Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

Tim Hồng 230

 

Tôi mở sổ điểm danh:

- Đầu bàn cho cô biết tên người vắng mặt!

- Thưa cô bàn 7B thiếu chị Trần thị Bạch Tuyết!

Lại Bạch Tuyết! Con bé vắng hôm nay nữa là 6 ngay không có lý do, trong lớp không ai biết nhà em để mang giấy thông cáo về cho gia đình em. Báo văn phòng cũng không biết gì hơn. Con bé này có vẻ ba đá lắm ạ, mặt rằn ri toàn vết thẹo nhỏ nhỏ. Trong 1 giờ sinh hoạt, Bạch Tuyết đã khoe với tôi:

- Em là nữ chúa ở khu Tân Lập nè cô!

Tôi cười dễ dãi:

- Nữ chúa cao bồi hả!

- Đủ hết cô, cao bồi nè, uýnh lộn nè, chửi lộn nữa nè. Em khỏi thua đứa nào đi! Mấy thằng ở khu Đông, khu Tây, khu Nam, khu Bắc đều ngán em hết trọi!

- Ghê vậy cơ à!

Tuyết thích chí cười lên khanh khách:

- Thiệt đó cô!

Tôi quên thật nhanh mẩu đối thoại ngắn ngủi đó, trong lớp Tuyết học gọi là cho có, giấc mộng của con bé thật bình thường!

- Học chi mệt, mẹ em bắt em ráng theo hết lớp 5 mới được nghỉ. Em chả thích học đâu cô. Đợi hết lớp 5 em nghỉ học đi bán với mẹ em nhiều tiền lắm cô!

- Mẹ em bán cái gì?

- Thịt. Thịt heo đó cô! Ui cha! Ngày tới cả mấy ngàn lận, tha hồ xài cô há!

Hôm khai giảng, chị của Tuyết đã nói với tôi:

- Cô đừng nẹt nó quá nghe cô cứ kệ nó học được đến đâu thì được, mẹ em dặn như vậy, bắt nó đi học để nó khỏi đi đánh nhau với con hàng xóm thôi cô.

Sự vắng mặt không lý do của con bé trong 6 ngày liền tôi nghi nó đã trốn học để đi phá phách ở đâu đó thôi. Bao giờ chán nó sẽ đi học lại, Tuyết đã xác nhận với tôi như vậy trong những lần nghỉ trước đây.

Mà... lần này sao nó nghỉ lâu thế nhỉ, thường chỉ 1 hoặc 2 ngày là cùng thôi chứ đâu có kéo dải cả tuần lễ như vậy? Hay là nó đau? Chắc là không, nó đau sẽ có chị đến xin phép liền mà.

Mải nghĩ ngợi quanh sự vắng mặt của Tuyết, tôi không để ý đến giờ giáo lý đã xong từ lâu, nghe Phương Loan nhắc:

- Cô, học giáo lý xong rồi!

Tôi giật mình, hôm nay thứ sáu có đo lường, à... tuần này học về mét vuông đây! Tôi cầm viên phấn viết lên giữa khung bảng đen 2 chữ "Đo lường" đậm nét. Tôi quên thật nhanh Bạch Tuyết với những ngày vắng mặt của nó.

- Các em nghe cô hỏi nhé. Rào chung quanh 1 thửa đất hình chữ nhật, em tính bằng...

- Đơn vị đo chiều dài là mét thường!

- Giỏi lắm, vậy chứ bây giờ cô muốn tính xem bề mặt của thửa đất ấy có bao nhiêu mét thì cô dùng...

- Mét vuông!

Tôi cười thật tươi:

- Đúng rồi! Lớp này giỏi ghê há! Khi muốn tìm diện tích, nghĩa là tìm bề mặt, em phải dùng mét vuông, và bài đo lường của chúng ta hôm nay là bài "Mét Vuông". Nghe cô giảng bài nào.

Tôi nắn nót viết hai chữ Mét Vuông màu đỏ ngay dưới 2 chữ đo lường vừa rồi.

- Các em nghe nhé!

Tôi chợt ngừng vì Phương Loan vừa giờ tay và đứng lên:

- Thưa cô, có khách ạ!

Tôi  bước xuống bục gỗ tiến ra cửa, cũng vừa gặp 1 bà ăn mặc khá lịch sự đang tiến vào, theo sau là Tuyết, con nhỏ Bạch Tuyết vắng mặt 6 ngày liền không lý do đang toét miệng cười với tôi:

- Cô!

Tôi gật đầu chào người đàn bà, khỏi phải nói, tôi cũng biết bà là mẹ của Tuyết. Bà nắm tay tôi thân mật:

- Cho chị gửi cháu nhé. Tiện đi đóng tiền học ghé lên thăm cô luôn.

Quay sang Tuyết, giọng bà nghiêm nghị:

- Tuyết không chào cô hả con?

Con bé lại cười:

- Con chào rồi mà má!

Bà lắc lắc tay tôi ân cần:

-Đỡ chưa mà đã đi dạy vậy? Cơ khổ, xe cộ bây giờ nó chạy ẩu lắm đó, may không sao chứ nó mà gẫy chân gẫy tay thì còn khổ nữa.

Tuyết che miệng cười, còn tôi ngơ ngác:

- Bác nói chi cơ?

Bà bóp mạnh tay tôi:

- Từ giờ thì cẩn thận đó nhé, lỡ ra lần nữa thì chết đó, tôi khiếp mấy vụ đụng xe này lắm.

Tôi ngẩn người:

- Cháu có bị xe đụng hồi nào đâu?

Đến lượt người đàn bà ngơ ngác:

- Thật ư? Sao cháu Tuyết nó bảo...

Tôi nhìn Tuyết, con bé che miệng cười:

- Con nói dối đó... má ơi! Cô hổng có bị xe đụng đâu!

Người mẹ trợn tròn mắt vì giận, bà quay sang tôi:

- Cô bị té trặc chân hở cô?

Tôi chưa kịp đáp, Tuyết lại kéo dài cái giọng nhão nhẹt:

- Con nói dối đó... má ơi! Cô hổng có té đâu!

Đôi lông mày người mẹ nhíu lại, cong lên giận dữ, bà mím đôi môi:

- Tuyết! Thế cô có ói mửa vì trúng gió không?

\- Cũng không có... má ơi! Con nói dối đó!

Tôi chưa kịp hiểu đối đáp của 2 mẹ con thì người mẹ nắm tay tôi:

- Thế ra cô vẫn đi dạy đều hả cô?

Tôi gật đầu, cười với bà:

- Vâng, cháu vẫn đi dạy mà, mà... sao Tuyết nghỉ học lâu vậy bác?

Mẹ Tuyết rút khăn thấm những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt, giọng bà mệt mỏi:

- Khổ quá đi mất thôi, con với cái! Cô để tôi nói đầu đuôi cho cô nghe. Hôm tuần trước ấy nó xách cặp đi một lát rồi xách cặp về, tôi hỏi "Sao con về?" nó bảo "Cô con mang giày cao quá, cổ leo cầu thang bị trợt chân té trẹo gân phải đưa cô về nhà rồi thày Hiệu Trưởng cho nghỉ đó má". Rồi hai hôm sau, nó lại đi rồi lại xách cặp về, tôi lại hỏi, nó bảo là "Cô con đang ngồi trên lầu cao bị gió cổ ói mửa tùm lum ra lớp, rồi cổ than chóng mặt này nọ, kế tụi con được về" - Ngày hôm sau, nó lại đi và về như vậy, tôi chưa kịp hỏi nó đã ong óng cái miệng từ cổng vào "Cô giáo con xui quá má ơi, hết té tới trúng gió bữa nay đi dạy bị xe hơi nó tông cho một cái té rầm xuống đường phải chở cổ vô nhà thương rồi, tụi con vẫn được nghỉ học" - Thế rồi, trưa nay, nó hối tôi đi đóng tiền học rồi còn nhõng nhẽo đòi tôi đưa nó đi học nữa, nó bảo bữa nay cô giáo đi dạy lại rồi, má lên thăm cổ đi, tôi có ngờ đâu? Quay sang Tuyết đang che miệng cười, giọng bà giận dữ:

- Tối nay má đánh con về tội nói dối nghe Tuyết, dám nói dối như vậy để mà trốn học.

Tôi điếng người trước những kể lể của mẹ Tuyết. Ghê quá, tôi như vậy đó sao? Mang giày cao bị té trặc gân, trúng gió ói mửa ra lớp và sau hết lại bị xe đụng phải nằm nhà thương. Tôi lành lạnh sống lưng và rờn rợn sau gáy. Tôi hoảng sợ vu vơ những lời Tuyết nói sẽ thành sự thật. - Tuyết vẫn bưng miệng cười, tôi thấy giận con bé quá chừng. Chút xíu mà đã dựng đứng những chuyện không có thật tài tình. Tôi nghiêm mặt hỏi Tuyết:

- Tuyết trù ếm cô dữ quá há?

Mẹ Tuyết nắm tay tôi:

- Con dại cái mang, cô đe cháu hộ tôi nhé, nó không muốn đi học cô ạ. Nghỉ 6 ngày ở nhà cứ nằm dài ra ngủ thôi. Giận quá cô ơi! Nhà cửa cũng đủ ăn đủ mặc, lo cho nó học hành tử tế mà nó có biết thương tôi đâu. Cháu nó dại, tôi xin cô nhé.

Nét mặt mẹ Tuyết buồn buồn trông thật tội, tôi cười với bà:

- Không có sao đâu bác, lát nữa cháu cũng phải nẹt cho mấy roi cái tội trốn học đó bác. Trẻ nhiều đứa tính nết nó kỳ cục lắm bác ạ.

Tuyết nguýt mẹ và quay sang tôi:

- Cô! Hổng phải em trù ếm cô đâu nghe cô, tại má em cứ bắt em đi học mà em chán học thấy mồ d8i!

Mẹ Tuyết lắc đầu, giọng bà ân cần:

- Má thương con má mới cho con đi học cho nở mày nở mặt với người ta, con chịu khó học mai mốt lớn lên làm cô giáo như cô đây nè.

Tuyết lại che miệng cười:

- Tự má bắt con đi học chớ con hổng ham làm cô giáo đâu má ơi! Làm cô giáo nghèo thấy mồ, má cho con bán với má ngày lời bao nhiêu tiền hổng sướng sao mà cứ bắt đi học hoài.

Tôi cốc nhẹ vào đầu Tuyết.

- Về chỗ đi Tuyết!

Khi Tuyết về chỗ rồi người mẹ còn dặn đi dặn lại "coi cháu hộ tôi cô nhé! Bận buôn bán nên ít giờ để ý đến chúng nó"
 
Lúc mẹ Tuyết về rồi, tôi im lặng nhìn xuống chỗ Tuyết ngồi, con bé đang loay hoay chép đề bài học hôm nay. Khuôn mặt con bé vẫn vô tư, bành thản, cái môi cong lên 1 chút. Đang viết, Tuyết ngẩng lên bắt gặp tôi đang nhìn xuống, nó cười và cúi xuống trang vở, cái cười hồn nhiên mà tôi nghe như Tuyết đang xác nhận lại: "Cô, hổng phải em trù ếm cô đâu nghe cô, tại má em cứ bắt em đi học, mà em chán học thấy mồ đi!".


Mt. HOA      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 230, ra ngày 1-1-1975)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>