Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

PHƯỢNG

 
Quân xô cửa bước vào nhà, và tự dưng cảm thấy khó chịu trước bầu không khí quá yên tĩnh. Trừ Thanh đang ngồi chăm chỉ viết lách ở chiếc bàn bề bộn sách vở nơi góc phòng, có lẽ mọi người trong nhà đã say ngủ. Quân đến bên cậu em con chú kéo ghế ngồi:

– Viết gì thế?

Thanh ngẩng lên:

– Làm luận anh à. Còn anh, sao không làm bài, học bài chi hết, đi chơi khuya quá vậy?

– Ồ, toàn bài cũ.

Thanh nhìn mặt Quân, và nhận ngay được anh mình nói dối. Thanh bỗng nhớ đến lời cha hôm nào:

– Này con, để đáp lại phần nào sự yêu thương săn sóc của bác Hai con đối với ba ngày trước, ba đã xin bác con cho ba đem thằng Quân ra tỉnh nuôi nấng cho nó ăn học đến thành tài mới nghe. Nhưng xem ra anh con ham chơi, chẳng chịu học mấy. Ba thương nó như con đẻ, muốn dạy bảo nó mà không có thì giờ, và không được dịp gần nó lâu, vì hình như nó cứ lẩn tránh ba mãi. Chỉ có con là ở bên nó thường. Vậy ba nhờ con tìm cách khuyên nhủ nó thay ba, con nhé!…

Thanh quyết vâng theo những lời dặn dò đó, bởi chính Thanh cũng thương Quân, xem Quân như một người anh ruột thịt.

Thanh cắm cúi viết nốt một đoạn văn, rồi buông bút nhìn Quân, trách móc:

– Anh không biết lo lắng chi cả. Cuối năm nay chúng ta thi vào đệ thất, không rán học đậu thế nào được. Anh không nhớ mấy lời bác Hai khuyên bảo trong thư gửi cho anh hôm qua à?

– Sao lại không? Nhưng tôi đã nói với Thanh tối nay tôi khỏi phải học bài, toàn bài cũ kia mà.

Thanh mỉm cười rùn vai:

– Lạ nhỉ, hôm nào cũng bài cũ.

Quân bực bội đứng dậy:

– Học hay không mặc tôi. Tôi chẳng cần ai chỉ bảo chi hết.

Đoạn che miệng ngáp dài, và chậm chạp bước vào trong:

– Buồn ngủ quá! Tôi đi ngủ đây.

Thanh nhìn theo lắc đầu. Hình ảnh phúc hậu của ba má Quân chợt hiện đến trong tâm, Thanh lẩm bẩm:

– Gây sự ưu phiền cho một người cha đáng kính, một người mẹ dịu hiền như thế thật bậy lắm!

*

Một mình trong phòng ngủ, nằm thoải mái trên giường, Quân mở rộng mắt lơ đãng nhìn các bức tranh treo trên vách. Âm hưởng của cuộc vui chơi với chúng bạn mấy giờ trước hãy còn quyện trong hồn, khiến lòng Quân lâng lâng thích thú.

Bỗng nhiên Quân muốn ghi lại tất cả những cảm nghĩ đang dâng trào trong tâm tư lên mặt giấy. Ờ, phải ghi lại chứ! Ghi chép để lưu niệm mà.

Lập tức Quân trở dậy đi lấy bút mực, xong lại nằm dài ra giường, trải trước mặt một quyển vở, tay trái chống cằm tay phải nâng bút đặt lên trang giấy trắng:

– Viết theo lối nào đây? Văn xuôi? Không có gì đặc sắc. A, phải rồi mình làm thơ, thế mới hay chứ!

Quân hí hoáy viết, thỉnh thoảng lại dừng bút ngẫm nghĩ, rồi gật gù viết tiếp, bôi bôi xóa xóa đặc cả trang giấy.

Sau cùng bài thơ cũng được hoàn thành. Quân vui sướng quá, tự nhiên cảm thấy phục lăn tài mình. Thi sĩ nhà ta vừa rung đùi vừa ngâm nga sáng tác của mình một cách say sưa.

Ngâm mãi, đọc mãi đến khi thuộc lòng từng cái chấm, nét phết, Quân mới chịu thôi, và đồng thời nghĩ thầm:

– Chà! Một tác phẩm hay thế nầy mà không ai biết đến thì uổng biết mấy. Mình phải gởi đăng báo mới được.

*

Trưa nay, Quân hớn hở đem trao Thanh một tập báo thiếu nhi xinh xắn, và chỉ vào một bài thơ, tươi cười bảo:

– Xem đây này, Thanh!

Thanh nhìn lướt qua, lơ là:

– Một bài thơ. Có gì lạ?

– Hãy đọc kỹ tên tác giả đi.

Thanh liếc nhìn bên dưới bài thơ rồi ngạc nhiên:

– Hồng Quân! Bài thơ nầy của anh hả?

Quân vênh mặt:

– Chứ còn của ai nữa? Không thấy bên trên có đề : tặng Minh Thanh, đó sao?

Thanh gật gù:

– Ờ nhỉ!

Rồi hắng giọng đọc to:

– Xem nào… TUỔI HOA
 
Đẹp làm sao, lứa tuổi thơ ngây!
Trong trắng như hoa thắm nắng mai,
Tươi trẻ như đàn chim bé bỏng,
Vô tư kiếp bướm, sướng vui đầy

Nỗi buồn chưa gợn trái tim non,
Lo lắng làm chi rối mộng hồn
Bay nhảy chơi đùa cho phỉ sức,
Mặc bình minh đến, mặc hoàng hôn…
 
– Sao? Được chứ?

– Ồ, hay, hay lắm! Có thể sánh với a… với a…

Quân ngắt lời:

– Có thể sánh với mấy bài học thuộc lòng trong trường không?

– Hơn nữa chứ!

Quân sướng phổng mũi ra:

– Ngạo hoài!

– Thật mà, có thể sánh với… thơ con cóc kia lận!

– Đồ quỉ!

Quân phát vào vai Thanh. Cậu em đáng ghét cười sằng sặc.

Suốt buổi chiều hôm ấy, Quân quấn quýt mãi với tập báo, xem đi xem lại đọc đi đọc lại bài của mình cả mấy lượt không biết chán. Quân còn mua thêm một quyển nữa, về cắt bài thơ đó ra, lồng cẩn thận vào bìa một quyển vở bọc giấy kiếng màu. Quân hết sức nâng niu quí chuộng bài thơ, vì Quân đã gởi một ít hồn mình trong những câu văn, nét chữ ấy.

Cách vài hôm , bất ngờ Quân nhận được lá thư của một cô gái tự xưng là Phượng, gởi đến ngỏ lời khen phục bài thơ “Tuổi Hoa”, sau cùng xin kết bạn trao đổi thư tín với mình. Phượng còn cho biết cô cũng ở nội châu thành Mỹ Tho nầy, và sở dĩ rõ được địa chỉ của Quân là nhờ đã hỏi trên nhà báo… Khỏi phải nói, Quân vô cùng sung sướng, hãnh diện đem khoe ngay với Thanh.

– Bài thơ con cóc của tôi coi vậy mà được người ta phục sát đất nè!

Thanh tiếp lấy đọc qua, rồi nói:

– Anh đừng trả lời. Tốn tiền tem, chẳng ích lợi chi ráo.

– Thanh không đọc đoạn tái bút à? Phượng bảo có quen với bác Tám làm trong sở bưu điện, muốn gởi thư cho cô ta cứ đến nhờ bác trao lại là được. Cô ta gởi thư cho tôi cũng bằng cách đó.

– Bác Tám, bạn thân ba tôi đấy à?

– Ừ, thì bác ấy.

– Dù vậy anh cũng không nên liên lạc với cô bé làm gì, để thời giờ viết thư đó lo học bài còn hơn.

Quân cau mày:

– Nói chuyện với Thanh thật chán ngấy.

Ngay hôm sau Quân nắn bút viết cho Phượng một lá thư đáp lời.

Từ đó đôi bạn thường gởi thư cho nhau luôn. Song Quân không khỏi ngạc nhiên khi thấy bắt đầu từ lá thư thứ hai trở đi Phượng không hề đả động đến chuyện văn thơ, cũng như không hề tỏ ra thích đọc hay sáng tác thơ văn, như đã bảo trong thư đầu. Suốt mấy thư sau, Phượng chỉ nói đến việc học tập : Nào khoe mình học giỏi, nào khoe mình được cô giáo khen… toàn những lời kiêu hãnh. Quân bực Phượng ghê lắm, nhưng không thể viết thư trả lời cô ta trước, vì như thế hóa ra mình kém hơn sao?…

Mãi hôm nay, Quân mới nhận được một bức thư của Phượng nhắc lại bài thơ của mình. Nhưng chết chưa, cô bé nhắc lại để cười Quân! Lá thư đầu của Phượng làm Quân vui bao nhiêu thì lá thư nầy làm Quân giận bấy nhiêu. Quân tức nhứt là mấy lời lẽ sau đây:

– … Quân à, Phượng có một người anh rất lười, đã lớn mà còn ham chơi, không lo học hành chi hết. Xin lỗi Quân nhé, Quân có như vậy chăng? Quân đã từng bảo là rất thích được “bay nhảy chơi đùa cho phỉ sức” mặc thời gian trôi qua kia mà…

Mỗi lần nhớ lại đoạn thư trên, Quân lại cau mặt nghĩ thầm:

– Con nhỏ nầy phách lắm. Mình phải cố học thật giỏi, có bảng danh dự gởi tới nó cho nó biết tay, kẻo nó cứ tưởng nó tài dữ lắm, không ai bằng được.

Đến tối cả nhà ngạc nhiên không thấy Quân rong chơi như mọi khi mà ở nhà chăm chỉ học bài, soạn bài.

Sáng ra, Quân dậy sớm cắp sách đến trường. Vào lớp ngồi ngay ngắn chú ý nghe lời thầy giảng, Quân chợt nhận ra những lời giảng dạy đó quả bổ ích và hấp dẫn.

Ngồi bên Quân, Tạo và Quỳnh vẫn luôn đùa giỡn. Đó là hai bạn thân của Quân. Cả ba dễ thân nhau có lẽ vì đồng tâm tính: tinh nghịch và biếng học.

Tạo vừa cười vừa hỏi Quỳnh:

– Ê, mầy lấy tên của ông Cống Quỳnh mà mầy vẽ được bằng ổng không hả?

– Ổng vẽ ra sao?

– Đánh dứt một tiếng trống ổng vẽ được năm con trùn bằng cách nhúng năm ngón tay vào mực quệt lên giấy.

– Thế thì tao hơn ổng rồi. Mầy cứ đếm ba tiếng đi, tao vẽ xong đủ thứ : nhà cửa, cây cối, núi sông… cho coi…

Tạo đếm tới tiếng thứ ba, Quỳnh đã cầm bút quành xong trên giấy một vòng tròn.

– Hay chưa?

– Cái gì lạ vậy?

– Trái đất.

Tạo bụm miệng cười. Chợt thầy gọi:

– Tạo, cá nhân là gì?

– Thưa thầy, cá nhân là… là loài thủy vật nửa người nửa cá.

Cả lớp cười ồ. Thầy quát:

– Ngồi xuống. Không điểm.

Quỳnh hỏi nhỏ:

– Mầy nhớ tới quyển truyện thần thoại tao cho mầy mượn hôm qua đó hả? Có thế cũng không hiểu. Nếu tao là mầy, tao trả lời được liền.

Thầy gọi tiếp:

– Đâu thằng Quỳnh giải nghĩa coi. Giỡn mãi!

Quỳnh đứng lên, nhưng rồi cũng ngẩn ngơ như ngỗng đực. Lại hột vịt, ngồi xuống!

Tạo cười hỏi:

– Sao mầy trả lời không được?

– Tao nói nếu tao là mầy tao trả lời được, thế nhưng tao vẫn là tao mà… Ô, xem kìa, thằng Quân giơ tay!

Thật thế, Quân giơ tay xin giải đáp, và nói rất đúng, vì đã nghe rõ lời thầy giảng giải ban nãy.

Đến giờ ra chơi, Tạo mỉa mai:

– Chà, hôm nay thằng Quân siêng dữ.

Quân nghiêm nghị:

– Tao nghĩ, chúng ta nên siêng năng lại một chút. Lớn rồi, vui chơi mãi người ta chê bai, hổ chết tụi bây ơi!

Quân tưởng hai bạn mình phản đối ngay. Nhưng không, cả hai đều lặng thinh. Trầm ngâm một lúc, Quỳnh nói:

– Tạo à, có lẽ mình nên nghe lời nó. Chơi đùa hoài ba má tao rầy quá!

Tạo gật đầu:

– Có lúc tao cũng nghĩ vậy, song thấy tụi bây bỏ học tao lại bắt chước theo, vì thấy dù sao cũng có đứa lười biếng như mình…
 
Quân hỏi:

– Vậy bây giờ ba đứa mình đồng lòng chăm học chứ?

– Đồồng lòòng!

Quả vậy, bắt đầu từ hôm ấy, thầy giáo và học sinh trong lớp nhứt A đều lấy làm lạ nhận thấy bỗng dưng cả Quân, Tạo, Quỳnh đều trở nên siêng năng rất nhiều. Thầy giáo vui lòng lắm. Ông thường khuyến khích ba cậu luôn.

Vì đã lâu không chuyên cần, nay trong bước đầu chăm chỉ học lại, Quân, Tạo, Quỳnh hơi luống cuống. Tuy nhiên nhờ biết tìm học ngày đêm, cùng nhau chỉ bảo học hỏi, chẳng mấy chốc bộ ba bắt kịp các bạn khác trong lớp. Quân, Tạo, Quỳnh còn thách nhau tranh đua cố gắng được hạng cao, được thầy khen thưởng. Do đó càng ngày cả ba càng tấn tới, gây nhiều sự mến phục ở mọi người.

Đạt đến mức giỏi giắn, Quân bỗng quên hết bao nỗi ghét giận đối với Phượng trước kia, trái lại còn xem Phượng như một người ân nữa.

Cũng lạ! Trong các bức thư mới gởi cho Quân, Phượng không còn khoe khoang tài mình như trước, mà ăn nói rất mực khiêm tốn. Thỉnh thoảng Phượng cho Quân xem một bài thơ của cô, và khuyên Quân hãy sáng tác thi văn trong những lúc rảnh rang để giải trí.

Có lần Quân ngỏ ý muốn gặp Phượng. Bạn cùng ở một tỉnh mà không biết mặt thì thật tức. Nhưng Phượng từ chối! Quân quay sang dò hỏi bác Tám mong được biết nhà cô gái. Song bác chỉ lắc đầu:

– Rất tiếc, Phượng đã xin bác giữ bí mật điều ấy cháu ạ.

Cũng như Thanh và hai bạn Quỳnh, Tạo, cuối năm Quân thi đậu vào lớp đệ thất trường công dễ dàng. Như một chiếc xe đã bắt trớn, chắc rằng từ đây ở cấp bực nào Quân cũng cần mẫn học tập. Dĩ nhiên, một tương lai rực rỡ đang sẵn sàng chờ đón Quân.

*

Sáng nay Quân thức dậy thật sớm, sửa soạn lên đường về quê cũ. Tưởng tượng nét mặt hân hoan đón tiếp của ba má, Quân thấy lòng tràn ngập sướng vui, và nôn nao khi nghĩ đến những thú vui thanh thản ở miền thôn trang đồng nội.

Quân soát lại sách vở của mình để cho nốt vào chiếc va li nhỏ. Thấy thiếu mất một quyển, Quân bảo thầm:
 

– Có lẽ nó lạc trong đám sách của Thanh.

Đoạn bước lại bàn viết lục tìm.

Trong khi giơ cao một cuốn tự điển, Quân bỗng thấy một phong bì rơi ra.

– Ô hay! Sao giống bì thư mình gởi cho Phượng hôm qua thế?

Quân nhặt lên, rút thư xem:

– Đúng thư của mình viết!

Vụt hiểu, Quân quên mất công việc lục tìm quyển vở, chạy đi kiếm Thanh. Gặp cậu em, Quân tươi cười bảo:

– Thanh à, tôi cám ơn Thanh nhiều, nhiều lắm nhé!

Thanh ngạc nhiên:

– Anh nói chi?

– Thanh đã giả làm cô gái tên Phượng viết thư nói khích cho tôi rán học chứ gì. Thôi đừng chối chi Thanh ạ. Tôi đã bắt được lá thư nầy trong cuốn sách của Thanh đây. Thật không ngờ! Hèn chi tôi thấy chữ của Phượng có nét giống của Thanh.

Ngưng một chốc, Quân tiếp:

– Tôi rất cảm động trước tình thương chân thật của Thanh đối với tôi. Thanh ơi, tôi cám ơn Thanh lắm!

Thanh nhoẻn miệng cười:

– Tôi chỉ hành động theo lời dặn của ba tôi, anh ạ.

– Suốt đời, tôi sẽ luôn kính trọng chú Ba và quí mến… Phượng.

Quân siết tay em. Cả hai cảm thấy yêu thương nhau hơn bao giờ hết.

Vi Lô     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 15, ra ngày 25-3-1964)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>