Chị nghĩ có rất nhiều em phê bình chị thế này: "Sao chị Đ P K của mình chỉ toàn nói những đề tài tầm thường, không có gì là cao xa cả. Nhất là những đề tài đã tầm thường lại còn cũ kỹ nữa. Chị mình lẩm cẩm". Em ơi! Có lẽ có thể là chị hơi lẩm cẩm, nhưng (lại nhưng) các em thân yêu, múc này chị viết với mục đích giúp các em có nhiều cơ hội để yêu đời, để tạo hạnh phúc. Mà hạnh phúc thì lại chỉ dệt bằng những sợi tơ rất giản dị, hàng ngày luôn luôn các em có nhiều dịp để kiến tạo.
Người ta hết lòng đi tìm tòi mặt trăng để phân tích, để tìm hiểu, mà những hành tinh quanh chính chúng mình là những người trong gia đình thì lại bị bỏ lơ. Các em có thường để ý đến tình trạng sức khỏe của ba má và các anh chị em không? Thấy ba má gắt các em có nghĩ rằng có lẽ ba má đau hoặc đang buồn mà gắt hay là lập tức các em oán hận. Thấy các anh các chị em càu nhàu, các em có bao giờ nghĩ rằng các anh chị em chắc đang gặp chuyện bực mình, hoặc đau răng, đau bụng, hay lập tức các em đưa ra bộ mặt xưng xỉa, nói năng hỗn láo để trả đũa.
Các em yêu quí của chị,
Vì lòng yêu quí các em, chị lấy kinh nghiệm bản thân của chị mà khuyên các em : trong khi còn sống trong gia đình, các em ráng tìm hiểu để mà thông cảm với người trong gia đình đi bởi vì mỗi người trong gia đình của các em cũng chính là một tác phẩm nghệ thuật của Thượng Đế.
Các em tìm hiểu một bức tranh, bức tượng, một cuốn sách hay một quốc gia nào đó, việc đó tốt lắm, nhưng trước đó, trong tầm tay, các em hãy tìm hiểu mọi người trong gia đình. Tìm hiểu rồi, các em sẽ thấy rất thương mến mọi người, vì phần lớn những thói quen xấu đều chỉ do hoàn cảnh xô đẩy đó thôi các em. Tiền bạc hay danh vọng kiếm ra khó khăn nhưng lại chưa chắc gì là chìa khóa mở được cánh cửa hạnh phúc, cho nên, tùy theo khả năng, các em ráng kiến tạo những niềm vui nhỏ cho gia đình được yên vui, đó là các em đã góp phần xây dựng hạnh phúc.
Các cụ xưa có nói tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Chị thấy là đúng ghê lắm. Ráng tu luyện bản thân và yêu thương được người ở gần, lần lần tới tìm hiểu người chung quanh xa rồi mới tới xã hội được.
Cái gì trong tầm tay các em hãy ráng cho trọn vẹn. Cái nguyên tắc thiết thực nhất để mà sống sung sướng và giúp người khác sung sướng chính là sự hòa mình với người và thông cảm với người.
Chị Đỗ Phương Khanh
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 10, ra ngày 17-10-1971)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.