằng thịt nạc, lúc thích chí cười vang, cái miệng loe ra trong khi đôi mắt híp lại chỉ còn hai khe ti hí. Hai chòm râu mép như từ hai lỗ mũi trổ ra, chạy một đường vòng quanh mép thành một cặp lưỡi liềm đen nhánh và sắc lẻm.
 
Còn một tên thì, trái lại, mặt quắt như hai ngón tay tréo có cặp mắt láo liên và đôi môi mỏng dính lúc nào cũng sẵn sàng nhếch một nụ cười lạnh lẽo. Chiếc cằm nhọn hoắt được bộ râu dê kéo dài thêm làm cho bộ mặt thêm phần nham hiểm.
 
Cả hai gã đều là những con người đáng sợ. Nếu kẻ này có những nét đặc thù của một tên giặc hung tợn và tàn ác thì kẻ kia tượng trưng cho một mẫu người xảo trá, lọc lừa, thâm độc.
 
Chúng thủ trong tay, mỗi tên một tẩu thuốc bào dài như cây gậy bằng ngọc nổi vân xanh, hai đầu bịt vàng lấp lánh.
 
Chúng hút liên miên lấy hứng.
 
Không khí lo âu đặc quánh như có thể cắt được bằng dao. Họ Vương là người đầu tiên cất giọng ồm ồm làm rạn nứt khối yên lặng bao quanh :
 
- Lê Lợi khởi binh chống nhà Minh ta từ năm mậu tuất (1). Tính đến năm giáp thìn (2) được sáu năm, họ thua không biết bao nhiêu trận đến nỗi phải rút về nương náu ở Chí Linh đến ba lần, tưởng không thể nào ngóc đầu lên được. Vậy mà tại sao chỉ trong vòng có hai năm sau này họ vùng lên được, hết đánh Nghệ An đến vây khốn Tây Đô, nay lại còn tiến ra Đông Đô nữa ?
 
Viên Tham tán họ Trần giải thích, giọng âm thầm ảo não :
 
- Đó là vì bọn Trần Trí, Phương Chính tính sai. Hoàng Phúc lại càng sai nữa. Họ Hoàng chỉ say mê có mỗi một việc là làm thế nào đồng hoá hết người nước Nam với người Trung Quốc. Y quên bẵng tính cách quật cường, không bao giờ chịu khuất của dân tộc đối phương. Còn họ Trần, họ Phương thì cứ tưởng quân mình là “binh trời” đánh đâu được đấy, bây giờ mới sáng con mắt !
 
- Ông Tham tán luận như vậy là chí lý. Ta thua vì ta khinh địch. Nhưng đó là việc đã rồi. Bây giờ thanh thế họ Lê quá lẫy lừng, ta phải tính sao ? Tôi lo quá !
 
- Tướng quân đừng lo. Tôi đã tính đâu vào đấy cả rồi. Chỉ mấy ngày nữa thôi, ta sẽ xoay chuyển hẳn lại được thế cờ.
 
Họ Vương tươi hẳn nét mặt, nhổm người lên hỏi :
 
- Ông tính thế nào ? Xin nói thử cho nghe.
 
- Tướng quân thừa rõ chiến tranh ăn thua là ở trận cuối cùng. Tôi đang lo bầy một trận quyết liệt sau chót đây.
 
“Hiện giờ tôi còn chờ một tin do thám xem sự thật có đúng như dự liệu của tôi không. Nếu đúng, có thể nói trận này mười phần ta ăn chắc cả mười.
 
“Thua trận này, công trình ngót mười năm của họ Lê sẽ tan ra như mây khói và không bao giờ hồi lại được.”
 
- Ông hãy cho tôi biết đại khái mưu cao ấy đi.
 
Thay vì trả lời, họ Trần hỏi lại viên chủ tướng :
 
- Tướng quân có biết sách lược của họ Lê bây giờ ra sao không ?
 
- Có. Nguyễn Trãi mưu lấn dần dần từ Nam ra Bắc như tằm ăn lá.
 
- Theo tôi, đó là hạ sách. Thật không đáng quan tâm.
 
- Nhưng Lê Lợi chủ trương cầm chân ta ở Thanh, Nghệ để đem toàn lực ra hạ ta ở Đông Đô.
 
- Đấy mới là thượng sách. Và đấy mới là mối lo tâm phúc của ta.
 
Vương Thông trầm ngâm đáp :
 
- Tôi cũng nghĩ vậy. Quân tế tác chạy về cho hay hiệu cờ của Nguyễn Trãi đang phấp phới ở ngoài thành Tây Đô. Không thấy hiệu cờ của Lê Lợi ở Thanh cũng như ở Nghệ.
 
- Vâng. Toán thám mã riêng của tôi cũng báo tin y như vậy. Tuy nhiên, thú thật tôi vẫn không khỏi nghi ngờ.
 
- Nghi ngờ chuyện chi vậy, ông Tham tán ?
 
Từ tốn, Trần hiệp giải thích :
 
- Có ba điểm rất đáng ngại ngùng. Điểm thứ nhất, không nhẽ một người tài trí như Nguyễn Trãi lại thấp mưu đến nỗi không nghĩ đến kế uy hiếp Đông Đô. Điểm thứ hai, không nhẽ Lê Lợi là chủ tướng phải đích thân cầm quân đánh vào Đông Đô. Dưới trướng của y thiếu gì tướng giỏi có thể thực hiện được chủ trương của người đầu não. Và sau hết, điểm thứ ba là không nhẽ bọn họ lại quá vô mưu đến nỗi đưa nhau vào chỗ chết mà đóng quân. Khu Tụy Động ba mặt là sông, khác nào một cái rọ. Chỉ cần vây chặt mặt phía bắc, đánh thốc vào, thì chạy đằng nào cho thoát !
 
Vương Thông cười, biện luận hăng say khác thường :
 
- Tưởng gì chứ trong ba điểm ấy tôi thấy chả có điểm nào đáng làm cho ta nghi ngại.
 
“Trước hết, ta bàn điểm thứ nhất. Nguyễn Trãi là một người cẩn trọng muốn hạ được thành nào ăn chắc thành ấy. Đại quân của ta ở cả Nghệ An. Thành này một khi đổ rồi thì cả Tây Đô lẫn Đông Đô đều lung lay. Chủ trương của họ Nguyễn chưa ắt phải là hạ sách.
 
Dĩ nhiên, chủ trương của họ Lê lợi hại hơn. Nhưng đánh Đông Đô là một chuyện khó khăn. Nếu không có mặt một trong hai người chủ chốt, vị tất những người dưới đã tất lực (3). Vì thế, hoặc họ Lê hoặc họ Nguyễn, phải có một người nắm quyền điều khiển cánh quân quan trọng này. Tôi thấy Nguyễn Trãi ở lại để Lê Lợi cầm quân đánh Bắc chuyến này chẳng khác chi Lưu Bị ngày xưa hưng binh đi đánh Đông Ngô trong khi Gia Cát Khổng Minh ở lại giữ Thành Đô. Chả có chi là lạ. Đó là điểm thứ hai.
 
Còn điểm sau rốt. Họ dồn quân ở Tụy Động và có thể tự cho là đắc sách vì không sợ bị đánh vào mặt sau và hai bên sườn. Chỉ cần giữ cho chắc hai cái bến đò Mai Lĩnh và Tích Giang là yên. Khi nào không giữ nổi nữa, cần chạy, họ sẽ chạy tuốt lên mặt Bắc, lẩn trong khu vực Chúc Động và Phượng Hoàng Sơn, rộng gấp mấy bên Tụy Động…
 
Trần Hiệp vẫn còn áy náy :
 
- Dù sao tôi vẫn chưa thế nào yên tâm được. Thú thực tôi sợ những sơ hở lộ liễu của giặc. Tôi ngán những nước cờ quá thấp đối với tầm vóc của người cầm quân.
 
Vương Thông thở ra :
 
- Nói như ông Tham tán thì đánh chác gì nữa. Nước cờ cao cũng sợ, mà nước cờ thấp cũng sợ luôn ! Vậy đứng dậy, chịu thua đi cho rồi !
 
- Không phải thế đâu, Vương tướng quân. Tôi sợ đây là sợ cái mưu cao ẩn trong nước đi thấp. Tôi đã thử đặt mình vào địa vị của họ để tính xem họ trông vào những cái gì để đánh thắng mình. Tôi nghĩ đã nát óc mà nghĩ không ra.
 
- Vâng. Ông Tham tán cẩn thận thế cũng phải. Phần tôi, tôi cho là chẳng có mưu mẹo lừa dối gì đâu. Chủ trương của họ là vậy. Thực lực của họ cũng chỉ có vậy. Tham tán cứ tin ở tôi đi. Đa nghi quá không nên.
 
Trần Hiệp miễn cưỡng đáp lời :
 
- Dạ, tôi xin lĩnh ý. Tuy nhiên, xin tướng quân hãy thư cho tôi vài hôm rồi hãy quyết định.
 
- Nghĩa là…
 
- Tôi đã cho mấy kẻ chân tay xâm nhập khu Tụy Động dò xét xem có thực Lê Lợi ở đó không ! Và có thực Nguyễn Trãi không có mặt ở đó không.
 
Họ Vương cười ngạo :
 
- Tôi xem ý ông chỉ ngán có vị quân sư họ Nguyễn.
 
- Đúng vậy. Đành rằng đấu trí với một kẻ cao tay là một cái thú, nhưng trong cái thú đó có một mối lo sinh tử. Lo họ có những nước cờ cao mà mình không nghĩ tới. Khi vỡ lẽ ra thì đã quá muộn.
 
Viên chủ tướng không đáp. Y quơ tay lấy chiếc điếu ngọc đầy vân, nhồi thuốc và châm lửa, bập bập mấy hơi dài.
 
Câu chuyện được kết thúc sau khi y hả hê phà khói thuốc bào thơm nức.
 
- Dù sao, ta cũng phải liều một chuyến. Không vào hang cọp, làm sao bắt được cọp con ?
 
Họ Trần, miệng đã ngậm vào điếu, vội nhả ra đáp :
 
- Cả một bầy hổ lớn chứ cọp con gì !
 
Y trầm ngâm một lúc khá lâu rồi mới thong thả buông từng tiếng, lẩm nhẩm như nói một mình, que đóm cháy gần đến đầu mấy ngón tay y vẫn không hay :
 
- Miễn là mình tính không sai ! Bằng không, dám chết luôn cả đám !...
 
_________________________
(1) Mậu tuất : 1418
 
(2) Giáp thìn : 1424
 
(3) Tất lực : hết sức.

______________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IX, X
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>