Thứ Ba, 5 tháng 5, 2020

Biếng Học


Dũng chẳng hiểu sao mình lại không tự chủ được chính mình?! Nhiều lúc Dũng ngồi học bài mà óc cứ nghĩ vơ vơ, vẩn vẩn. Trên bàn thì chồng vở đổ bề bộn ra đó, nhìn không cũng đủi chán mắt rồi. Lại thêm chiếc ra-đi-ô trên đầu tủ nữa, phát ra những điệu nhạc gì mà… hấp dẫn lạ, có sức lôi cuốn Dũng quên thực tại được. Lắm khi vì những điệu nhạc quỉ quái ấy mà Dũng đã học bài như sau:

“Vua Quang Trung a… đại a phá quân… a… Thanh (và vào đề luôn)… Rồi ngày nào hè trở về đây, phượng thắm rơi…”

Ông ba Dũng nghe Dũng học kiểu chi mà “lọa rứa” tức quá hét lên:

- Trời đất ơi! Thằng quỉ nầy thiệt là hết chỗ nói, “lậm” nhạc quá xá rồi học hành ra chi đâu?!

Chừng ấy Dũng mới giựt mình nhìn vào bài Sử ký. Nhưng kìa, những giòng chữ sao cứ chạy lên, chạy xuống đảo lộn lung tung hết. Thì ra nãy giờ ngồi ì một chỗ lâu quá, Dũng bắt đầu thấy mệt mỏi rồi đó! Dũng gấp vội quyển vở lại, bước ra sân vươn vai liền mấy cái. Học gì mà chán ngấy!

Ngoài sân trống, hóng mát được một tí, kế nghe đồng hồ buông gọn lỏn một tiếng. À, mười một giờ rưỡi rồi đây. Chết chửa, thế mà Dũng vẫn chưa thuộc bài. Thôi, phải vào học nhanh lên.

Nhưng vừa vào ngồi lẩm nhẩm dăm câu thì Dũng sực nhớ ra mình quên uống nước. Dũng vẫn có thói quen hớp vài ngụm nước cho thấm giọng trước khi bắt đầu… hét! Bây giờ cổ Dũng khô và khó chịu ghê đi, thế là Dũng phải đứng dậy đi rót nước.

Rồi Dũng học tiếp. Nhưng… hồi nãy Dũng đọc tới đoạn nào rồi, khổ quá lại quên! Thôi đành đọc lại cả bài Sử dài thòng! Chỉ chuyện vặt thế mà Dũng mất hơn năm phút. Tức quá!

Lần nầy, Dũng yên chí có thể học được. Dũng định bụng vậy. Nhưng một lát, Dũng lại thấy thiếu một cái gì trên bàn học. Cái gì? À, thì ra là cây bút chì. Dùng nó để tóm tắt bài học thành một dàn bài ngoài giấy trắng cho dễ nhớ ấy mà! Sao Dũng hay quên ghê, thôi đành bực dọc đi kiếm cây bút vậy. Đang lúc Dũng cần, nó lại trốn kín ở đâu cơ! Dũng phải trút cả cặp vở sách, “hắn” mới chịu lăn ra! Thế là mất thêm ít phút nữa.

Và rồi đủ thứ chuyện đến với Dũng. Hết quên vật này đến vật kia. Hết khát nước lại đến… mắc tiểu, hết mắc tiểu lại đến ngứa ngáy, bực bội. Kết cuộc đúng mười hai giờ (lúc Dũng phải ăn cơm) Dũng chỉ học “tơ lơ mơ” mà thôi! Và rồi khi vào lớp trả bài, Dũng có “xứng đáng” lãnh trứng không thì biết!

Xem thế thì đủ biết việc học hành của Dũng làm sao rồi. Bị “óc tọt” hoài, lắm lúc Dũng cũng có buồn ghê đấy chứ! Và cũng vẫn tự nhủ mí lòng: “Cố lên, đừng lười, đứng để bị cám dỗ”. Nhưng Dũng vẫn… lười, vẫn bị những chuyện vui thú, hấp dẫn hơn là học cám dỗ. Như cái hôm kia kìa, Dũng đang làm toán ngon lành, bỗng có tiếng thằng Anh kêu ngoài ngõ: “Dũng ơi! Đi đá bóng?!”

Dũng trông qua cửa sổ thấy nó cầm quả bóng đưa cao lên, còn tay kia vẫy Dũng. Dũng nghĩ đến cuộc vui nó đang rủ. Đá bóng thì tuyệt cú mèo, ăn đứt cả dạo phố mí lại xi nê nữa cơ! Nhưng Dũng chợt nhớ mình đang làm toán. Bài kiểm chiều nay góp mà! Không thể được, Dũng không muốn bị “dê rô” nữa đâu! Dũng nghĩ vậy nên ngồi trong ni bắt tay làm loa hô to:

- Không đi đâu!

Dũng nghe nó hỏi: “Sao vậy?! Vui lắm!”

- Mắc làm toán… Dũng lại kêu to.

- Trời ơi, còn sớm chán mà sợ gì! Mình chơi đến mười một giờ rồi về hẳn làm, hai giờ chiều mới ôm cặp ; không được sao? Anh nhăn nhó như vậy.

Dũng trông mà tức cười, và coi bộ muốn xiêu lòng. Dũng chạy ra trò chuyện “suy tính lợi hại” với Anh một lát rồi… Ô kê.

Thế là Dũng đi đá bóng, bỏ dở bài toán sắp gỡ được đầu dây mối nhợ.

Khi Dũng chơi thật “đã”, muốn trở về thì đã quá mười một giờ. Mồ hôi nhễ nhại, Dũng cần tắm vài gáo nước mới lấy lại sự khoan khoái. Nhưng bây giờ, sau ngót hai tiếng chơi đùa ngoài nắng, Dũng muốn nằm ngủ một giấc thật ngon hơn là xoay ra làm tính. Vì thế cho nên Dũng loay hoay tính toán một cách gượng ép ; bao nhiêu bí mật sắp sửa vén lên ban sáng quên bẵng đi, không làm gì được. Và thôi đành chịu thầy phạt vậy!

*

Học như vậy chẳng mấy chốc càng lúc càng sanh ra tồi tệ hơn. Hồi mới tựu trường Dũng xếp thứ sáu trong số hơn năm mươi học sinh. Qua tháng kế tụt xuống thứ mười lăm. Tháng kế nữa: hai mươi lăm! Và bây giờ thì: bốn mươi hai!!

Dũng buồn bã cho tờ phiếu điểm vào cặp bước ra về. Tới nhà, Dũng vứt cặp trên bàn, ngồi thừ ra chẳng buồn chạy nhảy. Nếu ba hỏi đến tờ phiếu điểm thì quả là nguy lắm! Bây giờ phải làm sao giấu bặt chuyện tụt hạng mới được. Nhưng bằng cách nào? Xé ư? Không ổn đâu, chừng ba cứ đòi phải đưa ổng xem bằng được thì lấy đâu ra? À, hay là… sửa hạng? Phải rồi! Dũng chẳng nghĩ ngợi thêm, đứng dậy mở cặp, rút tờ phiếu điểm ra. Rồi Dũng tẩy nhạt đi cái gạch đứng ở số bốn nối thêm hai nét ở phía trước nữa là… xong. Con số bốn mươi hai đã thành mười hai nhanh chóng. Dũng nhẹ bớt âu lo.

*

- Dũng! Đem sách vở ra ba khám, xem lâu nay học hành làm sao?

Ông Tân bỏ tờ báo xuống có vẻ vội vàng như vừa sực nhớ như vậy. Ông vốn là một nhà mô phạm hằng lưu tâm đến việc học hành của chẳng những riêng con ông mà cả đám học trò thơ dại. Nhưng mấy tháng nay ông được đổi đi dạy học ở một trường làng tận miền tây xa xôi, không có dịp về nhà. Thành ra sự kiểm soát của ông đối với Dũng không thường xuyên nữa. Bây giờ ông muốn rõ sự học của Dũng đã đi tới mức độ nào rồi.

- Dũng! Dũng!! Cái thằng mới thấy đó, tiêu đâu rồi!?

Đến mấy bận gọi, Dũng mới chạy ra. Đứng trước gương mặt nghiêm nghị của ông Tân, tuy đã ngầm dặn lòng giữ bình thản, nhưng Dũng không khỏi để cặp môi run nhè nhẹ:

- Ba… a… kêu con?

- Ừ! Đem sách vở ra đây! Độ này học ra sao?! – Ông Tân có vẻ cáu.

Dũng dạ nhỏ một tiếng, cố giữ dáng đi tự nhiên, bước đến tủ ôm cặp trao cho ba. Tim Dũng bắt đầu nhảy… tuýt khi ông Tân dửng dưng mở nắp cặp. Và ô! Ông rút tờ phiếu điểm hàng tháng ra: Dưới lớp kính trắng, ông Tân đưa mắt nhìn số thứ hạng. Và như Dũng đoán, tuy ông không khen nhưng cũng không giận dữ chê trách cho lắm. Ông gật gật đầu:

- Ừ! Thế này cũng tạm! Cố hơn lên!

Rồi hai cái tròng đen đã đục mầu khẽ liếc qua hàng chữ đỏ chua ở dưới: “LƯỜI – HỌC LÙI! XIN PHỤ HUYNH ĐỂ Ý!” Ông Tân cứ ngỡ vì mắt kém nên đã đọc lầm, nhưng sự thật vẫn rành rành ra đó! Ông không khỏi kêu “Ồ” lên một tiếng và tự hỏi: “Tại sao lời phê có vẻ nặng nề so với thứ hạng thế nầy?”

Ông cúi sát nhìn kỹ số mười hai và nhận ra nét sửa, nét xóa mà nhìn phớt qua không bao giờ thấy. Thì ra Dũng “dấu đầu mà lòi đuôi”! Thằng Dũng lừa cả mình nữa! Ý nghĩ ấy đem sự giận tức truyền vào mạch máu ông Tân. Ông xé vụn mảnh giấy trên tay và trút cả nỗi giận tức đó bằng hai cái tát nháng sao vào mặt Dũng.

Rồi ông mở toang cặp Dũng, trút hết sách vở và những gì trong ấy giữa nhà. Nhưng ông chỉ vừa lắc khẽ cặp một cái, một con vụ quay rớt ra lăn lộp cộp và tiếp theo, từng chiếc bi xanh đỏ đổ tứ tung ra. Ông càng thêm giận, hét:

- Hừ, đi học mà đem theo những thứ này à?

Đoạn ông mở từng cuốn vở ra xem xét. Cuốn nầy là cuốn toán: Trời! Có một bài tính nhân con như thế nầy mà làm không ra! Trang nào trang nấy ôi thôi… toàn là trứng…! Cuốn kế nữa là cuốn chính tả. Chẳng những vở đầy mực đỏ mà chữ viết còn cẩu thả, lem luốc. Chi mà như cua bò, chữ tây không ra tây, tàu không ra tàu… Nhưng ông cảm thấy bực dọc hơn hết khi nhìn hai chữ “không thuộc” nổi bật bên cạnh bài sử với tựa đề: “Quang Trung đại phá giặc Thanh”! Ông lầm bầm trong miệng:

- Hừ! Ngay cả Việt Sử mà cũng không thuộc thì thật là quá lắm rồi!!

Ông quay sang Dũng định tát một tát nữa, nhưng nhìn cái dáng lấm lét, sợ sệt như muốn van xin, ông chùn tay lại. Ông nhớ ngay đến cái hình ảnh “cậu Tân” thuở nào học mãi 24 chữ cái chẳng thuộc, bị cha quở đứng khóc thút thít! Ông ngồi phệch xuống, thở dài. Rồi ông tự hỏi: “Xưa nay Dũng không đến độ tệ như vậy. Sao từ ngày ta đi nó bỗng thay đổi nhanh chóng? Lý do nào?!”

Ông phải tìm ra căn nguyên ấy! Ông định chắc ngay thằng Dũng mất đi sự kềm chế thường nhật đã vướng phải cái vòng quyến rũ của bạn bè và những cuộc chơi vật chất bên ngoài. Ông thấy Dũng không đáng tội cho lắm. Tuổi nhỏ rất dễ sa ngã nhưng còn đủ lúc gầy dựng. Ông Tân đổi giận làm vui, vuốt tóc Dũng ân cần:

- Dũng, ba hỏi thật, phải con mê chơi quá nên học hành ra vậy không? Nói thật đi…

Dũng cúi gầm đầu, nước mắt lăn từng giọt. Bao nhiêu lần bị số không, bao nhiêu lần bị khẻ tay đối với Dũng, tuy có làm cho Dũng thấy vướng một cái gì hối hối, tiếc tiếc, nhưng vẫn không có hiệu quả bằng hai cái tát của ba. Bởi lẽ ba đã buồn vì Dũng, những ngày khổ cực đi làm nuôi Dũng không được trả giá xứng đáng. Dũng thấy “thương thương” ba. Cái thương tự nhiên mà ra. Đang nghĩ miên man như vậy, nghe ba hỏi Dũng giựt mình ngước lên. Rồi trong giây phút xúc động nhất, Dũng ấp úng:

- Dạ… ph… ải.

Ông Tân biết mình không lầm. Hồi trời mới sáng, ông ra vườn tập thể dục thấy có bóng mấy cậu bé lấp ló ngoài rào. Ông bước đến dợm hỏi. Nhưng các cậu thấy bóng “ông bô” Dũng vụt bỏ chạy. Chắc tụi nhỏ ấy định rủ Dũng đi chơi ở đâu rồi! Ông cảm thấy Dũng chỉ là chú cá con ngây dại dễ dàng sa lưới ngư ông. Cũng như nhiều chú học trò đang ngoan, chăm bỗng trở nên sao nhãng học tập. Là một nhà giáo nhiều dịp gần với trẻ con, ông hiểu Dũng. Ông mỉm cười âu yếm, nói như đang dạy học trò:

- Thôi từ rày ráng học nghe! Phải chú tâm vào sự học mới được. Khi học đừng nghĩ đến vấn đề nào ngoài bài vở. Cũng đừng để chuyện chung quanh ta, trước mắt ta làm mềm lòng. Tốt hơn nên tìm chỗ yên tịnh mà học, đồng thời lúc đọc thử lại bài, nhắm mắt đi là yên chuyện!

Nhớ lấy, các con học để noi gương thế hệ ông cha, gầy dựng thế hệ chính mình và dành di sản cho thế hệ con cháu…


TRẦN BÌNH LÀNH   


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 66, ra ngày 1-4-1967)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>