Thứ Hai, 18 tháng 5, 2020

Lịch Sự Khi Đi Xe


Các em thân mến,

Trong số báo Thiếu Nhi vừa qua, chúng tôi nói chuyện với các em về phép lịch sự khi ngồi trên chiếc xe nhà, mà trên ấy mỗi chỗ ngồi có một giá trị đặc biệt của nó.

Khi các em đi xe hàng, như xe tắc xi hoặc xe đò, các em không còn phải đắn đo về việc chọn hay nhường chỗ ngồi, như trên chiếc xe nhà.

Cùng với người quen đi xe tắc xi, các em nên mở cửa xe cho người quen lên trước và lúc xe tới nhơi, các em xuống trước giữ cánh cửa mở cho người quen bước xuống cũng như đôi vợ chồng đi lên xe tắc xi, người chồng mở cửa xe cho vợ mỗi khi lên xuống. Ở Thụy Sĩ, người tài xế còn giữ thói quen lịch sự xuống xe mở cửa cho hành khách.

Cùng đi với người quen trên tắc xi, khi tới nơi, các em nên tránh cái cảnh tranh giành nhau trả tiền, trông không đẹp lắm.

Các em muốn trả, các em hãy tìm cách trả tiền một cách kín đáo và mau lẹ chứ không làm như một vài người miệng thì la lớn: để cho tôi trả, nhưng tay không chịu móc tiền trong ví ra.

Các em đi xe đò, khi các em mua vé, các em nên chọn chỗ nào các em thích, khỏi phải nhường cho ai. Các em không nên để hành lý lấn sang chỗ ngồi của người  bên cạnh và ngồi ngả nghiêng như nằm trên ghế trông không đẹp lắm.

Trên xe, các em tránh nói chuyện lớn tiếng và nghe lỏm chuyện của người khác. Các em không nên nhìn trộm những người trên xe, nhất là đừng tò mò khi người bên cạnh đang xem sách hay đọc báo.

Khi các em ăn, các em nên ăn một cách kín đáo, tránh cái cảnh làm cho người chung quanh phát thèm. Nếu có thể, các em mời những người đồng hành cùng ăn. Theo phép lịch sự, khi các em được mời ăn, các em nên cám ơn và từ chối, vì người ta chỉ mời theo phép xã giao mà thôi.

Các em nên tránh làm phiền người bên cạnh như hút thuốc phà khói, ho hay nhảy mũi vào mặt họ, khạc nhổ trên xe, hoặc ngủ gà ngủ gật dựa vào vai người bên cạnh.

Các em đi xe buýt hay xe lửa, dù các em đã mua vé, hãng xe cũng không có phận sự phải dành cho em một chỗ ngồi như trên xe buýt hay xe đò, vì nơi đây số hành khách không hạn chế.

Trên xe buýt cũng như xe lửa, một số hành khách đành phải đứng suốt cuộc hành trình vì không đủ chỗ ngồi.

Đi xe lửa, các em nên đến trước giờ xe chạy, như vậy các em khỏi phải nhảy lên xe hấp tấp, không có thì giờ kiểm điểm hành lý và tìm kiếm chỗ ngồi. Nơi đây, phép lịch sự cũng khuyên chúng ta nên nhường chỗ cho người già cả yếu đuối, tật nguyền. Người đàn ông phong nhã nhường chỗ cho người phụ nữ đứng bên cạnh, nhưng khi nhường xong, nên tránh đi chỗ khác, chứ không làm như một vài người gặp người đàn bà đẹp mới nhường chỗ và khi nhường xong đứng bên cạnh trò chuyện làm quen, trông không hay và như vậy sự nhường chỗ không còn ý nghĩa cao đẹp của nó.

Trên đây là ít lời khuyên các em mỗi khi các em lên xe để các em được luôn luôn là con người lịch sự, đầy lễ độ. Nhưng các em cũng nên nhớ, như lời mục sư Barthelemy đã nói: Có cái lễ phép của tấm lòng cao hơn thứ lễ phép trong cử chỉ rất nhiều.


Thân mến chào các em,      
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG   

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 84, ra ngày 8-4-1973)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>