Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2020

Máu Của Mẹ


Trong đời của mẹ có lẽ không bao giờ mẹ hoàn toàn được hưởng trọn một ngày vui. Từ dạo mới lớn, bắt đầu ý thức được những sự chung quanh là u buồn đã len lỏi vào hồn mẹ.

Mẹ đẹp, điều ấy không ai chối cãi được. Mẹ đẹp từ làn môi đôi mắt, từ dáng đứng dáng đi. Quê mẹ ở Hà Đông. Người ta thường nói dữ như sư tử Hà Đông để chỉ những người đàn bà chua ngoa đanh đá, song, tuy quê mẹ ở Hà Đông mà mẹ không "Hà Đông" một chút nào. Ngoài cái đẹp, mẹ lại hiền ngoan. Từ cái tuổi còn ấu thơ người ta đã nhìn thấy ở mẹ một con người hiếm có. Ông bà ngoại yêu quí mẹ, nâng niu mẹ như vàng như ngọc. Gia dĩ, mẹ vốn là con gái duy nhất của một gia đình giàu có. Đông anh em trai, nhưng ít gái, mẹ nghiễm nhiên là một thứ của báu trong gia đình. Mà ông bà ngoại yêu mẹ không phải không có lý do. Mẹ đẹp, hiền, có tài. Ngày ấy quan niệm không cho con gái đi học vẫn còn in sâu trong lòng những người dân quê mùa chất phác nên rất ít người cho con đi học. Nhưng mẹ, được cái may mắn là cha mẹ nuông chiều nên mẹ vẫn được cắp sách đến trường. Mẹ không học Tứ thư Ngũ Kinh, mẹ học chữ Quốc ngữ. Ông bà ngoại lúc cho con gái đi học đã không ngờ rằng điều ấy đã thay đổi hẳn cuộc đời mẹ. Một cuộc đời đáng lẽ bình dị, im lìm như những buổi trời chiều êm xuống.

Năm mẹ lên mười lăm, thì văn học đã ăn sâu, tiêm nhiễm vào óc mẹ những tư tưởng mới. Cùng với sự suy sụp tàn tạ vừa qua của nền văn học Hán Nôm, những nhà nho bắt đầu lui vào lịch sử. Mẹ lớn lên trong một giai đoạn mới, giai đoạn mà những người con gái không bị câu "Nam trọng Nữ khinh" gò ép nữa. Ông bà ngoại là những người có đôi chút nho phong, trong khi cho con gái biết chút tân học không ngờ rằng mẹ đã tiến bộ mau quá thể.

Cái khả năng học thức của một người con gái nhà giàu như mẹ, có sắc như mẹ là một vốn liếng vô cùng quí giá mà mẹ có thể mang theo đến chết không sợ mất đi. Ngày ấy, những tạp chí cùng nhật báo đã xuất hiện mang theo một trào lưu văn học mới. Mẹ đã say mê nhiệt thành trôi theo làn sóng ấy. Mẹ bắt đầu học làm thơ, viết văn, một điều vẫn còn mới lạ với nữ giới bấy giờ. Sau Phương Đài, Tương Phố... mẹ cố gắng theo gương các bậc đàn chị đã đi qua. Vốn dĩ mẹ là người phóng khoáng, tư tưởng cấp tiến nên việc mẹ cầm bút viết văn không phải là điều khó khăn. Mẹ đã thành công, sự thành công không to tát lắm nhưng cũng là điều hãnh diện của mẹ.

Song, việc ấy đã đến tai ông bà ngoại. Dù cưng yêu con gái, ông bà vẫn chưa thể chấp nhận sự việc quá mới mẻ ấy. Viết văn, không khi nào, chỉ có cái bọn người quá mới mẻ, tân học quá mới làm điều ấy, ông bà quyết chẳng để cho cô con gái cưng đi vào đường ấy. Lập tức, mẹ phải đốt hết các tác phẩm đã và đang dang dở ; ông bà ngoại buộc mẹ phải ly khai với giới báo chí. May vá thêu thùa lo việc nội trợ vẫn là công việc của  người con gái hơn. Dĩ nhiên là ông bà nghĩ vậy. Mẹ u buồn, nhưng trước sự phẫn nộ của cha mẹ, mẹ đành im lặng. Mẹ vốn là người con có hiếu. Thôi thì đành!

Hai năm sau, mẹ thành hôn với bố, theo chồng về Hà nội ở. Đứa con đầu lòng chào đời, mẹ đặt cho nó cái tên thật xinh: Thụy Mơ. Có lẽ mẹ tiếc giấc mơ chưa hoàn thành. Nhưng bố đã hiểu, bố không như ông bà ngoại, bố hiểu ước mộng của mẹ. Vì thế, sau đó mẹ tiếp tục cho ra đời những đứa con tinh thần. Tên tuổi mẹ dần dần trở nên quen thuộc trong làng văn chương: mẹ viết, cây bút của mẹ thật hiền, thật mơ mộng. Có lẽ vì quá mải mê với cuộc đời cầm bút nên mẹ mỗi ngày một gầy, một xanh xao. Cho đến khi mẹ sinh em Vũ thì mẹ ốm một trận kịch liệt tưởng chừng như mẹ không thể nào qua khỏi. Bố lo lắng chạy chữa, thế nên công việc ở sở có phần chậm trễ. Nhân cơ hội, một vài người vẫn ganh ghét với bố tìm cách dèm pha, xúc xiểm, thế là bố mất sở làm. Gia đình bắt đầu lâm vào tình trạng sa sút.

Khi mẹ phục hồi được sức khỏe thì số tiền dành dụm đã gần hết. Gia dĩ, bố không giàu có gì, mà vốn riêng của mẹ cũng chả là bao. Cho nên, cuộc sống tuột dốc một cách thảm hại. Mẹ nhất định quy lỗi tại mẹ ốm cho nên bố mới mất sở làm. Vì thế, mẹ lại cầm bút viết liên miên hầu lo cho gia đình. Bố ái ngại, can ngăn không cho mẹ làm việc, nhưng mẹ khóc lóc. Vả chăng việc làm khó kiếm, bố còn đang thất nghiệp nếu không để mẹ viết cũng không được, buộc lòng, bố phải để mẹ tự do định đoạt. Vốn dĩ mẹ là con nhà giàu, chưa từng buôn gánh bán bưng, chưa từng làm việc mệt nhọc. Dù trước kia mẹ có viết, cũng chỉ là để tiêu khiển, viết qua loa vậy thôi. Nhưng bây giờ thì khác. Mẹ phải dùng ngòi bút của mẹ để nuôi sống gia đình. Trí óc mẹ suy nhược rất nhiều vì làm việc quá sức. Mẹ tiều tụy thấy rõ. Bố xót xa đêm đêm thấy mẹ ngồi viết dưới ánh đèn khuya, bố biết là bố can ngăn mẹ không được, đành yên lặng mà nhìn mẹ mỗi ngày một võ vàng. Tính ngang, bố mẹ không muốn cầu cứu mọi người, dù là cha mẹ. Mẹ vẫn miệt mài viết, và viết say mê dường như đây là cơ hội để mẹ mang hết tài năng ra, mỗi ngày ngòi bút của mẹ càng nhiều cảm hứng hơn. Mẹ viết không ngừng, viết như không bao giờ viết được nữa. Chính vì vậy mà kết quả là mẹ bị lao nặng.

Thoạt tiên, khi mẹ bắt đầu ho, mẹ cho là tại thức đêm nhiều và ăn không được nên sức khỏe suy giảm. Nhưng bệnh trạng của mẹ tăng một cách kinh khủng khi mùa Đông đến. Mẹ liệt giường, suốt ngày mẹ ho rũ rượi, những vẩn máu giây đỏ trong nước bọt và đàm. Đã thế bác sĩ còn cho biết ngoài chứng lao mẹ còn bị bịnh tim nặng. Mọi người buộc mẹ phải nằm yên tịnh dưỡng không được lo nghĩ. Nhưng làm sao mà cấm được tư tưởng con người, mẹ không thể nằm yên nghĩ đến tình trạng gia đình. Mẹ đòi viết nhưng ai mà cho mẹ cầm bút nữa, để giết mẹ sớm hay sao. Bố lo đôn đáo vừa chạy ăn vừa lo thuốc cho mẹ, nhưng mẹ mỗi ngày một xanh xao gầy yếu hơn. Dường như mẹ chỉ thèm viết và viết mà thôi. Sức khỏe mẹ mỗi ngày một suy kém, cuối năm ấy, mẹ từ trần.

Đó là một cái tang thê thảm nhất cho gia đình. Ngay lúc sắp chết, mẹ vẫn tỏ ra ân hận vì đã chưa hoàn thành được cuốn truyện mà mẹ hằng ấp ủ từ lâu. Cuốn truyện viết lại cuộc đời mẹ, nhất là từ ngày mẹ còn thơ ấu.

Mẹ chết đi, khi ba đứa con thơ còn nhỏ dại, bố đau khổ trước cái chết của người vợ yêu quí hầu như không biết gì nữa. Ông bà ngoại hay tin mẹ chết vội vã lên đến khóc hết nước mắt. Thương con dĩ nhiên ông bà quí rể, ông bà chu cấp cho gia đình tử tế. Nhà chỉ có Vũ là con trai, ông bà yêu quí vô ngần. Vũ lại giống mẹ nên ông bà cứ muốn bắt về nuôi nhưng đời nào bố bằng lòng. Đáng thương nhất là chị Mơ, chị thay mẹ làm việc, tảo tần buôn bán để nuôi sống gia đình. Nhìn dáng chị mảnh mai dưới đôi bồ hàng nặng trĩu nhiều lúc bố ứa nước mắt xót xa.

Nhưng rồi bố cũng tìm được việc làm, sở cũ của bố xét ra bố bị hàm oan, bố lại là nhân viên tài giỏi nên mời bố ra giúp việc lại. Đời sống gia đình nhờ thế cũng đỡ đen tối. Chị Mơ đã có được những giây phút nghỉ ngơi. Thảng hoặc, chị có nghỉ một buổi hàng cũng không phải sốt lòng lo lắng.

Mẹ chết vì nghiệp văn chương nên ông bà ngoại càng ghét thậm tệ, mà bố cũng không còn tỏ vẻ thương mến như xưa. Tuy không giận hờn nhưng bố vẫn có ý không muốn các con bố có khuynh hướng văn thơ nữa. Song, đã là máu huyết của mẹ và bố tạo thành thì lẽ nào lại không giống mẹ, mà trước vốn bố cũng có lần cầm bút viết văn chứ nào phải là không. Cho nên, giòng máu di truyền không thể không có trong lòng những người con được. Dẫu rằng chỉ là một ít.

Cũng như mẹ, Nguyệt Thùy lén bố mơ mộng, tập làm thơ. Nhất là từ khi mới lớn, Nguyệt Thùy biết mình có một người mẹ có danh trong làng văn chương. Trong ba chị em, Nguyệt Thùy giống mẹ ít nhất, thì trái lại, Nguyệt Thùy mang ảnh hưởng thơ văn của mẹ nhiều. Nguyệt Thùy là máu của mẹ kia mà. Nguyệt Thùy lớn dần với thời gian, giấc mộng mỗi ngày càng thêm mãnh liệt. Bố không ngờ đứa con của bố lại đi theo vết chân của người mẹ. Mẹ thương của Nguyệt Thùy, chắc mẹ hài lòng khi thấy con vẫn thương về mẹ, dẫu rằng con không bằng mẹ ngày xưa. Một nhà văn đã nói "Hãy ươm hạt mầm, dù cây chưa nẩy được lên, dù ta chưa được hưởng thì những người theo sau ta sẽ tiếp tục chăm nom mà nhận những quả lành". Mẹ yêu, hạt mầm của mẹ đã gieo, sẽ có ngày nó lên cây tươi tốt.

*

Mẹ thương thương,

Hôm qua con ra mộ mẹ, mùa Đông đến rồi, mấy cây hoa cúc trước mộ mẹ bị mưa gió làm rũ nát cả, trông buồn quá mẹ ạ. Con ngồi nhổ cỏ xanh trên mộ mẹ rồi bồi lại mấy gốc hoa, mà chắc nó chả sống được đâu mẹ ạ, chúng già rồi còn gì. Để hôm nào con xin chị Mơ gầy lại cho mẹ mấy gốc cúc khác, mẹ nhé. Mẹ vẫn yêu hoa cúc trắng đấy mà, con cũng yêu hoa cúc lắm mẹ ạ, nhưng sao con không giống mẹ hở mẹ? Mọi người bảo con không đẹp như mẹ, có phải ngày xưa mẹ đẹp lắm không hở mẹ?

Mẹ ạ, hôm qua chị Mơ bắt gặp con làm thơ, chị dọa mách bố làm con sợ ghê đi ấy. Cớ sao mà bố lại không bằng lòng con như thế mẹ nhỉ. Có phải chăng là vì mẹ đã chết vì văn chương. Nhưng mẹ ạ, thế thì những người cầm bút đều non yểu hết sao, con không tin thế đâu mẹ. Giá mẹ còn sống, chắc mẹ sẽ bênh con không để cho bố mắng con đâu. À mẹ ơi, bài thơ con đã gửi đi một tuần báo Thiếu Nhi rồi mẹ ạ, mà con chờ mãi không thấy trả lời, chắc tại con làm thơ không hay như mẹ ngày xưa. Ồ, mẹ ơi, con ao ước được như mẹ ngày xưa vậy đó. Mẹ biết không, bố nói mẹ chỉ có tiếng mà không có miếng, đa số các nhà văn đều như vậy cả. Phải thế không mẹ? Sao con cứ thích được như mẹ dù bố mắng con hết lời. Em Vũ cũng mơ mộng lắm mẹ ạ, em thích những bài ám đọc ghê đi, chỉ có em là không dọa mách bố con làm thơ thôi mẹ ạ.

Có lần bố hỏi ba chị em lớn lên thích làm gì. Chị Mơ thích buôn bán, chăn nuôi ở miền quê. Em Vũ muốn trở thành nhà phát minh. Còn con thì con không nói gì hết. Bố hỏi mấy lần, chị Mơ mách:

- Nó muốn làm nhà văn như mẹ đó, bố ạ.

Thế là bố nghiêm mặt lại, giáo huấn cho con một điều về đủ loại, đủ thứ lý luận dài dòng. Bố nói bố không muốn con giống như mẹ, thế nghĩa là con không thương bố, muốn bố đau lòng v.v... và v.v... con sợ bố buồn nên đành phải hứa với bố là sau này con muốn thành cô giáo. Mà thực đấy mẹ ạ, làm cô giáo cũng vui mẹ nhỉ, song thực tâm con muốn như mẹ kia, mẹ có muốn con gái mẹ giống mẹ không hở mẹ?

Mẹ ơi, mùa Đông lạnh ghê gớm mẹ ạ, con lười làm việc ghê lắm đấy. Chị Mơ cứ mắng là con lười, chỉ giỏi mơ mộng thôi, thế con có đáng trách không hở mẹ. Mẹ ạ, con không hiểu tại sao ông bà ngoại lại oán trách giới báo chí như vậy, họ có lỗi gì đâu mẹ. Ông bà ngoại ngày xưa cưng mẹ lắm cơ mà, mà mẹ cũng là nhà văn đấy thôi. Chị Mơ nói, khi nào nhà văn muốn viết truyện họ cứ ngồi vào bàn là bao nhiêu ý tưởng tuôn ra để viết đó mẹ. Con nghe nói, thích lắm cũng bắt chước, nhưng mà con cắn nát cả đầu bút cũng chưa xong nữa mẹ ạ. Con ngờ là chị Mơ nói dối con đấy thôi. Con làm thơ, con lén bố đọc hết mấy trang dạy về thơ lục bát con mới làm một bài đấy mẹ ạ, mà con thấy nó kỳ kỳ thế nào ấy. Mẹ ơi, mẹ dạy con làm thơ với, nhé mẹ.

Con của mẹ       
NGUYỆT THÙY  

*

Mẹ thân mến,

Ô, con mừng quá mẹ ạ, con vừa được tin tuần báo hứa sẽ đăng thơ của con. Họ khuyến khích con nên tiến thêm nữa mẹ ạ. Mẹ mừng cho con mẹ nhé.

Gần đến ngày giỗ của mẹ rồi đây, để rồi con sẽ làm tặng mẹ một bài thơ đốt cho mẹ hôm ấy mẹ nhé. Hôm trước con với chị Mơ đã trồng lại mấy cây hoa cho mẹ, mẹ vừa lòng chứ, mẹ của con. Để rồi con gây cho mẹ mấy gốc ngọc nữ nữa mẹ nhé, thứ hoa ấy khó trồng nhưng mà cũng xinh mẹ ạ, để nó làm bạn với hoa cúc nhé mẹ.

Mẹ ạ, hôm trước bố cho con với em Vũ về quê ngoại chơi. Nhà ngoại thật rộng, có nhiều cây trái ghê mẹ ơi. Con thích quá, chạy nhẩy tung tăng khắp vườn một lát rồi em Vũ theo bố đi đâu mất còn con một mình ở trong vườn. Tự nhiên vườn vắng hẳn đi, con nhớ đến mẹ, thơ thẩn dạo quanh vườn. Ở nơi này ngày xưa mẹ đã sống, chắc mẹ cũng như con, cũng yêu từng gốc bưởi, gốc na, cũng hay thơ thẩn quanh vườn mẹ nhỉ? Con thấy trong hương gió chiều như có quyện lấy mùi thơm da thịt  của mẹ ngày xưa. Tháng ba hoa bưởi nở trắng xóa, thơm thơm lạ đấy mẹ. Gió thổi làm hoa rụng xuống đất uổng ghê, con nhặt lên ngửi vẫn còn thấy thơm. Mẹ có ưa hoa bưởi không hở mẹ? Con cứ ngồi ngoài vườn dưới mấy gốc bưởi, trời tối lúc nào cũng không biết. Bà ngoại đi tìm con vào ăn cơm, thấy thế liền lôi vào, rồi bà nói:

- Con bé này rồi cũng như mẹ nó mất thôi.

Con ngơ ngác không hiểu gì cả, còn bố thì có vẻ buồn giận con. Con nghĩ đi chơi ngoài vườn thì đâu có gì là lỗi nên làm thinh. Em Vũ thấy vậy cũng im luôn, làm hôm ấy thành ra buồn thỉu buồn thiu đi mẹ ạ. Mãi đến lúc về nhà bố mới gọi con ra, nói về việc ấy và cấm con không được nghĩ vớ vẩn con mới hiểu là bố sợ con cũng như mẹ. Mẹ ạ, giống mẹ thì sao, con nghĩ đó không phải là một điều xấu cơ mà. Song con cũng hứa lớn với bố là từ nay về sau sẽ không tái phạm nữa. Bà ngoại cho hai chị em thật nhiều hoa quả mang về mẹ ạ. Mấy chị em chọn mấy quả thật xinh, còn nguyên cuống lá đặt lên bàn thờ mẹ. Ai cũng bảo là mẹ có phước, chết lâu rồi mà không ai quên, cả nhà vẫn xem như là mẹ vẫn còn hiện diện trong gia đình, hơi hướng của mẹ như còn vương lại khắp cùng trong ngôi nhà nhỏ bé. Quên mẹ sao được mẹ nhỉ ; con ước sao mai mốt con cũng như mẹ. Nhưng mà nói cho mẹ biết thôi chứ con chả dám cho bố biết, nếu không, lần này chắc bố sẽ đánh đòn con thật đấy mẹ ạ.

Bố bảo là con đã thêm được một tuổi rồi, lớn rồi chứ không còn bé để bố nói hoài nữa, thế nên con yên chí rằng mình đã lớn rồi. Song hôm qua chị Mơ đọc được tin trên tuần báo của con lại nhạo là con còn nhỏ mà bày đặt. Sở dĩ chị ấy biết được là vì báo bố mua cho cả ba chị em coi chung mà con thì bắt chước mẹ không lấy bút hiệu. Con sợ chị ấy mách ba nên năn nỉ mãi chị ấy mới thôi. Mẹ nghĩ con có nên lấy bút hiệu không hở mẹ. Con sợ chị Mơ mách bố quá thôi mẹ ạ, mẹ trả lời con nhé, mẹ nhé.

Con của mẹ        
NGUYỆT THÙY   

TB. Thưa mẹ, hôm qua cô giáo con có khen con làm luận khá lắm mẹ ạ, cô cho con bẩy điểm, nhất lớp và phê con có triển vọng tiến xa. Con mừng quá mẹ ạ. Mẹ xem con có thể làm nhà văn được như mẹ không hở mẹ?

*

Mẹ thương thương,

Thật không bút nào tả được nỗi vui mừng của con mẹ ạ, bài thơ của con đã được đăng rồi, và còn nữa mẹ ạ ; nhờ sự khuyến khích của cô giáo, con đã viết một đoạn văn ngắn gửi đi. Họ trả lời rằng tuy con viết chưa được vững, song họ sẽ đăng và chúc con viết khá hơn, nhiều hơn. Mẹ yêu quí của con, mẹ mừng cho con đi, con xứng đáng là máu của mẹ, phải không mẹ?

Mẹ ạ, tuy thế câu chuyện đã đến tai bố rồi, không phải tại chị Mơ đâu. Tự nhiên bố lại đi xem báo của chị em con, thế là bố thấy bài thơ và bố truy ra liền. Bố giận con rồi mẹ ạ, thực khổ cho con quá. Mẹ nói làm sao để con làm bố hết giận bây giờ hở mẹ. Bố nói con bướng bỉnh, khó dạy, một mình mẹ chưa đủ làm gia đình khổ sao. Con không hiểu mẹ ạ, cớ sao mẹ chết lâu rồi mà vẫn còn là nguyên nhân cho bố hờn giận con được. Bố giận, chiều dắt em Vũ đi chơi không thèm gọi con đi. Buồn buồn con lại ra mộ mẹ ngồi, mấy cái hoa cúc chớm nụ xinh quá mẹ ơi. Chị Mơ nói mùa thu thì hoa cúc mới nở đẹp, phải không mẹ? Con cũng yêu mùa Thu lắm, mùa Thu có nhiều lá vàng bay đẹp mẹ nhỉ? Con thấy mấy hàng me mỗi lần gió thổi là rụng khiếp, sao cây lại thay lá sống hoài vậy hở mẹ, sao mẹ không giống như cái cây nhỉ? Ừ, mà mẹ đâu phải là cây, con vớ vẩn thôi.

Thế là mải lo mấy bài thơ, tháng này con lại học kém đi thua em Vũ rồi ; đang từ thứ hai con trụt xuống hạng mười hai, bố la quá đi mẹ ạ. Thế bố cũng có lý chứ mẹ nhỉ. Bố nói con không chịu học thì mai mốt chả ra cái gì đâu. Con buồn ghê đi, làm sao bây giờ hở mẹ? Nhiều lúc con nghĩ là không thèm học nhiều, cứ viết văn cho thật hay thật giỏi là được rồi ; nhưng mà bố không đồng ý đâu mẹ. Bố nói học vấn là những gì có mà người ta không bao giờ đánh mất được. Vì thế con phải nghe lời bố.

Gió chiều thật mát, cảnh vật đẹp ghê vậy mà chỉ có một mình con ngồi trước mộ mẹ. Con muốn làm thơ nhưng không có giấy bút, nghĩ được câu này lại quên câu kia. Mẹ ơi, đến tuổi nào thì mới thực là lớn? Đến tuổi nào thì mới viết giỏi được hở mẹ?

Mẹ thương của con, con không hiểu được người lớn mẹ ạ. Con có nghe người ta bảo dân Việt Nam còn nhiều người mù chữ, trình độ văn hóa chưa được nâng cao, thế thì việc theo đuổi văn chương đâu phải là không có lý phải không mẹ. Cớ sao bố cứ cấm con không được lưu tâm đến giới hạn ấy. Mẹ, bố thương con lắm mẹ ạ, con giống bố nhất nhà cơ mà, song bố cứ khăng khăng không chấp nhận hoài bão của con. Cả đến chị Mơ hiền là thế mà mỗi lần thấy con cắn bút là chị tỏ vẻ không bằng lòng. Thế nghĩa là gì hở mẹ. Nếu bố yêu mẹ thì phải yêu luôn nghề của mẹ chứ. Phương chi, đó không phải là một nghề xấu kia mà. Kỳ dị thực. Mẹ ạ, con không nghĩ là tại mẹ viết mà mẹ chết đâu. Con người có số chứ, như con thì con nhất định sống rõ lâu, mẹ ạ. Để rồi con sẽ viết truyện cho mẹ, mẹ nhé, chuyện mẹ con mình thôi, không có bố không có ông bà ngoại, vì những người thân yêu ấy chắc không bằng lòng đâu mẹ nhỉ? Nhưng mà cô giáo dạy con phải vâng lời bố kia, con nghĩ hoài không biết nên nghe bố hay theo mẹ. Mẹ nghĩ con phải làm sao bây giờ hở mẹ? Như chiều nay đó, bố không thèm dẫn con đi chơi, con hơi buồn, nhưng mà thôi mẹ ạ. Được ra mộ mẹ, được kể chuyện với mẹ thì con vơi được bao nhiêu buồn nản trong lòng. Con là máu của mẹ, con biết thế, vậy con phải giống mẹ ; song chị Mơ  với em Vũ cũng là máu của mẹ cơ mà. Sao chị Mơ không theo mẹ hở mẹ? Chị Mơ ngoan hơn con, biết nghe lời bố phải không. Mẹ có yêu con khi con không ngoan không hở mẹ. Mẹ ạ, yêu mẹ thiệt thòi lắm vì mẹ mất rồi, mẹ đâu có bênh con được, còn bố thì bố có quyền rầy la con hoài. Thế nhưng con vẫn thấy cuộc đời của mẹ có một cái gì lôi cuốn hấp dẫn con. Con cũng sợ bố buồn, mà con lại thích giống mẹ hơn, mẹ ạ. Ước gì bố hiểu cho con mẹ nhỉ?

Trời bắt đầu tối rồi đấy, con về thôi nhé mẹ ; chắc tối nay con phải xin lỗi bố, không chừng con không được viết nữa đâu. Bố buồn thì con chả có vui, mà mẹ cũng buồn phải không mẹ, mẹ yêu quí của con?

Con của mẹ       
NGUYỆT THÙY  

*

Mẹ thương của con,

Đêm qua con khóc thật là nhiều, đến sáng nay mắt con vẫn còn sưng húp. Chị Mơ phải lấy nước muối nóng mà hơ cho con, thế mà vẫn không hết đấy mẹ ạ. Mẹ có biết tại sao không? Vì mẹ cả đấy. Hôm qua ông bà ngoại lên chơi tình cờ biết được chuyện con bắt chước mẹ viết văn, ông rầy la con dữ dội rồi còn hăm đánh nếu con cứ tiếp tục viết. Mặc dù bà ngoại từ trước tới giờ vẫn thương con bà vẫn không tỏ ra thương hại con chút nào cả. Và bố cũng lẳng lặng không nói gì. Thậm chí bố cũng bị ông mắng luôn vì đã không kìm chế con. Con không chịu nổi nên khóc òa, tại sao người lớn lại bất công vậy hở mẹ. Lúc ông bà về rồi, con rúc trong phòng khóc một mình, bỏ cả cơm tối. Lạ thực, như mọi ngày là con phải đòn rồi đấy. Song hôm nay bố cứ mặc con không thèm nói năng gì cả. Mãi đến giờ ngủ, con len lén ra nhà ngoài và  bắt gặp bố đang rơm rớm nước mắt trước bàn thờ mẹ. Tủi thân và nhớ mẹ, con lại bật khóc quay vào, chiếc khăn tay của con ướt hết, con đi tìm chiếc khác. Lúc lục trong hòm quần áo của chị Mơ con thấy dưới cùng có một xấp giấy dầy chi chít chữ. Vội vàng con lôi ra lén ba đọc.

Mẹ yêu mến, đó là một tập bản thảo còn dở dang của mẹ. Nét chữ mềm, nghiêng nghiêng nhỏ nhắn. Mẹ của con, đây là lần đầu tiên con được đọc văn mẹ. Mẹ yêu quí ơi, con không ngờ mẹ viết cảm động đến thế, hay chính con đả xúc động trước di bút của người mẹ thân yêu. Mẹ ơi, thế mẹ cũng có hoài bão như con ư? Mẹ cũng muốn có một đứa con theo vết chân mẹ. Phải đấy mẹ. Trong cơ thể con có mang giòng máu của mẹ thì trong trí óc con lại không thể mang ý niệm của mẹ hay sao? Nếu so sánh những nghiêm khắc của ông bà ngoại với mẹ thì đâu bằng bố với con được mẹ nhỉ. Bố dễ dãi hơn ông bà ngoại nhiều.

Mẹ ạ, con nghe phong thanh là người ta di cư vào Nam nhiều lắm, không biết rồi gia đình mình có theo vào không. Con chả muốn đi tí nào cả. Đi rồi làm sao ra mộ mẹ nữa, rồi ai trồng hoa cho mẹ, ai nhổ cỏ cho mẹ. Mẹ ơi, càng ngày con càng thấy ràng buộc quyến luyến mẹ hơn, chắc vì mẹ con mình chung một ước mơ. Mỗi lúc con lại thích viết nhiều thêm mẹ ạ, con hứa sẽ viết một cuốn truyện tuổi thơ cho mẹ, mẹ ạ. Nhưng bây giờ thì con chưa đủ khả năng và con cũng chưa được phép của bố. Con không muốn bố và ông ngoại giận con nữa đâu. Mắt con còn sưng đấy mẹ ạ, và mỗi lần nghĩ đến mẹ con vừa thấy phấn khởi vừa thấy buồn buồn. Thực khó mà làm vừa lòng cả hai bên được. Mẹ, ngày xưa mẹ đâu có lấy bút hiệu phải không, con cũng bắt chước mẹ vậy. Mẹ yêu của con, con thương mẹ nhất đời.

Con của mẹ      
NGUYỆT THÙY 

*

Mẹ thân mến,

Thế là lần này con xa hẳn quê mẹ rồi mẹ ơi, bố bảo vì chiến tranh bắt buộc bố phải di cư vào Nam. Chiến tranh cũng có thể cướp con đi như văn chương cướp mất mẹ vậy. Con không hiểu và tưởng hai thứ ấy giống nhau nhưng bố giải thích rằng đó không phải là một, mà ngược lại. Tuy nhiên bố nói rằng ngòi bút có thể tạo được chiến tranh dễ dàng. Chiến tranh cũng thường làm nhiều cây bút xuất hiện. Thế là nghĩa gì hở mẹ? Con của mẹ vẫn chưa hiểu được nhiều. Bận rộn vì nhiều việc, con ít khi có thì giờ mơ mộng, bố hài lòng lắm mẹ ạ. Mà thực con làm sao nghĩ vớ vẩn được khi gia đình còn bấp bênh. Hết rồi những buổi chiều bên mộ mẹ với nắng êm như tơ, những buổi sáng mềm như lụa. Nơi đây quê người xứ lạ, tuy trong gia đình mà con vẫn thấy bơ vơ vô cùng. Thực con không biết rồi đây con sẽ làm gì được nữa. Mẹ ơi, mẹ yêu ơi, giọt máu của mẹ thực không bằng mẹ chút nào cả. Phải đứng lên, phải can đảm mới được phải không mẹ. Con tiếc mãi chưa được đọc truyện ngắn của con sẽ đăng. Mẹ ơi, bây giờ có ai thắp hương cho mẹ không hở mẹ? Con nhớ mẹ quá đi mất. Con sợ mầm cây của mẹ sẽ chết khô. Ồ, mẹ ơi, con cũng buồn lắm. Bố hứa sẽ cho con viết thực đấy nhưng khi nào con lớn kìa. Và phải hứa không được dùng nó như một cứu cánh, vì bố sợ con sẽ suy nhược như mẹ. Thế cũng đủ rồi, con không muốn gì thêm mẹ ạ.

Hiện giờ, con phải nghe lời bố. Mẹ ạ, vâng lời bố như mẹ vâng lời ông bà ngoại ngày xưa. Một lần nữa con tỏ ra giống mẹ phải không mẹ?

Mẹ ạ, bố cho phép con đọc các loại truyện của Khái Hưng, Nhất Linh và một số tác giả khác. Nhưng cũng rất ít mẹ ạ, chẳng hạn như loại sách Hồng. Con nhớ miền Bắc quá thôi. Miền Bắc đẹp như mơ như mộng. Con mong cho đến ngày chóng lớn để bố cho phép con viết. Con sẽ viết về quê mẹ thật hiền, thật ngoan, như mẹ ngày xưa đã từng ca tụng con đường quê thơm mùi cỏ mục. Mẹ ạ, giòng máu của mẹ ngày nào còn luân lưu trong cơ thể của con thì ngày đó con còn ấp ủ trong lòng giấc mộng ngày xưa. Mẹ hẳn bằng lòng chứ. Văn học Việt Nam cần phải được nâng cao, nâng cao mãi mẹ ạ, mẹ có hài lòng khi thấy con mẹ tiếp tay trong sự xây dựng ấy không? Dù là rất nhỏ.

Mẹ thương ơi, bố không muốn con đeo đuổi văn chương vì nghiệp ấy đã cướp đi người vợ thân yêu của bố, bố có thể cản con, nhưng bố không thể cản được giòng máu của những người Việt Nam đang vươn lên như bông lúa vàng ngời dưới nắng bình minh. Mẹ ạ, con với mẹ và tất cả những con người khác đều là từ vòng tay ấm của mẹ Việt Nam vươn lên, cùng chung một huyết thống, dẫu rằng có phân biệt nhiều phần.

Con mơ ước một ngày, mẹ ạ, một ngày không gần nhưng cũng không xa tầm tay với con của mẹ sẽ hãnh diện mà bảo rằng: "Mẹ đã chết, nhưng máu mẹ không bao giờ ngưng chảy".

Con của mẹ,    
NGUYỆT THÙY 

Mẹ kính yêu,

Đã bao nhiêu năm qua rồi, đứa con của mẹ đã lớn, đã trưởng thành, nhưng nó vẫn chưa làm tròn ước nguyện. Để đến ngày hôm nay, xin kính dâng mẹ những bút tích của ngày xưa, của những lần còn thơ ấu. Mẹ ạ, con ân hận đã không thực hiện ý muốn của mẹ ngày xưa. Đứa trẻ ngày ấy không viết thêm được gì sau những trang thư gửi mẹ đã từ lâu lắm. Không thể đổ lỗi tại chiến tranh đã làm héo mòn tư tưởng, cũng không thể quy trách nhiệm cho một xã hội quay cuồng. Ngày hôm nay, con góp thơ ấu làm quà cho mẹ, để tưởng niệm một linh hồn. Mẹ ạ, dù sao con vẫn yêu mẹ, yêu quê mẹ bên kia vĩ tuyến, yêu dân tộc con. Con vẫn mơ ước một ngày thanh bình cho con trở lại. Sẽ đi trên từng con đường nhỏ, sẽ đón từng hình ảnh xa xưa, sẽ vào vườn cũ nhặt hoa bưởi trắng rụng đầy, cho con tìm thấy yên ổn, cho con lại được cầm bút như thuở nào để có thể ghi lại thực sự ước mộng từ xa xưa ấy. Mà ngày ấy, mẹ ơi, ai có thể trả lời cho con được?


ĐỖ NGUYỆT     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 153, ra ngày 15-5-1971)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>