Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

Viết... chờ Xuân Tân Hợi

 


Độ rày, đa số các em gái khi đi học thế nào cũng có mang theo những cái ống ni lông đủ màu sắc để... thừa lúc thầy giảng bài... len lén làm những cái bánh ú, con bướm... Ôi thôi... đủ kiểu... Em nào em nấy cũng có từng bịch... từng bịch... từng bịch bướm... từng bịch bánh ú... Nghe nói đây là sản phẩm Kampuchia do đồng bào đem từ bển về đây khi chạy trốn ông Lon Non cáp duồn. Kể ra thì cũng hay... cũng thú vị nhưng có điều làm các bánh ú trong các giờ học thì không ổn... Tay nào làm bánh ú kết màn... tai nào nghe lời thầy giảng bài... mắt nào nhìn bảng đen... mắt nào theo dõi bánh ú?!

Một buổi nọ, tại một trường nọ trong một lớp nọ, một lớp trai gái học chung sỉ số gần trăm em, tôi đang giảng bài thì nhìn thấy nguyên một bàn em gái chả chịu nghe gì hết và nhờ một phương pháp riêng bất cứ một nhà giáo nào đều có, tôi đã khám phá ra các em ấy đang tập trò khéo tay của đồng bào đem từ Kampuchia về. Tức ơi là tức! Bài học toán hôm nay đã khó mà các em gái một phần đông lại chậm chạp về môn này... thế mà trong lúc thầy cố gắng giảng hết cả nước miếng, run cả phổi, các em lại chẳng chịu nghe cho! Tức quá, tôi la to (khi tôi mà la cách cây số cũng còn nghe ; đúng không các học trò cũ và mới của thầy?):

- Các em dẹp vô ngay! Bị đòn bây giờ! Nữ công nữ hạnh hay lắm nhưng không phải trong lúc này. Lúc này là lúc học toán (!!!) các em nghe chưa?

Tôi gằn giọng khi nói đến tiếng TOÁN. Thấy thầy giận, các em vội dẹp trò thủ công Kampuchia vô ngay và ngồi im thin  thít, mặt em nào em nấy xanh lè xanh lét!

Dù đang giậntức, tôi thấy tội nghiệp và bỏ qua không nỡ trừng phạt các em nữa. Tái phạm hãy hay! Dù vậy, mặt tôi vẫn còn hầm hầm. Khi các em phạm kỷ luật, phạt thì thương, không phạt thì loạn dù rằng từ xưa đã có câu "thương thì cho roi cho vọt, ghét thì cho ngọt cho bùi" nhưng thật là khổ tâm cho các người thầy, các em học trò có biết không?

Sau khi giải quyết vấn đề trên xong, tôi lại giảng bài tiếp. Thấy các em chăm chú nghe, tôi rất mừng giảng bài rổn rảng và nhìn cặp mặt các em biết các em đang hiểu bài và thấy thích thú bài học, tôi lại càng hứng khởi hơn nữa, nên giảng càng to hơn. Bài giảng xong. Thầy trò vui vẻ... Bây giờ chỉ còn chép bài vào tập là hoàn toàn xong bài học hôm nay. Nhưng... Trong lúc tôi đang viết lại tựa bài lên bảng đen (tôi quay lưng về phía học trò) thì bỗng nhiên bên phía học trò trai nhốn nháo dữ dội. Tiếng con trai nổi lên một cách tập thể:

- Ò! E! Ò! E!

Rồi tiếp theo một giọng con trai uốn éo vang dội:

- Hỡi! Em má hồng xinh xinh kia ơi! Dừng chân cho tôi gởi nhắn đôi lời...

Sặc mùi "Hùng Cường - Mai Lệ Huyền"!!! Cả lớp cười ồ! Náo loạn! Khi làm thầy đứng trong lớp học, trước mặt các đệ tử của mình dù trước bất cứ một biến cố nào cũng phải cố gắng bình tĩnh vì có như thế mới hướng dẫn và trị được học trò. Tôi bình tĩnh lừ mắt nhìn các em và đồng thời tìm nguyên nhân "biến loạn" này. Đúng là một cái gì hết sức đặc biệt khích động được tâm lý quần chúng con trai nên các em trai cười nói hết sức vui vẻ, còn bên gái thì bình thường nếu không muốn nói là có vẻ khó chịu. Tôi nhìn ra ngoài đường. Thấy tôi nhìn ra đường, các em trai lại cười ồ vui vẻ hơn, vài tiếng la nổi lên:

- Thấy chưa thầy?

Một cô gái đang đứng chờ xe ngay trước mắt học trò trai tôi và tôi. Tôi quên mở một dấu ngoặc là lớp tôi đang dạy chỉ cách đường lộ không đầy chục thước. Thông cảm tuổi trẻ học trò nhưng thông cảm không có nghĩa là khuyến khích và biểu lộ đồng tình hành động cùng ngôn ngữ không đúng lối của tuổi học trò, tôi đã quyết định trừng phạt các em.

Tôi liền mở cuộc điều tra tìm kiếm thủ phạm vụ xách động trên. Tôi tìm ra ngay một lô lãnh tụ chủ chốt. Tôi lôi các lãnh tụ đó lên quỳ và cho mỗi lãnh tụ một con dê rô tròn quay. Thế là tình trạng trở lại bình thường, nhưng vẫn còn giới nghiêm vì các lãnh tụ còn bị quỳ!!! Sau gần mười phút, nhìn các bộ mặt bí xị, tôi hỏi:

- Các em còn phá nữa thôi?

Vài tiếng đáp lại hết sức yếu ớt (chớ không còn hùng dũng như lúc làm Hùng Cường (!) nữa:

- Thưa thầy, hết rồi!

Thấy các em đã sợ, tôi trở về biện pháp khoan hồng:

- Nếu tái phạm thầy phạt nặng hơn nghe! Các em nên nhờ lối phá đó không phải là lối phá của tuổi học trò. Người ta sẽ gọi đó là hành động mất dạy...

- Dạ!

- Thầy sẽ kiểm soát gắt các em! Nếu trong hai tuần nữa, các em khá thầy sẽ xóa dê rô cho!

- Dạ!- Thôi đứng dậy! Về chỗ làm bài! 

Các Hùng Cường le lưỡi (!) đứng dậy đi về chỗ.

Tôi tưởng tình trạng đã hoàn toàn trở lại bình thường vì không còn giới nghiêm nữa thì... Trong khi các Hùng Cường khác được tha về chỗ, ngồi êm ru bà rù, một Hùng Cường lại có thái độ phản kháng: Hùng Cường đó ngồi xuống đập bàn cái rầm. Tôi gọi em đó lên bắt quỳ lại. Độ vài phút, tôi tha cho em đó về chỗ. Vừa về tới chỗ, em đó lại đập bàn cái rầm. Đúng là thái độ thách đố hỗn xược đối với thầy! Tôi tím mặt. Vài tiếng cười khúc khích nổi lên trong đám học trò. Tôi quắc mắt nhìn lướt qua từng em một. Cả lớp xanh mặt im thin thít. Quạt máy trên trần lớp quay vù vù nghe rõ hơn cả bao giờ.

Biết gặp một học trò thuộc loại đặc biệt, tôi quyết định không xử trị theo lối thông thường. Tôi lại bàn kéo ghế ngồi. Tôi ra tiếp bài cho cả lớp làm và dặn:

- Các em chỉ biết tập trung vào làm bài thôi! Nếu em nào lộn xộn thì biết với thầy! Đúng mười lăm phút nữa thầy xét tập!

Xong xuôi, tôi gọi em học trò đó lên đứng cạnh tôi. Nhìn cặp mắt em thì biết em đang bất mãn tôi dữ dội. Suy bụng ta ra bụng người, tôi thông cảm và thương những người bất mãn nếu những điều họ bất mãn chánh đáng và hợp lý. Về phương diện khách quan bên ngoài, em học trò của tôi bất mãn tôi là đúng, vì trong lớp học thầy là vua muốn làm gì cũng được, học trò đâu có quyền gì. Còn bên trong? Tôi phải tìm hiểu xem em ấy bất mãn tôi điều gì, đúng hay sai! Nếu đúng, tôi phải sửa chữa, nếu sai, tôi sẽ giải thích cho em ấy hiểu. Thầy mến trò, trò kính thầy. Giáo dục là phải như thế. Nhưng trong sự mến, sự tôn kính đó phải có dân chủ và sự tương quan bình đẳng giữa con người với con người, con người đã trở thành của nhà giáo và con người sẽ trở thành của học trò.

Tôi hỏi em:

- Tại sao em hành động như vậy?

- ...

Không thấy em trả lời, tôi hỏi tiếp:

- Tại sao em không trả lời thầy? Em có biết em hành động như vậy là hỗn láo với thầy không?

- Em không hỗn láo với thầy!

- Không hỗn láo thì thách đố thầy!

- Em không dám thách đố thầy!

Qua hai câu trả lời của em, tôi đã biết chắc em không phải thuộc loại học trò hỗn láo và nguyên nhân thái độ của em nhất định phải do tôi, do sự không khéo léo của tôi, của một người thầy.

Và tôi đã tìm ra nguyên nhân đó ngay. Tôi hỏi em:

- Chắc lúc nãy thầy phạt oan em?

Vừa nghe câu hỏi gãi đúng nỗi uất ức đang đầy nghẹt trong đầu xong, em ấy òa lên khóc và thút tha thút thít nói:

- Hic!... Em không có phá!... Hic!... Thầy bảo em phá!... Hic!... Thầy phạt em!... Hic!... Thầy cho em dê rô!... Hic!... Hic!... Hic!...

Con trai mà khóc cái mặt trông thật tức cười.

Tôi dỗ em:

- Thôi nín đi! Đừng khóc nữa, cả lớp cười kìa! Tại sao không nói cho thầy biết? Thầy khó nhưng thầy rất dân chủ, thầy đâu có độc tài...

Thấy em nín khóc, tôi lại nói tiếp:

- Em có biết là em đập bàn như vậy là hỗn không? Học trò đâu có quyền làm thế. Có gì ức thì phải lên trình bày với thấy chứ, trừ khi nào thầy áp bức em...

Tôi chưa nói dứt câu, em ấy khoanh tay trước mặt tôi và nói:

- Em xin lỗi thầy!

Thế là thầy trò nhìn nhau êm đẹp. Nghĩ lại, tôi thấy mừng quá. Nếu lúc đó, tôi nóng giận xử theo lối thông thường "đưa em lên văn phòng đuổi em với lý do hỗn láo!" thì việc gì sẽ xảy ra? Nếu gặp một trường không buôn chữ, quí trọng giáo sư thì em đó sẽ bị đuổi vĩnh viễn, bơ vơ giữa niên khóa có thể hỏng cả một đời. Nếu gặp một trường chủ trương buôn chữ làm giàu thì trường ấy sẽ sa thải tôi với lý do tôi bất lực không trị nổi học sinh. Có thể xảy ra một trong hai trường hợp trên lắm. Cả hai trường hợp đều tạo ra đổ vỡ tan nát tình thầy trò. Hú hồn!

Tôi ôm hoài bão được làm một nhà giáo đích thực trong một ngôi trường đích thực với một chính sách giáo dục đích thực. Ước mơ nhỏ bé của tôi đã chạm vào một thực tế phũ phàng. Tôi đã, đang bị mất tự do và cá tính phải có trong thị trường chữ nghĩa chế ngự bởi các tay chữ phiệt thế lực khổng lồ. Tôi đã trở thành cái đinh con vít trong một cơ cấu phi nhân bóc lột tim óc con người. Có hoài bão, nhưng càng cố gắng thực hiện hoài bão của mình thì lại càng bị kẹt cứng trong guồng máy. Nhiều lúc tôi muốn phá tung tất cả. Nhiều lúc, tôi cảm thấy chán nản cô đơn tột cùng. Trong cuộc tranh đấu của giáo chức tư thục đòi tăng lương đã và đang diễn ra (đây không phải các thầy chỉ đòi tăng lương để vinh thân phì gia một cách tầm thường, mà là một cuộc tranh đấu đòi hỏi sự công bằng, đòi hỏi quyền nhà giáo trong viễn tượng hợp lý hóa nền giáo dục tư thục có ảnh hưởng quan trọng đến tương lai dân tộc đàng bị những tài phiệt giáo dục chi phối), vì có tên trong ban đại diện tranh đấu, tôi đã bị một giáo sư con cháu tay sai của các vị chủ trường khả kính chụp mũ... điểm mặt tôi là giáo sư không chân chính và đòi xin tôi tí huyết! Tôi không sợ, nhưng buồn!

Tôi càng cố gắng vươn lên trong nghề giáo để xứng đáng và khỏi hổ thẹn khi nhìn học trò thì tôi lại càng bị sa lầy cục cựa không nổi. Cơ cấu thị trường chữ nghĩa vĩ đại quá còn tôi chỉ là một cá nhân tay trắng nhỏ bé, yếu đuối tầm thường! Trời ơi! Trong cơ cấu thị trường chữ nghĩa, một nhà giáo muốn sống được phải biết khòm lưng cúi đầu!

Tôi bất mãn. Vì thế tôi thông cảm những người bất mãn, nhất là những em học trò bất mãn của tôi. Chính nhờ đó, tôi vừa thoát khỏi phạm một lỗi giáo dục nặng nề.

Tôi bất mãn nhưng tôi không bi quan tuyệt vọng. Tôi đã xoay đủ mọi cách, làm việc không ngừng theo khả năng sẵn có của mình. Hãy nhìn phía trước mà đi tới! Tôi tự khuyên tôi và những người đồng tâm trạng với tôi như thế.


Saigon 11-12-70          
HOÀNG ĐĂNG CẤP     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 144, ra ngày 1-1-1971)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>